Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Cha Lombardi tóm lược buổi họp về hội nghị Bảo vệ Trẻ Vị thành niên trong 12 câu hỏi và trả lời

Cha Lombardi tóm lược buổi họp về hội nghị Bảo vệ Trẻ Vị thành niên trong 12 câu hỏi và trả lời
ZENIT - HSM

Cha Lombardi tóm lược buổi họp về hội nghị Bảo vệ Trẻ Vị thành niên trong 12 câu hỏi và trả lời

“Giúp các giám mục hiểu trọn vẹn những gì các ngài phải làm”

21 tháng Hai, 2019 18:52

Cha Federico Lombardi, SJ, người điều phối cuộc họp về việc Bảo vệ Trẻ Vị thành niên trong Giáo hội, tóm lược trong 12 câu hỏi và trả lời về cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức ở Vatican, từ Thứ Năm, 21 tháng Hai đến Chúa nhật, 24 tháng Hai năm 2019.

1. Quyết định về việc tổ chức cuộc họp được đưa ra khi nào?

12 tháng Chín, 2018: Hội đồng Hồng y thông báo rằng Đức Thánh Cha đã quyết định triệu tập một cuộc họp với các Chủ tịch Hội đồng Giám mục về chủ đề “bảo vệ trẻ vị thành niên.”

23 tháng Mười Một, 2018: Đức Thánh Cha Phanxico chỉ định các thành viên cho Ủy ban Tổ chức và các tham dự viên.

18 tháng Mười Hai, 2018: Thông báo về việc gửi thư mời đến các tham dự viên với yêu cầu họ phải gặp gỡ các nạn nhân

16 tháng Một, 2019: Thông báo về việc chuẩn bị cho cuộc họp. Cha Federico Lombardi, SJ, được bổ nhiệm là người điều phối các Phiên họp Khoáng đại.

2. Đức Thánh Cha đề nghị điều gì?

Đức Thánh Cha đã giải thích ý định của ngài trên chuyến bay về từ Panama: để giúp các Giám mục hiểu trọn vẹn những gì các ngài phải làm. Liên quan đến điều này, ngài đã nói đến một “lớp giáo lý” bắt đầu từ các Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục.

Đức Thánh Cha muốn các ngài phải ý thức về thảm kịch và nỗi đau khổ của các nạn nhân. Tất cả điều này là để làm nổi bật lên ý thức trách nhiệm của mỗi Giám mục trong từng cá nhân và trong phần chung của tất cả các Giám mục và của toàn cộng đồng, cụ thể đó là Giáo hội.

Vì thế, Đức Thánh Cha muốn các ngài biết phương thức hành động như thế nào, bao gồm những tiến trình nào, những công việc phải được tiếp nối ở các cấp độ khác nhau (Giám mục giáo phận, Tổng Giám mục, Hội đồng Giám mục, các Bộ ở Vatican). Tất cả điều này đều đòi một trách nhiệm tương hỗ và có tính trách nhiệm mà mỗi người phải có với các Giám mục khác, trong Giáo hội và trong xã hội.

Nó hàm ý là “tính minh bạch” trong những trách vụ, những tiến trình và phương tiện để áp dụng chúng.

Bằn con đường này sẽ lấy lại được tính khả tín của Giáo hội và lòng tin của dân vào Giáo hội.

3. Những ai tham dự?

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ có mặt trong toàn thời gian của cuộc họp

Các Chủ tịch của 114 Hội đồng Giám mục: 36 từ Châu Phi, 24 từ Châu Mỹ, 18 từ Châu Á, 32 từ Châu Âu và 4 từ Châu Đại dương

  • 14 vị Đứng đầu các Giáo hội Công giáo Đông phương
  • 15 Đấng Bản quyền không thuộc bất cứ Hội đồng Giám mục nào
  • 12 Bề trên Tổng quyền (nam)
  • 10 Bề trên Tổng quyền (nữ)
  • 10 vị Đứng đầu các Bộ của Vatican
  • 4 thành viên của Giáo triều Roma
  • 5 thành viên của Hội đồng Hồng y
  • 5 người tổ chức, điều phối và diễn giả
  • Tổng cộng: 190 người
Để xem danh sách tên của các tham dự viên tại đây

