Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Tông du của ĐTC đến Congo - gặp gỡ giới trẻ Congo: 5 nguyên liệu của ĐTC ‘cho tương lai’ của giới trẻ Congo

5 nguyên liệu của ĐTC ‘cho tương lai’ của giới trẻ Congo

Huấn từ của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ và giáo lý viên

Tông du của ĐTC đến Congo - gặp gỡ giới trẻ Congo: 5 nguyên liệu của ĐTC ‘cho tương lai’ của giới trẻ Congo

Vatican Media


*******

Sáng nay, sau khi dâng Thánh Lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đi xe đến Sân vận động Các Thánh Tử đạo ở thủ đô Kinshasa để gặp gỡ Giới trẻ và các Giáo lý viên.

Khi đến nơi, chuyển sang xe giáo hoàng và chạy vòng giữa các tín hữu, ĐTC gặp gỡ Giới trẻ và Giáo lý viên lúc 9 giờ 20 sáng.

Sau lời chào mừng của Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Giáo dân, tiếp theo là các chứng ngôn của một bạn trẻ và một giáo lý viên và màn trình diễn vũ điệu truyền thống, Đức Thánh Cha đã đọc huấn từ được chuẩn bị cho dịp này và nói chuyện với những người tham dự buổi gặp gỡ, mời gọi họ nắm tay nhau và hát với nhau như một cộng đoàn, một Giáo hội. Cũng trong lúc ban huấn từ, ngài yêu cầu mọi người giữ thinh lặng một phút để tha thứ cho từng người về những xúc phạm mà họ đã gánh chịu.

Cuối cùng, sau Kinh Lạy Cha và phép lành cuối, các bạn trẻ dâng lên Đức Thánh Cha món quà và bài hát kết, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Kinshasa bằng xe hơi.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha:

__________________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Cảm ơn các con đã thể hiện tình cảm, điệu nhảy và các chứng ngôn! Cha thật vui mừng được gặp gỡ trực tiếp các con, để chào và ban phép lành cho các con khi các con đưa tay hướng lên trời trong lễ.

Bây giờ cha xin các con, trong một giây lát thôi, đừng nhìn vào cha mà hãy nhìn vào đôi bàn tay của các con. Mở lòng bàn tay các con ra. Hãy nhìn chúng thật kỹ. Các bạn thân mến, Thiên Chúa đã đặt món quà sự sống, tương lai của xã hội và tương lai của đất nước tuyệt vời này vào tay các con. Các con thân yêu, có phải đôi bàn tay của các con có vẻ nhỏ bé và yếu ớt, trống rỗng và không phù hợp với một nhiệm vụ lớn lao như vậy không? Để cha nói cho các con biết điều này: bàn tay của các con trông giống nhau, nhưng không có bàn tay nào hoàn toàn giống nhau. Không ai có bàn tay giống như của các con, và đó là dấu hiệu cho thấy các con là một kho báu duy nhất, không thể lặp lại và không thể so sánh được. Không ai trong lịch sử có thể thay thế con. Vì vậy, hãy tự hỏi, đôi bàn tay của tôi để làm gì? Để xây dựng hay để phá hủy, để cho đi hay để giành lấy, để yêu thương hay để ghét bỏ? Hãy chú ý đến cách các con siết chặt bàn tay, nắm chặt lại thành nắm tay. Hoặc các con có thể mở ra, để dâng lên Chúa và tha nhân. Đó luôn luôn là sự lựa chọn căn bản mà chúng ta phải thực hiện kể từ thời cổ đại, kể từ ngày Aben quảng đại dâng lên thành quả lao động của mình, trong khi Cain “ra tay hại em … và giết chết em mình” (St 4:8). Các bạn trẻ thân yêu, các con là những người mơ ước về một tương lai khác: từ đôi bàn tay của các con, ngày mai có thể được sinh ra; từ đôi bàn tay của các con, hòa bình còn rất thiếu trong thế giới này cuối cùng có thể diễn ra. Tuy nhiên, cụ thể chúng ta phải làm gì? Cha muốn đề nghị một số “nguyên liệu cho tương lai”: năm nguyên liệu, mỗi nguyên liệu tương ứng với một ngón tay trên bàn tay của các con.

Ngón tay cái, ngón tay gần trái tim của chúng ta nhất, tượng trưng cho cầu nguyện, là động lực trong cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện có vẻ giống như một điều gì đó không thực tế và khác xa với những vấn đề và sự việc cụ thể của chúng ta. Tuy nhiên, cầu nguyện là nguyên liệu chính, nguyên liệu căn bản cho tương lai, bởi vì nếu bởi sức mình chúng ta không thể tiến xa được. Chúng ta không toàn năng và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta là như thế, chúng ta sẽ thất bại thảm hại. Hãy nghĩ đến một cây xanh, nếu chúng ta cắt rễ của nó. Ngay cả khi cái cây đó đã lớn và mạnh mẽ, nó không thể tự đứng vững. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đâm rễ sâu vào cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa. Cầu nguyện là điều cho phép chúng ta phát triển thật sâu, đơm hoa kết trái từng ngày, và biến bầu không khí ô nhiễm mà chúng ta hít thở thành dưỡng khí mang lại sự sống. Mỗi cây cần một thành phần đơn giản và căn bản nếu nó muốn phát triển. Thành phần đó là nước. Cầu nguyện là “nguồn nước cho linh hồn”: nó ẩn giấu, không nhìn thấy được, nhưng nó mang lại sự sống. Những người cầu nguyện phát triển bên trong; họ có thể ngước nhìn lên cao và nhớ rằng chúng ta được tạo dựng để hướng về thiên đàng.

