Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Lời Của Đức Thánh Cha Với Các Nhà Báo Trên Chuyến Bay Đến Ai-cập

Lời Của Đức Thánh Cha Với Các Nhà Báo Trên Chuyến Bay Đến Ai-cập

“Đây là một chuyến viếng thăm của tình hiệp nhất, của tình anh em”
28 tháng Tư, 2017
Lời Của Đức Thánh Cha Với Các Nhà Báo Trên Chuyến Bay Đến Ai-cập
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT lời của Đức Thánh Cha Phanxico với các nhà báo trên chuyến bay từ Roma tới Ai-cập hôm nay, 28 tháng Tư, 2017. Đức Thánh Cha được giới thiệu với các nhà báo bởi Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Greg Burke:
* * *
Greg Burke: Thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin cảm ơn người, trên tất cả xin cảm ơn người vì đặc ân được cùng đi với người. Người đã dạy chúng con nói “cảm ơn,” “xin lỗi,” “cho phép,” chúng con xin lỗi vì đánh cắp thời gian của người; tuy nhiên, Đức ông Maurizio Rueda nói với con rằng chỉ một chút xíu thời gian thôi, và con cũng đã nói điều này với các nhà báo: rằng chỉ là một lời chào thôi, không phải là thời gian để phỏng vấn đâu; thế mà, Đức Giáo hoàng lại đi chào tất cả mọi người. Cảm ơn người về chuyến đi rất quan trọng này.
Đức Thánh Cha: Cảm ơn. Tôi cảm ơn anh chị em cùng đi với tôi và công việc của anh chị em, đó sẽ là một sự cố gắng giúp nhiều người hiểu được tinh thần của chuyến đi này, biết được điều gì đã được thực hiện, điều gì được nói đến, rất nhiều điều … nhiều người theo dõi chúng ta.
Chuyến đi này có một sự mong chờ đặc biệt vì nó là một chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Tổng thống của nước Cộng hòa, của Đức Giáo chủ Tawadros II, Đức Thượng phụ của Alexandria của Giáo hội Cốp-tíc và của Đức Đại Imam của Al-Azhar. Tất cả bốn vị mời tôi thực hiện chuyến đi này. Nó là một chuyến đi của tình hiệp nhất, của tình anh em. Tôi cảm ơn anh chị em về những công việc của anh chị trong không đầy hai ngày sẽ rất, rất nhiều cảm xúc! Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]


Đức Thánh Cha tại Al-Azhar; các nhà lãnh đạo tôn giáo phải ‘lật mặt nạ’ bạo lực và thù hận

Đức Thánh Cha tại Al-Azhar; các nhà lãnh đạo tôn giáo phải ‘lật mặt nạ’ bạo lực và thù hận

Đức Thánh Cha tại Al-Azhar; các nhà lãnh đạo tôn giáo phải ‘lật mặt nạ’ bạo lực và thù hận
Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Giáo chủ Sheik Al-Tayeb tại Hội nghị Quốc tế về Hòa bình tại Đại học Al-Azhar University thứ Sáu - RV
28/04/2017 16:00
(Vatican Radio) Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải lên án những vi phạm nhân quyền và vạch trần những mưu toan biện minh cho bạo lực và thù hận nhân danh Đức Chúa. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico hôm thứ Sáu tại Hội nghị Quốc tế về Hòa bình diễn ra tại trung tâm hội nghị Al-Azhar ở Cairo. Lời của Đức Thánh Cha ngay khi bắt đầu chuyến viếng thăm hai ngày của ngài đến Ai-cập, theo sau một chuyến thăm ngoại giao Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi.
Sau bài diễn văn khai mạc của Đức Đại Imam của Al-Azhar, Sheik Ahmad Al-Tayeb, Đức Thánh Cha nói đến “di sản văn hóa vô giá” của Ai-cập rằng sự thông thái và cởi mở như vậy đang rất cần cho hôm nay để bảo đảm hòa bình cho những thế hệ hiện tại và tương lai.
Kêu gọi sự đối thoại liên tôn với tinh thần tôn trọng, Đức Thánh Cha Phanxico nói khả năng trong hai lựa chọn duy nhất cho một văn hóa gặp gỡ văn minh là “tính khiếm nhã của sự xung khắc.” Nhắc lại lần viếng thăm của Thánh Phanxico đến Đức Vua (Sultan) Ai-cập tám thế kỷ trước, ngài kêu gọi một đối thoại đặt nền tảng trên sự chân thành và sự can đảm chấp nhận những khác biệt.
Nói về Giao ước Thiên Chúa trao cho ông Môi-sê trên núi Si-nai, Đức Thánh Cha nói rằng tôn giáo không thể đơn thuần được đưa vào một phạm vi riêng, nhưng đồng thời cũng không được lẫn lộn tôn giáo với phạm vi chính trị hay bị cám dỗ bởi những quyền lực trần gian tìm cách lạm dụng nó.

Đức tin và bạo lực không thể đi đôi với nhau
Trọng tâm của lề luật được giao cho ông Môi-sê, Đức Thánh Cha tiếp tục, là lệnh truyền ‘Ngươi không được giết người’. Ngài nhấn mạnh, bạo lực “là sự phủ nhận mọi tuyên xưng tôn giáo đích thực,” và các nhà lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi phải “lật mặt nạ” bạo lực và sự ích kỷ ngụy trang như là sự thánh thiêng. Ngài nhấn mạnh rằng “Chúng ta hãy cùng nhau khẳng định tính bất tương hợp giữa bạo lực và đức tin, niềm tin và lòng thù hận,” và giữ vững “tính thiêng liêng của mọi sự sống con người.”

