Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Đức Thánh Cha kết thúc các bài Giáo lý Chủ đề ‘Chữa lành Thế giới’ (Toàn văn)

Đức Thánh Cha kết thúc các bài Giáo lý Chủ đề ‘Chữa lành Thế giới’ (Toàn văn)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha kết thúc các bài Giáo lý Chủ đề ‘Chữa lành Thế giới’ (Toàn văn)

Đại dịch đã cho thấy sự cần thiết đối với phẩm giá, sự liên đới và bổ trợ

30 tháng Chín, 2020 14:46

ZENIT STAFF

 
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.05 trong Sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về chủ đề “Chữa lành thể giới,” tập trung vào ý “chuẩn bị cho tương lai cùng với Chúa Giêsu là Đấng giải thoát và chữa lành” (Trích Sách Thánh: Dt 12: 1-2).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài công bố về Tông thư Sacrae Scripturae affectus, nhân lễ nhớ ngày qua đời của Thánh Giêrônimô cách đây 16 thế kỷ.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần gần đây, dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta đã cùng nhau suy ngẫm về cách chữa lành thế giới đang chịu đựng tình trạng bất ổn mà đại dịch đã làm lộ rõ và nhấn mạnh. Tình trạng bất ổn đã có ở đó: đại dịch làm nó nổi rõ hơn, làm nổi bật nó lên. Chúng ta đã đi trên hành trình của phẩm giá, của tình liên đới và bổ trợ, là những con đường nền tảng để thăng tiến nhân phẩm và ích chung. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đặt mục đích noi theo những bước chân của Ngài, chọn người nghèo, suy nghĩ lại về việc sử dụng của cải vật chất, và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Giữa cơn đại dịch đang làm chúng ta khổ sở, chúng ta neo mình vào các nguyên tắc giáo lý xã hội của Giáo Hội, cho phép bản thân được hướng dẫn bởi đức tin, bởi đức cậy và đức ái. Ở đây, chúng ta đã tìm thấy sự trợ giúp vững chắc để trở thành những người dám thay đổi với ước mơ lớn, những người không bị cản trở bởi sự nhỏ mọn gây chia rẽ và đau thương, mà là những người khuyến khích thế hệ hướng đến một thế giới mới và tốt đẹp hơn.

Cha hy vọng hành trình này sẽ không kết thúc với bày giáo lý hôm nay của cha, nhưng hơn thế là để chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau tiến bước, để “luôn hướng mắt về Chúa Giêsu” (Dt 12: 2), như chúng ta đã nghe lúc đầu; mắt chúng ta luôn hướng về Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và chữa lành thế giới. Như Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chữa lành mọi loại bệnh tật (x. Mt 9, 35), Ngài đã cho người mù được nhìn thấy, người câm nói được, người điếc nghe thấy. Và khi Ngài chữa khỏi bệnh tật và sự khiếm khuyết về thể xác, thì Ngài cũng chữa lành tinh thần bằng cách tha thứ tội lỗi, vì Chúa Giêsu luôn tha thứ, cũng như những “nỗi đau xã hội” bằng cách bao dung những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (xem Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 1421). Chúa Giêsu, Đấng đổi mới và hòa giải mọi tạo vật (x. 2 Cr 5,17; Cl 1,19-20), ban cho chúng ta những ơn cần thiết để yêu thương và chữa lành như Người biết cách phải làm thế nào (x. Lc 10,1-9; Ga 15 : 9-17), chăm sóc tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hoặc quốc gia.

Để điều này có thể thực sự xảy ra, chúng ta cần phải chiêm ngắm và trân quý vẻ đẹp của mỗi con người và mọi tạo vật. Chúng ta được cưu mang trong lòng Thiên Chúa (xem Ep 1: 3-5). “Mỗi người chúng ta là kết quả của thánh ý của Chúa. Mỗi chúng ta được sắp xếp, mỗi chúng ta được yêu thương, mỗi người chúng ta đều cần thiết ”. Hơn nữa, mỗi tạo vật đều có điều gì đó để nói với chúng ta về Thiên Chúa là Đấng sáng tạo (xem Tông huấn Laudato si’, 69, 239). Chân nhận sự thật này và tạ ơn vì những mối liên kết mật thiết trong sự hiệp thông phổ quát của chúng ta với mọi người và mọi tạo vật sẽ khơi dậy “sự quan tâm quảng đại, đầy dịu dàng” (sđd., 220). Và nó cũng giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô hiện diện trong những anh chị em nghèo khổ và đau khổ của chúng ta, gặp gỡ họ, và lắng nghe tiếng khóc của họ và tiếng khóc của trái đất đang vang vọng (xem sđd, 49).

