Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 2 tháng Một, 2022

*****

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi đọc Kinh Truyền tin:

_________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta một lời rất đẹp, lời mà chúng ta luôn đọc trong Kinh Truyền tin và lời đó tiết lộ cho chúng ta ý nghĩa của Lễ Giáng sinh. Lời đó nói, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Những lời này, nếu chúng ta suy nghĩ về nó, ẩn chứa một nghịch lý. Chúng đưa ra hai vế đối nghịch: Ngôi Lờingười phàm. “Ngôi Lời” cho thấy rằng Chúa Giêsu là Lời trường tồn của Chúa Cha, vô hạn, tồn tại từ mọi thời đại, trước tất cả mọi loài được tạo dựng; ngược lại, “người phàm” chính xác chỉ về thực tại được tạo dựng của chúng ta, mong manh, giới hạn, phải chết. Trước Chúa Giêsu, có hai thế giới riêng biệt: Trời đối lập với đất, vô hạn đối lập với hữu hạn, tinh thần đối lập với vật chất. Và có một sự đối lập khác trong Lời Mở đầu của Tin mừng theo Thánh Gioan, một nhị thức khác: Ngôi lời người phàm là một nhị thức; nhị thức còn lại là ánh sáng bóng tối (xem câu 5). Chúa Giêsu là ánh sáng của Thiên Chúa đã đi vào bóng tối của thế gian. Ánh sángbóng tối. Thiên Chúa là ánh sáng: trong Người không có sự mờ mịt; ngược lại trong chúng ta có nhiều bóng tối. Giờ đây, với Chúa Giêsu, ánh sáng và bóng tối gặp nhau: sự thánh thiện và tội lỗi, ân sủng và tội lỗi. Chúa Giêsu, sự nhập thể của Chúa Giêsu chính là nơi của cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại, cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tội lỗi.

Tin Mừng muốn loan báo điều gì với những đối lập này? Đó là một điều thật đẹp: cách hành động của Chúa. Đứng trước những mỏng giòn của chúng ta, Chúa không rút lui. Người không ở lại trên cõi vĩnh hằng diễm phúc và trong ánh sáng vô tận của Người, nhưng Người đến gần, Người xuống thế, Người đi vào bóng tối, Người cư ngụ trong những vùng đất xa lạ với Người. Và tại sao Thiên Chúa làm điều này? Tại sao Người xuống với chúng ta? Người làm điều này vì Người không đầu hàng trước thực tế rằng chúng ta có thể lầm đường lạc lối khi rời xa Người, rời xa sự vĩnh cửu, rời xa ánh sáng. Đây là việc làm của Thiên Chúa: đến giữa chúng ta. Nếu chúng ta thấy mình không xứng đáng thì điều đó cũng không ngăn cản Người: Người vẫn đến. Nếu chúng ta từ chối Người, Người không mệt mỏi tìm kiếm chúng ta. Nếu chúng ta không sẵn sàng và không muốn tiếp đón Người, thì Người vẫn đến. Và nếu chúng ta đóng cửa trước mặt Người, Người sẽ chờ đợi. Người thực sự là Mục tử Nhân lành. Và hình ảnh đẹp nhất của Người Mục tử Nhân lành là gì? Ngôi Lời trở nên người phàm để chia sẻ trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đến tìm kiếm chúng ta ngay tại nơi chúng ta đang ở: trong các vấn đề của chúng ta, trong những đau khổ của chúng ta… Ngài đến đó.

Anh chị em thân mến, chúng ta thường giữ khoảng cách với Thiên Chúa vì nghĩ rằng mình không xứng đáng với Người vì những lý do khác. Và nó là sự thật. Nhưng Giáng sinh mời gọi chúng ta nhìn mọi việc theo quan điểm của Thiên Chúa. Người mong muốn được nhập thể. Nếu tâm hồn của bạn có vẻ quá bị ô nhiễm bởi sự dữ, nếu nó có vẻ rối bời, xin đừng khép chặt lòng mình, đừng sợ hãi: Người sẽ đến. Hãy nghĩ về chuồng chiên bò ở Bêlem. Chúa Giêsu sinh ra ở đó, trong cảnh nghèo đó, để nói với chúng ta rằng Ngài chắc chắn không e ngại thăm viếng tâm hồn bạn, không ngại cư ngụ trong một cuộc sống tồi tàn. Và đây là lời: cư ngụ. Cư ngụ là động từ được dùng trong Tin Mừng hôm nay để biểu thị thực tại này: nó diễn tả một sự chia sẻ hoàn toàn, một tình mật thiết vô cùng lớn lao. Và đây là điều Thiên Chúa muốn: Ngài muốn cư ngụ với chúng ta, Ngài muốn cư ngụ trong chúng ta, không xa cách.