Vũ khí ‘nuôi dưỡng căn bệnh ung thư của chiến tranh’
Cùng hòa chung với những lời của Đức Sheik Al-Tayeb, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại thỉnh cầu của ngài phải chấm dứt việc buôn bán vũ khí, ngài nói rằng nếu vũ khí vẫn được sản xuất và bán, “chẳng sớm thì muộn chúng sẽ được sử dụng.”  Chỉ bằng cách duy nhất là đưa ra ánh sáng “những thủ đoạn đen tối nuôi dưỡng căn bệnh ung thư của chiến tranh thì mới có thể ngăn chặn được những nguyên nhân thật sự của nó,” ngài nói.

Những người xây dựng hòa bình, không phải chủ nghĩa dân túy
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải cùng nhau làm việc để loại trừ nghèo đói và chống lại sự phát triển hiện nay của chủ nghĩa dân túy không làm thăng tiến tính ổn định và hòa bình. Mọi hành động đơn phương không nhằm thúc đẩy những giải pháp chung và xây dựng, ngài cảnh báo, “là một quà tặng của những người đề xướng chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.” Ngài nói, những gì thế giới chúng ta cần là các nhà xây dựng hòa bình, không phải là những người khích động xung khắc; những người lính cứu hỏa, không phải là những kẻ đốt phá; những người rao truyền sự hòa giải, không phải là những kẻ chủ mưu phá hủy.”

Dưới đây là diễn văn đầy đủ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Hội nghị Quốc tế về Hòa bình trong Trung tâm Hội nghị Al-Azhar của Cairo

As-salamu alaykum! Bình an cho anh chị em!
Tôi tin đây là một ân ban lớn để tôi có thể bắt đầu chuyến Viếng thăm của tôi đến đất nước Ai-cập này, và được nói chuyện với quý vị trong bối cảnh của Hội nghị Quốc tế về Hòa bình. Tôi cảm tạ Đức Đại Imam đã lên chương trình và tổ chức Hội nghị này, và có nhã ý mời tôi tham dự. Tôi xin trình bày với quý vị một ít suy tư, rút từ lịch sử huy hoàng của miền đất này, qua nhiều thời đại đã cho thế giới thấy như một miền đất của các nền văn minh và một miền đất của những giao ước.

Một miền đất của các nền văn minh
Từ những thời xa xưa, nền văn hóa phát triển dọc theo bờ sông Nile đồng nghĩa với nền văn minh. Ai-cập giương cao ngọn đèn tri thức, cho ra đời một di sản văn hóa vô giá, được xây dựng bởi sự thông thái và sự khéo léo, những khám phá về toán học và thiên văn, và những hình thức vượt trội về kiến trúc và nghệ thuật hình tượng. Sự tìm kiếm tri thức và giá trị được đặt trên nền tảng giáo dục là kết quả của những quyết định đầy ý thức của những công dân cổ xưa trong miền đất này, và đã sinh nhiều hoa trái cho tương lai. Những quyết định tương tự là rất cần thiết cho tương lai của riêng chúng ta, những quyết định của hòa bình và cho hòa bình, vì sẽ không có hòa bình nếu không có nền giáo dục đúng cách cho những thế hệ tương lai. Lớp người trẻ hôm nay cũng không thể được giáo dục đúng cách nếu việc đào tạo mà họ tiếp nhận không phù hợp với bản chất của con người là cởi mở và tương thuộc.
Quả thật giáo dục phải trở thành sự khôn ngoan cho cuộc sống nếu nó có khả năng “lấy ra” được những điểm tốt nhất của con người, trong sự liên hệ với Đấng Cao Trọng hơn tất cả họ và với thế giới xung quanh họ, phát triển một ý thức về giá trị biết mở lòng mà không khóa chặt vào bản thân. Sự khôn ngoan tìm kiếm tha nhân, vượt qua những cám dỗ đi vào tính khắt khe và bảo thủ; nó mở ra và hành động, khiêm nhường và quan tâm; nó có thể trân trọng giá trị của quá khứ và sắp đặt nó vào trong cuộc đối thoại với hiện tại, đồng thời sử dụng một lối chú giải văn bản cổ phù hợp. Sự khôn ngoan chuẩn bị cho một tương lai trong đó con người không cố gắng thúc đẩy chương trình hành động của riêng mình nhưng thay vào đó bao gồm tha nhân như là một phần không thể thiếu của chính họ. Sự khôn ngoan tìm kiếm không mệt mỏi, thậm chí hôm nay, tìm ra những cơ hội để gặp gỡ và chia sẻ; từ quá khứ, nó học biết rằng cái ác chỉ tạo ra thêm cái ác, và bạo lực lại thêm bạo lực, theo vòng xoáy đưa đến kết cục nó cầm tù mọi người. Sự khôn ngoan, chối bỏ sự bất lương và lạm dụng quyền lực, tập trung vào nhân phẩm, một phẩm giá quý báu trước nhan thánh Đức Chúa, và trên nền tảng luân lý giá trị của con người, chúng ta không thấy e sợ người khác và can đảm đón nhận lấy những nguồn kiến thức được ban tặng cho chúng ta bởi Đấng Tạo Dựng.
Chính trong môi trường đối thoại này, đặc biệt đối thoại liên tôn, chúng ta liên tục được kêu gọi cùng nhau bước đi, với lòng tin vững rằng tương lai cũng lệ thuộc vào sự gặp gỡ của các tôn giáo và những nền văn hóa. Liên quan đến vấn đề này, công việc của Ủy ban Đối thoại Hỗn hợp giữa Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và Ủy ban Al-Azhar về Đối thoại cung cấp cho chúng ta một ví dụ cụ thể và đầy khích lệ. Ba phạm vi căn bản, nếu liên kết tốt với nhau, có thể hỗ trợ trong cuộc đối thoại này: bổn phận tôn trọng giá trị của chính mình và của người khác, tính can đảm chấp nhận những khác biệt, và sự chân thành của những mục tiêu.
Bổn phận tôn trọng giá trị của chính mình và của người khác, vì sự đối thoại thực sự không thể xây dựng trên tính nhập nhằng hay việc sẵn lòng hy sinh một chút gì đó vì ích lợi làm hài lòng người khác. Tính can đảm chấp nhận những khác biệt, vì những người khác biệt kia, dù là về văn hóa hay tôn giáo, không thể bị xem như hay bị đối xử như những kẻ thù, nhưng cần phải được chào đón như những người đồng hành chung đường, với niềm tin xác thực rằng cái tốt trong mỗi con người cư ngụ trong cái tốt của mọi người. Tính chân thành của những mục tiêu, vì đối thoại, như là cách diễn đạt thật sự của con người, không phải là một sách lược để đạt được những mục tiêu nào đó, nhưng hơn thế là một con đường dẫn đến sự thật, một con đường đáng được đảm nhận một cách kiên trì, để biến sự cạnh tranh thành sự hợp tác.
Một nền giáo dục trong sự cởi mở tôn trọng và đối thoại chân tình với người khác, thừa nhận những quyền và những tự do căn bản của họ, đặc biệt là tự do tôn giáo, là điển hình cho con đường tốt nhất để cùng nhau xây dựng tương lai, để trở thành những người xây dựng phép lịch sự. Vì một lựa chọn thay thế duy nhất khác của phép lịch sự khi gặp gỡ là tính khiếm nhã của xung khắc. Để chống lại một cách hiệu quả tính độc ác của những người khích động thù hận và bạo lực, chúng ta cần phải đồng hành hỗ trợ những người trẻ, giúp đỡ họ trên con đường tiến tới sự trưởng thành và dạy họ thái độ đáp trả cho luận lý khêu gợi cái ác bằng cách kiên trì làm việc cho sự phát triển những điều tốt lành. Bằng cách này, người trẻ, giống như những cây được trồng và chăm sóc tốt, có thể cắm rễ sâu vào trong lòng đất của lịch sử, và mọc hướng lên trời trong một tập thể với nhau, hàng ngày có thể biến không khí bị ô nhiễm của lòng hận thù thành khí ô-xi của tình huynh đệ.
Đứng trước thách đố văn hóa to lớn này, một thách đố vừa cấp thiết vừa rất hứng thú, chúng ta, những người Ki-tô hữu, người Hồi giáo và tất cả những người có tín ngưỡng, được kêu gọi để đưa ra phần đóng góp đặc biệt: “Chúng ta cùng sống dưới mặt trời của một Đức Chúa giàu lòng thương xót … Vì vậy, theo ý nghĩa đích thực, chúng ta có thể gọi nhau là anh em chị em … vì không có Đức Chúa, sự sống của con người cũng giống như các tầng trời mà không có ánh dương.” Nguyện xin ánh dương của tình huynh đệ mới trong danh thánh Chúa mọc lên trong vùng đất ngập tràn ánh nắng này, trở thành buổi bình minh của một nền văn minh hòa bình và gặp gỡ. Nguyện xin Thánh Phanxico Assisi, người tám thế kỷ trước đã đến Ai-cập và gặp Đức Sultan Malik al Kamil, làm trung gian cho mục tiêu này.

