Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Đức Thánh Cha khuyên giới báo chí Công giáo: đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, cũng đừng sợ phải loan báo ‘Tin Vui’

Đức Thánh Cha khuyên giới báo chí Công giáo: đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, cũng đừng sợ phải loan báo ‘Tin Vui’
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha khuyên giới báo chí Công giáo: đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, cũng đừng sợ phải loan báo ‘Tin Vui’

Đức Phanxico tiếp Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI) nhân kỷ niệm năm thứ 60

23 tháng Chín, 2019 14:57

“Đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói; loan báo “tin vui” để xây dựng tình bạn hữu xã hội; để xây dựng những cộng đồng có suy tư và cuộc sống có thể đọc được những dấu chỉ của thời đại.”

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điểm này với giới truyền thông Công giáo Ý mà ngài tiếp trong buổi tiếp kiến sáng nay, ngày 23 tháng Chín, 2019. Không giống như bài diễn từ trước đó tại Bộ Truyền thông của Vatican, ngài chọn cách bỏ bài diễn từ để nói ứng khẩu, thì trong buổi tiếp kiến thứ hai sáng nay với Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI), Đức Thánh Cha theo rất sát với văn bản đã soạn.

Gặp gỡ họ nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày khai sinh của hiệp hội, Đức Phanxico động viên họ hãy làm chứng cho sự thật, “góp phần làm phơi bày những ngôn ngữ sai lệch và tàn phá,” và chúc lành cho họ để công việc của họ có thể sinh hoa trái.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:


***

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào mừng tất cả anh chị em nhân kỷ niệm lần thứ 60 Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI), và tôi xin cảm ơn bà chủ tịch về những lời rất đẹp của bà. Bà thật can đảm! Bà nói rất mạnh mẽ!

Anh chị em họp mặt để nhớ lại một “ơn gọi cộng đồng” – hoa trái ước mơ của các nhà sáng lập – đó là trở thành “một hiệp hội chuyên nghiệp của hội thánh được truyền cảm hứng từ sự phục vụ cho con người, cho Tin mừng và Huấn quyền của Giáo hội.”

Tôi động viên anh chị em hãy thực hiện sứ mạng này bằng cách luôn rút lấy nguồn nhựa sống từ những cội nguồn của anh chị em: đức tin, tình cảm nồng nàn đối với lịch sử và chăm sóc cho các chiều kích truyền thông thuộc về nhân học và luân lý. Tạp chí “Desk” và website, trường đào tạo Assisi và các hoạt động trên khắp khu vực là những dấu chỉ hữu hình cho sự phục vụ ích chung của anh chị em.

Để làm mới lại sự hòa hợp của anh chị em với Huấn quyền của Giáo hội, tôi thúc giục anh chị em hãy trở thành tiếng nói cho lương tâm của ngành báo chí có khả năng phân biệt giữa thiện và ác, giữa những chọn lựa nhân văn và phi nhân văn. Vì ngày nay có sự lẫn lộn không được phân biệt tách bạch, và anh chị em phải giúp trong công việc này. Người nhà báo – là người chép biên niên sử của lịch sử – được kêu gọi để tái kiến thiết lại sự ghi nhớ các sự kiện, để hoạt động cho sự gắn kết xã hội, để nói lên sự thật với bất cứ giá nào: cũng cần phải có một parrhesia – tức là sự can đảm – của người nhà báo, luôn tôn trọng, không bao giờ ngạo mạn.

Điều này cũng có nghĩa là phải trở nên tự do trước cử tọa: nói theo phong cách rao giảng phúc âm: “có, có,” “không, không” vì bất kỳ điều gì vượt ra ngoài hai điều này đều đến từ ác quỷ (x. Mt 5: 37). Truyền thông cần có những lời thật giữa muôn vàn lời sáo rỗng. Và trong vấn đề này anh chị em có một trách nhiệm rất lớn: lời của anh chị em để kể câu chuyện về thế giới và định hình cho nó, những câu chuyện của anh chị em có thể tạo ra những không gian tự do hoặc nô lệ, không gian trách nhiệm hoặc lệ thuộc vào quyền lực. Không biết bao nhiêu lần một nhà báo mong muốn bước đi trên con đường này, nhưng đằng sau người đó lại có một người biên tập nói rằng, “Không, chúng tôi sẽ không đăng tải câu chuyện đó, chuyện này thì được, chuyện kia thì không,” và tất cả sự thật này bị rút tỉa theo cách nói thiên về lợi ích tài chính của người biên tập, và cuối cùng là truyền tải đi những gì không còn là chân, không còn là mỹ và không còn là thiện. Từ rất nhiều người đi trước anh chị em đã biết được rằng chỉ bằng cách sử dụng những ngôn ngữ hòa bình, công bằng và đoàn kết, trở nên khả tín bằng chứng tá kiên trì, thì mới có thể xây dựng được những xã hội công bằng và cảm thông hơn. Tuy nhiên, thật đáng buồn, mọi việc lại đi ngược lại. Ước mong anh chị em góp phần làm phơi bày những ngôn ngữ sai lệch và tàn phá.

