Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Đức Hồng y Turkson làm rõ 5 nguyên tắc chăm sóc môi trường, đặc biệt môi trường biển

Đức Hồng y Turkson làm rõ 5 nguyên tắc chăm sóc môi trường, đặc biệt môi trường biển

Cam kết của Tòa Thánh đối với tính bền vững của biển
8 tháng Sáu, 2017
Đức Hồng y Turkson làm rõ 5 nguyên tắc chăm sóc môi trường, đặc biệt môi trường biển
WIKIMEDIA COMMONS - Missmarple76
Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và là Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị Liên Hợp quốc Ủng hộ việc Áp dụng Mục tiêu Phát triển Bền vững 14: “Bảo Tồn và Sử Dụng Lâu Dài các Đại Dương, Biển và Những Nguồn Tài Nguyên Biển cho sự Phát Triển Bền Vững,” diễn ra tại Trụ sở LHQ tại New York, tham gia với vai trò là một thành viên thảo luận trong Đối thoại Đối tác của Hội nghị, tập trung vào việc giảm thiểu và giải quyết sự a-xít hóa đại dương, và có bài tham luận ngày 6 tháng Sáu.
Trong bài trình bày, Đức Hồng y Turkson bày tỏ lòng tri ân đối với Hội nghị và sự đánh giá cao công cuộc đang được thực hiện để bảo tồn và sử dụng dài lâu các đại dương của chúng ta và chống lại sự a-xít hóa và ô nhiễm đại dương.
Đức Hồng y làm rõ năm nguyên tắc nền tảng, có sự tương quan lẫn nhau để hướng dẫn việc chăm sóc cho môi trường nói chung và đại dương nói riêng: mệnh lệnh đạo đức chăm sóc cho môi trường; sự cần thiết phải có một khoa sinh thái học toàn diện bao gồm sinh thái môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa và thường nhật, thiện ích chung và tính công bằng liên thế hệ; một bước tiếp cận hội nhập để tìm ra những giải pháp kết hợp giữa đạo đức và môi trường; tầm quan trọng của giáo dục; và sự cần thiết phải có đối thoại và hợp tác ở mọi cấp độ. Ngài kêu gọi chúng ta phải trở thành những người quản lý có trách nhiệm cho hiện tại và cho tương lai của của hành tinh xanh ngát bao la là món quà của Thiên Chúa.
***
Dưới đây là bài trình bày của ngài:
Đức Hồng y Turkson làm rõ 5 nguyên tắc chăm sóc môi trường, đặc biệt môi trường biển

Hồng y Peter Turkson
Tham luận viên và Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh
Hội nghị Liên Hợp Quốc Ủng hộ việc SDG 14:
Bảo tồn và sử dụng dài lâu các đại dương, biển và tài nguyên biển cho sự phát triển bền vững
Phiên thảo luận 3: Giảm thiểu và xử lý sự a-xít hóa đại dương
6 tháng Sáu, 2017, 3-6 giờ chiều

Kính thưa Thân vương Albert II,
Kính thưa ngài Bộ trưởng Agostinho Mondlane,
Kính thưa quý vị,
Tôi xin chuyển đến quý vị lời chào của Đức Giáo hoàng Phanxico, và gửi đến quý vị lòng tri ân của ngài về Hội nghị này, nhằm mục tiêu tìm ra những biện pháp hiệu quả hơn và sắp xếp những nguồn tài nguyên lớn hơn hướng đến việc bảo tồn và sử dụng dài lâu những đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển của chúng ta. Ngài cũng bày tỏ sự đánh giá cao công cuộc đang được thực hiện bởi các cá nhân, các trung tâm nghiên cứu và nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đang giám sát và nghiên cứu tình trạng của các đại dương và biển của chúng ta, qua đó đóng góp vào việc thu thập dữ liệu tốt hơn và sự hiểu biết về sự a-xít hóa đại dương đồng thời đóng góp cho việc tìm ra những biện pháp hiệu quả hơn để phục hồi lại nó.