Các con thân yêu, chúng ta cần phải cầu nguyện, cầu nguyện sống động. Đừng thưa chuyện với Chúa Giêsu như một người xa lạ gieo rắc sự tôn sùng và sợ hãi, nhưng như là một người bạn tốt nhất của các con, một người đã hy sinh mạng sống vì các con. Chúa Giêsu biết rõ các con, Ngài tin tưởng các con và Ngài luôn yêu thương các con. Khi chiêm ngưỡng Chúa bị treo trên thập tự giá vì ơn cứu độ của các con, các con sẽ thấy mình quý giá biết bao đối với Ngài. Các con hãy phó dâng cho Chúa những thánh giá, những sợ hãi, những lo âu của mình, treo chúng lên thập giá của Ngài. Chúa sẽ ôm lấy tất cả những điều đó. Chúa đã làm điều này hai ngàn năm trước; thập giá mà các con đang vác hôm nay đã là một phần của thập tự giá của Ngài. Vậy thì đừng sợ cầm lấy thánh giá trong tay, ép chặt thánh giá lên trái tim của các con, và trao tất cả những giọt nước mắt của các con cho Chúa Giêsu. Và đừng quên chiêm ngắm dung nhan của Ngài, dung nhan của một Thiên Chúa trẻ trung, sống động và phục sinh!

Vâng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ; Chúa đã lấy thập giá của Ngài để làm cây cầu dẫn đến sự phục sinh. Vì vậy, hãy giơ tay hướng lên Chúa hàng ngày, ngợi khen và chúc tụng Ngài. Kể với Chúa về những hy vọng trong lòng các con, chia sẻ với Ngài điều thầm kín nhất của cuộc đời các con: người mà các con yêu thương, những tổn thương các con mang trong mình, những ước mơ các con ấp ủ trong lòng. Kể cho Ngài nghe về những người hàng xóm, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp của các con; nói với Ngài về đất nước của các con. Thiên Chúa yêu thích cách cầu nguyện sống động, cụ thể và chân thành này. Nó cho phép Ngài can thiệp, đi vào cuộc sống hàng ngày của các con theo cách đặc biệt, đến với “sức mạnh bình an” của Ngài. Sức mạnh đó có một tên gọi. các con có biết đó là ai không? Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi, Đấng Ban Sự sống. Chúa Thánh Thần là động lực của hòa bình, là sức mạnh đích thực của hòa bình. Đó là lý do tại sao cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất. Nó mang đến cho các con niềm an ủi và hy vọng đến từ Chúa. Nó luôn mở ra những cơ hội mới và giúp các con vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Đúng, cầu nguyện chiến thắng nỗi sợ hãi và giúp chúng ta nắm lấy tương lai của mình trong tay. Các con có tin điều này không? Các con có muốn biến cầu nguyện thành bí quyết của mình, như dòng nước mát cho linh hồn, như vũ khí duy nhất các con mang theo, như người bạn đồng hành trên hành trình mỗi ngày không?

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào ngón thứ hai, ngón trỏ. Chúng ta sử dụng ngón trỏ để chỉ mọi thứ cho người khác. Những người khác, cộng đồng: đây là thành phần thứ hai. Các bạn thân mến, đừng hủy hoại tuổi trẻ của mình bằng cách trở nên cô lập và khóa kín trong bản thân mình. Hãy suy nghĩ về điều này thường xuyên và các con sẽ tìm thấy hạnh phúc, bởi vì cộng đồng là con đường giúp chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân và trung thành với ơn gọi thực sự của mình. Đi một mình có vẻ là thú vị, nhưng cuối cùng nó chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng rất lớn. Hãy nghĩ về ma túy: cuối cùng các con sẽ thu mình né tránh những người khác, né tránh khỏi cuộc sống thật, để có cảm giác toàn năng; nhưng cuối cùng các con thấy mình bị tước đoạt mọi thứ. Cũng hãy nghĩ đến việc nghiện những sự thần bí và phù thủy. Hình thức phụ thuộc này giam cầm chúng ta trong sợ hãi, báo thù và giận dữ. Đừng đầu hàng trước những ảo tưởng hứa hẹn hạnh phúc, những lâu đài cát được xây dựng dựa trên vẻ bề ngoài, tiền bạc dễ dàng hay những hình thức tôn giáo méo mó.

