Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Tiếp kiến chung 12.04.2023: Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?

Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?

Bài giáo lý thứ mười của Đức Thánh Cha về nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng

Tiếp kiến chung 12.04.2023: Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?
© Vatican Media

*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy tư về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Phaolô. 2” (Bài đọc: Êp 6:13-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tông huấn “Pacem in Terris” của Thánh Gioan XXIII, rơi vào ngày hôm qua.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

___________________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 9. Các chứng nhân: Thánh Phaolô. 2

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hai tuần trước, sau khi nhìn thấy lòng nhiệt thành riêng của Thánh Phaolô đối với Tin Mừng, giờ đây chúng ta có thể suy tư sâu hơn về lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng khi chính ngài nói về điều đó và miêu tả nó trong một số bức thư của ngài.

Nhờ kinh nghiệm bản thân, Thánh Phaolô không phải là không ý thức được mối nguy hiểm của lòng nhiệt thành bị bóp méo, đi sai hướng. Chính ngài đã rơi vào vòng nguy hiểm này trước cú ngã ngựa theo ý Quan phòng trên đường đi Đamát. Đôi khi chúng ta phải đứng trước một lòng nhiệt thành bị sai hướng, khăng khăng kiên trì tuân giữ các chuẩn mực thuần túy thuộc con người và lỗi thời đối với cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Tông Đồ viết: “Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt” (Gl 4:17). Chúng ta không thể bỏ qua sự nóng lòng của một số người cống hiến hết mình cho những mục tiêu sai lệch ngay chính trong cộng đoàn Kitô hữu; người ta có thể khoe khoang về một lòng nhiệt thành truyền giáo giả tạo trong khi thực sự theo đuổi hư vinh hoặc niềm tin của bản thân hoặc một chút yêu bản thân.

Vì lý do này, chúng ta tự hỏi, theo Thánh Phaolô, những đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì? Bản văn mà chúng ta đã nghe ở phần đầu có vẻ hữu ích cho việc này, một danh sách các “vũ khí” mà Thánh Tông đồ chỉ ra cho trận chiến thiêng liêng. Trong số đó là sự sẵn sàng truyền bá Tin Mừng, được một số người dịch là “lòng nhiệt thành” – người này nhiệt thành lan truyền những ý tưởng này, những điều kia – và được gọi là “chiếc giày”. Tại sao? Lòng nhiệt thành dành cho Tin Mừng liên quan thế nào đến những gì bạn mang trên đôi chân? Phép ẩn dụ này lấy từ một trích đoạn của tiên tri Isaia, nói như sau: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: ‘Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.’” (52:7).

Ở đây cũng vậy, chúng ta thấy nói đến bàn chân của người báo trước tin vui. Tại sao? Bởi vì người đi rao giảng phải di chuyển, phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng trong bản văn này, Thánh Phaolô nói về giày dép như một phần của bộ giáp bảo vệ, tương tự như trang bị của một người lính khi ra trận: khi chiến đấu, điều cần thiết là đôi chân phải có điểm tựa vững chắc để tránh những cạm bẫy của địa hình – bởi vì kẻ thù thường rải đầy cạm bẫy trên chiến trường – và để có sức mạnh chạy và di chuyển đúng hướng. Vì vậy, giày là để chạy và để tránh tất cả những thứ này của kẻ thù.

Lòng nhiệt thành truyền giáo là chỗ dựa cho việc loan báo, và những người loan báo phần nào giống như đôi chân của thân thể Chúa Kitô là Giáo hội. Không có sự loan báo nếu không có di chuyển, không có sự “đi ra ngoài”, không có sáng kiến. Điều này có nghĩa là không có Kitô hữu nếu không sự di chuyển; không có Kitô hữu nếu người Kitô hữu không bước ra khỏi chính mình để lên đường và mang đi sự loan báo. Không có sự loan báo nếu không có di chuyển, không có bước đi. Người ta không thể đứng yên để loan báo Tin Mừng, nhốt mình trong một văn phòng, tại bàn làm việc hoặc máy tính, tranh luận như những “anh hùng bàn phím” và thay thế tính sáng tạo của việc loan báo bằng những ý tưởng sao chép và dán từ chỗ này chỗ kia. Tin Mừng được loan báo bằng cách di chuyển, bằng cách bước đi, bằng cách lên đường.

Thuật ngữ được Thánh Phaolô sử dụng để chỉ giày dép của những người mang Tin Mừng là một từ của tiếng Hy Lạp có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị, sốt sắng. Nó trái ngược với sự cẩu thả là đặc điểm không tương thích với tình yêu. Thật vậy, ở chỗ khác, thánh Phaolô nói: “Nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:11). Thái độ này là thái độ bắt buộc trong Sách Xuất Hành để cử hành hy tế giải thoát trong Lễ Vượt Qua: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập” (12:11-12a).

