Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Đại lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - Thánh Lễ

Đại lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - Thánh Lễ

Đại lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - Thánh Lễ

Vương cung Thánh đường Vatican

10:00

Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54

Do cơn đau thần kinh tọa, các buổi cử hành tối nay và sáng mai tại Bàn thờ Ngai tòa trong Vương cung Thánh đường của Vatican sẽ không do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế.

Giờ Kinh chiều đầu tiên Te Deum tối nay, 31 tháng Mười Hai năm 2020, sẽ được chủ tế bởi Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng của Hồng y đoàn, và Thánh Lễ sáng mai, 1 tháng Một năm 2021, sẽ được chủ tế bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa thánh.

Tuy nhiên ngày mai, 1 tháng Một năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xướng đọc Kinh Truyền tin trong Thư viện của Điện Tông tòa, theo kế hoạch đã định.


******

Trong các bài đọc của Thánh Lễ hôm nay, ba động từ tìm được sự ứng nghiệm nơi Mẹ Thiên Chúa: chúc lành, được sinh ragặp thấy.

Chúc lành. Trong sách Dân số, Đức Chúa nói với các thừa tác viên chức thánh của Người hãy chúc lành cho dân của Người: “Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)’” (6:23-24). Đây không phải là một huấn dụ đạo đức; nó là một yêu cầu cụ thể. Và ngày nay cũng vậy, điều quan trọng đối với các linh mục là luôn chúc lành cho Dân Chúa và chính các tín hữu là người mang ơn lành đó; và họ chúc lành. Thiên Chúa biết rõ chúng ta cần được chúc lành biết bao. Điều đầu tiên Người làm sau khi tạo dựng thế giới là nói rằng mọi sự đều tốt lành (bene-dicere)nói về chúng ta rằng chúng ta rất tốt lành. Tuy nhiên, bây giờ với Con Thiên Chúa chúng ta không chỉ đón nhận lời chúc lành, nhưng chính là ân phúc: chính Chúa Giêsu là ân phúc của Chúa Cha. Trong Ngài, như Thánh Phaolô nói, Chúa Cha giáng phúc cho chúng ta “với muôn vàn ân phúc” (Êph 1:3). Mỗi khi chúng ta mở tâm hồn ra với Chúa Giêsu thì ân phúc của Thiên Chúa đi vào đời sống chúng ta.

Hôm nay chúng ta mừng kính Con Thiên Chúa, Đấng “được chúc phúc” về bản chất, Đấng đến với chúng ta qua Mẹ Ngài, “được chúc phúc” bởi ân sủng. Như vậy, Mẹ Maria đem đến cho chúng ta ân phúc của Chúa. Nơi nào có Mẹ thì Chúa Giêsu đến với chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chào đón Mẹ như Thánh Êlisabét, ngay lập tức nhận ra ân phúc liền kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1:42). Chúng ta lặp lại những lời đó mỗi khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng. Khi chào đón Mẹ Maria, chúng ta đón nhận một ân phúc, nhưng chúng ta cũng học chúc phúc. Đức Mẹ dạy chúng ta rằng những ân phúc chúng ta đón nhận là để trao đi. Mẹ, Đấng được chúc phúc, trở nên một ân phúc cho tất cả những người Mẹ gặp; cho bà Êlisabét, cho đôi tân hôn tại Cana, cho các Tông đồ trong phòng Tiệc Ly … Chúng ta cũng được kêu gọi để chúc phúc, để “nói tốt” nhân danh Chúa. Thế giới chúng ta đã bị ô nhiễm nặng vì cách chúng ta “nói” và nghĩ “xấu” về người khác, về xã hội, về bản thân. Nói xấu làm tàn phá và suy đồi, trong khi chúc phúc phục hồi lại sự sống và tạo sức mạnh cần thiết để khởi đầu mới mỗi ngày. Chúng ta hãy xin Mẹ Thiên Chúa ơn trở thành những người mang niềm vui của ân phúc của Chúa đến cho người khác, như Mẹ đối với chúng ta.

