Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô xua tan tin đồn về mật nghị hồng y, nói về vấn đề sức khỏe

Đức Thánh Cha Phanxicô xua tan tin đồn về mật nghị hồng y, nói về vấn đề sức khỏe

Đức Thánh Cha Phanxicô xua tan tin đồn về mật nghị hồng y, nói về vấn đề sức khỏe

Antoine Mekary | ALETEIA | i.MEDIA

I.Media for Aleteia

30/08/21


Vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau lần phẫu thuật đại tràng — và sắp bước sang tuổi 85 — Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sức khỏe của ngài trong một cuộc phỏng vấn mới.

Trong khi những tin đồn được lan truyền bởi một kênh truyền thông Ý cho biết có khả năng đức giáo hoàng người Argentina sẽ từ chức, thì kênh truyền thông khác sau đó đã quét sạch giả thuyết này bằng chiếc micrô của một đài phát thanh Tây Ban Nha. Vào ngày 30 tháng Tám năm 2021, kênh truyền thông COPE media đã phát sóng giới thiệu cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tình trạng sức khỏe của ngài sẽ được truyền thanh vào thứ Tư.

Kể từ cuộc giải phẫu đại tràng vào đầu tháng Bảy — cuộc phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê toàn thân và thời gian nằm viện mười ngày — Đức Thánh Cha Phanxicô đã không cho phép cuộc phỏng vấn nào. Tuy nhiên, gần đây ngài đã đồng ý nói chuyện trong một tiếng rưỡi với mạng lưới phát thanh COPE của Tây Ban Nha để nói về sức khỏe của ngài.

“Tôi còn sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi trả lời câu hỏi của nhà báo Carlos Herrera về sự hồi phục của Đức Thánh Cha kể từ sau cuộc phẫu thuật vào đầu tháng Bảy. Liên quan đến những suy đoán của báo chí về khả năng từ chức, Đức Giám mục Rôma trả lời: “Khi Giáo hoàng bị ốm, luôn luôn có một luồng gió nhẹ hoặc một cơn bão lốc về mật nghị hồng y”.

Một bài báo trên tờ Libero Quoditiano của Ý xuất bản vào ngày 23 tháng Tám đã thông báo — mà không trích dẫn nguồn — rằng Đức Giáo hoàng “đã bày tỏ ý định từ chức”. Những lý do được đưa ra trong bài báo là vấn đề sức khỏe của Đức Giáo hoàng Phanxicô suy yếu sau phẫu thuật đại tràng và tuổi tác của ngài. Đức Giáo hoàng sắp đến tuổi 85, và Đức Benedict XVI cũng 85 tuổi khi ngài từ chức.

Từ sau bản tin của Libero Quoditiano, nhiều bài báo đã xuất hiện nói về khả năng này và bắt đầu thảo luận về một mật nghị hồng y sắp tới. Cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Tây Ban Nha là một cách để Tòa thánh dập tắt những tin đồn.

Tiếp tục hồi phục sau ca phẫu thuật của mình — Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận vào ngày 27 tháng Tám rằng ngài vẫn đang trong giai đoạn hậu phẫu — Đức Giáo hoàng đã tiếp nối lại các hoạt động bình thường của ngài. Vào ngày 12 tháng Chín, ngài sẽ khởi hành chuyến đi 4 ngày tới Hungary và Slovakia.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/9/2021]

Kinh nghiệm cận tử mở ra con đường đến với chức tư tế

Kinh nghiệm cận tử mở ra con đường đến với chức tư tế

21 năm trước, Cha Vincent Lafargue đã bị một tai nạn xe mô tô kinh hoàng làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của cha.

Kinh nghiệm cận tử mở ra con đường đến với chức tư tế

Cha Vincent Lafargue (photo: Courtesy photo)

Solène Tadié Interviews

25 tháng Tám, 2021



Cha Vincent Lafargue thích kỷ niệm ngày 14 tháng Mười Một hàng năm, vì nó đánh dấu ngày mà cha coi là ngày sinh thứ hai của mình. Ngày đó vào năm 2000, người thanh niên Thụy Sĩ 25 tuổi đã bị tai nạn mô tô kinh hoàng khiến anh cận kề cái chết.

Cha cho biết, xuất huyết nội, sau đó là ngừng tim, đã đưa cha ra khỏi cơ thể của mình, hướng về một ánh sáng rất mạnh mà ở đó cha cảm thấy được bao trùm bởi tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.

Trải nghiệm cận kề cái chết như vậy đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận cuộc sống và ý nghĩa sâu xa đối với cuộc sống nơi trần gian của cha, đến mức dẫn đưa cha đến với ơn gọi linh mục hai năm sau đó, như cha kể lại trong cuộc phỏng vấn sau đây với Register.

