Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (#2)

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (#2)
Copyright: Vatican Media

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (#2)

Ngài bỏ bài diễn từ soạn trước để nói những điều xuất phát từ trong lòng

23 tháng Chín, 2019 14:35

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá … 


*****

Diễn từ soạn trước của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào và cảm ơn Tiến sĩ Paolo Ruffini, Tổng trưởng của Bộ, người chủ tọa của phiên họp khoáng đại lần đầu tiên, về những lời ông gửi đến tôi thay mặt toàn thể anh chị em. Một số gương mặt anh chị em đã quen thuộc hơn với tôi, vì anh chị em đồng hành với tôi trong công việc hàng ngày và trong những chuyến tông du của tôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng có nhiều anh chị em khác cũng trải qua tuần làm việc của mình theo nhịp độ của những cam kết của Giáo hoàng. Và họ cũng làm như vậy “sau hậu trường,” trong việc phục vụ Giáo hội, họ đặt tất cả tính chuyên nghiệp và sáng tạo, niềm say mê và sự thận trọng vào trong công việc.

Tôi rất hạnh phúc vì có thể gặp gỡ tất cả anh chị em ở đây hôm nay và xin cảm ơn tất cả những gì anh chị em đang làm! Nhờ vào công việc của anh chị em mà nhiều người được động viên trên hành trình đức tin và nhiều người được mời gọi tìm kiếm sự gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhờ công việc của anh chị em mà Giáo hoàng nói được tới gần bốn mươi ngôn ngữ – nó là “phép lạ Lễ Ngũ Tuần” thật sự! Nhờ công việc của anh chị em mà Huấn quyền của Giáo hoàng và Giáo hội được đọc trên văn bản, lắng nghe trên radio, theo dõi trên các mạng lưới truyền hình và các websites và được chia sẻ trên mạng xã hội, trong cơn lốc của thế giới số.

Đây là lần đầu tiên tôi được gặp tất cả anh chị em kể từ khi, cách đây bốn năm, bắt đầu tiến trình tập hợp lại thành một bộ mới của tất cả các thực thể thuộc Giáo triều Roma, theo nhiều cách khác nhau, để thực hiện công tác truyền thông (x. Motu proprio Bối cảnh hiện tại của truyền thông, 27 tháng Sáu năm 2015). Những cải tổ hầu như luôn luôn gian khó, và với những người liên quan đến truyền thông Vatican cũng vậy. Có thể đã có một số những căng thẳng khó khăn nào đó trên con đường, có thể đã có những hiểu lầm, nhưng tôi hạnh phúc khi thấy con đường đang tiến tới với tầm nhìn xa và sự cẩn trọng. Tôi biết rõ những sự cố gắng anh chị em phải đưa ra để tận dụng tốt nhất những nguồn tài nguyên được trao phó cho anh chị em.

Với Giáo hội, truyền thông là một sứ vụ. Chẳng có sự đầu tư nào là quá lớn cho việc loan truyền Lời Chúa. Đồng thời, mọi tài năng phải được sử dụng đúng mức để sinh hoa trái. Tính khả tín của những điều chúng ta nói tới cũng được thể hiện trong việc này. Ngoài ra, để giữ lòng trung thành với ân ban đã đón nhận, chúng ta phải có lòng can đảm để thay đổi, đừng bao giờ có cảm giác rằng chúng ta đã “tới đích,” cũng đừng để mình bị ngã lòng. Anh chị em phải luôn sẵn sàng hành động , bỏ lại sau lưng sự an toàn giả tạo và ôm trọn lấy thách đố của tương lai. Tiến về phía trước không có nghĩa là dập tắt ký ức của quá khứ, nó chính là giữ cho ngọn lửa luôn sống động.

Tôi đã nhìn thấy công việc anh chị em làm. Tôi nhìn thấy nó hàng ngày. Vì lý do này, hôm nay tôi muốn cùng với anh chị em cảm tạ Chúa vì sức mạnh Người đã ban cho anh chị em và ban cho chúng ta. Một sự ghi nhớ đầy cảm kích về tất cả những gì đã được thực hiện và ý thức về nỗ lực chung đổ tràn đầy sức mạnh cho anh chị em để tiến tới trên con đường này.

