Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đức Phanxico để lại thông điệp cho Dòng của các thầy Assisi, yêu cầu các thầy hãy loan truyền hòa bình đến mọi người

Đức Phanxico để lại thông điệp cho Dòng của các thầy Assisi, yêu cầu các thầy hãy loan truyền hòa bình đến mọi người

Hôm 20 tháng 9 Đức Phanxico đã chuyển một thông điệp viết tay đến các thầy Phanxico thuộc Dòng Thánh Assisi, trước buổi họp mặt các tôn giáo thế giới
pope francis
Thông điệp Đức Phanxico để lại cho các thầy Dòng Thánh Assisi

21/09/2016
VATICAN INSIDER STAFF
TURIN
“Cha cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả anh em trong dòng này. Xin Người tuôn đổ ơn bình an xuống anh em để anh em có thể loan truyền hòa bình đến cho mỗi người trong tất cả chúng ta, đến những người anh em chị em của họ. Cha hy vọng họ sẽ duy trì được “tinh thần của dòng” và “sự nhỏ bé” để anh em sẽ có thể làm cho cộng đoàn phát triển giữa mọi người và là những mẫu gương phục vụ như những người bé mọn. Đây là những lời chúc của cha là một người anh em bé mọn và một người gửi đến anh em.”
Đây là thông điệp viết tay của Đức Thánh Cha Phanxico để lại bằng tiếng Tây Ban nha cho các thầy Dòng Thánh Assisi ngày 20 tháng 9 trước khi khai mạc buổi họp mặt hòa bình.
Thông điệp được chuyển lại bởi giám đốc văn phòng báo chí Dòng Thánh Assisi, cha Enzo Fortunato.
Chính cha Fortunato vào cuối buổi họp “Khát Hòa bình” ngày hôm qua đã nói về “một ngày đáng nhớ mà chúng tôi được kêu gọi để kiểm điểm lại và suy ngẫm lại trong những lần sắp tới.”
“Đức Thánh Cha đã sắp xếp để làm cuộc họp mặt hôm nay ở Assisi trở thành một sự kiện được đánh dấu bởi sự chân thành sâu sắc và tình bạn giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo. Có một bầu khí tinh thần nhân đạo rất tuyệt vời,” Cha Fortunato nói thêm.

[Nguồn:  vaticaninsider]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2016]



Tham dự viên Ấn giáo tại Assisi: ‘Đức Giáo hoàng Phanxico là người giữ lương tâm đạo đức của thế giới’

Tham dự viên Ấn giáo tại Assisi: ‘Đức Giáo hoàng Phanxico là người giữ lương tâm đạo đức của thế giới’

