Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin: Kiện toàn Lề luật như đã được trình bày trong Bài giảng trên Núi

Huấn từ Kinh Truyền tin: Kiện toàn Lề luật như đã được trình bày trong Bài giảng trên Núi
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin: Kiện toàn Lề luật như đã trình bày trong Bài giảng trên Núi

‘Đó là việc sống Lề luật như một con đường của tự do’

16 tháng Hai, 2020 14:14

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay được rút ra từ “Bài giảng trên Núi,” và nó giải quyết những tranh luận về sự kiện toàn Lề luật: tôi phải tuân theo Lề luật như thế nào, tôi phải làm gì. Chúa Giê-su muốn giúp cho những người lắng nghe Ngài tiếp cận với những mệnh lệnh của các Điều Răn được trao cho Môi-sê, dạy bảo họ hãy luôn sẵn sàng với Thiên Chúa là Đấng dạy chúng ta đi đến sự tự do và trách nhiệm đích thực thông qua Lề luật. Đó là việc sống Lề luật như một con đường của tự do. Chúng ta đừng quên điều này: sống Lề luật như một con đường của tự do, nó giúp tôi trở nên tự do hơn, nó giúp tôi không trở thành một nô lệ của những dục vọng và tội lỗi. Chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc chiến tranh, chúng ta hãy nghĩ đến những hậu quả của chiến tranh, chúng ta hãy nghĩ đến đứa bé đó đã chết vì lạnh cóng ngày hôm kia ở Syria — quá nhiều tai ương, quá nhiều. Đây là hậu quả của những dục vọng và những người tạo ra chiến tranh không biết cách kiểm soát dục vọng của họ. Họ không kiện toàn Lề luật. Khi một người đầu hàng trước những cám dỗ và dục vọng, người đó không còn là ông chủ và vai chính cho cuộc đời của mình nhưng trở nên bất lực trong việc điều khiển nó bằng sự quyết tâm và tính trách nhiệm.

Bài giảng của Chúa Giê-su bố cục trong bốn phản đề, được diễn tả với công thức “Các con đã nghe dạy người xưa rằng … Còn Ta, Ta bảo các con.” Những phản đề này đề cập đến nhiều tình trạng của đời sống thường nhật: giết người, ngoại tình, ly dị, và thề thốt. Chúa Giê-su không hủy bỏ các lề luật liên quan đến các vấn đề này, nhưng Ngài giải thích ý nghĩa sâu xa của chúng và chỉ ra tinh thần mà chúng phải được thi hành. Ngài khuyến khích chúng ta chuyển từ cách tuân giữ Lề luật theo hình thức thành cách tuân giữ thật sự, đón nhận Lề luật trong tâm hồn mình, đó là trung tâm của những dự định, những quyết định, của lời nói và hành động của mỗi người chúng ta. Chính từ tâm hồn phát xuất ra những hành động thiện hoặc ác. Bằng cách đón nhận Lề luật của Chúa trong lòng, chúng ta hiểu rằng khi chúng ta không yêu thương anh em, chúng ta tự giết mình hoặc người khác bằng cách này cách khác, vì sự thù hận, kình địch, và chia rẽ giết chết tình bác ái huynh đệ, mà nó là nền tảng của những mối quan hệ liên bản vị. Và điều này cũng đúng đối với những gì cha đã nói về chiến tranh và lời đồn thổi, vì cái lưỡi sát nhân. Bằng cách đón nhận Lề luật của Chúa trong lòng, chúng ta hiểu rằng những khát khao được dẫn dắt, vì không phải tất cả những gì một người khao khát đều đạt được, và thật chẳng tốt đẹp khi đầu hàng trước những cảm thức vị kỷ và chiếm hữu. Khi chúng ta đón nhận Lề luật Chúa trong tâm hồn chúng ta hiểu rằng cần phải từ bỏ lối sống được xây dựng trên những lời hứa không bao giờ thực hiện, cũng như chuyển từ việc cấm thề nguyền trên những điều sai trái sang quyết định tuyệt đối không thề thốt, mang lấy thái độ hoàn toàn chân thành với tất cả mọi người.