Hãy cảnh giác với cám dỗ muốn chỉ ngón tay vào một người nào đó, loại trừ người khác vì họ khác biệt; hãy cảnh giác với chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ lạc hoặc bất cứ điều gì khiến các con cảm thấy an toàn trong nhóm riêng của mình, nhưng đồng thời lại không quan tâm đến cuộc sống của cộng đồng. Các con đã biết điều gì xảy ra: đầu tiên, các con tin vào những định kiến về người khác, sau đó biện minh cho sự hận thù, tiếp đến là bạo lực, và cuối cùng, các con thấy mình đang ở giữa một cuộc chiến. Nhưng để cha hỏi các con điều này. Các con đã bao giờ nói chuyện với người từ các nhóm khác hay các con luôn giữ trong nhóm riêng mình? Các con đã bao giờ nghe những câu chuyện của người khác hoặc đến gần những đau khổ của họ chưa? Chắc chắn, lên án người ta thì dễ hơn là thấu hiểu họ; nhưng phương pháp của Thiên Chúa để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn là đón nhận những người mà chúng ta nghĩ là “người khác”, để đồng cảm với họ, để kết nối như một cộng đồng. Đó là ý nghĩa của việc xây dựng Giáo hội: mở rộng chân trời của chúng ta, xem người khác như người thân cận của chúng ta và quan tâm đến họ. Các con có thấy ai cô đơn, đau khổ hay bị bỏ rơi không? Hãy tiếp cận người ấy. Không phải vì muốn người đó thấy các con là một người tốt lành như thế nào, nhưng là để chia sẻ nụ cười và bày tỏ tình bạn của các con.

David, con đề cập rằng người trẻ tuổi muốn được kết nối với những người khác, nhưng mạng xã hội đó thường khiến con lẫn lộn. Đúng vậy, thực tại ảo là không đủ, chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc giao tiếp ảo với những người ở xa và đôi khi thậm chí không có thật. Cuộc sống không chỉ là chạm vào màn hình bằng một ngón tay. Thật buồn khi thấy những người trẻ tuổi dành hàng giờ để dán mắt vào điện thoại; rồi nếu con nhìn vào khuôn mặt của họ, con sẽ thấy rằng họ không có nụ cười, trông họ có vẻ mệt mỏi và buồn chán. Không thứ gì và không ai có thể thay thế năng lượng mà chúng ta có được khi ở bên nhau, sự rạng rỡ trong mắt chúng ta, niềm vui khi trao đổi ý kiến! Nói chuyện, lắng nghe nhau là điều cần thiết: trên màn hình, mọi người cuộn xuống để tìm những gì họ thấy thú vị. Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian cho nhau và trải nghiệm vẻ đẹp của việc để người khác làm con ngạc nhiên với những câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng cảm nhận thật cụ thể ý nghĩa của việc xây dựng cộng đồng. Hãy nắm tay người ở bên cạnh các con trong giây lát. Hãy tưởng tượng các con là một Giáo hội, là một dân tộc duy nhất. Nhận biết rằng hạnh phúc của chính mình phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác, nó được nhân lên gấp bội. Hiểu ý nghĩa của việc được bảo vệ bởi người anh chị em của mình, bởi một người chấp nhận con người của các con và quan tâm đến các con. Và biết rằng các con có trách nhiệm với những người khác, là một phần quan trọng của mạng lưới huynh đệ rộng lớn, trong đó mọi người hỗ trợ những người khác, và các con là tuyệt đối cần thiết. Vâng, các con là người không thể thiếu và có trách nhiệm đối với Giáo hội và đất nước của các con. Các con là một phần của lịch sử vĩ đại hơn, lịch sử mời gọi các con đóng vai trò tích cực như một người xây dựng sự hiệp thông, một nhà đấu tranh cho tình huynh đệ, một người ước mơ về một thế giới hiệp nhất hơn.

Các con không đơn độc trong cuộc phiêu lưu này: toàn thể Giáo hội trên khắp thế giới đang cổ vũ cho các con. Đó có phải là một thử thách khó khăn? Đúng, nhưng các con có thể vươn tới nó. Các con cũng có một số người bạn đang động viên các con hướng tới những mục tiêu này. Các con có biết họ là ai không? Là các thánh trên thiên đàng. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, Chân phước Marie-Clémentine Anuarite, và Thánh Kizito và các bạn đồng hành của ngài. Họ là những chứng nhân đức tin, những vị tử đạo không bao giờ khuất phục trước luận lý của bạo lực, nhưng họ đã công bố sức mạnh của tình yêu và sự tha thứ bằng chính cuộc sống của họ. Tên của họ, được ghi trên thiên đàng, sẽ tồn tại lâu dài trong lịch sử, trong khi những đầu óc hẹp hòi và bạo lực sẽ luôn chống lại những người thực hiện chúng. Cha biết các con đã nhiều lần chứng minh rằng các con sẵn sàng đứng lên bảo vệ nhân quyền, dù phải hy sinh nhiều, và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người trong nước. Cha cảm ơn các con vì điều này và cha tôn vinh ký ức về tất cả những người – và họ thì rất nhiều – những người đã hy sinh mạng sống hoặc sức khỏe của họ vì những mục đích cao cả này. Và cha khuyến khích các con hãy cùng nhau tiến lên, không sợ hãi, như một cộng đồng!

Cầu nguyện và cộng đồng; chúng ta đến với ngón giữa, ngón cao hơn những ngón khác, như để nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó trọng yếu. Nó là thành phần then chốt cho một tương lai xứng đáng với những kỳ vọng to lớn của chúng ta. Và đó là: sự lương thiện! Là người Kitô hữu tức là làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Cách đầu tiên để làm việc này là sống đạo đức, như Đức Kitô mong muốn. Điều này có nghĩa là không bị vướng vào những cạm bẫy của tham nhũng. Người Kitô hữu không thể không lương thiện; nếu không, họ phản bội lại căn tính của họ. Nếu không lương thiện, chúng ta không phải là người môn đệ và chứng nhân của Chúa Giêsu; chúng ta là những kẻ ngoại giáo, những kẻ thờ ngẫu tượng, những kẻ tôn thờ cái tôi của mình hơn là Thiên Chúa, những kẻ lợi dụng người khác hơn là phục vụ họ.