Một sứ giả sẵn sàng ra đi, và biết rằng Chúa đi ngang qua cách bất ngờ. Vì vậy, người đó phải thoát khỏi những kế hoạch và chuẩn bị cho một hành động mới và bất ngờ: chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Một người loan báo Tin Mừng không thể bị hóa thạch trong những cái lồng của sự hợp lý hoặc ý tưởng rằng “mọi việc luôn luôn được thực hiện theo cách này,” nhưng sẵn sàng đi theo sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này, như Thánh Phaolô đã nói khi nói về chính ngài: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2:4-5).

Thưa anh chị em, đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải sẵn sàng cho sự mới mẻ của Tin Mừng, thái độ này bao gồm động lực, chủ động, đi trước. Nghĩa là không bỏ qua những cơ hội loan báo Tin Mừng bình an, sự bình an mà Chúa Kitô trao ban nhiều hơn và tốt hơn thế gian ban tặng.

Và vì lý do này, tôi khuyên anh chị em hãy trở thành những nhà rao giảng Tin Mừng luôn di chuyển, không sợ hãi, tiến bước, để mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, mang đến sự mới mẻ của Chúa Giêsu, Đấng thay đổi mọi sự. “Vâng, thưa Cha, Ngài thay đổi niên lịch, bởi vì bây giờ chúng ta tính các năm bắt đầu từ Chúa Giêsu…” Nhưng có phải Ngài cũng thay đổi tâm hồn không? Và anh chị em có sẵn sàng để Chúa Giêsu thay đổi tâm hồn của anh chị em không? Hay bạn là một Kitô hữu hờ hững, không di chuyển? Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó: Anh chị em có phải là người nhiệt thành với Chúa Giêsu không, anh chị em có đang tiến bước không? Xin hãy dành chút suy nghĩ về điều đó.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Thụy Điển, Thụy Sĩ, Canada và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

_________________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 60 năm tông huấn Pacem in terris, mà Thánh Gioan XXIII đã gửi cho Giáo hội và thế giới tại thời gian đỉnh điểm căng thẳng giữa hai khối đối lập trong cái gọi là Chiến tranh Lạnh. Đức Giáo hoàng mở ra trước mắt mọi người một chân trời rộng lớn để nói về hòa bình và xây dựng hòa bình: kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới và gia đình nhân loại. Thông điệp đó là một ơn lành thực sự, giống như một cái nhìn thoáng về sự an bình giữa những đám mây đen. Thông điệp của tông huấn rất hợp thời. Chỉ cần trích dẫn đoạn sau đây: “mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, không được quy định bằng vũ lực, mà phải tuân theo các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: nghĩa là, các nguyên tắc của sự thật, công bằng và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành.” Tôi mời gọi các tín hữu và những người thiện chí hãy đọc Tông huấn Pacem in terris, và tôi cầu nguyện cho các Nguyên thủ Quốc gia có thể được truyền cảm hứng bởi Tông huấn khi đưa ra các kế hoạch và quyết định của họ.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]


Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia - Isabella H. de Carvalho

11/04/23


Đức Thánh Cha Phanxicô nói về cách ma quỷ tấn công Giáo hội và cách ngài đối phó với việc trừ quỷ, trong một quyển sách mới của một nhà báo người Ý về chủ đề này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn được đăng trong quyển sách “Esorcisti contro Satana” (“Những nhà trừ quỷ chống lại Satan”) của nhà báo người Ý Fabio Marchese Ragona, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ma quỷ “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”. Trong chương này, Đức Thánh Cha nói về việc ma quỷ tấn công Giáo hội và các tín hữu như thế nào và cách thức ngài đối phó với những trường hợp đó trong cương vị là Giáo hoàng và tổng giám mục.

Ngài giải thích: “Điều chắc chắn là ma quỷ cố gắng tấn công tất cả mọi người không loại trừ ai, và trên hết hắn cố gắng tấn công những người có nhiều trách nhiệm hơn trong Giáo hội hoặc trong xã hội. Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ, chúng ta cũng có thể nghĩ đến trường hợp Simon Phêrô là người mà Chúa nói: ‘Satan, hãy tránh xa Ta.’ Do đó, ngay cả Giáo hoàng cũng bị ma quỷ tấn công.”

Trên thực tế, Đức Giáo hoàng đã cân nhắc việc ngài có thể “khiến Ma quỷ tức giận, bởi vì [ngài] theo Chúa và làm theo những gì Tin mừng nói.”

