Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Là những người hầu cảnh giác, trung tín (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Là những người hầu cảnh giác, trung tín (Toàn văn)
Angelus - Copyright: Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Là những người hầu luôn tỉnh thức, trung tín (Toàn văn)

‘Mỗi giây phút đều trở nên quý báu, vì vậy cần phải sống và hành động trên trần gian này trong niềm mong mỏi về thiên đàng’

11 tháng Tám, 2019 17:39

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (Lc 12: 32-48), Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ của Người hãy luôn tỉnh thức. Tại sao? Để nắm bắt được lối đi của Chúa trong cuộc đời của một người, vì Chúa liên tục đi qua cuộc sống của chúng ta. Người chỉ ra những cách để sống tinh thần tỉnh thức này thật tốt: “Hãy sẵn sàng, anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35). Đây là cách thức. Trước hết, “hãy thắt lưng cho gọn,” một hình ảnh gợi lên thái độ của một người lữ khách, sẵn sàng lên đường. Đó là việc không chôn chân trong nơi trú ngụ tiện nghi và an toàn, nhưng hãy quên mình, mở rộng tâm hồn, với lòng giản dị và tín thác vào bước đường Chúa đi qua trong cuộc đời chúng ta, cho thánh ý Chúa hướng dẫn chúng ta tiến bước đến mục tiêu tiếp theo. Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta và thường xuyên dắt tay chúng ta, hướng dẫn chúng ta, để chúng ta không phạm sai lầm trong cuộc hành trình khó khăn này. Thật vậy, những người tín thác vào Chúa thì đời sống đức tin không phải là một điều gì đó tĩnh lặng, nhưng là sống động! Đời sống đức tin là một hành trình liên tục, hướng về những chặng đường luôn mới mà chính Thiên Chúa chỉ ra mỗi ngày. Vì Người là Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên, Thiên Chúa của những điều mới mẻ, của những điều mới lạ.

Và như vậy – cách thứ nhất là “hãy thắt lưng cho gọn” – rồi chúng ta được yêu cầu phải “thắp đèn cho sáng,” để có thể thắp sáng bóng tối của đêm đen. Tức là chúng ta được mời gọi sống một đức tin đích thực và trưởng thành, có thể soi sáng cho những “đêm tối” của cuộc sống. Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều có những ngày rơi đêm đen thật sự của tâm hồn. Ngọn đèn đức tin đòi hỏi phải được liên tục chăm chút, qua việc gặp gỡ – tâm tình – với Chúa Giê-su, trong việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Người. Cha nhắc lại điều mà cha đã nói nhiều lần: luôn mang theo một quyển Tin mừng nhỏ trong túi, trong túi xách, để đọc nó. Đó là sự gặp gỡ với Chúa Giê-su, với Lời của Chúa Giê-su. Ngọn đèn của sự gặp gỡ với Chúa Giê-su trong việc cầu nguyện và trong Lời Người được trao phó cho chúng ta vì ích lợi của tất cả: vì vậy, không ai có thể thu hẹp vào tính chắc chắn cho cứu độ của riêng mình, không quan tâm đến những người khác. Thật là điều thú vị khi tin rằng chúng ta có thể “thắp sáng” cho bản thân từ bên trong. Đó là một điều thú vị. Đức tin đích thực mở rộng tâm hồn chúng ta với người khác và thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hiệp thông cụ thể với anh em của chúng ta, đặc biệt là những người thiếu thốn.

Và để làm cho chúng ta hiểu được thái độ này, Chúa Giê-su kể dụ ngôn về những người hầu chờ đợi ông chủ đi dự tiệc cưới về (c. 36-40), từ đó trình bày một khía cạnh khác của sự tỉnh thức: sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng và dứt khoát với Chúa. Mỗi chúng ta sẽ gặp Người, thấy mình đối diện với Chúa vào ngày đó. Mỗi chúng ta có một thời điểm riêng cho sự gặp gỡ cuối cùng đó. Chúa nói: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ!” (cc. 37-38). Với những lời này, Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc sống là một hành trình tiến về sự sống đời đời; vì vậy, chúng ta được kêu gọi hãy làm cho mọi tài năng của chúng ta trổ sinh hoa trái, và không bao giờ quên rằng “vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13:14). Trên viễn cảnh đó, mỗi giây phút đều trở nên quý báu, vì vậy cần phải sống và hành động trên trần gian này với niềm mong mỏi về thiên đàng: đôi chân trên trần gian, bước đi trên trần gian, làm việc trên trần gian, làm việc thiện trên trần gian, và tâm hồn luôn mong mỏi về quê trời.

