Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

‘Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày’

27 tháng Ba, 2019 14:41

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” Đức Thánh Cha tập trung phân tích lời cầu “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 14:15-19).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt. Sau đó ngài chào Sơ Maria Concetta Esu, nhà thừa sai ở Châu Phi, thuộc Dòng Thánh Giu-se ở Genoni, người mà ngài đã gặp ở Bangui (Cộng hòa Trung Phi) nhân dịp khai mạc Năm Thánh Thương xót.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta chuyển qua phân tích phần thứ hai của “Kinh Lạy Cha,” là phần chúng ta dâng lên Chúa những nhu cầu của mình. Phần này bắt đầu bằng câu mang hương vị của mỗi ngày: lương thực.

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su bắt đầu bằng một nhu cầu cấp bách, nó tương tự như lời khẩn nài của một người hành khất: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày!” Lời cầu nguyện này xuất phát từ thực tế mà chúng ta thường lãng quên, tức là chúng ta không phải là những thụ tạo tự dưỡng, mà hàng ngày chúng ta cần phải ăn uống.

Các Sách Thánh cho chúng ta thấy rằng nhiều người gặp gỡ Chúa Giê-su chỉ bắt đầu từ một vấn đề. Chúa Giê-su không đòi hỏi những lời khẩn nguyện trau chuốt, nhưng là toàn bộ cuộc sống của con người, với những vấn đề cụ thể nhất hàng ngày, đều có thể trở thành một lời cầu nguyện. Chúng ta tìm thấy trong Tin mừng nhiều người hành khất, họ nài xin được tự do và cứu độ. Người thì xin bánh ăn, người khác xin chữa lành, một số người xin được thanh tẩy, những người khác xin được sáng mắt, hoặc là xin cho một người thân yêu được sống lại … Chúa Giê-su không bao giờ thờ ơ bước qua trước những khẩu cầu và những nỗi đau khổ này.

Vì vậy, Chúa Giê-su dạy chúng ta xin Chúa Cha lương thực hàng ngày. Người dạy chúng ta làm việc này hiệp nhất với rất nhiều người nam và nữ để cùng với họ lời cầu nguyện này trở thành một tiếng kêu xin — thường được giữ thầm kín bên trong — cùng đồng hành với những mối lo âu mỗi ngày. Không biết bao nhiêu người mẹ và không biết bao nhiêu người cha, ngày hôm nay cũng vậy, đi ngủ với nỗi đau khổ vì không có đủ lương thực cho con cái của họ trong ngày hôm sau! Chúng ta hãy hình dung lời kinh này không đọc trong môi trường an toàn của một căn hộ tiện nghi, nhưng trong sự bấp bênh của một căn phòng vừa đủ chỗ cho chúng ta, nơi thiếu tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Lời của Chúa Giê-su mang lấy một sức mạnh mới. Sự cầu nguyện của Ki-tô hữu bắt đầu từ mức độ này. Nó không phải là một bài tập cho các nhà tu khổ hạnh; nó khởi đầu từ thực tế, từ tâm hồn và từ da thịt của con người đang sống thiếu thốn, hoặc những người đang chia sẻ tình trạng của những người không có được những thứ cần thiết để sống. Ngay cả những bậc thần nghiệm Ki-tô giáo cao nhất cũng không thể thực hiện mà không mang lấy sự đơn sơ của lời cầu xin này. “Lạy Cha, xin cho chúng con và cho tất cả mọi người hôm nay có được lương thực cần thiết.” Và “lương thực” ở đây cũng là đại diện cho nước sinh hoạt, thuốc trị bệnh, nhà cửa, việc làm … để xin những điều cần thiết cho cuộc sống. Lương thực mà một người Ki-tô hữu xin trong lời cầu nguyện không phải là cho “con” nhưng cho “chúng con. Đó là điều Chúa Giê-su muốn. Người dạy chúng ta xin lương thực không chỉ cho riêng chúng ta nhưng cho toàn thể anh chị em trên thế giới. Nếu chúng ta không cầu nguyện theo cách này thì “Kinh Lạy Cha” không còn là một lời kinh của Ki-tô giáo nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể trình diện trước mặt Ngài mà lại không dắt theo một người anh em khác? — tất cả chúng ta. Và nếu chúng ta ăn cắp lương thực mà Ngài ban cho chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta là con cái của Người? Lời kinh này chứa đựng một thái độ cảm thông và hiệp thông. Trong cái đói của tôi, tôi cảm nhận được cái đói của nhiều người, và rồi tôi dâng lời cầu xin lên Chúa cho đến khi lời cầu nguyện được nghe thấy. Đây là cách Chúa Giê-su dạy cho cộng đoàn của Người, Giáo hội của Người, để dâng lên Chúa sự thiếu thốn của tất cả mọi người: “Ôi lạy Cha, tất cả chúng con là con cái của Người, xin thương xót chúng con!” Và giờ đây thật tốt lành vô cùng cho chúng ta khi tạm lắng đọng lại một chút và nghĩ đến những trẻ em đang bị đói. Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em ở những quốc gia chiến tranh: những trẻ em đang đói khát của Yemen, những trẻ em đang đói khát của Syria, những trẻ em đang đói khát ở rất nhiều quốc gia nơi không có lương thực, ở Nam Sudan. Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em này, và khi nghĩ đến các em, chúng ta hãy cùng đồng thanh lớn tiếng kêu cầu: “Lạy Cha, xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” — tất cả cùng đồng thanh.

