Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

2_1: ‘Chính Thiên Chúa cần có một người mẹ: chúng ta còn cần hơn thế!’

2_1: ‘Chính Thiên Chúa cần có một người mẹ: chúng ta còn cần hơn thế!’
Copyright: Vatican Media

‘Chính Thiên Chúa cần có một người mẹ: chúng ta còn cần hơn thế!’


Bài giảng Lễ Năm mới của Đức Thánh Cha trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô (TOÀN VĂN)

01 tháng Một, 2019 10:40

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày Đại lễ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô sáng nay, ngày đầu năm mới, và cũng là Ngày Hòa bình Thế giới:


***


2_1: ‘Chính Thiên Chúa cần có một người mẹ: chúng ta còn cần hơn thế!’

“Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (Lc 2:18). Ngạc nhiên: đây là thái độ hôm nay đòi hỏi chúng ta phải có, trong chặng cuối của tuần Bát nhật Giáng sinh, khi chúng ta tiếp tục chiêm ngắm Hài nhi sinh ra cho chúng ta, thiếu thốn mọi sự nhưng lại có dư tràn tình yêu. Sự ngạc nhiên là thái độ mà chúng ta cần phải cảm nhận vào mỗi dịp đầu năm, vì cuộc sống luôn là một món quà liên tục trao tặng cho chúng ta cơ hội để khởi đầu trở lại.

Hôm nay cũng là một ngày đầy ngạc nhiên với Mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa xuống thế dưới hình hài một trẻ thơ bé nhỏ, được bồng ẵm trong vòng tay của một người phụ nữ và nuôi dưỡng Đấng Tạo hóa. Bức tượng trước mắt chúng ta miêu tả Mẹ và Hài nhi quá sát gần bên nhau đến mức trông như một người. Đó chính là mầu nhiệm chúng ta cử hành hôm nay, là mầu nhiệm trao tặng muôn vàn sự ngạc nhiên: Thiên Chúa đã trở thành một Đấng mãi mãi ở cùng nhân loại. Thiên Chúa và con người, luôn luôn cùng với nhau, đó là tin vui của năm mới này. Thiên Chúa không còn là một Chúa ở xa vời, ngự trên các tầng trời cao xa cách biệt, nhưng là tình yêu nhập thể, được sinh ra bởi một người mẹ như tất cả chúng ta, để trở thành một người anh cho mỗi chúng ta.

Người ngủ yên trong lòng mẹ, cũng là mẹ của chúng ta, và từ đó Người rót đổ trên nhân loại một sự nhân hậu mới. Từ đó chúng ta hiểu được rõ hơn về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vừa mang tình hiền phụ vừa là tình hiền mẫu, cũng như tình yêu của một người mẹ không bao giờ mất niềm tin vào những đứa con của bà và không bao giờ bỏ rơi chúng. Đấng Ê-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, yêu thương chúng ta bất kể những thiếu sót, những tội lỗi của chúng ta, và cách chúng ta đối xử với Người. Thiên Chúa tin nhân loại, vì thành viên đầu tiên và nổi bật nhất của nhân loại đó chính là Mẹ của Người.

Trong dịp đầu năm, chúng ta hãy khẩn xin Mẹ Maria ơn sủng biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa của những điều bất ngờ. Chúng ta hãy làm mới lại sự ngạc nhiên mà chúng ta cảm nhận khi lần đầu tiên đức tin được khai sinh trong chúng ta. Mẹ Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta. Mẹ, Đấng là Theotókos, Đấng đã sinh Chúa, bây giờ lại giới thiệu chúng ta là những người đã được tái sinh lên Thiên Chúa. Mẹ là người mẹ tạo sinh ra sự ngạc nhiên của đức tin nơi những đứa con của Mẹ. Nếu không có sự ngạc nhiên, cuộc sống trở nên buồn chán và tẻ nhạt, và tình trạng của đức tin cũng giống như vậy. Cả Giáo hội cũng cần canh tân lại sự ngạc nhiên vì là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Hằng sống, là Hiền thê của Chúa, là Mẹ sinh ra những đứa con của mình. Nếu không như vậy, Giáo hội có nguy cơ trở thành một viện bảo tàng rất đẹp của quá khứ. Đức Mẹ trao tặng cho Giáo hội sự cảm nhận của một gia đình, một gia đình trong đó Thiên Chúa của tính mới mẻ cư ngụ. Chúng ta hãy đón nhận mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa với thái độ ngạc nhiên, giống như những người dân Ê-phê-sô ngạc nhiên vui mừng trong thời gian diễn ra Công đồng. Cũng như họ, chúng ta hãy tung hô “Mẹ Thiên Chúa Rất Thánh”. Chúng ta hãy cho phép bản thân được nhìn đến, được ôm lấy, được dẫn dắt bởi Mẹ.