Những tiếng khóc này đòi hỏi chúng ta phải có một đường hướng khác (xem sđd, 53), đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, chúng ta sẽ có thể góp phần phục hồi lại những mối quan hệ với những ân ban và năng lực của chúng ta (xem sđd, 19). Chúng ta sẽ có thể tái tạo xã hội và không quay trở lại điều được gọi là “trạng thái bình thường”, một trạng thái bình thường đau yếu, vốn đã ốm yếu trước đại dịch: đại dịch đã làm nó lộ rõ! “Bây giờ chúng ta lại quay trở về “trạng thái bình thường”: không, điều này sẽ không có kết quả, bởi vì sự bình thường này đã trở nên bệnh tật với những bất công, sự bất bình đẳng và suy thoái môi trường. Trạng thái bình thường mà chúng ta được kêu gọi là Nước Chúa, nơi “người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11: 5). Và chẳng ai khờ dại mà lại nhìn theo hướng khác. Đây là điều chúng ta phải làm để thay đổi. Trong trạng thái bình thường của Nước Thiên Chúa, luôn có lương thực cho mọi người và tất cả đều có phần dư, cấu tạo xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân chia, không dựa trên sở hữu, loại trừ và tích lũy (x. Mt 14, 13-21).

Hành động tạo nên sự tiến bộ trong một xã hội, một gia đình, một khu xóm, hay một thành phố, tất cả, là sự cho đi chính mình, cho đi không phải là sự bố thí nhưng là trao tặng bằng con tim. Một hành động làm chúng ta xa cách khỏi tính ích kỷ và ham muốn chiếm hữu. Nhưng cách thức của người Kitô hữu để thực hiện điều này không mang tính máy móc: nó là cách thức của con người. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đã bị bộc lộ bởi đại dịch bằng những công cụ mới một cách máy móc – là những công cụ rất quan trọng, chúng cho phép chúng ta tiến tới và chúng ta không e sợ chúng – nhưng biết rằng ngay cả những phương tiện tinh vi nhất, có thể làm được nhiều việc, nhưng không có khả năng làm được một điều duy nhất: sự nhân ái . Và sự nhân ái chính là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Giêsu. Tiến đến với tha nhân để cùng nhau tiến bước, để chữa lành, để giúp đỡ, để hy sinh bản thân vì người khác.

Vì vậy, điều này rất quan trọng, là trạng thái bình thường của Nước Thiên Chúa: có lương thực cho mọi người, cấu tạo xã hội dựa trên sự đóng góp, chia sẻ và phân chia, với sự nhân ái; nó không dựa trên sự sở hữu, loại trừ và tích lũy. Vì đến cuối đời, chúng ta sẽ chẳng mang được bất cứ thứ gì sang đời sống bên kia!

Một loại virus nhỏ tiếp tục gây ra những vết thương cắt sâu và để lộ tính dễ bị tổn thương về thể chất, xã hội và tinh thần của chúng ta. Nó cho thấy sự bất bình đẳng lớn đang ngự trị trên thế giới: sự bất bình đẳng về cơ hội, bất bình đẳng về của cải, bất bình đẳng về việc tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe, bất bình đẳng về công nghệ, giáo dục: hàng triệu trẻ em không được đến trường, và danh sách này vẫn còn tiếp tục. Những bất công này không phải tự nhiên mà có và cũng không phải không tránh được. Chúng là tác phẩm của con người, chúng đến từ một mô hình tăng trưởng tách rời khỏi những giá trị sâu sắc nhất. Sự lãng phí thức ăn: với sự lãng phí đó người ta có thể nuôi sống người khác. Và điều này đã làm nhiều người mất hy vọng và gia tăng sự bấp bênh và đau khổ. Đó là lý do tại sao, để thoát khỏi đại dịch, chúng ta phải tìm ra phương pháp chữa trị không chỉ đối với coronavirus – nó đương nhiên quan trọng! – mà còn đối với những loại virus thuộc con người và kinh tế xã hội. Không được che giấu hoặc phủ lớp vôi để không nhìn thấy chúng. Và chắc chắn chúng ta không thể mong đợi một mô hình kinh tế làm nền móng cho sự phát triển thiếu công bằng và không bền vững nhằm giải quyết các vấn đề của chúng ta. Nó đã không và sẽ không vì nó không thể làm như vậy, cho dù một số ngụy tiên tri tiếp tục hứa “sự khuếch tán lợi ích” sẽ không bao giờ đến. Anh chị em đã nghe về thuyết của ly nước: điều quan trọng là ly nước phải đầy, rồi tràn xuống cho người nghèo và những người khác, và họ nhận được của cải. Nhưng rồi có một hiện tượng: cái ly sắp đầy, và khi gần đầy thì nó phình to lên và to dần lên, và nước không bao giờ tràn ra ngoài. Chúng ta phải cẩn thận.

Chúng ta cần làm việc cấp bách để đưa ra các chính sách tốt đẹp, thiết kế những hệ thống cấu tạo xã hội trân trọng sự tham gia, sự quan tâm và lòng quảng đại, thay vì thờ ơ, bóc lột và những lợi ích riêng. Chúng ta phải tiến bước với lòng nhân ái. Một xã hội công bằng và bình đẳng là một xã hội mạnh khỏe hơn. Một xã hội có sự tham gia củng cố tình hiệp thông – nơi mà “người sau rốt” cũng được xét như “người đầu tiên”. Một xã hội biết tôn trong sự đa dạng sẽ có khả năng đề kháng mạnh hơn rất nhiều đối với bất kỳ loại virus nào.

