Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn đồng tiền

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn đồng tiền

© Vatican Media

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn đồng tiền

‘Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa’

18 tháng Mười, 2020 13:14

JIM FAIR

 

Người dân Israel bị chiếm đóng có nên đóng thuế cho Xêda không? Đó là câu hỏi mà những kẻ thù của Chúa Giêsu sử dụng để đặt ra một cái bẫy trong bài đọc Phúc Âm hôm nay trong chương 22 của Thánh Mátthêu.

Nói chuyện với đám đông tín hữu “giãn cách xã hội” trong Quảng trường Thánh Phêrô trước giờ đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa, Đức Thánh Cha Phanxico giải thích về cách Chúa đối phó với câu hỏi — và tránh cái bẫy của những kẻ chỉ trích Ngài.

Đức Thánh Cha giải thích, “Nhưng Ngài biết sự gian ác của họ và tránh được cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem đồng tiền, đồng tiền thuế, cầm nó trong tay và hỏi người trong hình trên đồng tiền là ai. Họ trả lời rằng đó là của Xêda, tức là của Hoàng đế. Thì Chúa Giêsu liền trả lời: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (câu 21). Với câu trả lời này, Chúa Giêsu đặt bản thân Ngài vượt lên trên sự tranh cãi. Chúa Giêsu, luôn luôn vượt trên.”

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục giải thích rằng dụ ngôn có những áp dụng cho thế giới ngày nay.

“Trong câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ tìm thấy những tiêu chuẩn để phân biệt giữa phạm vi chính trị và phạm vi tôn giáo; những hướng dẫn rõ ràng hiện lên cho sứ vụ của tất cả các tín hữu thuộc mọi thời đại, thậm chí cả với chúng ta ngày nay. Nộp thuế là nghĩa vụ của người công dân, cũng như tuân thủ luật pháp của nhà nước. Đồng thời, cần phải khẳng định vị trí đứng đầu của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Thiên Chúa Trời đối với tất cả những gì thuộc về Ngài.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này (xem Mt 22, 15-21) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chống lại thói giả hình của những kẻ thù nghịch của Ngài. Họ dành nhiều lời khen cho Ngài – ban đầu là rất nhiều lời khen – nhưng sau đó lại đặt một câu hỏi xảo quyệt để đưa Ngài vào rắc rối và làm mất uy tín của Ngài trước thiên hạ. Họ hỏi Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (câu 17), nghĩa là nộp thuế cho hoàng đế. Vào thời điểm đó, ở Palestine, sự thống trị của Đế quốc La Mã đã yếu – và có thể hiểu được rằng họ là những kẻ xâm lược – cũng vì lý do tôn giáo. Đối với dân chúng, việc tôn thờ hoàng đế được đề cao bằng hình ảnh của ông ta in trên đồng tiền là một sự xúc phạm đến Đức Chúa của Israel. Những kẻ đối thoại với Chúa Giêsu tin chắc rằng không có lựa chọn nào khác cho câu hỏi của họ: chỉ là “có” hoặc “không”. Họ chờ đợi, vì họ chắc chắn đã đẩy được Chúa Giêsu vào góc tường với câu hỏi này và đưa Ngài rơi vào bẫy. Nhưng Ngài biết sự gian ác của họ và tránh được cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem đồng tiền, đồng tiền thuế, cầm nó trong tay và hỏi người trong hình trên đồng tiền là ai. Họ trả lời rằng đó là của Xêda, tức là của Hoàng đế. Thì Chúa Giêsu liền trả lời: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (câu 21).

Với câu trả lời này, Chúa Giêsu đặt bản thân Ngài vượt lên trên sự tranh cãi. Chúa Giêsu, luôn luôn vượt trên. Một mặt, Ngài thừa nhận rằng phải nộp cống cho Xêda – với tất cả chúng ta cũng vậy, cũng phải nộp thuế – vì hình ảnh trên đồng tiền là của ông ta; nhưng trên hết, Ngài nhắc lại rằng mỗi người đều mang trong mình một hình ảnh khác – chúng ta mang hình ảnh đó trong con tim, trong linh hồn – là hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó, mỗi con người mắc nợ sự sống của bản thân mình với chính Người, và chỉ có mình Người mà thôi.

