Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Chúa Kitô Vua

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Chúa Kitô Vua

© Vatican Media

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Chúa Kitô Vua

‘Chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ lớn lao’

22 tháng Mười Một, 2020 14:31

JIM FAIR


Đức Thánh Cha Phanxicô muốn mọi người theo đuổi những ước mơ của họ — và hôm nay ngài nói rằng Thiên Chúa muốn mọi người “chạy đua một cách táo bạo và hân hoan hướng tới các mục tiêu cao cả”.

Trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhở tín hữu rằng các mối phúc thương xót là “những việc làm đẹp nhất trong cuộc đời”. Và ngài nhấn mạnh rằng để đạt được những ước mơ đòi hỏi phải đưa ra “những lựa chọn lớn lao”.

Đức Thánh Cha thúc giục, “Giới trẻ các con thân yêu, anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ lớn lao. Chúng ta đừng miễn cưỡng chấp nhận những gì cần thiết. Thiên Chúa không muốn chúng ta thu hẹp những chân trời của mình, hoặc tiếp tục dừng lại bên những lề đường cuộc sống. Người muốn chúng ta chạy đua một cách táo bạo và hân hoan hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được tạo dựng để mơ ước về những kỳ nghỉ hè hay nghỉ cuối tuần, mà là để làm cho những ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực trên thế giới này.

“Chúa làm cho chúng ta có khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm lấy vẻ đẹp của cuộc sống. Những mối phúc thương xót là những công việc đẹp nhất trong cuộc đời. Chúng đi thẳng vào trung tâm của những giấc mơ lớn lao của chúng ta… Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta bắt đầu biến những giấc mơ vĩ đại thành hiện thực? Với những lựa chọn lớn lao.”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “nét đẹp của những lựa chọn” có nghĩa là đặt những lựa chọn đó trên nền tảng tình yêu. Điều đó đòi hỏi phải trao tặng cho người khác và gạt bỏ tính quy ngã.


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Chúng ta vừa nghe trang Phúc âm của Thánh Mátthêu ngay trước trình thuật về Cuộc Thương khó của Đức Kitô. Trước khi tuôn đổ tình yêu cho chúng ta trên thập giá, Chúa Giêsu chia sẻ những mong ước cuối cùng của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng những việc tốt lành mà chúng ta làm cho một trong những anh chị em bé mọn nhất của mình – dù đó là người đói hay khát, người xa lạ, người hoạn nạn, đau ốm hay trong lao tù – là chúng ta làm cho Ngài (x. Mt 25,37-40). Bằng cách này, Chúa tặng cho chúng ta “danh sách quà tặng” của Ngài cho tiệc cưới vĩnh cửu mà Ngài sẽ chia sẻ với chúng ta trên thiên đàng. Những món quà đó là các mối phúc thương xót làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên trường tồn. Mỗi người chúng ta hãy đặt câu hỏi: Tôi có thực hành những mối phúc này không? Tôi có làm điều gì cho người đang cần giúp đỡ không? Hay tôi chỉ làm điều tốt lành cho những người thân yêu và bạn bè của tôi? Tôi có giúp cho một người không thể trả lại bất cứ thứ gì cho tôi không? Tôi có phải là bạn của một người nghèo không? Và còn rất nhiều câu hỏi tương tự khác mà chúng ta có thể tự hỏi mình. “Ta ở đó”, Chúa Giêsu nói với các bạn, “Ta đang đợi con ở đó, nơi mà con ít nghĩ đến nhất và thậm chí có thể không muốn nhìn: ở đó, trong những người nghèo khổ”. Ta ở đó, nơi mà theo tâm lý chung ít mong đợi ta ở đó nhất, đó là tâm lý cho rằng cuộc sống là tốt đẹp nếu nó tốt đẹp cho tôi. Ta ở đó. Chúa Giêsu cũng nói những lời này với các con là những người trẻ tuổi, khi các con cố gắng thực hiện các ước mơ của mình trong cuộc sống.