Lương thực mà chúng ta xin với Chúa trong lời cầu nguyện cũng sẽ là lương thực mà một ngày nào đó sẽ tố cáo chúng ta. Nó sẽ khiển trách về thái độ nhỏ bé của chúng ta bẻ bánh với người gần gũi với chúng ta, thái độ nhỏ bé chia sẻ nó. Nó là lương thực được ban cho nhân loại, nhưng thay vì vậy chỉ có một số ít người ăn nó: sự yêu thương không thể chịu được việc này. Sự yêu thương của chúng ta không thể chịu đựng được điều này; và tình yêu của Thiên Chúa cũng không thể chịu đựng được tính ích kỷ không chia sẻ lương thực.

Đã từng có một đám đông khổng lồ trước mặt Chúa Giê-su; họ là những người đang đói. Chúa Giê-su hỏi xem có ai đó thứ gì không, và chỉ có một cậu bé được tìm thấy sẵn sàng chia sẻ lương thực của mình: năm ổ bánh và hai con cá. Chúa Giê-su đã nhân gấp lên nhiều lần hành động quảng đại đó (x. Ga 6:9). Đứa bé đó đã hiểu được bài học của “Kinh Lạy Cha”: rằng lương thực không phải là một tài sản riêng tư – chúng ta hãy nhớ kỹ điều này trong lòng: lương thực không phải là một tài sản riêng tư –, nhưng theo ý quan phòng là để chia sẻ, với hồng ân của Thiên Chúa.

Phép lạ thật sự được Chúa Giê-su thực hiện ngày hôm đó không chú trọng quá nhiều đến việc nhân gấp lên nhiều lần — mà điều này là đúng –, nhưng là sự chia sẻ: hãy cho đi những gì bạn có và Chúa sẽ thực hiện phép lạ. Chính Người, qua cách hóa bánh ra nhiều, báo trước việc tự hiến thân mình trong Bánh Thánh Thể. Quả thật, chỉ Mình Thánh mới có thể làm thỏa mãn cơn đói sự trường sinh và khát khao Thiên Chúa cháy bỏng trong mỗi con người, và cả trong việc đi tìm lương thực hàng ngày.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


Tiếng Ý

Như hàng năm, chúng ta sẽ gặp nhau vào Thứ Sáu và Thứ Bảy tới trong dịp sáng kiến truyền thống: “24 giờ cho Chúa.” Lúc 5:00 chiều Thứ Sáu cha sẽ cử hành Phụng vụ Thống hối trong Vương cung Thánh đường Vatican. Thật đẹp biết bao nếu có thể được, nhân dịp đặc biệt này, các nhà thờ của chúng ta mở cửa lâu giờ hơn, để cầu xin lòng thương xót của Chúa và đón nhận lòng thương xót trong Bí tích Tha thứ.

