Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Đức Thánh Cha nói Asia Bibi và nạn nhân của Boko Haram là “những người tử đạo”

Đức Thánh Cha nói Asia Bibi và nạn nhân của Boko Haram là “những người tử đạo”

Đức Phanxico gặp gỡ gia đình người phụ nữ Công giáo bị tống ngục ở Pakistan vào ngày Hý trường Colosseum thắp sáng rực một màu đỏ để làm nổi bật tình trạng bách hại người Ki-tô hữu

Đức Thánh Cha nói Asia Bibi và nạn nhân của Boko Haram là “những người tử đạo”
Chồng và con gái của Asia Bibi
Pubblicato il 24/02/2018
Ultima modifica il 24/02/2018 alle ore 15:55
CHRISTOPHER LAMB
THÀNH PHỐ VATICAN

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng một phụ nữ Công giáo bị kết án tử theo luật báng bổ của Pakistan và một phụ nữ Nigeria bị các chiến binh Jihad của Boko Haram bắt là “những người tử đạo.”

Ngài nói điều này trong một cuộc tiếp kiến riêng trong Vatican hôm thứ Bảy với người chồng và con gái của chị Asia Bibi, bị tống ngục từ năm 2009 vì xúc phạm Tiên tri Mohammed. Cùng có mặt là chị Rebecca Bitrus, chị kể cho Đức Thánh Cha biết chuyện chị bị cưỡng hiếp bởi một trong những kẻ bắt cóc của Boko Haram và sau đó sinh đứa con trai của chị.

“Chứng tá của chị Rebecca và của chị Asia Bibi thể hiện những mẫu gương cho một xã hội hôm nay e sợ sự đau khổ,” Đức Phanxico nói, theo báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN) Chi nhánh ở Ý, cũng có mặt trong buổi gặp gỡ là ông chủ tịch và người sáng lập của tổ chức. “Họ là hai người tử đạo.”

Đức Thánh Cha gặp gỡ nhóm trong Điện Tông Tòa nhiều giờ trước khi Hý trường Colosseum của Roma được thắp sáng rực với ánh sáng đỏ, một sự kiện nhằm nhấn mạnh đến tình trạng bách hại của người Ki-tô hữu ngày càng tăng mạnh ở Trung Đông, nhiều vùng Châu Á và Châu Phi.

Trong khi hý trường của Roma cổ đại là địa điểm hành hình những Ki-tô hữu tiên khởi, sự kiện hôm thứ Bảy được thiết kế để cho thấy con đường mà sự đau khổ vẫn tiếp tục hơn 2.000 năm sau. Cùng với hý trường, những tòa nhà nổi bật ở những địa điểm bách hại lớn như Mosul, Iraq và Aleppo, Syria cũng sẽ được tắm trong ánh sáng đỏ.

Buổi tập trung ở Hý trường Colosseum, được ACN tổ chức, sẽ được nghe chứng tá của Cô Bitrus, và anh Ashiq Masih, chồng của chị Asia Bibi, và nghe diễn văn của Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với ông Antoni Tajani, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu.

Trước buổi tiếp kiến anh Ashiq Masih nói rằng anh muốn khẩn nài Đức Phanxico làm “mọi điều ngài có thể” để cho vợ của anh được thả, và cuối buổi tiếp kiến xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho vợ của anh “và tất cả những Ki-tô hữu bị bách hại.”

Cô Bitrus mô tả câu chuyện cô đã bị bắt đi khỏi vòng tay của chồng cô như thế nào trong quá khứ, nhìn thấy đứa con trai 3 tuổi bị những kẻ bắt cóc dìm nước chết và kể rằng cô đã bị bắt phải “phục vụ cho Allah”. Sau đó cô bị bỏ tù và tại đó một trong những kẻ bắt cô đã “đè lên cô” và cô mang thai.

Cô giải thích, “Sau đó tôi tìm cách tự tử.” Nhưng vợ của một Mục sư, bản thân bà cũng bị cưỡng hiếp ở Gwoza, xin tôi đừng kết liễu mạng sống. Bà đã có hai đứa con mà cha của chúng là các chiến binh. Khi đến thời gian sinh nở, tôi được cho về nhà, một mình.”

