Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Đức Giám mục sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki phát biểu nhân tưởng niệm 75 năm

Đức Giám mục sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki phát biểu nhân lễ tưởng niệm 75 năm

Đức Giám mục sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki phát biểu nhân tưởng niệm 75 năm

Domínio Público

 

John Burger

05 tháng Tám, 2020


Mất niềm tin vào con người là hậu quả xấu nhất của biến cố, Đức Giám mục Mitsuaki Takami nói.

Mitsuaki Takami, là một thai nhi ba tháng tuổi chưa chào đời vào ngày 9 tháng Tám năm 1945, khi gia đình ngài sống trong cảnh địa ngục. Thực tế rất nhiều người họ hàng thân thuộc của cậu bé đã chết trong vụ ném bom nguyên tử vào thành phố Nagasaki hôm đó — lần sử dụng vũ khí nguyên tử thứ hai trong lịch sử — hoặc chết trong những ngày và tuần lễ sau đó, Takami được cứu thoát.

Hôm nay, 75 năm sau các biến cố thảm kịch dẫn đến sự đầu hàng của Nhật và chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, ngài Takami là một tổng giám mục Công giáo Roma của Nagasaki và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản.

Khi thế giới đánh dấu kỷ niệm 75 năm ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, ngài Takami phản ánh về ý nghĩa và những ngụ ý của Hoa Kỳ quyết định sử dụng vũ khí trong một diễn đàn được Đại học Georgetown tài trợ.

Nagasaki là một khu vực ở Nhật Bản với lịch sử Công giáo phong phú.

Maryann Cusimano Love, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Hoa kỳ, trong bài giới thiệu về sự kiện trên mạng, nói rằng thật là mỉa mai khi Hoa Kỳ, qua việc sử dụng bom nguyên tử ở Nagasaki, đã thực hiện được những gì mà nhiều thế kỷ bách hại không thể làm được: “phá hủy trung tâm Kitô giáo ở Nhật và Châu Á.”

“Sự sống của Đức Tổng Giám mục Takami là chứng thực cho một phép lạ — rõ ràng ngài đã sống sót qua vụ nổ giết chết quá nhiều người — nhưng cũng như những tảng đá sống động để tái thiết Giáo hội và nước Nhật bằng đời sống của họ. Các linh mục và nữ tu nằm trong số những người phản ứng đầu tiên ở Hiroshima, chăm sóc cho nhu cầu của những người sống sót sau vụ ném bom, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng thậm chí ngay giữa sự kinh hoàng của chiến tranh, tình yêu thương là có thể, hòa bình là có thể, hòa bình là thực tế, hòa bình là tiếng gọi của chúng ta. Thay vì chấm dứt Giáo hội, hoặc quay lại với vòng xoáy của sự trả thù và bạo lực, Nagasaki đã vươn dậy từ những đống tro tàn để giáo dục, bảo vệ, và trở thành những đại sứ cho hòa bình, mang theo thông điệp từ Nagasaki đến toàn thế giới.”

Đức Tổng Giám mục Takami nói rằng khi quả bom rơi xuống, 14 người giáo dân của nhà thờ Urukami trong thành phố đang đi xưng tội để chuẩn bị cho lễ Lên trời. Họ và hai linh mục bị giết chết ngay tức thì. Trong khoảng hơn hai tháng sau đó, khoảng 8.500 người trong số 12.000 giáo dân của Urukami đã chết, hậu quả của vụ nổ hoặc do nhiễm phóng xạ.

Nhưng cho dù có sự tổn thất về nhân mạng và bị tàn phá, Đức Tổng Giám mục nói rằng có một điều còn quan trọng hơn bị mất mát trong ngày hôm đó: nhiều người Công giáo đã mất đức tin và rời bỏ Giáo hội.

Và, trích dẫn lời của Takashi Nagai, một chuyên gia X-quang và là tác giả của quyển The Bells of Nagasaki (Những quả chuông của Nagasaki), Đức Tổng Giám mục Takami cảm thán rằng người ta mất niềm tin vào con người.

Đức Giám mục David Malloy của Giáo phận Rockford, Illinois, và là chủ tịch của Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa kỳ, cũng phát biểu trong diễn đàn.

Đức Giám mục Malloy nói, “Chúng ta không thể để một điều như vậy trở thành một khái niệm trừu tượng. Luôn luôn có những con người và gia đình và những câu chuyện trong những thời khắc đó.”

Diễn đàn được tổ chức bởi Trung tâm Berkley về Tôn giáo, Hòa bình và các Vấn đề Thế giới của Đại học Georgetown, và Mạng lưới Xây dựng Hòa bình Công giáo, cùng với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc của Đại học Notre Dame, Trường Ngoại giao Quốc tế Keough; Trung tâm Công giáo Sheil của Đại học Tây Bắc; Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản, Hội đồng Công lý và Hòa bình Công giáo Nhật Bản; Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Văn phòng Tư pháp và Hòa bình Quốc tế; Viện Nghiên cứu Chính sách và các Môn học Công giáo thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ; Liên đoàn các trường Đại học Công giáo Quốc tế; và Pax Christi Quốc tế. Đó là một trong hàng loạt các sáng kiến của Dự án Hồi sinh sự Cam kết của Công giáo đối với vấn đề Giải trừ vũ khí nguyên tử.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/8/2020]


Đức Thánh Cha bất ngờ đến viếng thăm Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Đức Thánh Cha bất ngờ đến viếng thăm Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha bất ngờ đến viếng thăm Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

5 tháng Tám, kỷ niệm cung hiến Vương cung Thánh đường

06 tháng Tám, 2020 00:42

ZENIT STAFF

 
Đức Thánh Cha Phanxico có chuyến thăm bất ngờ đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả hôm thứ Tư, ngày lễ cung hiến Vương cung Thánh đường giáo hoàng, theo bản tin của Vatican News.