Và tôi tự hỏi bản thân tôi, anh chị em, tất cả chúng ta: còn chúng ta, chúng ta có muốn dành chỗ cho Người không? Lời nói là “có”, chẳng ai nói, “Tôi không”muốn!”; Có. Nhưng trong thực tế? Có lẽ có những khía cạnh của cuộc sống mà chúng ta giữ cho riêng mình, đó là những không gian riêng biệt hoặc bên trong mà chúng ta sợ rằng Tin Mừng sẽ đi vào, nơi chúng ta không muốn Thiên Chúa can dự vào. Hôm nay cha mời anh chị em hãy cụ thể. Đâu là những điều bên trong mà tôi tin rằng Chúa không thích? Đâu là không gian mà tôi tin rằng chỉ dành cho riêng tôi, nơi tôi không muốn Chúa đến? Mỗi chúng ta hãy thực tế và trả lời cho điều này. “Vâng, vâng, tôi muốn Chúa Giêsu đến, nhưng Ngài không được chạm vào điều này; và điều này, không, và điều này ...”. Mọi người đều có tội của riêng mình - chúng ta hãy gọi đích danh nó. Và Ngài không sợ tội lỗi của chúng ta: Ngài đã đến để chữa lành chúng ta. Ít nhất chúng ta để cho Ngài thấy điều đó, hãy để Ngài nhìn thấy tội. Chúng ta hãy can đảm, chúng ta hãy nói: “Nhưng lạy Chúa, con đang ở trong hoàn cảnh này nhưng con không muốn thay đổi. Nhưng xin Chúa đừng đi quá xa con”. Đó là một lời cầu nguyện tốt. Chúng ta hãy chân thành ngay hôm nay.

Trong những ngày Giáng sinh này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi đón rước Chúa chính tại đó. Bằng cách nào? Chẳng hạn, dừng bước trước cảnh Chúa giáng sinh, vì nó cho thấy Chúa Giêsu đã đến cư ngụ trong cuộc sống thật và bình thường của tất cả chúng ta, nơi mọi sự không diễn ra suôn sẻ, nơi có nhiều vấn đề: chúng ta phải chịu trách nhiệm về một số vấn đề đó; những vấn đề khác là lỗi của người khác. Và Chúa Giêsu đến: những người mục đồng làm việc cần mẫn, chúng ta nhìn thấy những mục đồng ở đó, Hêrôđê đe dọa những trẻ vô tội, sự nghèo khó ... Nhưng ở giữa tất cả những điều này, ở giữa rất nhiều vấn đề – và ngay cả giữa những vấn đề của chúng ta – có Chúa, có Chúa muốn cư ngụ với chúng ta.

Và Người chờ đợi chúng ta trình bày với Người những hoàn cảnh của chúng ta, những gì chúng ta đang sống. Vì vậy, trước khung cảnh Chúa giáng sinh, chúng ta hãy nói chuyện với Chúa Giêsu về những hoàn cảnh thực tế của chúng ta. Chúng ta hãy mời Ngài chính thức bước vào cuộc đời của chúng ta, đặc biệt trong những khu vực tăm tối: “Lạy Chúa, xin hãy nhìn xem, nơi đó không có ánh sáng, điện không đến được nơi đó, nhưng xin đừng chạm vào, vì con cảm thấy không muốn rời bỏ hoàn cảnh này.” Hãy rõ ràng và đơn giản. Những vùng tối tăm, “những chuồng chiên bò trong lòng” của chúng ta; mỗi người chúng ta đều có. Và chúng ta cũng đừng sợ nói với Ngài về các vấn đề xã hội, và các vấn đề của giáo hội trong thời đại chúng ta, ngay cả những vấn đề cá nhân, thậm chí là những điều tồi tệ nhất, bởi vì Thiên Chúa rất muốn cư ngụ: trong chuồng chiên bò của chúng ta.

Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng Ngôi Lời trở nên người phàm trong Mẹ, giúp chúng ta vun trồng tình mật thiết nhiều hơn với Chúa.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, các tín hữu của Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác: Cha nhìn thấy cờ của Ba Lan, Brazil, Uruguay, Argentina, Paraguay, Colombia và Venezuela: chào mừng tất cả anh chị em! Cha gửi lời chào các gia đình, các hiệp hội, và các nhóm giáo xứ, đặc biệt là anh chị em đến từ Postioma và Porcellengo, thuộc giáo phận Treviso, cũng như các thiếu niên của Liên đoàn Regnum Christi và các bạn trẻ của Hội Đức Maria Vô Nhiễm.