Pope Francis greets representatives of other religions upon his arrival in Assisi - OSS_ROM
Đức Thánh Cha Phanxico chào đại diện của các tôn giáo khác khi ngài đến Assisi - OSS_ROM
20/09/2016 15:24
(Vatican Radio) Nhà văn và nhà hoạt động người Ấn, Sudheendra Kulkarni, là một trong khoảng 450 đại diện tôn giáo thuộc nhiều nền tảng đức tin tham dự Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình ở Assisi, tại đây ông tham gia thảo luận nhóm với chủ đề “Chủ nghĩa khủng bố phủ nhận Thiên Chúa.”
Kulkarni, người theo đạo Ấn giáo, dẫn đầu Hiệp hội Nghiên cứu Quan sát viên, một nhóm chuyên gia độc lập, đặt trụ sở tại Ấn độ. Ông đặc biệt quan tâm tới đối thoại liên tôn, đặc biệt cuộc đối thoại Ấn độ - Pakistan tìm kiếm hòa bình và hợp tác.
Ông nói với Christopher Altieri của đài phát thanh Vatican rằng thông điệp của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình phù hợp cho ngày hôm nay hơn bao giờ hết:
Sudheendra Kulkarni nói về tầm quan trọng của sự tham dự của ông vào sự kiện Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình ở Assisi: “Thông điệp Assisi mang tính toàn cầu. Nó không chỉ cho vùng Assisi, nó không phải cho riêng nước Ý, nó cũng chẳng phải cho riêng thế giới Ki-tô giáo. Vị thánh vĩ đại nhất của nhân loại, một trong những vị thánh vĩ đại nhất, Thánh Phanxico quê ở Assisi và chúng tôi ở Ấn độ rất kính trọng Thánh Phanxico và hội nghị liên tôn được tổ chức lần đầu tiên cách đây 30 năm. Nó là một bước ngoặt trong sự hòa hợp liên tôn trên khắp thế giới và chúng tôi lại họp nhau ở đây sau 30 năm, vì thế nó rất quan trong cho chúng tôi ở Ấn độ.”
Kulkarni nói rằng mặc dù ông không có trong thành phần tham dự tại Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình năm 1986, ông có nghe nói về sự kiện đó. Ông nói rằng “thông điệp thậm chí còn phù hợp hơn cho thế giới ngày nay.”
Suy tư về sự tiến bộ đã đạt được kể từ Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình lần thứ nhất năm 1986, Kulkarni nói, “Điều đạt được là từ năm 1986 có một ý thức ngày một lan tỏa hơn trên khắp thế giới rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa của chúng ta, tất cả mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, và mọi cộng đồng tôn giáo phải chung sống với nhau. Ý thức này hôm nay đã trở nên mạnh mẽ hơn năm 1986 vì như chúng ta biết năm 1986 vẫn còn nằm trong kỷ nguyên của hai khối quyền lực đối chọi. Kỷ nguyên chiến tranh lạnh: Chiến tranh lạnh đã đi qua nhưng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này tất cả các tôn giáo phải đối thoại với nhau và học cách sống hòa bình và hòa hợp với nhau.”
Mặc dù đã có một số tiến bộ đáng kể kể từ sự kiện đầu tiên, ông Kulkarni nhận xét rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Có rất nhiều vấn đề và một số vấn đề mới và chúng ta phải học từ nhau. Chúng ta phải học cách sống với nhau bằng cách tôn trọng sự khác biệt của nhau,” ông nói.
Kulkarni nói thêm về Chiến Tranh lạnh và sự cố gắng thúc đẩy dỡ bỏ tôn giáo ra khỏi nhân loại: “Tôi nghĩ rằng sức thúc đẩy này ngày nay yếu hơn rất nhiều vì ý thức hệ vô thần, ý thức hệ cố gắng tách con người ra khỏi tôn giáo và ra khỏi Thượng đế đã bị thất bại, nó đã bị sụp đổ. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là toàn thế giới bây giờ đã quay về với giá trị tôn giáo đích thực, điều đó không đúng. Chúng ta vẫn còn một con đường dài để đi, nhưng nếu chúng ta hiểu tôn giáo theo nhận thức đúng của từ ngữ và thông điệp cốt lõi của tất cả các tôn giáo là giống nhau, tôi đại diện cho Ấn giáo, tôi từ Ấn độ đến, chúng tôi tôn trọng và chúng tôi thừa nhận mọi tôn giáo là thật và bình đẳng như nhau. Bây giờ sự hiểu biết này mà chúng ta phải học cùng với nhau trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé hơn, nó đã trở thành một ngôi làng, một ngôi làng trái đất mà chúng ta phải chung sống với nhau. Không có con đường nào khác. Sự ý thức này, theo ý tôi, ngày nay trở nên mạnh mẽ hơn 30 năm trước.”
Kulkarni nói về những kinh nghiệm của ông với Đức Thánh Cha Phanxico và những mong chờ của ông đối với Giáo hoàng tại Assisi: “Ở một tầm mức Đức Giáo hoàng Phanxico là nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo thế giới, nhưng ở một tầm mức khác ngài là người giữ lương tâm đạo đức cho thế giới. Thông điệp của ngài dành cho toàn nhân loại. Ngày nay ngài là một trong những tiếng nói hiếm hoi trên thế giới, tiếng nói luôn nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta phải thay đổi thế giới này. Chúng ta phải thay đổi thế giới này theo cách người nghèo được tôn trọng, người nghèo có công bằng, người nghèo có thể sống trong một thế giới an toàn. Thứ hai, ngài là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới, ngài luôn nói một cách rất tâm huyết về việc bảo vệ môi sinh. Thực ra ngài được người ta gọi là Giáo hoàng xanh và chúng tôi ở Ấn độ kính trọng ngài vì điều này, và sẽ rất hạnh phúc được nhìn thấy Đức Giáo hoàng Phanxico đến thăm Ấn độ.”