Thụ phong linh mục trong Giáo phận Sion (thuộc Bang Valais, Thụy Sĩ) vào năm 2010, Cha Lafargue sống ở Villeneuve (thuộc bang Vaud), khi cha đang được đào tạo để trở thành tuyên úy cho một nhà thương gần đó ở Rennaz.


Tai nạn xảy ra với cha trong hoàn cảnh nào?

Lúc đó tôi 25 tuổi. Tôi có ba công việc cùng một lúc: tôi là một diễn viên vào buổi tối, là một phát thanh viên radio vào buổi sáng và là một giáo viên dạy tiếng Pháp vào ban ngày. Giống như nhiều người ở độ tuổi đó, tôi cho rằng mình còn sống mãi. Tôi thường làm mọi thứ cực kỳ nhanh chóng, như một học sinh của tôi đã từng chỉ ra cho tôi, lưu ý về một câu cửa miệng máy móc của tôi: Tôi luôn nói “nhanh, nhanh”. “Chúng ta sẽ phải thực hiện bài tập thật nhanh.” “Hãy nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác.” “Thầy sẽ nhanh chóng dạy cho các em vài điều.” Tôi nhận ra điều đó nhờ em học sinh này!

Tôi suy nghĩ về vấn đề này vào đêm hôm đó trên chiếc xe mô tô của mình, và tôi bắt đầu chuyện trò với Chúa trong lòng. Tôi nói với Người: “Con biết con đang đi quá nhanh và sự máy móc này nói lên cuộc đời của con. Con đang làm quá nhiều, và con ước mình có thể hãm lại, nhưng con không biết phải làm việc đó như thế nào, nhất là vì con yêu mọi điều con đang làm.” Tôi nói thêm, “Nếu Người vô cùng thông minh, nếu Người thực sự tồn tại, tại sao Người không tìm cách ngăn cản con?”

Tôi đến đèn đỏ; và ngay lúc đó, rất rõ ràng, một giọng nói át tiếng nhạc rất lớn tôi đang nghe trong tai nghe bắt đầu nói chuyện với tôi. Giọng nói này, rất nhẹ nhàng và nhã nhặn — và tiếng đó không liên quan gì đến tiếng nói của lương tâm tôi — hỏi tôi hai lần: “Con có thực sự nhận thức được những gì con đang hỏi Ta không?” Và hai lần nói rất lớn, không ý thức rõ mình đang làm gì, tôi trả lời: “Có”.

Đèn chuyển sang xanh và tôi đã đi được khoảng 100 mét (328 bộ) trước khi đâm vào một chiếc xe hơi phía trước, với vận tốc 50 dặm / giờ (hơn 80 km). Có một ảo ảnh quang học tại điểm đó của con đường, và người lái xe hơi và tôi không có cách nào để nhìn thấy nhau. Các nhà điều tra sau đó đã nhận ra điều này và đã sửa lại con đường. Tất cả chỉ diễn ra trong nửa giây. Chiếc xe kia cũng đang chạy tốc độ 50 dặm một giờ, vì vậy nó giống như đâm vào một bức tường với vận tốc 100 dặm một giờ. Thật kinh hoàng. Người chạy chiếc xe hơi, sau này trở thành bạn tôi, vẫn bị chấn thương trong một thời gian dài.


Tai nạn đó nghiêm trọng tới mức độ nào đối với cha?

Vô cùng nghiêm trọng, nhưng có một số “sự trùng hợp” — nghĩa là tên của Chúa khi Ngài hành động ẩn danh, vì vậy đây là những sự trùng hợp với chữ “G” (God) viết hoa — đã khiến tôi không chết vào buổi tối hôm đó. Người lái xe hơi có một chiếc điện thoại di động trong xe của cô ấy (điều này không phổ biến vào năm 2000), và cô ấy ngay lập tức gọi cảnh sát thay vì xe cấp cứu vì cô ấy tin rằng tôi đã chết khi tìm thấy tôi trong vũng máu. Đây là điều đã cứu mạng tôi vì sau đó chúng tôi được thông báo rằng xe cấp cứu bị kẹt xe cách hiện trường vụ tai nạn rất xa, trong khi một xe y tế của cảnh sát ở gần đó và đến sau hai phút.