Trong kỷ nguyên web, công việc của người làm báo là nhận biết những nguồn đáng tin, và tìm ngữ cảnh thích hợp, làm sáng tỏ và ưu tiên cho những nguồn đó. Tôi thường đưa ra ví dụ này: một người bị chết cóng vì lạnh ngoài đường, và chuyện này chẳng làm báo chí quan tâm; trong khi nếu Thị trường Chứng khoán rơi xuống hai điểm, thì tất cả các hãng thông tấn đều nói về nó (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 53). Một điều chẳng có tác dụng gì.

Đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói; loan báo “tin vui” để xây dựng tình bạn hữu xã hội; để xây dựng những cộng đồng có suy tư và cuộc sống có thể đọc được những dấu chỉ của thời đại. Tôi cảm ơn anh chị em vì anh chị em đã cố gắng hoạt động vì điều này, ngay cả với những tài liệu như Tông huấn Laudato si’, nó không phải là một tông huấn riêng về môi trường, nhưng là về xã hội, và thúc đẩy một mô hình mới cho sự phát triển con người toàn diện: anh chị em cùng hợp tác để làm cho nó trở thành một văn hóa chung thay thế cho các hệ thống trong đó con người bị buộc phải thu gọn mọi thứ vào chủ nghĩa tiêu dùng – cảm ơn anh chị em!

Để tiếp tục trổ sinh hoa trái, những hiệp hội như hiệp hội của anh chị em phải biết cách khiêm nhường chân nhận và cắt tỉa “những cành khô”, là những cành cây đã bị khô do thời gian lâu dài chúng mất sự tiếp xúc với gốc rễ cây. Ngày nay anh chị em hoạt động trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa hoàn toàn khác biệt với bối cảnh khi anh chị em chào đời. Đồng thời, đã có nhiều hình thức quản lý kết hợp có tổ chức hơn và tập trung vào trọng tâm sứ mạng được phát triển: tôi khuyến khích anh chị em hãy theo đuổi chúng không hề e sợ và để tự mình sửa đổi từ bên trong để đưa ra một chứng tá tốt hơn.

Hành trình của anh chị em có sự kết nối mang tính lịch sử với hành trình của Giáo hội ở Ý, và anh chị em được sự đồng hành của một số cha và các nhà văn của Civiltà Cattolica là những thành viên của Hiệp hội. Ước mong rằng anh chị em tiếp tục chú ý vào những mối liên hệ quan trọng này.

Ngày 12 tháng Sáu năm 2010, Giáo hội tuyên phong Chân phước nhà báo giáo dân đầu tiên, Chân phước Manuel Lozano Garrido, thường được gọi là Lolo; ngài sống trong thời điểm nội chiến của Tây Ban nha, khi đó là một người Ki-tô hữu có nghĩa là mạng sống ở trong tình trạng nguy hiểm. Bất chấp căn bệnh đã buộc ngài phải sống 28 năm trên xe lăn, ngài không bao giờ phai nhạt lòng yêu nghề. Trong “Những điều răn của nhà báo” của ngài, ngài đề nghị “trả giá bằng loại tiền là lòng ngay thẳng, “làm việc với lương thực là thông tin trong sạch, với muối là phong cách làm và men là tính bất diệt” và phục vụ “không chỉ là những lớp bột nhào hay các món cay, nhưng hơn thế phục vụ cho lương thực tốt lành là đời sống trong sạch và tràn đầy hy vọng.” Thật là một mẫu gương tốt để noi theo!