4. Cuộc họp được chuẩn bị như thế nào?

Sau thông báo về cuộc họp diễn ra trong một phiên họp của Hội đồng Hồng y ngày 12 tháng Chín năm trước, cuối tháng Mười Một Đức Thánh Cha chỉ định một Ủy ban Tổ chức gồm 4 vị: Đức Hồng y Blase Cupich, Đức Hồng y Oswald Gracias, Đức Tổng Giám mục Charles Scicluna và Cha Hans Zollner, các vị trợ lý là Gabriella Gambino và Linda Ghisoni thuộc Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Một lá thư được gửi đến những người tham dự với một bản câu hỏi, và các câu hỏi được gửi đến hạn cuối là tháng Một, và một lời mời gọi gặp gỡ với các nạn nhân của sự lạm dụng tình dục do các thành viên trong giới giáo sĩ thực hiện trong các quốc gia của mình.

Những câu trả lời cho bản câu hỏi rất quan trọng (khoảng 90% được trả lời) và đóng góp một nguồn thông tin phong phú. Sẽ cần phải có nhiều thời gian để đọc kỹ lưỡng và đánh giá những câu trả lời, chủ yếu là những câu trả lời “mở” chứ không phải những câu “khép kín”. Thông tin cũng sẽ phục vụ để phản ánh thêm về các bước tiếp cận cụ thể trong các nền văn hóa khác nhau, kể cả sau Cuộc họp.

5. Cuộc họp đang bộc lộ những gì?

Những yếu tố cần thiết là: cầu nguyện và lắng nghe; trình bày và đặt câu hỏi; làm việc nhóm; kết luận của Giáo hoàng.

Cầu nguyện Sẽ có những thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện vào đầu và cuối mỗi ngày làm việc; một giờ Phụng vụ Sám hối sẽ diễn ra vào chiều thứ bảy, và vào Chúa nhật sẽ có một Thánh lễ đồng tế.

Báo cáo Sẽ có chín “báo cáo” (trình bày), ba báo cáo một ngày; hai vào buổi sáng và một vào buổi chiều, tiếp theo là phần câu hỏi và trả lời.

Các nhóm làm việc Mỗi ngày sẽ có hai khoảng thời gian dành riêng cho các nhóm làm việc, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều.

Đức Thánh Cha Phanxico Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đọc diễn từ khai mạc Cuộc họp, và nếu muốn, ngài sẽ có thể có bài phát biểu kết thúc vào cuối mỗi ngày. Ngài sẽ đọc huấn từ bế mạc Cuộc họp vào sáng Chúa nhật.

6. Những chủ điểm chính là gì?

Ba ngày sẽ tập trung vào ba chủ điểm chính:
  • Tinh thần trách nhiệm
  • Trách nhiệm giải trình
  • Tính minh bạch
Mỗi chủ điểm được trình bày rõ ràng trong ba “báo cáo” (trình bày).

Mỗi “báo cáo” sẽ tập trung vào một vấn đề liên quan:

Hình ảnh của người Giám mục và những trách nhiệm của ngài;

Mối quan hệ của Giám mục với các Giám mục khác;

Mối quan hệ của Giám mục với Dân Chúa và xã hội.

Sự lựa chọn “báo cáo viên” (diễn giả) được thực hiện theo cách đại diện cho tính đa dạng của các Lục địa, các nền văn hóa, các hoàn cảnh hiện tại trong Giáo hội. Trong số các diễn giả có ba phụ nữ.

