Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha kỷ niệm lần thứ 20 Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha kỷ niệm lần thứ 20 Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha kỷ niệm lần thứ 20 Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót

‘Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người đến sau’

19 tháng Tư, 2020 11:30

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong lễ Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót, 19 Tháng Tư, 2020, kỷ niệm lần thứ 20 ngày thiết lập của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và ngày phong thánh của Thánh Faustina, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Chúa nhật trước chúng ta mừng Chúa sống lại; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của môn đệ Ngài. Đã một tuần qua đi, một tuần kể từ khi các môn đệ nhìn thấy Chúa Phục sinh, nhưng cho dù như vậy, các ông vẫn còn sợ hãi, ẩn mình sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không thể thuyết phục Tôma, người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh. Chúa Giêsu làm gì trước việc nhút nhát thiếu lòng tin này? Ngài quay trở lại, và đứng tại cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, Ngài lặp lại lời chào: “Bình an cho các con!” (Ga 20:19, 26). Ngài lặp đi lặp lại. Sự phục sinh của môn đệ Ngài bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung tín và kiên nhẫn, từ việc khám phá ra rằng Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tiến đến để nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy Ngài, không phải như một người đốc công mà chúng ta phải trả những món nợ, nhưng như là Cha của chúng ta là người luôn nâng đỡ chúng ta dậy. Trong cuộc sống chúng ta tiến bước một cách ngập ngừng, không vững chắc, giống như một em bé chập chững đi được vài bước lại ngã; bước thêm vài bước nữa rồi lại ngã, nhưng mỗi lần cha của bé đều nâng bé dậy đứng vững trên đôi chân. Bàn tay luôn luôn nâng chúng ta đứng dậy trên đôi chân là lòng thương xót: Chúa biết rằng không có lòng thương xót thì chúng ta sẽ ngã nằm trên mặt đất, và để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng đỡ dậy để đứng vững trên đôi chân.

Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng con cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng để nâng bạn dậy. Ngài không muốn chúng ta cứ gắn chặt với suy nghĩ về những vấp ngã của mình; nhưng Ngài muốn chúng ta hãy hướng trông về Ngài. Vì khi chúng ta vấp ngã, Ngài nhìn thấy những đứa con cần được nâng dậy để đứng trên đôi chân; trong những vấp ngã của chúng ta ngài nhìn thấy những đứa con cần có tình yêu thương xót. Hôm nay, trong ngôi nhà thờ này đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Roma, và vào Chúa nhật này Thánh Gioan Phaolô II đã cung hiến cho Lòng Thương xót của Chúa hai mươi năm trước, chúng ta vui mừng trước sứ điệp này. Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Cha là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau đớn nào của con người có thể sánh bằng lòng thương xót của Cha” (Nhật ký, 14 tháng Chín 1937). Có một lần trong sự toại nguyện, Thánh nhân thưa với Chúa Giêsu rằng chị đã dâng lên Ngài tất cả sự sống của mình và mọi điều chị có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm chị sững sờ: “Con vẫn chưa dâng lên Cha điều thật sự thuộc về con.” Vậy người nữ tu thánh thiện đó đã giữ lại cho mình điều gì? Chúa Giêsu dịu dàng nói với chị: “Con của Cha, hãy dâng lên Cha những vấp ngã của con” (10 Tháng Mười 1937). Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình: “Tôi đã dâng lên Chúa những vấp ngã của tôi chưa? Tôi có để cho Ngài nhìn thấy sự vấp ngã của tôi để Ngài có thể nâng tôi dậy không?” Hay vẫn có điều gì đó mà tôi còn giữ trong lòng mình? Một tội, một sự hối tiếc của quá khứ, một vết thương tôi mang trong lòng, một sự oán hận chống lại ai đó, một ý nghĩ về một người nào đó … Chúa chờ đợi chúng ta mang đến cho Ngài những vấp ngã của chúng ta để Ngài có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Ngài.