Việc thải ra ngày càng nhiều chất các-bon đi-ô-xít làm gia tăng tính a-xít của đại dương, vì đại dương hấp thu ít nhất một phần tư lượng các-bon đi-ô-xít thải ra. Nếu chiều hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này chắc chắn sẽ chứng kiến một sự phá hủy chưa từng xảy ra đối với các hệ sinh thái , với những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả chúng ta. [1] Ngoài ra, các chất tẩy và những hóa chất gây ô nhiễm tiếp tục được đổ ra các con sông và đi vào biển và đại dương. Vì thế việc xử lý nguồn nước ô nhiễm quanh đại dương là vô cùng khẩn thiết.
Không cần phải nhắc lại mức độ quan trọng sống còn của các đại dương và biển đối với sự sống trên hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng không chỉ cung cấp thức ăn và các nguyên liệu thô, nhưng còn nhiều ích lợi về môi trường quan trọng khác chẳng hạn làm sạch không khí, cân bằng khí hậu và chu trình các-bon toàn cầu, quản lý chất thải, và duy trì chuỗi thức ăn và những môi trường sống trọng yếu cho sự sống trên trái đất. Bảo đảm cho tình trạng khỏe mạnh và bền vững của chúng là điều phải quan tâm của tất cả mọi người.
Đức Giáo hoàng Phanxico thường xuyên đưa ra những nguyên tắc nền tảng và những hành động để hướng dẫn cho hoạt động của chúng ta biết bảo vệ và chăm sóc cho môi trường. Đối với những cá nhân người Ki-tô hữu và các tổ chức Công giáo trên khắp thế giới, những nguyên tắc này đã và đang trở thành bản đồ hướng dẫn khơi gợi và tạo động lực cho họ hành động. Tôi xin đặt trọng tâm đóng góp của tôi trong buổi thảo luận này bằng những minh họa cho các nguyên tắc có mối tương quan với nhau này, chúng định hình cho tầm nhìn và hành động của Tòa Thánh, không chỉ giảm thiểu và xử lý sự a-xít hóa đại dương, nhưng là bảo vệ và chăm sóc cho môi trường nói chung. Không nhằm trình bày cặn kẽ chi tiết, tôi xin đề cập tóm tắt năm nguyên tắc hướng dẫn có mối tương quan với nhau này.
Thứ nhất, chăm sóc cho môi trường của chúng ta là một mệnh lệnh đạo đức. Trong số nhiều lý do rút ra từ nguyên tắc nền tảng này là sự đoàn kết liên thế hệ và sự tập trung không chỉ về các quyền nhưng gồm cả các trách nhiệm. Đức Thánh Cha Phanxico đã liên tục khẳng định rằng sự đoàn kết liên thế hệ không phải là một vấn đề tùy chọn, nhưng là một vấn đề căn bản của sự công bằng, vì thế giới chúng ta đã được tiếp nhận cũng thuộc về những thế hệ đến sau chúng ta. [2] Vì vậy, khi việc chăm sóc các đại dương và biển của chúng ta tạo ích lợi trực tiếp cho chúng ta, nó cũng là một món quà cho các thế hệ tương lai, giúp họ tránh không phải trả giá quá đắt vì sự suy giảm các đại dương, biển và tài nguyên biển của chúng ta.
Thấu hiểu việc chăm sóc các đại dương và biển của chúng ta như là người quản lý đầy trách nhiệm giúp chúng ta không chỉ tập trung vào quyền sử dụng những nguồn tài nguyên mà đại dương và biển mang lại, nhưng phải tập trung vào mệnh lệnh bảo tồn và sử dụng chúng theo cách vững bền. Đa phần nguyên nhân suy giảm tình trạng của các đại dương là hậu quả của việc chỉ chú trọng vào quyền sử dụng và quyền quản lý hơn là những việc làm có hại thuộc trách nhiệm cá nhân và tập thể. Những khuôn khổ lập quy hiệu quả để bảo vệ tình trạng của các đại dương thường bị ngăn chặn bởi những người được hưởng lợi nhiều nhất từ những tài nguyên biển và những người có mục đích duy trì hoặc gia tăng lợi thế quản lý đối với những dân tộc và quốc gia nghèo.
