Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Điều gì diễn ra nếu Đức Giáo hoàng và Đức Đại Imam không có kế hoạch ăn trưa

Điều gì diễn ra nếu Đức Giáo hoàng và Đức Đại Imam không có kế hoạch ăn trưa

Điều gì diễn ra nếu Đức Giáo hoàng và Đức Đại Imam không có kế hoạch ăn trưa

Photo by Handout / VATICAN MEDIA / AFP

Đức Thánh Cha Phanxicô và vị học giả Hồi giáo Ai Cập và Đại Imam hiện tại của đền thờ Hồi giáo al-Azhar, Sheikh Ahmed Al-Tayeb, chào nhau trong Đại hội lần thứ VII của các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống tại Cung điện Hòa bình và Hòa giải ở Nur-Sultan vào ngày 14 tháng Chín, 2022.

Isabella H. de Carvalho 

14/11/22


Trọng tâm cuộc đối thoại của Đức Giáo hoàng với Hồi giáo nảy sinh một cách tự nhiên, khi Đức Đại Imam được mời dùng bữa trưa…

Với một lịch trình dày đặc như lịch trình của giáo hoàng, người ta sẽ cho rằng có rất ít không gian cho sự tự phát. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô không nhìn nó theo cách đó. Thay vào đó, ngài là người ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ chống lại việc “thuần phục” Chúa Thánh Thần, Đấng là “sự tươi mới, là trí tưởng tượng và sự mới mẻ”.

Vào năm 2019 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một tuyên ngôn chung với Đức Sheikh Ahmed al-Tayeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, được gọi là Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, phác thảo cách thức các tôn giáo có thể chung sống trong hòa bình và hòa hợp.

Tài liệu lịch sử này là tâm điểm trong cuộc đối thoại liên tục của Đức Thánh Cha với Hồi giáo, cũng được đánh dấu bằng các cuộc gặp gỡ khác với các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các chuyến đi đến những quốc gia có đa số người Hồi giáo, bao gồm chuyến đi gần đây nhất của ngài đến vương quốc Bahrain.

Trên chuyến bay trở về từ chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã giải thích tài liệu được ra đời như thế nào, không phải từ một kế hoạch được xây dựng cẩn thận, nhưng trên thực tế, trong bữa ăn trưa và việc chia sẻ bánh …


Bữa trưa tự phát

Trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc liệu Đức Thánh Cha có cảm thấy những mối liên hệ của ngài với Hồi giáo đã mang lại “những kết quả hữu hình” hay không, Đức Thánh Cha kể câu chuyện về một bữa trưa đặc biệt mà ngài đã dùng với Đức Đại Imam của đền thờ Hồi giáo Al-Azhar rất có ảnh hưởng ở Cairo, Đức Sheikh Ahmed al-Tayeb, một nhà lãnh đạo nổi bật của Hồi giáo Sunni.

“Đức [Đại Imam] đã đến Vatican trong chuyến thăm xã giao và chúng tôi đã thực hiện nghi thức thăm viếng. Gần đến giờ ăn trưa và ngài sắp rời đi, và khi tôi định tiễn ngài, tôi hỏi: “Nhưng ngài dùng bữa trưa ở đâu?” Tôi không biết ngài đã nói gì với tôi… “Nào, chúng ta cùng ăn trưa với nhau.”

Nó là một điều gì đó xuất phát từ bên trong. Rồi khi ngồi vào bàn, Đức Đại Imam, vị thư ký của ngài, hai vị cố vấn, tôi, thư ký của tôi, cố vấn của tôi, chúng tôi lấy bánh, bẻ ra và trao cho nhau: một cử chỉ của tình bằng hữu, trao bánh. Đó là một bữa ăn trưa rất đẹp, rất huynh đệ. Và cuối cùng, tôi không biết ai đã nghĩ ra ý tưởng, ‘Tại sao chúng ta không viết một văn bản về cuộc gặp này?’”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất thích thú với sáng kiến này và các vị thư ký và cố vấn đã bắt tay vào việc:

“Một bản thảo được đưa ra, một bản thảo ra đời, một bản đi và một bản đến… Và cuối cùng chúng tôi đã tận dụng cuộc họp ở Abu Dhabi [vào năm 2019] để công bố nó. Đó là một điều đến từ Chúa, bằng không thì không thể hiểu được, bởi vì không ai trong chúng tôi nghĩ đến điều này. Nó xuất hiện trong một bữa ăn trưa thân mật, và đó là một điều lớn lao.”


Tác động của Văn kiện

Các Văn kiện vạch ra một danh sách các giá trị chung cần được duy trì, chẳng hạn như tự do, hòa bình và bảo vệ quyền của trẻ em, người già hoặc người khuyết tật. Kể từ năm 2019, nó đã được nhiều tổ chức, chính phủ và thể chế khác nhau áp dụng.