[Nguồn:  en.radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]



Bài giảng Lễ sáng: Đức Thánh Cha đối chiếu sự thao thức do thúc đẩy của Thánh Thần và sự băn khoăn do lương tâm không trong sạch

Bài giảng Lễ sáng: Đức Thánh Cha đối chiếu sự thao thức do thúc đẩy của Thánh Thần và sự băn khoăn do lương tâm không trong sạch

Tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ngài cảnh báo rằng tính tự phụ là ‘bệnh loãng xương’ của linh hồn
22 tháng 9, 2016
Pope Francis at Santa Marta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Có sự thao thức trong tâm hồn bởi Thánh Thần và một thao thức băn khoăn do lương tâm không trong sạch, Đức Thánh Cha Phanxico nói trong Thánh lễ sáng nay tại nguyện đường Casa Santa Marta.
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha nói về những thao thức tốt và xấu, rút ra từ tâm trạng của Hê-rô-đê sau khi ông ta giết Gioan Tẩy giả:
Tin mừng hôm nay miêu tả Vua Hê-rô-đê (Antipas) bị bấn loạn hoặc lo âu vì, sau khi đã giết Gioan Tẩy Giả, bây giờ ông ta lại cảm thấy bị đe dọa bởi Đức Giê-su. Ông ta lo lắng vì sau khi cha của ông ta, Hê-rô-đê Cả, bị bối rối vì sự viếng thăm của các vị Đạo sĩ. Có thể có hai tâm trạng thao thức khác nhau trong tâm hồn, Đức Thánh Cha nói, một thao thức “tốt lành” do “Chúa Thánh Thần ban tặng cho chúng ta” và “nó thúc đẩy tâm hồn chúng ta làm những việc tốt đẹp không biết mệt mỏi”; và một thao thức “xấu” do “một lương tâm vấy bẩn sinh ra.” Cả hai vua Hê-rô-đê cố gắng giải quyết mối băn khoăn khắc khoải của họ bằng cách giết người, bước tới trên “những xác người”:
Những con người này đã làm những tội ác như vậy, họ đã gây ra tội ác và mang trong người lương tâm vấy bẩn và không thể sống trong an bình, vì họ luôn sống trong tình trạng bồn chồn bứt rứt, với tình trạng bị cắn rứt liên tục không để họ được sống thanh thản … Những con người này đã gây nên tội ác, và tội ác luôn có cùng một nguồn gốc, bất kỳ tội ác nào: sự tham lam, tính tự phụ và kiêu ngạo. Và tất cả ba điều này không để lương tâm được an bình; cả ba điều này không cho phép sự thao thức tốt lành của Thánh Thần vào cư ngụ, nhưng sẽ đưa chúng ta đến một tình trạng sống như vầy: luôn lo âu, sợ hãi. Tham lam, tự phụ, và kiêu ngạo là nguồn gốc của mọi tội ác.
Tính tự phụ, bệnh loãng xương của linh hồn
Bài đọc Một hôm nay, trích từ sách Giảng viên, nói về tính tự phụ:
Tính tự phụ làm chúng ta sưng phồng người lên. Tính tự phụ không thể sống lâu, vì nó giống như bong bóng xà phòng. Tính tự phụ không cho chúng ta đạt được điều gì thật sự. Có điều gì ích lợi xuất phát từ một người luôn đặt mọi cố gắng vào trong sự lo lắng? Anh ta băn khoăn phải xuất hiện như thế nào, phải giả cách ra làm sao, phải ra vẻ gì. Đây là tính tự phụ. Nếu chúng ta muốn nói một cách đơn giản thì: tính tự phụ che đậy đời sống thật sự. Và điều này làm cho tâm hồn bị đau bệnh. Vì cuối cùng, nếu họ che đậy đời sống thật của họ để ra vẻ thế này, hoặc để có vẻ thế kia, tất cả mọi điều họ làm đều là ngụy tạo … Họ đạt được điều gì? Tính tự phụ giống như bệnh loãng xương của linh hồn: bên ngoài trông xương có vẻ còn rất khỏe, nhưng bên trong chúng đã hoàn toàn bị hư hỏng. Tính tự phụ làm chúng ta trở thành một người gian trá.
