Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Tiếp đại diện các Giáo hội tại Iraq nhân kỷ niệm chuyến Tông du đến Iraq, 28.02.2022

Tiếp đại diện các Giáo hội tại Iraq nhân kỷ niệm chuyến Tông du đến Iraq,  28.02.2022

Tiếp đại diện các Giáo hội tại Iraq nhân kỷ niệm chuyến Tông du đến Iraq, 28.02.2022


Sáng hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp những vị đại diện các Giáo hội ở Iraq, nhân kỷ niệm chuyến Tông du của ngài đến Iraq.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những vị hiện diện:

*****

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa anh em trong Đức Kitô,

Thật vui mừng và xúc động khi tôi lại được gặp anh em ở tại Roma này, những vị đại diện của các Giáo hội Kitô giáo ở Iraq, một năm sau chuyến viếng thăm đáng nhớ của tôi đến đất nước của anh em. Thông qua anh em, tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các mục tử và tín hữu của cộng đoàn của anh em, mượn lời của Thánh Tông đồ Phaolô: “xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1:7).

Miền đất của anh em là miền đất của những khởi đầu: khởi đầu của các nền văn minh cổ đại của Trung Đông, khởi đầu của lịch sử cứu độ, khởi đầu lịch sử ơn gọi của tổ phụ Abraham. Đó cũng là vùng đất khởi đầu của Kitô giáo: của những sứ mệnh đầu tiên, nhờ việc rao giảng của Thánh Tôma Tông đồ, Addai và Mari và các môn đệ của các ngài, không chỉ riêng trong vùng Lưỡng Hà, nhưng vươn xa đến tận vùng Viễn Đông. Nhưng đó cũng là miền đất của những cuộc lưu đày: hãy nghĩ đến cuộc lưu đày của dân Do Thái tại đồng bằng Ninive, cuộc lưu đày Babylon, mà chúng ta được các tiên tri Giêrêmia, Edêkien và Đanien kể lại, các ngài đã giữ vững niềm hy vọng của dân tộc bị đưa ra khỏi vùng đất quê hương của mình. Nhưng nhiều người Kitô hữu trong vùng đất của anh em cũng đã bị buộc phải lưu đày: những cuộc bắt bớ và chiến tranh nối tiếp nhau cho đến ngày nay đã buộc nhiều người phải di cư, mang đến cho phương Tây ánh sáng của Kitô giáo Đông phương.

Thưa anh em, khi tôi nhắc lại những chương này trong lịch sử Kinh thánh và Kitô giáo của đất nước anh em, đó là vì chúng không khác với tình hình hiện tại. Các cộng đoàn của anh em thuộc về lịch sử cổ xưa nhất của Iraq và họ đã trải qua những thời khắc thật sự bi thương, nhưng họ đã anh dũng làm chứng tá cho lòng trung thành với Tin mừng. Tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì điều này và bày tỏ lòng tri ân với anh em. Tôi xin cúi mình trước nỗi đau khổ và sự tử đạo của những người đã gìn giữ đức tin, thậm chí với cái giá phải trả là mạng sống của họ. Cũng như máu của Đức Kitô đã đổ ra vì yêu thương, đã mang đến sự hòa giải và làm cho Giáo hội hưng thịnh, xin cho máu của nhiều vị tử đạo trong thời đại chúng ta, thuộc về các truyền thống khác nhau nhưng được hiệp nhất trong cùng hy tế, trở thành hạt giống cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu và là dấu chỉ của một mùa xuân mới của niềm tin.

Các Giáo hội của anh em, qua những mối tương quan huynh đệ, đã thiết lập nhiều mối liên kết cộng tác trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ, đào tạo và phục vụ những người nghèo nhất. Ngày nay có một sự hiệp thông sâu sắc giữa các Kitô hữu trong nước. Tôi khuyến khích anh em hãy tiếp tục đi theo con đường này, để qua những sáng kiến cụ thể, đối thoại liên tục, và điều quan trọng nhất là tình yêu thương huynh đệ, có thể đạt được tiến bộ hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn. Giữa một dân tộc đã chịu quá nhiều chia rẽ và bất hòa, người Kitô hữu sẽ tỏa sáng như một dấu chỉ tiên tri về sự hiệp nhất trong sự đa dạng.

