Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.10.2023: “Tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh biến đổi thế giới”

“Tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh biến đổi thế giới”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.10.2023: “Tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh biến đổi thế giới”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 29/10), sau khi kết thúc Thánh lễ bế mạc Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục (4-29 tháng 10 năm 2023) tại Vương cung Thánh đường Vatican với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô theo lịch thông lệ của ngày Chúa nhật.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________


Huấn từ của Đức Giáo Hoàng trước kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về điều răn trọng nhất (x. Mt 22:34-40). Một tiến sĩ luật hỏi Chúa Giêsu về điều này và Ngài trả lời bằng “điều răn trọng của tình yêu”: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (…) và (…) người thân cận như chính mình” (câu 37,39). Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận không thể tách rời nhau. Vì vậy, chúng ta hãy lắng đọng một chút để suy ngẫm về điều này.

Điều thứ nhất: yêu mến Thiên Chúa đứng trên nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, Ngài luôn đi trước chúng ta bằng sự dịu dàng vô bờ bến của Ngài (x. Ga 4:19), bằng sự gần gũi của Ngài, bằng lòng thương xót của Ngài, vì Chúa luôn ở gần, dịu dàng và giàu lòng thương xót. Một đứa bé học cách yêu thương khi ngồi trong lòng của mẹ và cha, còn chúng ta học điều đó trong vòng tay của Chúa. Thánh Vịnh nói: “Như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ” (x. 131:2). Đây là cách chúng ta cảm nhận trong vòng tay của Chúa. Và ở đó, chúng ta thấm nhuần tình thương của Chúa; ở đó, chúng ta gặp được tình yêu thúc đẩy chúng ta hiến thân cách quảng đại. Thánh Phaolô nhắc lại điều này khi ngài nói rằng tình yêu Chúa Kitô có một sức mạnh thúc đẩy yêu thương (x. 2 Cr 5:14). Và mọi sự đều bắt nguồn từ Ngài. Bạn không thể thực sự yêu thương người khác nếu bạn không có cội rễ này, đó là tình yêu của Thiên Chúa, lòng yêu mến Chúa Giêsu.

Và bây giờ là khía cạnh thứ hai nổi lên từ giới răn yêu thương. Nó kết nối lòng yêu mến Thiên Chúa với tình yêu thương tha nhân: nó có nghĩa là khi yêu thương anh chị em, chúng ta phản chiếu tình yêu của Chúa Cha như những tấm gương. Phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa, đây chính là điểm mấu chốt – yêu mến Đấng chúng ta không nhìn thấy nơi những anh chị em mà chúng ta nhìn thấy (x. 1 Ga 4:20). Một ngày kia, Thánh Têrêsa Calcutta trả lời một nhà báo hỏi thánh nhân rằng ngài có ảo tưởng về việc thay đổi thế giới bằng những việc ngài đang làm hay không: “Tôi không, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thay đổi thế giới! Tôi chỉ muốn trở thành một giọt nước trong lành, qua đó tình yêu Thiên Chúa có thể tỏa sáng” (Gặp gỡ các nhà báo sau khi nhận giải Nobel Hòa bình, Roma, 1979). Đây chính là cách mà thánh nhân, một người rất nhỏ bé, đã có thể làm được quá nhiều điều tốt lành – bằng cách phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa như một giọt nước. Và nếu đôi khi nhìn đến mẹ Têrêsa và các thánh khác, chúng ta có thể nghĩ rằng các ngài là những anh hùng không thể bắt chước được, chúng ta hãy nghĩ lại về giọt nước nhỏ đó: tình yêu là một giọt nước có thể thay đổi nhiều thứ. Và làm điều này như thế nào? Luôn thực hiện bước đi đầu tiên. Đôi khi không dễ thực hiện bước đầu tiên, không dễ quên đi mọi điều…, hãy thực hiện bước đầu tiên – hãy làm điều đó. Đây là giọt nước – thực hiện bước đầu tiên.

Anh chị em thân mến, vì vậy khi nghĩ về tình yêu Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có biết ơn Chúa vì Người đã yêu thương tôi trước không? Tôi có cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và tôi có biết ơn Người không? Và tôi có cố gắng phản chiếu tình yêu của Ngài không? Tôi có cố gắng yêu thương anh chị em mình và thực hiện bước thứ hai này không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống giới răn cao trọng về yêu thương trong cuộc sống hằng ngày: yêu mến và cho phép Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cũng như yêu thương anh chị em chúng ta.