Ta ở đó. Chúa Giêsu đã nói những lời này hàng thế kỷ trước, với một người lính trẻ. Anh ta mười tám tuổi và chưa được rửa tội. Một ngày nọ, anh ta nhìn thấy một người đàn ông nghèo đang cầu xin mọi người giúp đỡ nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào, vì “đường ai nấy đi”. Người thanh niên đó, “nhìn thấy người khác không động lòng trắc ẩn, nên hiểu rằng người nghèo đang ở đó vì anh ta. Nhưng anh ta không có gì trên người, chỉ duy nhất có bộ đồng phục của mình. Anh ta cắt chiếc áo choàng của mình ra làm đôi và đưa một nửa cho người nghèo, và vấp phải tiếng cười chế giễu từ một số người bàng quang. Đêm hôm sau, anh có một giấc mơ: anh nhìn thấy Chúa Giêsu, đang mặc một nửa chiếc áo choàng mà anh đã quấn quanh thân mình người nghèo, và anh nghe Ngài nói: ‘Martin, con đã lấy chiếc áo choàng này che cho Ta’ (x. SULPICIUS SEVERUS, Vita Martini, III). Thánh Martin chính là chàng trai trẻ tuổi đó. Ngài có giấc mơ đó, bởi vì, ngài đã hành động như người công chính trong Tin Mừng hôm nay mà không hề hay biết.

Giới trẻ các con thân yêu, anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ lớn lao. Chúng ta đừng miễn cưỡng chấp nhận những gì cần thiết. Thiên Chúa không muốn chúng ta thu hẹp những chân trời của mình, hoặc tiếp tục dừng lại bên những lề đường cuộc sống. Người muốn chúng ta chạy đua một cách táo bạo và hân hoan hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được tạo dựng để mơ ước về những kỳ nghỉ hè hay nghỉ cuối tuần, mà là để làm cho những ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực trên thế giới này. Chúa làm cho chúng ta có khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm lấy vẻ đẹp của cuộc sống. Những mối phúc thương xót là những công việc đẹp nhất trong cuộc đời. Chúng đi thẳng vào trung tâm của những giấc mơ lớn lao của chúng ta. Nếu các con đang mơ về vinh quang đích thực, không phải vinh quang của thế giới chóng qua này mà là vinh quang của Thiên Chúa, thì đây là con đường để đi theo. Hãy đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay và suy ngẫm về nó. Vì những mối phúc thương xót đem lại vinh hiển cho Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Hãy lắng nghe thật kỹ: những mối phúc thương xót đem lại vinh hiển cho Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Cuối cùng, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên các mối phúc thương xót.

Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta bắt đầu biến những giấc mơ vĩ đại thành hiện thực? Với những lựa chọn lớn lao. Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về điều này. Thật vậy, vào lần phán xét sau cùng, Chúa sẽ xét xử chúng ta về những lựa chọn chúng ta đã thực hiện. Người dường như không xét xử, mà chỉ là tách chiên ra khỏi dê, trong khi thiện hay ác là phụ thuộc vào chúng ta. Người chỉ rút ra hậu quả của những lựa chọn của chúng ta, đưa chúng ra ánh sáng, và tôn trọng chúng. Chúng ta thấy rằng cuộc sống là thời gian để đưa ra những lựa chọn chắc chắn, dứt khoát và vĩnh cửu. Những lựa chọn tầm thường dẫn đến một đời sống tầm thường; những lựa chọn lớn lao dẫn đến một đời sống tuyệt vời. Thật vậy, chúng ta sẽ trở thành người như cách chúng ta chọn, để trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Nếu chúng ta chọn việc ăn trộm thì chúng ta trở thành kẻ trộm. Nếu chúng ta chọn cách nghĩ về bản thân, chúng ta trở nên tự cho mình là trung tâm. Nếu chúng ta chọn sự thù ghét, chúng ta trở nên tức giận. Nếu chúng ta chọn việc dành hàng giờ cho điện thoại di động, chúng ta sẽ trở nên nghiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn Chúa, mỗi ngày chúng ta càng lớn lên trong tình yêu của Ngài, và nếu chúng ta chọn yêu thương tha nhân thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự. Vì vẻ đẹp của những lựa chọn của chúng ta phụ thuộc vào tình yêu. Hãy ghi nhớ điều này bởi vì nó là sự thật: vẻ đẹp của những lựa chọn của chúng ta phụ thuộc vào tình yêu. Chúa Giêsu biết rằng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân và thờ ơ, chúng ta sẽ bị tê liệt, nhưng nếu chúng ta hy sinh cho tha nhân, chúng ta trở nên tự do. Thiên Chúa của sự sống muốn chúng ta tràn đầy sức sống, và Người cho chúng ta biết mầu nhiệm của sự sống: chúng ta sẽ có được nó chỉ bằng cách cho đi. Đây là một quy luật của cuộc sống: chúng ta có được sự sống chỉ bằng cách cho đi, bây giờ và đời đời.