Nguyên tắc hướng dẫn thứ hai là điều mà Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là sinh thái học toàn diện. Thuật ngữ mô tả rõ tính đa chiều kích căn bản của những mối quan hệ của chúng ta: với nhau, với môi trường chung, và với Đấng Tạo hóa đã ban cho chúng ta món quà thiên nhiên. Trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng sinh thái học toàn diện phải bao gồm sinh thái môi trường, kinh tế và xã hội; sinh thái văn hóa; sinh thái của đời sống hàng ngày; nguyên tắc của thiện ích chung; và sự công bằng giữa các thế hệ. [3] Theo cách hiểu này, môi trường không được xem là điều tách biệt với chúng ta hay chỉ đơn thuần là một sự sắp đặt mà chúng ta sống trong đó. Chúng ta là một phần của nó, bao gồm trong nó và vì thế có sự tương tác cộng sinh liên tục với nó. Một sự khủng hoảng môi trường có nghĩa là một sự khủng hoảng về con người. Một sự khủng hoảng của các đại dương và biển là sự khủng hoảng của chúng ta.
Nguyên tắc thứ ba là cần phải có một bước tiếp cận hội nhập để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề không chỉ thuộc về môi trường nhưng còn thuộc về xã hội. Những cân nhắc về đạo đức phải được hòa nhập vào trong các bước tiếp cận khoa học của chúng ta đối với những vấn đề môi trường, vì sự suy giảm môi trường và sự suy giảm về con người và đạo đức có mối liên hệ rất gần với nhau. Khoa học có thể xác định rõ lượng a-xít hóa của các đại dương, tiên đoán những hậu quả xấu của nó và đề nghị những phương pháp cứu chữa, nhưng nó không thể đưa ra động lực cho hành động đạo đức. Những giải pháp kỹ thuật không bao giờ là đủ. “Không bỏ rơi ai ở phía sau” là một lời kêu gọi đoàn kết và là một động lực tạo cảm hứng thúc giục tất cả chúng ta đạt được những Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tóm lại, động lực cho hành vi đạo đức là một sự đóng góp giá trị mà sự hội nhập của bước tiếp cận đạo đức có thể và phải đem đến để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu và xử lý sự a-xít hóa đại dương.
Nguyên tắc hướng dẫn thứ tư là vai trò nền tảng của giáo dục. Giáo dục tất cả mọi người ngay từ tuổi nhỏ về những kỳ công của thiên nhiên dẫn đến tình yêu thương và chăm sóc nó. Giáo dục còn quan trọng hơn nữa ở những nơi rất hiếm hoặc không có những dịch vụ công xử lý rác thải đúng cách, khi trời mưa, người ta vứt mọi thứ rác thải — từ nhựa đến quần áo cũ, từ những thứ kim loại đến các loại thủy tinh — xuống sông hoặc những đường thoát nước, để cho dòng nước chảy mang chúng đi. Thường thường, rác làm ô nhiễm những nguồn nước trên đất liền trước khi hủy hoại biển và đại dương của chúng ta.
Tòa Thánh với sự tiếp cận và có mặt của mình trên quốc tế giáo dục về sự cần thiết của việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Sinh thái học toàn diện đã trở thành môn học bắt buộc trong nhiều trường học Công giáo và trong những hoạt động cộng đồng tôn giáo để khơi dậy và duy trì lòng yêu thương và sự chăm sóc cho môi trường. Tòa Thánh khuyến khích những sáng kiến hướng đến mục tiêu giảm bớt lượng thải các-bon và sử dụng tối đa năng lượng tái sinh. Tòa Thánh khuyến khích những nhà doanh nghiệp nhỏ xây dựng hoặc ủng hộ những cách kinh doanh có lợi cho hệ sinh thái ở những mức độ địa phương hoặc người dân. Nhà nước Vatican cố gắng đưa ra tấm gương tốt không chỉ riêng cho người Công giáo nhưng cho tất cả mọi người trong việc nỗ lực giảm thiểu lượng thải các-bon và hướng đến việc hoàn toàn không thải các-bon.
Giáo hội Công giáo cũng dựa vào mạng lưới liên tôn rộng lớn và sự hợp tác với những cơ quan phi chính phủ và thuộc chính phủ để giáo dục trẻ em và người lớn về trách nhiệm này. Chẳng hạn, chủ đề của Thông điệp của Tòa Thánh gửi người Hồi giáo lần này trong tháng Ramadan là “Người Ki-tô hữu và người Hồi giáo: Chăm sóc cho Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta.” Khẳng định về tiếng gọi cho tất cả mọi người trở thành người bảo vệ cho tuyệt tác của Thượng Đế không phải là một tùy chọn cũng không mang tính hời hợt, nhưng là một điều vô cùng quan trọng để tôn vinh Thượng Đế, Thông điệp mời gọi một “sự thay đổi toàn cầu” để giải quyết thách đố của sự khủng hoảng môi trường sinh thái.
