Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 14 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 14 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 14 tháng Tám, 2022

____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu có một cách diễn đạt luôn đánh động chúng ta và thách đố chúng ta. Khi đang đi với các môn đệ, Ngài nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12:49). Ngài đang nói về lửa gì? Và những lời này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay, lửa mà Chúa Giêsu mang đến?

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đến để mang Tin Mừng xuống cho thế gian, tức là tin vui về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Như vậy, Ngài nói với chúng ta rằng Tin Mừng giống như lửa, bởi vì nó là một thông điệp sẽ thiêu cháy những sự cân bằng xưa cũ của đời sống khi nó bừng lên trong lịch sử, đốt cháy những sự cân bằng xưa cũ của cuộc sống, thách đố chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, thách thức chúng ta vượt qua sự ích kỷ, thách đố chúng ta chuyển từ sự nô lệ cho tội và sự chết sang sự sống mới của Đấng Phục sinh, của Chúa Giêsu Phục sinh. Nói cách khác, Tin Mừng không để mọi thứ như chúng vốn có; Khi Tin Mừng đi qua, được lắng nghe và tiếp nhận, mọi thứ không ở lại như cũ. Tin Mừng kích động sự thay đổi và mời gọi hoán cải. Tin Mừng không tạo ra một sự bình an mật thiết giả tạo, nhưng khuấy động sự bồn chồn khiến chúng ta phải chuyển động, và thúc đẩy chúng ta mở lòng với Chúa và với anh em của chúng ta. Tin mừng giống như lửa: trong khi sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, nó muốn đốt cháy lòng ích kỷ của chúng ta, để rọi sáng vào những mặt tối của cuộc sống – tất cả chúng ta đều có! – để phá hủy những thần tượng giả tạo bắt chúng ta làm nô lệ.

Theo sau các ngôn sứ trong Kinh thánh – hãy nghĩ đến Tiên tri Êlia và Giêrêmia chẳng hạn – Chúa Giêsu được thổi bừng lên bởi tình yêu của Thiên Chúa và để tình yêu đó lan rộng khắp thế giới, Ngài đã tự hủy chính mình, yêu thương đến tận cùng, nghĩa là đến chết, và chết trên thập giá (xem Pl 2:8). Ngài được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng được ví như lửa, và với ánh sáng và sức mạnh của Ngài, Ngài vén mở dung nhan mầu nhiệm của Thiên Chúa và ban sự sung mãn cho những người bị coi là hư mất, phá bỏ những rào cản của sự cách biệt xã hội, chữa lành vết thương của thân xác và linh hồn, và canh tân một tôn giáo đã bị thu hẹp vào những việc thực hành thuần túy hình thức. Đây là lý do tại sao Người là lửa: Người biến đổi, thanh tẩy.

Vậy, lời đó của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta, với mỗi người chúng ta – với tôi, với bạn, với bạn – lời về lửa này của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Lời mời gọi chúng ta thắp sáng lại ngọn lửa đức tin, để nó không trở thành vấn đề thứ yếu, hay một phương tiện để đạt được hạnh phúc cá nhân, giúp chúng ta có thể tránh được những thử thách của cuộc sống hoặc cam kết dấn thân trong Giáo hội và xã hội. Thật vậy – như một nhà thần học đã nói – niềm tin vào Thiên Chúa “làm an lòng chúng ta – nhưng không phải ở cấp độ của chúng ta, hoặc là như vậy để tạo ra một ảo tưởng tê liệt, hoặc một sự hài lòng tự mãn, nhưng là cho phép chúng ta hành động” (De Lubac, The Discovery of God). Nói tóm lại, niềm tin không phải là một “bài hát ru” đưa chúng ta vào giấc ngủ. Niềm tin thật sự là ngọn lửa, ngọn lửa sống động giúp chúng ta luôn tỉnh thức và tích cực ngay cả khi đêm xuống!

Và rồi chúng ta cũng có thể tự hỏi: tôi có tha thiết với Tin mừng không? Tôi có thường xuyên đọc Tin mừng không? Tôi có đem Tin mừng theo với tôi không? Đức tin mà tôi tuyên xưng và cử hành có đưa tôi đến sự âm thầm tự mãn hay nó làm bừng lên ngọn lửa chứng tá trong tôi? Chúng ta cũng có thể tự hỏi bản thân câu hỏi như: là Giáo hội: trong các cộng đoàn của chúng ta, lửa của Thánh Thần có bùng cháy lên lòng say mê cầu nguyện và bác ái, và niềm vui đức tin không? Hay chúng ta lê bước theo với sự mệt mỏi và thói quen, với khuôn mặt ủ rũ, trên miệng luôn than thở và những câu chuyện phiếm mỗi ngày?