7. Những người tham dự sẽ tham gia như thế nào?

Sau mỗi “báo cáo,” sẽ có một khoảng thời gian ngắt quãng ngắn dành riêng cho phần “hỏi và trả lời của “báo cáo viên”. Sau đó, các tham dự viên sẽ gặp gỡ và thành lập nhóm ngôn ngữ để thảo luận “các báo cáo.” Sẽ có mười nhóm ngôn ngữ; không phải là các nhóm lớn; các nhóm sẽ có khoảng 15 người để mọi người đều có trách nhiệm trình bày. Sau đó các nhóm sẽ làm báo cáo ngắn, và các nhóm sẽ chia sẻ với đại hội đồng trong phần cuối của ngày làm việc. Họ sẽ gửi một báo cáo viết tay để nghiên cứu thêm.

8. Việc lắng nghe các nạn nhân sẽ diễn ra như thế nào?

Việc lắng nghe các nạn nhân và thấu hiểu nỗi đau của họ là điểm cần thiết cho sự khởi đầu của một cam kết nghiêm túc chống lại sự lạm dụng tình dục. Vì lý do này mà trong suốt cuộc họp, thời gian được tính toán trước để dành riêng cho chứng ngôn của họ. Tuy nhiên, việc lắng nghe đó cần có đủ thời gian, mà trong thực tế lại rất giới hạn trong hội nghị.

Phần lắng nghe chính là phần đặt câu hỏi của các tham dự viên trong trong suốt thời gian chuẩn bị cuộc họp, để các ngài có ý thức về sự hiện hữu và tính nghiêm trọng của vấn đề trong quốc gia các ngài.

Trong quá trình Cuộc họp diễn ra, việc lắng nghe cần phải giới hạn: một video có 4-5 chứng ngôn khi khai mạc hội nghị; mỗi buổi tối, trong giờ cầu nguyện sẽ có một chứng ngôn.

Dĩ nhiên, cuộc họp nhằm tăng sự nhạy cảm đối với nhu cầu thường xuyên lắng nghe các nạn nhân.

9. Giờ cầu nguyện sẽ diễn ra như thế nào?

Nó là một cuộc họp của hội thánh, chủ yếu là của các Mục tử trong Giáo hội. Vì vậy, cầu nguyện là vô cùng quan trọng. Trách nhiệm của các Mục tử đối với Giáo hội và xã hội — nó là một khía cạnh quan trọng của cuộc Họp — nhưng đặc biệt là trước mặt Chúa. Điều này phải xác định cho bầu khí của hội nghị, cũng là một cuộc “kiểm tra lương tâm” của Giáo hội và sự sám hối, của sự xin tha thứ, thanh tẩy và đổi mới. Phụng vụ Sám hối là một thời khắc rất quan trọng của Cuộc họp, cũng như Thánh Lễ Đồng tế bế mạc trước khi mỗi vị trở về nơi họ thi hành trách nhiệm và sứ vụ của mình.

10. Sẽ có một tài liệu đúc kết, một bản tuyên bố, một chương trình hành động?

Một Tài liệu đúc kết chưa được dự đoán. Trong khuôn khổ của cuộc họp, Đức Thánh Cha sẽ trình bày phần kết luận trong một huấn từ ngài đọc vào cuối Thánh Lễ vào sáng Chúa nhật.

Tuy nhiên, bản thân cuộc họp là thời gian để lắng nghe lẫn nhau và đồng trách nhiệm, dự kiến các nhà tổ chức và những vị đứng đầu các Bộ sẽ họp trong các ngày sau đó, để rút ra những kết quả hoạt động của hội nghị và theo dõi kết quả của những cam kết, để các tác nhân, các đề xuất và các biện pháp đã vạch ra có thể được thực hiện một cách hiệu quả và mỗi Bộ hoặc Viện đều biết mình phải chịu trách nhiệm những gì.

11. Làm thế nào có thể thu thập được những hoa trái của cuộc họp?

Mỗi người tham dự sẽ có một bìa hồ sơ chứa các văn bản của lời cầu nguyện và phụng vụ, với văn bản của “các báo cáo” đều được dịch ra ngôn ngữ theo sự lựa chọn của họ, với các thông tin liên lạc và các văn bản khác hoặc vade mecum được chuẩn bị trước cuộc họp. Tất nhiên, tất cả các tài liệu này cũng sẽ có sẵn dưới các hình thức điện tử, để có thể dễ dàng truyền đạt tới các thành viên của các Hội đồng Giám mục và cho những người quan tâm khác.