Một vùng đất của giao ước
Ở Ai-cập, không chỉ mặt trời của sự thông thái mọc lên, nhưng cả ánh sáng muôn màu của các tôn giáo cũng chiếu tỏa trên mảnh đất này. Nơi đây, ngược lại nhiều thế kỷ, những sự khác biệt của tôn giáo đã đóng góp “một hình thức làm phong phú lẫn nhau trong việc phục vụ một cộng đồng dân tộc chung.” Nhiều tôn giáo khác nhau gặp gỡ và sự đa dạng của các văn hóa hòa trộn nhưng không làm lẫn lộn, trong khi thừa nhận tầm quan trọng của việc cùng chung sức vì thiện ích chung. “Những giao ước” như vậy vô cùng cần thiết cho ngày nay. Nơi đây tôi lấy một biểu tượng “Núi của Giao ước” vươn lên trong vùng đất này. Trên hết núi Si-nai nhắc chúng ta rằng những giao ước đích thực trên trần gian không thể bỏ qua nước trời, rằng con người không thể cố gắng gặp gỡ nhau trong hòa bình bằng cách gạt bỏ Đức Chúa ra khỏi chân trời, và họ cũng không thể tự mình trèo lên núi để giành lấy Đức Chúa cho riêng họ (x. Xh 19:12).
Đây là một sự nhắc nhở đúng lúc trong khi phải đối mặt với một nghịch lý nguy hiểm của thời gian hiện tại. Về một mặt, tôn giáo có khuynh hướng bị gạt sang một phạm vi riêng, xem như nó không phải là một chiều kích quan trọng của nhân vị và xã hội. Đồng thời, những phạm vi tôn giáo và chính trị bị lẫn lộn và không được phân biệt đúng cách. Tôn giáo có nguy cơ bị trôi vào sự quản trị của những công việc trần thế và bị quyến rũ bởi sức hấp dẫn của những quyền lực mà thực ra lại lạm dụng nó. Thế giới chúng ta đã chứng kiến sự toàn cầu hóa của nhiều công cụ kỹ thuật hữu dụng, nhưng cũng nhìn thấy một sự toàn cầu hóa của tính thờ ơ và hời hợt, và nó chuyển động với một tốc độ chóng mặt đến mức khó mà giữ lại được. Do đó, một sự quan tâm mới nổi lên trong những câu hỏi lớn về ý nghĩa cuộc sống. Đây là những câu hỏi mà các tôn giáo phải đưa lên hàng đầu, nhắc chúng ta nhớ về cội nguồn và tiếng gọi chung cuộc của chúng ta. Chúng ta không được sinh ra để tiêu hao toàn bộ mọi năng lượng cho những công việc bấp bênh và hay thay đổi của trần gian này, nhưng để bước trên một hành trình hướng đến Đấng Tuyệt Đối là cùng đích của chúng ta. Vì tất cả những lý do này, đặc biệt ngày nay, tôn giáo không phải là một vấn đề nhưng là một phần của giải pháp: chống lại cám dỗ an cư trong một đời sống tẻ nhạt và tầm thường, nơi mọi thứ khởi đầu và kết thúc chỉ ở trên dương thế này, tôn giáo nhắc nhở chúng ta sự cần thiết nâng tâm hồn lên Đấng Tối Cao để học cách xây dựng thành trì con người.
Quay lại với hình ảnh Núi Si-nai, tôi muốn nói đến những lệnh truyền được ban bố ở đây, thậm chí trước khi chúng được khắc trên những bia đá. Trọng tâm của “lệnh truyền” này, lại vang lên, hướng đến từng cá nhân con người và với con người của mọi thế hệ, mệnh lệnh: “Ngươi không được giết người” (Xh 20:13). Đức Chúa, Đấng yêu sự sống, không bao giờ ngừng yêu thương con người, vì vậy Người khuyên răn chúng ta loại bỏ con đường bạo lực như là điều kiện cần thiết cho mọi “giao ước” trần thế. Trên tất cả và đặc biệt trong thời đại của chúng ta, các tôn giáo được kêu gọi tôn trọng lệnh truyền này, vì tất cả chúng ta đều cần có Đấng Tuyệt Đối, điều quan trọng là chúng ta phải từ bỏ bất kỳ “sự tuyệt đối hóa” nào nhằm biện minh cho bạo lực. Vì bạo lực là sự phủ nhận mọi cách tuyên xưng tôn giáo đích thực.
Vì thế, là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi phải lật mặt nạ bạo lực được ngụy trang như là sự thánh thiêng có chủ đích và dựa trên sự “tuyệt đối hóa” của tính ích kỷ nhiều hơn là thực sự mở lòng ra với Đấng Tuyệt Đối. Chúng ta có một bổn phận phải tố cáo những vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những mưu toan biện minh cho bạo lực và thù hận nhân danh Đức Chúa, và kết án những mưu toan này như là những sự nhạo báng Đức Chúa: Tên Người là Thánh, Người là Đức Chúa của hòa bình, Đức Chúa của bình an (God salaam). Vì thế, hòa bình là thánh thiêng, và không có bất kỳ hành động bạo lực nào được thực hiện nhân danh Đức Chúa, vì nó xúc phạm đến Danh của Người.