Một Ủy ban Cấp cao về Tình Huynh đệ Nhân loại cũng được thành lập cùng năm để giúp hoàn thành các mục tiêu được mô tả trong tuyên ngôn.

Vào tháng Mười Hai năm 2020, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết tuyên bố ngày 4 tháng Hai, ngày mà Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Đại Imam đã ký văn kiện, là Ngày Quốc tế về Tình huynh đệ của Nhân loại.

Trong chuyến bay trở về từ Bahrain, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng giải thích với các nhà báo về cách thức Tài liệu này trở thành cơ sở cho Tông huấn Fratelli Tutti tháng Mười năm 2020 của ngài về tình huynh đệ và tình bạn xã hội.

Những gì tôi viết sau này về tình bạn của con người trong Tông huấn Fratelli Tutti cũng có cơ sở trong Văn kiện Abu Dhabi. Tôi tin rằng bạn không thể nghĩ được một con đường như vậy mà không nghĩ đến phúc lành đặc biệt của Chúa trên hành trình đó. Tôi muốn nói điều này một cách công bằng, có vẻ như bạn biết Chúa đã truyền cảm hứng cho con đường này như thế nào. Tôi thậm chí còn không biết tên của Đức Đại Imam là gì, và sau đó chúng tôi trở thành bạn bè và làm những điều giống như hai người bạn. Và bây giờ chúng tôi nói chuyện cùng nhau, bất cứ khi nào chúng tôi gặp nhau.


Bahrain: Một bước tiến thêm trong cuộc đối thoại với Hồi giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Bahrain từ ngày 3 đến ngày 6 tháng Mười Một, để tham dự Diễn đàn Đối thoại Bahrain “Phương Đông và Phương Tây vì sự chung sống của con người”, một cuộc họp kéo dài hai ngày tập trung vào việc xây dựng những cầu nối và thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa.

Trong chuyến đi, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của những sự kiện cho phép các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo xích lại gần nhau, vì họ có thể nuôi dưỡng một nền văn hóa huynh đệ để trở thành tấm gương cho các tín hữu.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một số quốc gia có đa số người Hồi giáo trong triều đại giáo hoàng của ngài, và tham dự một cuộc họp liên tôn khác, Đại hội VII của các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống, vào tháng 9 tại Kazakhstan.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/11/2022]


Đức Hồng y Parolin: ‘Biến đổi khí hậu sẽ không đợi chúng ta’

Đức Hồng y Parolin: ‘Biến đổi khí hậu sẽ không đợi chúng ta’

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP 27

Đức Hồng y Parolin: ‘Biến đổi khí hậu sẽ không đợi chúng ta’

Vatican News

********

Dưới đây bài phát biểu của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin phát biểu hôm nay tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP 27, diễn ra ở Sharm el-Sheikh từ ngày 6 đến ngày 18 tháng Mười Một năm 2022:



PHIÊN HỌP XXVII CỦA HỘI NGHỊ CÁC BÊN

CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Sharm el-Sheikh, 6-18 tháng Mười Một 2022

Phát biểu của Hồng y Pietro Parolin

Quốc vụ khanh Tòa Thánh

________________________

Thưa ông Chủ tịch,

Thay mặt Đức Giáo hoàng Phanxicô, tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả quý vị và mong muốn đảm bảo với quý vị về sự gần gũi, ủng hộ và khuyến khích của ngài khi quý vị làm việc miệt mài để tìm đến một kết quả tốt đẹp cho Hội nghị này. Cách đây vài ngày, tại Bahrain, ngài đã nhấn mạnh hy vọng rằng COP27 sẽ là một bước tiến cho “những lựa chọn cụ thể và có tầm nhìn xa, được thực hiện với tâm trí luôn nhớ đến các thế hệ trẻ, trước khi trở nên quá muộn và tương lai của họ bị tổn hại”[1].

Đây là phiên họp đầu tiên của UNFCCC mà Tòa thánh tham gia với tư cách là một Quốc gia thành viên của Công ước và Thỏa thuận Paris. Bước quan trọng này phù hợp với thông báo của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2020 rằng Tòa thánh sẽ cam kết thực hiện mục tiêu không phát thải ròng, phản ứng theo hai cấp độ[2]:

1) Thứ nhất, Thị Quốc Vatican cam kết giảm lượng khí thải ròng xuống 0 trước năm 2050, thông qua việc tăng cường nỗ lực cải thiện quản lý môi trường, những nỗ lực đã được thực hiện trong nhiều năm;

2) Thứ hai, Tòa Thánh tận lực thúc đẩy việc giáo dục về sinh thái học toàn diện. Thật vậy, các biện pháp chính trị, kỹ thuật và hoạt động là chưa đủ, chúng phải được kết hợp với một phương pháp giáo dục thúc đẩy lối sống mới, đồng thời cổ vũ một mô hình phát triển mới và bền vững đặt nền tảng trên sự quan tâm, tình huynh đệ và hợp tác với tư cách là con người, đồng thời củng cố “giao ước giữa con người và môi trường”[3].