Từ đó cô được đoàn tụ với chồng và theo báo cáo đã tha thứ cho những kẻ bắt cóc cô.


[Nguồn: lastampa]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2018]


Hỏi-Đáp của Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania và trẻ em được tài trợ bởi NGO (Tổ chức phi chính phủ) “FDP Protagonists in Education,” (4 tháng Một, 2018)

Hỏi-Đáp của Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania và trẻ em được tài trợ bởi NGO (Tổ chức phi chính phủ) “FDP Protagonists in Education,” (4 tháng Một, 2018)

‘Cuộc sống của chúng ta luôn là một hành trình, một hành trình theo sau Chúa Giê-su, Đấng với tình yêu kiên nhẫn và trung tín không bao giờ ngừng dạy bảo chúng ta, làm cho chúng ta phát triển theo chương trình của Người’

22 tháng Hai, 2018
Hỏi-Đáp của Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania và trẻ em được tài trợ bởi NGO (Tổ chức phi chính phủ) “FDP Protagonists in Education,” (4 tháng Một, 2018)
Pope Francis © L'Osservatore Romano
Ngày 4 tháng Một, 2018, vừa qua Đức Thánh Cha Phanxico tiếp kiến một nhóm thanh thiếu niên, thiếu nhi, những vị khách của một nhà mồ côi, được tài trợ bởi Tổ chức phi chính phủ “FDP Protagonists in Education,” đã hoạt động ở Romania nhiều năm.

Dưới đây là bản dịch những câu trả lời của Đức Thánh Cha và câu hỏi của các em thanh thiếu niên.


* * *


Những câu trả lời của Đức Thánh Cha

Các con thanh thiếu niên thân yêu, các Thầy và Dì phước thân mến,

Cha cảm ơn về buổi gặp gỡ này và về lòng tự tin khi chúng con gửi lên cha những câu hỏi của mình, trong đó cảm nhận được thực tại cuộc sống của chúng con. Cha có các câu hỏi của chúng con ở đây, những câu hỏi cha đã đọc. Tuy nhiên, trước khi trả lời cho chúng con, cha muốn cùng chúng con cảm tạ Chúa vì được đến đây, vì Người, cùng với sự cộng tác của nhiều người bạn, đã giúp chúng con tiến bước và phát triển. Và chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến nhiều trẻ em và thiếu niên đã về Thiên Đàng: chúng ta hãy cầu nguyện cho các bạn, và chúng ta cầu nguyện cho những người sống trong các hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở Romania và ở những quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta phó dâng lên Chúa và mẹ Đồng Trinh tất cả mọi trẻ em, các em trai và em gái chịu đựng những căn bệnh, chiến tranh và những hình thức nô lệ hôm nay.

Và bây giờ cha sẽ trả lời những câu hỏi của chúng con. Cha sẽ cố gắng theo mức cha có thể, vì một người không thể trả lời trọn vẹn một câu hỏi từ trái tim. Trong những câu hỏi này từ ngữ chúng con sử dụng nhiều nhất là “tại sao?” Có rất nhiều chữ “tại sao?” Cha có thể có câu trả lời cho một số câu “tại sao” này, nhưng một số câu khác thì không. Chỉ có Chúa mới có câu trả lời. Có quá nhiều câu “tại sao” trong cuộc sống mà chúng ta không thể trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn, cảm nhận, chịu đựng và khóc.

Câu hỏi 1: Tạo sao cuộc sống quá khó khăn và tại sao chúng ta lại cãi nhau quá thường xuyên? Và chúng ta lừa đảo nhau? Các linh mục nói chúng con đi lễ; tuy nhiên, ngay sau đó thì chúng con lại mắc lỗi và phạm tội. Vậy thì tại sao con lại đi lễ? Nếu con tin rằng Chúa ngự trong linh hồn con, tại sao điều quan trọng là phải đi lễ?

ĐTC Phanxico: Câu hỏi “tại sao” của con có câu trả lời: đó là tội, sự kiêu ngạo của con người, đó là lý do tại sao, như con nói “chúng ta thường cãi nhau, chúng ta làm tổn thương nhau, chúng ta lừa đảo.” Chính con nhận biết điều đó, rằng cho dù chúng ta đi lễ, rồi chúng ta lại phạm lỗi; chúng ta luôn luôn là những tội nhân.