Thật ra, chỉ riêng sức mạnh của chúng ta là không đủ. Thánh Phaolo VI đã nói về điều này 55 năm trước khi ngài tiếp các thành viên của phiên họp khoáng đại đầu tiên của nhóm sau đó được gọi là Ủy ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội. Ngài nhận thấy sức mạnh của chúng ta rất giới hạn trước cánh đồng khổng lồ của truyền thông. Nhưng chính vì điều này – ngài nói – mà cần phải “nghĩ đến một trật tự của những sức mạnh khác, một cách khác để đánh giá các vấn đề; trật tự và phương pháp, mà chúng ta đến học tại trường học của Chúa. Vì vậy, cần phải có suy tư về đức tin để hỗ trợ cho sự nhỏ bé của những nỗ lực khiêm nhường của chúng ta […]. Chúng ta càng trở nên những khí cụ trong bàn tay của Chúa, tức là nhỏ bé và quảng đại, thì khả năng về tính hiệu quả của chúng ta càng nhiều” (Các giáo huấn II [1964], 563).

Chúng ta biết rằng kể từ đó những thách đố trong lĩnh vực này đã phát triển theo cấp số, nhưng các sức mạnh của chúng ta vẫn không đủ. Thách đố mà anh chị em được kêu gọi, là người Ki-tô hữu và là những người làm truyền thông, là rất lớn. Và chính vì lý do này mà nó trở nên rất đẹp.

Vì vậy tôi rất vui khi thấy chủ đề được chọn cho Phiên họp này là “Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Eph 4: 25). Sức mạnh của anh chị em nằm trong sự hiệp nhất, trong việc là phần thân thể của nhau. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể trả lời tốt hơn cho những yêu cầu sứ vụ của Giáo hội.

Trong Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm nay, cũng lấy cùng chủ đề, tôi viết rằng “Một cộng đoàn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều khi nó biết gắn kết và hỗ trợ,” thì nó càng “theo đuổi những mục tiêu chung hơn. Sự ẩn dụ của thân thể và các chi thể dẫn chúng ta đến suy tư về bản bản sắc của chúng ta, được đặt nền tảng trên sự hiệp nhất và ‘tha nhân.’ Là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta chân nhận mình là chi thể của một thân thể và Đức Ki-tô là đầu”, và “chúng ta … được kêu gọi để thể hiện sự hiệp nhất đó đánh dấu bản sắc của chúng ta là những người tín hữu. Quả thật, đức tin tự nó là một mối quan hệ, một sự gặp gỡ, và với sự thôi thúc của tình yêu của Chúa, chúng ta có thể truyền tải, chào đón và hiểu được món quà của tha nhân và đáp lời nó.”

Truyền thông trong Giáo hội phải mang điểm đặc trưng bởi nguyên tắc đóng góp và chia sẻ này. Truyền thông chỉ thực sự hiệu quả khi nó trở thành chứng tá, nghĩa là sự góp phần trong đời sống được trao tặng cho chúng ta bởi Thần Khí và làm cho chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta là phần thân thể của nhau trong sự hiệp nhất với nhau.

Thánh Gioan Phaolo II viết trong Tông thư của ngài về Sự Phát triển Vội vã: Truyền thông cả bên trong cộng đoàn Giáo hội, và giữa Giáo hội và thế giới rộng lớn, đòi hỏi sự cởi mở và một bước tiếp cận mới tìm cách trả lời cho những câu hỏi liên quan đến thế giới truyền thông … Đây là một trong những lĩnh vực trong đó sự hợp tác giữa người giáo dân và các mục tử là vô cùng cần thiết, như Công đồng nhấn mạnh, “Rất nhiều điều kỳ diệu đang được mong chờ từ sự đối thoại thân thuộc này giữa giáo dân và những người lãnh đạo tinh thần của họ … Bằng cách này, toàn thể Giáo hội, được củng cố sức mạnh bởi từng thành viên, có thể hoàn thành sứ vụ một cách hiệu quả hơn cho đời sống của toàn thế giới” (Lumen gentium, 37) (12).