Tuy nhiên, cha tự hỏi – làm thế nào để chúng ta ngăn chặn sự lây lan của nạn tham nhũng, nó dường như không bao giờ ngừng lan rộng? Thánh Phaolô giúp chúng ta với một câu nói đơn giản và nổi bật mà các con có thể lặp đi lặp lại cho đến khi thuộc lòng. Đó là: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21). Đừng để cho sự ác thắng được mình. Đừng để bản thân mình bị thao túng bởi những cá nhân hoặc nhóm cố gắng sử dụng các con để kìm hãm đất nước trong vòng kìm kẹp của bạo lực và bất ổn, để họ có thể tiếp tục kiểm soát nó mà không trả lời bất cứ ai. Nhưng hãy lấy thiện thắng ác. Ước mong các con trở thành những người biến đổi xã hội, những người biến ác thành thiện, biến hận thù thành yêu thương, biến chiến tranh thành hòa bình. Các con có muốn trở thành người như vậy không? Nếu các con muốn thì điều đó là có thể. Các con có biết tại sao không? Bởi vì mỗi người trong các con đều có một kho báu mà không ai có thể đánh cắp được. Đó là sức mạnh để đưa ra lựa chọn. Trên thực tế, các con chính là người đưa ra lựa chọn, và các con luôn có thể chọn làm điều phải. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Đừng để cuộc sống của các con bị kéo theo dòng chảy của tham nhũng. Đừng để mình bị cuốn trôi như những cành khô trong dòng sông ô nhiễm. Hãy phẫn nộ, nhưng đừng bao giờ đầu hàng trước những cám dỗ đầy thuyết phục nhưng độc hại của nạn tham nhũng.

Cha nghĩ đến chứng tá của một người trẻ tuổi như các con, anh Floribert Bwana Chui, mười lăm năm trước, khi mới 26 tuổi, đã bị giết ở Goma vì chặn đường vận chuyển các loại thực phẩm hư thối có thể gây hại cho sức khỏe của mọi người. Anh ấy có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ; không ai có thể phát hiện ra, và kết quả là anh thậm chí có thể dẫn trước. Nhưng, vì là một người Kitô hữu, anh đã cầu nguyện. Anh nghĩ đến người khác và anh chọn con đường lương thiện, nói không với sự nhơ nhuốc của nạn tham nhũng. Đó là ý nghĩa của việc giữ cho bàn tay của các con trong sạch, vì những bàn tay buôn bán kiếm tiền dễ dàng sẽ vấy máu. Nếu ai đó đưa hối lộ cho các con, hoặc hứa hẹn cho con những ân huệ và rất nhiều tiền, đừng rơi vào cạm bẫy đó. Đừng để bị lừa dối; đừng để bị lún vào đầm lầy của cái ác. Đừng để cho sự ác thắng được mình! Đừng tin tưởng những kế hoạch tài chính mờ ám khiến các con chìm trong bóng tối. Lương thiện là tỏa sáng như ban ngày; đó là chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa. Đó là sống mối phúc công bằng: lấy thiện thắng ác!

Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay thứ tư, ngón đeo nhẫn, nhẫn cưới được đeo trên ngón đó. Nếu các con suy nghĩ về nó, thì ngón áp út cũng là ngón yếu nhất, là ngón khó giơ lên nhất. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những mục tiêu mang đến cho chúng ta sự thỏa mãn lớn nhất trong cuộc sống, trên hết là tình yêu, bao gồm sự yếu đuối, mệt mỏi và khó khăn. Phải được chấp nhận những điều này, đương đầu với lòng kiên trì và tin tưởng, không để bản thân bị đè nặng bởi sự nhỏ nhen, chẳng hạn như khi ý nghĩa tượng trưng rất đẹp của của hồi môn bị thu hẹp hoàn toàn trở thành một thỏa thuận tài chính. Trong sự yếu đuối và trong những lúc khủng hoảng của chúng ta, sức mạnh nào khiến chúng ta tiến lên? Sự tha thứ. Bởi vì tha thứ có nghĩa là có thể bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ; nó có nghĩa là từ chối lặp lại quá khứ. Tha thứ là thay đổi tiến trình của lịch sử. Đó là vực dậy những ai đã vấp ngã. Đó là chấp nhận quan điểm rằng không một ai là hoàn hảo và tất cả mọi người, không chỉ riêng tôi, đều có quyền bắt đầu lại.