Cha gửi lời chào đón nồng hậu đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý.

Cha rất vui được chào anh chị em hành hương của Giáo phận Palermo và Piazza Armerina, cùng với các đức giám mục, Đức ông Corrado Lorefice và Đức ông Rosario Gisana, vá các nhóm giáo xứ, đặc biệt giáo xứ Chiusi Stazione, có sự đồng hành của Đức Giám mục, Đức ông Stefano Manetti.

Cha gửi lời chào Phong trào United Dependents 118 Sicily; Hiệp hội Free and Strong của Pontinia và các trường học, đặc biệt các trường của Ladispoli, Fasano, Corropoli, và Naples.

Và cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ước mong rằng Mộ của các Thánh Tông đồ trở thành một cơ hội cho tất cả mọi người phát triển trong tình yêu thương của Chúa và cho phép bản thân được biến đổi bởi ơn Chúa, và ơn đó còn mạnh hơn mọi tội lỗi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican




Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha vinh danh Sơ Maria Concetta Esu

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta vui mừng vì có sự hiện diện của một người mà cha muốn giới thiệu với anh chị em. Đó là Sơ Maria Concetta Esu, thuộc Dòng Thánh Giu-se Genoni. Và tại sao cha lại làm như vậy?

Sơ Maria Concetta năm nay 85 tuổi và là một nhà thừa sai ở Châu Phi gần 60 năm, tại đây Sơ làm công tác phục vụ hộ sanh — xin cho Sơ một tràng pháo tay. Cha đã gặp Sơ tại Bangui khi cha đến khai mạc Năm Thánh Thương xót. Tại đó Sơ nói với cha rằng trong suốt cuộc đời Sơ đã giúp hàng ngàn trẻ em ra đời. Thật tuyệt vời! Ngày hôm đó Sơ thậm chí từ Congo đến trên một chiếc ca-nô — ở tuổi thứ 85 — để mua sắm tại Bangui.

Sơ đến Roma trong những ngày này để họp mặt với các Sơ trong Dòng, và Sơ đến tham dự Buổi Tiếp Kiến hôm nay với Bề trên của Sơ. Vì vậy cha nghĩ phải nhân cơ hội này để bày tỏ sự biết ơn với Sơ và gửi đến Sơ lời cảm ơn thật nhiều vì chứng tá của Sơ!

Sơ kính mến, nhân danh Giáo hoàng và Giáo hội, cha xin vinh danh Sơ. Đó là một dấu chỉ của sự kính yêu và của “lời cảm ơn” của mọi người cho tất cả những công việc Sơ đã làm giữa các chị em và anh em Châu Phi, phục vụ sự sống, phục vụ trẻ em, các bà mẹ, và các gia đình.

Với hành động dành riêng này cho Sơ, cha cũng muốn bày tỏ lòng tri ân tới tất cả các anh chị em nam và nữ thừa sai, các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người gieo rắc hạt giống Nước trời ở mọi miền thế giới. Thưa anh chị em nam nữ thừa sai, công cuộc của anh chị em thật vĩ đại. Anh chị em “đốt cháy” cuộc sống của mình để gieo Lời Chúa bằng chứng tá … Và trên thế gian anh chị em chẳng cần báo chí nhắc đến. Anh chị em không có mặt trên các bản tin của báo chí. Đức Hồng y Hummes, người chịu trách nhiệm Hội đồng Giám mục Brazil của toàn miền Amazonia, thường đến thăm các thành phố và làng mạc của vùng Amazonia. Và mỗi khi ngài đến đó — chính ngài kể với cha điều này — ngài đến viếng các nghĩa trang và thăm các ngôi mộ của các nhà thừa sai; rất nhiều cái chết trẻ vì bệnh tật vì họ không có đủ thuốc kháng sinh. Và ngài nói với cha: “Tất cả mọi người này xứng đáng được phong thánh,” vì họ đã “đốt cháy” cuộc sống của họ trong sự phục vụ.