Vào ngày Chúa nhật đầu tiên của năm, cha gửi đến tất cả anh chị em những lời chúc bình an và tốt lành của Chúa. Trong những thời khắc vui mừng và trong những lúc buồn bã, chúng ta hãy phó thác cho Người là sức mạnh và niềm hy vọng của chúng ta. Và đừng quên: chúng ta hãy mời Chúa đến trong lòng chúng ta, đến trong cuộc sống thực của chúng ta, dù nó xấu xí, có thể như một chuồng chiên bò: “Nhưng, lạy Chúa, con không muốn Chúa bước vào, nhưng xin hãy nhìn xem, và xin hãy ở gần”. Chúng ta hãy làm như vậy.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và bữa trưa ngon miệng. Và đừng quên cầu nguyện cho cha. Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/1/2022]


Hướng dẫn duyệt xét lại năm đã qua của Thánh Gioan Phaolô II

Hướng dẫn duyệt xét lại năm đã qua của Thánh Gioan Phaolô II

Hướng dẫn duyệt xét lại năm đã qua của Thánh Gioan Phaolô II

DERRICK CEYRAC | AFP

Philip Kosloski

30/12/21


Khi nhìn lại mỗi năm, Thánh Gioan Phaolô II muốn mọi người nhìn nó dưới ánh sáng của gia đình, bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời xin sự tha thứ.

Một thông lệ chung là duyệt xét lại cuộc sống của một người vào dịp cuối mỗi năm. Chúng ta thực hiện việc đó để nhớ lại nhiều điều tốt đẹp đã xảy ra với chúng ta trong 12 tháng qua, cũng như tất cả những khó khăn mà chúng ta đã trải qua.

Đối với Thánh Gioan Phaolô II, hành động này nên được thực hiện dưới ánh sáng của gia đình, là gia đình riêng của chúng ta và “gia đình nhân loại” nói chung. Ngài giải thích hình thức duyệt xét này trong bài giảng Te Deum đầu tiên của ngài trên cương vị là giáo hoàng năm 1978.


Nuôi dưỡng tình huynh đệ trong “gia đình nhân loại”

Chúa Nhật này cũng là ngày cuối cùng của năm 1978. Chúng ta tề tựu về đây, trong giờ phụng vụ này để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những sự tốt lành Người đã ban cho chúng ta, và những ơn được ban cho chúng ta trong suốt một năm qua, và xin Người tha thứ cho tất cả những điều đối nghịch lại với sự thiện, cũng là nghịch lại với thánh ý của Người.

Tuy nhiên, trong việc tạ ơn và trong cầu xin tha thứ này, cũng cho phép cha sử dụng những tiêu chuẩn của gia đình, lần này theo ý nghĩa rộng hơn. Vì Thiên Chúa là Cha nên những tiêu chuẩn của gia đình cũng mang chiều kích này; nó liên quan đến tất cả các cộng đồng, các xã hội, các dân tộc và quốc gia của con người; nó liên quan đến Giáo hội và nhân loại.

Kết thúc năm nay theo cách này, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về mọi sự — trong tất cả các phạm vi khác nhau của cuộc sống trên trần gian — làm cho nhân loại trở nên giống một “gia đình” hơn, tức là có nhiều anh chị em hơn, là những người có chung một Cha. Đồng thời, chúng ta hãy xin sự tha thứ cho tất cả những gì không phù hợp với tình anh em chung của loài người đã phá hủy sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, đe dọa nó và cản trở nó.

Hình thức duyệt xét này nhìn vào cuộc sống của chúng ta cách nghiêm túc và kiểm tra cách chúng ta đã giúp gieo trồng tình huynh đệ trong cộng đồng của chúng ta như thế nào, hay chúng ta đã gieo rắc mối bất hòa trong gia đình nhân loại.


Bảo vệ sự sống và tình yêu hôn nhân

Bên cạnh “gia đình nhân loại” rộng lớn, trong bài giảng Thánh Gioan Phaolô II cũng đề cập đến hai lĩnh vực mà chúng ta nên kiểm tra trong đời sống của bản thân. Ngài thúc giục mọi người hãy xem lại cách chúng ta bảo vệ sự sống và sự thánh thiện của tình yêu hôn nhân như thế nào.

Đây là một câu hỏi về hai giá trị nền tảng của bối cảnh mà chúng ta gọi là “tình yêu hôn nhân”. Trước hết là giá trị của con người thể hiện ở sự thủy chung tuyệt đối với nhau cho đến chết: chồng chung thủy với vợ, vợ chung thủy với chồng.

Kết quả của sự khẳng định giá trị con người, được thể hiện trong mối tương quan tương hỗ giữa vợ chồng, cũng là sự tôn trọng giá trị cá nhân của sự sống mới, tức là của đứa con ngay từ giây phút thụ thai đầu tiên.

Theo cách này, chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống của mình và xem xét cách chúng ta đã nâng đỡ phẩm giá của mỗi nhân vị như thế nào, bắt đầu từ sự thụ thai. Ngoài ra, chúng ta kiểm tra xem chúng ta đã thăng tiến giá trị của sự chung thủy trong đời sống hôn nhân như thế nào, nhận ra tầm quan trọng của gia đình và mối liên hệ của nó với cấu trúc xã hội.

Khi hướng về năm mới, chúng ta hãy nhìn lại mình và dâng lời tạ ơn vì nhiều điều, nhưng cũng xin sự tha thứ từ bất cứ người nào mà chúng ta có thể đã gây tổn thương cho họ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/1/2022]