Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng Năm, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng Năm, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 2 tháng Năm, 2021



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh (Ga 15,1-8), Chúa trình bày Ngài là cây nho thật, và nói về chúng ta như những cành nho không thể sống nếu không được kết hợp với Ngài. Và vì vậy Ngài nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (câu 5). Không có cây nho nào không có cành, và ngược lại. Các nhánh không thể sống độc lập mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào cây nho là nguồn mạch cho sự sống của chúng.

Chúa Giêsu nhấn mạnh vào động từ “ở lại”. Ngài lặp lại lời đó bảy lần trong bài Phúc âm hôm nay. Trước khi rời thế gian và về với Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ rằng họ tiếp tục được kết hiệp với Ngài. Ngài nói, “Hãy ở trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (câu 4). Sự ở lại này không phải là vấn đề ở lại một cách thụ động, không phải là “ngủ say” trong Chúa, để cho cuộc đời ru ngủ bản thân: không, không! Không phải như vậy. Việc ở lại trong Ngài, ở lại trong Chúa Giêsu mà Ngài đề nghị với chúng ta là ở lại một cách tích cực, và cũng có tính tương hỗ. Tại sao? Bởi vì các cành mà không có thân cây nho thì không thể làm được điều gì, chúng cần nhựa sống để lớn lên và sinh hoa kết trái; nhưng cây nho cũng cần có cành, vì quả nho không trổ sinh trên thân cây. Đó là một nhu cầu tương hỗ, đó là vấn đề về sự ở lại mang tính tương hỗ để sinh hoa kết trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta.

Trước hết, chúng ta cần Ngài. Chúa muốn nói với chúng ta rằng trước khi tuân giữ các điều răn của Ngài, trước các mối phúc, trước các việc làm của lòng thương xót, thì chúng ta cần phải được kết hiệp với Ngài, để ở lại trong Ngài. Chúng ta không thể là những người Kitô hữu tốt nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Thay vào đó, cùng với Ngài, chúng ta có thể làm được mọi việc (xem Pl 4:13). Cùng với Ngài, chúng ta có thể làm được mọi điều.

Nhưng ngay cả Chúa Giêsu cũng cần chúng ta, như cây nho với các cành nho. Có lẽ nói điều này là có vẻ táo bạo đối với chúng ta, và như thế chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu cần chúng ta theo ý nghĩa nào? Ngài cần sự làm chứng của chúng ta. Giống như những cành nho, hoa trái mà chúng ta phải sinh ra là chứng tá cho đời sống của người Kitô hữu chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu về trời cùng Chúa Cha, nhiệm vụ của các môn đệ - đó là nhiệm vụ của chúng ta - là tiếp tục loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm. Và các môn đệ - chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu - làm việc đó bằng cách làm chứng cho tình yêu của Ngài: hoa trái sẽ trổ sinh là tình yêu thương. Kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta đón nhận được các ân tứ của Chúa Thánh Thần, và bằng cách này chúng ta có thể làm những việc thiện ích cho người lân cận, chúng ta có thể làm việc tốt cho xã hội, cho Giáo hội. Trông quả thì biết cây. Một đời sống Kitô hữu đích thực là làm chứng cho Chúa Kitô.

Và làm cách nào chúng ta có thể thành công trong việc này? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (câu 7). Điều này cũng thật táo bạo: chắc chắn rằng những gì chúng ta xin sẽ được ban cho chúng ta. Hoa trái tốt lành trong cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào sự cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu xin để được suy nghĩ như Ngài, hành động như Ngài, nhìn thế giới và mọi sự bằng con mắt của Chúa Giêsu. Và theo cách này, để yêu thương anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo nhất và những người đau khổ nhất, giống như Ngài đã làm, và yêu thương họ bằng trái tim của Ngài và mang đến cho thế giới hoa trái của những việc tốt lành, hoa trái của bác ái, hoa trái của hòa bình.

Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ luôn luôn kết hiệp hoàn toàn với Chúa Giêsu và sinh nhiều hoa trái. Xin Mẹ giúp chúng ta ở lại trong Chúa Kitô, trong tình yêu của Ngài, trong lời của Ngài, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh trên trần gian.

_____________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Thứ Sáu tuần trước tại Caracas, Venezuela, bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros, một tín hữu giáo dân, đã được phong chân phước. Ngài là một bác sĩ đầy khoa học và đức tin: ngài có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi những người bệnh và, giống như Người Samari nhân hậu, ngài đã giúp đỡ họ với lòng bác ái theo Phúc âm. Xin cho tấm gương của ngài giúp chúng ta biết quan tâm đến những người đau khổ về thể xác và tinh thần. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước …

Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến anh chị em thuộc các Giáo hội Chính thống và các Giáo hội Công giáo Đông phương và Latinh, theo lịch Julian, các giáo hội mừng Đại lễ Phục sinh trọng thể ngày hôm nay. Xin Chúa Phục Sinh đổ đầy ánh sáng và sự bình an trong anh chị em và an ủi các cộng đoàn đang sống trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chúc anh chị em lễ Phục sinh Hạnh phúc!