Cùng nhau, trong vùng đất này nơi trời và đất gặp gỡ, mảnh đất của những giao ước giữa các dân tộc và các tín đồ, một lần nữa chúng ta hãy cùng nhau nói “Không!” thật dõng dạc và vững chắc trước mọi hình thức bạo lực, trả thù và thù hận được thực hiện nhân danh tôn giáo hoặc nhân danh Đức Chúa. Cùng nhau chúng ta khẳng định tính bất tương hợp giữa bạo lực và đức tin, niềm tin và lòng thù hận. Cùng nhau chúng ta hãy tuyên xưng tính thiêng liêng của mọi sự sống con người chống lại các hình thức bạo lực, cho dù là thể xác, xã hội, giáo dục hay tâm lý. Nếu không được sinh ra từ một tâm hồn chân thành và tình yêu đích thực hướng về Đức Chúa giàu lòng thương xót, niềm tin không có gì khác hơn là một cấu trúc theo quy ước hoặc thuộc xã hội, nó không thể giải phóng con người, nhưng là nghiền nát con người. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng rằng: chúng ta càng phát triển trong tình yêu của Đức Chúa, chúng ta càng phát triển trong tình yêu tha nhân.
Tuy nhiên, tôn giáo không chỉ có nghĩa vụ lật mặt nạ cái ác; nó có một ơn gọi ẩn chứa bên trong để thúc đẩy hòa bình, ngày nay có lẽ cần hơn bao giờ hết. Không từ bỏ những hình thức của tính nguyên hợp (syncretism), bổn phận của chúng ta là cầu nguyện cho nhau, khẩn xin Đức Chúa ân sủng bình an, gặp gỡ nhau, gắn kết trong sự đối thoại và thăng tiến sự hòa hợp trong tinh thần hợp tác và tình bạn. Về phần chúng tôi, là những người Ki-tô hữu, “chúng tôi không thể xứng đáng cầu nguyện cùng Đức Chúa Người Cha chung nếu chúng tôi đối xử với bất kỳ ai như là một người không phải anh chị em của mình, vì tất cả mọi người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa.” Ngoài ra, chúng ta biết rằng, gắn kết trong một cuộc chiến dai dẳng chống lại cái ác đang đe dọa một thế giới biến nó không còn là “một nơi của tình huynh đệ đích thực,” Đức Chúa hứa với tất cả những ai tín thác trong tình yêu của Người rằng “con đường yêu thương mở rộng cho mọi người và nỗ lực kiến tạo tình anh em phổ quát thì không hão huyền.” Quả thật, nỗ lực đó là vô cùng quan trọng: sẽ chỉ có một tí chút hoặc chẳng ích lợi gì khi chúng ta lớn tiếng và chạy đây đó để tìm các loại vũ khí để bảo vệ chúng ta: những gì chúng ta cần hôm nay là những người xây dựng hòa bình, không phải những người khích động xung khắc; những người lính cứu hỏa, không phải là những kẻ đốt phá; những người rao truyền sự hòa giải, không phải là những kẻ chủ mưu phá hủy.
Thật đáng buồn phải nói rằng, khi những thực tại cụ thể của đời sống con người đang ngày càng bị làm ngơ vì lợi ích của những mưu đồ đen tối, những hình thức mị dân của chủ nghĩ dân túy đang trên đà phát triển. Những điều này không giúp củng cố nền hòa bình và ổn định: không có sự kích động bạo lực nào bảo đảm cho nền hòa bình, và mọi hành động đơn phương không nhằm thúc đẩy tiến trình chung và xây dựng thực ra là quà tặng của những kẻ đề xướng của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.
Để tránh xung đột và xây dựng hòa bình, việc quan trọng mà chúng ta phải dành mọi nỗ lực là loại trừ mọi hoàn cảnh nghèo đói và bóc lột nơi chủ nghĩa cực đoan dễ dàng đâm rễ, và để chặn những dòng chảy của đồng tiền và vũ khí đến tay của những kẻ kích động bạo lực. Thậm chí một cách triệt để hơn, phải đặt dấu chấm hết cho việc chạy đua vũ trang; nếu chúng được sản xuất và buôn bán, chẳng sớm thì muộn chúng sẽ được sử dụng. Chỉ bằng cách duy nhất là đưa ra ánh sáng những thủ đoạn đen tối nuôi dưỡng căn bệnh ung thư của chiến tranh thì mới có thể ngăn chặn được những nguyên nhân thật sự của nó. Các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức và giới truyền thông phải có trách nhiệm thực thi công việc khẩn thiết và quan trọng này. Cả chúng ta nữa là những người giữ một vai trò hàng đầu về văn hóa; mỗi người trong lĩnh vực riêng của mình, chúng ta được trao phó bởi Đức Chúa, bởi lịch sử và bởi tương lai để bắt đầu những tiến trình hòa bình, tìm cách đặt một nền tảng vững chắc cho các hiệp định giữa các dân tộc và nhà nước. Tôi hy vọng rằng vùng đất Ai-cập cao quý và dấu yêu này, với sự trợ giúp của Đức Chúa, có thể tiếp tục đáp lời lại cho tiếng gọi mà nó đã đón nhận để trở thành một vùng đất của nền văn minh và của giao ước, và từ đó đóng góp cho sự phát triển những tiến trình hòa bình cho dân tộc thân yêu của nó và cho toàn khu vực Trung Đông.
As-salamu alaykum!  Bình an cho quý vị!