Tại nhà thờ, Đức Thánh Cha quỳ gối cầu nguyện trong giây lát trong Nhà nguyện Borghese, trước Linh ảnh Đức Bà, Salus Populi Romani (“cứu thoát người dân Roma”).

Ngày 5 tháng Tám được ghi dấu trong Giáo hội hoàn vũ là ngày kỷ niệm cung hiến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Trong nghi lễ Roma, ngày này theo phụng vụ được tổ chức như một lễ nhớ tùy ý.

Nguồn gốc của Vương cung Thánh đường được bao trùm trong truyền thuyết, theo Vatican News tường thuật.

Theo một truyền thống xưa, vào đêm ngày 4-5 tháng Tám, Đức Trinh nữ Maria hiện ra với Đức Giáo hoàng Liberius, và một nhà quý tộc Roma tên là John, yêu cầu họ xây một nhà thờ trên địa điểm sẽ được chỉ cho họ.

Nửa đầu tháng Tám ở Roma nổi tiếng là nóng và ẩm. Nhưng vào sáng ngày 5 tháng Tám năm 358, người dân Roma được chào đón bằng một cảnh tượng gần như không thể tin được: một lớp tuyết che phủ một phần đỉnh Đồi Esquiline, dấu chỉ cho biết địa điểm xây dựng nhà thờ.

Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Roma mừng kính ngày cung hiến Đền Thánh Đức Bà Cả, cũng được gọi là Vương cung Thánh đường Liberian, với những nghi thức đặc biệt. Khi đang hát bài Gloria (Kinh Vinh danh) trong Lễ trọng thể, một phần trần nhà thờ mở ra và trận mưa những cánh hoa lài màu trắng rơi xuống trên cộng đoàn để tưởng nhớ nguồn gốc kỳ diệu của Vương cung Thánh đường.

Năm nay một lần nữa, công dân Roma và du khách đến thành phố kỷ niệm trận mưa tuyết đánh dấu nguồn gốc của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.

Lễ mừng ngày Cung hiến bắt đầu với giờ đọc Kinh Mân Côi, tiếp theo là giờ Kinh Chiều, được tổ chức trong những ngày trước ngày Lễ chính.

Năm nay, Thánh Lễ trọng thể được dâng vào sáng Thứ Tư do Đức Hồng y Stanislaw Ryłko, linh mục hạt trưởng của Vương cung Thánh đường. Sau giờ đọc Kinh Mân côi vào buổi chiều, Đức Tổng Giám mục Piero Marini chủ tế giờ Kinh Chiều, trong đó khi tới kinh Magnificat, những cánh hoa một lần nữa lại rơi xuống từ trần nhà thờ. Các nghi thức phụng vụ kết thúc với Thánh Lễ trọng thể do Đức Tổng Giám mục Francesco Canalini chủ tế.

Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là một trong bốn “Vương cung Thánh đường Giáo hoàng” (những nơi kia là Đại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, và Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành). Trong bốn đền thờ, nó là đền thờ duy nhất được bảo tồn đúng theo cấu trúc Kitô giáo tiên khởi. Tháp chuông của Vương cung Thánh đường là cao nhất ở Roma, 75 mét. Tháp có năm quả chuông, một quả chuông được gọi là “La Sperduta” hay là “quả chuông bị mất” vang tiếng vào lúc 9 giờ mỗi tối để mời gọi người tín hữu cầu nguyện.

Vương cung Thánh đường lộng lẫy bao gồm một gian giữa và hai gian cánh, kết cấu theo nguyên tắc trang trọng nhịp nhàng của Vitruvius. Đền thờ Đức Bà Cả sở hữu những bức bích họa tuyệt đẹp thể hiện đời sống của Đức Maria Trinh nữ, và nổi tiếng về những bức tranh ghép kể lại các biến cố của lịch sử cứu độ: đời sống của Tổ phụ Abraham, Giacóp, Môisê, và Giôsuê, cũng như thời thơ ấu của Đức Kitô.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy bức linh ảnh Mẹ Maria, Salus Populi Romani (“Cứu thoát người dân Roma”) trong Vương cung Thánh đường này, lòng sùng mộ bình dân luôn thể hiện lòng kính phục cao nhất đối với linh ảnh.

Đức Thánh Cha Phanxico cũng đặc biệt sùng kính Mẹ Diễm phúc dưới tước hiệu này và đến viếng Vương cung Thánh đường ngày hôm sau ngày ngài được bầu chọn vào cương vị giáo hoàng năm 2013 để cầu nguyện trong nhà nguyện có linh ảnh. Trong những năm sau, Đức Thánh Cha luôn đến viếng nhà nguyện trước và sau các chuyến Tông du, để cầu nguyện và tạ ơn Đức Mẹ.

Một truyền thuyết sùng mộ kể rằng bức Linh ảnh Salus Populi Romani được chính Thánh Luca tác giả Tin mừng vẽ. Linh ảnh thường được đặt trong Nhà nguyện Borghese trong Vương cung Thánh đường, nhưng cũng đôi khi được di chuyển trong những dịp đặc biệt.

Gần đây nhất, linh ảnh được mang đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxico ban phép lành Urbi et Orbi đặc biệt để xin chấm dứt đại dịch coronavirus.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/8/2020]