Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Cha Maximilian Kolbe nhắc chúng ta nhớ chúng ta là ai

Cha Maximilian Kolbe nhắc chúng ta nhớ chúng ta là ai

Michal Micherdzinski

Cha Maximilian Kolbe nhắc chúng ta nhớ chúng ta là ai

Phỏng vấn của Cha Witold Pobiedziński với Michał Micherdziński, một trong những chứng nhân cuối cùng chứng kiến sự hy sinh của Thánh Maximilian Kolbe thay cho một bạn tù, vào đêm ngày 29-30 tháng Bảy năm 1941 trong trại tập trung Auschwitz-Birkenau

— Ông là tù nhân của trại tập trung Auschwitz suốt 5 năm. Chính ông đã gặp Thánh Maximilian Maria Kolbe ở đó. Đối với ông và những tù nhân khác thì sự có mặt của vị tu sĩ này ở đó có mức độ quan trọng như thế nào?

Tất cả mọi tù nhân đến Auschwitz đều được chào đón bằng câu: “Anh không đến một nơi an dưỡng nhưng đến một trại tập trung là nơi không có một con đường nào khác ngoài cách chui qua ống khói. Người Do thái có thể sống được hai tuần, linh mục sống được một tháng, và những người khác có thể sống được ba tháng. Tất cả những người nào không thích điều đó có thể đi ngay ra hàng rào điện.” Điều đó có nghĩa là họ có thể bị giết, vì ở đó có dòng điện cao thế nối liên tục vào hàng rào thép gai vây quanh trại. Những lời này ngay lập tức lấy mất hết mọi hy vọng của tù nhân. Ở Auschwitz tôi được hồng phúc, vì tôi được ở chung một dãy với Cha Maximilian, và tôi được xếp cùng một hàng với ngài khi bị đem ra chọn người chết thay. Tôi tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của ngài, điều đó lấy lại hy vọng cho tôi và những tù nhân khác.

— Những hoàn cảnh dẫn đến biến cố này như thế nào, nó vẫn còn tạo rất nhiều sự quan tâm và khơi gợi cho mọi người phải đặt câu hỏi: Tại sao Cha lại làm việc đó, nhân danh những giá trị gì?

63 năm trước, thứ Ba ngày 29 tháng Bảy năm 1941, vào khoảng 1 giờ, ngay sau giờ ngọ, những tiếng còi hú báo động rúc lên. Hơn 100 đề-xi-ben xuyên qua trại. Các tù nhân mồ hôi nhễ nhại đang phải hoàn tất công việc. Tiếng còi rúc lên có nghĩa là có báo động, và báo động có nghĩa là có một tù nhân bỏ trốn. SS ngay lập tức cho dừng công việc và bắt đầu áp giải các tù nhân đến trại để điểm danh kiểm tra số tù nhân. Với chúng tôi là những người đang xây dựng một nhà máy cao su ở gần đó, có nghĩa là một cuộc diễu hành 7 cây số về trại. Chúng tôi phải gấp rút đi nhanh hơn.

Điểm danh cho biết một bi kịch: Có một tù nhân bị mất trong Khu 14a của chúng tôi. Khi tôi nói “trong Khu của chúng tôi” là ý tôi nói Cha Maximilian, Franciszek Gajowniczek, nhiều người khác và tôi. Đó là một tin dữ. Tất cả các tù nhân khác an tâm và được phép trở về khu, và chúng tôi được thông báo bị phạt — đứng nghiêm suốt ngày đêm, không được đội mũ, bị bỏ đói. Ban đêm rất lạnh. Khi SS có sự thay đổi ca trực, chúng tôi tụ lại với nhau như đàn ong — những người đứng phía ngoài lấy hơi ấm cho những người ở trong giữa, rồi sau đó đổi lại.

Nhiều người lớn tuổi không đứng vững được qua suốt đêm và trong cái lạnh buốt. Chúng tôi mong đợi ít nhất một chút ánh mặt trời ló dạng sưởi ấm chúng tôi. Chúng tôi mong đợi điều xấu nhất xảy đến. Khi đến sáng, sĩ quan Đức hét to với chúng tôi: “Vì một tù nhân trốn thoát khỏi khu của các ngươi và các ngươi không tìm cách ngăn lại hay chặn đứng, mười người  trong số các ngươi sẽ bị bỏ đói cho đến chết để những kẻ khác phải nhớ rằng chỉ cần nhen nhúm một chút ý định trốn thoát cũng không được dung thứ.” Việc chọn người bắt đầu.