[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]



Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phanxico Trước Các Giới Chức Chính Phủ Ai-cập: Toàn Văn

Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phanxico Trước Các Giới Chức Chính Phủ Ai-cập: Toàn Văn

Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phanxico Trước Các Giới Chức Chính Phủ Ai-cập: Toàn Văn
Đức Thánh Cha Phanxico bước đi bên ạnh Tổng thống Ai-cập Abdel-Fattah El-Sissi ở Cairo - AP
28/04/2017 17:00
(Vatican Radio) Toàn văn bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Chính phủ và Ngoại giao đoàn.

Diễn văn của Đức Giáo hoàng Phanxico
trước các Giới chức Chính phủ và Ngoại giao đoàn
Heliopolis, Ai-cập
28 tháng Tư 2017
Kính thưa ngài Tổng thống,
Kính thưa các Thành viên đáng kính của Chính phủ và Quốc hội,
Kính thưa các vị Đại sứ và thành viên của Ngoại giao đoàn,
Kính thưa quý vị,
As-salamu alaykum!  Bình an cho quý vị!
Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống về những lời chào thân ái và lời mời đến thăm đất nước thân yêu của ngài. Tôi có những kỷ niệm rất sống động về chuyến viếng thăm của ngài đến Roma tháng Mười Một 2014, cuộc gặp gỡ huynh đệ với Đức Giáo chủ Tawadros II năm 2013, và cuộc gặp gỡ của tôi năm ngoái với Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyib.
Tôi rất hạnh phúc được ở đây trong đất nước Ai-cập, một vùng đất của nền văn minh cổ xưa và cao quý, với những dấu tích thậm chí cho đến hôm nay vẫn còn nhắc nhở chúng ta; trong vẻ huy hoàng tráng lệ mà chúng đứng vững vượt thời gian. Vùng đất này vô cùng quan trọng cho lịch sử của nhân loại và cho truyền thống Giáo hội, không chỉ vì quá khứ vang dội của nó – của các Pha-ra-ông, của Cốp-tíc và của Hồi giáo – nhưng cũng còn rất nhiều Tổ phụ đã sống ở Ai-cập hoặc đã đi qua nó. Quả thật, Ai-cập thường được nói đến trong Kinh Thánh. Trong vùng đất này, Thiên Chúa đã nói và “tỏ lộ danh Người cho ông Môi-sê” (GIO-AN PHAO-LÔ II, Nghi thức Chào đón, 24 tháng Hai 2000: Insegnamenti XXIII, 1 [2000], 248), và trên Núi Si-nai Người đã trao phó cho dân Người và toàn nhân loại các Điều răn của Thiên Chúa. Trên mảnh đất của Ai-cập Thánh gia Giê-su, Maria và Giu-se đã tìm được nơi nương náu và lòng hiếu khách.
Lòng hiếu khách quảng đại được thể hiện hơn hai ngàn năm trước vẫn còn giữ lại trong ký ức của nhân loại và là một suối nguồn của muôn vàn phúc lành tiếp tục trải rộng. Vì thế, Ai-cập là một vùng đất theo một ý nghĩa nào đó tất cả chúng ta cảm thấy là của riêng mình! Cũng như quý vị nói, “Misr um al-dunya” – “Ai-cập là mẹ của thế giới.” Cả ngày hôm nay nữa, vùng đất này chào đón hàng triệu người tị nạn từ nhiều quốc gia khác nhau, gồm có Sudan, Eritrea, Syria và Iraq, những người tị nạn mà quý vị đã có những nỗ lực thật đáng tán dương để hội nhập họ vào với xã hội Ai-cập.
Nhờ vào lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt của mình, Ai-cập có một vai trò hoạt động độc nhất trong vùng Trung Đông và giữa những quốc gia đang tìm những giải pháp cho các vấn đề đang đè nặng và phức tạp cần phải giải quyết bây giờ để tránh sự lan tràn tình trạng bạo lực xấu hơn. Tôi đang nói đến những bạo lực mù quáng và hung tàn gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: khao khát quyền lực tuyệt đối, buôn bán vũ khí, những vấn đề xã hội u ám mà chủ nghĩa cực đoan tôn giáo sử dụng danh của Thượng Đế để thực hiện những tàn sát và bất công chưa bao giờ thấy.
Vai trò này của Ai-cập cũng là lý do thúc đẩy mọi người lên tiếng kêu gọi cho một Ai-cập nơi không thiếu lương thực, tự do và công bằng xã hội. Chắc chắn mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả sẵn lòng, cùng nhau, biến lời nói thành hành động, những khao khát thực sự trở thành những cam kết, những luật trên văn bản trở thành luật thi hành, bằng cách thu hút tài năng thiên bẩm của người dân Ai-cập.
Ai-cập vì thế có một bổn phận riêng, cụ thể là, tăng cường và củng cố hòa bình trong vùng cho dù nó có bị tấn công trên chính mảnh đất của mình bởi những hành động bạo lực vô nghĩa. Những hành động bạo lực như vậy đã gây ra sự đau khổ bất công cho quá nhiều gia đình – một số người trong đó đang hiện diện giữa chúng ta đây – những người phải khóc thương cho những đứa con của họ.
Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những cá nhân trong những năm gần đây đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ quê hương của quý vị: những người trẻ tuổi của những lực lượng vũ trang và cảnh sát, những công dân Cốp-tíc và tất cả những nạn nhân vô danh của nhiều hình thức khác nhau của chủ nghị cực đoan khủng bố. Tôi cũng nghĩ đến những vụ giết hại và đe dọa đã dẫn đến một cuộc di tản của những người Ki-tô hữu ra khỏi miền Bắc Si-nai. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân tới những giới chức dân sự và tôn giáo và tất cả những người đã chào đón và trợ giúp cho tất cả những người này, những con người đã phải chịu quá nhiều đau khổ. Tôi cũng nghĩ đến những nạn nhân của các vụ tấn công vào các nhà thờ Cốp-tíc, cả trong tháng Mười Hai năm trước và gần đây hơn ở Tanta và Alexandria.  Với tất cả những thành viên của các gia đình, và với toàn dân tộc Ai-cập, tôi xin chân thành chia buồn và dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn mau chữa lành những vết thương này.
Thưa ngài Tổng thống, thưa quý vị đáng kính,
Tôi xin động viên những nỗ lực lớn đang được đưa ra để hoàn thành một số dự án và nhiều sáng kiến xây dựng hòa bình, cả trong đất nước và vượt ra ngoài biên giới quốc gia, nhằm mục tiêu tiến đến sự phát triển trong thịnh vượng và hòa bình, điều mà dân tộc này khao khát và xứng đáng được hưởng.
Phát triển, thịnh vượng và hòa bình là những ích lợi quan trọng xứng đáng cho mọi sự hy sinh. Chúng cũng là những mục tiêu đòi hỏi lao động khó nhọc, sự vững tin và cam kết, kế hoạch phù hợp, và trên hết, sự tôn trọng vô điều kiện nhân quyền chẳng hạn sự bình đẳng giữa mọi công dân, sự tự do tôn giáo và tự do bày tỏ, không có bất kỳ khác biệt nào (x. Tuyên ngôn nhân quyền toàn cầu; Hiến pháp Ai-cập năm 2014, Chương 3) . Cả những mục tiêu, đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng về vai trò của phụ nữ, giới trẻ, người nghèo và người đau bệnh. Chung quy lại, sự phát triển thực sự được đánh giá qua sự quan tâm đến con người, là trung tâm của của mọi sự phát triển: quan tâm đến giáo dục, sức khỏe và phẩm giá của họ. Sự vĩ đại của bất kỳ quốc gia nào đều được thể hiện trong việc chăm sóc hiệu quả cho những thành viên yếu đuối nhất của xã hội – phụ nữ, trẻ em, người già, người đau bệnh, người khuyết tật và những nhóm thiểu số – không để bất kỳ người nào và nhóm xã hội nào bị loại trừ hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Trong tình hình mong manh và phức tạp của thế giới ngày nay, điều mà tôi mô tả như là “một chiến tranh thế giới theo từng khu vực,” rất cần phải khẳng định rõ ràng rằng không thể xây dựng bất kỳ một xã hội văn minh nào nếu không biết loại bỏ mọi hệ tư tưởng tội ác, bạo lực và chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để đàn áp người khác và để tiêu diệt tính đa dạng bằng cách bóp méo và xúc phạm Danh Thánh của Đức Chúa. Thưa ngài Tổng thống, ngài đã nhiều lần nói đến điều này, với một sự rõ ràng đáng phải chú ý và trân trọng.
Tất cả chúng ta đều có bổn phận phải dạy cho những thế hệ tương lai rằng Đức Chúa, Đấng Tạo Dựng trời và đất, không cần phải được bảo vệ bởi con người; quả thật, chính Ngài là người bảo vệ chúng ta. Ngài không bao giờ mong muốn đem cái chết đến cho con cái của Ngài, nhưng là đem đến sự sống và hạnh phúc cho họ. Ngài không đòi hỏi và cũng không bào chữa cho bạo lực; quả thật, Ngài ghê tởm và chối bỏ bạo lực (“Thiên Chúa … ghét những ai ưa thích bạo tàn”: Tv 11:5). Đức Chúa đích thực đòi hỏi tình yêu vô điều kiện, sự tha thứ nhưng không, lòng thương xót, sự tôn trọng tuyệt đối mọi sự sống, và tình huynh đệ giữa những đứa con của Ngài, người tín hữu cũng như không có tín ngưỡng.
Bổn phận của chúng ta phải cùng nhau tuyên bố rằng lịch sử không tha thứ cho những ai rao giảng công bằng, nhưng rồi thực hành sự bất công. Lịch sử không tha thứ cho những ai nói về bình đẳng, nhưng rồi loại bỏ những ai khác biệt. Bổn phận của chúng ta là phải lật lớp mặt nạ của những người gieo rắc các ảo tưởng về cuộc sống đời sau, những người rao truyền lòng hận thù để cướp đi của người dân thường cuộc sống hiện tại và quyền được sống với đúng phẩm giá của họ, và bóc lột người khác bằng cách tước mất của họ khả năng chọn lựa một cách tự do và tin tưởng một cách hợp lý. Bổn phận của chúng ta là tháo bỏ hết mọi ý tưởng chết chóc và những hệ tư tưởng cực đoan, đồng thời giữ vững tính bất tương hợp giữa đức tin đích thực và bạo lực, giữa Thiên Chúa và những hành động sát nhân.
