Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Tại sao tháng Năm là “Tháng Đức Mẹ”?

Tại sao tháng Năm là “Tháng Đức Mẹ”?

02 tháng Năm, 2018
Tại sao tháng Năm là “Tháng Đức Mẹ”?
Public Domain

Đây là lý do tại sao Tháng Năm được cung hiến cho Mẹ Đồng trinh Diễm phúc.

Với người Công giáo, tháng Năm được gọi là “Tháng Đức Mẹ,” một tháng đặc biệt trong năm với những nghi thức sùng kính nổi bật để tôn vinh Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc.

Tại sao như vậy? Tại sao tháng Năm lại gắn liền với Mẹ Diễm Phúc?

Có nhiều yếu tố khác nhau cấu thành nên sự gắn liền này. Trước hết, theo Hy lạp và Roma cổ đại tháng Năm được là tháng của các nữ thần dân ngoại liên quan đến sự sinh nở và mùa xuân (nữ thần Artemis và Flora). Cùng kết hợp với những lễ hội khác của Châu Âu kỷ niệm mùa xuân mới, tạo nên nét văn hóa của Tây phương xem Tháng Năm là tháng của sự sống và chức năng làm mẹ. Việc này đã có từ rất lâu trước khi “Ngày của Mẹ” được thành lập, nhưng cách mừng hiện đại bây giờ gắn liền với khát khao tôn vinh thiên chức làm mẹ trong những tháng mùa xuân này.

Trong Giáo hội sơ khai có vết tích của một lễ chính dành cho Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc vào ngày 15 tháng Năm thường niên, nhưng mãi đến thế kỷ 18 thì tháng Năm mới được dành riêng cho Mẹ Maria Đồng trinh. Theo Bách khoa Toàn thư Công giáo, “Sự sùng kính trong tháng Năm theo hình thức hiện tại đã bắt đầu tại Roma khi Cha Latomia thuộc Đại học Dòng Tên Roma, chống lại sự bội tín và trái luân lý giữa các sinh viên, đã khấn dâng hiến tháng Năm cho Đức Mẹ vào cuối thế kỷ 18. Từ Roma, việc thực hành lan sang các đại học Dòng Tên khác và từ đó đi đến đi vào mọi nhà thờ Công giáo theo nghi lễ Latinh.”

Dành riêng một tháng cho Mẹ Maria không phải là một truyền thống mới, vì trước đó đã có một truyền thống dành 30 ngày cho Mẹ Maria được gọi là Tricesimum, cũng được gọi là “Tháng Đức Bà.”

Nhiều hình thức sùng kính riêng dành cho Mẹ Maria nhanh chóng lan rộng trong Tháng Năm được ghi lại trong quyển Raccolta, một ấn bản cầu nguyện được xuất bản giữa thế kỷ 19.

Đó là một sự sùng kính rất phổ biến, tận hiến tháng Năm cho Mẹ Maria rất Thánh, là tháng đẹp nhất và nhiều hoa nhất trong năm. Việc sùng kính này từ lâu đã được phổ biến trong khắp thế giới Ki-tô giáo; và nó rất phổ biến ở Roma này, không chỉ riêng tư trong các gia đình, nhưng là một việc sùng kính cộng đoàn trong mọi nhà thờ. Đức Giáo hoàng Pi-ô VII, để tạo thêm động lực cho mọi người Ki-tô hữu thực hành lòng sùng kính thật dịu dàng và thân thương với Mẹ Đồng trinh Diễm phúc, và được hưởng nhiều ích lợi thiêng liêng lớn lao cho bản thân, ban hành một Phúc nghị của Segretaria of the Memorials, ngày 21 tháng Ba, 1815 (được lưu giữ trong Segretaria của Hồng y Giám quản), gửi tới toàn thể tín hữu của Giáo hội Công giáo, mọi người phải thực hành lòng sùng kính đặc biệt hoặc dâng lời kinh sốt sắng, hoặc những cách thực hành đạo đức khác, lên Mẹ Đồng trinh Diễm phúc cùng với cộng đoàn hoặc riêng tư.

Năm 1954, Đức Giáo hoàng Pi-ô XII tuyên bố tháng Năm là Tháng Đức Mẹ sau khi thiết lập Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương vào ngày 31 tháng Năm. Sau Công đồng Vatican II, lễ này được chuyển sang ngày 22 tháng Tám, và ngày 31 tháng Năm trở thành ngày Lễ Mẹ Thăm viếng.

Tháng Năm là một tháng rất phong phú về truyền thống và là một thời gian đẹp trong năm để tôn vinh Mẹ Thiên quốc.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2018]


TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần IV): Nguồn mạch sự sống

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần IV): Nguồn mạch sự sống
Copyright - Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Phép Rửa tội (Phần IV): Nguồn mạch sự sống

‘Khi chúng ta nhúng ngón tay vào trong nước thánh và làm Dấu Thánh giá, chúng ta hãy nghĩ đến niềm vui và lòng tri ân về Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận’

02 tháng Năm, 2018 12:51

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư về Phép Rửa tội: 4. Nguồn mạch sự sống.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tiếp tục suy tư về Phép Rửa tội, hôm nay cha muốn dừng lại ở những nghi thức chính được thực hiện tại giếng rửa tội.

