Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
© Vatican Media

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng – Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tại Nhà nguyện Marta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Lòng tin, sự bền chí, và sự can đảm là chìa khóa, Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh


23 tháng Ba, 2020 12:31

Ba yếu tố cần thiết để cầu nguyện sốt sắng … 

Đức Thánh Cha Phanxico nêu lên ba yếu tố cho các tín hữu trên toàn thế giới để noi theo lời mời gọi của ngài, trong Thánh Lễ riêng thường nhật tại Nhà nguyện Thánh Marta, một lần nữa dâng cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho những người đang phải gồng mình về vấn đề tài chính trong thời gian này.

“Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bắt đầu gánh chịu những vấn đề về kinh tế do đại dịch gây ra, vì họ không thể làm việc,” Đức Phanxico nhận xét: “Tất cả điều này ảnh hưởng tới gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người gặp phải vấn đề này.”

Trong bài giảng Đức Thánh Cha phân tích về Tin mừng trong ngày của Thánh Gioan, trong đó kể việc chữa lành cho đứa con của viên cận vệ nhà vua ở Ca-na miền Ga-li-lê (Ga 4:43-54), theo bản tin của Vatican News.

Sau khi người này xin Chúa chữa lành cho con trai của mình, Đức Phanxico nhắc lại rằng Chúa Giê-su “quở mắng ông ta một chút – mọi người – và kể cả ông ta … Thay vì im lặng thì viên cận vệ này lại tiếp tục nói, ‘Thưa ngài, xin Ngài xuống cho kẻo cháu nó chết mất.’”

Liền sau đó, Chúa cam đoan với người cha đang lo lắng rằng con của ông sẽ sống.

Phân tích về cách chúng ta thưa chuyện với Chúa một cách hiệu quả, và cầu nguyện, Đức Phanxico nói rằng cần có ba yếu tố, cụ thể đó là lòng tin, sự bền chí, và sự can đảm, giải thích tại sao mỗi yếu tố lại quá quan trọng.

***



***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Người cha này xin chữa lành cho con trai của ông (x. Ga 4:43-54). Chúa khiển trách tất cả mọi người một chút, và kể cả ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu” (x. c. 48). Thay vì im lặng thì viên quan hầu cận này cứ tiến tới và nói với Ngài: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất (c. 49). Và Chúa Giê-su trả lời ông ta: “Ông cứ về đi, con ông sẽ sống” (c. 50).

Đó là ba điều rất cần thiết để thực hiện việc cầu nguyện được sốt sắng. Thứ nhất là lòng tin: “Nếu con không có lòng tin … “Và rất nhiều lần, cầu nguyện chỉ là lời nói bằng miệng, nhưng nó không xuất phát từ niềm tin tưởng trong lòng; hoặc đó chỉ là một niềm tin yếu kém … Chúng ta hãy nghĩ đến một người cha khác, người cha có đứa con trai bị quỷ ám, khi Chúa Giê-su trả lời: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”; người cha liền nói thật rõ ràng: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (x. Mc 9:23-24). Lòng tin trong việc cầu nguyện — cầu nguyện với lòng tin, bất kể khi chúng ta cầu nguyện ở bên ngoài [trong nơi thờ phụng], bất kể khi chúng ta đến đây, và Thiên Chúa ở đó: tôi có lòng tin hay không, hay đó chỉ là một thói quen? Chúng ta hãy chú ý trong lời cầu nguyện: chúng ta không được đi vào thói quen mà không ý thức được rằng Chúa đang ở đó, rằng tôi đang thưa chuyện với Chúa và rằng Người có thể giải quyết vấn đề. Điều kiện thứ nhất cho việc cầu nguyện đích thực là lòng tin.

