Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo: “Mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường của sự bình an và ơn cứu độ”

“Mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường của sự bình an và ơn cứu độ”

Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo lần thứ 97

Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo: “Mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường của sự bình an và ơn cứu độ”

Vatican News


*******

Tâm hồn bừng cháy, chân tiến bước (x. Lc 24:13-35)

Anh chị em thân mến!

Tôi đã chọn chủ đề được truyền cảm hứng từ câu chuyện hai người môn đệ đi làng Emmau, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. 24:13-35): “Tâm hồn bừng cháy, chân tiến bước” cho Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo năm nay. Hai môn đệ đó bối rối và thất vọng, nhưng cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô qua lời nói và việc bẻ bánh đã khơi dậy trong họ niềm khao khát hăng hái lên đường trở lại Giêrusalem và loan báo rằng Chúa đã thực sự sống lại. Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy sự thay đổi này nơi các môn đệ qua một vài hình ảnh bộc lộ: lòng các ông bừng cháy khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, mắt các ông mở ra khi nhận ra Người, và cuối cùng các ông tiến bước lên đường. Suy niệm về ba hình ảnh phản ánh hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo, chúng ta có thể phục hồi lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

1. Tâm hồn chúng tôi bừng cháy “khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng tôi”. Trong hoạt động truyền giáo, Lời Chúa soi sáng và biến đổi tâm hồn.

Trên đường từ Giêrusalem đến Emmau, tâm hồn của hai môn đệ đã vô cùng chán nản, thể hiện qua khuôn mặt thất vọng của họ, vì cái chết của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã tin tưởng (x. câu 17). Trước sự thất bại của Thầy chịu đóng đinh, niềm hy vọng của họ về Người là Đấng Mêsia đã sụp đổ (x. câu 21).

Sau đó, “đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ” (c. 15). Như khi Người gọi các môn đệ lần đầu tiên, thì giờ đây, giữa sự hoang mang của họ, Chúa chủ động; Người đến gần họ và đi bên cạnh họ. Cũng vậy, với lòng thương xót bao la, Chúa không bao giờ mệt mỏi ở với chúng ta, bất kể mọi vấp ngã, hoài nghi, yếu đuối của chúng ta, cũng như sự thất vọng và bi quan khiến chúng ta trở nên “dốt nát và chậm chạp” (c. 25), những con người kém đức tin.

Ngày nay cũng như khi đó, Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và cùng đi bên họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bao quanh họ và tìm cách chế ngự họ. Vì vậy, “chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng!” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 86). Thiên Chúa vĩ đại hơn tất cả những vấn đề của chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp các vấn đề đó trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho thế giới. Vì cuối cùng, sứ mệnh này là của Chúa và chúng ta chẳng là gì khác hơn là những người cộng tác khiêm nhường của Chúa, những “người đầy tớ vô dụng” (x. Lc 17:10).

Tôi mong muốn bày tỏ sự gần gũi trong Chúa Kitô với tất cả các nhà truyền giáo nam nữ trên thế giới, đặc biệt là những người đang chịu đựng các khó khăn. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Phục Sinh luôn ở cùng anh chị em. Chúa nhìn thấy lòng quảng đại của anh chị em và những hy sinh mà anh chị em đang thực hiện cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở những vùng đất xa xôi. Không phải mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta đều yên bình và thanh thản, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước Cuộc Khổ nạn: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).

Sau khi lắng nghe hai môn đệ trên đường về Emmau, Chúa Giêsu phục sinh, “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:27). Lòng các môn đệ bồi hồi, như sau này họ tâm sự với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (câu 32). Chúa Giêsu chính là Lời hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy, khi Người soi sáng và biến đổi chúng.

Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời tuyên bố của Thánh Giêrônimô rằng “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô” (Chú giải về ngôn sứ Isaia, Lời mở đầu). “Nếu không có Chúa giới thiệu, chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh một cách sâu xa; tuy nhiên điều ngược lại cũng rất đúng: không có Kinh thánh, các biến cố trong sứ mệnh của Chúa Giêsu và Giáo hội của Người trên thế giới là không thể giải thích được” (Tông sắc Aperuit Illis, 1). Theo đó, kiến thức về Kinh thánh là rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và thậm chí còn quan trọng hơn đối với việc rao giảng Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Nếu không thì anh chị em đang truyền lại điều gì cho người khác nếu không phải là những ý tưởng và dự án của riêng anh chị em? Một tâm hồn lạnh giá không bao giờ có thể làm cho những tâm hồn khác bừng cháy!

Vậy chúng ta hãy luôn sẵn sàng cho phép bản thân được Chúa Phục Sinh đồng hành khi Người giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Kinh Thánh. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy; xin Chúa soi sáng và biến đổi chúng ta, để chúng ta loan truyền mầu nhiệm cứu độ của Người cho thế giới bằng quyền năng và sự khôn ngoan đến từ Thần Khí của Người.

2. Mắt chúng tôi “mở ra và nhận ra Người” trong việc bẻ bánh. Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng.

Thực tế là tâm hồn họ bừng cháy vì lời Chúa đã thúc đẩy các môn đệ đi Emmau nài ép Người Lữ khách bí ẩn ở lại với họ vì trời sắp tối. Khi họ ngồi vào bàn ăn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ là chuỗi hành động mà Chúa Giêsu thực hiện: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Đó là những cử chỉ bình thường của người chủ một gia đình Do Thái, nhưng khi được thực hiện bởi Chúa Giêsu Kitô với ân sủng của Chúa Thánh Thần, những cử chỉ đó đã phục hồi lại cho hai người bạn đồng bàn của Chúa dấu chỉ hóa bánh ra nhiều và nhất là dấu chỉ của Bí tích Thánh Thể, bí tích hy tế thập giá. Tuy nhiên, ngay lúc họ nhận ra Chúa Giêsu trong việc bẻ bánh, thì “Người lại biến mất” (Lc 24:31). Ở đây chúng ta có thể nhận ra một thực tại quan trọng của đức tin: Đức Kitô, Đấng bẻ bánh, giờ đây trở thành tấm bánh được bẻ ra, chia sẻ cho các môn đệ và được họ dùng hết. Người ta không còn thấy Người nữa, vì giờ đây Người đã đi vào tâm hồn các môn đệ, khiến tâm hồn họ càng bừng cháy hơn nữa, và điều này thôi thúc họ lên đường ngay để chia sẻ với mọi người kinh nghiệm duy nhất của họ về việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Như vậy, Chúa Kitô phục sinh vừa là Đấng bẻ bánh, vừa chính là tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta. Theo đó, mọi người môn đệ truyền giáo đều được kêu gọi trở nên giống như Chúa Giêsu, và trong Người, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành người bẻ bánh và là bánh được bẻ ra cho thế giới.

Ở đây, nên nhớ rằng việc bẻ bánh vật chất của chúng ta với những người đói khát nhân danh Chúa Kitô đã là một công việc truyền giáo của Kitô giáo. Còn hơn thế nữa, việc bẻ bánh Thánh Thể, là chính Chúa Kitô, là một sứ mệnh tuyệt đỉnh, vì Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích [Thánh Thể]. Theo bản chất, Bí tích đòi buộc phải được truyền đạt cho tất cả mọi người. Điều thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Vì lý do này, Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo hội; Thánh Thể cũng là nguồn mạch và là tột đỉnh sứ vụ của Giáo Hội: ‘Một Giáo Hội Thánh Thể đích thực là một Giáo Hội truyền giáo’” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, 84).

Để sinh hoa trái, chúng ta phải duy trì kết hiệp với Chúa Giêsu (x. Ga 15:4-9). Sự kết hiệp này đạt được qua lời cầu nguyện hàng ngày, đặc biệt là trong giờ chầu Thánh Thể, khi chúng ta giữ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, Đấng ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Bằng cách yêu thương vun trồng mối hiệp thông này với Đức Kitô, người môn đệ truyền giáo có thể trở thành một nhà thần bí trong hành động. Nguyện xin cho tâm hồn chúng ta luôn khao khát được bầu bạn với Chúa Giêsu, làm vang vọng lời khẩn cầu tha thiết của hai môn đệ đi Emmau, nhất là vào những giờ của buổi tối: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con!” (x. Lc 24:29).