Tôi được đưa đến bệnh viện ở Geneva. Tôi bị nhiều chỗ gãy, đặc biệt là ở xương chậu, gây xuất huyết nội mà không được phát hiện ngay. Tôi đã được cứu trong tình trạng cực kỳ khó khăn bởi một bác sĩ đã kết thúc ngày làm việc của ông nhưng đã ghé đến chỗ máy pha cà phê bên cạnh tôi trước khi rời đi. Khi nhìn thấy tôi, ông hỏi tình trạng của tôi và sau đó yêu cầu được xem phim X-quang của tôi. Ông nhận ra một điểm cho thấy tôi đang bị chảy máu đến chết và hiểu rằng tôi đang chết. Tim tôi ngừng đập ngay ngoài cửa phòng mổ.


Vậy đó là lúc mọi thứ thay đổi?

Vâng. Những gì xảy ra vào thời điểm đó luôn sống động hơn bất cứ điều gì khác trong tâm trí tôi. Tôi chợt nhìn thấy một cảnh tượng mà tôi có thể quan sát từ trên cao. Tôi nhìn thấy một người bị thương nằm trên giường, mọi người hối hả xung quanh anh ta, và sau đó tôi nghe thấy một tiếng bíp cho biết tim đang ngừng đập. Tôi lo lắng cho người này mà không hiểu rằng đó là tôi. Tôi đã ở trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong thực tế, nó chỉ kéo dài một phút, nhưng trong nhận thức của tôi, nó kéo dài hơn nhiều. Rồi tôi đột ngột quay lại, như thể có ai đó đang kéo tôi từ đằng sau. Nhưng thay vì nhìn thấy trần nhà, tôi nhìn thấy luồng ánh sáng mênh mông này, ánh sáng mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến trước đây. Nó mạnh hơn nhiều so với ánh sáng mặt trời nhưng không gây chói mắt. Tôi đã bị nó thu hút. Tôi lơ lửng về phía ánh sáng này trong một khoảng thời gian, nhưng không giống như những người khác, [chẳng hạn như những người tuyên bố nhìn thấy những người thân yêu đã khuất hoặc thậm chí là Chúa Giêsu], tôi đã không đi xa hơn. Tuy nhiên, đối với tôi, ánh sáng này là một sự hiện diện, không phải của một người có thể nhìn thấy được, mà bởi một sự hiện diện rõ ràng, đó là Tình yêu, Tình yêu vô điều kiện. Và đối với tôi, như tôi sẽ được học sau này, tình yêu là một Ngôi vị: đó là Thiên Chúa. Đây là điều tôi cảm nhận rất sâu sắc.


Cha nói rằng sau khi nhìn thấy ánh sáng mạnh mẽ này, cha đã không đi xa hơn nữa. Điều gì xảy ra tiếp theo?

Tôi đột nhiên bị quăng trở lại với cơ thể của mình. Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, nói theo cảm giác, mặc dù đó là lúc tim của tôi bắt đầu đập trở lại. Mọi sự đau đớn của tôi được đánh thức. Sau đó tôi phải trải qua những cuộc can thiệp nặng nề. Một số ký ức về những gì xảy ra đã nhanh chóng trở lại với tôi sau khi tôi thức dậy, mà tôi không thực sự hiểu được ý nghĩa của tất cả những điều đó.

Vài tháng sau, tôi nói chuyện đó với chính bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật. Tôi kể cho ông ấy nghe về những gì tôi đã thấy, sự xoa bóp tim, cuộc đối thoại giữa ông ấy và các y tá, con số tôi nhìn thấy trên tường, cái tên trên bảng tên đeo trên áo choàng trắng của người chăm sóc cạnh giường tôi. ... Vị bác sĩ vừa thấy thú vị vừa lúng túng, nói rằng về mặt khoa học tôi không thể nhớ bất kỳ điều gì, đặc biệt là người đàn ông bên cạnh giường, bởi vì tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ta bên ngoài phòng phẫu thuật. Bác sĩ nói ông tin tôi vì mọi điều tôi nói đều đúng, nhưng khoa học không thể giải thích điều đó vì tim tôi không còn đập nữa.


Kinh nghiệm này đã thúc đẩy cha đưa ra một lựa chọn dứt khoát cho cuộc sống mới. Nhưng cụ thể nó đã thay đổi cha như thế nào?

Có ba điểm chính mà tôi đã quan sát thấy ở bản thân mình sau đó, và cũng được tìm thấy nơi nhiều người đã trải qua kinh nghiệm [trải nghiệm cận tử]. Thứ nhất, thực tế là tôi không còn sợ chết. Yếu tố thứ hai thực sự là ý chí thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã chuyển từ ba công việc của tôi đến ơn gọi linh mục. Điểm thứ ba là nhu cầu được phục vụ người khác. Trong sứ mệnh của tôi, tôi tham gia vào hoạt động tuyên úy của bệnh viện, điều này cho phép tôi được tham gia với mọi người giống như những người đã ở bên tôi sau tai nạn của tôi.