Điều kiện thứ hai là điều mà chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta, đó là sự bền chí. Một số người xin nhưng ơn phúc chưa đến: họ không có được sự bền chí này, vì tận trong sâu thẳm tâm hồn họ không cần, hoặc họ không có lòng tin. Và chính Chúa Giê-su kể cho chúng ta dụ ngôn về một người gõ cửa nhà hàng xóm lúc nửa đêm để hỏi xin giúp ít bánh: kiên trì gõ cửa (x. Lc 11:5-8). Hoặc là bà góa, với quan tòa bất chính: và bà ấy nằn nì và nằn nì và nằn nì: đó là sự kiên trì (x. Lc 18:1-8). Lòng tin và sự bền gan cùng đi với nhau, vì nếu anh chị em có lòng tin, anh chị em chắc chắn rằng Chúa sẽ ban cho anh chị em điều anh chị em xin. Và nếu Chúa bắt anh chị em phải chờ, hãy gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa cuối cùng Chúa sẽ ban ơn. Tuy nhiên, Chúa không làm điều này để làm cho Ngài được khát khao, hoặc vì Ngài nói “tốt hơn là để cho nó chờ đợi,” không phải. Người làm điều đó vì muốn tốt cho chúng ta, để chúng ta thực hiện nó nghiêm túc. Cầu nguyện nghiêm túc, chứ không phải như con vẹt: bla, bla, bla và chẳng có gì khác. Chính Chúa Giê-su khiển trách chúng ta: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời, rất nhiều lời” (x. Mt 6:7-8). Không, cần phải có sự bền chí; đó là lòng tin.

Và điều thứ ba mà Chúa muốn có trong lời cầu nguyện là sự can đảm. Có thể có người nghĩ: Có cần phải can đảm để cầu nguyện và khi ở trước Chúa không? Có chứ, sự can đảm để cầu xin và tiếp tục, và gần như … gần như — cha không dám nói là rối đạo — nhưng gần như là đe dọa Chúa. Như sự can đảm của Môi-sê trước Chúa, khi Chúa muốn phá hủy dân và đưa ông lên đứng đầu một dân tộc khác, ông nói: “Không. Con sẽ ở lại với dân” (x. Xh 32:7-14). Sự can đảm, sự can đảm của A-bra-ham, khi ông thương lượng về việc cứu thoát cho thành Sơ-đôm: “Và nếu có 30 người, và nếu có 25 người, và nếu có 20 người …” Lòng can đảm ở đó (x. St 18:22-33). Đức tính can đảm này là vô cùng cần thiết, không chỉ đối với hoạt động tông đồ nhưng cả đối với việc cầu nguyện.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ bằng việc Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi các tín hữu chịu Lễ Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2020]


Dù là ‘Tin giả’, nhưng người bạn nói rằng vị linh mục chết vì coronavirus vẫn là một ‘người đặc biệt’

Dù là ‘Tin giả’, nhưng người bạn nói rằng vị linh mục chết vì coronavirus vẫn là một ‘người đặc biệt’

Elise Ann Allen
24 tháng Ba, 2020
Dù là ‘Tin giả’, nhưng người bạn nói rằng vị linh mục chết vì coronavirus vẫn là một ‘người đặc biệt’

Trong tấm ảnh chụp hôm Thứ Ba ngày 17 tháng Ba, 2020, những người phục vụ mai táng đang đứng bên ngoài nghĩa trang Monumentale, ở Bergamo, trung tâm của tỉnh bị tấn công nặng nề nhất thuộc vùng Lombardy bị ảnh hưởng nhiều nhất của Ý. Với nhiều người, coronavirus chủng mới chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ hoặc trung bình. Với một số người nó có thể gây ra căn bệnh nặng hơn, đặc biệt với người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tật. (Credit: Luca Bruno/AP.)


ROMA - Một người bạn lâu năm của Cha Giuseppe Berardelli, người đã chết vì COVID-19 coronavirus ở miền bắc Ý hồi đầu tháng này, mô tả vị linh mục là một vị mục tử rất chu đáo và tận tâm, đồng thời vạch trần điều mà ông nói là “tin giả” về cái chết của vị linh mục.

Trong 24 giờ qua, phương tiện truyền thông của Ý đăng câu chuyện về Cha Berardelli, 72 tuổi, nói rằng ngài đã “nhường” máy hô hấp nhân tạo được dùng để điều trị bệnh COVID-19 của ngài, cố tình từ chối không sử dụng để dùng nó điều trị cho một người trẻ tuổi hơn.

Trong thực tế, ông Giuseppe Foresti là người phụ trách phòng áo giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả của cha Berardelli ở Casnigo, cách Bergamo khoảng 15 dặm thuộc miền bắc Ý, cho biết đơn giản vì vị linh mục cao tuổi không chịu được máy hô hấp nhân tạo, một phần vì tình trạng sức khỏe trước đó, và từ chối không sử dụng nó.