Một khuôn mặt giống như một hình ảnh trong tranh, nhưng sự thật lại khác
Nó cũng giống như những người lừa lọc “đánh dấu quân bài” để thắng, Đức Thánh Cha tiếp tục. Nhưng “chiến thắng này là một sự dối trá, nó không thật. Đây là tính tự phụ: sống giả tạo, sống ra vẻ, sống theo bề ngoài. Và điều này làm cho tâm hồn luôn bồn chồn.” Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại một câu nói mạnh mẽ Thánh Bernard dành cho những người sống giả tạo: “Hãy nghĩ đến mai sau bạn sẽ như thế nào: chỉ là thức ăn cho mối mọt.” Tiếp nối ý tưởng của thánh nhân, Đức Thánh Cha nói, “Tất cả ‘những thứ trang điểm’ này cho đời sống chỉ là giả dối, vì mối mọt rồi sẽ ăn bạn và chúng ta sẽ chẳng còn gì.” Tính tự phụ có sức mạnh như thế nào? ngài đặt vấn đề. Được đưa đẩy bởi tính tự hào dẫn đến sự gian manh, nó không cho phép bạn nhìn thấy lỗi của mình, “nó che đậy mọi thứ, mọi thứ đều bị che đậy”:
Chúng ta biết có bao nhiêu người như thế này: ‘Thật là một người tốt lành! Chúa nhật nào anh ta cũng đi Lễ. Anh ta dâng cúng rất nhiều cho nhà thờ.’ Đây là vẻ ngoài của họ, nhưng bệnh loãng xương của họ là sự tham nhũng bên trong. Họ là những con người như vậy – nhưng vẫn có rất nhiều người thánh thiện cũng làm như vậy. Đây là tính tự phụ: Họ cố gắng mang một khuôn mặt như một bức tranh đẹp, nhưng sự thật của họ lại khác. Vậy sức mạnh và sự an toàn của chúng ta ở đâu, nơi cư ngụ của chúng ta? Chúng ta đọc thấy điều đó trong thánh vịnh của phần đáp ca: ‘Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,  Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.’ Và trước bài Tin mừng chúng ta đã nhắc lại lời của Chúa Giê-su: ‘Ta là đường, là sự thật, và là sự sống.’ Đây là chân lý, chứ không phải là những lớp son tô điểm bên ngoài của tính tự phụ. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi ba nguồn gốc của mọi tội ác: tính tham lam, tính tự phụ, và sự kiêu căng. Nhưng đặc biệt là tính tự phụ, nó làm chúng ta nên rất xấu.
[Vatican Radio]
__
Thứ Năm tuần 25 Mùa Thường niên
Bài đọc 1: Giảng viên 1: 2-11
Ông Cô-he-lét nói : "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ?
Nếu có điều gì đáng cho người ta nói : "Coi đây, cái mới đây này !", thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.

Tin mừng Lc 9:7-9

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.


[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/09/2016]