“Điều đó làm hắn khó chịu,” ngài nói thêm, và giải thích rằng ngài chắc chắn ma quỷ “thật sự vui mừng” nếu ngài phạm tội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Hắn tìm kiếm sự sa ngã của con người, nhưng hắn không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”. Quả thật, kể từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô luôn xin các tín hữu và tất cả những người nói chuyện với ngài cầu nguyện cho ngài.

Cuốn sách, hiện chỉ có phiên bản tiếng Ý, nói về việc trừ quỷ nói chung đồng thời trích dẫn lời chứng của các linh mục trừ quỷ và của các nạn nhân bị quỷ nhập. Một chương ngắn được dành riêng cho cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô.


Theo Chúa Kitô để tránh những cuộc tấn công vào Giáo hội và linh hồn con người

Trả lời câu hỏi của nhà báo trích dẫn Thánh Phaolô VI khi nói rằng Satan cũng có thể vào Đền Thờ của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đồng ý và nói rằng ma quỷ cố gắng “gieo rắc bất hòa và khiến người này chống lại người kia” và rằng “chia rẽ và tấn công luôn là” công việc của ma quỷ.

Đức Thánh Cha giải thích: “Sự cứu rỗi duy nhất là đi theo con đường do Chúa Kitô chỉ dẫn.”

Ngài cũng cảnh báo chống lại những “con quỷ lịch sự” chiếm hữu các linh hồn.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Linh hồn, không quan tâm đến việc kiểm tra lương tâm, không để ý gì, hoặc do sự nguội lạnh thiêng liêng đã để ma quỷ đi vào. Những con quỷ này rất kinh khủng. Bởi vì chúng giết chết bạn. Đó là sự chiếm hữu tồi tệ nhất. Tính trần tục thiêng liêng bao gồm tất cả những điều này. Không có lối thoát: ma quỷ hoặc hủy diệt trực tiếp bằng chiến tranh và bất công, hoặc hắn làm việc đó một cách lịch sự, theo một cách rất ngoại giao, như Chúa Giêsu kể lại.”


Đức Thánh Cha Phanxicô với việc trừ quỷ

Đức Phanxicô bảo đảm rằng ngài chưa bao giờ thực hành việc trừ quỷ, dù với tư cách là giáo hoàng hay là tổng giám mục và linh mục trước đây. Tuy nhiên, ngài nói rằng trong một số trường hợp, ngài đã gửi những người nói rằng họ bị quỷ ám đến gặp hai “linh mục chuyên gia”, những người này “không phải là người chữa lành” mà thực tế là “người trừ quỷ”, ngài nói rõ.

Một người là Cha Carlos Alberto Mancuso, nhà trừ quỷ của Giáo phận La Plata, và người kia là linh mục Dòng Tên Nicolas Mihaljevic.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Về sau, cả hai Cha nói với tôi rằng chỉ có hai hoặc ba người trong số họ thực sự là nạn nhân bị quỷ nhập”. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt những trường hợp bị quỷ nhập này, trong đó ma quỷ ở “trong thân thể” với những trường hợp “bị ma quỷ ám ảnh” thường gặp hơn.

Ngài nói rằng nếu cần phải trừ quỷ, thì bây giờ khi là Giáo hoàng, ngài sẽ lặp lại cách thực hiện đó là xin “sự hỗ trợ của một nhà trừ quỷ giỏi”.


Trừ quỷ ở Vatican?

Trong chương dành riêng cho cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô, ngài từ chối bình luận về một trường hợp do nhà báo trình bày với ngài liên quan đến một nữ tu bị quỷ ám vào năm 2018, nói rằng ma quỷ dường như bày tỏ sự thù ghét đối với Giáo hoàng. Năm 2014, Tòa thánh đã bác bỏ tin đồn rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện nghi thức trừ quỷ cho một người đàn ông Mexico bị co giật ở Quảng trường Thánh Phêrô, nói rằng Đức Giáo hoàng chỉ cầu nguyện cho ông ta bằng cách đặt tay lên ông ta.

Vatican không có những nhà trừ quỷ, không như Giáo phận Rôma. Quyển sách của nhà báo người Ý trích lời Cha Vincenzo Taraborelli, làm việc tại giáo xứ Santa Maria ở Traspontina, ngay cuối đường dẫn đi từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Cuốn sách cũng đề cập đến một hồng y ẩn danh, người đã thực hiện các nghi thức trừ quỷ trong nội ô Vatican trong 40 năm qua.

Theo tác giả của quyển sách, Đức Hồng Y Ernest Simoni người Albania và Đức Hồng Y Ivan Dias người Ấn Độ – đã qua đời năm 2017 – cũng đã thực hiện các nghi thức trừ quỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khá thường xuyên về ma quỷ, những chiến thuật của ma quỷ và cách tránh xa hắn. Dưới đây là một số ví dụ:






[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]