Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị Khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị Khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị Khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống


Khán phòng Sala Clementina

Thứ Hai, 27 tháng Chín, 2021

____________________________________


Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân dịp Hội nghị Khoáng đại của anh chị em và tôi xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Paglia về những lời của ngài. Tôi cũng xin gửi lời chào đến nhiều vị học giả đang được kết nối qua internet.

Chủ đề anh chị em chọn cho những ngày làm việc này mang tính thời sự đặc biệt: đó là sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quả thật, cuộc khủng hoảng đại dịch đã làm cho “tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo” vang lên mạnh mẽ hơn nữa (Tông huấn Laudato si', 49). Chúng ta không thể trở nên điếc trước hai tiếng kêu này, chúng ta phải lắng nghe thật kỹ! Và đó là những gì anh chị em đặt ra để thực hiện.

Nghiên cứu phân tích nhiều vấn đề nghiêm trọng đã phát sinh trong hai năm qua không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Một mặt, chúng ta đã bị kiệt sức bởi đại dịch Covid-19, và sự thổi phồng của các bài phát biểu đã tăng lên: chúng ta gần như không muốn nghe về nó nữa và chúng ta vội vàng chuyển sang các chủ đề khác. Nhưng mặt khác, điều cần thiết là phải bình tĩnh suy xét phân tích chuyên sâu những gì đã xảy ra và để thoáng nhìn thấy con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, “lãng phí cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn chính cuộc khủng hoảng” (Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 31 tháng 5 năm 2020). Và chúng ta biết rằng một cuộc khủng hoảng không thoát ra giống nhau: hoặc chúng ta thoát ra và trở nên tốt hơn, hoặc chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng không giống như trước. Sự lựa chọn là ở trong tay của chúng ta. Và, tôi nhắc lại, lãng phí cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn chính cuộc khủng hoảng.

Tôi khuyến khích anh chị em trong cam kết này; và tôi nhận thấy động lực của sự phân định mà theo đó hội nghị của anh chị em diễn ra cách khôn ngoan và thích hợp: trước hết, hãy cẩn thận lắng nghe tình hình, để thúc đẩy sự chuyển đổi thực sự và đi đến việc vạch rõ những quyết định cụ thể để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tốt hơn.

Sự phản ánh mà anh chị em đã thực hiện trong những năm gần đây về đạo đức sinh học toàn cầu đang chứng tỏ là vô giá. Tôi đã khuyến khích anh chị em trong quan điểm này trong thư Humana Communitas, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Hàn lâm của anh chị em. Thật vậy, chân trời sức khỏe cộng đồng giúp chúng ta tập trung vào các khía cạnh quan trọng đối với sự chung sống của gia đình nhân loại, và để củng cố một kết cấu của tình bạn xã hội. Đây là những chủ đề trung tâm trong Tông huấn Tất cả là anh em (xem chương 6).

Cuộc khủng hoảng đại dịch đã làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta và giữa gia đình nhân loại với ngôi nhà chung sâu sắc như thế nào (xem Tông huấn Laudato si', 86; 164). Các xã hội của chúng ta, đặc biệt là ở phương Tây, có xu hướng quên đi tính liên kết với nhau này. Và hậu quả cay đắng đang ở trước mắt chúng ta. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc đảo ngược xu hướng có hại này là vô cùng cấp thiết, và có thể làm được điều đó thông qua sức mạnh tổng hợp giữa các lĩnh vực khác nhau. Cần có kiến thức về sinh học và vệ sinh, y học và dịch tễ học, nhưng cũng cần có kiến thức về kinh tế và xã hội học, nhân chủng học và sinh thái học. Ngoài việc hiểu được các hiện tượng, vấn đề tiếp theo là xác định các tiêu chuẩn công nghệ, chính trị và đạo đức cho hành động liên quan đến các hệ thống y tế, gia đình, công việc và môi trường.

Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực y tế, vì sức khỏe và bệnh tật không những được quyết định bởi các quá trình tự nhiên mà còn do đời sống xã hội. Hơn nữa, việc một vấn đề trở nên nghiêm trọng vì nó thu hút được sự chú ý và được giải quyết theo cách này là chưa đủ: nhiều vấn đề rất nghiêm trọng bị bỏ qua do thiếu cam kết đầy đủ. Chúng ta hãy nghĩ đến tác động tàn phá của một số căn bệnh như sốt rét và bệnh lao: sự thiếu thốn điều kiện vệ sinh gây ra hàng triệu ca tử vong có thể tránh khỏi trên thế giới mỗi năm. Nếu chúng ta so sánh thực tế này với mối lo ngại mà đại dịch Covid-19 đã gây ra, chúng ta sẽ thấy nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và sự huy động năng lượng và nguồn lực tương ứng là rất khác nhau.

Tất nhiên, chúng ta thực hiện tốt mọi biện pháp để ngăn chặn và đánh bại Covid-19 ở cấp độ toàn cầu, nhưng thời điểm lịch sử mà chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe làm cho chúng ta chú ý đến tính dễ bị tổn thương và sống trong tình trạng bấp bênh từng ngày. Bằng cách này, chúng ta cũng thấy mình phải chịu trách nhiệm về những điều kiện nghiêm trọng mà người khác đang sống mà cho đến nay chúng ta ít quan tâm hoặc không quan tâm đến. Bằng cách này, chúng ta sẽ học cách không đưa những ưu tiên của chúng ta vào các nhóm dân cư sống ở các lục địa khác, nơi các nhu cầu khác cấp bách hơn; chẳng hạn như không chỉ vấn đề thiếu vaccine mà còn thiếu nước uống và lương thực hàng ngày.

Tôi không biết nên cười hay nên khóc, đôi khi nên khóc, khi chúng tôi nghe những nhà người cai trị hoặc lãnh đạo cộng đồng khuyên người dân khu ổ chuột nên vệ sinh bản thân nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước. Nhưng bạn ơi, bạn chưa bao giờ đến một khu ổ chuột: ở đó không có nước, họ không biết đến xà phòng. “Không, đừng ra khỏi nhà!”: Nhưng ở đó ngôi nhà là toàn khu xóm, bởi vì họ sống ... Xin hãy quan tâm đến những thực tế này, ngay cả khi chúng ta phản ánh về sức khỏe. Do đó, việc cam kết phân phối vaccine cách công bằng và phổ cập là đáng hoan nghênh - điều này rất quan trọng - nhưng cần tính đến phạm vi rộng lớn hơn, trong đó cần có các tiêu chí công bằng tương tự, vì nhu cầu sức khỏe và nâng cao đời sống.

Việc xem xét sức khỏe ở nhiều khía cạnh và trên bình diện toàn cầu giúp chúng ta hiểu và giả định một cách có trách nhiệm về mối liên hệ giữa các hiện tượng. Và từ đó, quan sát rõ hơn về những điều kiện sống, là kết quả của các lựa chọn thuộc chính trị, xã hội và môi trường, đã tạo ra tác động như thế nào đến sức khỏe của con người. Nếu chúng ta nghiên cứu về tuổi thọ - và cuộc sống lành mạnh - ở các quốc gia và trong các nhóm xã hội khác nhau, chúng ta phát hiện ra những sự bất bình đẳng rất lớn. Chúng phụ thuộc vào các biến số như mức lương, trình độ học vấn, vùng cư trú ngay cả trong cùng một thành phố. Chúng ta khẳng định rằng sự sống và sức khỏe là những giá trị nền tảng như nhau cho tất cả mọi người, dựa trên phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị. Nhưng, nếu tuyên bố này không kèm theo cam kết thích đáng để vượt qua những bất bình đẳng, thì thật ra chúng ta chấp nhận một thực tế đau lòng rằng không phải tất cả mọi cuộc sống đều giống nhau và sức khỏe của tất cả mọi người không được bảo vệ theo cách giống nhau.

Và ở đây tôi muốn nhắc lại mối băn khoăn của tôi [mối quan tâm], là luôn có một hệ thống y tế miễn phí: những quốc gia có hệ thống y tế này, ví dụ như nước Ý và những quốc gia khác, có một hệ thống y tế miễn phí tốt, đừng để mất nó; đừng để mất nó, bởi vì nếu không, nó sẽ dẫn đến vấn đề rằng, đối với người dân, chỉ những người có khả năng chi trả mới được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, những người khác thì không. Và đây là một thách thức rất lớn.