Anh chị em thân mến, sau dịp này, Sơ Maria Concetta lại trở về Châu Phi. Chúng ta hãy đồng hành với Sơ trong lời cầu nguyện. Và ước mong rằng tấm gương của Sơ sẽ giúp tất cả chúng ta biết sống Tin mừng, ở nơi đó, ở nơi chúng ta sống.

Xin cảm ơn Sơ! Xin Chúa chúc lành cho Sơ và Đức Mẹ bảo vệ Sơ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2019]


Jim Caviezel có bài diễn văn Công giáo có thể coi là tuyệt vời nhất của thế kỷ 21

Jim Caviezel có bài diễn văn Công giáo có thể coi là tuyệt vời nhất của thế kỷ 21


20 tháng Ba, 2019

Diễn viên lừng danh của bộ phim ‘Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô’ kêu gọi thế hệ tiếp nối hãy “tống Lucifer trở lại hỏa ngục.”

Jim Caviezel chuẩn bị cho ra mắt bộ phim mới nhất về chủ điểm đức tin, Phaolô, Tông đồ của Đức Ki-tô — đã ra mắt mùa xuân năm ngoái — trong đó anh thủ vai Lu-ca Thánh sử. Như thông lệ đối với ngôi sao lừng danh nhất tham gia một bộ phim, anh đến hội nghị thượng đỉnh vai trò lãnh đạo của FOCUS (hội nghị SLS) để quảng bá cho bộ phim mới.

Có lẽ các sinh viên đại học đang mong chờ một diễn văn về bộ phim mới, nhưng những gì họ nhận được lại là một tiếng gọi phi thường đối với hành động làm chúng ta kinh hoàng. 

Đám đông xúc động khi nhìn thấy khuôn mặt rất dễ mến, rậm râu của Caviezel, tới mức dường như họ không thể giữ bình tĩnh được. Anh nhẹ nhàng đưa một ngón tay lên và cả khán phòng im lặng đủ để nghe thấy tiếng chiếc kim rơi xuống. Và Caviezel bắt đầu, phát biểu một cách nhẹ nhàng và đọc trong văn bản soạn sẵn của anh, có hơi vụng về một chút:

“Tên Sao-lô (Saul) có nghĩa là ‘Người Vĩ đại.” Tên Phao-lô (Phaolo) có nghĩa là ‘Người Nhỏ Bé.’ Khi làm bộ phim này tôi nghiệm ra rằng việc thay đổi một ký tự nhỏ bé mà chúng ta có thể làm lại trở thành vĩ đại trước mặt Chúa. Nó đòi hỏi chúng ta phải trở nên nhỏ bé nếu chúng ta muốn trở nên vĩ đại. Đây là con đường của các thánh. Đây là con đường nên thánh và đây là con đường Sao-lô trở thành Thánh Phao-lô.”

Anh tiếp tục nói về những ơn gọi và cách thức để chúng ta mở lòng phân định tiếng gọi. Anh nói đến việc anh hiểu được ý muốn của mình trở thành một diễn viên, khoảng thời gian căng thẳng trong vai diễn Edmond Dantes trong bộ phim The Count of Monte Cristo, cũng như những hy sinh của anh trong thời gian anh đóng vai Chúa Giê-su trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô). Anh nói:

“Khi tôi bị treo lên Thập giá ở đó, tôi hiểu được rằng sự đau khổ của Người là ơn cứu độ của chúng ta. Hãy nhớ rằng người hầu không bao giờ lớn hơn ông chủ. Mỗi người chúng ta phải mang thập giá riêng của mình. Đây là cái giá của đức tin chúng ta, cho sự tự do của chúng ta. Tôi đã thật sự bị trừng phạt theo nghĩa đen, bị đánh bằng roi da, bị đóng đinh, bị sét đánh, vâng, mổ tim hở — đó là những gì xảy ra sau năm tháng rưỡi bị hạ thân nhiệt (hypothermia).”