Và lịch sử tôn vinh những con người của hòa bình, những người dũng cảm và đấu tranh bất bạo động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).
Ai-cập, trong thời của ông Giu-se, đã cứu những dân tộc khác thoát khỏi nạn đói (x. St 47:57); ngày nay đất nước này được kêu gọi để cứu lấy vùng đất thân thương đây khỏi cái đói của tình yêu thương và huynh đệ. Nó được kêu gọi phải kết án và chế ngự mọi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Nó được kêu gọi để gieo rắc những hạt giống của hòa bình trong mọi trái tim đang đói sự chung sống hòa bình, việc làm đúng phẩm giá và giáo dục nhân bản. Ai-cập, trong việc xây dựng hòa bình và đồng thời chống lại chủ nghĩa khủng bố, được kêu gọi để đưa ra bằng chứng cho câu nói “al-din lillah wal watan liljami”tôn giáo thuộc về Thượng đế và là đất nước cho mọi người, như câu khẩu hiệu của Cuộc Cách mạng 23 tháng Bảy 1952 tuyên bố. Ai-cập được kêu gọi để minh chứng rằng chúng ta có thể tin tưởng và sống hòa hợp với nhau, chia sẻ những giá trị nền tảng của con người và tôn trọng sự tự do và niềm tin của tất cả (x. Hiến pháp Ai-cập 2014, Mục 5). Ai-cập có một vai trò rất quan trọng trong việc này, để cho khu vực này, cái nôi của ba tôn giáo lớn, có thể và sẽ chắc chắn bừng dậy sau một đêm dài thống khổ, và lại một lần nữa rực rỡ chiếu rọi những giá trị cao trọng của công bình và huynh đệ là nền tảng vững chắc và con đường cần thiết cho hòa bình (x. Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2014, 4). Nơi những dân tộc vĩ đại, người ta không thể mong chờ ít hơn!
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và nước Cộng hòa Ả-rập Ai-cập, là một trong những quốc gia Ả-rập đầu tiên thiết lập quan hệ này. Những mối quan hệ đó luôn được khắc ghi bằng tình bạn, sự quý trọng và sự hợp tác song phương. Tôi hy vọng rằng Chuyến Viếng thăm của tôi có thể giúp củng cố và làm vững mạnh những điều này.
Hòa bình là một món quà của Thượng Đế, nhưng cũng là công trình của con người. Nó là một sự tốt lành phải được xây dựng và bảo vệ, tôn trọng nguyên tắc giữ vững sức mạnh của luật pháp nhưng không phải luật pháp của sức mạnh (x. Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2017, 1). Hòa bình cho đất nước yêu dấu này! Hòa bình cho toàn khu vực, và đặc biệt cho Palestine và Israel, cho Syria, cho Libya, Yemen, cho Iraq, cho Nam Sudan. Hòa bình cho mọi dân tộc thiện chí!
Kính thưa ngài Tổng thống, thưa quý vị,
Tôi xin gửi lời chào thân ái và một cái ôm của tình phụ tử tới tất cả mọi người dân Ai-cập, với những người đại diện có mặt trong khán phòng này. Tôi cũng gửi lời chào đến những người con Ki-tô hữu của tôi, và những người anh em chị em sống trên đất nước này: người Cốp-tíc, người Chính thống, người Hy-lạp Byzantine, người Chính thống Armenia, người Tin lành và Công giáo. Nguyện xin Thánh Mác-cô, vị thánh sử của miền đất này, dõi mắt trông nom quý vị và giúp tất cả chúng ta xây dựng và đạt được sự hiệp nhất mà Đức Chúa của chúng ta vô cùng khát khao (x. Ga 17:20-23). Sự hiện diện của quý vị nơi đây, trong đất nước này, không phải là mới mẻ hay tình cờ, nhưng đã từ xa xưa và là một phần không thể tách rời của lịch sử Ai-cập. Quý vị là một phần không thể thiếu của đất nước này, và qua dòng thời gian của nhiều thế kỷ, quý vị đã phát triển được một sự hòa hợp duy nhất, một mối quan hệ tương giao đặc biệt có thể lấy làm mẫu gương cho các dân tộc khác. Quý vị đã thể hiện, và tiếp tục thể hiện, rằng chúng ta có thể cùng chung sống trong sự tôn trọng lẫn nhau và sự công bằng, tìm thấy sự khác biệt là một nguồn lực cho sự phong phú và không bao giờ xem đó là một động cơ của xung đột (x. BENEDICT XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Medio Oriente, 24 và 25).
Xin cảm ơn sự chào đón nồng hậu của quý vị. Tôi khẩn cầu Đấng Toàn năng và Thiên Chúa Duy Nhất ban tràn đầy phúc lành cho mọi người dân Ai-cập. Nguyện xin Ngài ban hòa bình và thịnh vượng, phát triển và công bình cho Ai-cập, và chúc lành cho mọi người con của dân tộc!
“Ta giáng phúc cho Ai-cập, dân của Ta,” Đức Chúa nói trong Sách I-sai-a (19:25).
Shukran wa tahya misr! Xin cảm ơn và Ai-cập muôn năm!