Do đó, cần phải ủng hộ các sáng kiến quốc tế - chẳng hạn tôi đang nghĩ đến những sáng kiến được G20 thúc đẩy gần đây - nhằm tạo ra một sự quản trị toàn cầu vì sức khỏe của tất cả các cư dân trên hành tinh, nghĩa là có một bộ quy tắc rõ ràng được đồng thuận trên toàn thế giới, tôn trọng nhân phẩm. Thật vậy, nguy cơ xảy ra các đại dịch mới sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho tương lai.

Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống cũng có thể cống hiến một đóng góp quý giá theo nghĩa này, cảm nhận mình là một người bạn đồng hành của các tổ chức quốc tế khác cam kết thực hiện mục đích đó. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải tham gia vào các sáng kiến chung, và trong cuộc tranh luận công khai theo những cách thích hợp. Điều này đương nhiên đòi hỏi, nhưng không “làm nhẹ” các nội dung, rằng chúng ta cố gắng truyền đạt chúng bằng một ngôn ngữ phù hợp và những lập luận dễ hiểu trong bối cảnh xã hội hiện nay; để đề xuất nhân học Kitô giáo, được truyền cảm hứng bởi sách Khải huyền, cũng có thể giúp con người ngày nay tái khám phá “quyền căn bản của sự sống từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên”. [1]

Ở đây tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề chúng ta là nạn nhân của một nền văn hóa vứt bỏ. Đức ông Paglia đã đề cập đến một số điều trong bài phát biểu, nhưng sự loại bỏ trẻ em là điều mà chúng ta không muốn chấp nhận, với cái luật phá thai đem chúng đến tay “người tống tiễn” và trực tiếp giết chúng. Và ngày nay điều này đã trở thành “bình thường”, một thói quen xấu xa, nó thật sự là giết người, và để giúp hiểu rõ về nó có lẽ chúng ta đặt ra hai câu hỏi: có đúng đắn không khi loại bỏ, khi giết một con người để giải quyết một vấn đề? Có ổn không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Đây là nạn phá thai. Và về mặt khác, người cao tuổi: người cao tuổi cũng là “vật liệu phế thải,” vì họ không còn cần thiết ... Nhưng họ là sự khôn ngoan, họ là cội nguồn khôn ngoan của nền văn minh của chúng ta, và nền văn minh này loại bỏ họ! Vâng, ở nhiều nơi cũng có cái luật an tử “ngầm”, như cách tôi gọi nó: đó là cái luật khiến người ta nói rằng: “Thuốc thì đắt, chỉ được cấp một nửa”; và điều này đồng nghĩa với việc rút ngắn sự sống của người già. Bằng cách này, chúng ta phủ nhận niềm hy vọng: niềm hy vọng của trẻ em mang đến cho chúng ta sự sống giúp chúng ta tiếp tục tiến bước, và niềm hy vọng nằm trong nguồn cội mà người già trao cho chúng ta. Chúng ta loại bỏ cả người già và trẻ em. Và rồi sự loại bỏ hàng ngày này, sự sống bị loại bỏ. Chúng ta hết sức chú ý đến văn hóa loại bỏ này: nó không phải là vấn đề của luật này hay luật khác, nó là vấn đề loại bỏ. Và về điểm này [theo hướng này] anh chị em là các học giả, các trường đại học Công giáo, và thậm chí các bệnh viện Công giáo không được đi theo. Đây là con đường mà chúng ta không thể đi: con đường loại bỏ. và điều này đồng nghĩa với việc rút ngắn sự sống của người già.

Vì thế, nghiên cứu mà viện Hàn Lâm của anh chị em đã thực hiện trong những năm gần đây về chủ đề tác động của công nghệ mới đối với đời sống con người, và cụ thể hơn là về “những thuật toán” phải được chào đón, theo cách “khoa học thật sự phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ khoa học”. [2] Về vấn đề này, tôi khuyến khích hoạt động của Tổ chức renAIssance mới thành lập, nhằm phổ biến và nghiên cứu Rome Call for AI Ethics (Lời kêu gọi đạo đức trí tuệ nhân tạo của Roma), mà tôi tha thiết hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn anh chị em vì những cam kết và đóng góp mà viện Hàn lâm đã thực hiện bằng cách tích cực tham gia vào Ủy ban Covid của Vatican. Cảm ơn anh chị em vì điều này. Thật đẹp khi nhìn thấy sự hợp tác đang diễn ra trong Giáo triều Roma khi thực hiện một dự án chung. Chúng ta phải ngày càng phát triển những tiến trình này để cùng nhau thực hiện, mà tôi biết nhiều người trong anh chị em đã tham gia, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như người già, người tàn tật và trẻ nhỏ.