12. Câu trả lời cho “những người bi quan” đối với kết quả là gì?

Sự bi quan tùy thuộc vào một kỳ vọng sai lầm. Tất cả các vấn đề của Giáo hội sẽ không thể giải quyết dứt điểm trong bốn ngày. Nó là một giai đoạn trong một quá trình dài mà cộng đoàn giáo hội đã khởi xướng hơn 15 năm trước và vẫn sẽ được theo đuổi trong một thời gian dài. Đức Thánh Cha giải thích rằng đó là việc tạo ra một động lực mới giúp tất cả các Giám mục, và do đó là toàn thể Giáo hội, tiến lên một bước theo hướng tốt trong tinh thần đoàn kết.

Tuy nhiên, trước hết, đã có rất nhiều kết quả mà chúng sẽ không tồn tại hoặc sẽ bị trì hoãn nếu không có Cuộc họp. Rất nhiều câu trả lời của các Giám mục cho bản câu hỏi chứng thực cho việc động viên của các ngài, cũng như các cuộc gặp gỡ của các ngài với nhiều nạn nhân, cho thấy sự nhạy cảm được củng cố. Một số Hội đồng Giám mục đã đẩy nhanh việc chuẩn bị và kết luận cho các hướng dẫn của họ về chủ đề này; những Hội đồng khác đã có quyết định (ví dụ, Hội đồng Giám mục Ý đã thực hiện một Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Trẻ Vị thành niên). Các quy phạm khác đang được chuẩn bị có thể sẽ cho thấy ánh sáng trong Cuộc họp.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2019]


Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta được nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng

Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta được nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng

Tại Tổ chức Lương Nông LHQ, Đức Thánh Cha đọc diễn từ tại Hội đồng Lãnh đạo IFAD và một nhóm Người Thổ dân

14 tháng Hai, 2019 17:32

“Ước mong rằng chúng ta nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói và một mùa vụ bội thu của sự công bình và thịnh vượng.”

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ niềm hy vọng này khi gặp gỡ các tham dự viên trong Đại Hội đồng của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tại cơ sở của FAO ở Roma. Sáng nay 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxico đã đọc diễn từ trong buổi khai mạc của cuộc họp Hội đồng Lãnh đạo thường niên lần thứ 42.

Cơ quan IFAD của LHQ hoạt động để xóa nạn nghèo đói trong những vùng sâu vùng xa của các quốc gia đang phát triển. Làm việc với các chính quyền địa phương, cơ quan xây dựng những dự án cấp vốn nhằm giúp cho người dân vùng nông thôn tự lo liệu cho bản thân.

Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta được nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng

Trình bày trước Hội đồng Lãnh đạo, Đức Phanxico thẳng thắn nói: “Sự có mặt của tôi nhằm mục đích mang đến đây những khao khát và nhu cầu của rất nhiều anh em của chúng ta đang đau khổ trên thế giới.”

Đức Phanxico nhắc lại rằng cộng đồng quốc tế đã soạn thảo Chương trình Hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030, và cần phải thực hiện những bước đi xa hơn để đạt được 17 mục tiêu trong đó. Liên quan đến vấn đề này, Đức Thánh Cha nhận xét, sự đóng góp của IFAD là vô cùng quan trọng để có thể hoàn thành được hai mục tiêu đầu tiên của Chương trình Hành động, đó là những mục tiêu liên quan đến việc xóa nghèo, cuộc chiến chống lại nạn đói và thúc đẩy chủ quyền lương thực.

Ngài lưu ý rằng sẽ chẳng có điều nào ở đây trở nên khả thi nếu không đạt được sự phát triển nông thôn, một sự phát triển mà ngài nhận thấy đã được nói đến trong một thời gian rất lâu nhưng vẫn chưa có kết quả gì.