Trước hết chúng ta phải xét đến nước, qua đó khẩn cầu quyền năng của Thần Khí, để nó có được sức mạnh tái sinh và đổi mới (x. Ga 3:5 và Titus 3:5). Nước là nguồn mạch sự sống và sức khỏe, ngược lại nếu không có nước sẽ làm lụi tàn mọi sự trổ sinh, như những gì xảy ra trong sa mạc. Nhưng, nước cũng có thể là nguyên nhân của sự chết, khi nó nhận chìm và quét sạch mọi thứ trong những cơn sóng hoặc lũ lụt. Cuối cùng, nước có khả năng giặt sạch, làm sạch và thanh tẩy. Xuất phát từ ý nghĩa tượng trưng của tự nhiên đã được công nhận toàn cầu này, Kinh Thánh miêu tả những can thiệp và những lời hứa ban của Thiên Chúa qua dấu chỉ của nước. Nhưng, sức mạnh để xóa tội không phải bởi nước, như Thánh Ăm-brô-xi-ô giải thích với các tân tòng: “Anh chị em đã nhìn thấy nước, nhưng không phải tất cả nước đều chữa lành: nước chữa lành là nước có ơn sủng của Đức Ki-tô. [. . .] Hành động là của nước, nhưng hiệu lực là của Thánh Thần” (De Sacramentis 1, 15).

Vì thế, Giáo hội khẩn cầu hoạt động của Thần Khí trên nước “để những người sẽ lãnh nhận Phép Rửa tội trong nước được mai táng cùng với Đức Ki-tô trong cái chết và cùng với Ngài sống lại trong sự sống đời đời” (Nghi thức Rửa tội Trẻ em, s. 60). Lời nguyện chúc lành cho biết rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị nước “là dấu chỉ của Bí tích Rửa tội” và nhắc lại những tiên chỉ kinh thánh chính yếu: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (x. St 1:1-2); dòng nước của trận hồng thủy đánh dấu chấm hết cho tội và khởi đầu cho một sự sống mới (x. St 7:6-8, 22); con cái của Abraham được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của Ai cập qua dòng nước Biển Đỏ (x. Xh 14: 15-31).

Về phần Chúa Giê-su, Phép Rửa trong sông Gio-đan nói đến (x. Mt 3:13-17), máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Người (x. Ga 19:31-37), và lệnh truyền cho các môn đệ rửa tội cho muôn dân nhân danh Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28:19). Được củng cố vững chắc bởi sự ghi nhớ này, chúng ta xin Chúa ban ơn sủng của Đức Ki-tô đã chết và sống lại cho nước trong giếng rửa tội (x. Nghi thức Rửa tội Trẻ em, s. 60). Và vì thế nước này được biến thành nước mang trong nó sức mạnh của Thần Khí. Và với nước này có sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta rửa tội cho mọi người; chúng ta rửa tội cho người lớn, cho trẻ em, cho tất cả.

Khi nước trong giếng rửa tội được thánh hóa, điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Việc này diễn ra cùng với sự từ bỏ Satan và Tuyên xưng Đức tin, hai hành động kết hợp đan xen nhau.

Khi tôi thưa “từ bỏ” trước những cám dỗ của ma quỷ — là kẻ gây chia rẽ — thì tôi cũng thưa “thưa tin” trước Thiên Chúa là Đấng kêu gọi tôi kết hiệp với Người trong mọi suy nghĩ và việc làm. Ma quỷ gây chia rẽ; Thiên Chúa luôn luôn kết hiệp cộng đoàn, mọi người trong một dân tộc. Không thể gắn kết với Đức Ki-tô bằng cách đặt ra những điều kiện. Chúng ta phải tháo gỡ khỏi mình những dây ràng buộc nào đó để có thể thực sự ôm lấy anh em. Hoặc anh chị em theo Thiên Chúa hoặc anh chị em theo ma quỷ. Vì thế, việc từ bỏ ma quỷ và hành động tuyên xưng niềm tin phải cùng đi với nhau. Chúng ta phải cắt bỏ những chiếc cầu nối, phải bỏ chúng lại sau lưng, để đón lấy sự sống mới, đó là Đức Ki-tô.

Lời đáp cho những câu hỏi — “Con có từ bỏ Satan, mọi hành động và mọi sự quyến rũ của nó không?” — được trình bày với chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít: “Con từ bỏ.” Và, niềm tin của Giáo hội được tuyên xưng theo cùng một cách rằng: “Con tin.” “Con từ bỏ” và “Con tin”: đây là nền tảng của Phép Rửa tội. Đó là một lựa chọn mang tính trách nhiệm, nó đòi phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể của sự tín thác vào Thiên Chúa. Hành động tuyên tín hàm ý là một sự cam kết, mà chính Bí tích Rửa tội sẽ giúp duy trì bằng sự kiên trì trong những hoàn cảnh và những thử thách của cuộc sống. Chúng ta nhớ lại lời khôn ngoan cổ xưa của dân Israel: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2:1), tức là hãy chuẩn bị tâm thế để chiến đấu. Và sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu tốt.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhúng ngón tay vào trong nước thánh — khi vào nhà thờ chúng ta nhúng tay vào nước thánh — và làm Dấu Thánh giá, chúng ta hãy nghĩ đến niềm vui và lòng tri ân về Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận – nước thánh này nhắc chúng ta nhớ đến Bí tích Rửa tội — và làm mới lại lời “Amen” của chúng ta — “Con hạnh phúc” –, để được sống chìm đắm trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi rất Thánh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2018]