Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra chương trình gồm ba điểm cho các Tổ chức Phi Chính phủ

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra chương trình gồm ba điểm cho các Tổ chức Phi Chính phủ
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra chương trình gồm ba điểm cho các Tổ chức Phi Chính phủ

Đào tạo, phương thức, phối hợp

09 tháng Mười Hai, 2019 17:26
Ngày 7 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra sự động viên và ba lời khuyên khi ngài tiếp những tham dự viên Diễn đàn Thế giới IV của các Tổ chức Phi Chính phủ lấy cảm hứng từ Công giáo tại Điện Tông tòa Vatican, diễn ra tại Roma từ ngày 5 tháng 7 tháng Mười Hai năm 2019, về chủ đề Hướng tới một Xã hội Bao gồm nhiều hơn.

Đức Thánh Cha đề nghị các Tổ chức Phi Chính phủ tập trung vào ba lĩnh vực:
  • “Trước hết là sự đào tạo. Tính phức tạp của thế giới chúng ta và cuộc khủng hoảng nhân học, trong đó chúng ta thấy mình cần một chứng tá kiên định của cuộc sống, vì mục đích khơi gợi sự đối thoại và sự suy ngẫm tích cực về nhân phẩm.
  • “Thứ hai, có những phương thức cần thiết để đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về những người tài năng.
  • “Cuối cùng, phối hợp các sáng kiến thông qua làm việc nhóm. Kinh nghiệm về đức tin, biết rằng chúng ta là những kênh dẫn truyền ân sủng của Chúa, nói với chúng ta rằng điều này là có thể.”


Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Các bạn thân mến, những nhà Lãnh đạo các Tổ chức Phi Chính phủ lấy cảm hứng từ Công giáo,

Tôi hân hạnh chào đón tất cả các bạn đến Ngai tòa Phê-rô như một biểu tượng cho sự hiệp thông của các bạn với Giáo hội hoàn vũ. Là các Đại diện của Giáo hoàng, đại diện của một số Bộ thuộc Giáo triều Roma và các thành viên của những Tổ chức Phi Chính phủ lấy cảm hứng từ Công giáo, các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới để chia sẻ những kinh nghiệm và phản ánh về chủ đề bao gồm. Tôi cảm ơn các bạn vì sáng kiến này, qua đó các bạn muốn đưa ra chứng tá cụ thể để giúp đỡ những người hèn mọn nhất được chấp nhận và đón nhận, và từ đó làm cho thế giới của chúng ta thành một “ngôi nhà chung”. Các bạn thực hiện tất cả các việc này với những kinh nghiệm tại chỗ và trong bối cảnh chính trị quốc tế.

Nhiều người trong các bạn quan tâm đến vấn đề hiện diện tại những nơi đang diễn ra các cuộc thảo luận về nhân quyền, điều kiện sống của con người, môi trường sống, giáo dục và phát triển và các vấn đề xã hội khác. Bằng cách này, các bạn làm chứng cho điều mà Công đồng Vatican II gọi là “sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới, cùng đời sống và hoạt động của Giáo hội ở nơi đó” (Hiến chế Gaudium et Spes, 40). Đối với Giáo hội, những nơi đó là một “tiền tuyến”, là nơi Giáo hội có thể đóng một vai trò quan trọng. Như Công đồng đã nêu lên khi nói về sự hợp tác của những Ki-tô hữu trong các tổ chức quốc tế: “Những cơ quan quốc tế Công giáo khác nhau có thể hỗ trợ cộng đồng các quốc gia trên con đường đi đến hòa bình, tình chị em và tình huynh đệ; các cơ quan này cần được củng cố bằng cách tăng số lượng thành viên được đào tạo của họ, bằng cách tăng các khoản trợ cấp mà họ rất cần, và bằng sự sắp xếp phù hợp giữa các nguồn lực của họ. Ngày nay, tính hiệu quả của hành động và nhu cầu đối thoại cần phải có nỗ lực phối hợp”, (nt., 90). Tuyên bố này của Công đồng vẫn còn phù hợp với thời đại và tôi muốn đưa ra ba khía cạnh của nó: 1) đào tạo các thành viên, 2) có các phương thức cần thiết và 3) phối hợp các sáng kiến thông “làm việc nhóm”.