Rồi con có câu hỏi rất đúng rằng: đi lễ để làm gì? Thật vô cùng hữu ích phải trình diện chúng ta trước mặt Chúa theo đúng con người của mình, không mang những “thứ trang điểm,” con người thật của chúng ta trước mặt Chúa, không tô điểm. Và nói lên: “Lạy Chúa, con đây, con là một tội nhân và con xin Người tha thứ cho con. Xin hãy thương xót con.” Nếu tôi đi lễ để ra vẻ rằng tôi là một người tốt lành, điều này là vô ích. Nếu tôi đi nhà thờ vì tôi thích nghe nhạc hay vì tôi cảm thấy thoải mái, đó là vô ích. Thật hữu ích nếu tôi bước vào nhà thờ mà tôi có thể nói: “Lạy Chúa, con đây. Người thương con và con là một kẻ có tội. Xin thương xót con.” Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta trở về và được tha thứ, được Người âu yếm, được Người thương yêu hơn, cảm nhận được sự âu yếm này, tình yêu này. Rồi dần dần, Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta với lòng thương xót của Người, và Người cũng biến đổi cuộc sống chúng ta. Chúng ta sẽ không mãi ở trong tình trạng cũ, nhưng chúng ta có “sự hoạt động.” Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Chính người, và Người hoạt động trong chúng ta như cục đất sét trong tay của người thợ gốm, và tình yêu của Chúa thay thế lòng kiêu căng của chúng ta. Chúng con thấy đó là lý do tại sao cha nghĩ rằng đi lễ là vô cùng quan trọng: không chỉ ngắm nhìn Thiên Chúa, nhưng để cho bản thân được Thiên Chúa ngắm nhìn. Đây là suy nghĩ của cha. Cảm ơn chúng con.

Câu hỏi 2: Tại sao có những cha mẹ chỉ yêu những đứa con khỏe mạnh mà không yêu những đứa bị bệnh hay có các vấn đề?

ĐTC Phanxico: Câu hỏi của con liên quan đến cha mẹ, thái độ của họ đối với những đứa con khỏe mạnh và với những đứa con bị đau yếu. Cha nói điều này với chúng con: khi đứng trước sự mỏng giòn của người khác, chẳng hạn những căn bệnh, có những người lớn thậm chí còn yếu đuối hơn; họ không có đủ sức mạnh để chịu đựng những sự mỏng giòn. Và đó là vì chính bản thân họ rất mỏng giòn. Nếu cha có một tảng đá lớn, cha không thể đặt nó trên một thùng các-tông, vì tảng đá sẽ đè bẹp thùng giấy. Có những cha mẹ rất mỏng giòn. Đừng e ngại nói lên điều này, hay nghĩ về điều này. Có những cha mẹ rất mỏng giòn. Có những cha mẹ rất mỏng giòn, vì luôn có những người đàn ông và phụ nữ với những giới hạn của họ, tội và những tính mỏng giòn họ phải mang, và có lẽ, họ đã không có cơ hội tốt để được giúp đỡ khi họ còn nhỏ. Và thế là họ cứ tiếp tục bước đi vào đời với những tính mỏng giòn đó vì họ đã không được giúp đỡ, họ đã không có được cơ hội như chúng ta để tìm được một người thân thiện, người cầm lấy tay chúng ta và dạy chúng ta phát triển và trở nên mạnh mẽ để vượt qua tính mỏng giòn đó. Rất khó tìm được sự giúp đỡ từ những cha mẹ có tính mỏng giòn, và đôi khí chính chúng con lại là người giúp đỡ họ. Thay vì than van về cuộc sống vì nó đã trao tặng cho tôi người cha mẹ có tính mỏng giòn và tôi lại không mang sự mỏng giòn đó, tại sao lại không thay đổi mọi điều và nói lời tạ ơn Chúa, cám ơn cuộc sống vì tôi có thể giúp đỡ cho tính mỏng giòn của cha mẹ để tảng đá kia không đè bẹp thùng giấy các-tông. Chúng con đồng ý không? Cảm ơn chúng con.