Các bạn thân mến, để tạo ra một tương lai mới, chúng ta cần cho đi và đón nhận sự tha thứ. Đó là những điều người Kitô hữu làm: họ không chỉ yêu những người yêu họ, mà họ chọn cách ngăn chặn vòng xoáy của sự trả thù cá nhân và bộ tộc bằng sự tha thứ. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, người anh của các con, người đã bị tra tấn dã man vì không chịu giấu giếm lòng sùng đạo của mình và giới thiệu Kitô giáo cho những người trẻ khác. Ngài không bao giờ khuất phục trước cảm giác thù hận và khi hy sinh mạng sống, ngài đã tha thứ cho kẻ tra tấn mình. Những người tha thứ đưa Chúa Giêsu đến cả những nơi mà Chúa không được chào đón; họ mang tình yêu đến những nơi tình yêu bị từ chối. Người tha thứ xây dựng tương lai. Nhưng làm thế nào chúng ta có khả năng tha thứ? Trước hết hãy cho phép bản thân được Chúa tha thứ. Mỗi khi chúng ta xưng tội, chúng ta nhận được trong tâm hồn mình sức mạnh thay đổi lịch sử. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, luôn luôn và tự do! Và sau đó chúng ta được yêu cầu, như Tin Mừng nói: “hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37). Ra đi không oán hận, không căm ghét, không hận thù. Hãy tiến lên và lấy đường lối của Chúa thành đường lối của riêng mình, vì chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể đổi mới lịch sử. Hãy tiến lên và tin rằng chúng ta luôn có thể bắt đầu lại với Chúa. Chúng ta luôn có thể bắt đầu trở lại, chúng ta luôn có thể tha thứ!

Cầu nguyện, cộng đồng, lương thiện, tha thứ. Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay cuối cùng và nhỏ nhất. Các con có thể muốn nói rằng: Nhưng tôi quá nhỏ bé, và bất cứ điều gì tốt tôi có thể làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng chính sự nhỏ bé, quyết định trở nên nhỏ bé của chúng ta, đã cuốn hút Thiên Chúa. Chìa khóa ở đây là sự phục vụ. Người phục vụ tự biến mình thành bé nhỏ. Giống như một hạt giống bé nhỏ, dường như chúng bị nuốt chửng trong lòng đất, nhưng chúng trổ hoa kết trái. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng phục vụ là sức mạnh biến đổi thế giới. Vì vậy, câu hỏi nhỏ bé mà các con có thể gắn trên ngón tay mỗi ngày là: Tôi có thể làm gì cho người khác? Nói cách khác, tôi có thể phục vụ Giáo hội theo cách nào, phục vụ cộng đồng của tôi, đất nước của tôi? Olivier, con đã nói với chúng ta rằng, ở một số vùng hẻo lánh, những người giáo lý viên các con, hàng ngày phục vụ các cộng đoàn đức tin và rằng, trong Giáo hội, đây phải là “việc của mọi người”. Đó là sự thật, và thật là một điều rất đẹp khi phục vụ người khác, quan tâm đến họ, làm một điều gì đó mà không mong đợi được đáp trả lại bất cứ điều gì, như Chúa đã làm với chúng ta. Các con giáo lý viên thân yêu, cha xin cảm ơn các con: đối với rất nhiều cộng đoàn, các con là quan trọng như nguồn nước; luôn giúp họ phát triển bằng lời cầu nguyện chân thành và sự phục vụ của các con. Phục vụ không phải là ngồi yên; đó là đứng dậy và ra đi. Nhiều người đứng dậy và ra đi vì họ muốn theo đuổi lợi ích riêng của họ. Các con đừng e sợ theo đuổi sự thiện, đầu tư vào sự thiện và loan báo Tin Mừng, chuẩn bị cho mình một cách nhiệt tình và thích hợp, và khởi xướng những dự án lâu dài. Và đừng ngại để tiếng nói của các con được lắng nghe, bởi vì trong tay các con không chỉ là tương lai, mà là cả hiện tại. Hãy ở trung tâm của thời điểm hiện tại!

Các bạn thân yêu, cha để lại cho các con năm từ để giúp các con phân định, giữa rất nhiều thông điệp hấp dẫn mà các con nghe thấy, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Vì trong cuộc sống, cũng như trong việc lái xe, tình trạng mất trật tự và lộn xộn thường tạo ra những vụ tắc đường không cần thiết làm lãng phí thời gian và năng lượng của chúng ta, đồng thời châm ngòi cho sự tức giận. Thay vì vậy, chúng ta hãy làm tốt, ngay cả giữa những lộn xộn, để cho trái tim và cuộc sống chúng ta sự trong sáng, lập những kế hoạch thực tế và có những điểm quy chiếu ổn định, nhằm hướng tới một loại tương lai khác, không chú ý đến những lời hứa trống rỗng của chủ nghĩa cơ hội. Các bạn bạn trẻ và giáo lý viên thân yêu, cha cảm ơn các con về những gì các con làm và về con người của các con. Cảm ơn các con vì sự nhiệt tình, ánh sáng và niềm hy vọng của các con! Bây giờ cha muốn nói với các con một điều cuối cùng: đừng bao giờ nản lòng! Chúa Giêsu tin tưởng vào các con và Ngài sẽ không bao giờ để các con bị mắc kẹt. Hãy nắm chặt niềm vui mà các con cảm nhận ngày hôm nay; đừng bao giờ để nó phai mờ. Như Floribert đã nói với những người bạn của mình khi họ cảm thấy chán nản: “Hãy cầm lấy Tin mừng và đọc. Nó sẽ an ủi bạn; nó sẽ mang lại cho bạn niềm vui”. Tất cả các con hãy cùng nhau bỏ lại phía sau sự bi quan làm tê liệt. Nước Cộng hòa Dân chủ Congo mong đợi từ bàn tay của các con một tương lai khác, vì tương lai đó nằm trong tay các con. Xin cho đất nước của các con một lần nữa trở thành, nhờ vào các bạn, một khu vườn của tình huynh đệ, một trung tâm hòa bình và tự do ở Châu Phi! Cảm ơn các con!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2023]


Tông du đến Congo - ĐTC gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Đức Thánh Cha: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa

Tông du đến Congo - ĐTC gặp gỡ đại diện một số tổ chức từ thiện tại thủ đô Kinshasa: “Phân phối của cải không đồng đều gây ra nghèo đói”

Vatican News


*******

Chiều nay, lúc 18:30, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ đại diện của một số Tổ chức Từ thiện tại Tòa Khâm sứ ở thủ đô Kinshasa.