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự kiểm tra bản thân về điều này, để chúng ta cũng có thể nói như Chúa Giêsu rằng: chúng ta được đốt cháy bởi ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, và chúng ta muốn làm nó lan tỏa trên khắp thế giới, để mang nó đến với mọi người, để mỗi người có thể khám phá sự dịu dàng của Thiên Chúa Cha và cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Giêsu, Đấng mở rộng tâm hồn – và Chúa Giêsu mở rộng tâm hồn! – và làm cho cuộc sống tươi đẹp. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ về điều này: xin Mẹ, Đấng đã đón nhận lửa của Chúa Thánh Thần, cầu bầu cho chúng ta.

___________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn anh chị em chú ý đến cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến Somalia và các khu vực khác nhau trong những nước láng giềng. Người dân ở khu vực này vốn đã sống trong điều kiện rất bấp bênh, nay lại đứng trước mối nguy hiểm đến tính mạng do hạn hán. Tôi hy vọng rằng sự đoàn kết quốc tế có thể ứng phó hiệu quả với tình huống khẩn cấp này. Thật đáng buồn, chiến tranh đã làm lệch hướng sự chú ý và nguồn lực, nhưng đây là những mục tiêu đòi hỏi sự cam kết cao nhất: cuộc chiến chống đói khổ, y tế và giáo dục.

Cha xin gửi lời chào tới anh chị em tín hữu của Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Cha thấy cờ của Ba Lan, Ukraine, Pháp, Ý và Argentina! Rất nhiều khách hành hương. Đặc biệt, cha xin gửi lời chào các thầy cô giáo và giáo lý viên đến từ nhóm mục vụ Codevigo, Padua, các sinh viên đại học của Phong trào Thanh niên Salêdiêng ở Triveneto, và các bạn trẻ của nhóm mục vụ Villafranca, Verona.

Xin gửi suy nghĩ đặc biệt đến rất nhiều anh chị em hành hương đang tập trung tại Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow hôm nay, nơi cách đây hai mươi năm Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện việc dâng thế giới cho Lòng thương xót của Chúa. Ngày nay chúng ta thấy được ý nghĩa của cử chỉ đó hơn bao giờ hết, trong đó chúng ta phải canh tân trong lời cầu nguyện và trong chứng tá của cuộc sống. Lòng thương xót là con đường cứu độ cho mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa rủ lòng thương xót cách đặc biệt, thương xót cho người dân Ukraine đang tử đạo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị bữa trưa ngon miệng, và arrivederci, và các bạn trẻ của Immacolata.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/8/2022]


Cậu thiếu niên đánh bại ung thư sau phép lành của Đức Giáo hoàng Benedict đã trở thành một linh mục

Cậu thiếu niên đánh bại ung thư sau phép lành của Đức Giáo hoàng Benedict đã trở thành một linh mục

Cậu thiếu niên đánh bại ung thư sau phép lành của Đức Giáo hoàng Benedict đã trở thành một linh mục

RevPeter Srsich / Facebook

Cerith Gardiner 

18/07/22


Câu chuyện của Cha Peter Srsich là sự thể hiện rõ ràng của trích đoạn Rôma 8:28.

Khi Peter Srsich, 17 tuổi, trở về nhà sau một chuyến đi bằng ca nô trong tình trạng mệt mỏi và ho kinh niên, gia đình nghĩ rằng cậu có thể bị viêm phổi. Cậu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hệ hạch bạch huyết non-Hodgkins giai đoạn 4 khi các bác sĩ phát hiện một khối u lớn trên phổi của cậu.