Câu hỏi 3: Năm ngoái, một đứa bạn của con ở trong nhà mồ côi đã chết. Bạn ấy chết trong Tuần Thánh, Thứ Năm Tuần Thánh. Một linh mục Chính thống giáo nói với chúng con rằng bạn ấy chết là một tội nhân, và như vậy sẽ không lên Thiên Đàng. Con không nghĩ điều đó là đúng.

ĐTC Phanxico: Có lẽ vị linh mục đó không biết mình đang nói về điều gì; có thể hôm đó linh mục khó ở trong người; linh mục đang mang một tâm trạng nào đó làm cho ngài trả lời như vậy. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng người kia không được lên Thiên Đàng. Cha nói với chúng một điều mà có lẽ sẽ làm cho chúng con sững sờ: chúng ta thậm chí không thể nói hay viết như vậy về Giu-đa. Con nhắc về một người bạn đã chết, và con nhớ rằng bạn ấy chết vào Thứ Năm Tuần Thánh. Điều con nghe từ vị linh mục nói có vẻ rất lạ đối với cha; chúng ta cần phải hiểu thật rõ, có thể linh mục đó chưa được hiểu đúng. Dù sao đi nữa, cha nói với chúng con rằng Thiên Chúa muốn đưa tất cả chúng ta lên Trời, không ai bị loại trừ, và chúng ta cử hành việc này trong suốt Tuần Thánh: Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành đã trao tặng sự sống của Người cho chúng ta là đoàn chiên của Người. Và nếu một con chiên bị lạc, Người sẽ đi tìm nó cho đến khi Người tìm được. Như vậy đấy. Chúa không ngồi một chỗ. Như Tin mừng cho chúng ta thấy, Người ra đi; Người luôn trên đường đi tìm con chiên lạc đó, và không hoảng sợ khi Người tìm thấy chúng ta, cho dù chúng ta ở trong tình trạng vô cùng mong manh, cho dù chúng ta chìm trong tội, cho dù chúng ta bị mọi người và bị cuộc sống loại bỏ. Người ôm lấy chúng ta và hôn chúng ta. Vị Mục Tử Nhân Lành đã đến vì chúng ta. Và nếu một con chiên bị lạc, khi Người tìm lại được nó, Người vác nó trên vai, và lòng tràn đầy vui mừng Người mang nó về nhà. Cha có thể nói với chúng con: biết Chúa Giê-su, cha bảo đảm, cha bảo đảm rằng đây là điều Chúa Giê-su đã làm trong Tuần Thánh đó với bạn của con.

Câu hỏi 4: Tại sao chúng con không có số may mắn? Tại sao? Điều đó là nghĩa gì?

ĐTC Phanxico: Chúng con biết không, có những câu hỏi “tại sao” mà không có câu trả lời. Ví dụ: tại sao trẻ em đau khổ? Ai có thể trả lời được câu hỏi này? Chẳng ai cả. Câu “tại sao?” của con là một trong những câu hỏi đó và không thể có câu trả lời từ con người nhưng chỉ có câu trả lời từ Thiên Chúa. Cha không biết tại sao con có “vận may này.” Chúng ta không biết câu “tại sao” theo ý nghĩa chỉ lý do. Tôi đã làm gì sai để phải mang số phận này? Chúng ta không biết. Tuy nhiên, chúng ta biết “tại sao” theo ý nghĩa chung cuộc mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho phận đời của con, chung cuộc là sự chữa lành — Chúa luôn chữa lành – chữa lành và sự sống. Chúa Giê-su nói điều này trong Tin mừng khi Người gặp người đàn ông bị mù từ lúc sinh. Và chắc chắn ông ta đã tự hỏi câu này: “Tại sao tôi sinh ra đã bị mù?” Các môn đệ hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao anh ta mù? Có phải đó là do tội của cha mẹ anh ta?” Và Chúa Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9:1-3). Nó có nghĩa là, đứng trước quá nhiều hoàn cảnh kinh khủng mà chúng ta mang lấy từ lúc nhỏ, Thiên Chúa muốn chữa lành chúng, phục hồi lại chúng; Người muốn đem sự sống đến nơi đâu có sự chết. Chúa Giê-su làm điều này, và những người Ki-tô hữu thật sự được kết hiệp với Chúa Giê-su cũng làm như vậy. Chúng con đã có kinh nghiệm về nó. Chữ “tại sao” là một sự gặp gỡ chữa lành nỗi đau, chứng bệnh, sự chịu đựng và trao ban một cái ôm chữa lành. Tuy nhiên, nó là một chữ “tại sao” cho cuộc sống đời sau; ngay ban đầu không ai biết được nó. Cha không biết “tại sao.” Cha thậm chí không thể nghĩ về nó. Cha chỉ biết rằng những câu “tại sao” đó không có câu trả lời. Tuy nhiên, nếu chúng con đã trải nghiệm về sự gặp gỡ với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su Đấng chữa lành, Đấng chữa lành bằng một cái ôm, bằng sự âu yếm, bằng tình yêu, thì sau tất cả những nỗi đau mà chúng con đã trải qua, cuối cùng chúng con sẽ tìm được điều này. Chúng con thấy “tại sao.”