____________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn tất cả những anh chị em – ở rất nhiều nơi và bằng nhiều cách khác nhau – đã hiệp nhất với ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối vào thứ Sáu vừa qua, khẩn xin hòa bình cho thế giới. Xin chúng ta không dừng lại. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine, cũng như cho tình hình nghiêm trọng ở Palestine và Israel, và các khu vực khác đang có chiến tranh. Đặc biệt, ở Gaza, cầu mong không gian được mở ra để bảo đảm sự viện trợ nhân đạo, và xin cho các con tin được thả ngay lập tức. Đừng ai từ bỏ khả năng để có thể làm vũ khí im tiếng – hãy thực hiện lệnh ngừng bắn. Cha Ibrahim Faltas mà tôi được nghe gần đây trên chương trình A Sua Immagine, Cha Ibrahim nói: “Hãy ngừng vũ khí lại! Hãy ngừng vũ khí lại!” Cha là mục tử của vùng Thánh địa. Cùng với Cha Ibrahim, chúng ta cũng hãy đồng thanh: hãy dừng vũ khí lại. Hãy dừng lại, thưa anh chị em! Chiến tranh luôn là sự thất bại — luôn luôn!

Cha gần gũi với người dân ở khu vực Acapulco, Mexico, bị một cơn bão rất mạnh tấn công. Cha cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình họ và cho những người bị thiệt hại nghiêm trọng. Xin Đức Trinh Nữ Guadalupe nâng đỡ con cái Mẹ trong cơn khó khăn này.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma và những người hành hương đến từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha xin chào cha mẹ của các “thiếu nhi trên Thiên đàng” từ Torano Nuovo, các tín hữu đến từ Campana, nhóm ơn gọi “Talità Kum” từ giáo xứ Thánh Gioan Florentines ở Roma, các thiếu niên nam nữ của lớp Thêm sức đến từ Slovenia và những thiếu nhi đến từ Gandosso, cũng như chuyến hành hương của các Con cái Thánh Camillus và các Thừa tác viên Bệnh nhân.

Cha hy vọng tất cả anh chị em tận hưởng ngày Chúa nhật của mình. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2023]


Nghề đóng giày truyền thống cho giáo hoàng

Nghề đóng giày truyền thống cho giáo hoàng

Nghề đóng giày truyền thống cho giáo hoàng

Shutterstock-Eugenio Marongiu

V. M. Traverso

21/10/23


Ông Adriano Stefanelli đã đóng giày cho các giáo hoàng bao gồm Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, và bây giờ là Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Trong nhiều thế kỷ, các giáo hoàng đi giày đỏ, biểu tượng của quyền bính dưới thế và Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Các Giáo hoàng thường đi giày da màu đỏ trong các hoạt động ngoài trời và mang dép đỏ khi đi trong nhà.

Ông Adriano Stefanelli, một thợ đóng giày đến từ Novara, miền bắc nước Ý, đã đóng giày cho các giáo hoàng từ thời Đức Gioan Phaolô II. Thiết kế giày loafer của Stefanelli giúp ông được nhắc đến trong danh sách những thời trang nam thanh lịch nhất thế giới của tạp chí Esquire năm 2007 khi đôi giày loafer màu đỏ thiết kế cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI được vinh danh là phụ kiện của năm.

Đôi giày nổi tiếng đó được ông Stefanelli thiết kế và đóng thủ công tại xưởng Novara của ông. Với đôi giày đó, ông đã chọn thiết kế kiểu giày loafer cổ điển, màu đỏ rực và tên viết tắt của Giáo hoàng được in màu vàng kim trên mũi giày. Theo đài truyền hình Ý, tổng thống George W. Bush đã nhìn thấy đôi giày đỏ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô trong chuyến viếng thăm Washington D.C. của ngài và rất ấn tượng đến mức ông đặt đóng một đôi giống hệt, màu đen thay vì màu đỏ.

Người thợ đóng giày người Ý cũng đang đóng giày cho vị giáo hoàng đương nhiệm. Đức Giáo hoàng Phanxicô có một chút vấn đề về cấu trúc xương chân nên ông Stefanelli đã thiết kế một đôi giày đặc biệt vừa với ngài. Trong video này của đài truyền hình địa phương Videonovara, ông Stefanelli tự hào giới thiệu đôi giày loafer ông thiết kế cho vị Giáo hoàng đương nhiệm.