Các bạn thân mến, cùng với anh em tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng không thể nào hình dung ra một Iraq mà không có người Kitô hữu. Sự tin chắc này không chỉ dựa trên các nền tảng tôn giáo, mà còn dựa trên bằng chứng xã hội và văn hóa. Iraq không có người Kitô thì không còn là Iraq, vì người Kitô hữu, cùng với các tín đồ khác, đã góp phần rất lớn cho bản sắc đặc biệt của đất nước như là một nơi mà sự chung sống, lòng khoan dung và chấp nhận lẫn nhau đã phát triển từ những thế kỷ đầu; một nơi có ơn gọi để thể hiện sự chung sống hòa bình trong đa dạng trong vùng Trung Đông và toàn thế giới. Do đó, phải cố hết sức để bảo đảm rằng người Kitô hữu tiếp tục cảm nhận thấy Iraq là quê hương của họ, và họ là những công dân theo đúng nghĩa, được yêu cầu đóng góp cho miền đất nơi họ đã và đang sống (x. Tuyên ngôn chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Giáo chủ Mar Gewargis III, 9 tháng Mười Một 2018, s. 6). Thưa các anh em, vì lý do này các vị mục tử của Dân Chúa phải luôn luôn tận tụy và siêng năng chăm sóc và an ủi đàn chiên của anh em. Hãy gần gũi với các tín hữu dưới sự chăm sóc của anh em, làm chứng tá trước hết bằng gương sáng và đức hạnh của đời sống Phúc âm bằng sự gần gũi và dịu dàng của Chúa Giêsu vị Mục tử Nhân lành.

Người Kitô hữu Iraq anh em đã chung sống bên cạnh các tôn giáo khác từ thời các Tông đồ, ngày nay có một ơn gọi vô cùng cần thiết: hết sức nỗ lực bảo đảm rằng các tôn giáo có thể phục vụ tình huynh đệ. Thật vậy, “các tôn giáo khác nhau, dựa trên sự tôn trọng mỗi nhân vị như là một thụ tạo được kêu gọi trở thành con cái của Chúa, góp phần đặc biệt cho việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công bằng trong xã hội” (Tông huấn Fratelli Tutti, 271). Anh em nhận thức rất rõ rằng đối thoại liên tôn không phải là vấn đề ngoại giao. Không, nó vượt xa hơn thế. Nó không phải là vấn đề đàm phán hay ngoại giao. Không, nó vượt xa hơn thế. Nó là con đường của tình anh em tiến tới hòa bình, một con đường thường khó khăn nhưng là con đường mà Thiên Chúa đòi hỏi và chúc phúc, đặc biệt trong thời gian này. Nó là con đường cần có sự kiên nhẫn và hiểu biết. Nhưng nó làm cho người Kitô hữu chúng ta phát triển, vì nó đòi hỏi mở lòng và cam kết trở thành những người kiến tạo hòa bình, theo ý nghĩa thực tế.

Tham gia đối thoại là liều thuốc giải độc tốt nhất cho chủ nghĩa cực đoan, một chủ nghĩa nguy hiểm cho các tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào và là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình. Tuy nhiên, cần phải làm việc để diệt trừ những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cơ yếu, của những hình thức chủ nghĩa cực đoan dễ bén rễ trong các bối cảnh nghèo túng về vật chất, văn hóa và giáo dục, và được nuôi dưỡng bằng những hoàn cảnh bất công và dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người bị bỏ rơi đằng sau bởi chiến tranh. Và không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu cuộc xung đột, bao nhiêu sự can thiệp gây hại đã làm khổ sở đất nước anh em! Nó cần sự phát triển tự chủ và gắn kết, không bị phá hoại bởi các lợi ích bên ngoài, như vẫn thường xuyên xảy ra cách đáng buồn. Đất nước của anh em có phẩm giá riêng, có sự tự do riêng, và không thể bị biến thành một chiến trường.