Cuộc họp có sự tham gia của tổ chức Telema Ongenge, các bệnh nhân Phong của bệnh viện La Rive, Hiệp hội Fasta, Trung tâm Giấc mơ, những người câm điếc của làng Bondeko, người mù của các trường Petite Flamme thuộc Phong trào Focolare và các Nữ Đan sĩ dòng Trappist ở Mvanda.

Sau phần trình bày ngắn gọn về các hiệp hội từ thiện hiện diện, Đức Thánh Cha đã có huấn từ.

Cuối cùng, sau khi đọc Kinh Lạy Cha và làm phép lành cuối, Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa tối riêng.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ:

_______________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi thân ái chào anh chị em và cảm ơn vì các bài hát của anh chị em, những chứng ngôn của anh chị em và vì tất cả những gì anh chị em đã chia sẻ với tôi, nhưng đặc biệt là về tất cả những gì anh chị em đang làm! Ở đất nước này, nơi âm thanh của bạo lực vang lên như tiếng cây bị đốn đổ, anh chị em là khu rừng lặng lẽ lớn lên mỗi ngày và làm cho không khí trong lành và dễ thở. Đương nhiên, một cái cây đổ gây ra nhiều tiếng ồn hơn, nhưng Thiên Chúa yêu thương và chúc lành cho lòng quảng đại âm thầm nảy mầm và đơm hoa kết trái, và Ngài vui mừng nhìn đến tất cả những người phục vụ người thiếu thốn. Đó là cách phát triển của sự thiện: trong sự đơn sơ của đôi bàn tay và trái tim giang rộng cho người khác và trong sự can đảm của những bước chân nhỏ bé tiếp cận người nghèo và người dễ bị tổn thương nhân danh Chúa Giêsu. Câu tục ngữ mà chị Cecilia trích dẫn thực sự rất đúng: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.

Một điều làm tôi rất ấn tượng: anh chị em không chỉ đơn thuần liệt kê các vấn đề xã hội hoặc cung cấp cho tôi số liệu thống kê về tình trạng nghèo đói, mà quan trọng hơn anh chị em nói về người nghèo với cảm xúc mạnh mẽ. Anh chị em đã nói về chính mình và về những người trước đây anh chị em chưa từng biết, nhưng nay đã trở nên quen thuộc với anh chị em; những con người có tên tuổi và khuôn mặt. Tôi thật cảm kích vì anh chị em có thể nhìn thấy Chúa Giêsu nơi những người nhỏ bé nhất trong những anh chị của Chúa. Tìm kiếm và yêu mến Chúa nơi những người nghèo và người Kitô hữu chúng ta phải cẩn thận để không quay lưng lại với họ. Có điều gì đó không ổn khi một người tín hữu giữ khoảng cách với những người được Đức Kitô yêu thương.

Trong khi rất nhiều người ngày nay gạt bỏ người nghèo, anh chị em ôm lấy họ; trong khi thế giới bóc lột họ, anh chị em khuyến khích họ. Khuyến khích chống lại bóc lột: đây là một cánh rừng đang phát triển, cho dù nạn phá rừng và sự lãng phí tràn lan! Tôi muốn mọi người biết rõ hơn về những gì anh chị em đang làm, để thúc đẩy sự phát triển và niềm hy vọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và trên toàn lục địa này. Tôi đến đây với mong muốn trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Tôi ước gì các phương tiện truyền thông sẽ dành nhiều không gian hơn cho đất nước này và toàn bộ Châu Phi! Ước gì các dân tộc, các nền văn hóa, những đau khổ và hy vọng của lục địa non trẻ này trong tương lai được biết đến nhiều hơn! Mọi người sẽ khám phá ra những tài năng to lớn và những câu chuyện về sự lớn lao thực sự của con người và Kitô giáo, hiện lên từ một môi trường lành mạnh được đánh dấu bằng sự tôn trọng đối với trẻ em, người già và mọi tạo vật.

Tôi thật vui được trở thành tiếng này ở đây tại Tòa Khâm sứ, bởi vì các Cơ quan đại diện của Giáo hoàng, “những ngôi nhà của Giáo hoàng” trên khắp thế giới, phải là những người thúc đẩy sự phát triển con người, là trung tâm bác ái, đi đầu trong đường lối ngoại giao của lòng thương xót bằng những cố gắng tạo điều kiện viện trợ hiệu quả và ủng hộ các mạng lưới hợp tác. Việc này hiện đang diễn ra cách âm thầm ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như nó đã diễn ra từ lâu ở đây. Ngôi nhà này đã là một sự hiện diện lân cận trong nhiều thập kỷ. Được thành lập cách đây 90 năm với trong vai trò là Phái đoàn của Tòa thánh, trong vài ngày nữa sẽ kỷ niệm 60 năm ngày được nâng lên cấp Sứ thần.