Một phần toàn diện của nỗ lực giáo dục dạy sự yêu thương và chăm sóc cho các đại dương của chúng ta, bất kể người đó có tín ngưỡng hay không, là thách đố thay đổi lối sống và những cách tiêu dùng là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng của các đại dương và biển của chúng ta.
Nguyên tắc hướng dẫn thứ năm là sự cần thiết của đối thoại và hợp tác ở mọi cấp độ có thể dẫn đến những quyết sách, những chính sách và hành động chung ở của quốc tế, quốc gia và địa phương. Chúng ta phải đưa những đóng góp cụ thể của các cá nhân và tổ chức, của các cơ quan nhà nước và các tổ chức dân sự vào trong những cuộc đối thoại về tình trạng của các đại dương và biển của chúng ta. Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và phức tạp hơn, những quan điểm khác nhau hơn bao giờ hết phải được hòa quyện và bổ sung lẫn nhau, và tất cả mọi người phải cùng hợp sức để tìm ra những giải pháp và biện pháp hữu hiệu nhất. Các chính sách của nhà nước và nghiên cứu hàn lâm là rất quan trọng và cần thiết, nhưng làm việc trực tiếp tại hiện trường là điều quan trọng nhất cho tất cả và là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Những sáng kiến và các dự án cải thiện tình trạng các đại dương và biển phải mang tính thực tế và có sự tham gia chung để kích thích lòng sẵn sàng của tất cả mọi người đóng góp vào trách nhiệm chung cho thiện ích chung này. Những sáng kiến cụ thể và nhằm mục tiêu chống lại những chất gây ô nhiễm lớn nhất và phổ biến nhất đối với đại dương và biển của chúng ta phải thực sự có ích và thúc đẩy được sự gắn kết xã hội. Ví dụ, các trường học và cộng đồng có thể thu gom nhựa, kim loại, thủy tinh và những rác thải khác mà chúng có thể bị đẩy ra các đại dương và sông ngòi. Những tổ chức dân thường có thể làm việc với các ngành công nghiệp nuôi trồng và khai thác mỏ để ngăn chặn những chất thải công nghiệp không làm ô nhiễm những nguồn nước. Các tổ chức phi chính phủ và các cấp chính quyền phải hợp tác để giúp những làng chài nghèo chống lại sự suy giảm các hệ sinh thái ven biển ảnh hưởng trực tiếp đến phương kế sinh nhai của họ. Nếu tất cả chúng ta thực sự quan tâm chăm sóc cho môi trường, thì chắc chắn phải có sự hợp tác hơn là đối kháng.
Thưa quý vị,
Chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai những loại biển và đại dương như thế nào? Chúng ta muốn chất lượng nước như thế nào đổ vào các bãi biển của chúng ta và các thế hệ mai sau, chảy vào trong các thành phố, những làng mạc và cánh đồng, vào trong bồn rửa và nhà tắm của chúng ta? Chúng ta có thể và phải đảo ngược lại tình trạng suy giảm của các đại dương và biển của chúng ta. Với nỗ lực cao nhất chúng ta có thể vượt qua được tính ích kỷ cá nhân và những lợi ích quốc gia nhỏ hẹp. Hành tinh xanh bao la này là quà tặng của Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta hãy trở thành những người quản lý đầy trách nhiệm của nó.
Tôi xin cảm ơn quý vị.

1. Đức Thánh Cha Phanxico, tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), 24.
2. Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), 159.