Trước hết là sự đào tạo. Tính phức tạp của thế giới chúng ta và cuộc khủng hoảng nhân học, trong đó chúng ta thấy bản thân mình cần một chứng tá kiên định của cuộc sống, vì mục đích khơi gợi sự đối thoại và sự suy ngẫm tích cực về nhân phẩm. Chứng tá này kêu gọi hai điều. Một mặt, niềm tin vững mạnh và sự tín thác xuất phát từ việc hiểu rằng chúng ta là những khí cụ cho hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới; theo ý nghĩa này, tính hiệu quả không phải là điều quan trọng nhất. Mặt khác, cần phải có sự chuẩn bị chuyên môn phù hợp trong các vấn đề thuộc khoa học và con người để giải quyết những vấn đề này theo quan điểm Ki-tô giáo. Về vấn đề này, Giáo lý xã hội của Giáo hội đưa ra khuôn khổ của những nguyên tắc hội thánh có thể giúp cung cấp sự phục vụ tốt hơn cho nhân loại. Tôi khuyến khích các bạn nắm vững giáo lý đó, được đào tạo bài bản về nó, để sau đó có thể “thể hiện” nó trong các dự án của các bạn. Nhu cầu cung cấp sự đào tạo và giáo dục thích đáng là một phương thức để đương đầu với các vấn đề phức tạp của đời sống chính trị và xã hội đương thời thể hiện một cam kết ưu tiên cho Giáo hội ngày nay. Đó là lý do tại sao tôi muốn đưa ra một lời kêu gọi trên toàn thế giới để tái thiết lại một Khế ước toàn cầu về Giáo dục, nó có thể đào tạo về hòa bình và công lý, chấp nhận các dân tộc và sự đoàn kết toàn cầu, đồng thời quan tâm đến việc chăm sóc “ngôi nhà chung” của chúng ta phù hợp những điểm trình bày trong Tông huấn Laudato Si'. Vì vậy, tôi động viên các bạn hãy tiếp tục phát triển về tính chuyên môn và bản sắc hội thánh của các bạn.

Thứ hai, có những phương thức cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về những người tài năng. Đúng, những phương thức đó là cần thiết và quan trọng, nhưng điều có thể xảy ra là đôi khi chúng không cho thấy đủ khả năng để đạt được các mục tiêu. Chúng ta không nên nản chí, nhưng hãy nhớ rằng Giáo hội luôn hoàn thành những công cuộc lớn với những phương tiện hạn chế. Chắc chắn, cần phải tìm được những phương tiện đó và tài năng của chúng ta được sử dụng theo cách tốt nhất có thể, nhưng phải đi theo con đường chứng minh rằng tất cả sức mạnh đến với chúng ta từ Thiên Chúa và không phải là của riêng chúng ta. Thật vậy, đó là nơi gia tài của Giáo hội có được, “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện” (2 Cr 9:8).

Cuối cùng, phối hợp các sáng kiến thông qua làm việc nhóm. Kinh nghiệm về đức tin, biết rằng chúng ta là những kênh dẫn truyền ân sủng của Chúa, nói với chúng ta rằng điều này là có thể. Hợp tác trong các dự án chung làm cho giá trị của những công cuộc của chúng ta trở nên cụ thể hơn vì nó mang đến một điều gì đó mang tính hiệp nhất cho Giáo hội: sự hiệp thông của Giáo hội, hành trình chung (syn-odos) trong cùng một sứ mạng phục vụ ích chung, thông qua tính “đồng trách nhiệm” và sự đóng góp của mọi người. Diễn đàn của các bạn mong muốn trở thành một mẫu gương về vấn đề này. Do đó, những dự án mà các bạn thực hiện ở những nơi khác nhau, bằng cách hợp tác với các tổ chức Công giáo và cùng hiệp thông với các Mục tử và Đại diện của Tòa thánh tại các Tổ chức Quốc tế, sẽ có hiệu quả lan rộng của men Tin Mừng và ánh sáng và sức mạnh của những Ki-tô hữu tiên khởi. Thế giới hôm nay đang kêu gọi sự táo bạo và trí tưởng tượng mới trong việc mở ra những con đường đối thoại và hợp tác mới, nhằm thúc đẩy “văn hóa gặp gỡ”, trong đó phẩm giá của mỗi con người là quan trọng nhất, phù hợp với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Giáo hội và Giáo hoàng cần công việc của các bạn, sự cam kết và chứng tá của các bạn tại những tiền tuyến của cộng đồng quốc tế. Hãy tiến về phía trước với lòng can đảm và niềm hy vọng đổi mới hơn bao giờ hết. Xin cảm ơn các bạn.

© Libreria Editrice Vatican

[01997-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/12/2019]