Vì lý do này tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục làm việc ngày một gắn kết với nhóm hơn trong những công việc hàng ngày, trong sự hợp tác giữa người giáo dân, tu sĩ và linh mục từ nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, là điều rất tốt cho Giáo hội. Ước mong rằng phong cách làm việc của anh chị em mang lấy chứng tá của sự hiệp nhất.

Tôi cũng khuyến khích anh chị em, ngoài công cuộc của phiên họp khoáng đại này, hãy tìm kiếm bằng sự khéo léo và sự sáng tạo tất cả những con đường để củng cố mạng lưới với các Giáo hội địa phương. Tôi động viên anh chị em cũng hãy khuyến khích việc đào tạo các môi trường kỹ thuật số trong đó con người giao tiếp với nhau, không chỉ dừng lại ở sự kết nối.

Tôi biết rằng gần đây Bộ đã thúc đẩy được một số công cụ cụ thể để bảo đảm cho dòng luân chuyển của truyền thông phục vụ mọi người có thể phát triển giữa các Giáo hội địa phương và chính bản thân Bộ. Tôi biết anh chị em có những dự án mới, mà chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của Giáo hoàng. Qua công việc anh chị em tham gia vào việc phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo hội và cùng kết hợp với truyền thông của toàn thể Giáo triều Roma. Chúng ta phải cùng nhau bước đi. Chúng ta phải biết cách giải thích và định hướng đi cho thời đại của chúng ta. Ước mong truyền thông hội thánh thật sự là một cách thể hiện cho một “thân thể.”

Xin cảm ơn từng người anh chị em, cũng xin gửi lời cảm ơn gia đình và cộng đoàn của anh chị em. Tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, và tôi chúc lành cho anh chị em.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]


Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (1#)

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (1#)
Copyright: Vatican Media

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (#1)

Ngài bỏ bài diễn từ soạn trước để nói những điều xuất phát từ trong lòng

23 tháng Chín, 2019 14:35

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá … 

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điều này trước các thành viên của Bộ Truyền thông Vatican, ngài tiếp họ nhân dịp diễn ra phiên họp khoáng đại của bộ. Ngài chuyển cho những người có mặt bản diễn từ soạn trước của ngài, nói rằng tốt hơn là đọc nó bằng không có nguy cơ làm họ buồn ngủ, ngài thích nói những điều xuất phát từ tâm hồn hơn.

“Tôi có một bài diễn từ để đọc … nó cũng không dài lắm đâu, nó chỉ có bảy trang thôi [dù trước đó có 3 trang] … nhưng tôi bảo đảm rằng chỉ sau trang đầu là phần lớn anh chị em sẽ buồn ngủ, và tôi sẽ không thể truyền tải được nữa,” Đức Thánh Cha Phanxico hài hước, và nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những gì tôi muốn nói trong bài diễn từ này sẽ được hiểu rõ hơn bằng cách đọc nó, trong sự suy tư.”

Đức Thánh Cha tiếp tục lưu ý đến những điều mà truyền thông nên và không nên, nhấn mạnh đặc biệt rằng nó phải phục vụ cho Sự thật.

Ngài nhấn mạnh rằng người Ki-tô hữu là những chứng nhân, và rằng ‘trong việc làm chứng,’ ơn gọi này đưa đến chiều kích tử đạo.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại việc làm truyền thông chỉ đơn thuần mang tính “quảng cáo.”

Truyền thông phải mang tính Ki-tô giáo

“Anh chị em không được làm như việc kinh doanh của con người là cố thu hút thật nhiều người … nói bằng một từ ngữ chuyên môn: anh chị em không được chiêu dụ tín đồ,” ngài nói nhấn mạnh: “Tôi muốn truyền thông của chúng ta phải mang tính Ki-tô giáo chứ không phải là một yếu tố để chiêu dụ. Chiêu dụ không phải là Ki-tô giáo.”