Và Chúa Giê-su biết rằng sống các Điều Răn theo cách sâu sắc và trọn vẹn thì không dễ dàng. Vì vậy Ngài ban cho chúng ta sự trợ giúp của tình yêu của Ngài: Ngài đến thế gian không chỉ làm kiện toàn Lề luật nhưng cũng tặng ban cho chúng ta Ân sủng của Ngài, để chúng ta có thể thi hành theo Thánh Ý của Chúa, yêu mến Ngài và yêu thương anh em. Tất cả, chúng ta có thể làm tất cả với Ân sủng của Chúa! Quả thật, sự thánh thiện không gì khác hơn là giữ gìn món quà mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta, Ân sủng này. Đó là việc tín thác và phó thác bản thân cho Người, để luôn nắm chặt lấy bàn tay mà Người đưa ra cho chúng ta, để những cố gắng và cam kết của chúng ta được duy trì bởi sự trợ giúp của Người, tràn đầy sự tốt lành và thương xót.

Hôm nay Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy tiến bước trên con đường yêu thương mà Ngài đã vạch ra cho chúng ta, và nó bắt đầu từ tâm hồn. Đây là con đường để noi theo để sống như là người Ki-tô hữu. Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta bước đi trên con đường đã được Con của Mẹ mở ra cho chúng ta, để đạt được niềm vui thật sự và lan tỏa sự công bằng và hòa bình ở mọi nơi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/2/2020]


27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo

27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo
Những người thoát khỏi sự bách hại tôn giáo tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng 2019 để thúc đẩy Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức

27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo

Căn cứ vào Tuyên ngôn Nhân quyền

07 tháng Hai, 2020 09:53

Ngày 5 tháng Hai năm 2020, Albania, Áo, Bosnia và Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Colombia, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Gambia, Georgia, Hy Lạp, Hungary, Israel, Kosovo, Latvia, Lithuania, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Senegal, Slovakia, Slovenia, Togo, Ukraine, và Anh, cùng với Hoa Kỳ thành lập Liên minh Tự do Tôn giáo đầu tiên. Các quốc gia cùng nhau cam kết bảo vệ Tuyên ngôn về các nguyên tắc, củng cố cam kết chung để phản đối và chống lại, công khai và riêng tư, mọi sự lạm dụng hoặc vi phạm tự do tôn giáo.

Việc thành lập Liên minh đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một khối liên kết quốc tế nhóm họp với nhau ở cấp lãnh đạo quốc gia nhằm thúc đẩy vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Những thủ phạm lớn của sự đàn áp tôn giáo đã hoạt động từ lâu mà không bị trừng phạt. Liên minh sẽ hợp nhất các quốc gia hùng mạnh và tận dụng các nguồn lực của họ để ngăn chặn các phần tử xấu và biện hộ cho những người bị đàn áp, không có khả năng kháng cự, và những người dễ bị xúc phạm. Mối đe dọa đối với tự do tôn giáo là trên toàn cầu. Chúng đòi hỏi sự tham gia toàn cầu và những giải pháp toàn cầu.

Liên minh lấy nền tảng trong Tuyên ngôn Nhân quyền, hoạt động vì quyền của mọi người nam và nữ được tin vào bất cứ điều gì họ muốn, thay đổi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào nếu lương tâm của họ đòi hỏi.

Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến để thúc đẩy tự do tôn giáo. Cùng với mục đích chung và tầm nhìn rõ ràng, chúng ta có thể chiến đấu để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai ở khắp mọi nơi được hưởng một thế giới nơi tự do tôn giáo được bảo vệ và thúc đẩy.


Những nguyên tắc hành động của Liên minh


Liên minh được thành lập theo nguyên tắc quốc tế về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (FoRB), được rút ra từ Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Tuyên bố 1981 của Liên Hợp quốc về Xóa bỏ mọi Hình thức không Khoan dung và Kỳ thị Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (Tuyên bố 1981 của LHQ), và các tài liệu khác như những Hướng dẫn của EU về FoRB và Hướng dẫn của OSCE về FoRB và an ninh. Do đó, hành động để thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng dựa trên nguyên tắc rằng nhân quyền là phổ quát, là tương thuộc và liên quan đến nhau. Các hành động của Liên minh nhằm bổ sung cho công việc hiện đang được thực hiện để thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trong Liên Hợp quốc và các tổ chức đa phương và khu vực có thẩm quyền khác.


