18 tháng Tư, 2018 14:32
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.’
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài vào Bí tích Rửa tội: 2. Dấu chỉ Đức tin của người Ki-tô hữu.
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi mang đến những kết quả tốt cho các Phiên họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới sẽ diễn ra ở Washington thứ Bảy tới, và ngài lặp lại lời mời gọi cầu nguyện cho Vincent Lambert và bé Alfie Evans.
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong Mùa Phục sinh này chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Phép Rửa tội. Ý nghĩa của Phép Rửa nổi bật lên qua nghi thức cử hành; vì thế chúng ta hãy hướng sự chú ý đến nó. Suy nghĩ thật kỹ những cử chỉ và lời của phụng vụ, chúng ta có thể nhận ra được ơn sủng và cam kết của Bí tích này, nó phải được tái khám phá luôn luôn. Chúng ta nhắc lại nghi thức qua việc rảy nước phép, có thể thực hiện vào đầu Lễ Chúa nhật, cũng như lặp lại những lời hứa khi rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh. Thật vậy, những gì diễn ra trong việc cử hành Phép Thánh tẩy gợi lên một chiều kích thiêng liêng xuyên suốt cuộc đời của người được rửa tội; đó là sự khởi đầu của một tiến trình, nó cho phép chúng ta sống kết hiệp với Đức Ki-tô trong Giáo hội. Vì vậy, trở lại với nguồn cội của đời sống Ki-tô hữu dẫn đưa chúng ta đến cách hiểu rõ hơn về ơn sủng được lãnh nhận trong ngày Rửa tội của chúng ta, và để nhắc lại cam kết của chúng ta đáp lời cho Bí tích trong điều kiện sống chúng ta hôm nay — để nhắc lại cam kết, để hiểu rõ hơn ơn sủng này, đó là Phép Rửa, và để nhớ lại ngày Rửa tội của chúng ta. Thứ Tư tuần trước cha yêu cầu mọi người thực hiện bài tập tại nhà là tìm nhớ lại ngày lãnh nhận Phép Rửa của chúng ta — ngày chúng ta được rửa tội. Cha biết là một số anh chị em nhớ rõ, một số khác thì không. Những ai không nhớ phải hỏi cha mẹ của mình, những người cha mẹ đỡ đầu … hãy hỏi họ: “Ngày rửa tội của con là ngày nào?” Vì Phép Rửa là một sự tái sinh và nó như ngày sinh nhật thứ hai của chúng ta. Anh chị em hiểu rõ rồi chứ? Hãy thực hiện bài tập này ở nhà. Hãy hỏi: “Ngày rửa tội của con là ngày nào?”
Đầu tiên, trong nghi thức chào đón, ứng viên được hỏi tên, vì tên gọi là một đặc điểm riêng biệt của một con người. Khi chúng ta giới thiệu bản thân, chúng ta ngay lập tức nói tên của mình: “Tôi tên là,” vì không phải là người vô danh; vô danh là một người không có tên. Để thoát ra khỏi tình trạng vô danh, chúng ta liền giới thiệu tên. Nếu không có tên, người đó ở tình trạng vô danh, không được hưởng các quyền và nghĩa vụ. Thiên Chúa gọi từng người chúng ta bằng tên của mình, yêu thương từng người chúng ta, với tính cụ thể trong lịch sử của chúng ta. Phép Rửa làm bừng lên ơn gọi riêng của chúng ta để sống làm người Ki-tô hữu, và nó được phát triển trong suốt cuộc đời. Và nó muốn một câu trả lời riêng của mỗi người, không phải là vay mượn, theo kiểu “cóp-pi pát” (copy and paste). Quả thật, đời sống của người Ki-tô hữu được đan dệt bởi những tiếng gọi và sự đáp lời: Thiên Chúa tiếp tục gọi tên chúng ta qua suốt năm tháng, tiếng gọi của Người vang lên theo cả hàng ngàn cách thức để kết hiệp hài hòa với Con của Người là Đức Giê-su. Vì thế, tên gọi là rất quan trọng! Nó rất quan trọng! Cha mẹ thường đã chọn một cái tên để đặt cho con của họ trước khi sinh: đây cũng là một phần trong giai đoạn mong chờ một đứa trẻ ra đời, đứa bé sẽ có một đặc điểm riêng biệt qua cái tên của bé, và điều này cũng như vậy cho đời sống Ki-tô hữu của bé được kết hiệp với Thiên Chúa.
Chắc chắn trở thành một người Ki-tô hữu là một quà tặng bởi ơn trên (x. Ga 3:3-8). Không thể mua được đức tin, nhưng có thể xin đức tin và đón nhận như một món quà. “Lạy Chúa, xin ban cho con món quà đức tin,” đó là một lời cầu nguyện rất đẹp! “Xin cho con có đức tin,” là một lời cầu nguyện đẹp. Xin đức tin như một món quà, nhưng không thể mua nó, phải xin. Quả thật, “Phép Rửa là Bí tích của đức tin qua đó con người được soi sáng bởi ơn sủng của Chúa Thánh Thần, đáp lời cho Tin mừng của Đức Ki-tô” (nghi thức Rửa tội Trẻ em, Giới thiệu, s. 3). Việc huấn luyện cho người dự tòng và việc chuẩn bị của cha mẹ nhằm mục đích khơi dậy và đánh thức một lòng tin chân thành đáp lời cho Tin mừng, như là sự lắng nghe Lời Chúa qua chính việc cử hành Bí tích Rửa tội.