Thưa anh chị em, anh chị em yêu đất nước này và cống hiến hết mình cho người dân. Những gì anh chị em làm thật tuyệt vời, nhưng không có nghĩa là dễ dàng. Chúng tôi rơi lệ khi nghe những câu chuyện như anh chị em đã kể cho tôi, về những người đàn ông và phụ nữ đau khổ bị bỏ rơi vô gia cư do sự thờ ơ chung. Sự thờ ơ này khiến họ phải sống trên đường phố, khiến họ có nguy cơ bị bạo lực thể xác và lạm dụng tình dục, thậm chí bị buộc tội là sử dụng ma thuật, trong khi họ chỉ cần sự yêu thương và sự quan tâm. Tekadio, cha thật kinh ngạc trước những gì con kể với chúng ta. Do bệnh phong, ngày hôm nay vào năm 2023, con vẫn cảm nhận bị “phân biệt đối xử, coi thường và sỉ nhục”, trong khi mọi người, trộn lẫn giữa sự xấu hổ, không hiểu biết và sợ hãi, lao vào tẩy uế nơi mà ngay cả bóng của con đi qua. Nghèo đói và bị từ chối là một sự xúc phạm đến con người, cướp đi phẩm giá của họ. Chúng giống như đống tro tàn dập tắt ngọn lửa mà người đó mang trong mình. Đúng vậy, mỗi con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, tỏa sáng với ngọn lửa rực rỡ, nhưng chỉ có tình yêu mới loại bỏ được lớp than bụi che lấp hình ảnh đó. Chỉ bằng cách phục hồi lại phẩm giá, chúng ta mới phục hồi lại nhân loại! Tôi rất buồn khi biết rằng ở đây cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em và người già bị loại bỏ. Điều này thật đáng hổ thẹn và thậm chí còn có hại cho toàn xã hội, mà sự lành mạnh của nó phụ thuộc chính vào sự chăm sóc mà xã hội mang đến cho người già và trẻ em, vì họ là gốc rễ và là tương lai của xã hội. Chúng ta đừng quên: sự phát triển thực sự của con người không thể hưng thịnh ở nơi không có ký ức hoặc tương lai. Ký ức được lưu giữ sống động bởi người già và tương lai được đưa tới bởi người trẻ.

Thưa anh chị em, hôm nay tôi muốn đặt hai câu hỏi cho anh chị em, và thông qua anh chị em, gửi đến cho nhiều người đang làm việc vì lợi ích của đất nước tuyệt vời này. Thứ nhất: Nó có đáng không? Có đáng nỗ lực để chiến đấu với đại dương túng thiếu không ngừng gia tăng này không? Nó có phải là một nỗ lực vô ích và thường làm chán nản không? Điều Sơ Marie Celeste nói có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Sơ nói: “Bất kể sự tầm thường của chúng ta, Chúa chịu đóng đinh muốn chúng ta ở bên cạnh Ngài để giúp Ngài gánh lấy những thảm kịch của thế giới.” Đúng vậy, lòng bác ái làm cho chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa và Người làm chúng ta ngạc nhiên với những điều kỳ diệu bất ngờ qua những người được Chúa yêu. Những câu chuyện của anh chị em chứa đầy các biến cố ​​diệu kỳ, nhờ trái tim của Chúa và không thể quy cho sức mạnh con người. Pierre, cha nghĩ về những gì con kể với chúng tôi, khi con nói rằng trong sa mạc của sự bất lực và thờ ơ, trong biển khổ, con và các bạn của con đã khám phá ra rằng Thiên Chúa không quên các con, bởi vì Chúa gửi đến cho các con những người không quay lưng lại khi họ đang băng qua đường nơi các con đứng. Trong khuôn mặt của họ, con đã khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu và bây giờ con muốn giúp những người khác cách tương tự như vậy. Lòng tốt là như thế, nó lan tỏa; nó không bị tê liệt bởi sự buông xuôi hay con số thống kê, nhưng thúc giục chúng ta trao cho người khác những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không. Tôi nhận được và tôi cho đi. Đặc biệt, thanh niên cần nhìn thấy điều này: họ cần nhìn thấy những khuôn mặt chiến thắng sự thờ ơ bằng cách nhìn thẳng vào mắt mọi người, và những bàn tay không cầm vũ khí hoặc lạm dụng tiền bạc, nhưng vươn tới những người đang gục ngã dưới đất và nâng họ lên đúng phẩm giá của họ, phẩm giá của một người con của Thiên Chúa. Chỉ có một trường hợp đúng đắn duy nhất khi nhìn người khác từ trên cao: giúp nâng người đó lên. Ngoài ra, chúng ta không bao giờ nên nhìn một người từ trên cao.