Anh chị em thân mến, tôi luôn nhớ đến anh chị em và gia đình anh chị em trong lời cầu nguyện. Tôi chúc lành cho công việc của anh chị em, để nó có thể sinh hoa trái. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]


Đức Thánh Cha dâng Lễ ở Albano, ‘Khi chúng ta khám phá tình yêu của Chúa Giê-su luôn đi trước chúng ta thì cuộc sống sẽ thay đổi’

Đức Thánh Cha dâng Lễ ở Albano, ‘Khi chúng ta khám phá tình yêu của Chúa Giê-su luôn đi trước chúng ta thì cuộc sống sẽ thay đổi’
Pope In Albano / Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha dâng Lễ ở Albano, ‘Khi chúng ta khám phá tình yêu của Chúa Giê-su luôn đi trước chúng ta thì cuộc sống sẽ thay đổi’

Chúng ta phải trở nên như những trẻ thơ, Đức Phanxico nhắc nhở trong khu ngoại vi Roma

23 tháng Chín, 2019 00:03

Chúa Giê-su là ai: Ngài là người nhìn thấy anh chị em trước; Ngài là người yêu thương anh chị em trước; Ngài là người đón nhận anh chị em trước. Khi chúng ta khám phá ra rằng tình yêu của Người luôn đi trước chúng ta, rằng tình yêu đó chạm đến chúng ta trước hết, thì cuộc sống sẽ thay đổi … 

Chiều Thứ Bảy, sau khi rời khu nhà ngài ở Casa Santa Marta, Đức thánh Cha Phanxico thực hiện chuyến đi ra ngoài Roma, đến Albano, và ngài dâng Thánh lễ ở đây, đây là trọng tâm thông điệp của ngài cho những người tham dự.

Trong bài giảng của Đức Thánh Cha, khi phân tích về các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ông Da-kêu đã vượt qua được sự xấu hổ, và theo một ý nghĩa nào đó thì ông trở nên như một đứa trẻ. Trong ngữ cảnh này, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với chúng ta là “trở nên đơn sơ,” “cởi mở.”

“Để nắm chắc được ‘điểm đầu tiên’ của Chúa, tức là Lòng Thương xót của Người,”, Đức Thánh Cha nói, “không cần phải trở thành những người Ki-tô hữu quá phức tạp, tức là những người soạn tỷ mỷ hàng ngàn học thuyết, rồi đắm mình vào để tìm kiếm những câu trả lời trên mạng, nhưng chúng ta phải trở nên như trẻ em.”

Ngài nhấn mạnh rằng trẻ em rất cần có cha mẹ và bạn bè, mở rộng rằng chúng ta cũng rất cần có Chúa và tha nhân.

“Tự bản thân chúng ta không đủ; chúng ta cần phải gỡ bỏ sự tự mãn, để vượt qua được những sự khép kín, một lần nữa lại trở nên nhỏ bé trong lòng, đơn sơ và đầy nhiệt huyết, đầy động lực tiến đến với Chúa và tình thương yêu dành cho tha nhân.”

Đức Thánh Cha được chào đón phía trước Nhà thờ Chính tòa Albano bởi Đức Giám mục, Đức ông Marcello Semeraro; bởi thị trưởng thành phố là Tiến sĩ Nicola Marini và linh mục chính xứ Nhà thờ Chính tòa, Cha Adriano Gibellini. Ông Thị trưởng tặng Đức Phanxico một món quà và một “tranh treo tường” để kỷ niệm chuyến thăm. Hai thiếu nhi tặng Đức Thánh Cha một bó hoa.

Trước khi tiến vào Nhà thờ Chính tòa để cầu nguyện với các linh mục, Đức Thánh Cha có đôi lời chào thăm nhiều tín hữu đứng ngoài nhà thờ.

Ngay sau đó Đức Thánh Cha tiến vào Nhà thờ Chính tòa, đi dọc theo lối đi giữa nhà thờ và đứng thinh lặng cầu nguyện trước bàn thờ.

Sau phần cầu nguyện với các linh mục trong Nhà thờ Chính tòa, lúc 5:50 chiều Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ.

Cuối Lễ, sau lời chào mừng của Đức Giám mục của Albano, Đức ông Marcello Semeraro, Đức Thánh Cha trở về Vatican.

Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng của Đức Thánh Cha, trong Thánh Lễ.