Câu hỏi 5: Con rất thường xuyên cảm thấy cô đơn và con không biết cuộc sống của con có ý nghĩa gì. Con của con ở trong nhà chăm sóc trẻ (foster care) và một số người đánh giá con không phải là một người mẹ tốt. Nhưng con tin rằng con gái của con khỏe và con đã đưa ra một quyết định đúng, cũng vì chúng con thường xuyên gặp nhau.

ĐTC Phanxico: Cha đồng ý với con rằng nhà chăm sóc trẻ có thể là một sự trợ giúp trong những hoàn cảnh khó khăn nào đó. Điều quan trọng đó là mọi việc phải được làm với tình yêu, với sự chăm sóc con người, với lòng tôn trọng. Cha hiểu rằng con thường cảm thấy cô đơn. Cha khuyên con đừng khóa lòng mình lại, hãy đi tìm bạn bè trong cộng đoàn Ki-tô hữu: Chúa Giê-su đến để xây dựng một gia đình mới, gia đình của Người, trong đó không ai cô đơn và tất cả chúng ta là anh em chị em, là con cái của Thiên Chúa Cha của chúng ta Trên Trời và của người Mẹ mà Chúa Giê-su tặng ban cho chúng ta, Đức Maria Đồng Trinh. Và tất cả chúng ta đều có thể gặp gỡ trong gia đình Giáo hội, chữa trị những vết thương của chúng ta và vượt qua những khoảng trống của tình yêu thường có trong các gia đình của con người chúng ta. Chính con nói rằng con nghĩ con gái của con khỏe mạnh trong Nhà Gia đình, cũng vì con biết rằng họ có con ở đó, và con cũng vậy. Và rồi con nói: “Chúng con thường gặp nhau.” Có khi một cộng đoàn anh chị em Ki-tô hữu trợ giúp theo cách này, trao phó chúng ta cho nhau, không chỉ là những đứa trẻ. Khi chúng ta cảm thấy một điều gì đó trĩu nặng tâm hồn, chúng ta tâm sự với một người bạn, và hãy để nỗi đau đó thoát ra khỏi tâm hồn chúng ta. Chân tình tâm sự như anh chị em với nhau, đây là một điều rất đẹp mà Chúa Giê-su đã dạy. Cảm ơn chúng con.

Câu hỏi 6: Khi con được 2 tháng tuổi, mẹ con bỏ con vào một nhà mồi côi. Năm 21 tuổi con đi tìm mẹ con, và ở với bà hai tuần, nhưng bà không cư xử tốt với con, và con ra đi. Cha con đã chết. Con có lỗi gì mà bà không yêu thương con? Tại sao bà không chấp nhận con?