Với những tình cảm biết ơn này, tôi xin phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria công việc của Hội nghị và toàn bộ hoạt động của anh chị em trong vai trò là viện Hàn lâm để bảo vệ và thăng tiến sự sống. Tôi ban phép lành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi cần điều đó. Cảm ơn anh chị em!

________________________________________





[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2021]


Một kiệt tác nghệ thuật thánh được khám phá nhờ thiếu nhi … và kẹo cao su của chúng

Một kiệt tác nghệ thuật thánh được khám phá nhờ thiếu nhi … và kẹo cao su của các em

Một kiệt tác nghệ thuật thánh được khám phá nhờ thiếu nhi … và kẹo cao su của chúng

Aleteia / MR

Mathilde De Robien

14/09/21


Một bức họa thể hiện Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, do họa sĩ Francisco de Zurbaran vẽ năm 1661, gần như rơi vào quên lãng.

Kiệt tác quý hiếm này của một bậc thầy vĩ đại người Tây Ban Nha không được lưu giữ trong viện bảo tàng. Bức tranh vẽ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của họa sĩ Francisco de Zurbaran nằm bí mật sau các tấm lưới sắt trong hốc tường của nhà thờ Thánh Gervais-Saint Protais, ở Langon, một thị trấn nhỏ ở vùng Gironde, miền tây nam nước Pháp.

Tác phẩm được vẽ vào những năm cuối đời của họa sĩ và lấy chủ đề là Đức Maria Đồng Trinh tại thời điểm Lên trời, đang cầu nguyện, mặc một chiếc áo choàng xanh tung bay trong không khí dường như đang nâng Mẹ về phía thiên đàng. Họa sĩ Zurbaran đã vẽ một số bức tranh sơn dầu thể hiện Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, trong đó Đức Trinh Nữ xuất hiện gần như là một đứa trẻ, với mặt trăng dưới chân và vương miện mười hai ngôi sao trên đầu, như được mô tả trong Sách Khải huyền. Một trong những bức tranh đó được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Budapest, hai bức khác ở Bảo tàng Prado, và những bức khác ở nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Seville và trong bảo tàng giáo phận Sigüenza, cũng ở Tây Ban Nha. Sự phong phú của các bức tranh đã khiến các viện bảo tàng Châu Âu yêu cầu nhiều cuộc triển lãm ảnh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội của Langon. Trong những năm gần đây, bức tranh đã đến Paris, Bilbao và Dusseldorf, cùng những nơi khác.

Một kiệt tác nghệ thuật thánh được khám phá nhờ thiếu nhi … và kẹo cao su của chúng

Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, Francisco de Zurbaran, 1661, nhà thờ Thánh Gervais-Saint Protais ở Langon. Aleteia / MR

Điều thú vị là vị trí của bức tranh đã không được biết đến trong nhiều năm. Nó được phát hiện tại phòng áo của nhà thờ Thánh Gervais vào năm 1966 bởi Cha Ferbos, linh mục quản xứ. Câu chuyện chính thức kể rằng vị linh mục phát hiện ra bức tranh treo trên cao trong phòng áo, phủ đầy bụi và phân chim bồ câu. Tuy nhiên, bảng mô tả được treo trong nhà thờ kể một câu chuyện thú vị hơn nhiều. Bức tranh sơn dầu đã được phủ lên một lớp sơn để ngăn những kẻ trộm lấy cắp, đồng thời danh tính và giá trị thực sự của nó đã bị lãng quên. Trẻ em tham gia lớp học giáo lý sử dụng bức tranh làm mục tiêu trét kẹo cao su của chúng. Sau khi bị trét nhiều lần, có lẽ do sức nặng của kẹo cao su đè lên lớp sơn thừa đã khiến nó bong ra, và kiệt tác đã lộ diện. Ban đầu bức tranh được tặng cho thành phố Langon vào năm 1863 bởi Emile Pereire, nghị sĩ quận 3 của Gironde từ năm 1863 đến năm 1869. Bức tranh được xếp hạng là di tích lịch sử vào ngày 5 tháng Ba năm 1969.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/10/2021]