* * *

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trình thuật chúng ta vừa nghe xảy ra tại Giê-ri-khô, ngôi thành nổi tiếng đã bị phá hủy thời Giô-sua, mà theo Kinh Thánh sẽ không được xây dựng lại (X. Js 6): nó đã trở thành “ngôi thành bị lãng quên.” Nhưng Tin mừng cho biết Chúa Giê-su vẫn tiến vào và đi qua (x. Lc 19:1). Và trong thành này, nằm dưới mực nước biển, Ngài không sợ đến với tầng lớp thấp nhất, đại diện đó là Da-kêu. Ông ta là một người thu thuế, thật ra là một “trưởng thu thuế,” tức là một người bị dân chúng rất ghét, là người thu thuế cho Đế quốc Roma. Ông ta “giàu có” (c. 2) và trực quan có thể rất dễ dàng biết được tại sao ông ta lại được như vậy: với cái giá của những người đồng hương, bóc lột những người đồng hương. Trong con mắt của họ, Da-kêu là con người xấu xa nhất, không thể được cứu thoát. Nhưng điều đó không có trong con mắt của Chúa Giê-su, người đã gọi ông ta bằng tên, Da-kêu, có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến.” Trong ngôi thành bị lãng quên, Thiên Chúa nhớ đến người tội lỗi lớn nhất.

Trước hết, Thiên Chúa nhớ đến chúng ta. Người không quên; Người không bao giờ rời mắt khỏi chúng ta cho dù có những chướng ngại làm chúng ta xa cách với Người. Những chướng ngại đó không thiếu trong trường hợp của Da-kêu: dáng người thấp — cả về thân xác lẫn đạo đức –, và cả sự xấu hổ, vì vậy ông ta ẩn mình sau các cành cây để tìm Chúa Giê-su, có lẽ với mong muốn là ông ta không bị phát hiện. Và rồi những chỉ trích từ bên ngoài: vì sự gặp gỡ đó mà “mọi người xì xầm” trong thành (c. 7) — tuy nhiên, cha tin rằng ở Albano cũng vậy: có những xì xầm … Những giới hạn, các tội, sự xấu hổ, chuyện đồn thổi và thành kiến: nhưng chẳng có trở ngại nào làm Chúa Giê-su quên điều trọng yếu này: con người để yêu thương và cứu rỗi.

Đoạn Tin mừng này nói cho chúng ta điều gì vào ngày kỷ niệm của Nhà thờ Chính tòa? Rằng mọi nhà thờ (church), rằng Giáo hội (Church) với chữ ‘C” viết hoa hiện hữu để giữ sự ghi nhớ sống động trong tâm hồn mọi người rằng Chúa yêu thương họ. Giáo hội luôn hiện hữu để nói với mỗi người, ngay cả với những người đã xa cách: Bạn được yêu thương và Chúa Giê-su gọi tên bạn; Thiên Chúa không quên bạn, Người luôn ghi nhớ bạn trong lòng.” Anh chị em thân mến, cũng như Chúa Giê-su, đừng e sợ đi “qua” thành phố của anh chị em — đến với người bị lãng quên nhiều nhất, người ẩn nấp sau những tán cây vì xấu hổ, vì sợ, vì cô đơn –, để nói với người đó: “Thiên Chúa luôn nhớ đến bạn.”

Cha muốn nhấn mạnh đến một hành động khác của Chúa Giê-su. Ngoài việc nhớ đến, nhận ra Da-kêu, Người nhìn đến ông ta trước. Chúng ta thấy được điều này trong cách trao cái nhìn cho Da-kêu. “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai” (c. 3). Điều thú vị là Da-kêu không chỉ tìm cách để nhìn thấy Chúa Giê-su, nhưng còn để biết Đức Giê-su là ai, tức là để tìm hiểu xem Ngài là người thầy như thế nào, điểm nổi trội của Ngài là gì. Và ông ta tìm ra được điều đó, không phải là khi ông nhìn thấy Chúa Giê-su, nhưng là khi Chúa Giê-su nhìn đến ông ta, vì Da-kêu tìm cách để xem cho biết Ngài. Chúa Giê-su nhìn thấy ông trước, trước khi Da-kêu lên tiếng thì Chúa Giê-su đã nói với ông; trước khi mời Chúa Giê-su thì Chúa Giê-su đã đến nhà ông. Như vậy đã rõ Chúa Giê-su là ai: Ngài là người nhìn thấy anh chị em trước; Ngài là người yêu thương anh chị em trước; Ngài là người đón nhận anh chị em trước. Khi chúng ta khám phá ra rằng tình yêu của Người luôn đi trước chúng ta, rằng tình yêu đó chạm đến chúng ta trước hết, thì cuộc sống sẽ thay đổi.