“Và sự ngược đời là phần lớn trong số hơn 820 triệu người đang chịu đựng cái đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đều sống ở khu vực nông thôn, và – điều này là nghịch lý – họ đều gắn kết trong công việc sản xuất lương thực và làm nông. Ngoài ra, sự di dân từ thôn quê lên thành thị là một khuynh hướng toàn cầu mà chúng ta không thể bỏ qua không xét đến.”

Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta được nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng

Vì thế, ngài nói, sự phát triển địa phương có giá trị cho riêng nó chứ không phải về các mục tiêu khác. “Mục đích là để bảo đảm rằng mỗi người và mỗi cộng đồng đều có thể nhận ra đầy đủ năng lực của chính họ, từ đó sống đời sống con người xứng đáng với cái tên đó.” Ngài nói, điều cần thiết để giúp họ nhận thức được điều này, không phải từ trên đưa xuống, nhưng cùng với họ và cho họ.

“Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trong các quốc gia và các tổ chức liên chính phủ, cũng như những người có thể đóng góp từ các khu vực công và tư nhân, phát triển các kênh cần thiết để có thể thực hiện các biện pháp phù hợp ở các vùng nông thôn trên trái đất, để họ có thể trở thành những kiến trúc sư có trách nhiệm đối với việc sản xuất và tiến độ của nó.”

Vị Giáo hoàng dòng Tên nói thêm với họ rằng, “Ước mong rằng công việc của quý vị, với những đêm không ngủ và sự cân nhắc thận trọng vì lợi ích của những người bị loại bỏ và những nạn nhân của sự thờ ơ và ích kỷ, và ước mong rằng chúng ta nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói và một mùa vụ bội thu của công bình và thịnh vượng.”

Đức Thánh Cha với IFAD: ‘Ước mong rằng chúng ta được nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn của nạn đói & một mùa vụ bội thu của công bình & thịnh vượng

Vào lúc 8:50 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxico đã tới trụ sở của FAO tại Roma để dự cuộc họp với những người tham dự lễ khai mạc Phiên họp thứ 42 của Hội đồng Lãnh đạo IFAD. Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được ông Gilbert F. Houngbo, chủ tịch của IFAD, tiếp đón. Sau khi ký Sổ Danh dự và tặng quà, ngài đi đến Hội trường nơi diễn ra lễ khai mạc.

Sau khi đọc diễn từ trước Hội đồng Lãnh đạo, Đức Phanxico chào mừng một nhóm đại diện những dân tộc bản địa và chào ban nhân viên IFAD. Gần 11 giờ sáng, Đức Thánh Cha rời khỏi trụ sở FAO tại Roma và trở về Vatican.

Dưới đây là diễn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha trước Hội đồng Lãnh đạo IFAD, trước nhóm đại diện những người bản địa và nhân viên của IFAD, do Vatican cung cấp:


***

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Hội đồng Lãnh đạo IFAD

Thưa ông Chủ tịch IFAD,

Thưa quý vị nguyên thủ các quốc gia,

Thưa ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Ý,

Thưa các vị Bộ trưởng,

Thưa các Phái đoàn và Đại diện Thường trú của các Chính phủ Thành viên,

Thưa quý vị:

Thưa ông Chủ tịch là người thay mặt cho Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới (IFAD), trong sự vui mừng tôi nhận lời mời mà ông đã gửi cho tôi để tham dự lễ khai mạc phiên họp thứ bốn mươi hai của Hội đồng Lãnh đạo của Tổ chức liên chính phủ này.