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]



Đức Thánh Cha Phanxico đến Cairo trong chuyến Tông du thứ 18

Đức Thánh Cha Phanxico đến Cairo trong chuyến Tông du thứ 18

Đức Thánh Cha Phanxico đến Cairo trong chuyến Tông du thứ 18
Đức Thánh Cha Phanxico được chào đón tại Dinh Tổng thống Ai-cập - RV
28/04/2017 12:20
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã đến Ai-cập để bắt đầu chuyến Tông du đến đất nước này.
Đức Thánh Cha bước xuống Sân bay Quốc tế Cairo chiều thứ Sáu, tại đây ngài được đón tiếp bởi Đức Bruno, Khâm sứ tại Cairo, và một đại diện của Tổng thống Ai-cập, Abdel-Fattah Al Sisi.
Sau khi đến thủ đô Ai-cập Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Dinh Tổng thống để thăm ngoại giao vị đứng đầu nhà nước và có nghi thức chào đón.
Theo sau một cuộc gặp gỡ riêng, Tổng thống và Đức Thánh Cha Phanxico tặng quà nhau. Đức Thánh Cha tặng tổng thống huy chương kỷ niệm cho chuyến viếng thăm của ngài, trên đó mô tả cuộc chạy trốn của Gia Đình Thánh đến Ai-cập của họa sĩ Daniela Longo.
Sau đó Đức thánh Cha sẽ đọc diễn văn tại Hội nghị Hòa bình Quốc tế ở Đại học Al-Azhar trong đó cũng sẽ có sự tham dự của Đức Đại Imam Sheik Ahmed el-Tayeb.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]



Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng

‘Thế giới hôm nay, thường xuyên bị phá vỡ bởi bạo lực, lòng tham và sự thờ ơ, đang rất cần chứng tá của chúng ta cho thông điệp Tin vui hy vọng vào quyền năng cứu độ và hòa giải của tình yêu Thiên Chúa’
27 tháng Tư, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
L'OSSERVATORE ROMANO - PHOTO.VA
Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước các thành viên của Quỹ Giáo hoàng, họ đang ở Roma trong chuyến hành hương thường niên. Quỹ này là một tổ chức bác ái hỗ trợ tài chính cho những hoạt động mục vụ của các đức giáo hoàng.
__
Tôi rất vui được chào đón các thành viên của Quỹ Giáo hoàng trong chuyến viếng thăm thường niên của anh chị em đến Roma. Buổi họp mặt của chúng ta hôm nay ngập tràn niềm vui của mùa Phục sinh, khi Giáo hội kỷ niệm vinh quang của Thiên Chúa vượt thắng cái chết và ơn sủng sự sống mới của Người qua Chúa Thánh Thần. Tôi hy vọng chuyến hành hương của anh chị em đến Kinh Thành Muôn Thuở sẽ củng cố anh chị em trong đức tin và sự hy vọng, và trong cam kết của anh chị em thúc đẩy sứ vụ của Giáo hội qua cách hỗ trợ rất nhiều sự kiện tôn giáo và bác ái gần gũi với tâm hồn của Giáo hoàng.
Thế giới hôm nay, thường xuyên bị phá vỡ bởi bạo lực, lòng tham và sự thờ ơ, đang rất cần chứng tá của chúng ta cho thông điệp Tin vui hy vọng vào quyền năng cứu độ và hòa giải của tình yêu Thiên Chúa. Tôi xin tri ân lòng khát khao của anh chị em hỗ trợ những nỗ lực của Giáo hội để công bố thông điệp hy vọng cho đến ngày tận cùng của trái đất và hoạt động cho sự thăng tiến tinh thần và vật chất cho các anh em chị em của chúng ta trên khắp thế giới, đặc biệt trong những quốc gia đang phát triển. Mỗi người chúng ta, là một thành viên sống của thân thể của Đức Ki-tô, được kêu gọi để thúc đẩy tình hiệp nhất và hòa bình theo thánh ý của Chúa Cha, trong Đức Ki-tô, cho gia đình nhân loại của chúng ta và tất cả mọi thành viên trong đó. Tôi xin anh chị em, như là một phần trọng yếu của cam kết cùng hoạt động với Quỹ Giáo hoàng, hãy cầu nguyện cho những nhu cầu của người nghèo, cho sự hoán cải của các tâm hồn, cho sự loan báo Tin mừng, và cho sự phát triển của Giáo hội trong nhiệt huyết thánh thiện và thừa sai. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi!
Các bạn thân mến, với những lời động viên, và với lòng trìu mến, tôi xin dâng anh chị em và gia đình anh chị em trong sự can thiệp đầy yêu thương của Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội. Tôi ban Phép lành Tòa thánh cho tất cả anh chị em như là một sự bảo đảm về niềm vui và bình an mãi mãi trong Thiên Chúa.
Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/04/2017]
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Quỹ Giáo hoàng