Trải qua những đợt hóa trị khiến cậu cảm thấy chán nản và tự hỏi tại sao mình lại phải gánh chịu thử thách như vậy. Mặc dù có đức tin mạnh mẽ và đã cảm nhận được tiếng gọi đến với chức tư tế, nhưng trên giường bệnh, cậu rước lễ cách miễn cưỡng. Nhưng như sau này cậu chia sẻ với Denver Catholic:

“Tôi biết mẹ tôi sẽ cảm thấy tốt hơn nếu bà nhìn thấy tôi rước lễ, vì vậy tôi mang tâm trạng là: ‘thôi được rồi, con sẽ rước lễ.’ Người bạn cùng lớp của tôi nâng Mình Thánh lên và nói, ‘Đây Chiên Thiên Chúa.’ Và Chúa thật sự tỏ mình ra, Người tỏ mình ra theo một cách đầy quyền năng và Người nói với tâm hồn tôi, và tôi thật sự có thể nghe thấy Người từ tận sâu thẳm tâm hồn mình. Người nói, ‘Peter, Ta biết điều này thật khó khăn. Ta sẽ không cất đi cho con sự đau khổ, nhưng Ta sẽ cùng con vượt qua nó.”

Cha nói: “Đó là một trong những thời khắc khi không có gì thay đổi nhưng mọi sự đã thay đổi.”

Tổ chức Make-a-Wish, tổ chức mang đến cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo cơ hội biến ước mơ thành hiện thực, đã tìm đến với Srsich. Peter muốn đến Vatican gặp Đức giáo hoàng là một điều khá bất thường đối với một cậu bé.

LuAnn Griffin, người điều phối, chia sẻ: “Sau khi gặp Peter, tôi không còn chút nghi ngờ gì trong đầu, đó là mong muốn thực sự của cậu bé và nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những gì cậu muốn làm trong sự nghiệp.”

Gặp Đức giáo hoàng

Tháng 5 năm 2012 ước mơ của Srsich đã thành hiện thực. Srsich đi du lịch cùng gia đình nhưng không nghĩ rằng mình sẽ được gặp đức giáo hoàng. Họ đến Quảng trường Thánh Phêrô để nghe huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi tiếp kiến chung. Gia đình Srsich sau đó được yêu cầu xếp hàng để gặp đức giáo hoàng.

Đứng trong hàng, Peter nhìn thấy các vị chức sắc có những món quà đắt tiền để dâng lên Đức Giáo hoàng. Cha cậu đề nghị cậu dâng lên ngài chiếc vòng màu xanh lục cậu đeo trên cổ tay với dòng chữ “Xin cầu nguyện cho Peter” và trích dẫn Roma 8:28: “… Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” là câu Peter rất thích.

Cậu thiếu niên đánh bại ung thư sau phép lành của Đức Giáo hoàng Benedict đã trở thành một linh mục

Đức Benedict XVI nói chuyện với Peter và sau đó cậu chia sẻ: “Ngài nhìn tôi và nói, ‘Ồ, con nói tiếng Anh phải không?’ và ngài đặt tay lên ngực tôi ngay chỗ có khối u, mặc dù tôi chưa chưa hề nói với ngài. Ban phép lành thường là ở trên đầu”.

Peter cũng đã dành thời gian để giải thích câu chuyện của mình cho đức giáo hoàng, và cho biết cậu muốn trở thành một linh mục và xin Đức Benedict XVI ban phép lành.

Trong khi một số người tin rằng phép lành của Đức Giáo hoàng đã dẫn đến phép lạ, nhưng Peter lại nhìn nó cách hơi khác; phù hợp hơn với trích đoạn Rôma: “Hóa trị giúp tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Mong ước giúp tôi chiến đấu với hóa trị. Biết được việc đức giáo hoàng ở trong tương lai của tôi đã giúp tôi vượt qua nó, và theo một cách nhỏ bé đã giúp chữa khỏi bệnh ung thư của tôi,” như Cha giải thích với ABC News năm 2013.

Và gần một thập niên sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng, Peter Srsich đã có thêm một ước mơ trở thành hiện thực. Sau khi Chúa tiếp tục tiếng gọi cách nhẹ nhàng, cựu cầu thủ môn lacrosse cao 6’6” đã được thụ phong linh mục năm 2021, bạn có thể xem trên tài khoản Facebook của cha.

Khi cha chia sẻ câu chuyện chi tiết hơn với Denver Catholic, có một bài học kinh nghiệm tuyệt vời của cha:

“Thật thú vị khi nhìn thấy những cách thức Chúa chuẩn bị cho tôi trong ơn gọi này, trong tiếng gọi này, để lãnh nhận bí tích phục vụ không phải cho tôi, [mà] cho dân Chúa. Người dùng những thời khắc khác nhau trong suốt cuộc đời tôi, những kinh nghiệm khác nhau trong suốt cuộc đời tôi.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/8/2022]