Anh chị em thân mến, cũng như Da-kêu, nếu anh chị em đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống nhưng lại không tìm được nó, và anh chị em lại quăng mình vào những “cái thay thế cho tình yêu,” chẳng hạn như của cải, sự nghiệp, lạc thú, thì hãy để Chúa Giê-su nhìn đến anh chị em. Chỉ với Chúa Giê-su thì anh chị em mới khám phá ra rằng anh chị em đã, đang và sẽ mãi luôn được yêu thương và anh chị em sẽ “khám phá” ra được cuộc sống. Anh chị em sẽ cảm thấy lòng nhân từ vô biên của Chúa chạm đến anh chị em, đó là điều sẽ làm ngập tràn và lay động tâm hồn anh chị em. Đó là trường hợp xảy ra cho Da-kêu, và đó cũng là điều xảy ra cho mỗi chúng ta, khi chúng ta khám phá ra “điểm đầu tiên” của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su là Đấng nhìn đến chúng ta trước, là Đấng nhìn chúng ta trước, là Đấng nói với chúng ta trước, là Đấng chờ đợi chúng ta trước. Là Giáo hội, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng Chúa Giê-su có luôn là thứ nhất không: Người là thứ nhất hay chương trình của chúng ta là thứ nhất, Người là thứ nhất hay những cấu trúc của chúng ta? Mọi sự hoán cải đều được sinh ra từ sự đón nhận được lòng thương xót của Chúa trước; nó được sinh ra từ lòng nhân từ của Chúa làm say mê tâm hồn. Nếu tất cả những điều đó không bắt đầu từ cái nhìn thương xót của Chúa Giê-su, chúng ta có nguy cơ làm cho niềm tin mang tính thế gian, khiến nó trở nên phức tạp, khỏa lấp cho nó bằng quá nhiều những biên giới: những tranh cãi về văn hóa, những tầm nhìn hiệu quả, những lựa chọn chính trị, những lựa chọn phe phái … nhưng điểm trọng yếu lại bị quên đi, đó là tính đơn sơ của đức tin: điều xảy đến trước hết mọi sự: đó là sự gặp gỡ sống động với lòng thương xót của Chúa. Nếu đây không phải là trung tâm điểm, nếu đây không phải là khởi điểm và chung cuộc của mọi hành động của chúng ta, thì có nguy cơ chúng ta để Chúa “ở ngoài nhà,” tức là chỉ trong nhà thờ thì đó mới là nhà của Ngài, chứ không có Ngài trong nhà của chúng ta. Lời mời gọi của hôm nay là: hãy để cho Chúa “đầy lòng thương xót” với anh chị em. Người đến cùng với lòng thương xót của Người. Để bảo đảm được sự ưu tiên thứ nhất của Chúa, tấm gương của Da-kêu cho chúng ta thấy. Chúa Giê-su nhìn thấy ông ta trước vì ông ta trèo lên một cây sung. Đó là một hành động đòi có lòng can đảm, sự quả quyết, và sức tưởng tượng: chẳng thấy mấy người lớn tuổi mà dám trèo cây; mấy thiếu nhi và thiếu niên mới làm vậy, đó là hành động của trẻ em làm, tất cả chúng ta đều đã làm như vậy. Da-kêu vượt qua được sự xấu hổ, và theo một ý nghĩa nào đó, ông trở nên như một đứa trẻ. Điều quan trọng cho chúng ta là hãy trở nên đơn sơ, cởi mở. Để nắm chắc được ‘điểm đầu tiên’ của Chúa, tức là Lòng Thương xót của Người, không cần phải trở thành những người Ki-tô hữu quá phức tạp, là những người soạn tỷ mỷ hàng ngàn học thuyết, rồi đắm mình vào để tìm kiếm những câu trả lời trên mạng, nhưng chúng ta phải trở nên như trẻ em. Chúng rất cần có cha mẹ và bạn bè: và chúng ta rất cần có Thiên Chúa và tha nhân. Tự bản thân chúng ta không đủ; chúng ta cần phải gỡ bỏ sự tự mãn, để vượt qua được những sự khép kín, một lần nữa lại trở nên nhỏ bé trong lòng, đơn sơ và đầy nhiệt huyết, đầy động lực tiến đến với Chúa và tình thương yêu dành cho tha nhân.