Anh thuật lại một thời điểm khi đang quay bộ phim Cuộc Khổ Nạn, lúc anh bị đè bên dưới thập giá và có ai đó lôi nó đi lệch hướng, làm cho anh bị trật khớp vai. Anh nói rằng đoạn phim này vẫn còn trong bản cắt cuối cùng của bộ phim và bình luận rằng sản phẩm diễn ra trong một phim trường, nhưng có thể chúng ta không bao giờ nhìn thấy một diễn xuất chân thực đến vậy. “Sự đau đớn làm cho diễn xuất của tôi nên thật, cũng như nó có trong cuộc sống của chúng ta.”

“Có rất nhiều đau đớn và đau khổ trước khi phục sinh và con đường của các bạn cũng sẽ như vậy. Vì thế hãy mang lấy thập giá của mình và chạy đua về đích. Tôi muốn các bạn hãy bước vào thế giới vô thần này và tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin của mình giữa mọi người. Thế giới đang cần những chiến binh kiêu hùng, làm chứng bằng niềm tin của họ. Những chiến binh như Thánh Phao-lô và Thánh Lu-ca là những người đã liều lĩnh với tên gọi và danh tiếng của mình để giữ đức tin, đem tình yêu của họ với Chúa Giê-su vào trong thế giới này.”

Anh nói về dân chủ và sự khác nhau giữa tự do làm những gì bạn muốn và tự do làm những gì bạn phải làm. Anh trích dẫn câu nói nổi tiếng của Cha Maximilian Kolbe, “Sự thờ ơ là tội lớn nhất của thế kỷ 20,” và anh nói thêm, “Thưa anh chị em của tôi, nó cũng là tội lớn nhất của thế kỷ 21.”

Anh tóm tắt toàn bộ diễn văn bằng đoạn trích dẫn bài diễn thuyết nổi tiếng trước khi lâm trận trong bộ phim Braveheart (Trái tim dũng cảm) trong đó hiệp sĩ William Wallace đẩy tinh thần hào hùng của quân đội ông bằng cách nói về sự tự do và điều chúng ta phải sẵn sàng làm để đạt được nó. Anh cắt ra một đoạn trích, nói với sự tự tin và bỏ sang một bên bài diễn văn soạn sẵn của mình:

“Mọi người đều phải chết. Không phải mọi người đều thật sự sống. Bạn, bạn, bạn. Các bạn của tôi, tất cả chúng ta phải chiến đấu cho sự tự do đích thực đó và sống. Lạy Chúa, chúng ta phải sống! Và với Thánh Thần như là tấm khiên cho các bạn và Đức Ki-tô là lưỡi gươm của bạn, các bạn hãy cùng với Thánh Mi-ca-e và tất cả các Thiên Thần tống Lu-xi-phe và tất cả bè lũ của hắn trở lại địa ngục là nơi thuộc về chúng!”

Thật thú vị khi theo dõi sự thay đổi nơi Caviezel khi anh thay đổi giữa văn bản soạn trước và phát biểu ứng khẩu. Dường như nó là sự minh họa trực tiếp cho sự khác nhau giữa “Người Nhỏ Bé” và “Người Vĩ Đại,” khi giây phút thể hiện sự xuất thần của anh qua đi, anh tựa vào bục phát biểu và nở nụ cười ngượng ngùng vì anh đã làm hỏng đoạn cuối của bài phát biểu soạn trước của mình.

Đọc văn bản của bài diễn thuyết cũng có chút công bằng; thật đáng xem toàn bộ video. Nó có thể khiến bạn xem bộ phim Paul, Apostle of Christ (Phaolô, Tông đồ của Đức Ki-tô) — hoặc thậm chí làm bạn nao lòng trước tinh thần quyết tâm của quân đội của Wallace trên một chiến trường nơi mà lợi thế chống lại họ.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2019]