Chúng ta hãy trở lại với các môn đệ. Các ông đã bỏ Chúa trong cuộc Khổ nạn và cảm thấy có tội. Nhưng khi gặp các ông, Chúa Giêsu không cho một bài giảng thuyết dài dòng. Với các ông là những người đã bị thương tổn trong lòng, Ngài cho các ông thấy những vết thương của Ngài. Bây giờ Tôma có thể đụng chạm vào chúng và hiểu được tình yêu của Chúa Giêsu và Ngài đã phải chịu đau khổ như thế nào cho ông, dù ông đã bỏ rơi Ngài. Trong những vết thương đó, ông chạm đến được sự gần gũi dịu dàng của Thiên Chúa bằng chính bàn tay của mình. Tôma đến sau, nhưng khi ông đón nhận được lòng thương xót, ông vượt qua những môn đệ khác: ông không chỉ tin vào sự phục sinh, nhưng còn tin vào tình yêu vô biên của Chúa. Và ông đã thực hiện một lời tuyên xưng đức tin đơn sơ nhất và đẹp nhất: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Đây là sự phục sinh của người môn đệ: nó được kiện toàn khi sự mỏng giòn và tính nhân loại bị thương tổn của người môn đệ đi vào những vết thương của Chúa Giêsu. Ở đó, mọi sự hoài nghi được xóa tan; ở đó, Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con; ở đó, chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân mình và yêu thương sự sống như đúng bản chất của nó.

Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta đang trải qua, chúng ta cũng vậy, giống như Tôma với những nỗi sợ hãi và hoài nghi, đã có kinh nghiệm về sự mỏng giòn của chúng ta. Chúng ta cần có Chúa, Đấng nhìn vượt xa hơn sự mỏng giòn và thấy một nét đẹp không thể thay thế được. Cùng với Ngài chúng ta tái khám phá chúng ta quý giá biết bao nhiêu thậm chí trong sự mong manh của mình. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những món đồ pha lê xinh đẹp, vừa mỏng giòn dễ vỡ nhưng đồng thời rất quý giá. Và nếu chúng ta cũng trong suốt giống như pha lê, thì ánh sáng của Ngài – ánh sáng cùa lòng thương xót – sẽ tỏa rạng trong chúng ta và xuyên qua chúng ta đi vào thế giới. Như trong Thư của Thánh Phêrô nói, đây là lý do để được “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1:6).

Trong ngày Lễ Lòng Chúa Thương xót này, thông điệp đẹp nhất đến từ Tôma, người môn đệ đến sau; ông là người duy nhất vắng mặt. Nhưng Chúa chờ đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ rơi những người đến sau. Giờ đây, khi chúng ta đang trông mong vào một sự phục hồi từ từ và gian khổ sau đại dịch, có nguy cơ là chúng ta sẽ quên những người bị bỏ rơi đằng sau. Nguy cơ sau này chúng ta có thể bị tấn công bởi một con virus còn tồi tệ hơn, đó là con virus thờ ơ ích kỷ. Một con virus lây lan bởi suy nghĩ cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, và rằng mọi sự sẽ tốt đẹp nếu nó tốt đẹp cho tôi. Nó bắt đầu từ đó và kết thúc bằng sự lựa chọn người này với người kia, gạt bỏ người nghèo, và hy sinh những người bị bỏ rơi trên bàn thờ của sự tiến bộ. Tuy nhiên, cơn đại dịch hiện tại nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt hoặc những đường biên giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mong manh, tất cả đều bình đảng, tất cả đều quý giá. Ước mong rằng chúng ta được đánh động sâu sắc bởi những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta: đã đến lúc phải loại trừ những bất bình đẳng, để chữa lành sự bất công đang bào mòn sức khỏe của toàn gia đình nhân loại! Chúng ta hãy học từ cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được miêu tả trong Sách Công vụ Tông đồ. Cộng đoàn đón nhận được lòng thương xót và sống lòng thương xót: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2:44-45). Đây không phải là một trong những hệ tư tưởng: đây là Kitô giáo.

Trong cộng đoàn đó, sau sự phục sinh của Chúa Giê-su, chỉ có một người bị bỏ lại đằng sau và những người khác thì chờ đợi Ngài. Ngày nay dường như tình trạng thì ngược lại: một phần nhỏ của gia đình nhân loại tiến về phía trước, trong khi đa phần vẫn ở lại phía sau. Mỗi người chúng ta có thể nói rằng: “Đây là những vấn đề phức tạp, việc của tôi không phải là đi chăm sóc người thiếu thốn, có những người khác quan tâm đến điều đó rồi!” Thánh Faustina viết sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu: “Trong một linh hồn đang đau khổ, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá, không phải là một người ăn bám hay một gánh nặng … [Thiên Chúa] Người ban cho chúng con cơ hội để thực hành những việc của lòng thương xót, và chúng con lại thực hành việc đưa ra những phán xét” (Nhật ký, 6 tháng Chín, 1937). Tuy nhiên, chính thánh nhân một ngày kia đã phàn nàn với Chúa Giêsu rằng khi có lòng thương xót, người ta lại cho rằng đó là người khờ dại. Thánh nhân nói, “Lạy Chúa, họ thường lạm dụng lòng tốt của con.” Và Chúa Giêsu trả lời: “Đừng quan tâm, đừng đề điều đó làm phiền con, hãy luôn tỏ lòng thương xót với tất cả mọi người” (24 tháng Mười Hai 1937). Với mọi người: chúng ta đừng chỉ nghĩ riêng đến những lợi ích của chúng ta, những lợi ích được trao cho chúng ta. Chúng ta hãy đón thời gian thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Vì nếu không có tầm nhìn ôm lấy tất cả, thì sẽ không có tương lai cho bất cứ người nào.