Chúng ta hãy đặt hành trình chữa lành này dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ của Sức khỏe. Xin Mẹ là Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng, giúp chúng ta biết trung tín hơn. Được Chúa Thánh Thần soi dẫn, chúng ta có thể cùng nhau làm việc cho Nước Thiên Chúa mà Đức Kitô đã khởi đầu từ trần gian này bằng cách đến ở giữa chúng ta. Đó là Vương quốc ánh sáng ở giữa bóng tối, Vương quốc công bằng ở giữa bao nhiêu oán hận, Vương quốc của niềm vui ở giữa quá nhiều đau khổ, Vương quốc của sự chữa lành và ơn cứu độ giữa những bệnh tật và sự chết, Vương quốc của sự nhân ái giữa hận thù. Xin Chúa ban ơn cho chúng ta để “làm lây lan” tình yêu thương và “toàn cầu hóa” niềm hy vọng dưới ánh sáng của đức tin.


Lời chào bằng Tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh, đặc biệt là các tân chủng sinh đến Roma để bắt đầu những năm đào tạo, và các phó tế của Trường Cao đẳng Giáo hoàng Bắc Mỹ. Xin Chúa nâng đỡ những cố gắng của họ để trở thành những người tôi tớ trung thành của Tin Mừng. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin chúc phúc cho anh chị em!


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Hôm nay cha đã ký Tông thư “Sacrae Scripturae effectus”, nhân kỷ niệm 16 thế kỷ ngày qua đời của Thánh Giêrônimô.

Xin tấm gương của vị tiến sĩ và đại giáo phụ của Hội Thánh, người đã lấy Kinh Thánh làm trung tâm của cuộc đời mình, khơi dậy trong mọi người một tình yêu mới đối với Kinh Thánh và lòng khát khao sống trong sự đối thoại riêng tư với Lời Chúa.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 01/10/2020]


Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn mới: thờ ơ là sự lựa chọn cách ly của ngày nay, để bảo vệ bản thân khỏi ‘virus’ thực tại

Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn mới: thờ ơ là sự lựa chọn cách ly của ngày nay, để bảo vệ bản thân khỏi ‘virus’ thực tại

The Pope Prays - Vatican Media Copyright

Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn mới: thờ ơ là sự lựa chọn cách ly của ngày nay, để bảo vệ bản thân khỏi ‘virus’ thực tại

Nói chuyện với tạp chí “Studia Moralia,” ngài nói rằng từ vùng ngoại vi, ‘anh sẽ nhìn thấy thực tại trần trụi, rất thật, không che đậy’

30 tháng Chín, 2020 12:20

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


“Tôi tin rằng thần học đạo đức phải giúp nâng cao nhận thức về những “tội” mà hiện nay thế giới đã biến nó trở thành sự bình thường và không còn nhìn thấy chúng là tội nữa”, Đức Giáo hoàng Phanxico nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí “Studia Moralia”, một tạp chí khoa học của Học viện Anphongsô. Phần đầu của cuộc phỏng vấn đã được đăng trên website của tạp chí.

Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi thận trọng suy tư về một số vấn đề đạo đức đặc biệt cấp bách trong bối cảnh đại dịch và giữa những sự biến đổi xã hội.

“Tất cả chúng ta phải hành động có trách nhiệm, chúng ta có muốn một tương lai nhân loại nhân ái hơn, không có nô lệ, không có những người nam và nữ bị bóc lột hay không. Chúng ta phải tự hỏi liệu chúng ta vẫn còn muốn có các quốc gia bóc lột quốc gia khác hay không. […,] Không thể chấp nhận được nếu lối suy nghĩ và cách sống này vẫn tồn tại sau cuộc đại khủng hoảng của đại dịch.

Đức Phanxico một lần nữa nhắc đến những vùng ngoại vi và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ.

“Thực tại được nhìn thấy tốt hơn từ các vùng ngoại ô. Trong khu trung tâm, bạn có một tầm nhìn ngọt lịm, bị bóp méo, trong khi ở vùng ngoại vi, bạn sẽ nhìn thấy thực tại trần trụi, rất thật, không che đậy.”

“Ngày nay sự thờ ơ là một cách bảo vệ bản thân. Đó là sự cách ly mà tôi tự chọn cho mình, để bảo vệ tôi thoát khỏi virus thực tại”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxico trở lại với sự giải thích “Giáo hội bước ra ngoài” có nghĩa gì đối với ngài, đó là “đi thẳng đến các vùng ngoại vi”. Nhưng theo nghĩa thực tế, rất chân thực.

“Chúng ta cần mở ra một cuộc gặp gỡ thực tế với những vùng ngoại vi của cuộc sống để không rơi vào cái bẫy đưa ra những phản ánh mang tính lý thuyết chưa bao giờ thật sự chạm đến những tấn kịch và vẻ đẹp của thực tại.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 01/10/2020]