Thưa anh em trong Đức Kitô, hãy biết rằng anh em ở trong trái tim của tôi và trong lời cầu nguyện của nhiều người. Đừng ngã lòng: trong khi có rất nhiều người đe dọa nền hòa bình ở các cấp độ khác nhau, chúng ta đừng rời mắt khỏi Chúa Giêsu, vị Hoàng tử của Hòa bình, và chúng ta kiên trì khẩn xin Thần Khí của Người là Đấng xây dựng sự hiệp nhất. Thánh Ephraem, noi theo những bước chân của Thánh Cyprian, đã so sánh sự hiệp nhất của Giáo hội với “chiếc áo choàng không thể phá hủy và không thể phân chia” của Đức Kitô” (x. Hymns on the Crucifixion, VI, 6). Mặc dù Ngài đã bị lột trần các áo của Ngài cách tàn nhẫn, nhưng chiếc áo choàng của Ngài vẫn còn nguyên. Trong lịch sử cũng vậy, Thần Khí Chúa Giêsu gìn giữ sự hiệp nhất giữa các tín hữu, bất kể những chia rẽ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Ba Ngôi, là mẫu mực của sự hiệp nhất thật sự chứ không phải đồng nhất, củng cố sự hiệp thông giữa chúng ta và giữa các Giáo hội của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể đáp lại ước muốn tha thiết của Chúa rằng các môn đệ của Người sẽ nên “một” (Ga 17:21)!

Tôi chân thành cảm ơn anh em đã đến và giờ đây tôi đề nghị chúng ta cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/3/2022]


Iraq trả lại hơn 120 tài sản nhà cửa bị đánh cắp cho người Kitô giáo

Iraq trả lại hơn 120 tài sản nhà cửa bị đánh cắp cho người Kitô giáo

Iraq trả lại hơn 120 tài sản nhà cửa bị đánh cắp cho người Kitô giáo

Zaid AL-OBEIDI | AFP

J-P Mauro

27/02/22 - updated on 02/26/22


Các bất động sản đã bị chuyển nhượng bất hợp pháp sau khi chủ sở hữu người Kitô giáo buộc phải tháo chạy.

Hơn 120 bất động sản đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ những người Kitô giáo và người Sabeans ở Iraq sẽ sớm được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng. Quyết định này được đưa ra nhờ vào Ủy ban Giải quyết Tài sản Kitô giáo và người Sabaean mới được thành lập và được ủng hộ bởi phe Sadrist.

Asia News tường thuật rằng hiện tượng trộm cắp bất hợp pháp nhà cửa và tài sản của người Kitô giáo đã bắt đầu từ năm 2003. Trong chiến dịch do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm lật đổ Saddam Hussein khỏi quyền lực, hàng loạt người Kitô giáo đã tháo chạy khỏi đất nước, khiến dân số theo Kitô giáo giảm đi khoảng một phần ba. Khi tài sản đất đai của họ bị bỏ hoang, các nhóm được gọi là “mafia đất” chuyển đến để tiếp quản.


“Mafia đất”

Đất đã bị đánh cắp bởi các công cụ “hợp pháp”. Có nghĩa là, những “mafia” này làm giả tài liệu và tuyên bố quyền sở hữu tài sản tại tòa án. Trong hầu hết các trường hợp, những chiến thuật này đã dẫn đến việc các tài sản nhà cửa của người Kitô giáo bị sung công và giao cho những tên trộm. Không rõ các yếu tố tham nhũng trong phòng xử án ở mức độ nào, hoặc đây có phải là kết quả của việc các chủ sở hữu người Kitô giáo hợp pháp không có mặt để tranh luận hay không.

Ngày 21 tháng Hai, Ủy ban đã đi đến quyết định trả lại tài sản. Các tài sản được đề cập bao gồm nhà cửa, doanh nghiệp, nhà máy và đất trống. Báo cáo lưu ý rằng chúng đã được khôi phục trước khi trả lại cho chủ sở hữu của chúng.


Phong trào Sadrist

Theo Fides, quyết định này được thúc đẩy bởi những người ủng hộ phong trào Sadrist, với những người lãnh đạo của họ đã lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử quốc hội Iraq vào năm 2021. Với các thành viên của họ nắm giữ 73 trong tổng số 329 ghế, các đảng Shiite thân Iran đã mất đi một số vị trí. Sadrist tuyên bố vai trò như là người bảo vệ “của mọi người yếu đuối.” Họ đã thề sẽ hỗ trợ các cộng đồng thiểu số trong các nỗ lực pháp lý và xã hội để sửa chữa những bất công như vậy.

Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp các nhóm thiểu số Iraq, chẳng hạn như người Kitô giáo và người Sabean, có được sự bảo vệ ở một quốc gia có lịch sử vi phạm nhân quyền. Nó cũng có nghĩa như một cành ô-liu có thể làm cho một số người Kitô hữu đã tháo chạy từ năm 2003 quay trở về.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2022]