Sự có mặt của tôi nhằm mục đích mang đến đây những khao khát và nhu cầu của rất nhiều anh em của chúng ta đang chịu đau khổ trên thế giới. Tôi ước chúng ta có thể nhìn vào khuôn mặt của họ mà không cảm thấy xấu hổ, vì cuối cùng lời khẩn cầu của họ đã được nghe thấy và những mối quan tâm của họ được giải quyết. Họ sống trong những tình trạng bấp bênh: không khí bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, các dòng sông bị ô nhiễm, đất bị axit hóa; họ không có đủ nước cho bản thân hoặc cho mùa màng của họ; cơ sở hạ tầng vệ sinh của họ rất thiếu, nhà cửa không đủ và rất khiếm khuyết.

Về mặt khác, những hoàn cảnh này vẫn tiếp tục trong một thời điểm khi xã hội của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực khác về kiến thức. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với một xã hội có khả năng thúc đẩy các mục tiêu tốt đẹp của nó; và cuộc chiến chống lại nạn đói cũng sẽ giành phần thắng, nếu nó được thực hiện nghiêm túc. Sự quyết tâm trong cuộc chiến này là điều tối quan trọng, để chúng ta có thể nghe thấy – không giống như một khẩu hiệu mà là một sự thật – “Nạn đói không có hiện tại hoặc tương lai. Chỉ là quá khứ”. Để đạt được như vậy, cần có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và những người sở hữu các tài nguyên. Không thể trốn tránh trách nhiệm, hoặc đùn đẩy từ người này sang người khác, nhưng phải gánh vác lấy để đưa ra các giải pháp cụ thể và thực tế. Đây là những giải pháp cụ thể và thực tế mà chúng ta phải truyền từ người này sang người khác.

Tòa Thánh luôn khuyến khích những nỗ lực của các cơ quan quốc tế nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói. Lùi lại vào tháng 12 năm 1964, Thánh Phaolô VI ở Bombay đã đề nghị và sau đó nhắc lại trong các trường hợp khác, việc thành lập Quỹ Toàn cầu để chống đói nghèo và tạo động lực quyết định cho sự phát triển toàn diện của các khu vực nghèo khó nhất của nhân loại (x. Diễn từ trước những tham dự viên Hội nghị Thế giới về Lương thực, ngày 9 tháng 11 năm 1974). Và kể từ đó, những vị kế nhiệm của ngài tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến tương tự, trong đó một trong những ví dụ điển hình nhất là IFAD.

Phiên họp thứ 42 của Hội đồng Lãnh đạo IFAD tiếp tục đi theo luận lý này và đứng trước mặt mình là một công cuộc thú vị và rất quan trọng: tạo ra những cơ hội chưa từng có, để xua tan sự do dự và đưa vào trong từng thành phố những điều kiện để đối mặt với những nhu cầu tác động đến nó. Cộng đồng quốc tế đã soạn thảo Chương trình Hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030, cần phải thực hiện những bước đi xa hơn để đạt được 17 mục tiêu trong đó. Liên quan đến vấn đề này, sự đóng góp của IFAD là vô cùng quan trọng để có thể hoàn thành được hai mục tiêu đầu tiên của Chương trình Hành động, đó là những mục tiêu liên quan đến việc xóa nghèo, cuộc chiến chống lại nạn đói và thúc đẩy chủ quyền lương thực. Và sẽ chẳng có điều nào ở đây trở nên khả thi nếu không đạt được sự phát triển nông thôn, một sự phát triển đã được nói đến trong một thời gian rất lâu nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Và sự ngược đời là phần lớn trong số hơn 820 triệu người đang chịu đựng cái đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đều sống ở khu vực nông thôn, và – điều này là nghịch lý – họ đều gắn kết trong công việc sản xuất lương thực và làm nông. Ngoài ra, sự di dân từ thôn quê lên thành thị là một khuynh hướng toàn cầu mà chúng ta không thể bỏ qua không xét đến.

Vì thế, sự phát triển địa phương có giá trị cho riêng nó chứ không phải về các mục tiêu khác. Mục đích là để bảo đảm rằng mỗi người và mỗi cộng đồng đều có thể nhận ra đầy đủ năng lực của chính họ, từ đó sống đời sống con người xứng đáng với cái tên đó. Điều cần thiết để giúp họ nhận thức được điều này, không phải từ trên đưa xuống, nhưng cùng với họ và cho họ – “pour et avec”, như lời ông Chủ tịch nói.

Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm trong các quốc gia và các tổ chức liên chính phủ, cũng như những người có thể đóng góp từ các khu vực công và tư nhân, phát triển các kênh cần thiết để có thể thực hiện các biện pháp phù hợp ở các vùng nông thôn trên trái đất, để họ có thể trở thành những kiến trúc sư có trách nhiệm đối với việc sản xuất và tiến độ của nó.

Không thể giải quyết các vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của nhiều anh em của chúng ta trong thời điểm hiện tại theo cách cô lập, ngắt quãng xa hoặc thoáng qua. Hơn bao giờ hết ngày nay chúng ta phải cùng chung sức, đạt được sự đồng thuận, tăng cường các mối dây liên kết. Những thách đố hiện tại quá khó khăn và phức tạp đến mức chúng ta không thể tiếp tục đối mặt với chúng một cách ngắt quãng, bằng các giải pháp khẩn cấp. Cần phải cấp cho những người chịu ảnh hưởng bởi sự nghèo đói sự quản lý trực tiếp, không đơn thuần xem họ chỉ là những người nhận viện trợ vì nó có thể gây ra tính phụ thuộc. Khi một dân tộc quen với tính phụ thuộc, dân tộc đó không phát triển. Mục đích luôn để khẳng định tính trung tâm của nhân vị, hãy nhớ rằng “những tiến trình đang định hình không thể luôn luôn phù hợp với các khuôn khổ áp đặt từ bên ngoài; cần phải đặt nền tảng trên văn hóa địa phương” (Tông huấn Laudato si’, 144), tức là luôn thuộc cội nguồn. Và theo ý nghĩa này, cũng như đã xảy ra trong những năm gần đây, IFAD đã đạt được những kết quả tốt hơn qua việc phân quyền rộng hơn, thúc đẩy sự hợp tác Nam-Nam (south-south cooperation), đa dạng hóa các nguồn tài trợ và phương thức hành động, và thúc đẩy hành động dựa trên bằng chứng, đồng thời tạo ra kiến thức. Tôi khuyến khích quý vị hãy tiếp tục tiến bước trên con đường này, đó là con đường khiêm nhường, nhưng là một con đường đúng đắn. Một con đường luôn dẫn đến kết quả là việc cải thiện điều kiện sống của những người thiếu thốn nhất.

Cuối cùng, tôi chia sẻ với một số suy tư cụ thể hơn về chủ đề “Đổi mới Nông thôn và Khởi nghiệp Nông thôn” hướng dẫn cho phiên họp này của Hội đồng Lãnh đạo IFAD. Cần phải đặt cược vào sự đổi mới, năng lực quản lý, khả năng điều hành của các tác nhân địa phương và tính hiệu quả của những tiến trình sản xuất để đạt được sự chuyển đổi nông thôn, để xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và phát triển môi trường nông thôn một cách bền vững. Và trong bối cảnh đó, cần phải thúc đẩy một “nền khoa học theo lương tâm” và thực sự đưa công nghệ vào phục vụ người nghèo. Mặt khác, những công nghệ mới không nên đối chọi với văn hóa địa phương và kiến thức truyền thống, mà nên bổ sung và hành động trong sự hiệp lực với chúng.

Tôi khuyến khích tất cả quý vị hiện diện ở đây, và những quý vị làm việc trong Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới, để công việc, những nỗ lực và sự cân nhắc của quý vị có thể vì lợi ích của những người bị loại bỏ – trong văn hóa loại bỏ này – và vì lợi ích của các nạn nhân của sự thờ ơ và ích kỷ; từ đó chúng ta có thể đánh bại hoàn toàn nạn đói và có một vụ mùa bội thu của công bình và thịnh vượng. Xin cảm ơn quý vị.

[Các diễn từ (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/2/2019]