Đúng là có các trở ngại có thể khiến những lựa chọn của chúng ta trở nên khó khăn: nỗi sợ hãi, sự bất an, rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp… Tuy nhiên, tình yêu đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những điều này, và không tiếp tục tự hỏi tại sao cuộc sống lại như vậy và mong chờ câu trả lời cho từ trên trời rơi xuống. Câu trả lời đã đến: đó là cái nhìn của Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta và Đấng đã sai Con của Ngài xuống cho chúng ta. Không, tình yêu thúc giục chúng ta vượt ra ngoài câu hỏi tại sao, và thay vào đó là đặt câu hỏi hỏi cho ai, để chuyển từ câu hỏi, “Tại sao tôi sống?” trở thành “Tôi sống cho ai?”. Từ câu hỏi “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?” trở thành “Tôi có thể giúp đỡ ai?” Cho ai? Không chỉ cho riêng tôi! Cuộc sống vốn đã đầy những lựa chọn mà chúng ta đưa ra cho bản thân: học gì, chọn bạn bè nào, mua căn nhà nào, theo đuổi sở thích hay đam mê gì. Chúng ta có thể lãng phí hàng năm trời để nghĩ về bản thân mà không bao giờ thực sự bắt đầu yêu thương. Alessandro Manzoni đã đưa ra một lời khuyên hữu ích: “Chúng ta nên hướng tới việc thay vì làm tốt thì trở nên tốt: và như vậy cuối cùng chúng ta nên trở nên tốt hơn nữa” (I Promessi Sposi [The Betrothed], Chương XXXVIII).

Không chỉ những hoài nghi và thắc mắc có thể ngầm phá hoại những lựa chọn lớn lao và quảng đại, mà còn nhiều trở ngại khác mỗi ngày. Chủ nghĩa tiêu dùng điên cuồng có thể khiến tâm hồn chúng ta bị choáng ngợp với những thứ thừa thãi. Sự ám ảnh về khoái lạc dường như là cách duy nhất để thoát khỏi các vấn đề, nhưng nó chỉ đơn giản là trì hoãn các vấn đề. Sự ấn định với các quyền của chúng ta có thể khiến chúng ta lơ là trách nhiệm của mình đối với người khác. Sau đó, có sự hiểu lầm rất lớn về tình yêu, nó không chỉ là những cảm xúc mãnh liệt, mà căn bản là một ân tứ, một sự lựa chọn, và một sự hy sinh. Nghệ thuật lựa chọn tốt lành, đặc biệt đối với ngày nay, có nghĩa là không tìm kiếm sự tán thành, không lao vào tâm lý tiêu thụ ngăn cản tính căn nguyên, và không sùng bái hình thức bên ngoài. Lựa chọn sự sống có nghĩa là chống lại “nền văn hóa vứt bỏ” và khát khao có được “mọi thứ ngay bây giờ”, để hướng cuộc sống của chúng ta tiến tới mục tiêu là thiên đàng, hướng tới những ước mơ của Chúa. Lựa chọn sự sống là để sống, và chúng ta được sinh ra để sống chứ không phải chỉ sống vật vờ. Một người thanh niên như các con, Chân phước Pier Giorgio Frassati, đã nói thế này: “Tôi muốn sống, không chỉ sống vật vờ”.