— Chuyện gì xảy ra với một người khi người ấy biết rằng đây có thể là giây phút cuối cùng trong đời của mình? Những cảm giác của các tù nhân như thế nào khi họ nghe bản án tử đối với họ?

Tôi xin miễn không kể ra những chi tiết của hoàn cảnh kinh khủng này. Tôi chỉ kể chung chung việc chọn người như thế nào. Cả nhóm đứng xếp ở hàng đầu tiên; ở phía trước, chỉ cách chúng tôi hai bước, một sĩ quan Đức đang đứng sẵn. Hắn nhìn thẳng vào mắt anh giống như con chim kền kền. Hắn ta chọn từng người chúng tôi rồi giơ tay phải lên và hét, “Du!” nghĩa là “Tên này.” Tiếng “Du!” này có nghĩa là anh phải chịu chết đói, và rồi hắn tiếp tục chọn. Những tên SS kéo lê người tù nhân tội nghiệp ra khỏi hàng, viết số, và để người ấy đứng ra ngoài trong sự canh phòng cẩn mật.

“Du!” nghe như một nhát búa chém vào lồng ngực. Mọi người kinh hãi mỗi khi một ngón tay chỉ về hướng mình. Hàng tù nhân đang bị xét di chuyển tới một vài bước, để khoảng trống giữa những người  bị xét và hàng người bên kia tạo thành một lối đi giống như các hành lang, tạo một khoảng trống rộng khoảng 3 hay 4 mét. Tên SS này bước dọc theo hành lang đó và lại quát lên, “Du! Du!” Tim chúng tôi đập thình thịch. Tai chúng tôi ù đi, và máu dồn lên đập mạnh trên hai thái dương, và với chúng tôi cảm giác như máu muốn phụt ra từ mũi, từ tai và từ mắt. Nó thật là kinh hoàng.

— Thái độ của Thánh Maximilian như thế nào khi trong lúc đó?

Cha Maximilian và tôi đứng ở hàng thứ bảy. Ngài đứng bên trái tôi; có lẽ cách hai hay ba người. Khi hàng người phía trước chúng tôi thu nhỏ dần, càng ngày càng bớt đi, một nỗi hãi hùng bắt đầu trùm lên tôi. Tôi phải thú nhận, dù cho người có cứng cỏi hay hãi hùng thế nào, thì lúc đó chẳng có triết lý gì là cần đối với anh ta. Hạnh phúc thay người nào có đức tin, người có khả năng cậy dựa vào ai đó, để cầu xin lòng thương xót của ai đó. Tôi cầu xin Mẹ Thiên Chúa. Tôi phải thú thật; chưa bao giờ trước đó và cả sau này tôi lại cầu nguyện một cách sốt sắng như vậy.

Cho dù vẫn còn nghe thấy tiếng “Du!” nhưng việc cầu nguyện trong sâu thẳm tâm hồn đã đủ biến đổi tôi trở nên bình tĩnh hơn một chút. Những người có đức tin không quá kinh hãi. Họ sẵn sàng chấp nhận số phận trong bình an, gần như những vị anh hùng. Đó là vấn đề lớn. Những tên SS đi ngang qua tôi, đảo mắt nhìn, rồi ngang qua Thánh Maximilian. Bọn chúng “thích” Franciszek Gajowniczek đứng ở cuối hàng, là một hạ sĩ quan 41 tuổi cua Quân đội Ba lan. Khi tên Đức hô “Du!” và chỉ vào anh, con người tội nghiệp thốt lên, “Giê-su Maria! Vợ của tôi, con cái của tôi!” Dĩ nhiên những tên SS không màng tới những lời của các tù nhân, và chỉ viết số của người đó vào sổ. Gajowniczek sau đó thề rằng nếu anh ta bị bỏ chết đói trong cái khu trại đó, anh ta không biết rằng mình đã thốt lên lời ai oán như vậy, một lời than van bật ra từ miệng của anh ta.

— Sau khi cuộc lựa chọn kết thúc, những tù nhân còn lại có cảm thấy an tâm vì sự kinh hoàng đã qua đi?




Việc lựa chọn đã kết thúc, mười người tù đã được chọn. Đó là lần điểm danh cuối cùng của họ. Chúng tôi nghĩ rằng cơn ác mộng phải đứng ngoài trời đã hết: đầu chúng tôi nhức buốt, chúng tôi muốn được ăn, chân chúng tôi sưng lên. Bất chợt hàng của tôi bắt đầu ồn ào lên. Chúng tôi đứng cách nhau vừa một quãng của xiềng chân, thì bất chợt một người bắt đầu tiến lên phía trước đi giữa các tù nhân. Đó là Cha Maximilian.