Ông Foresti nhấn mạnh rằng điều đó không làm giảm bớt mẫu gương của Cha Berardelli.

“Tôi có thể nói với anh rằng Cha Don Giuseppe là một con người đặc biệt, ngài thật sự hy sinh bản thân vì tất cả cộng đoàn,” ông Foresti nói với Crux ngày 24 tháng Ba.

Hai người đã biết nhau hơn 16 năm, khi Cha Berardelli lần đầu tiên đến giáo xứ năm 2006.

Ông Foresti nói, “Ngài là một con người rất đặc biệt (và) là một người đức hạnh lớn lao.” Ông nhấn mạnh rằng cha Berardelli không những xây một nhà nguyện lớn liền với giáo xứ cung hiến cho Thánh Gioan Bosco và Thánh Gioan Phaolo II, nhưng ngài còn đi tiên phong trong các dự án khác của giáo xứ và cộng đồng.

Sau khi Cha Berardelli chết, những tin đồn bắt đầu lan ra cho rằng ngài đã từ chối sử dụng máy hô hấp nhân tạo mà cộng đoàn giáo xứ mua cho ngài, cương quyết nhường nó cho một người trẻ tuổi hơn. Câu chuyện được cho là từ một nhân viên y tế tại nhà nghỉ San Giuseppe ở Casnigo.

Theo ông Foresti, “câu chuyện về máy hô hấp nhân tạo là không đúng.” Trong khi Cha Berardelli vẫn là một con người và là một mục tử gương mẫu, thì câu chuyện đó là “bản tin với một nửa sự thật.”

“Vấn đề là khi ngài vào nhà thương, người ta cố gắng gắn máy thở cho ngài, nhưng ngài từ chối sử dụng nó vì ngài không chịu được,” ông nhấn mạnh rằng Cha Berardelli đã trong tình trạng rất xấu khi ngài đến.

Hai nhân viên nhà nghỉ San Giuseppe nói với Crux rằng họ hoàn toàn không biết các chi tiết câu chuyện, và chỉ biết đến nó khi họ đọc trên các báo. Một đại diện khoa của nhà thương Capitanio và Gerosa, nơi Cha Berardelli qua đời, nói với Crux rằng họ không thể cung cấp thông tin vì những quy định riêng tư của họ.

Ông Foresti nói giáo dân giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả “rất buồn, vì Cha Don Giuseppe là một con người có đặc sủng với một đức tin mạnh mẽ.”

“Một số người khác đã chết,” ông nói nhấn mạnh rằng hôm Thứ Hai một giáo dân phục vụ tích cực trong giáo xứ đã qua đời vì bệnh tim, trong khi những người khác đã bị nhiễm hoặc chết vì coronavirus.

Ông Foresti nói Casnigo là may mắn khi nói đến những con số tử vong vì coronavirus. Dù nằm trong vùng Lombardy của Ý, là tâm dịch của đợt bùng phát trong nước, và nằm sát bên Bergamo, là nơi chịu tổn thất nặng nề, Casnigo cho đến nay chỉ có 11 người chết liên quan đến virus.

“Ở đây, tình hình của chúng tôi phần nào đó ổn định hơn,” ông nói và nhấn mạnh rằng vấn đề lớn duy nhất mà thành phố đang đương đầu đó là thời gian chờ đợi hỏa táng, mà hiện tại đang mất trung bình 15 ngày.

Trong thành phố Bergamo lân cận, xác người chết phải được chuyên chở đến các thành phố khác bằng những xe tải quân đội vì có quá nhiều xác để hỏa táng, và danh sách chờ quá dài. Trong một số trường hợp, các thành viên gia đình của nạn nhân virus phải đứng trước thời gian chờ đợi ba tuần cho một đám tang riêng trong nghĩa trang thành phố.

“Chúng tôi hy vọng con số sẽ giảm xuống, chúng tôi hy vọng,” ông nói và nhấn mạnh rằng hai ngày qua con số người chết vì coronavirus ở Ý đã giảm xuống, vì thế “có vẻ như sẽ có một chút giảm bớt.”