Trong câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ tìm thấy những tiêu chuẩn để phân biệt giữa phạm vi chính trị và phạm vi tôn giáo; những hướng dẫn rõ ràng hiện lên cho sứ vụ của tất cả các tín hữu thuộc mọi thời đại, thậm chí cả với chúng ta ngày nay. Nộp thuế là nghĩa vụ của người công dân, cũng như tuân thủ luật pháp của nhà nước. Đồng thời, cần phải khẳng định vị trí đứng đầu của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Thiên Chúa Trời đối với tất cả những gì thuộc về Ngài.

Do đó, sứ vụ của Giáo Hội và của các Kitô hữu là nói về Thiên Chúa và làm chứng về Ngài cho những người nam và người nữ trong thời đại chúng ta. Mỗi người chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội, được mời gọi trở nên một sự hiện diện sống động trong xã hội, truyền cảm hứng cho nó bằng Tin Mừng và với nguồn mạch của Chúa Thánh Thần. Đó là vấn đề cam kết bản thân với lòng khiêm nhường, đồng thời với sự can đảm, đóng góp cho việc xây dựng nền văn minh của tình yêu, nơi công bằng và tình huynh đệ ngự trị.

Xin Mẹ Maria Chí Thánh giúp tất cả chúng ta thoát khỏi thói giả hình và trở thành những công dân trung thực và có tinh thần xây dựng. Và xin Mẹ nâng đỡ chúng ta, những người môn đệ của Đức Kitô, trong sứ mạng làm chứng rằng Thiên Chúa là trung tâm và ý nghĩa của cuộc sống.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta mừng Khánh nhật Truyền giáo, có chủ điểm “Dạ con đây, xin sai con đi. Những người thợ dệt tình huynh đệ.” Từ “thợ dệt” này thật là đẹp: mọi người Kitô giáo đều được kêu gọi để trở thành người thợ dệt tình huynh đệ. Các nhà truyền giáo – các linh mục, những người nam nữ sống đời thánh hiến, và giáo dân –, những người gieo Tin Mừng trong cánh đồng rộng lớn của thế giới, là vô cùng đặc biệt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và hỗ trợ thiết thực cho họ. Trong bối cảnh này, cha dâng lời cảm tạ Chúa vì việc trả tự do được mong đợi từ lâu cho Cha Pier Luigi Maccalli… – chúng ta cùng chào đón ngài bằng tràng pháo tay! – ngài đã bị bắt cóc hai năm trước ở Niger. Chúng ta cũng vui mừng vì ba con tin khác cùng được thả với ngài. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và các giáo lý viên, cũng như cho những người bị bắt bớ hoặc bị bắt cóc ở nhiều nơi trên thế giới.

Cha xin gửi lời động viên và sự hỗ trợ tới các ngư dân bị giam giữ ở Libya hơn một tháng, và gia đình của họ. Dâng họ lên cho Đức Maria Sao Biển, để cầu xin cho họ luôn hy vọng sớm được trao cái ôm cho những người thân yêu của họ. Cha cũng cầu nguyện cho các cuộc thảo luận khác nhau đang diễn ra ở cấp độ quốc tế, để chúng có thể phù hợp cho tương lai của Libya. Thưa anh chị em, đã đến lúc phải chấm dứt mọi hình thức thù địch, thúc đẩy đối thoại để dẫn đến hòa bình, ổn định và thống nhất đất nước. Chúng ta cùng thinh lặng cầu nguyện cho các ngư dân và cho Libya.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, những người Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha gửi lời chào và ban phép lành cho cộng đoàn anh chị em người Peru ở Roma, họp nhau tại đây với bức ảnh tôn kính Señor de los Milagros. Xin cùng vỗ tay hoan hô cộng đoàn anh chị em người Peru! Cha cũng xin chào các tình nguyện viên của Cơ quan Bảo vệ Động vật và Tính hợp pháp của Ý.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/10/2020]