Ngài bước đi từng bước ngắn, vì không ai có thể xoải bước với chiếc xích chân, và cũng vì cần phải cong ngón chân lên để giữ cho xích chân không bị rơi xuống. Cha bước thẳng tới chỗ nhóm SS, đứng trên hàng đầu tiên của các tù nhân. Mọi người run lẩy bẩy, vì việc này phá vỡ một trong những luật nghiệt ngã, phá vỡ luật sẽ dẫn đến việc bị hình phạt tàn bạo. Bước ra khỏi hàng có nghĩa là chết. Những tù nhân mới đến trại, không biết luật cấm này đã rời hàng và bị đánh cho đến khi họ không còn khả năng làm được việc gì. Nó cũng tương tự như bước đến khu bỏ đói.

Chúng tôi biết chắc bọn chúng sẽ giết Cha Maximilian, trước khi Cha có thể bước qua. Nhưng một điều vô cùng lạ thường xảy ra và chưa bao giờ nghe thấy trước đây trong lịch sử của 700 trại tập trung The Third Reich. Chuyện một người tù rời khỏi hàng mà không bị phạt không bao giờ xảy ra. Đó là điều vượt ngoài sức tưởng tượng đối với những tên SS đến mức chúng đứng sững không thể mở miệng. Chúng nhìn nhau và không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

— Chuyện gì diễn ra tiếp theo?

Cha Maximilian bước đi với chiếc xích trong bộ đồng phục sọc của nhà tù cùng với cái tô để ăn ở bên hông. Ngài không bước đi như một người ăn mày, cũng không như một anh hùng. Ngài bước đi như một con người ý thức rõ về một sứ mạng vĩ đại. Ngài đứng bình thản trước mặt các tên sĩ quan. Tên sĩ quan chỉ huy cuối cùng tỉnh người lại. Tò mò, hắn hỏi tay sĩ quan phó của hắn, “Was will dieses polnische Schwein?” (Con lợn Ba lan này muốn gì?). Chúng quay sang nhìn người thông dịch, nhưng hóa ra người thông dịch không còn cần thiết. Cha Maximilian bình tĩnh trả lời: “Ich will sterben für ihn,” chỉ tay của ngài về phía Gajowniczek đang đứng bên cạnh: “tôi muốn chết thay cho anh ta.”

Những tên Đức đứng há hốc miệng kinh ngạc không nói được lời nào. Với chúng, đại diện cho sự vô thần trần tục, thật không thể nào hiểu nổi một ai đó lại muốn được chết thay cho người khác. Chúng nhìn Cha Maximilian với câu hỏi hiện lên trong ánh mắt: Hắn có điên không? Có lẽ chúng ta không hiểu hắn muốn nói gì?

Cuối cùng câu hỏi thứ hai cũng được đặt ra: “Wer bist du?” (Ngươi là ai?). Cha Maximilian trả lời, “Ich bin ein polnischer katolischer Priester.” (Tôi là một linh mục Công giáo Ba lan). Đến đây người tù nhân cho biết mình là người Ba lan, đến từ một dân tộc mà bọn chúng thù ghét. Thêm nữa, ngài thừa nhận mình là một giáo sĩ. Đối với những tên SS, linh mục giống như một mũi kim châm vào lương tâm. Một điều tuyệt vời là, trong cuộc đối thoại này, Cha Maximilian không một lần dùng từ “làm ơn.” Bằng lời tuyên bố của mình, Cha đã phá vỡ quyền quyết định sự sống và cái chết của giới cầm quyền người Đức, và ngài buộc chúng phải thay đổi bản án. Ngài xử sự như một nhà ngoại giao kinh nghiệm. Chỉ khác một điều là thay vì một chiếc áo đuôi tôm, một khăn quàng vai, và các huy chương, ngài thể hiện mình trong một bộ quần áo sọc của nhà tù, một cái tô để ăn, và cái xích chân. Giây phút im lặng chết chóc phủ ngập không gian, và mỗi giây đồng hồ trôi qua dường như một thế kỷ.

Cuối cùng một điều kỳ lạ xảy ra, cả những người Đức và các tù nhân cho đến hôm nay vẫn không hiểu. Tên đại úy SS quay sang Cha Maximilian và hỏi ngài một cách trịnh trọng “Sie” (Thưa ngài) và đặt câu hỏi “Warum wollen Sie für ihn sterben?” (Tại sao ngài muốn chết thay cho người kia?)