Ý có con số tử vong vì coronavirus cao nhất thế giới. Tính đến tối thứ Hai, Bộ Y tế Ý báo cáo rằng khoảng 5.476 người đã chết và hơn 59.000 người đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Ý từ Tháng Hai.

Cho đến nay, ước tính có khoảng 60 linh mục ở Ý nằm trong con số những người tử vong và ít nhất hai giám mục đã bị nhiễm virus, một vị đã hồi phục và một vị vẫn đang phải điều trị.


Theo dõi Elise Ann Allen trên Twitter: @eliseannallen



[Nguồn: cruxnow]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2020]


‘Nếu không thể đi xưng tội?’ Đức Thánh Cha nói hãy thưa với Chúa Cha & và xin tha thứ (Toàn văn bài giảng lễ sáng)

‘Nếu không thể đi xưng tội?’ Đức Thánh Cha nói hãy thưa với Chúa Cha & và xin tha thứ (Toàn văn bài giảng lễ sáng)
© Vatican Media

‘Nếu không thể đi xưng tội?’ Đức Thánh Cha nói hãy thưa với Chúa Cha & và xin tha thứ (Toàn văn bài giảng lễ sáng)

Nhắc lại Giáo lý, nhắc nhở tín hữu rằng Chúa đang chờ đợi họ & sẽ tha thứ cho họ


20 tháng Ba, 2020 10:05

Nếu không thể đi xưng tội? Hãy thành tâm thưa với Chúa, là Cha của anh chị em, và xin Ngài tha thứ những tội lỗi của mình … 

Đức Thánh Cha Phanxico động viên tín hữu trên toàn thế giới noi theo lời mời gọi của ngài, trong Thánh Lễ riêng của ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta, một lần nữa dâng cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho những nhân viên y tế ở miền bắc, nhiều người đang dấn thân vào nguy hiểm.

Đức Phanxico nói, “Hôm qua, cha nhận được tin nhắn từ một linh mục ở vùng Bergamo, ngài xin cầu nguyện cho các bác sĩ đang làm việc ở đó … Họ đang kiệt sức … và đang thật sự hy sinh cuộc sống của họ để giúp đỡ những người bị bệnh, để cứu sinh mạng người khác.”

Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo dân sự, để khi họ lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng thường “chịu đựng sự hiểu lầm,” và là “những trụ cột giúp chúng ta thoát ra khỏi hoàn cảnh và bảo vệ chúng ta thoát khỏi cơn khủng hoảng này.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về các bài đọc trong ngày Chương 15 của Tin mừng Lu-ca, kể câu chuyện Người con Hoang đàng, theo bản tin của Vatican News.

Người cha trong câu chuyện, Đức Phanxico nhắc lại, “chắc đã đi lên sân thượng — không biết bao nhiêu lần một ngày! — suốt ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, có lẽ để chờ đợi đứa con trai. Ông đã nhìn thấy nó từ xa.”

Tương tự như vậy, như đứa con trai kia cần cất bước trở về, Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Hãy trở về với Cha của anh chị em, hãy trở về với Cha. Người đang đợi anh chị em. Chính lòng nhân từ của Chúa nói với chúng ta, đặc biệt trong Mùa Chay này. Nó là thời gian để soi vào trong lòng mình và nhớ về Chúa Cha và trở về với Chúa, với Cha của chúng ta.”

Đức Phanxico thừa nhận rằng chúng ta có thể nói: “Không, thưa Cha, con xấu hổ không thể trở về vì … Cha biết đấy, con đã làm quá nhiều …, con đã phạm quá nhiều … Và Chúa nói gì? “Hãy trở về, ta sẽ chữa lành …”

“Hãy trở về với Cha đang chờ đợi anh chị em,” ngài nhấn mạnh: “Thiên Chúa từ bi sẽ chữa lành chúng ta; Người sẽ chữa lành chúng ta khỏi nhiều, nhiều vết thương của cuộc sống và nhiều điều kinh khủng chúng ta đã làm. Mỗi người đều có tội riêng của mình!”

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu nhớ rằng “trở về với Chúa là trở về với một cái ôm, về với cái ôm của Cha.” Ngài cũng động viên tín hữu hãy nhớ đến lời hứa tiên tri I-sai-a đã nói: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.”