Cam kết của Liên minh

  1. Các thành viên cam kết duy trì những nghĩa vụ nhà nước của mình theo luật pháp quốc tế nói chung và ICCPR liên quan cụ thể đến tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hoặc tín ngưỡng, bao gồm quyền được giữ bất kỳ tôn giáo hoặc niềm tin nào, hoặc không theo bất kỳ tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào, có quyền tự do thay đổi tôn giáo.
  2. Các thành viên cam kết theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, bao gồm sự tham gia xuyên khu vực.
  3. Các thành viên cam kết tư vấn, phối hợp và tự nguyện.
  4. Các thành viên cam kết theo đuổi tính mạch lạc trong-ngoài về các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
  5. Các thành viên cam kết thực hiện cách tiếp cận đặt nền tảng trên nhân quyền để thúc đẩy FoRB, và thúc đẩy những quyền con người khác tuyệt đối cần thiết để hưởng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Những lĩnh vực hành động ưu tiên


I. Các biện pháp phản ứng


a. Các thành viên thuộc Liên minh cam kết lên án bạo lực (và kích động bạo lực) nhằm vào người thuộc các tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và chống lại những địa điểm tôn giáo, bất kể bởi các phần tử thuộc nhà nước hoặc phi nhà nước, và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

b. Các thành viên thuộc Liên minh cam kết phản đối các hành vi liên tục vi phạm và lạm dụng quyền thể hiện niềm tin hoặc tôn giáo của một người, bao gồm lạm dụng các quyền được liệt kê trong Tuyên bố 1981 của LHQ, sử dụng luật báng bổ và từ chối việc đăng ký vào các nhóm tôn giáo hoặc phi tôn giáo, và cam kết tìm cách thuyết phục các quốc gia tuân thủ những nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

c. Các thành viên của Liên minh cam kết chống lại những hạn chế về quyền tự do thay đổi một tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hoặc không theo tôn giáo nào, và thể hiện tình liên đới với người hoặc những người là nạn nhân của những hạn chế đó.

d. Các thành viên của Liên minh cam kết biện hộ cho các cá nhân bị giam cầm hoặc bị đàn áp theo những cách khác vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ và đẩy mạnh tính trách nhiệm chống lại những kẻ vi phạm.

e. Các thành viên của Liên minh cam kết loại bỏ sự kỳ thị vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng khi tiếp cận với tư pháp, giáo dục, nhà ở, hoặc việc làm, và thúc đẩy các biện pháp để giải quyết sự kỳ thị đó.


II. Các biện pháp chủ động


a. Các thành viên của Liên minh cam kết thúc đẩy sự tôn trọng tính đa dạng, khoan dung và bao gồm phù hợp với Quy trình Istanbul.

b. Các thành viên Liên minh cam kết hỗ trợ bảo vệ cho các địa điểm tôn giáo hoặc tín ngưỡng thoát khỏi bạo lực.

c. Các thành viên Liên minh cam kết hỗ trợ và hợp tác với xã hội dân sự, bao gồm các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, và các nhà lãnh đạo tôn giáo, và thúc đẩy mạng lưới xuyên biên giới và đa ngành của các nhóm và cá nhân đó.

d. Các thành viên liên minh cam kết thúc đẩy sự hiểu biết về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và các khuôn khổ nhân quyền có liên quan.

e. Các thành viên Liên minh cam kết thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cùng với các quyền con người khác, chẳng hạn như tự do ngôn luận.


III. Những công cụ hành động tiềm năng


a. Giám sát, báo cáo, chia sẻ thông tin và tiếp cận thường xuyên với các cá nhân và cộng đồng tín ngưỡng bị ảnh hưởng.

b. Các biện pháp chung hoặc phối hợp và ngoại giao công chúng.

c. Thúc đẩy đối thoại liên tôn để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy sự hiểu biết nhiều hơn giữa các tôn giáo và trong nội bộ tôn giáo.

d. Hỗ trợ cho các nạn nhân, chẳng hạn thông qua việc đền bù, tái định cư, hoặc những hành động thích hợp khác.

e. Biện pháp trừng phạt chống lại thủ phạm khi thích hợp.

f. Hành động phối hợp sử dụng các diễn đàn đa phương (ví dụ: các tuyên bố chung, những nghị quyết quốc gia thuộc LHQ và các cơ chế của LHQ như Đánh giá Định kỳ Toàn cầu) và hỗ trợ cho Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng.

g. Hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng tôn giáo, và những mạng lưới quốc hội cam kết thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

h. Đào tạo các viên chức cơ quan chấp pháp, xây dựng năng lực của các tổ chức nhân quyền quốc gia, và hợp tác với xã hội dân sự.

i. Đầu tư vào các dự án để bảo vệ không gian cho sự tham gia của công dân bằng cách hỗ trợ các nhà bảo vệ nhân quyền và những nạn nhân bị đàn áp, cũng như xây dựng tính linh hoạt xã hội (ví dụ: giáo dục về lợi ích của sự đa dạng và khoan dung tôn giáo, cũng như các dự án phát triển liên tôn).



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/2/2020]