Đức Thánh Cha trích dẫn, “Đức Benedict XVI nói về điều này rất rõ ràng: ‘Giáo hội phát triển không bằng cách chiêu dụ, nhưng bằng cách cuốn hút,’ tức là bằng chứng tá.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico do Vatican cung cấp, cũng như bản soạn ban đầu của ngài:


*****

Diễn từ Đức thánh Cha trình bày

Anh chị em thân mến,

Tôi có một bài diễn từ để đọc … nó cũng không dài lắm đâu, nó chỉ có bảy trang thôi … nhưng tôi bảo đảm rằng chỉ sau trang đầu là phần lớn anh chị em sẽ buồn ngủ, và tôi sẽ không thể truyền tải được nữa. Tôi tin rằng những gì tôi muốn nói trong bài diễn từ này sẽ được hiểu rõ hơn bằng cách đọc nó, trong sự suy tư. Vì lý do này, tôi chuyển bài diễn từ này cho Tiến sĩ Ruffini để ông sẽ chuyển đến cho tất cả anh chị em, tôi phải cảm ơn ông về những lời gửi đến tôi. Và tôi muốn nói chuyện có một chút tự phát với anh chị em, để nói lên những gì tôi tâm tư trong lòng về truyền thông. Ít nhất tôi nghĩ sẽ không làm nhiều người buồn ngủ, và chúng ta có thể giao tiếp tốt hơn!

Cảm ơn anh chị em vì công việc, cảm ơn vì Bộ này, quá đông … tôi hỏi ông Tổng trưởng: “Vậy … mọi người có làm việc hết không?” – “Vâng có”, ông nói – để tránh cái giai thoại rất nhiều người biết đó … [Một ngày kia Đức Gioan XXIII được hỏi, “Có bao nhiêu người làm việc trong Vatican?” và ngài trả lời: “Khoảng phân nửa trong số họ”]. Tất cả họ làm việc, và họ làm việc với thái độ thể hiện lòng khao khát Chúa: để truyền đạt với chính mình, theo cách mà các nhà thần học gọi là perichoresis: con người tự truyền đạt cho chính mình, và người khác truyền đạt cho chúng ta. Đây là sự khởi đầu của truyền thông: nó không phải là một công việc văn phòng, chẳng hạn như việc quảng cáo. Truyền đạt chính là học lấy từ Thiên Chúa và mang lấy cùng thái độ đó; không thể duy trì sự đơn độc: cần phải truyền đạt lại những gì tôi có và tôi nghĩ rằng nó là chân lý, là công bình, là thiện và là mỹ. Hãy truyền đạt. Và anh chị em là chuyên gia trong truyền thông, anh chị em là những chuyên viên trong truyền thông. Chúng ta không được quên điều này. Anh chị em làm truyền thông bằng cả linh hồn và thể xác; anh chị em làm truyền thông bằng trí óc, bằng con tim, bằng đôi bàn tay; anh chị em làm truyền thông bằng tất cả mọi thứ. Người làm truyền thông đích thực là người cho đi tất cả, người đó cho đi tất cả những gì của chính mình – như một câu ở đất nước của tôi nói, “anh ta đặt tất cả thịt lên trên vỉ nướng,” anh ta không giữ lại một chút nào cho bản thân. Và thật đúng khi nói rằng truyền thông lớn nhất chính là sự yêu thương: trong tình yêu luôn có sự kiện toàn của truyền thông: tình yêu với Chúa và với nhau.