Đức Phanxico nhấn mạnh, “Thiên Chúa có thể biến đổi chúng ta. Người có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, nhưng điều cần thiết là phải thực hiện bước đầu tiên: trở về. Không phải là đến với Chúa, không: đó là trở về nhà.”

Đức Thánh Cha phân tích Mùa Chay luôn luôn hướng đến sự hoán cải tâm hồn, theo truyền thống Ki-tô giáo, được thể hiện trong Bí tích Hòa giải.

Đức Phanxico nói, “Đó là thời gian để cho Thiên Chúa tẩy trắng tâm hồn chúng ta, Chúa thanh tẩy chúng ta, Chúa ôm lấy chúng ta.”


Nếu không thể ra khỏi nhà thì làm sao … 

Đức Thánh Cha nhận thấy rằng trước Phục sinh, nhiều tín hữu đến tòa Cáo giải để gặp gỡ Thiên Chúa.

“Tuy nhiên,” ngài thừa nhận, “nhiều người hôm nay sẽ nói với cha rằng: ‘Nhưng thưa cha, con tìm được ở đâu một linh mục, một người giải tội, vì không ai có thể ra khỏi nhà? Và con muốn giao hòa với Chúa, con muốn Người ôm con, muốn Cha con ôm con … Con làm được gì nếu con không thể tìm được linh mục?’”

“Hãy làm những gì Giáo lý dạy,” Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh, “nó rất rõ ràng: nếu anh chị em không tìm được một linh mục để giải tội, hãy thưa chuyện với Chúa, Người là Cha của anh chị em, và hãy nói với Người sự thật: ‘Lạy Chúa, con đã phạm điều này, điều đó, điều kia … con xin lỗi Chúa,” và hết lòng hết trí xin Người tha thứ, với việc Ăn năn tội Cách trọn và hứa với Người: “Sau này con sẽ đến tòa Giải tội, nhưng giờ đây xin tha thứ cho con.”

Và anh chị em làm tất cả điều này, Đức Thánh Cha nói, là anh chị em sẽ trở về với cái ôm của Chúa ngay lập tức. Ngài nhắc nhở, như Giáo lý dạy anh chị em có thể tìm được sự tha thứ của Chúa khi không có một linh mục sẵn sàng.

“Hãy suy nghĩ: đây chính là thời điểm! Và đây chính là thời điểm thích hợp, thời điểm thuận tiện. Việc Ăn năn tội Cách trọn, đức Phanxico nói, sẽ làm cho “linh hồn chúng ta trở nên trắng như tuyết.

“Thật tốt nếu hôm nay “sự trở về” này vang lên bên tai chúng ta, “hãy trở về với Cha, hãy trở về với Cha,” Đức Phanxico nói nhấn mạnh: “Người đang chờ đợi anh chị em và Người sẽ vui mừng đón anh chị em.”


***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Khi cha đọc hoặc nghe trích đoạn Tiên tri Hô-sê, trích đoạn mà chúng ta nghe trong Bài đọc Một [nói rằng]: “Hỡi Ít-ra-en, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi,” khi cha nghe câu này, cha chợt nhớ đến một bài hát Carlo Buti đã hát cách đây 75 năm, bài hát mà các gia đình gốc Ý ở Buenos Aires rất thích nghe: “Hãy trở về với Cha của bạn. Người sẽ lại hát cho bạn bài hát ru con.” Hãy trở về: chính Cha của anh chị em kêu gọi anh chị em trở về. Thiên Chúa là Cha của anh chị em; Người không phải là một quan án; Người là Cha của anh chị em: Hãy trở về nhà, lắng nghe nhé, hãy trở về.” Và ký ức đó — lúc cha còn nhỏ — ngay lập tức nhắc cha nhớ đến người Cha trong chương 15 của Lu-ca, người cha mà trích đoạn kể rằng: “khi nó còn ở xa xa, cha nó đã nhìn thấy nó,” đứa con trai đó đã bỏ đi xa với tất cả số tiền và phung phí nó. Tuy nhiên, nếu ông nhìn thấy đứa con trai từ xa xa, chính bởi vì ông đang đứng đợi nó. Ông chắc đã lên trên sân thượng — không biết bao nhiêu lần một ngày! — suốt ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, có lẽ để chờ đợi đứa con trai. Ông đã nhìn thấy nó từ xa. Hãy trở về với Cha của anh chị em, hãy trở về với Cha. Người đang đợi anh chị em. Chính lòng nhân từ của Chúa nói với chúng ta, đặc biệt trong Mùa Chay này. Nó là thời gian để soi vào lòng mình và nhớ về Chúa Cha và trở về với Chúa, với Cha của chúng ta.