Thưa ông Chủ tịch,

Cuộc khủng hoảng sinh thái xã hội mà chúng ta đang sống là một thời điểm thuận lợi cho sự hoán cải cá nhân và tập thể và cho những quyết định cụ thể không thể trì hoãn thêm. Bộ mặt con người của tình trạng khẩn cấp về khí hậu thách thức chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải hành động cách cụ thể để ngăn chặn và ứng phó với những tác động đối với con người ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do sự biến đổi khí hậu gây ra. Hiện tượng người di cư ngày càng nhiều bị buộc phải rời bỏ quê hương là một dấu hiệu đáng lo ngại. Ngay cả khi không được tiếp cận với sự bảo vệ quốc tế, các Quốc gia không thể để mặc mà không có các giải pháp cụ thể, bao gồm cả trong các lĩnh vực thích ứng, giảm thiểu và phục hồi. Ở những nơi không thể thực hiện được điều này, điều quan trọng là phải chấp nhận di cư là một hình thức thích ứng và tăng cường tính sẵn có và tính linh hoạt của các lộ trình di cư thông thường.

Đáng lo ngại, chúng ta phải thừa nhận rằng các biến cố toàn cầu như Covid-19 và số lượng ngày càng tăng các cuộc xung đột trên toàn thế giới, với những hậu quả nghiêm trọng về đạo đức, xã hội và kinh tế, có nguy cơ làm suy yếu nền an ninh toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, gây nguy hiểm cho chủ nghĩa đa phương, và thậm chí làm lu mờ những nỗ lực của chúng ta ở đây tại Sharm el-Sheikh.

Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra. Biến đổi khí hậu sẽ không chờ đợi chúng ta. Thế giới của chúng ta hiện nay quá phụ thuộc lẫn nhau và không thể cho phép nó được cấu trúc thành những khối quốc gia biệt lập không bền vững. Đây là thời điểm cho sự đoàn kết quốc tế và liên thế hệ. Chúng ta cần phải có trách nhiệm, can đảm và hướng tới tương lai không chỉ cho bản thân mà còn cho con cái của chúng ta.

Năm ngoái, tại Hội nghị COP-26 ở Glasgow, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một Thông điệp trong đó ngài nhấn mạnh rằng “những vết thương do đại dịch Covid-19 và hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra cho gia đình nhân loại chúng ta có thể so sánh với những vết thương do xung đột toàn cầu đưa đến” [4]. Bây giờ, thông điệp này thậm chí còn có ý nghĩa hơn. Ý chí chính trị của chúng ta nên được định hướng bởi nhận thức rằng hoặc chúng ta cùng thắng hoặc cùng thua.

Chúng ta phải thừa nhận rằng con đường đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris rất phức tạp và chúng ta ngày càng có ít thời gian hơn để điều chỉnh hướng đi. COP27 mang đến cho chúng ta thêm một cơ hội, không thể lãng phí. Nó là cơ hội và cũng là thách thức để giải quyết cách nghiêm túc bốn trụ cột của Thỏa thuận Paris: giảm nhẹ, thích ứng, tài chính và tổn thất và thiệt hại. Bốn trụ cột này được kết nối với nhau và là vấn đề của sự công bằng và bình đẳng. Chúng ta cũng không nên bỏ qua những mất mát và thiệt hại phi kinh tế, chẳng hạn như mất mát di sản và văn hóa. Ở đây chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi từ những người dân bản địa.

Bằng cách tham gia Công ước và Thỏa thuận Paris, Tòa thánh thậm chí còn cam kết nhiều hơn nữa để cùng nhau tiến bước trên hành trình này, vì lợi ích chung của nhân loại và đặc biệt là thay mặt cho lớp người trẻ của chúng ta đang mong đợi chúng ta chăm sóc cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Cảm ơn quý vị.

_______________________

[1] Pope Francis, Meeting with the Authorities, the representatives of the civil society and the Diplomatic Corps, Awali, Bahrain, 3 November 2022.

[2] Pope Francis, Video-Message to the High Level Climate Ambition Summit, New York, 12 December 2020.

[3] Benedict XVI, World Day of Peace 2008: The Human Family, a Community of Peace, N. 7, 8 December 2007.

[4] Pope Francis, Message for COP26, 29 October 2021.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2022]