Chúng ta không thể thật sự hiểu được niềm vui tuyệt đối này bao gồm những gì, tuy nhiên Chúa Giê-su cho chúng ta suy đoán qua sự so sánh việc ông chủ thấy những người hầu vẫn còn đang tỉnh thức chờ đợi ông trở về: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37). Như vậy, niềm vui đời đời của thiên đàng được hé lộ: hoàn cảnh sẽ quay ngược, và các người hầu, tức là chúng ta, sẽ không còn phục vụ Chúa nữa, nhưng chính Thiên Chúa sẽ phục vụ chúng ta. Và đây là điều Chúa Giê-su đang làm: Chúa Giê-su cầu nguyện cho chúng ta, Chúa Giê-su nhìn đến chúng ta và cầu nguyện lên Chúa Cha cho chúng ta, Chúa Giê-su bây giờ đang phục vụ chúng ta, Ngài là người phục vụ chúng ta. Và đây sẽ là niềm vui tuyệt đối. Ý nghĩ về cuộc gặp gỡ sau hết với Chúa Cha giàu lòng thương xót làm chúng ta ngập tràn hy vọng, và truyền động lực cho chúng ta bền chí cam kết cho sự thánh hóa của mình và xây dựng một thế giới công bình và huynh đệ hơn.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, qua sự can thiệp đầy tình mẫu tử của Mẹ, hỗ trợ cam kết này của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Ngày mai đánh dấu kỷ niệm 70 năm Công ước Geneva, văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng đưa ra những giới hạn về việc sử dụng vũ lực và nhắm tới việc bảo vệ thường dân và tù nhân trong thời chiến. Ước mong rằng ngày lễ kỷ niệm này làm cho các chính phủ ý thức về sự cần thiết tuyệt đối phải bảo vệ sự sống và phẩm giá của các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang. Tất cả mọi người được yêu cầu phải tuân thủ những giới hạn được quy định bởi luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ thường dân không vũ trang và các cấu trúc dân sự, đặc biệt các nhà thương, trường học, những nơi thờ phượng, các trại tị nạn. Và chúng ta đừng quên rằng chiến tranh và khủng bố luôn luôn là sự mất mát lớn của toàn nhân loại.

Chúng là sự thất bại nặng nề của con người!

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và những khách hành hương từ nhiều quốc gia: các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn.

Hôm nay cũng có rất nhiều thiếu nhi và thanh thiếu niên. Cha thân ái chào chúng con! Đặc biệt, nhóm thiếu niên từ Saccolongo và từ Creola; và nhóm mục vụ giới trẻ của Verona; và giới trẻ của Cittadella.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/8/2019]


Thánh giá thoát khỏi bom nguyên tử trở lại Nagasaki

Thánh giá thoát khỏi bom nguyên tử trở lại Nagasaki

Thánh giá thoát khỏi bom nguyên tử trở lại Nagasaki

Aug 09, 2019

Biểu tượng đức tin bền chí trở lại trung tâm lịch sử Công giáo Nhật bản.

Một thánh giá lớn bằng gỗ đại diện và đã chịu thoát khỏi bom nguyên tử của Nagasaki đang được trả lại cho Nhật sau ba phần tư thế kỷ ở nước ngoài.

75 năm trước, lúc 11:01 sáng ngày 9 tháng Tám năm 1945, lực lượng Hoa kỳ ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki của Nhật. Vụ nổ ngay lập tức cướp đi khoảng 40.000 mạng sống, với hàng chục ngàn người bị nhiễm phóng xạ nguyên tử trong những tháng sau đó.

Khi đó, Nagasaki được xem là trung tâm Công giáo ở Nhật, phần lớn nhờ những nỗ lực của Thánh Phanxico Xavier, người đã cống hiến cuộc đời rao giảng tin mừng trong thế giới Đông phương. Vào buổi sáng định mệnh đó, Nhà thờ Chính tòa Vô nhiễm Nguyên tội của Nagasaki chìm trong vụ nổ, và thánh đường hoàn toàn thành đống đổ nát. Tuy nhiên, như một phép lạ một thánh giá lớn bằng gỗ trên nóc nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn.


74 năm trước Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Nagasaki đem về một cây thánh giá được tìm thấy trong đống đổ nát của một nhà thờ chính tòa bị bom phá hủy, cuối cùng trao lại cho Đại học Ohio. Hôm thứ Ba, @WilmingtonColl trả lại tác phẩm lưu lạc lâu năm cho Nagasaki:

Thánh giá thoát khỏi bom nguyên tử trở lại Nagasaki



Maryann Cusimano Love, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói với CNA:

“Thật sự là người Công giáo đang cầu nguyện ở Nagasaki, trong nhà thờ chính tòa, khi quả bom nguyên tử được ném xuống. Tất cả mọi người trong nhà thờ chính tòa bị thiệt mạng ngay lập tức.”

CNA tường thuật rằng thánh giá được khám phá bởi Walter Hooke, một lính thủy quân lục chiến người Công giáo Hoa Kỳ tại Nagasaki, người được nhìn thấy với biểu tượng đức tin không bị phá hủy vượt lên giữa đống đổ nát. Hooke đem thánh giá về nhà cho mẹ của anh, và cuối cùng bà tặng nó cho Peace Resource Center (Trung tâm Hòa bình), một tổ chức lưu giữ những đồ vật liên quan đến các vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.

Bây giờ, như một “hành động hòa bình và hòa giải,” thánh giá được trả lại Nagasaki, cho Nhà thờ Chính tòa Vô nhiễm Nguyên tội, được xây dựng lại năm 1959. Maus giải thích rằng ông quyết định trả lại thánh giá sau khi ông biết tin rằng cộng đoàn đã đi tìm xem thánh giá lưu lạc ở đâu suốt 75 năm qua. Qua việc dâng tặng ông nói:

“Còn rất ít đồ chế tác của nhà thờ còn giữ lại được và đó là lý do tại sao việc trả lại thánh giá là rất quan trọng, nó gắn chặt với bản sắc của họ.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngư: TRI KHOAN 11/8/2019]