Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin ngày 29 tháng 06, 2021

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin ngày 29 tháng 06, 2021

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin ngày 29 tháng 06, 2021


Vào giữa trưa hôm nay, Lễ trọng thể các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với những người hành hương và tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Mẹ Maria:

*****

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay (Mt 16:13-19) Chúa hỏi các môn đệ một câu hỏi dứt khoát: “Anh em bảo Thầy là ai?” (câu 15). Đó là câu hỏi quan trọng mà Chúa Giêsu lặp lại với chúng ta ngày hôm nay: “Anh em bảo Thầy là ai?” Anh em bảo Thầy là ai, những người đã đón nhận đức tin nhưng vẫn còn sợ hãi khi ra khơi theo Lời của Thầy? Anh em bảo Thầy là ai, những người đã là một người Kitô hữu trong thời gian dài như vậy, nhưng đã bị bào mòn vì thói quen, đã đánh mất tình yêu đầu tiên của mình? Anh em bảo Thầy là ai, những người đang trải qua một giai đoạn khó khăn và cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Chúa Giêsu hỏi: Anh em bảo Thầy là ai? Hôm nay chúng ta hãy cho Ngài một câu trả lời, nhưng là một câu trả lời xuất phát từ trái tim. Tất cả chúng ta, chúng ta hãy cho Ngài một câu trả lời xuất phát từ trái tim.

Trước lúc hỏi câu này, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ câu hỏi khác: “Người ta nói Con Người là ai?” (xem câu 13). Đó là một bài kiểm tra để tìm hiểu những dư luận về Ngài và danh tiếng dành cho Ngài, nhưng tiếng tăm không làm Chúa Giêsu quan tâm, đó không phải là bài kiểm tra như thế. Vậy, tại sao Ngài lại đặt câu hỏi? Để nhấn mạnh sự khác biệt, đó là sự khác biệt căn bản của đời sống Kitô giáo. Có những người dừng lại ở câu hỏi đầu tiên, những dư luận, và nói về Chúa Giêsu; và thay vào đó, có những người nói chuyện với Chúa Giêsu, đem cuộc sống của họ đến với Ngài, đi vào mối tương quan với Ngài, thực hiện bước đi quyết định. Đây là điều mà Chúa quan tâm: trở thành trung tâm trong những suy nghĩ của chúng ta, trở thành điểm tham chiếu cho những tình cảm của chúng ta; nói ngắn gọn là tình yêu của cuộc đời chúng ta. Không phải là những ý kiến của chúng ta về Ngài; điều đó không làm Ngài quan tâm. Ngài quan tâm đến tình yêu của chúng ta, đến việc Ngài có ở trong trái tim của chúng ta hay không.

Hai vị Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay đã thực hiện bước đi đó và trở thành các chứng nhân. Bước đi từ quan điểm đến việc đưa Chúa Giêsu vào con tim của họ: những chứng nhân. Họ không phải là những người hâm mộ, mà là những người bắt chước Chúa Giêsu. Họ không phải là những khán giả, mà là những vai chính của Tin Mừng. Họ không tin bằng lời nói, nhưng tin bằng việc làm. Phêrô không nói về sứ mệnh, ông sống sứ mệnh, ông là ngư phủ chài lưới người; Phaolô không viết những cuốn sách uyên bác mà là những lá thư về những gì ông đã sống khi đi rao giảng và làm chứng. Cả hai đã dành cả cuộc đời của họ cho Chúa và cho những người anh em của họ. Và các ngài thúc bách chúng ta, vì chúng ta có nguy cơ dừng lại ở câu hỏi đầu tiên: là câu hỏi đưa ra những quan điểm và ý kiến, là có những ý tưởng lớn lao và nói những lời hoa mỹ, nhưng không bao giờ đưa chúng vào hành động. Và Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt mình vào hàng ngũ. Chẳng hạn, chúng ta thường nói rằng chúng ta muốn có một Giáo hội trung thành hơn với Tin Mừng, gần gũi hơn với dân chúng, nói tiên tri và truyền giáo nhiều hơn, nhưng rồi trong thực tế, chúng ta chẳng làm gì cả! Thật đáng buồn khi thấy nhiều người phát biểu, bình luận và tranh luận, nhưng ít người làm chứng. Chứng nhân không tập trung vào lời nói, nhưng họ sinh hoa kết trái. Chứng nhân không than phiền về người khác và thế giới, nhưng họ bắt đầu từ chính bản thân. Họ nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không phải là để được giải thích, nhưng để được thể hiện, bởi chính chứng tá của một người; không được công bố bằng các tuyên ngôn mà được thể hiện bằng mẫu gương. Điều này được gọi là “đặt mình vào hàng ngũ.”

Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc đời của Thánh Phêrô và Phaolô, một sự ​​phản đối có thể nảy sinh: cả hai ngài đều là chứng nhân, nhưng không phải lúc nào các ngài cũng là gương mẫu - họ là những tội nhân! Phêrô đã chối Chúa Giêsu và Phaolô thì bắt bớ người Kitô hữu. Nhưng - đây cũng là vấn đề - các ngài cũng làm chứng cho ​​những thất bại của mình. Chẳng hạn đáng lý ra Thánh Phêrô có thể nói với các Thánh sử: “Đừng viết ra những lỗi lầm mà tôi đã phạm”, hãy làm một quyển Tin mừng cho vui thôi. Nhưng không, câu chuyện của ngài hiện ra trần trụi, nó hiện ra rất thật trong các Tin Mừng, với tất cả những đau khổ của nó. Thánh Phaolô cũng làm như vậy, kể lại những lỗi lầm và yếu đuối trong các lá thư của ngài. Đây là nơi chứng tá của ngài bắt đầu: với sự thật về bản thân ngài, với cuộc chiến chống lại tính hai mặt và sự giả dối của chính mình. Chúa có thể thực hiện những điều vĩ đại qua chúng ta khi chúng ta không chăm chút bảo vệ hình ảnh của mình, nhưng thật thà với Ngài và với tha nhân. Thưa anh chị em thân mến, hôm nay Chúa đang chất vấn chúng ta. Và câu hỏi của Ngài cũng là câu hỏi đó - Anh em bảo Thầy là ai? Nó phải đi sâu vào trong chúng ta. Qua các chứng nhân của Ngài là Phêrô và Phaolô, Ngài thúc giục chúng ta hãy cởi bỏ mặt nạ của mình ra, từ bỏ những biện pháp nửa vời, những lý do khiến chúng ta trở nên thờ ơ và tầm thường. Xin Đức Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông Đồ giúp chúng ta trong việc này. Xin Mẹ khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát được làm chứng cho Chúa Giêsu.

_____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hai ngày nữa, ngày 1 tháng Bảy, một ngày cầu nguyện và suy niệm đặc biệt sẽ diễn ra tại Vatican. Cùng với những vị Đứng đầu của tất cả các Giáo hội hiện diện trong Miền đất của cây Hương bá, chúng ta sẽ để cho mình được soi dẫn bởi Lời Kinh Thánh rằng: “Đức Chúa có kế hoạch cho hòa bình” (Gr 29, 11). Tôi mời tất cả anh chị em cùng hiệp thông trong tinh thần với chúng tôi, cầu nguyện để Li Băng có thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà họ đang phải trải qua và cho thế giới thấy một lần nữa khuôn mặt của hòa bình và hy vọng.

Ngày 1 tháng Bảy sẽ đánh dấu kỷ niệm 160 năm ấn bản lần đầu tiên của “L'Osservatore Romano”, “tờ báo của đảng”, như cách tôi gọi nó. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và cảm ơn sự phục vụ của anh chị em. Hãy tiếp tục công việc của anh chị em với lòng trung thực và sự sáng tạo.

Và hôm nay đánh dấu một kỷ niệm chạm đến trái tim của tất cả chúng ta: 70 năm trước, Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã được thụ phong linh mục. [Vỗ tay] Thưa Đức Bênêđictô, xin gửi tới người, là người cha và hiền huynh thân yêu, những tình cảm, lòng biết ơn và sự gần gũi của chúng con. Ngài sống trong tu viện, một nơi là nhà cho các cộng đoàn chiêm niệm ở đây trong Vatican, để họ có thể cầu nguyện cho Giáo hội. Giờ đây, ngài là người cầu nguyện của Vatican, người đã dành cả cuộc đời mình để cầu nguyện cho Giáo hội và cho giáo phận Rôma, nơi ngài là giám mục nghỉ hưu. Xin cảm ơn Đức Bênêđictô, người cha và người anh thân yêu. Cảm ơn chứng tá khả tín của người. Cảm ơn ánh mắt của người không ngừng hướng về phía chân trời của Thiên Chúa: xin cảm ơn người!