3. Đôi chân của chúng ta lên đường, với niềm vui được nói cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh. Sự trẻ trung vĩnh cửu của một Giáo hội luôn tiến về phía trước.

Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “lúc bẻ bánh”, các môn đệ “liền đứng dậy, quay trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vàng lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui được gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng đổ đầy tâm hồn và toàn bộ đời sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai cho phép bản thân mình được Chúa cứu độ thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi nỗi buồn phiền, khỏi sự trống trải trong tâm hồn, khỏi sự cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 1). Người ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh mà không bừng cháy lòng nhiệt thành để nói cho mọi người về Chúa. Vì thế, nguồn cội quan trọng và chủ yếu của sứ mệnh là những người đã biết Chúa Kitô phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí tích Thánh Thể, những người mang ngọn lửa của Chúa trong lòng và ánh sáng của Chúa trong cái nhìn của họ. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và trong những thời khắc đen tối nhất.

Hình ảnh “đôi chân lên đường” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị vĩnh cửu của missio ad gentes, sứ mệnh được Chúa Phục sinh trao phó cho Giáo hội để rao giảng Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc, cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, gia đình nhân loại của chúng ta, bị tổn thương bởi biết bao tình huống bất công, biết bao chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Vui bình an và ơn cứu độ trong Đức Kitô. Tôi nhân cơ hội này nhắc lại rằng “mọi người đều có quyền được đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận phải loan báo mà không loại trừ bất kỳ ai, không phải như một người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như một người chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, cung cấp một bữa dạ tiệc đáng mong đợi” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 14). Hoán cải truyền giáo vẫn là mục tiêu chính mà chúng ta phải đặt ra cho mình với tư cách cá nhân và cộng đoàn, bởi vì “việc tiếp cận truyền giáo là khuôn mẫu cho tất cả các hoạt động của Giáo hội” (nt., 15).

Như thánh Tông đồ Phaolô xác nhận, tình yêu của Chúa Kitô cuốn hút và thúc đẩy chúng ta (x. 2 Cr 5:14). Tình yêu này có hai mặt: tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta khơi nguồn cảm xúc, thôi thúc và khơi dậy tình yêu của chúng ta đối với Người. Một tình yêu làm cho Giáo Hội luôn trẻ trung, qua việc không ngừng lên đường. Vì tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (câu 15). Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho hoạt động truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và các hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ dâng và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là phương tiện ưu tiên để thúc đẩy sự cộng tác truyền giáo này trên cả bình diện tinh thần và vật chất. Vì lý do này, tiền quyên góp được thực hiện vào Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo được dành cho Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin.

Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên đòi hỏi sự cộng tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn nơi tất cả các thành viên của Giáo hội và ở mọi cấp độ. Đây là một mục tiêu quan trọng của hành trình thượng hội đồng mà Giáo hội đã thực hiện, được hướng dẫn bởi các từ ngữ then chốt: hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Cuộc hành trình này chắc chắn không phải là sự quay lưng của Giáo hội với chính mình; nó cũng không phải là một cuộc trưng cầu dân ý về những gì chúng ta phải tin và thực hành, cũng không phải là vấn đề sở thích của con người. Đúng hơn, đó là một tiến trình lên đường và giống như các môn đệ đi Emmau, lắng nghe Chúa phục sinh. Vì Chúa luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh cho chúng ta, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thi hành sứ mệnh của Người trên thế giới.

Cũng như hai môn đệ đi Emmau đã thuật lại cho người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24:35), cũng vậy, việc loan báo của chúng ta sẽ là một lời kể tin vui về Chúa Kitô, về cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, và những điều kỳ diệu mà tình yêu của Chúa đã hoàn tất trong cuộc sống của chúng ta.