Nếu những người lớn dự tòng tự mình diễn tả điều họ muốn đón nhận như một món quà từ Giáo hội, thì cha mẹ, cùng với cha mẹ đỡ đầu, đại diện cho trẻ em. Sự đối thoại làm cho họ có thể bày tỏ khát khao rằng những đứa trẻ được lãnh nhận Phép Rửa và ý nguyện của Giáo hội cử hành nghi thức. “Dấu thánh giá là cách bày tỏ cho tất cả những ý này, Chủ tế và cha mẹ vẽ dấu thánh giá trên trán của trẻ” (Nghi thức Rửa tội trẻ em, Giới thiệu, s. 16). “Dấu Thánh giá, dấu khởi đầu của việc cử hành nghi thức, ghi dấu ấn của Đức Ki-tô trên người sắp sửa thuộc về Ngài và là dấu hiệu của ơn cứu độ Đức Ki-tô đã chiến thắng cho chúng ta bằng Thập giá của Người” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1235). Trong nghi thức chúng ta làm dấu thánh giá trên đứa trẻ. Nhưng cha muốn quay lại điều mà cha đã nói với anh chị em trước đây. Con cái của chúng ta có biết làm dấu Thánh giá đúng cách không? Rất nhiều lần cha nhìn thấy thiếu nhi không biết làm dấu Thánh giá. Và anh chị em là cha mẹ, là ông bà, là cha mẹ đỡ đầu, phải dạy cho chúng biết làm dấu Thánh giá đúng vì đó là lặp lại những gì đã được thực hiện trong Bí tích Rửa tội. Anh chị em hiểu rõ rồi chứ? Hãy dạy trẻ em biết làm dấu Thánh giá đúng cách. Nếu chúng được dạy từ nhỏ, chúng sẽ làm tốt về sau khi chúng lớn lên.
Thánh giá là dấu hiệu cho biết chúng ta là ai: lời nói, suy nghĩ, dáng vẻ, hành động của chúng ta mang dấu Thánh giá, cụ thể là mang dấu chỉ của tình yêu của Chúa Giê-su đến trọn đời. Trẻ em được ghi dấu trên trán. Người lớn dự tòng cũng được ghi dấu trên các giác quan với những lời đọc này: “Hãy nhận lấy dấu thánh giá trên tai để lắng nghe tiếng gọi của Chúa”; “trên mắt để nhìn thấy sự chói lọi của dung nhan Thiên Chúa”; “trên miệng để đáp lại Lời của Chúa”; trên ngực để qua đức tin, Đức Ki-tô cư ngụ trong trái tim của con”; “trên vai để hỗ trợ cho ách nhẹ nhàng của Đức Ki-tô” (Nghi thức Khai tâm Ki-tô cho người lớn, s. 85). Chúng ta trở thành người Ki-tô hữu tới mức độ Thánh giá được in dấu trong chúng ta như một dấu chỉ “vượt qua” (x. Kh 14:1; 22:4), làm cho cách sống của người Ki-tô trở nên hữu hình, thể hiện ra bên ngoài. Làm dấu Thánh giá khi chúng ta thức dậy, trước bữa ăn, trước một sự nguy nan, như một sự phòng vệ chống lại cái xấu, vào buổi tối trước khi ngủ, là muốn nói với bản thân chúng ta, nói với người khác, rằng chúng ta thuộc về ai, và chúng ta muốn là một người như thế nào. Đó là lý do tại sao việc dạy cho trẻ em làm dấu đúng cách là vô cùng quan trọng. Và cũng như chúng ta làm khi chúng ta vào nhà thờ, chúng ta có thể làm tương tự ở nhà, là giữ một bình nước phép nhỏ – một số gia đình có làm như vậy: và mỗi khi chúng ta vào nhà hay ra khỏi nhà, chúng ta làm dấu Thánh giá với nước để nhớ rằng chúng ta là người được rửa tội. Cha lặp lại, anh chị em đừng quên: hãy dạy cho trẻ em làm dấu Thánh giá đúng cách.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Thứ Bảy tới tại Washington sẽ diễn ra kỳ Họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới. Tôi động viên mọi nỗ lực tìm cách nâng cao đời sống của người nghèo, qua sự bao gồm về tài chính, thúc đẩy sự phát triển toàn diện thật sự và tôn trọng nhân phẩm.
Tôi xin hướng sự chú ý đến Vincent Lambert và bé Alfie Evans, và tôi muốn khẳng định và khẳng định chắc chắn rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ sự sống, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc tự nhiên! Và trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là làm tất cả mọi điều có thể để bảo vệ sự sống. Chúng ta hãy suy nghĩ trong thinh lặng và cầu nguyện để sự sống của tất cả mọi người được tôn trọng, và đặc biệt là sự sống của hai người anh em của chúng ta. Chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2018]