Hôm nay tình yêu của Chúa Giêsu làm hồi sinh tâm hồn của người môn đệ. Giống như Thánh Tông đồ Tôma, chúng ta hãy đón nhận lòng thương xót, ơn cứu độ của thế giới. Và chúng ta hãy thể hiện lòng thương xót cho những người dễ bị tổn thương nhất; vì chỉ bằng cách này thì chúng ta mới xây dựng được một thế giới mới.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2020]


Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch

Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch
© Vatican Media

Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch

Lời đầu tiên của Chúa Phục sinh? HÃY VUI LÊN!

17 tháng Tư, 2020 16:56

Trong khi các chính phủ ở mọi cấp độ suy nghĩ về cách để quay trở lại “sự bình thường” sau đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxico đang chuẩn bị cho sự phục sinh sau cách ly.

Ngài đưa ra những suy tư về chủ đề trong một bài phản ánh xuất hiện ngày 17 tháng Tư năm 2020 trên website tạp chí tiếng Tây Ban nha xuất bản định kỳ Vida Nueva. Trong phản ánh, Đức Thánh Cha đưa ra những so sánh giữa kinh nghiệm của con người ngày nay trong đại dịch và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

“Hãy vui lên” là lời đầu tiên của Chúa Phục sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh theo tường thuật trong bài phân tích suy tư của Vatican News. Ngài nhắc lại rằng đó là lời Chúa Giêsu dùng để chào “Maria Mácđala và bà Maria khác sau khi họ tìm thấy ngôi mộ trống … Người là Đấng Sống lại và muốn nâng những người phụ nữ này lên sự sống mới, và cùng với họ là tất cả nhân loại.”

Đức Thánh Cha nói, lời mời gọi các môn đệ đi làng Êmau hãy vui lên cũng đã được gợi lên, theo bản tin của Vatican News. Ngài nói rằng kinh nghiệm của chúng ta hôm nay cũng rất giống với kinh nghiệm của các môn đệ tiên khởi. Cũng như các ngài, chúng ta “sống trong không khí đau thương và bất định …” và đặt câu hỏi “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Mc 16:3). Ngài mô tả rằng tấm bia mộ giống như là một thứ “đe dọa chôn tất cả mọi hy vọng” và liệt kê những hậu quả mà rất nhiều người đang trải qua: người già bị buộc phải ở trong cảnh cách ly hoàn toàn, các gia đình không còn khả năng dọn thức ăn trên bàn, những người ở tuyến đầu “đã kiệt sức và quá sức chịu đựng.” Ngài nói nó là một “sức nặng dường như có lời nói sau cùng.”

Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch

Đức Thánh Cha Phanxico nói chính các người phụ nữ không cho phép những biến cố của cuộc Thương khó của Đức Kitô làm họ tê liệt. Trong phản ánh, ngài lấy đoạn khởi đầu bài giảng đêm Vọng Phục sinh của ngài. “Vì yêu mến Thầy, và với đặc điểm nữ tính tiêu biểu, không thể thay thế và được chúc phúc, họ có thể đối mặt với cuộc sống theo đúng bản chất của nó.” Trong khi các Tông đồ ban đầu bỏ chạy, chối bỏ Người, rồi trốn vì sợ, thì những người phụ nữ tìm được cách để vượt qua mọi sự cản trở trên con đường của họ. Họ làm điều đó đơn giản vì “ở cùng và đồng hành.”

So sánh giữa sự phục sinh và đại dịch cũng xuất hiện trong bài giảng Lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican ngày 13 tháng Tư của Đức Thánh Cha.

“Thiên Chúa luôn bắt đầu với những người phụ nữ, luôn luôn,” Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định ngày 13. “Họ mở ra những con đường. Họ không nghi ngờ: họ biết; họ đã nhìn thấy Người; họ đã chạm vào Người. Họ cũng đã nhìn thấy ngôi mộ trống.

