Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng Sáu, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng Sáu, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 20 tháng Sáu, 2021

__________________________________


Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Trong phụng vụ hôm nay kể lại câu chuyện về cơn cuồng phong mà Chúa Giêsu ra lệnh phải im lặng (Mc 4: 35-41). Con thuyền mà các môn đệ đang ngồi trên đó để băng qua hồ bị sóng gió tấn công và họ sợ sẽ bị chìm. Chúa Giêsu đang ở trên thuyền với các ông, nhưng Ngài đang dựa đầu vào gối mà ngủ. Các môn đệ đầy sợ hãi, kêu lên với Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (câu 38).

Và thường chúng ta cũng vậy, khi bị vùi dập bởi những thử thách của cuộc sống, đã kêu lên với Chúa: “Tại sao Chúa lại im lặng và không làm gì cho con?” Đặc biệt là khi chúng ta dường như đang bị nhận chìm, bởi vì tình yêu hoặc dự án mà chúng ta đặt thật nhiều hy vọng vào đó đã biến mất; hay khi chúng ta bị những cơn sóng lo âu không ngớt bủa vây; hoặc khi chúng ta cảm thấy mình đang chơi vơi trong những vấn đề khó khăn, hoặc lạc lõng giữa biển đời, không có đường đi và cũng không có bến đỗ. Hoặc thậm chí, trong những thời điểm khi sức mạnh để tiếp tục tiến bước không còn nơi chúng ta, vì chúng ta không có việc làm, hoặc một chẩn đoán bất ngờ khiến chúng ta lo sợ cho sức khỏe của mình hoặc của người thân yêu. Có nhiều khoảnh khắc khiến chúng ta cảm thấy mình đang ở trong một cơn bão tố; chúng ta cảm thấy chúng ta gần như đã kiệt sức.

Trong những tình huống như vậy và nhiều tình huống khác, chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt vì sợ hãi, và có nguy cơ đánh mất điều quan trọng nhất giống như các môn đệ. Thật vậy, ở trên thuyền, cho dù Chúa Giêsu đang ngủ, nhưng Ngài vẫn ở đó, và Ngài chia sẻ với những người của Ngài tất cả những gì đang xảy ra. Giấc ngủ của Ngài, về một mặt nó làm chúng ta ngạc nhiên, mặt khác nó đặt chúng ta vào sự thử thách. Chúa ở đó, đang hiện diện; quả thực, Ngài đang chờ đợi – có thể nói như vậy – để chúng ta cam kết với Ngài, khẩn cầu Ngài, đặt Ngài vào trung tâm của những gì chúng ta đang trải qua. Giấc ngủ của Ngài khiến chúng ta thức giấc. Bởi vì để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu, chỉ tin rằng Thiên Chúa ở đó là không đủ, rằng Ngài hiện hữu, nhưng chúng ta phải dấn bước đến đó với Ngài; chúng ta cũng phải lên tiếng cùng với Ngài. Hãy nhớ điều này: chúng ta phải kêu cầu lên với Ngài. Nhiều khi lời cầu nguyện chỉ là một tiếng kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con!”. Tôi đang xem chương trình “In his image”, hôm nay là Ngày Người Tị nạn, nhiều người đến trên những chiếc thuyền lớn và lúc chết đuối đã kêu lên: “Xin cứu chúng tôi!”. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con!”, Và lời cầu nguyện trở thành một tiếng kêu.

Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi mình: những cơn gió nào đang ập vào cuộc đời tôi? Những con sóng nào đang cản trở hải trình của tôi, và làm cho đời sống tinh thần của tôi, cuộc sống gia đình, thậm chí cả đời sống thiêng liêng của tôi gặp nguy hiểm? Chúng ta hãy nói tất cả những điều này với Chúa Giêsu; chúng ta hãy nói với Ngài tất cả mọi việc. Ngài muốn điều đó; Ngài muốn chúng ta hãy bám víu lấy Ngài để tìm được nơi nương náu trước những sóng gió bất ngờ của cuộc đời. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ tiến đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Ngài và nói chuyện với Ngài (xem câu 38). Đây là sự khởi đầu của đức tin của chúng ta: nhận ra rằng tự sức mình chúng ta không thể duy trì nổi trên mặt nước; rằng chúng ta cần Chúa Giêsu như những người thủy thủ cần các vì sao để tìm hướng đi của họ. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tự bản thân chúng ta là không đủ, bắt đầu từ việc cảm thấy cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua sự cám dỗ khép kín vào bản thân, khi chúng ta vượt qua tính tôn giáo sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, khi chúng ta kêu cầu lên với Ngài, Ngài có thể làm những điều kỳ diệu trong chúng ta. Đó là sức mạnh nhẹ nhàng nhưng phi thường của lời cầu nguyện, làm nên những điều kỳ diệu.

Được các môn đệ cầu xin, Chúa Giêsu đã khiến gió lặng sóng im. Và Ngài hỏi các ông một câu hỏi, một câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (câu 40). Các môn đệ bị nỗi sợ hãi túm lấy, bởi vì họ chú ý vào những con sóng hơn là nhìn vào Chúa Giêsu. Và sợ hãi khiến chúng ta chỉ nhìn vào những khó khăn, những vấn đề khủng khiếp và không nhìn đến Chúa, Đấng nhiều khi đang ngủ. Đó cũng là cách thức của chúng ta: chúng ta thường chú tâm vào các vấn đề hơn là đến gặp Chúa và dâng những mối quan tâm của mình lên Ngài! Chúng ta rất thường xuyên để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, chỉ đánh thức Ngài trong lúc cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng có được đức tin không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm Thiên Chúa, không bao giờ mệt mỏi gõ cửa Trái Tim Người. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trong đời không ngừng tin cậy vào Thiên Chúa, đánh thức trong chúng ta nhu cầu cơ bản là phó thác bản thân cho Người mỗi ngày.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi cùng hợp chung tiếng nói với các Giám mục của Myanmar, tuần trước các ngài đã phát động lời kêu gọi toàn thế giới hãy chú ý đến kinh nghiệm đau thương của hàng ngàn người dân ở đất nước này, những người đang phải di tản và đang chết đói: “Chúng tôi tha thiết cầu xin rằng các hành lang nhân đạo được cho phép” và “các nhà thờ, chùa, tu viện, đền thờ Hồi giáo, đền đài, cũng như trường học và bệnh viện” được tôn trọng như những nơi ẩn náu trung lập. Cầu xin Thánh tâm Chúa Kitô chạm đến trái tim của tất cả mọi người, mang lại hòa bình cho Myanmar!

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Người tị nạn Thế giới, do Liên hợp quốc thúc đẩy, với chủ đề: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt”. Chúng ta hãy mở lòng với những người tị nạn; chúng ta hãy lấy nỗi buồn và niềm vui của họ làm của chúng ta; chúng ta hãy học sự kiên cường dũng cảm của họ! Và bằng cách này, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho một cộng đồng nhân loại phát triển hơn, một gia đình lớn.

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em đến từ Rôma, từ nước Ý và từ các quốc gia khác. Cha nhìn thấy người Peru, người Ba Lan… và các quốc gia khác ở đó…. Đặc biệt tôi xin chào Hiệp hội Hướng đạo sinh và Hướng dẫn Công giáo Ý; phái đoàn các người mẹ là giáo viên tại các trường học Ý; các bạn trẻ từ Trung tâm Our Father ở Palermo do Cha Puglisi thành lập: các bạn trẻ Tremignon và Varrarino, và các tín hữu của Niscemi, Bari, Anzio và Villa di Briano.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/6/2021]


Những người cha vĩ đại nhất thế giới: những người đàn ông thánh thiện nuôi dạy các vị thánh

Những người cha vĩ đại nhất thế giới: những người đàn ông thánh thiện nuôi dạy các vị thánh

Những người cha vĩ đại nhất thế giới: những người đàn ông thánh thiện nuôi dạy các vị thánh

Public Domain | CC0

Meg Hunter-Kilmer

19/06/21


Bạn có biết rằng một vị thánh giáo hoàng là cha của một thánh giáo hoàng khác?