Ở mức độ cá nhân, tôi đã phát triển “ăng-ten theo dõi đạo đức giả”, theo một cách nào đó. Đó là một cảm nhận sâu sắc về những gì thẳng thắn, công bằng, chân thành. Điều đó không phải luôn dễ dàng. Nó thúc đẩy tôi nói ra sự thật, là điều không phải lúc nào cũng dễ dàng!


Cha có mối tương quan như thế nào với Thiên Chúa trước khi tai nạn xảy ra?

Tôi là một tín hữu, nhưng không phải là một người thực hành sốt sắng, nhưng tôi từng đọc sách trong Thánh lễ cho cộng đoàn Công giáo của tôi. Tôi đã quen với việc đối thoại với Thiên Chúa để kêu gọi Ngài giải thích cho những sự bất hạnh và sự dữ trên thế giới, hơn là để cầu nguyện. Tôi đã không nhận thức được rằng Thiên Chúa không chịu trách nhiệm về những sự dữ đến từ người khác. …

Câu chuyện liên quan đến tai nạn của tôi minh họa cách thức Chúa đến để trả lời cho tôi về chủ đề này. Ngay sau khi tôi bị tai nạn, một cha tuyên úy đã đến thăm tôi tại phòng của tôi, và tôi đã thẳng thừng đuổi ngài đi. Nhưng cha trở lại vào tuần sau, và hàng tuần sau đó, trong suốt thời gian dài nằm viện của tôi. Cha giải thích cho tôi rất dài rằng Chúa không bao giờ làm điều dữ, rằng Người không muốn sự dữ xảy ra với tôi nhưng đang sử dụng nó để chạm vào tâm hồn tôi. Cha nói với tôi rằng Chúa đã cùng chịu đóng đinh với tôi vào cây thập giá mà tôi phải mang, cùng ở trên giường của tôi, và rằng chính nhờ Người mà tôi có thể vượt qua tất cả những điều này. Rõ ràng, những lời này rất quan trọng và đóng một vai trò chính trong hành trình của tôi.

Một sự “may mắn” khác lại đến lần nữa, vào ngày tôi đến thăm chủng viện ở Fribourg lần đầu tiên, cha có mặt ở đó, giảng bài về sứ mệnh tuyên úy bệnh viện!

Vào năm 2019, tôi được yêu cầu hỗ trợ các bệnh nhân của một bệnh viện mới ở Rennaz (thuộc bang Vaud). Chuyện lại xảy ra khi vị tuyên úy của cơ sở mới này vẫn là cha, vị cựu tuyên úy của bệnh viện ở Geneva, ngài lúc đó đã gần nghỉ hưu. Gần đây ngài đề nghị tôi đảm nhận vị trí tuyên úy của bệnh viện. Vì vậy, đó là những gì tôi hiện đang được đào tạo. Chúa chắc chắn rất kiên trì khi gọi ai đó!


Ơn gọi của cha có trổ hoa ngay sau kinh nghiệm cận kề cái chết của cha không?

Không, hai năm trôi qua, tôi đi khám phá tất cả các tôn giáo trên thế giới. Tôi đã tìm kiếm. Cú híc đầu tiên là sau chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Thụy Sĩ, trong đó ngài kêu gọi người dân địa phương không chuyển sang Phật giáo, mà hãy khám phá lại vẻ đẹp tôn giáo của họ. Điều này đã thúc đẩy tôi quay trở lại với đức tin Công giáo, đức tin mà tôi đã may mắn được đón nhận khi còn nhỏ.

Cú híc khác đến từ một chương trình radio. Thiên Chúa thường đến với chúng ta qua những điều nói với chúng ta. Tôi đã từng là một người dẫn chương trình phát thanh, và Người đã đến với tôi qua kênh đó. Tôi đang lái xe đến trường và mở một chương trình trên đường đi. Tôi nghe thấy một người lớn tuổi nói về mọi thứ tôi yêu thích — thi ca, nghệ thuật, phim ảnh — theo cách nói khiến tôi thực sự xúc động, mà tôi không biết ông ta là ai. Đó là một chương trình radio kéo dài hai hoặc ba ngày. Ngày hôm sau, tôi lại bật radio lên để nghe, và bị hạ gục khi biết người đàn ông này là một linh mục. Đối với tôi, các linh mục chỉ dâng Thánh lễ vào Chủ nhật, và tôi không biết rằng họ có thể nói về tất cả những chủ đề này với độ chính xác như vậy.