“Sự thật là các môn đệ đã không thể tin điều đó và nói: ‘Nhưng những bà này, có lẽ hơi giàu óc tưởng tượng’ … Tôi không biết nữa; họ có những nghi ngờ của họ. Tuy nhiên, các bà chắc chắn, và cuối cùng họ giữ vững con đường này cho đến hôm nay: Chúa Giêsu đã sống lại; Người đang sống giữa chúng ta (x. Mt 28:9-10).”

Trong bài giảng đó Đức Thánh Cha tiếp tục đưa ra một so sánh giữa quyết định của những người phụ nữ khi đứng trước ngôi mộ trống và những quyết định xuất hiện trong trận đại dịch coronavirus. Những người phụ nữ công bố sự thật. Những người khác — những lính gác — nhận tiền và giữ im lặng.

“Ngày nay cũng vậy, đứng trước sự kết thúc của đại dịch — chúng ta hy vọng điều này sớm xảy ra –, cũng có cùng lựa chọn: hoặc chúng ta dành tất cả cho sự sống, cho sự phục sinh của các dân tộc, hoặc nó sẽ dành cho thần tiền: để quay trở lại với ngôi mộ của sự đói khát, của tình trạng nô lệ, của chiến tranh, của những nhà máy sản xuất vũ trang, của những đứa trẻ không được đến trường … ngôi mộ nằm ở đó.”

Trong bài suy tư ngày 17, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của nhiều người chăm sóc cho các bệnh nhân trong suốt đại dịch.

Đức Thánh Cha nói hôm nay nhiều người “đang mang đến thuốc thơm” và “đem dầu thơm là sự đồng trách nhiệm.” Họ đang thi hành thừa tác vụ cho Chúa trong những người anh chị em của mình. Có những người làm việc này bằng cách không trở thành mối nguy hiểm cho người khác, những người khác thì dấn thân vào nguy hiểm. “Các bác sĩ, y tá, những người nhân viên siêu thị, những người lau dọn, người chăm sóc phụ y tế, những người chuyên chở hàng hóa, nhân viên trật tự xã hội, các thiện nguyện viên, linh mục, nữ tu, ông bà, các nhà giáo, và nhiều người khác” đã hỏi cùng câu hỏi của những người phụ nữ: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Tuy nhiên, Đức Thánh Cha công nhận rằng câu hỏi này không ngăn cản được họ “làm những gì họ cảm thấy có thể và có trách nhiệm phải làm.”

Đức Thánh Cha suy nghĩ về kế hoạch hậu đại dịch

Trích dẫn Đại dịch toàn cầu và tình huynh đệ phổ quát: lưu ý về tình trạng khẩn cấp Covid-19, của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng đại dịch này cần phải được điều trị bằng “những kháng thể của tình đoàn kết.” Ngài nhấn mạnh, “Mỗi hành động của cá nhân không phải là một hành động chỉ của riêng mình.” “Dù thế nào đi nữa” thì tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người là một “vai chính” của lịch sử và có thể phản ứng đối với những sự dữ đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. “Không thể chấp nhận được việc chúng ta ta viết lên lịch sự hiện tại và tương lai bằng cách quay lưng lại với sự đau khổ của quá nhiều người,” ngài nói.

Trong một phỏng vấn đầu tuần này, Đức Hồng y Phêrô Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, nêu lên những cố gắng mà Bộ đang thực hiện để đối phó với đại dịch và những chuẩn bị để đối phó với hậu quả của nó.

“Chúng tôi đã thành lập năm nhóm làm việc hiện đã hoạt động. Chúng tôi đã có hai cuộc họp làm việc với Đức Thánh Cha,” Đức Hồng y Turkson giải thích. “Chúng tôi đã thiết lập một trung tâm điều hành, để phối hợp những sáng kiến đưa ra hoạt động trong cuộc khủng hoảng và những sáng kiến liên quan đến việc chuẩn bị cho ngày mai. Chúng tôi cần hành động cụ thể ngay bây giờ, và chúng tôi đang làm điều đó.

“Chúng tôi cần phải nhìn vượt xa hơn hôm nay, để vẽ lên lối đi cho hành trình khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta không suy nghĩ về ngày mai, chúng ta sẽ thấy mình tiếp tục bị động. Hành động hôm nay và suy nghĩ về ngày mai không phải là những sự hoán đổi … Nhóm chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông, Caritas Quốc tế, Bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc và Nhà thuốc Vatican. Chúng tôi đã thiết lập một phương thức cộng tác mới giữa nhóm chúng tôi và nhiều Bộ và Phòng khác nhau của Tòa Thánh: một phương thức kết hợp sức mạnh. Một sự cộng tác nhanh chóng mang chứng tá cho tính hiệp nhất và khả năng phản ứng của Giáo hội.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/4/2020]