Cha muốn làm rõ hành động cuối cùng của Chúa Giê-su, Đấng làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà, Ngài nói với ông Da-kêu: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5). Tại nhà của ông, ông Da-kêu, người cảm thấy mình như một người ngoại kiều ngay trong thành phố của mình, người trở về nhà của mình trở thành một người được yêu thương. Và được Chúa Giê-su yêu thương, ông tái khám phá ra những người thân cận với ông và nói: “đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, — ông này đã vơ vét được rất nhiều — tôi xin đền gấp bốn” (c. 8). Luật Môi-sê chỉ đòi hỏi phải hoàn trả lại một phần năm (x. Lv 5:24), ông Da-kêu trả lại gấp bốn lần: ông vượt xa khỏi Lề Luật vì ông đã tìm được sự yêu thương. Cảm thấy thoải mái, ông mở rộng lòng đối với anh em.

Thật tốt biết bao nếu như những người anh em và người quen biết của chúng ta cảm nhận Giáo hội như nhà của họ! Thật đáng buồn, các cộng đoàn của chúng ta lại trở nên xa lạ với quá nhiều người và chẳng có gì cuốn hút. Đôi khi chúng ta cũng bị cám dỗ tạo ra những vòng tròn khép kín, trở thành nơi thân thương cho những người được chọn. Chúng ta cảm thấy mình được chọn, chúng ta cảm thấy mình là giới người tinh hoa … Tuy nhiên, có rất nhiều anh chị em mang nỗi nhớ nhà, họ không đủ can đảm để tiến đến, có thể vì họ không cảm nhận được chào đón; có thể vì họ gặp một linh mục đối xử không tốt với họ, hoặc đuổi họ ra, là người muốn họ phải trả tiền cho các Bí tích — một điều thật kinh khủng — , và họ bỏ đi. Chúa muốn Giáo hội của Người là một ngôi nhà giữa những ngôi nhà, là một nhà thương nơi mọi người, những lữ khách cuộc đời, gặp gỡ Ngài, là Đấng đến để cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1:14).

Thưa anh chị em, ước mong rằng Giáo hội là một nơi không có người này khinh thường người kia, nhưng cư xử như Chúa Giê-su cư xử với Da-kêu, ngước nhìn lên từ phía dưới. Hãy nhớ rằng giây phút duy nhất thích hợp để nhìn một người từ trên cao xuống là khi giúp người đó đứng dậy; còn lại là hoàn toàn không thích hợp; chỉ trong giây phút đó thì một người mới có thể nhìn đến người khác theo cách đó, vì người kia đã vấp ngã. Chúng ta đừng bao giờ nhìn đến người khác như những quan tòa, nhưng luôn như những người anh em. Chúng ta không phải là những viên thanh tra đời sống của người khác, nhưng là những người thúc đẩy sự tốt lành cho mọi người. Và để trở thành người thúc đẩy sự tốt lành cho mọi người, có một điều giúp ích rất nhiều là giữ cho cái lưỡi ngay thẳng: không nói xấu về người khác. Tuy nhiên, khi cha nói những điều này, cha có nghe nói: “Thưa Cha, cha xem, đó là một điều kinh khủng, nó đến với con, vì con nhìn thấy điều đó và muốn chỉ trích.” Cha đề nghị một loại thuốc rất tốt cho bệnh này — ngoài việc cầu nguyện — là liều thuốc rất hiệu quả: hãy cắn lưỡi mình. Nó sẽ sưng phồng trong miệng anh chị em và anh chị em không thể nói được!” “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất,” Tin mừng kết luận (Lc 19:10). Nếu chúng ta tránh né những người dường như đã bị mất, chúng ta không thuộc về Chúa Giê-su. Chúng ta hãy xin ơn biết gặp gỡ người khác như một người anh em, và không nhìn thấy bất kỳ ai là một kẻ thù. Và nếu chúng ta đã bị làm tổn thương, chúng ta hãy phục hồi lại sự tốt lành. Người môn đệ của Chúa Giê-su không phải là nô lệ cho những sự ác trong quá khứ, nhưng được Thiên Chúa tha thứ, họ hành động như Da-kêu: họ chỉ nghĩ đến những điều tốt họ có thể làm. Chúng ta hãy cho đi một cách nhưng không. Chúng ta hãy yêu thương người nghèo và những người không thể đáp trả lại cho chúng ta: chúng ta sẽ trở nên giàu có trước mắt Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, cha hy vọng Nhà thờ Chính tòa của anh chị em, cũng như mọi nhà thờ khác, là nơi làm cho con người cảm thấy được Chúa ghi nhớ, được chạm đến trước hết bởi lòng thương xót của Người và được đón nhận như ở nhà, để điều đẹp đẽ nhất sẽ xảy ra trong Giáo hội: sự hân hoan vì ơn ơn cứu độ đã đến (x. c. 9). Ước mong được như vậy.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]