Mọi nguyên tắc, mà tên sĩ quan SS đã đưa ra trước đó, đều bị hủy. Chỉ ít phút trước hắn đã gọi ngài là “con lợn Ba lan,” và bây giờ thì chuyển thành cách xưng hô “Thưa ngài. Các sĩ quan SS và những hạ sĩ quan đứng bên cạnh ngài không chắc là chúng nghe có đúng không. Chỉ một lần duy nhất trong lịch sử của các trại tập trung có một sĩ quan cấp cao đã giết hàng ngàn người lại xưng hô với một tù nhân như vậy.

Cha Maximilian trả lời, “Er hat eine Frau und Kinder” (Anh ta có vợ và các con). Toàn bộ giáo lý tóm tắt trong một câu nói ngắn. Ngài dạy mọi người ý nghĩa của cương vị làm cha và gia đình là gì. Ngài là người có hai bằng tiến sĩ được bảo vệ ở Roma với hạng “summa cum laude” (Ngoại hạng), một nhà biên tập, một thừa sai, một giáo viên chuyên môn tại hai đại học ở Cracow và Nagasaki. Ngài cho rằng sự sống của ngài không giá trị bằng sự sống của một người cha trong một gia đình! Đó là một bài học tuyệt vời trong giáo lý!

— Phản ứng của viên sĩ quan trước những lời nói của Cha Maximilian như thế nào?

Mọi người chờ xem chuyện gì tiếp diễn. Tên sĩ quan SS tin rằng hắn là người làm chủ sự sống và cái chết. Hắn có thể ra lệnh đánh ngài tàn tệ vì đã phá vỡ một luật vô cùng nghiêm ngặt là dám bước ra khỏi hàng. Và một điều quan trọng hơn nữa, một tù nhân lại dám giảng đạo đức?! Hắn có thể kết án tử cho cả hai tội bằng cách bỏ đói. Sau một vài giây, tên sĩ quan SS nói “Gut” (được). Hắn đồng ý với Cha Maximilian, và thừa nhận ngài đúng. Nó có nghĩa là cái thiện đã thắng cái ác, cái ác tột đỉnh.

Không còn tội ác nào lớn hơn là kết án tử cho một con người bằng cách bỏ đói vì lòng thù hận. Nhưng một điều tốt lành còn lớn hơn nữa là hiến mạng sống của mình vì người khác. Một sự thiện hảo tột đỉnh. Tôi muốn nhấn mạnh đến những câu trả lời của Cha Maximilian: Ngài bị hỏi ba lần và ba lần câu trả lời đều gãy gọn và vắn tắt, sử dụng bốn từ. Con số bốn trong Kinh thánh tượng trưng ý nghĩa của một con người trọn vẹn.

— Đối với ông và những tù nhân còn lại, được làm người chứng kiến tận mắt có mức độ quan trọng như thế nào?

Người Đức cho Gajowniczek trở lại về hàng, và Cha Maximilian đứng thay vào vị trí. Các tử tù phải tháo xiềng ra, vì chúng chẳng còn cần thiết cho họ. Cửa của khu bỏ đói được mở ra chỉ để đưa các xác chết ra ngoài. Cha Maximilian bước vào cùng với hai người cuối cùng, và thậm chí giúp một tù nhân khác đi vào. Về nguyên tắc, họ làm đáng tang trước khi chết. Phía trước khu tử tù, họ phải cởi bộ đồng phục sọc và bị quăng vào một ô ngục có diện tích tám mét vuông. Ánh mặt trời le lói qua ba thanh cửa sổ rọi vào nền ngục lạnh buốt, gồ ghề, và những bức tường đen ngòm.

Một phép lạ khác diễn ra. Cha Maximilian, mặc dù chỉ thở với một lá phổi, đã chết sau cùng. Ngài sống trong phòng tử tù 386 giờ. Mọi bác sĩ đều cho rằng điều đó ngoài sức tưởng tượng. Sau khoảng thời gian của cái chết khủng khiếp, kẻ hành hình trong bộ áo trùm phủ kín toàn thân màu trắng tiêm cho ngài một mũi tiêm thuốc độc. Và một lần nữa, ngài vẫn chưa chết … Chúng phải kết liễu ngài bằng mũi tiêm thứ hai. Ngài chết vào đêm vọng Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria Lên Trời, Đấng Bảo Trợ của cha. Ngài muốn làm việc và chết cho Mẹ Maria Vô Nhiễm trong suốt cuộc đời. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất của ngài.