Vậy truyền thông phải như thế nào? Một trong những điều anh chị em không được làm đó là tính quảng cáo, thuần tính quảng cáo. Anh chị em không được làm như việc kinh doanh của con người là cố thu hút thật nhiều người … nói bằng một từ ngữ chuyên môn: anh chị em không được chiêu dụ tín đồ. Tôi muốn truyền thông của chúng ta phải mang tính Ki-tô giáo chứ không phải là một yếu tố để chiêu dụ. Chiêu dụ không phải là Ki-tô giáo. Đức Benedict XVI nói về điều này rất rõ ràng: “Giáo hội phát triển không bằng cách chiêu dụ, nhưng bằng cách cuốn hút,” tức là bằng chứng tá. Và truyền thông của chúng ta phải là làm chứng. Nếu anh chị em muốn làm truyền thông chỉ với sự thật mà không có thiện và mỹ thì hãy dừng lại, đừng làm nữa. Nếu anh chị em muốn làm truyền thông về một sự thật nhiều hay ít, nhưng lại không để bản thân mình can dự vào, không làm chứng cho sự thật bằng chính đời sống của mình, không bằng chính con người của mình thì dừng lại, đừng làm nó. Luôn luôn có chữ ký của chứng nhân trong mỗi việc chúng ta làm. Những chứng nhân. Ki-tô hữu là những chứng nhân, “những người tử đạo. Đây là chiều kích “tử đạo” trong ơn gọi của chúng ta: trở thành những chứng nhân. Đây là điều đầu tiên tôi muốn nói với anh chị em.

Một vấn đề khác nữa đó là sự đầu hàng nào đó, nó thường xâm chiếm tâm hồn người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy nhìn đến thế giới …: nó là một thế giới ngoại giáo, và đây không phải là điều gì mới lạ. “Thế gian” vẫn luôn là một biểu tượng của tâm tính ngoại giáo. Tại bữa Tiệc Ly Chúa Giê-su đã xin với Chúa Cha gìn giữ cho các môn đệ của Người để họ không thuộc về thế gian (x. Ga 17: 12-19). Không khí của tính thế gian không phải là điều gì mới trong thế kỷ 21 này. Nó vẫn luôn là một mối nguy hiểm, vẫn luôn có những cám dỗ, nó vẫn luôn là một kẻ thù: là tính thế gian. Lạy Cha, xin bảo vệ những người này để họ không thuộc về thế gian, để thế gian không mạnh hơn họ. Và tôi nhìn thấy nơi họ có nhiều người suy nghĩ: “Đúng, chúng ta phải khép kín lại một chút, tuy nhỏ nhưng là một giáo hội đích thực” – tôi rất dị ứng với những từ ngữ này: “nhỏ nhưng là một giáo hội đích thực.” Nếu có điều gì đó đã là xác thực thì chẳng cần phải nói như vậy. Tôi sẽ quay trở lại vấn đề này. Đây là sự co cụm vào trong con người mình, với cám dỗ chịu đầu hàng. Có một số người chúng ta: nhưng không giống như những người tự bảo vệ mình vì họ chỉ có một số người trong khi kẻ thù có con số rất đông; một số ít như men, một số ít như muối: đây là ơn gọi của người Ki-tô hữu! Chúng ta chẳng cần phải xấu hổ với con số ít; và chúng ta không được nghĩ rằng: “Không, Giáo hội trong tương lai sẽ phải là một Giáo hội của những người được chọn.” Nếu vậy chúng ta lại có nguy cơ quay lại với dị giáo Essenes. Và như vậy tính xác thực của Ki-tô giáo bị đánh mất. Chúng ta là một Giáo hội của số ít, nhưng như men bột. Chúa Giê-su đã nói như vậy, giống như muối. Sự đầu hàng trước chiến thắng của văn hóa – cho phép tôi gọi nó như vậy – xuất phát từ tinh thần xấu xa, nó không đến từ Thiên Chúa. Nó không phải là tinh thần của Ki-tô giáo, kêu ca than phiền rồi đầu hàng. Đây là điều thứ hai tôi muốn nói với anh chị em: đừng sợ hãi. Có phải chúng ta có ít người không? Đúng, nhưng với khao khát thực hiện “sứ vụ,” để cho người khác nhìn thấy chúng ta là ai, bằng chứng tá. Một lần nữa tôi lặp lại lời nói của Thánh Phanxico với các anh em của ngài, khi ngài sai họ đi giảng dạy: “Hãy rao giảng Tin mừng, nếu cần thiết, thì mới dùng lời nói.” Điều đó có nghĩa là làm chứng trước đã.