Chúng ta hãy cho phép bản thân được nhìn đến. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, khi chúng ta bị vướng vào những nút thắt của cuộc sống, chúng ta hãy hướng mắt trông lên Đức Mẹ. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cho phép Đức Mẹ dõi mắt trông đến chúng ta. Khi Mẹ nhìn đến chúng ta, Mẹ không nhìn thấy chúng ta là những tội nhân nhưng chỉ nhìn thấy những đứa con. Người ta nói rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn; đôi mắt của Mẹ Maria, đầy ơn sủng, phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa, đôi mắt đó cho chúng ta nhìn thấy sự phản chiếu của thiên đàng. Chính Chúa Giê-su đã nói rằng con mắt là “đèn của thân thể” (Mt 6:22): đôi mắt của Mẹ có thể mang đến ánh sáng cho mọi góc tối; ở mọi nơi chúng đều thắp lên tia hy vọng. Khi Mẹ nhìn đến chúng ta, Mẹ nói: “Hãy vững tâm, các con yêu dấu của ta; Mẹ của các con đây!”

Cái nhìn của tình hiền mẫu này, truyền dẫn sự vững tâm và tin tưởng, giúp chúng ta phát triển đức tin. Đức tin là một mối dây ràng buộc toàn bộ con người với Thiên Chúa; để duy trì được nó, cần phải có Mẹ Thiên Chúa. Cái nhìn của tình hiền mẫu của Mẹ giúp chúng ta nhìn thấy mình là những đứa con được yêu thương trong dân tộc trung thành của Chúa, và yêu thương nhau bất kể những giới hạn và những bước tiến riêng của mỗi người. Mẹ giúp chúng ta giữ vững nguồn cội nơi Giáo hội, nơi tình hiệp nhất quan trọng hơn sự đa dạng; Mẹ khuyến khích chúng ta hãy chăm sóc cho nhau. Cái nhìn của Mẹ Maria nhắc chúng ta nhớ rằng đức tin đòi hỏi một lòng nhân hậu giúp chúng thoát khỏi tính thờ ơ. Khi đức tin dành chỗ cho Mẹ Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ đánh mất trung tâm điểm: đó là Thiên Chúa, vì Mẹ Maria không bao giờ hướng về bản thân Mẹ nhưng luôn hướng về Chúa Giê-su; và về những người anh chị em của chúng ta, vì Maria là mẹ.

Cái nhìn của Mẹ, và cái nhìn của mọi người mẹ. Một thế giới nhìn về tương lai không với cái nhìn của một người mẹ sẽ trở thành cái nhìn thiển cận. Nó có thể gia tăng lợi nhuận rất nhiều, nhưng nó sẽ không còn nhìn thấy người khác như những đứa con. Nó sẽ tạo ra nhiều tiền bạc, nhưng không phải dành cho mọi người. Tất cả chúng ta sẽ cùng ở chung trong một ngôi nhà, nhưng không phải như những anh chị em của nhau. Gia đình nhân loại được xây dựng dựa trên những người mẹ. Một thế giới gạt bỏ sự dịu dàng của người mẹ hiền mà chỉ xem đó là tính ủy mị có thể giàu có về vật chất, nhưng sẽ rất nghèo nàn khi nói về tương lai. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết nhìn cuộc sống như đôi mắt của Mẹ. Xin hướng ánh mắt trông đến chúng con, đến sự khốn khổ của chúng con, đến sự nghèo nàn của chúng con. Xin đoái trông nhìn đến chúng con với lòng thương xót. Chúng ta hãy cho phép bản thân được ôm lấy. 

Từ ánh mắt nhìn của Mẹ Maria, bây giờ chúng ta chuyển sang trái tim của Mẹ, trong đó như Tin mừng hôm nay tường thuật rằng Mẹ “hằng ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Nói một cách khác, Mẹ luôn ghi nhớ mọi điều trong lòng; Mẹ ôm lấy mọi điều, mọi biến cố dù tốt đẹp hay không. Và Mẹ suy đi nghĩ lại tất cả những điều đó; Mẹ mang đến trước Chúa. Đây là bí mật của Mẹ. Cũng như vậy, bây giờ Mẹ ghi nhớ đời sống của từng người chúng ta: Mẹ muốn ôm lấy mọi hoàn cảnh của chúng ta và trình lên trước Chúa.