Mỗi ngày, chúng ta phải đối mặt với nhiều lựa chọn trong lòng chúng ta. Cha muốn cho các con một lời khuyên cuối cùng để giúp các con rèn luyện khả năng lựa chọn tốt lành. Nếu chúng ta nhìn vào trong lòng mình, chúng ta có thể thấy hai câu hỏi rất khác nhau nảy sinh. Một câu hỏi rằng, “Tôi cảm thấy thích làm gì?” Câu hỏi này thường cho thấy đi lệch hướng, vì nó gợi ý rằng điều thực sự quan trọng là nghĩ đến bản thân chúng ta và nuông chiều những mong muốn và thôi thúc của chúng ta. Câu hỏi mà Chúa Thánh Thần gieo vào lòng chúng ta là một câu hỏi rất khác: không phải là “Bạn cảm thấy thích làm gì?” nhưng là “Điều gì là tốt nhất cho bạn?” Đó là lựa chọn mà chúng ta phải thực hiện hàng ngày: tôi cảm thấy thích làm gì, hoặc điều gì tốt nhất cho tôi? Sự phân định nội tâm này có thể dẫn đến những lựa chọn phù phiếm hoặc những quyết định định hình cuộc sống của chúng ta – nó phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu và xin Người lòng can đảm chọn điều tốt nhất cho chúng ta, để chúng ta có thể bước theo Người trên con đường yêu thương. Và bằng cách này để khám phá được niềm vui. Để sống, và không phải là sống vật vờ.

_______________________________________________

Lời của Đức Thánh Cha cuối Lễ

Vào cuối Thánh Lễ này, cha thân ái chào tất cả các bạn hiện diện và tất cả anh chị em cùng tham dự với chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ của Panama và Bồ Đào Nha, đại diện là hai phái đoàn sẽ tham dự nghi thức trọng thể rước đàng Thánh giá và linh ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani, những biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới. Đây là một bước quan trọng trong cuộc hành hương sẽ dẫn chúng ta đến Lisbon vào năm 2023.

Và khi chúng ta chuẩn bị cho buổi họp mặt liên lục địa tiếp theo của Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD), cha muốn tiếp tục việc cử hành ngày này tại các Giáo hội địa phương. Ba mươi lăm năm sau khi thành lập WYD, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau và tham khảo ý kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, là bộ chịu trách nhiệm về mục vụ giới trẻ, cha quyết định, bắt đầu từ năm tới, chuyển lễ cử hành cấp giáo phận cho WYD vào Chúa Nhật Lễ Lá sang Chúa Nhật Chúa Kitô Vua. Trung tâm của việc cử hành vẫn là Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc Nhân loại, như Thánh Gioan Phaolô II luôn nhấn mạnh, ngài là người khởi xướng và là bổn mạng của WYD.

Giới trẻ các con thân yêu, bằng cuộc sống của các con, các con hãy kêu lớn lên rằng Đức Kitô đang sống, rằng Đức Kitô trị vì, rằng Đức Kitô là Chúa! Nếu các con mà làm thinh, thì cha nói với các con rằng sỏi đá cũng sẽ kêu lên! (x. Lc 19:40).

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2020]


SpaceX’s ‘Resilience’ được chỉ huy bởi phi hành gia đã bay với Thánh Thể

SpaceX’s ‘Resilience’ được chỉ huy bởi phi hành gia đã bay với Thánh Thể

SpaceX’s ‘Resilience’ được chỉ huy bởi phi hành gia đã bay với Thánh Thể

NASA/Regan Geeseman

Zelda Caldwell

16/11/20

Năm 2013, phi hành gia Michael Hopkins của NASA đã được phép mang theo Mình Thánh lên quỹ đạo.

Hôm Chủ nhật, bốn phi hành gia NASA đã làm nên lịch sử với việc phóng một tàu vũ trụ được chế tạo bởi SpaceX, một công ty thám hiểm không gian thuộc sở hữu tư nhân. Chuyến du hành dự kiến kéo dài 27 giờ tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ Crew Dragon, và có thể đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc thương mại hóa du hành vũ trụ.

Phi hành gia Michael Hopkins và Thánh Thể

Chỉ huy Michael S. Hopkins và phi hành đoàn của tàu vũ trụ “Reliance” dự kiến sẽ đáp xuống trạm ISS lúc 11 giờ tối theo giờ EST vào thứ Hai, và ở đó trong sáu tháng. Tuy nhiên, sứ mệnh này không phải là lần đầu tiên Hopkins làm nên lịch sử.