Tôi nhìn đến Đức Tổng Giám mục người Lithuania phía trước tôi đây, và tôi nghĩ đến vị đã nghỉ hưu của Kaunas, ngài sẽ trở thành một hồng y; con người đó đã phải ngồi lao tù bao nhiêu năm? Ngài đã làm được quá nhiều điều tốt lành bằng chứng tá, bằng sự đau đớn … Chính những người tử đạo của chúng ta là những người trao tặng sức sống cho Giáo hội; không phải những nghệ sĩ, những nhà thuyết giáo vĩ đại, những người bảo vệ “giáo lý thật và toàn vẹn” của chúng ta … Không, là những người tử đạo. Một Giáo hội của những người tử đạo. Và để làm truyền thông trong vấn đề này: hãy truyền đạt sự phong phú lớn lao này mà chúng ta có. Đây là điều thứ hai.

Điều thứ ba là điều tôi rút ra từ vấn đề tôi đã nói trước, vấn đề tôi hơi dị ứng: “Đây mới là Ki-tô giáo đích thực,” “điều này thật sự như vậy.” Chúng ta rơi vào cái văn hóa của các tính từ và trạng từ, và chúng ta quên đi sức mạnh của danh từ. Người làm truyền thông phải làm cho mọi người hiểu được sức mạnh thực tế của danh từ phản ánh thực tại của con người. Và đây là sứ mạng của truyền thông: làm truyền thông với thực tại, không tô điểm bằng những tính từ hay trạng từ. “Đây là một vấn đề thuộc Ki-tô giáo”: tại sao là phải nói là Ki-tô giáo đích thực? Nó là Ki-tô giáo! Chỉ cần sự thật của danh từ “Ki-tô giáo”, “tôi thuộc về Đức Ki-tô” là đủ mạnh rồi: nó là một tính từ sử dụng như danh từ, đúng vậy, nhưng nó là một danh từ. Chuyển từ văn hóa tính từ sang thần học của danh từ, và anh chị em phải làm truyền thông theo cách này. “Anh thấy người đó như thế nào?” – À, người đó như thế này, như thế kia …” ngay lập tức sử dụng các tính từ. Trước hết là tính từ, rồi có lẽ sau đó là con người đó như thế nào. Cái văn hóa tính từ này đã đi vào Giáo hội, và chúng ta tất cả đều là anh em, nhưng lại quên là anh em của nhau, bằng cách nói rằng đây là “loại huynh đệ này,” là “loại huynh đệ kia”: cái đẹp không phải là nghệ thuật rococo (ND: Rococo là phong cách nghệ thuật và thiết kế nội thất cầu kỳ và tinh xảo của Pháp thế kỷ 19), cái đẹp không cần những thứ thuộc nghệ thuật rococo: cái đẹp tỏ lộ chính nó trong chính danh từ, không cần phải bỏ thêm dâu tươi trên bánh kem! Tôi nghĩ chúng ta cần phải học điều này.

Làm truyền thông bằng chứng tá, làm truyền thông bằng cách đặt mình vào trong truyền thông, làm truyền thông với danh từ chỉ mọi sự, làm truyền thông như những người tử đạo, tức là làm chứng nhân của Đức Ki-tô, như những người tử đạo. Để học được ngôn ngữ của người tử đạo, đó là ngôn ngữ của các Tông đồ. Các Tông đồ làm truyền thông như thế nào? Chúng ta hãy đọc quyển sách quý giá là Sách Tông đồ Công vụ của các Tông đồ, và chúng ta sẽ thấy truyền thông được làm như thế nào vào thời đó, và truyền thông Ki-tô giáo là như thế nào.

Cảm ơn, cảm ơn anh chị em rất nhiều! Anh chị em đã có trong tay [văn bản bài diễn từ] nó có “bố cục” hơn, vì căn bản là do anh chị em làm. Tôi thì đọc nó, phản ánh về nó. Cảm ơn về những điều anh chị em làm, và hãy tiếp tục với niềm vui. Truyền tải niềm vui của Tin mừng: đây là điều Chúa đang yêu cầu chúng ta thực hiện ngày hôm nay. Và cảm ơn, cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em và cảm ơn anh chị em có mặt trong Bộ đầu tiên dưới sự hướng dẫn của một giáo dân. Chúc mừng! Hãy tiếp tục! Cảm ơn anh chị em.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]