Trong thế giới bị phân rẽ ngày nay, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất những phương hướng, thì một cái ôm của Mẹ là vô cùng quan trọng. Chung quanh chúng ta có không biết bao nhiêu sự chia rẽ và cô đơn! Thế giới hoàn toàn được kết nối, nhưng dường như lại đang ngày càng bị rời rạc. Chúng ta cần phải phó thác bản thân cho Mẹ. Trong các Sách Thánh, Mẹ đón lấy một số hoàn cảnh cụ thể; Mẹ hiện diện ở bất cứ nơi nào con người cần đến Mẹ. Mẹ đi thăm người chị họ Ê-li-da-bét; Mẹ đến giúp cho đôi tân hôn tại Cana; Mẹ động viên các môn đệ trong Phòng Tiệc Ly … Mẹ Maria là sự chữa lành cho tình trạng cô đơn và chia rẽ. Mẹ là Mẹ của sự ủi an: Mẹ cùng đứng “với” những ai “cô đơn.” Mẹ biết rằng lời nói là không đủ để an ủi; cần phải có sự hiện diện, và Mẹ hiện diện như một người mẹ. Chúng ta hãy cho phép Mẹ ôm lấy đời sống của chúng ta. Trong Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina), chúng ta tôn vinh Mẹ là “sự sống của chúng ta.” Điều này có vẻ phóng đại, vì chính Đức Ki-tô mới là “sự sống” của chúng ta (x. Ga 14:6), tuy nhiên Mẹ Maria hiệp nhất mật thiết với Người, và rất gần gũi với chúng ta, đến mức chúng ta chẳng tìm được cách nào tốt hơn bằng cách đặt bàn tay chúng ta vào trong tay của Mẹ và chân nhận Mẹ như là “sự sống của chúng ta, là sự ngọt ngào và là niềm hy vọng của chúng ta.”

Chúng ta hãy cho phép bản thân được dẫn dắt bằng tay. Những người mẹ cầm tay dẫn dắt con cái của họ và trìu mến dẫn đưa chúng vào đời. Nhưng ngày nay không biết bao nhiêu trẻ em phải lang thang trên đường và lạc lối. Nghĩ rằng chúng rất độc lập mạnh mẽ, nhưng chúng đã bị lạc lối; nghĩ rằng chúng được tự do, nhưng chúng đã trở thành những nô lệ. Không biết bao nhiêu trẻ em, quên đi sự yêu thương dịu hiền của người mẹ, đang sống trong sự cáu giận và thờ ơ trước mọi việc! Thật đáng buồn, không biết bao nhiêu em phản ứng lại với mọi việc và với mọi người bằng sự cay đắng và dữ dằn! Thể hiện bản thân mình bằng thái độ “dữ dằn” có những lúc được xem là thể hiện sức mạnh. Nhưng thực tế nó chẳng là gì khác ngoài sự bạc nhược. Chúng ta cần phải học từ những người mẹ rằng tính anh hùng được thể hiện trong sự cho đi, sức mạnh được thể hiện trong lòng thương xót, sự khôn ngoan được thể hiện trong sự hiền lành.

Chính Thiên Chúa cần có một người mẹ: chúng ta còn cần hơn thế! Trên thập giá chính Chúa Giê-su đã trao Mẹ cho chúng ta: “Đây là mẹ của anh!” (Ga 19:27). Người nói điều này với người môn đệ được yêu và với tất cả các môn đệ. Đức Mẹ không phải là một sự trang trí tùy chọn: Mẹ phải được chào đón vào trong đời sống của chúng ta. Mẹ là Nữ vương hòa bình, Đấng chiến thắng cái ác và dẫn dắt chúng ta đi trên những con đường tốt lành, Đấng lấy lại tình hiệp nhất cho những đứa con của Mẹ, Đấng dạy chúng ta lòng trắc ẩn.

Lạy Mẹ Maria, xin cầm tay dẫn dắt chúng con. Bấu víu vào Mẹ, chúng con sẽ an toàn vượt qua những giai đoạn khó khăn của lịch sử. Xin cầm tay dẫn dắt chúng con để tái khám phá những mối dây ràng buộc làm chúng con hiệp nhất. Xin tập hợp chúng con về ẩn náu dưới áo choàng của Mẹ, trong sự dịu dàng của tình yêu đích thực, nơi gia đình nhân loại được tái sinh: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con xin chạy đến để được Mẹ bảo vệ.”

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2019]


Thông điệp Giáng sinh cho Iraq của Đức Hồng y Parolin trong chuyến thăm của ngài

Thông điệp Giáng sinh cho Iraq của Đức Hồng y Parolin trong chuyến thăm của ngài
Vatican Media Screenshot

Thông điệp Giáng sinh cho Iraq của Đức Hồng y Parolin trong chuyến thăm của ngài

‘Nguyện xin Thiên Chúa của hòa bình, Đấng đã hạ mình trở thành người anh của chúng ta, người bạn đồng hành của chúng ta trên đường, ban niềm vui và hòa bình cho một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân của đất nước Iraq thân yêu!’