Sau đó tôi đã tra cứu thông tin liên lạc của vị linh mục và liên lạc với ngài. Trong khi nói chuyện với cha qua điện thoại, giọng nói của cha đầy thuyết phục như trên radio. Thậm chí không cần suy nghĩ, tôi nói với cha rằng tôi đã nghe cha nói trên radio và tôi cảm thấy được gọi đến cùng một ơn gọi của cha. Tôi là người đầu tiên ngạc nhiên vì những gì tôi nói. …


Các linh mục bạn phản ứng thế nào với câu chuyện của cha? Phẩm trật của cha có khuyến khích cha làm chứng nhiều hơn về kinh nghiệm này để rao giảng cho những người xa rời đức tin trở lại không?

Nhiều linh mục bạn đều biết câu chuyện của tôi, vì nó đã được đưa tin trên các phương tiện truyền thông, nhưng không ai nói với tôi về chuyện đó, với một vài trường hợp ngoại lệ. Nhiều người cảm thấy lúng túng vì chủ đề này khá kiêng kỵ trong Giáo hội. Họ có xu hướng tránh nói về những gì khoa học không thể giải thích, điều này thật đáng ngạc nhiên vì khoa học chưa bao giờ có thể giải thích được những phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện! Xu hướng này chủ yếu xảy ra trong khu vực Tây Âu, nó có giảm bớt một chút ở Hoa Kỳ, và tất nhiên là ở Giáo hội Đông phương.


Cha giải thích điều này thế nào?

Giáo hội Công giáo phương Tây của chúng tôi rất duy lý; nói chung, họ hoài nghi về những điều huyền bí. Về cơ bản, những người duy nhất mà tôi thật sự có thể nói về kinh nghiệm của mình là những nhà trừ quỷ, bởi vì họ biết rất rõ rằng có những hiện tượng huyền bí mà khoa học không giải thích được và Giáo hội nên quan tâm đến.

Mặt khác, nhiều tín hữu được đánh động trước lời chứng của tôi vì họ khát khao những chứng tá cho phép họ có thể hiểu những gì khoa học không giải thích được. Tôi nhìn thấy điều này mỗi khi một bài báo hoặc một chương trình về tôi được phát sóng. Tôi nghĩ rằng Giáo hội phải có lời nói về những điều như thế này. Rốt cuộc, đó là về sự sống đời đời!


Sự thận trọng này về phía Giáo hội cũng có thể được giải thích bởi thực tế là một số “người đã từng trải nghiệm” nhìn thấy những điều không liên quan trực tiếp đến Kitô giáo, tùy theo nền văn hóa và tín ngưỡng của họ.

Có thể, nhưng hiến chế tín lý Lumen Gentium (Đoạn 8) gợi ý rằng có thể có những yếu tố sự thật trong các tôn giáo khác. Tùy thuộc vào nền văn hóa của chúng ta, chúng ta có thể có những cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều đang tiến về cùng một Thiên Chúa.

Và trong tất cả các chứng ngôn, sự việc trùng lặp theo một cách nào đó. Ngoài những cách trình bày, không có điều gì trong những báo cáo khác nhau [về trải nghiệm cận tử] mâu thuẫn với đức tin Công giáo, bởi vì tất cả đều nói về tình yêu tuyệt đối. Nhiều người trong số họ, là người có tín ngưỡng hay không, là người Công giáo hoặc không Công giáo, cho rằng không chịu trách nhiệm trực tiếp về những hành động của họ, nhưng về tình yêu thương mà họ đã trao đi trong suốt cuộc đời. Điều này hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng.


Cha đã có dịp nói trong một số cuộc phỏng vấn rằng việc không sợ cái chết không ngăn cản cha bám chặt vào cuộc sống. Cha đã tiếp cận “cuộc sống thứ hai” ngày hôm nay như thế nào? Cha có bớt hối hả hơn một chút so với 20 năm trước không?

Đáng tiếc là không. Tôi là một nhà hoạt động không mệt mỏi! Tôi vẫn đang hối hả để sống cuộc đời một cách trọn vẹn nhất, ngày hôm nay thậm chí nhiều hơn ngày hôm qua. Tôi cũng nhận thức được những gì tôi gần như đã đánh mất. Thời gian của ngày không bao giờ là đủ dài, và tôi ước mình không cần ngủ để có thời gian làm mọi thứ tôi muốn làm trên trái đất!

Tôi tiếp cận cuộc sống như một đứa trẻ đứng trước một bữa tiệc buffet sôcôla và bánh kẹo ê hề, mà không biết phải xoay sở thế nào để ăn hết mọi thứ, và không biết bắt đầu từ đâu ...


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/9/2021]