Chúng ta đã bước vào tháng Năm, là thời gian lòng đạo đức bình dân thể hiện sự sùng kính Đức Trinh Nữ Maria bằng nhiều cách. Năm nay sẽ được đánh dấu bằng một cuộc marathon cầu nguyện qua các đền thờ quan trọng của Đức Mẹ, để khẩn xin sự chấm dứt đại dịch. Chiều tối hôm qua là điểm dừng đầu tiên, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Trong bối cảnh này, có một sáng kiến rất gần với tâm hồn của cha: đó là của Giáo hội Miến Điện, mời gọi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình bằng một kinh Kính Mừng cho Miến Điện trong Kinh Mân Côi hàng ngày của chúng ta. Mỗi chúng ta đều hướng về Mẹ của mình khi chúng ta gặp hoạn nạn, khó khăn; Trong tháng này, chúng ta hãy cầu xin Mẹ trên Thiên đàng của chúng ta nói vào tâm hồn của tất cả các nhà lãnh đạo ở Miến Điện để họ có thể tìm được sự can đảm bước đi trên con đường gặp gỡ, hòa giải và hòa bình.

Với tâm hồn đau buồn, tôi xin chia buồn với người dân Israel về vụ tai nạn xảy ra vào thứ Sáu tuần trước trên Núi Meron, khiến 45 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tôi hứa với anh chị em sẽ dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm kịch này và cho gia đình của họ.

Suy nghĩ của tôi hôm nay cũng hướng về Hiệp hội Meter, tôi động viên hiệp hội tiếp tục những nỗ lực để hỗ trợ các trẻ em là nạn nhân của bạo lực và bóc lột.

Và cuối cùng, cha xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em có mặt tại đây, anh chị em người Roma thân yêu và những anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các thành viên của Phong trào chính trị vì sự thống nhất do chị Chiara Lubich thành lập cách đây 25 năm: xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và công cuộc tốt lành để phục vụ đời sống chính trị tốt.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

_____________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2021]


Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Antoine Mekary | ALETEIA

Marinella Bandini

27/03/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 38: Bạn có biết rằng vị Tông Đồ duy nhất không chịu tử vì đạo đã phải chịu sự tử đạo bất thành?


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 38

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina nằm trên vị trí của “cuộc tử đạo bất thành” của Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử. Vào cuối thế kỷ thứ 2, Tertullian kể lại rằng Thánh Gioan bị nhận chìm trong một vạc dầu sôi nhưng ngài nổi lên không hề hấn gì. Sau đó ngài bị trục xuất đến đảo Patmos của Hy Lạp, và rồi ngài qua đời tại đây. Phép lạ được tưởng nhớ trong nhà nguyện San Giovanni ở Oleo (“Thánh Gioan trong Dầu sôi”) cách vương cung thánh đường vài chục thước Anh. Tên gọi “Porta Latina” là do nhà nguyện nằm gần cánh cổng cổ kính của Tường thành Aurelian.

Vương cung thánh đường có từ thế kỷ thứ 5. Một trong những viên ngói của mái nhà cũ hiện nay nằm trên đỉnh giảng đài và được sử dụng làm giá đọc sách. Nhà thờ đã trải qua nhiều đợt trùng tu và cải tạo và được tái thánh hiến năm 1191 bởi Đức Giáo hoàng Celestine III.

Hình dáng nhà thờ chúng ta thấy ngày nay có từ thời trung cổ, nhờ công cuộc trùng tu theo lệnh của các Giáo phụ Rosminian vào năm 1940. Vào dịp đó, một loạt các bức bích họa thời Trung cổ có tầm quan trọng đáng kể đã được phát hiện. Khoảng 50 bức vẽ mô tả các cảnh trong Kinh thánh trang trí trên các bức tường của gian giữa.

Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. (Ed 37:27)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina (bên ngoài). Tòa nhà nằm gần địa điểm của “cuộc tử đạo bất thành” của Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina (bên trong). Nhà thờ đã trải qua nhiều đợt trùng tu và cải tạo và được tái thánh hiến năm 1191 bởi Đức Giáo hoàng Celestine III.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina (cung thánh). Hình dáng nhà thờ chúng ta thấy ngày nay có từ thời trung cổ, nhờ vào công cuộc trùng tu theo lệnh của các Giáo phụ Rosminian vào năm 1940.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Bức bích họa trên cung thánh miêu tả cuộc tử đạo “bất thành” của Thánh Gioan Thánh sử, bị nhận chìm trong một vạc dầu sôi.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Trên cầu thang của bàn thờ có khắc dòng chữ cung hiến của nhà thờ.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Vương cung thánh đường có từ thế kỷ thứ 5. Một trong những viên ngói của mái nhà cũ hiện nay nằm trên đỉnh của giảng đài và được sử dụng làm giá đọc sách.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Các bức bích họa thời Trung cổ (chi tiết). Các bức bích họa đã được tái phát hiện trong lần trùng tu gần đây nhất, vào năm 1940.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Các bức bích họa thời Trung cổ (chi tiết). Khoảng 50 cảnh trong Kinh thánh trang trí các bức tường của gian giữa.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Nhà nguyện San Giovanni ở Oleo. Nhà nguyện nhỏ này nằm trên vị trí của “cuộc tử đạo bất thành” của Thánh Gioan, cách cổng Porta Latina cổ (“Cổng Latinh”) vài chục thước Anh, cổng này được đặt cho tên gọi của Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina.

Viếng Vương cung Thánh đường San Giovanni a Porta Latina, “cuộc tử đạo bất thành”

Vương cung thánh đường San Giovanni a Porta Latina. Phần trang trí trên đỉnh vòm của nhà nguyện San Giovanni cổ ở Oleo.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2021]