Vì vậy, một lần nữa chúng ta hãy lên đường, được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với tâm hồn bừng cháy, với đôi mắt mở rộng và đôi chân của chúng ta tiến bước. Chúng ta hãy lên đường làm cho những tâm hồn khác bừng cháy với Lời Chúa, mở mắt người khác để nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường của sự bình an và ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho toàn nhân loại trong Đức Kitô.

Xin Đức Mẹ chỉ Đường, Mẹ của các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô và là Nữ Vương Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con!

Roma, Đền thánh Gioan Lateran, 6 tháng Một, 2023, Lễ trọng Lễ Chúa Hiển linh.

PHANXICÔ



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2023]


Vị giáo hoàng duy nhất (chính thức) trực tiếp xem một trận bóng đá

Vị giáo hoàng duy nhất (chính thức) trực tiếp xem một trận bóng đá

SOMKKU - Shutterstock

Adriana Bello

29/12/22


Năm Thánh Vận động viên là một dịp tuyệt vời để người đứng đầu Giáo hội Công giáo đến sân vận động.

Đức Thánh Cha Phanxicô là một người rất hâm mộ bóng đá và chúng ta biết rằng câu lạc bộ yêu thích của ngài là San Lorenzo de Almagro (Argentina). Chúng ta có thể tưởng tượng ngài đã tận hưởng chiến thắng của Argentina tại World Cup đến mức nào. Nhưng cho đến nay, vị giáo hoàng duy nhất xem một trận bóng đá trực tiếp trong sân vận động trên cương vị là người đứng đầu Giáo hội lại là một vị yêu bóng đá khác: Thánh Gioan Phaolô II.

Đó là vào tháng 10 năm 2000 khi Đức Giáo hoàng Wojtyla đến Sân vận động Olympic của Roma để thưởng thức một trận đấu, nhân dịp Năm Thánh các Vận động viên, đội tuyển quốc gia Ý đọ sức với một đội cầu thủ nước ngoài. Trong số đó có Gabriel Batistuta của Argentina, Cafu của Brazil, Pavel Nedved của Cộng hòa Séc và Andriy Shevchenko của Ukraine.

Đức Gioan Phaolô II là một người rất hâm mộ thể thao nói chung. Trong hàng trăm bài diễn từ, ngài đã nói về sự thích đáng của chúng và những lợi ích về thể chất, tinh thần và thiêng liêng của việc tập luyện. Hơn nữa, chính ngài đã chơi bóng đá khi còn trẻ, trước khi dâng mình vào đời sống tu trì, và người ta nói rằng ngài là một thủ môn xuất sắc.

Một trong những đồng đội cũ của ngài, là bác sĩ Jerzy Kluger bạn của ngài và là người Do Thái, thậm chí còn nói rằng nhiều lần họ đã thi đấu giữa đội Kitô giáo và Do Thái. Và khi đội Do Thái không có đủ cầu thủ, Đức Wojtyla chơi bên họ.

Ngài cũng làm phép trái banh được sử dụng trong trận khai mạc World Cup ở Ý năm 1990.

Vị giáo hoàng duy nhất (chính thức) trực tiếp xem một trận bóng đá

Thánh Gioan Phaolô II là một người bảo vệ mạnh mẽ cho những đức tính mà bất cứ ai cũng có thể học được từ môn thể thao này. Ngài tin rằng bóng đá “là một phương tiện tuyệt vời để thúc đẩy tình liên đới và vô cùng cần thiết trong một thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những căng thẳng sắc tộc và chủng tộc” (Tháng 12 năm 2000, khi tiếp ủy ban FIFA) — một ý tưởng mà ngài luôn muốn truyền đạt tại các sự kiện thể thao lớn, từ Thế vận hội Olympic đến World Cup.

Vị giáo hoàng duy nhất (chính thức) trực tiếp xem một trận bóng đá

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chia sẻ một thông điệp tương tự, nói rằng ngài hy vọng World Cup ở Qatar sẽ “là dịp gặp gỡ và hòa hợp giữa các quốc gia, thúc đẩy tình huynh đệ và hòa bình giữa các dân tộc”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2023]