Trong sứ mệnh không gian đầu tiên của Hopkins vào năm 2013, anh đã làm một điều mà chưa phi hành gia nào làm trước đó. Anh mang theo một món hàng vô cùng quý giá — một hộp nhỏ hay còn gọi là “pyx” (hộp đựng bánh Thánh) chứa các bánh Thánh đã truyền phép.

Con người gốc Missouri là thành viên của phi hành đoàn 37/38 Expedition đã du hành lên ISS trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Anh cũng là người gần đây trở lại với Giáo hội Công giáo. Ngay sau khi được chọn để thực hiện sứ mệnh, anh Hopkins, người có vợ và các con là người Công giáo, đã quyết định trở thành một người Công giáo.

Trong một phỏng vấn với National Catholic Register, anh Hopkins nói với Kathleen Naab rằng sau khi chịu phép Thêm sức của người Công giáo, anh đã suy nghĩ về sứ mệnh kéo dài sáu tháng sắp tới của mình và cảm thấy rằng sẽ còn thiếu một thứ gì đó.

Anh lấy làm tiếc rằng anh sẽ phải bỏ lỡ điều mà Giáo lý Công giáo gọi là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu,” là Bí tích Thánh Thể.

Anh nói với Naab, “Tôi bắt đầu đặt câu hỏi, ‘Tôi có thể mang Thánh Thể lên vũ trụ không?’, như anh biết, đó không phải là điều thường được thực hiện, vì bạn không tự làm thừa tác vụ Rước Lễ”.

Với sự giúp đỡ của linh mục xứ và phó tế, anh Hopkins được phép mang Thánh Thể vào không gian.

Anh nói, “Thế là, họ đã làm rất nhiều việc để biến điều đó thành hiện thực, và tôi đã có thể mang theo một chiếc hộp nhỏ đựng Mình Thánh với tôi có sáu Bánh Thánh và mỗi bánh được chia làm bốn phần, vì vậy tôi có 24 cơ hội để rước Mình Thánh trên quỹ đạo”.

Rước Lễ trong không gian

Sau khi được sự cho phép của cơ quan không gian Nga để mang hộp đựng bánh thánh lên tàu, anh Hopkins đã vượt qua tất cả các khó khăn về hậu cần có thể xảy ra, và có thể rước Mình Thánh vào những thời điểm quan trọng trong sứ mệnh.

“Tất cả những cánh cửa đã mở ra, và tôi có thể mang Thánh Thể theo — và về cơ bản, tôi có thể rước lễ hàng tuần.

“Tôi cho rằng có một vài lần khi tôi rước Mình Thánh vào những dịp đặc biệt: tôi đã thực hiện hai chuyến đi bộ trong không gian; nên vào buổi sáng của cả hai ngày đó, khi tôi đi bộ ngoài không gian, tôi đã Rước lễ. Thật hữu ích cho tôi khi biết rằng Chúa Giêsu ở với tôi khi tôi đi ra khỏi cửa sập và bước vào khoảng không vũ trụ.

“Và sau đó tôi rước Mình Thánh lần cuối vào ngày cuối cùng trên quỹ đạo ở ‘Cupola’, đó là cái cửa sổ lớn nhìn về Trái đất, và đó là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt trước khi tôi trở về nhà,” anh nói với Naab.

Một mặt nhật bay vòng quanh Trái đất

Khi chúng tôi vẫn chưa khẳng định liệu anh Hopkins có thể mang theo Mình Thánh cùng với anh trong sứ mệnh lần này hay không, chúng tôi đã dự đoán rằng ý định của anh sẽ là làm như vậy.

Trên thực tế, nếu anh mang được Thánh Thể lên tàu “Reliance”, thì theo lời của một nữ tu thường xuyên trao đổi thư từ với anh kể từ nhiệm vụ gần đây nhất của anh,” phi thuyền sẽ là một mặt nhật bay quanh nó – bay quanh hành tinh Trái đất!!”

Sau khi phi thuyền ở trên trạm ISS trong thời gian 6 tháng, Aleteia hy vọng sẽ phỏng vấn Chỉ huy Hopkins để giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về món hàng “quý giá nhất” của anh.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2020]