Vì vậy, nó thật xứng đáng! Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy chính quyền dân sự, thông qua các thỏa thuận gần đây với Hội đồng Giám mục, đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của những người tham gia vào công việc bác ái và xã hội. Điều này chắc chắn không có nghĩa là chúng ta có thể giao phó một cách có hệ thống cho các thiện nguyện viên chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, hoặc việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đây là trách vụ chính của những người lãnh đạo; họ phải lưu tâm để đảm bảo rằng các dịch vụ cơ bản được cung cấp cho những người sống xa các trung tâm đô thị lớn. Đồng thời, những người tin Đức Kitô không bao giờ được làm hoen ố chứng tá bác ái, tức là chứng tá cho Thiên Chúa, bằng cách chạy theo đặc quyền, uy tín, danh tiếng và quyền lực. Đó là một điều xấu mà chúng ta không bao giờ được làm. Không, phương tiện, nguồn lực và mục tiêu của chúng ta là sử dụng cho người nghèo. Những người chăm sóc người nghèo luôn phải nhớ rằng quyền bính là phục vụ, và bác ái không làm cho chúng ta ngủ quên trên vinh quang, nhưng đòi hỏi những hành động cấp bách và cụ thể. Về vấn đề này, trong số rất nhiều việc cần phải làm, tôi muốn nhấn mạnh đến một thách đố liên quan đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng đất nước này. Nguyên nhân gây ra nghèo đói không phải là thiếu của cải và cơ hội, mà là sự phân phối không đồng đều. Những người giàu có, đặc biệt nếu họ là người Kitô hữu, được thách đố biết chia sẻ những gì họ có với những người thiếu thốn các nhu cầu tối thiểu, và càng phải chia sẻ nhiều hơn nữa nếu họ là thành viên của cùng một dân tộc. Đây không phải là vấn đề của thiện ý, mà là công bình. Nó không phải là công việc từ thiện, mà là niềm tin. Vì, như Kinh thánh nói, “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:26).

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thứ hai, liên quan đến bổn phận và tính cấp bách của công việc thiện ích. Phải thực hiện nó như thế nào? Từ thiện phải được thực hiện như thế nào? Phải tuân theo những tiêu chí nào? Ở đây tôi sẽ cung cấp cho anh chị em ba ý tưởng đơn giản. Những ý tưởng này là quen thuộc với các tổ chức từ thiện làm việc ở đây, nhưng thật hữu ích để nhắc lại, để việc phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo có thể trở thành một hình thức chứng tá hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trước hết, bác ái kêu gọi sự nêu gương. Nó không đơn thuần là một việc chúng ta làm; nó là một biểu hiện cho biết chúng ta là ai. Đó là một lối sống, một lối sống Tin Mừng, và nó đòi hỏi sự đáng tin cậy và minh bạch. Tôi đang nghĩ đến việc quản lý tài chính và hành chính của các dự án, cũng như nhu cầu cung cấp các dịch vụ phù hợp theo cách hiệu quả. Đây chính là tinh thần ghi dấu ấn nhiều công cuộc của Giáo hội mang lại lợi ích cho đất nước này và làm nổi bật lịch sử của nó. Mong rằng chúng ta luôn nêu gương tốt!

Thứ hai, biết nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn xa. Điều quan trọng là các sáng kiến và công cuộc thiện ích không chỉ đáp ứng cho những nhu cầu trước mắt mà còn chứng minh tính bền vững theo thời gian. Chúng không nhằm mục đích định hướng phúc lợi, mà cân nhắc xem việc nào cho thấy hiệu quả nhất về lâu về dài; theo cách này, chúng có thể kéo dài và không kết thúc cùng với những người đã khởi động chúng. Ví dụ, ở đất nước này, đất đai vô cùng màu mỡ và vô cùng năng suất. Lòng quảng đại của những người cung cấp viện trợ cho anh chị em phải đánh giá cao thực tế này và thúc đẩy sự phát triển của những người sống trên vùng đất ở đây, dạy họ cách canh tác và tạo ra các dự án phát triển để tương lai nằm trong tay họ. Thay vì phân phối hàng hóa là điều luôn thiếu hụt, tốt hơn hết là truyền tải kiến thức và các công cụ giúp phát triển tự chủ và bền vững. Ở đây, tôi muốn đề cập đến sự đóng góp to lớn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Công giáo, mà ở đất nước này cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, mang đến sự trợ giúp và hy vọng cho mọi người, giúp đỡ những người đau khổ với tinh thần quảng đại và đủ năng lực, luôn luôn tìm kiếm để giúp đỡ người khác thông qua việc sử dụng các phương tiện phù hợp và cập nhật.

Nêu gương, có tầm nhìn xa, và bây giờ – yếu tố thứ ba – liên kết. Thưa anh chị em, anh chị em phải có kết nối mạng lưới, không chỉ trực tuyến mà còn kết nối cụ thể. Chúng ta thấy điều này được minh họa trong đất nước của anh chị em trong bản giao hưởng của cuộc sống được tìm thấy trong cánh rừng mênh mông và thảm thực vật đa dạng của nó. Liên kết mạng lưới kêu gọi sự hợp tác ngày càng lớn hơn, sự tương tác liên tục với nhau, luôn hiệp thông với các Giáo hội địa phương và khu vực. Liên kết mạng lưới: mỗi người tùy theo đặc sủng của mình, nhưng cùng nhau, kết nối, chia sẻ những điều quan tâm, những ưu tiên và nhu cầu, mà không bị cô lập hoặc tự quy chiếu, sẵn sàng làm việc cùng với các cộng đoàn Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, và nhiều tổ chức nhân đạo hiện diện ở đây – tất cả vì lợi ích của người nghèo. Kết nối mạng lưới với tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến, tôi để lại cho anh chị em những suy tư này và tôi cám ơn anh chị em về những gì anh chị em đã trao cho tôi ngày hôm nay. Thật vậy, cảm ơn rất nhiều vì anh chị làm tôi rất xúc động. Anh chị em là một gia tài tuyệt vời. Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2023]