ĐTC Phanxico: Cha hiểu câu hỏi này rất rõ vì con nói bằng tiếng Ý. Cha rất chân thành với con. Khi cha đọc câu hỏi của con, trước khi đưa ra những hướng dẫn để viết bài huấn từ, cha đã khóc. Cha đã rất gần gũi với con bằng những giọt lệ. Vì cha không biết nữa; con đã cho cha quá nhiều, các bạn khác cũng vậy, nhưng có lẽ con đã bắt được điểm yếu của cha. Khi chúng ta nói về một người mẹ luôn luôn có cái gì đó … và lúc đó con đã làm cha khóc. Câu hỏi “tại sao” của con giống như câu hỏi thứ hai, về cha mẹ. Nó không phải là câu hỏi về tội; nó là câu hỏi về tính mỏng giòn của người lớn, như trường hợp của con sự nghèo khổ quá lớn, có quá nhiều bất công xã hội nghiền nát những con người nhỏ bé và nghèo khổ, và cũng do qua nhiều sự thiếu thốn về tinh thần. Đúng, sự thiếu thốn tinh thần đè nặng tâm hồn và gây ra những điều dường như không thể, chẳng hạn một người mẹ bỏ con của mình. Đây là kết quả của sự nghèo túng về vật chất và tinh thần; kết quả của một hệ thống xã hội sai lầm, vô nhân đè nặng lên tâm hồn, làm chúng ta phạm lỗi để chúng ta không tìm ra được con đường ngay chính. Tuy nhiên, biết rằng điều này đòi hỏi có thời gian: con đã tìm được một điều gì đó sâu thẳm trong tâm hồn của bà. Mẹ con yêu con nhưng không biết cách thể hiện như thế nào, không biết bày tỏ như thế nào. Bà không thể làm được vì cuộc sống quá khó khăn; nó quá bất công. Và bà không biết cách bày tỏ tình yêu có trong bà, hay cách âu yếm con. Cha hứa với con rằng cha sẽ cầu nguyện để một ngày nào đó con sẽ nhìn thấy được tình yêu đó. Đừng hoài nghi; hãy hy vọng.

Simona Carobene (chịu trách nhiệm về sáng kiến): Con rất xúc động bởi Sứ điệp nhân Ngày Người Nghèo. Nó làm con bật dậy vì con phải tự hỏi mình: “Con có cái nhìn như thế nào đối với những thiếu niên?” Đôi lúc con nhận ra rằng con là con mồi cho công việc, và con quên lý do tại sao Chúa Giê-su sắp xếp chúng ta với nhau. Vì vậy con phải thực hiện một hành trình hoán cải, và hành trình này là liên tục và không bao giờ là chuyện đương nhiên. Vì vậy, con tiếp tục theo những em thiếu niên của con vì các em là “những vị thánh của con.” Và con bám chặt vào Mẹ Giáo hội qua đặc sủng của Cha Giussani, đó là một con đường cụ thể làm con yêu mến Chúa Giê-su. Đồng thời, lời kêu gọi thiết tha của Sứ điệp của Đức Thánh Cha rất rõ ràng. Cha nói đến sự chia sẻ đúng nghĩa. Con bắt đầu tự hỏi liệu đó có thể là thời điểm đã đến cho con để bước một bước đi dài hơn trong cuộc đời, lòng hiếu khách và sự chia sẻ. Nó là một khát khao được sinh ra từ trái tim của con và con muốn kiểm tra lại vào thời gian tiếp theo. Đâu là những dấu hiệu để tìm kiếm và hiểu được chương trình dành cho con là gì? Sống trọn vẹn ở mức độ cao nhất ơn gọi nghèo khó mang ý nghĩa gì?

ĐTC Phanxico: Simona, cảm ơn con về chứng tá của con. Đúng, cuộc sống chúng ta luôn luôn là một hành trình, một hành trình theo sau Chúa Giê-su, Đấng với tình yêu kiên nhẫn và trung tín không bao giờ ngừng dạy bảo chúng ta, làm cho chúng ta phát triển theo chương trình của Người. Và có lúc Người tặng ban cho chúng ta những sự ngạc nhiên, để phá vỡ những kế hoạch của chúng ta. Khát khao của con lớn lên trong sự chia sẻ và trong sự khó nghèo phúc âm đến từ Chúa Thánh Thần: không thể mua hay thuê mướn điều này, chỉ có Thánh Thần mới có thể làm được, và Người sẽ giúp con tiến bước trên hành trình này, hành trình mà con và các bạn bè của con đã làm quá nhiều điều tốt lành. Chúng con đã giúp Chúa Giê-su thực hiện công cuộc của Người cho những thiếu niên này.

Một lần nữa cha cảm ơn tất cả chúng con. Được gặp gỡ chúng con làm cho cha thật vui. Cha luôn nhớ cầu nguyện cho chúng con. Và đừng quên, chúng con cũng phải cầu nguyện cho cha, và cha cần nó. Cảm ơn chúng con!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2018]