Cha thân ái chào mừng tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ nước Ý và từ các quốc gia khác; nhưng hôm nay cha chuyển lời đến người dân Rôma một cách đặc biệt, nhân ngày lễ Các Thánh Bổn mạng của chúng ta. Cha ban phép lành cho anh chị em, những dân Rôma thân yêu! Cha chúc mọi điều tốt đẹp đến với thành phố Rôma: để nhờ sự cam kết của tất cả anh chị em, của tất cả các công dân, nó có thể trở nên sống động và chào đón, không ai bị loại trừ, để trẻ em và người già có thể được chăm sóc, có thể có việc làm đúng phẩm giá, và để người nghèo và những người sau rốt có thể trở thành trung tâm của các dự án chính trị và xã hội. Cha cầu nguyện cho điều này. Và anh chị em cũng vậy, thưa các tín hữu thành Rôma, xin hãy cầu nguyện cho Giám mục của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

Cha chúc tất cả anh chị em ngày lễ hạnh phúc! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 02/07/2021]


Khảo sát của Pew: hầu hết người Công giáo Hoa Kỳ có “cái nhìn thiện cảm” về Đức Giáo hoàng Phanxicô

Khảo sát của Pew: hầu hết người Công giáo Hoa Kỳ có “cái nhìn thiện cảm” về Đức Giáo hoàng Phanxicô

Khảo sát của Pew: hầu hết người Công giáo Hoa Kỳ có “cái nhìn thiện cảm” về Đức Giáo hoàng Phanxicô

Antoine Mekary | ALETEIA

J-P Mauro

29/06/21


Người Công giáo và người không Công giáo cũng đều có câu trả lời ủng hộ giáo hoàng.

Sự nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Phanxicô đang tăng cao giữa người Công giáo Hoa Kỳ và cả những người không Công giáo. Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tìm thấy rằng đa số người Mỹ ủng hộ Giáo hoàng. Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến từ tháng Hai năm 2020 đến tháng Ba năm 2021.

Pew tìm thấy rằng 82% người Công giáo Hoa Kỳ có “cái nhìn thiện cảm” về Đức Giáo hoàng Phanxicô và triều đại giáo hoàng của ngài. Trong số này, khoảng 6/10 (62%) cho biết họ có cái nhìn “rất” hoặc “vô cùng” thiện cảm về giáo hoàng. Ý kiến này đã được giữ vững trong suốt kỳ đại dịch thế giới, chỉ giảm 2% (từ 64%) kể từ tháng Hai năm 2020.

Những ý kiến về giáo hoàng vẫn “khá ổn định” khi được xem xét qua một phân nhóm Công giáo. Xét qua lăng kính chính trị, cả hai bên đều có cái nhìn tích cực về Đức Giáo hoàng Phanxicô. 73% người Công giáo thuộc Đảng Cộng hòa trả lời rằng họ ủng hộ giáo hoàng. Con số này đã tăng lên đến 90% trong số các đảng viên Đảng Dân chủ Công giáo.

Ngay cả giữa những cộng đồng Tin lành, 59% những người được khảo sát đánh giá cao Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong số này, nhóm nói rằng họ ủng hộ giáo hoàng nhiều nhất là những người Tin lành Da trắng không theo phái Phúc âm (70%). Ngược lại, người Tin lành Da trắng theo phái Phúc âm ít ủng hộ Giáo hoàng Phanxicô nhất, chỉ ở mức 45%.

Pew lưu ý rằng kết quả từ cuộc thăm dò này “không hoàn toàn có thể so sánh được” với kết quả của các cuộc khảo sát trước đó về chủ đề này, được thực hiện qua điện thoại. Họ giải thích rằng người trả lời thường không chịu trả lời ít câu hỏi hơn trong các cuộc khảo sát trực tuyến. Những thay đổi trong kết quả từ tháng Một năm 2020 (được thực hiện qua điện thoại) và tháng Ba năm 2021 (được thực hiện trực tuyến) có thể do ít người từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể hơn.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2021]