Tình yêu của một người cha tốt lành có thể là biểu tượng cho tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, nói với con cái sự thật rằng chúng được yêu thương ngoài sức tưởng tượng. Tình yêu này giúp chúng ta dễ dàng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và dâng hiến trái tim cho Người, giúp cho những đứa con nên thánh của những người yêu thương theo cách như vậy. Như Thánh Louis Martin (thân phụ của thánh Têrêsa thành Lisieux), nhiều vị thánh nam đã nuôi dạy các thánh; trong Ngày của Cha hôm nay, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của những vị thánh nam này, những người đã thành công trong vai trò quan trọng nhất của người làm cha: hướng dẫn con cái của họ lên thiên đàng.

Thánh Basil the Elder (qua đời năm 379) là cha của các Thánh Macrina the Younger, Thánh Basiliô Cả, Thánh Grêgôriô Nyssa, Peter of Sebaste, Naucratios và Thánh Theosebia. Là con trai của Thánh Macrina the Elder, Thánh Basil đã sống sót sau cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Galerius ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay và tiếp tục kết hôn với Thánh Emilia. Ngài trở thành một người giảng thuyết hùng biện và đã giúp nuôi dạy 10 người con của mình nên thánh, ba người con trở thành giám mục và sáu người con là các vị thánh trong Giáo hội Công giáo hoặc Chính thống giáo.

Thánh Giáo hoàng Hormisdas (450-523) không chỉ là cha của một vị thánh khác mà còn là cha của một vị thánh giáo hoàng: Thánh Giáo hoàng Silverius. Sinh ra tại nơi hiện nay là nước Ý, Đức Hormisdas đã lập gia đình và có một người con trai trước khi được thụ phong. Sau khi được nâng lên ngôi vị giáo hoàng, ngài đã thành công trong việc hòa giải các Giáo hội Đông phương và Tây phương đã bị chia cắt suốt 25 năm do dị giáo Monophysite. Ngài Hormisdas chết vì nguyên nhân tự nhiên; Con trai ngài là Silverius sau đó được phong làm giáo hoàng và bị giết theo lời xúi giục của nữ hoàng Theodora theo dị giáo Monophysite vì chống lại dị giáo giống như thân phụ ngài.

Thánh Inhaxiô Kim Che-jun (1796-1839) là cha của Thánh Andrew Kim Tae-gon (vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc) và là cháu trai của Chân phước tử đạo Pius Kim Jin-hu. Khi con trai ngài là Andrew được chọn đi du học và theo học để tiến chức linh mục, ngài Ignatius biết sự nguy hiểm mà gia đình ngài sẽ đối mặt khi hỗ trợ ơn gọi của Andrew. Để hỗ trợ con trai mình, ngài đã bằng lòng — và đã phải trả giá. Ngài bị người con rể phản bội và bị bắt không chỉ vì đức tin của mình mà còn vì sự lựa chọn của con trai ngài đã rời bỏ đất nước để theo đuổi ơn gọi tư tế. Mặc dù thể chất rất mạnh mẽ, nhưng Ignatius đã bị tra tấn dã man đến mức bỏ đạo; sau đó ngài ăn năn, công khai thừa nhận sai lầm chối đạo của mình và bị chặt đầu vì đức tin. Con trai của ngài tiếp tục được thụ phong. Sau khi trở về Hàn Quốc, Cha Andrew phục vụ suốt tám tháng trước khi bị bắt và chịu tử vì đạo.

Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm (1780-1859) là một quan án giàu có người Việt Nam và là một thành viên dòng Ba Đa Minh. Là một người rộng rãi, ngài không chịu dùng bữa nếu không có người nghèo nào ngồi ăn cùng ngài. Ngài dạy các con của mình rất tốt, kể cả các con gái của ngài (điều này là ngoại thường). Con trai của ngài là Thánh Luca Phạm Trọng Thìn cũng trở thành một quan án như thân phụ. Mặc dù có lúc anh tỏ ra lơi lỏng đối với tôn giáo của mình — thậm chí còn lấy vợ lẽ — lời khuyên từ thân phụ đã giúp anh đi vào mối tương quan sâu sắc hơn với Chúa Giêsu, và vào lúc chết anh cũng là một thành viên dòng Ba Đa Minh như cha mình. Khi cuộc bách hại nổ ra, Luca đã lên kinh thành để tìm kiếm sự đối xử công bằng cho các tín hữu Kitô giáo. Mặc dù ngài Đa Minh ở nhà đã 80 tuổi, ngài tập hợp dân làng lại và tuyên bố rằng bất kỳ ai bỏ đạo sẽ bị trục xuất khỏi làng; dù vậy để cứu mạng sống, họ chỉ có cách sống tha hương. Hai cha con đều bị bắt và cùng tử đạo.

Chân phước Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) là một người Công giáo không thực hành đức tin trước khi kết hôn với Chân phước Maria Beltrame Quattrocchi, nhưng qua nhiều năm cuộc hôn nhân của họ đã biến ngài thành một vị thánh. Maria là một người phụ nữ thánh thiện bị đau yếu khi mang thai đến nỗi chị gần như tuyệt vọng mỗi khi thử thai có kết quả; Luigi là một người nghiện thuốc lá, làm việc trong ngành luật và tài chính và hỗ trợ vợ mình vượt qua những thai kỳ khó khăn. Trong lần mang thai thứ tư, Maria gặp nguy hiểm đến mức hai người được khuyên nên phá thai; họ từ chối, và Tôi tớ Chúa Enricchetta Beltrame Quattrocchi đã chào đời. Hai người anh trai của cô trở thành linh mục và chị của cô là một nữ tu, nhưng Enricchetta vẫn là một giáo dân, được truyền cảm hứng sống đời sống giáo dân nên thánh nhờ chứng tá của cha mẹ cô, những người đã yêu thương cô rất nhiều.

Đấng Đáng kính Francisco Barrecheguren Montagut (1881-1957) là một người Tây Ban Nha mồ côi cha mẹ lúc 4 tuổi và được các người chú nuôi dưỡng. Ngài kết hôn với một người phụ nữ tên là Concha và có một con gái, Đấng Đáng kính Maria de la Concepción Barrecheguren y García (được gọi là Conchita). Vì sức khỏe không ổn định của Conchita, cha mẹ đã chọn cách cho cô học tại nhà, trong đó Francisco phụ trách việc giáo dục cô con gái. Khi Conchita 19 tuổi, Concha trải qua một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần buộc cô phải được chăm sóc nội trú, không có bạn bè hay gia đình thăm hỏi. Mặc dù cô đã được xuất viện, sự khủng hoảng sức khỏe tâm thần của cô diễn ra song song với cuộc chiến đấu với bệnh lao của Conchita. Conchita qua đời ở tuổi 22 và bà Concha tiếp tục suy sụp trong thập kỷ tiếp theo, trong suốt thời gian đó Francisco kiên nhẫn và yêu thương mặc dù người vợ thường xuyên bộc phát cơn tức giận. Tám năm sau cái chết của vợ, Francisco (giờ đây cô độc trên thế giới) gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế và trở thành một linh mục. Trong tám năm làm linh mục, ngài nổi bật với sự phục vụ người bệnh, một công việc mà ngài đã trung thành thực hiện cho vợ và con gái trong nhiều thập kỷ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2021]