Nó được ông Stefanelli khâu bằng tay và rất mềm êm nhưng chắc chắn. Mặt ngoài giày được làm bằng vải nhung tím có thêu hình quốc huy Vatican màu vàng. Một năm trước, ông Stefanelli bắt đầu đóng giày loafer cho các giám mục Mỹ theo mẫu thiết kế tương tự.

Như được giải thích trong một cuộc phỏng vấn, ông Stefanelli học nghề từ cha của ông, một thợ chuyên sửa giày và đóng giày. Khi ở tuổi thiếu niên, ông Stefanelli không muốn nối bước cha mình, nhưng cha mẹ ông khuyên ông nên “học nghề” trước và quyết định xem sau này ông có muốn tiếp tục truyền thống gia đình hay không.

Chàng trai Stefanelli đã theo lời khuyên đó và sau ít tháng, anh nhận thấy thật sự tìm được thấy ý nghĩa trong nghề của cha. Không giống như giày ngày nay chủ yếu được sản xuất bằng máy móc cho thị trường đại chúng rộng lớn, những thợ đóng giày truyền thống dành nhiều giờ để tạo ra những đôi giày được thiết kế riêng cho khách hàng cá nhân bằng cách sử dụng keo, đinh và dây.

Nghề đóng giày truyền thống là một ngành nghề nghệ thuật đang phai tàn ở Ý, và chỉ nhờ vào sự cống hiến của hậu duệ những người thợ đóng giày truyền thống như ông Stefanelli mà truyền thống này vẫn còn được giữ lại. Trong những năm gần đây, những thợ đóng giày trẻ giữ nghề truyền thống của mình đã thu hút hàng ngàn người xem trên mạng xã hội, cho thấy giá trị của những đôi giày thủ công đã được hồi sinh.

Ông Stefanelli bắt đầu luyện tay nghề từ năm 14 tuổi và đến năm 20 tuổi, ông đã trở thành một thợ đóng giày được đào tạo bài bản. Năm 25 tuổi, ông ngưng đóng giày và mở một cửa hàng giày. Nhưng ông nhớ công việc thủ công với da và gỗ cũng như thiết kế các hình dạng phù hợp với nhu cầu cá nhân của mỗi người.

Khi ông Stefanelli nghe tin Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cảm thấy không khỏe trong buổi đi Chặng đàng Thánh giá Via Crucis, ông quyết định quay trở lại xưởng đóng giày của ông. Ông nói: “Tôi tự hỏi có thể làm gì để giảm bớt sự chịu đựng cho đức giáo hoàng. Vì thế tôi nghĩ tôi có thể đóng cho ngài một đôi giày.”

Ông Stefanelli không biết cỡ giày của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhưng là một thợ đóng giày giàu kinh nghiệm, ông đã chọn cỡ 13,5 căn cứ theo chiều cao và cân nặng của Đức Giáo hoàng. Khi Đức Wojtyła nhận được đôi giày đóng thủ công, chúng rất vừa vặn và ông Stefanelli được mời đến gặp đức giáo hoàng ở Roma.

Người thợ đóng giày nói: “Ngài thực sự là một người có ơn đặc sủng. Khi ở trước mặt ngài, người ta có thể hiểu được những điều trước đây chưa rõ ràng.” Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thích món quà của ông Stefanelli và đặt làm những đôi giày khác. Ông Stefanelli nói: “Đức Giáo hoàng dành thời gian sờ chạm vào đôi giày để thực sự cảm nhận chất lượng của vật liệu và sự khéo léo của thiết kế”. Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, ngài đi đôi giày của ông Stefanelli làm.

Từ đó, ông Stefanelli thiết kế giày cho các vị hồng y, giáo hoàng và nguyên thủ quốc gia, trong đó có tổng thống Barack và Michelle Obama. Ba năm trước, ông đã mở một phòng triển lãm cạnh xưởng giày lịch sử ở Novara của ông để trưng bày những đôi giày ông đã làm trong suốt sự nghiệp 50 năm của mình. Ông nói: “Tôi mở phòng triển lãm này như một cách thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người dân Novara và tất cả những người đã ủng hộ tôi”.

Du khách có thể xem qua bộ sưu tập ấn tượng của ông Stefanelli cũng như những bức ảnh và thư từ ghi lại của những khách hàng nổi tiếng của ông, bao gồm tổng thống George W. Bush, Barack và Michelle Obama, Admor of Malta và tất nhiên là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2023]