3. Nt., 137-162.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/06/2017]



Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Trọng Mừng Kính Chúa Ba Ngôi

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Trọng Mừng Kính Chúa Ba Ngôi

“Chúa Giê-su tỏ lộ cho chúng ta Dung nhan Thiên Chúa, Một Bản tính và Tam vị nhất thể trong Các Ngôi”
11 tháng Sáu, 2017
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ Trọng Mừng Kính Chúa Ba Ngôi
Angelus / Foto: Francesco Sforza - © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Các bài đọc Kinh thánh Chúa Nhật này, lễ trọng mừng kính Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm của căn tính của Thiên Chúa. Thư thứ Hai trình bày những lời chào mà Thánh Phao-lô gửi đến cộng đoàn Côn-rinh-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13:13). Lời “chúc lành” này — chúng ta nói như vậy — của Thánh Tông đồ là kết quả của kinh nghiệm riêng tư của ngài với tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Ki-tô Phục sinh đã tiết lộ cho ngài, nó làm biến đổi đời sống của ngài và “thúc đẩy” ngài mang Tin mừng đến với dân ngoại. Từ kinh nghiệm của ơn sủng này, Phao-lô đã hô hào người Ki-tô hữu bằng những từ ngữ sau: “Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà” (c. 11). Cộng đoàn Ki-tô hữu, bất kể những giới hạn của con người, có thể trở nên một tấm gương phản ánh của sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, của sự tốt lành và vẻ tuyệt mỹ. Tuy nhiên — như chính Thánh Phao-lô chứng thực — điều này cần thiết phải bước qua trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, của sự tha thứ của Người.
Đó là những gì đã xảy ra với dân Do thái trên đường di tản. Khi con người phá bỏ Giao ước, Thiên Chúa đã hiện ra với ông Môi-sê trong đám mây và tái lập lại giao ước đó, công bố Danh Thánh của Người và ý nghĩa của danh đó. Người nói: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6).
Danh Người cho thấy rằng Thiên Chúa không xa cách và khóa mình, nhưng Người là Sự sống, Người rộng mở, Người là Tình yêu giải thoát con người từ muôn đời. Thiên Chúa “hay thương xót,” “đầy lòng trắc ẩn,” và “giàu ơn sủng” vì Người tặng ban Chính Người cho chúng ta để lấp đầy những giới hạn và những thiếu sót của chúng ta, để tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, để đưa chúng ta trở về với con đường của sự công chính và sự thật. Sự mặc khải này của Thiên Chúa đạt đến mức trọn vẹn trong Tân Ước, nhờ công cuộc của Đức Ki-tô và sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Chúa Giê-su tỏ lộ cho chúng ta Dung nhan của Thiên Chúa, Một Bản tính và Tam vị nhất thể trong các Ngôi; Thiên Chúa tất cả là Tình yêu duy nhất, trong một mối quan hệ của sự sống tạo dựng, cứu độ và thánh hóa tất cả: Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Và Tin mừng hôm nay “đặt” Ni-cô-đê-mô “vào một bối cảnh,” ông mặc dù có một vị trí quan trọng trong cộng đoàn tôn giáo và dân sự lúc đó, không bao giờ ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Ông không suy nghĩ: “Tôi đã đến nơi,” ông không ngừng tìm đến Thiên Chúa; và bây giờ ông nhận thức được âm vang vọng trong tiếng  nói của Chúa Giê-su. Trong cuộc đối thoại vào ban đêm với người xứ Na-za-rét, Ni-cô-đê-mô cuối cùng hiểu rằng ông đã được Thiên Chúa tìm kiếm và chờ đợi, đã được Người thương yêu cách riêng. Thiên Chúa luôn tìm kiếm chúng ta trước, chờ đợi chúng ta trước, yêu thương chúng ta trước. Người giống như bông hoa của cây hạnh nhân; như Ngôn sứ đã nói: “Nó trổ sinh bông trước” (x. Gr 1:11-12). Quả thật, đó là điều Chúa Giê-su nói với ông: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Cuộc sống muôn đời là gì? Đó là tình yêu vô biên và nhưng không của Chúa Cha mà Chúa Giê-su đã ban tặng trên cây thập giá, tặng ban sự sống của Người cho ơn cứu độ của chúng ta. Và, với hoạt động của Chúa Thánh Thần, tình yêu này chiếu tỏa một ánh sáng mới trên mặt đất và trong con tim của mỗi con người đón nhận nó — một ánh sáng làm lộ ra những góc tối, những sự cứng nhắc ngăn cản việc trổ sinh hoa trái của tình bác ái và của lòng thương xót.
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta bước vào ngày càng sâu hơn, với tất cả con người của mình, vào trong mầu nhiệm Hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, để sống và làm chứng tá cho tình yêu và làm cho sự sống của chúng ta có ý nghĩa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/06/2017]