“Không, thưa Cha, con xấu hổ không thể trở về vì … Cha biết đấy, con đã làm quá nhiều …, con đã phạm quá nhiều … Và Chúa nói gì? “Hãy trở về, Ta sẽ chữa lành sự bất trung của con; Ta sẽ yêu thương con hết tình, vì cơn giận của Ta không còn theo đuổi con. Ta sẽ trở nên như làn sương mai cho con; con sẽ vươn lên như hoa huệ; con sẽ bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng.” Hãy trở về với Cha đang chờ đợi anh chị em,” ngài nhấn mạnh: “Thiên Chúa từ bi sẽ chữa lành chúng ta; Người sẽ chữa lành chúng ta khỏi nhiều, nhiều vết thương của cuộc sống và nhiều điều kinh khủng chúng ta đã làm. Mỗi người đều có tội riêng của mình!

Tuy nhiên, hãy nghĩ về điều này: trở về với Chúa là trở về đến với một cái ôm, về với cái ôm của Cha. Và hãy nhớ đến lời hứa tiên tri I-sai-a đã nói: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Người có thể biến đổi chúng ta. Người có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, nhưng điều cần thiết là phải thực hiện bước đầu tiên: trở về. Không phải là đến với Chúa, không: đó là trở về nhà.

Và Mùa Chay luôn luôn hướng đến sự hoán cải tâm hồn, theo truyền thống Ki-tô giáo, được thể hiện trong Bí tích Hòa giải. Đó là thời gian để — cha không biết có phải là để “giải trình” hay không, cha không thích điều đó — nhưng là để Thiên Chúa tẩy trắng tâm hồn chúng ta, Chúa thanh tẩy chúng ta, Chúa ôm lấy chúng ta.

Cha biết rằng nhiều anh chị em đến tòa Giải tội để chuẩn bị cho Phục sinh để trở lại gặp gỡ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều người hôm nay sẽ nói với cha rằng: “Nhưng thưa cha, con tìm được ở đâu một linh mục, một người giải tội, vì không ai có thể ra khỏi nhà? Và con muốn giao hòa với Chúa, con muốn Người ôm con, muốn Cha con ôm con … Con làm được gì nếu con không thể tìm được linh mục?” Hãy làm những gì Giáo lý dạy, nó rất rõ ràng: nếu anh chị em không tìm được một linh mục để giải tội, hãy thưa chuyện với Chúa, Người là Cha của anh chị em, và hãy nói với Người sự thật: “Lạy Chúa, con đã phạm điều này, điều đó, điều kia … con xin lỗi Chúa,” và hết lòng hết trí xin Người tha thứ, với việc Ăn năn tội Cách trọn và hứa với Người: “Sau này con sẽ đến tòa Giải tội, nhưng giờ đây xin tha thứ cho con.” Và anh chị em sẽ ngay lập tức trở về với cái ôm của Chúa. Như Giáo lý dạy anh chị em có thể tìm được sự tha thứ của Chúa khi không có một linh mục sẵn sàng. Hãy suy nghĩ: đây chính là thời điểm! Và đây chính là thời điểm thích hợp, thời điểm thuận tiện. Việc Ăn năn tội Cách trọn thật lòng sẽ làm cho linh hồn chúng ta trở nên trắng như tuyết. Thật tốt nếu hôm nay “sự trở về” này vang lên bên tai chúng ta, “hãy trở về với Cha, hãy trở về với Cha.” Người đang chờ đợi anh chị em và Người sẽ vui mừng đón anh chị em.

Đức Phanxico kết thúc Thánh Lễ hôm nay với việc Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi Rước Thánh Thể Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tại Santa Marta của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/3/2020]