28 tháng Mười Hai, 2018 00:16

Đức Hồng y Phê-rô Parolin Quốc Vụ khanh đang có chuyến thăm viếng Iraq từ 24-28 tháng Mười Hai, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ Giáng sinh. Ngài gặp gỡ đại diện của các Giáo hội Đông phương và các nhà chức trách của Chính phủ.

Đức Hồng y Parolin cùng đồng tế Thánh lễ đêm Giáng sinh với Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Babylon của Can-đê, trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Giu-se của Giáo hội Can-đê ở Baghdad. Trước đó Đức Hồng y Parolin đã đến thăm Nhà thờ Đức Bà Cứu Rỗi của Công giáo Syro, tại đó ngài cũng tham dự nghi thức thắp nến, tượng trưng cho sự giáng trần của Chúa Giê-su. Những nghi thức cử hành Đại lễ mừng Sinh nhật của Chúa kết thúc với Thánh Lễ trong Nhà thờ Chính tòa Công giáo Baghdad.

Dưới đây là bản dịch Thông điệp Giáng sinh cho Iraq của Đức Hồng y Phê-rô Parolin, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Adil Abdul Mahd và các nhà chức trách của Chính phủ trong Dinh Tổng thống.


* * *


Thông điệp Giáng sinh cho Iraq

Tôi xin chào thân ái toàn thể quý vị, đồng thời thay mặt Đức Giáo hoàng Phanxico ngài đã nhờ tôi gửi lời chào của ngài đến dân tộc Iraq thân yêu, và tôi cảm tạ ơn Chúa đã ban cho tôi niềm vui được đến viếng thăm đất nước của quý vị, là cái nôi của nền văn minh, vô cùng phong phú về những điểm tham chiếu của kinh thánh và lịch sử, mảnh đất của Tổ phụ A-bra-ham, nơi lịch sử Ơn cứu độ bắt đầu. Trong những ngày này tôi sẽ cùng cử hành đại lễ mừng ngày sinh của Chúa Giê-su cùng với những người Ki-tô hữu. Sự tốt lành và nhân tính của Thiên Chúa Đấng Cứu độ chúng ta được tỏ lộ trong ngày Giáng sinh (x. Tm 2:11). Lời loan báo đã trở thành hiện thực, lời hứa đã được hoàn tất: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29:11). Chỉ Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể ban sự bình an và niềm vui bất tận, 

Con Thiên Chúa nhập thể ban cho chúng ta niềm vui và bình an, thỏa mãn cho những mong chờ thẳm sâu nhất của mọi tâm hồn con người, củng cố thêm vững chắc bằng luật pháp và sự công bằng!

Đức Giáo hoàng nhắc chúng ta nhớ rằng: “Sức mạnh của Hài nhi Con Thiên Chúa và của Mẹ Maria không phải là sức mạnh của thế gian dựa trên quyền lực và của cải. Đó là sức mạnh của tình yêu. Đó là sức mạnh tạo sinh sự sống, sức mạnh tha thứ những lỗi lầm, hòa giải kẻ thù, và biến cái xấu thành tốt. Đó là sức mạnh của Thiên Chúa (. . .). Đó là sức mạnh của sự phục vụ, nó xây dựng trên thế gian này Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc của công bằng và hòa bình” (Sứ điệp Urbi et Orbi Giáng sinh 2016).

Giáng sinh là một lễ cho tất cả mọi người và thông điệp của nó được gửi đến tất cả những người thiện chí. Là những cá nhân và cộng đoàn, người Ki-tô giáo và Hồi giáo chúng ta được kêu gọi phải thắp lên ánh sáng bằng lời nói và hành động của ánh sáng trong bóng tối của sự sợ hãi và sự vô cảm, của sự vô trách nhiệm và lòng thù hận, để gieo rắc những hạt giống hòa bình, sự thật, công bằng, tự do và yêu thương. Chúng ta hãy sống trong tinh thần khiêm nhường và tôn trọng người khác, chấp nhận con người cùng với sự đa dạng của họ, không lấy những khác biệt đó để làm cớ chống lại nhau, nhưng khám phá trong những khác biệt đó một cơ hội để làm phong phú lẫn nhau, luôn tìm kiếm những ích chung. Những gì kết hiệp và liên kết chúng ta với nhau phải lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Niềm vui và sự bình an của Giáng sinh không phải là một đặc ân để giữ riêng cho mỗi người chúng ta, nhưng đó là một món quà để chia sẻ với người khác và để sống trong tinh thần trách nhiệm xây dựng một tương lai huynh đệ và hòa hợp. Nguyện xin Thiên Chúa của hòa bình, Đấng đã hạ mình trở thành người anh của chúng ta, người bạn đồng hành của chúng ta trên đường, ban niềm vui và hòa bình cho một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân của đất nước Iraq thân yêu!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2018]