— Quay trở lại với câu hỏi đầu tiên, hành động phi thường này của Cha Maximilian có ý nghĩa như thế nào với ông, việc được cứu thoát khỏi cái chết vì đói?

Sự hy sinh của Cha Maximilian đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động. Ngài làm vững mạnh hoạt động của nhóm trại kháng cự, tổ chức tù nhân dưới lòng đất, và nó chia thời gian thành “trước” và “sau” sự hy sinh của Cha Maximilian. Nhiều tù nhân sống sót, nhờ vào sự hoạt động của tổ chức này. Một vài người chúng tôi được cứu, một trăm người có hai người. Tôi được hồng ân, vì tôi là một trong hai người này. Franciszek Gajowniczek không chỉ được cứu nhưng còn sống thêm 54 năm nữa.

Trên tất cả, vị thánh bạn tù của chúng tôi đã giải thoát tính nhân trong con người chúng tôi. Ngài là một mục tử tinh thần trong phòng bỏ đói, hỗ trợ, tổ chức cầu nguyện, giải tội, và đưa người chết bên kia thế giới cùng với Dấu Thánh Giá. Ngài củng cố niềm tin và hy vọng trong chúng tôi là những người thoát khỏi cuộc lựa chọn đó. Giữa sự phá hủy, kinh hoàng, và tội ác này, ngài đã lấy lại niềm hy vọng.

— Cảm ơn ông.


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/08/2017]


Hồng y Parolin và Bộ trưởng Lavrov, Nga và Vatican cùng nhau chống lại những khủng hoảng toàn cầu

Hồng y Parolin và Bộ trưởng Lavrov, Nga và Vatican cùng nhau chống lại những khủng hoảng toàn cầu

Ngài Quốc vụ khanh gặp gỡ Ngoại trưởng. Quan tâm đến Ki-tô hữu ở Châu Phi và Trung Đông và về những khủng hoảng ở Ukraine và Venezuela. “Đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo phải được thúc đẩy.” Ký thỏa thuận du lịch ngoại giao không cần thị thực

Hồng y Parolin và Bộ trưởng Lavrov, Nga và Vatican cùng nhau chống lại những khủng hoảng toàn cầu
Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng y Phê-rô Parolin, và Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov

Pubblicato il 22/08/2017
Ultima modifica il 22/08/2017 alle ore 17:25
SALVATORE CERNUZIO
ROME
Quan điểm chung của Nga và Vatican về những vấn đề như chống chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy hòa bình, công bằng và gia đình ngày nay là một sự thật quá rõ ràng. Còn nhiều việc cần phải được thực hiện trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo, cũng như cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong những cố gắng hợp tác cho các vấn đề khẩn cấp toàn cầu, bắt đầu từ những tình hình thảm kịch của người Ki-tô hữu đang sống ở Châu Phi và Trung Đông, đến những khủng hoảng ở Venezuela và xung đột ở Ukraine. Những lập luận và những lời hứa được đặt lên chiếc bàn gỗ lớn hình chữ nhật mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đức Hồng y Phê-rô Parolin ngồi đối diện nhau trong ngày thứ hai của chuyến đi đến Moscow của ngài, vây quanh là các máy chụp và máy quay phim và các đại diện của cả hai phái đoàn.
Một cuộc đối thoại hòa bình và gợi nhiều suy nghĩ, kéo dài trên một tiếng rưỡi đồng hồ, khi hai nhân vật cánh tay phải của Tổng thống Putin và Đức Giáo hoàng Phanxico làm nổi bật tại cuộc họp báo sau đó. Khi làm sáng tỏ nội dung của cuộc nói chuyện, cả hai bên khẳng định rằng Kremlin và Vatican đều đồng ý về “những giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng” trên thế giới và cho những vấn đề như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đối thoại liên tôn, làm vững mạnh tính công bằng xã hội và các giá trị gia đình, đồng thời nhắc lại mong muốn làm sáng tỏ một số vấn đề chưa giải quyết được.
Trên tất cả là sự đối thoại giữa hai Giáo hội. “Chúng tôi tin đây là một điều rất tốt đẹp, song song với những mối dây quan hệ giữa hai nhà nước, khi ủng hộ cho sự đối thoại giữa hai giáo hội,” ông Lavrov trình bày trong một buổi nói chuyện riêng với Hồng y Parolin, khen ngợi sự gặp gỡ vào tháng Hai năm 2016 tại Cuba giữa ngài Bergoglio và Thượng phụ Kirill đánh dấu một “sự bứt phá” quan trọng. Theo ngài Parolin, sự kiện này, cùng với hành trình của các thánh tích của Thánh Nicholas vòng quanh nước Nga, đã “khơi ngòi cho một động cơ tích cực” cho tất cả mọi phía “để đưa ra thêm những dấu chỉ và hành động khác có thể củng cố thêm cho con đường này.” Ngoài ra Đức Hồng y không quên nhắc đến một số việc chưa được thực hiện, chẳng hạn cấp phép cư trú làm việc cho các tu sĩ không phải người Nga và hoàn trả lại một số nhà thờ, rất cần thiết cho việc chăm sóc mục vụ cho người Công giáo trong nước.
Về cuộc gặp gỡ thứ hai có thể có giữa Đức Phanxico và Đức Kirill, đức Hồng y - chiều nay Hồng y sẽ gặp gỡ đức Thượng phụ trong khu nghỉ hè của ngài ở Peredelkino, ngay bên ngoài Moscow - giải thích: “Chúng tôi không nói về những việc cụ thể, không phải chuyến đi của Đức Thánh Cha hay bất kỳ việc gì cụ thể khác. Chúng tôi sẽ xét sau, Thần Khí của Chúa sẽ gợi ý những bước tốt nhất để thực hiện.”
Hiện tại còn nhiều ưu tiên khác: “Tôi ở Moscow này cùng với ngài Sergey Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin như một người trung gian cho những mối quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cần quan tâm, đặc biệt tạo ra những giải pháp đúng đắn và dài lâu cho Trung Đông, Ukraine và các vùng khác trên thế giới,” vị lãnh đạo cao cấp của Vatican nói. “Trong những tình hình thảm kịch như vậy,” ngài tiếp tục, “Tòa Thánh thực sự phải tìm cách để làm dịu bớt thảm cảnh của người dân, nhưng cũng cam kết hoạt động cho công bằng, và sự thật của các vấn đề, và không cho phép sự bóp méo hiện thực.” Ngài nói thêm, “Vatican không nhận lấy những vai trò chính trị nhưng kêu gọi sự tôn trọng luật quốc tế và thúc giục lấy lại được bầu khí lành mạnh và tôn trọng giữa các dân tộc.” Có “một sự quan tâm rất lớn đối với người Ki-tô hữu” ở Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt Syra, Iraq, Libya và Yemen, và “Tòa Thánh liên tục nhắc lại điều quan tâm rằng tự do tôn giáo phải được duy trì trong tất cả mọi quốc gia và trong tất cả mọi tình hình chính trị.”
Một quan tâm tương tự cũng hướng về tình hình ở Venezuela, một quốc gia Đức Parolin đã làm khâm sứ trong nhiều năm. Ngài Quốc vụ khanh nói rằng do truyền thống lâu đời của mối quan hệ song phương, “Nga có thể giúp vượt qua thời gian vô cùng khó khăn này đã quật ngã dân tộc Nam Mỹ trong một thời gian rất dài.” Về phía mình, ông Lavrov nhắc lại rằng Nga ngay từ đầu đã ủng hộ “tiến trình trung gian của Đức Giáo hoàng Phanxico giữa các bên” và công nhận rằng “có nhiều vai trò tích cực bên ngoài có thể giúp Venezuela thoát khỏi” hoàn cảnh bi kịch của họ. “Tuy nhiên, điều quan trọng là, - người đứng đầu về ngoại giao của Nga cảnh báo liên quan đến Hoa kỳ, - phải hiểu rằng tất cả các lực lượng bên ngoài, đẩy phe đối lập hướng đến sự chống đối mạnh mẽ với chính quyền, bằng cách dùng vũ lực, chỉ phá hoại những nỗ lực của các người thực sự quan tâm đến việc lấy lại hòa bình và ổn định cho Venezuela.”
Cuối cùng một thỏa thuận về yêu cầu bỏ thị thực đã được ký kết giữa Nga và Ngoại giao Vatican bởi Phó Ngoại trưởng Nga, Aleksei Meshkov và ngài khâm sứ ở Moscow, Đức ông Celestino Migliore. Văn bản chỉ dành cho những người có hộ chiếu ngoại giao của hai quốc gia ký kết.

[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/08/2017]