Các bác sĩ, linh mục nhớ lại những ngày cuối cùng của Chân phước Carlo Acutis

Các bác sĩ, linh mục  nhớ lại những ngày cuối cùng của Chân phước Carlo Acutis

Các bác sĩ, linh mụ  nhớ lại những ngày cuối cùng của Chân phước Carlo Acutis

carloacutis.com

 

John Burger

18/10/20


Cha Villa nói: “Dường như Chân phước đã mong chờ” các bí tích, “và cảm thấy cần các bí tích đó.”

Carlo Acutis, 15 tuổi, người đã được phong chân phước trong một nghi thức tuần trước ở Ý, nằm viện không lâu trước khi qua đời vì ung thư. Nhưng Chân phước đã để lại ấn tượng lâu dài với các bác sĩ và linh mục chăm sóc bên cạnh.

“Carlo giống như một ngôi sao băng lướt nhanh qua phòng của chúng tôi; bệnh bạch cầu đã cướp đi Chân phước trước khi chúng tôi có thể biết được ngài, dù chỉ một chút,” hai bác sĩ của chân phước viết trong một bài báo được đọc trong một sự kiện sau lễ phong chân phước cuối tuần trước. “Tuy nhiên, đôi mắt đẹp của chân phước vẫn khắc sâu [trong ký ức của chúng tôi]. Ánh mắt của chân phước toát lên sự thể hiện … của lòng can đảm, của tình yêu và sự đồng cảm mạnh mẽ.”

Chân phước Carlo là một thiếu niên Công giáo nhiệt thành, tham dự Thánh lễ hàng ngày, yêu mến Thánh Thể và dùng niềm đam mê vi tính để truyền giáo. Chân phước mất ngày 12 tháng Mười năm 2006.

Hai vị bác sĩ — Andrea Biondi và Mòmcilo Jankovic — đã điều trị cho Chân phước Carlo tại Bệnh viện Thánh Gerald bên ngoài Milan vì bệnh bạch cầu cấp tính promyelocytic. Người thiếu niên đã chết trong vòng một tuần sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, nhưng đã dâng hiến sự đau khổ của mình cho đức Giáo hoàng và cho Giáo hội.

“Đức tin vào Thiên Chúa của chân phước, là điều mà chân phước đã muốn và vẫn muốn truyền lại cho người khác, cho anh em của mình, đã tỏa sáng qua chân phước,” các bác sĩ viết, theo một báo cáo tại Catholic News Agency. “Đôi mắt dịu dàng của chân phước … đã dạy chúng tôi rất nhiều điều: cuộc sống dù ngắn hay dài cũng phải sống thật hết mình cho chính bản thân, nhưng trên hết là cho tha nhân.”

Ngoài ra, cha Sandro Villa là vị tuyên úy đã xức dầu cho Chân phước Carlo và trao Mình Thánh cho chân phước trong những ngày cuối đời kể lại “sự điềm tĩnh và thành tâm” khi lãnh nhận các bí tích.

Cha Villa cho biết tại sự kiện ngày 13 tháng Mười ở Assisi, “Trong một căn phòng nhỏ ở cuối hành lang, tôi thấy mình đứng trước một cậu bé. Khuôn mặt nhợt nhạt nhưng thanh thản của cậu khiến tôi ngạc nhiên — không thể tưởng tượng được nơi một người bệnh nặng, đặc biệt là một thiếu niên.”

Việc xức dầu diễn ra ngày 10 tháng Mười năm 2006, một ngày trước khi cậu bé hôn mê vì xuất huyết não.

Vị linh mục nói: “Tôi cũng rất ngạc nhiên bởi sự điềm tĩnh và lòng thành tâm, mặc dù có khó khăn, khi cậu thiếu niên lãnh nhận hai bí tích. Dường như Chân phước mong chờ các bí tích, và cảm thấy cần các bí tích đó.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/10/2020]