Động từ thứ hai là được sinh ra. Thánh Phaolô nói rằng Con Thiên Chúa “được sinh bởi một người đàn bà” (Gal 4:4). Trong những lời này, ngài kể cho chúng ta một điều thật kinh ngạc: rằng Chúa được sinh ra như chúng ta. Người không hiện ra ngay tại chỗ trong hình hài một người lớn, nhưng là một trẻ thơ. Người không đi vào thế giới này một mình, nhưng từ một người đàn bà, sau chín tháng ở trong cung lòng của Mẹ Người, trong đó Người cho phép nhân tính của Người được hình thành. Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong Mẹ Maria; Thiên Chúa của sự sống đón lấy dưỡng khí từ Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Chúa vì trong Mẹ Chúa đã ràng buộc chính mình Người vào xác phàm của chúng ta, và Người không bao giờ rời bỏ nó. Thánh Phanxicô thích nói rằng Mẹ Maria “đã làm cho Chúa Chí Tôn trở thành người anh của chúng ta” (THÁNH BONAVENTURA, Legenda Maior, 9, 3). Mẹ không những là cầu nối liên kết chúng ta với Thiên Chúa; Mẹ còn hơn thế. Mẹ là con đường để Chúa đi đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Người. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp được Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng ta: trong tình yêu dịu dàng, trong sự mật thiết, trong thân xác. Vì Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng; Người là thật và đã nhập thế; Người đã “được sinh ra bởi một người đàn bà”, và phát triển trong âm thầm. Các phụ nữ biết về cách phát triển âm thầm này. Nam giới chúng ta có khuynh hướng thiếu thực tế và muốn có mọi thứ ngay lập tức. Phụ nữ thì cụ thể và biết cách đan kết những sợi chỉ của cuộc sống với sự kiên trì âm thầm. Không biết bao nhiêu người phụ nữ, bao nhiêu người mẹ, đã sinh và tái sinh sự sống, trao cho thế giới một tương lai!

Chúng ta đi vào thế giới này không phải để chết, nhưng để trao sự sống. Mẹ Thánh của Thiên Chúa dạy chúng ta rằng bước đầu tiên của việc trao sự sống cho những người xung quanh chúng ta là biết trân quý nó ngay trong chính chúng ta. Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta rằng Mẹ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy” (xem Lc 2:19). Và sự tốt lành xuất phát từ tâm hồn. Giữ cho tâm hồn chúng ta thanh sạch là vô cùng quan trọng, để tu dưỡng đời sống nội tâm của chúng ta và để kiên trì cầu nguyện! Thật quan trọng biết bao khi dạy cho tâm hồn chúng ta biết quan tâm, biết trân quý những người và mọi vật ở xung quanh chúng ta. Mọi việc đều bắt đầu từ đây: từ việc trân quý người khác, thế giới và tạo vật. Có ích gì khi chúng ta biết được nhiều người và nhiều điều nhưng lại không biết trân quý họ? Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng có những khởi đầu mới và những sự điều trị mới, chúng ta đừng sao lãng sự quan tâm. Cùng với việc có được vaccine cho thân xác, chúng ta cần có vaccine cho tâm hồn. Vaccine đó là sự quan tâm. Năm nay sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta biết quan tâm người khác, như Mẹ của chúng ta quan tâm đến chúng ta.

Động từ thứ ba là tìm thấy. Tin mừng kể cho chúng ta rằng các mục đồng “gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi” (câu 16). Họ không tìm thấy những dấu lạ và kỳ vĩ, nhưng là một gia đình đơn sơ. Nhưng ở đó họ thật sự tìm thấy Thiên Chúa, Đấng là vĩ đại trong sự nhỏ bé, uy hùng trong sự dịu dàng. Nhưng bằng cách nào các mục đồng có thể tìm được dấu chỉ kín đáo này? Họ được kêu gọi bởi một thiên thần. Chúng ta cũng đã chẳng tìm được Thiên Chúa nếu chúng ta không được kêu gọi bởi ân sủng. Chúng ta chắc cũng chẳng thể tưởng tượng được một Thiên Chúa như thế, được sinh ra bởi một người đàn bà, là Đấng đã làm cách mạng lịch sử bằng tình yêu dịu dàng. Nhưng nhờ ân sủng chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta khám phá ra rằng sự tha thứ của Người mang đến sự tái sinh mới, sự an ủi của Người thắp lên tia hy vọng, sự hiện diện của Người ban tặng niềm vui dâng tràn. Chúng ta tìm thấy Người nhưng chúng ta không được để mất dấu của Người. Thật vậy, không thể tìm thấy Chúa một lần và cho tất cả: phải tìm thấy Người trong mỗi ngày. Vì vậy Tin mừng mô tả các mục đồng luôn trông ngóng, liên tục di chuyển: “Họ liền hối hả ra đi, họ gặp, họ liền kể lại, họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (các câu 16-17.20). Họ không thụ động, bởi vì để đón nhận được ân sủng chúng ta phải chủ động.

Về phần chúng ta thì sao? Chúng ta được kêu gọi tìm thấy điều gì vào ngày đầu năm này? Thật là tốt đẹp để tìm được thời gian cho người khác. Thời gian là một gia tài mà tất cả chúng ta đều có, nhưng chúng ta lại giữ nó một cách đầy ganh tị, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình. Chúng ta hãy xin ơn tìm được thời gian cho Chúa và cho người lân cận của mình – cho những người cô đơn hoặc đau khổ, cho những người đang cần người lắng nghe và thể hiện sự quan tâm đến họ. Nếu chúng ta có thể tìm được thời gian để cho đi, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc và đầy tràn niềm vui, giống như các mục đồng. Xin Mẹ Maria, Đấng đưa Chúa vào thế giới của thời gian, giúp chúng ta trở nên quảng đại với thời gian của mình. Lạy Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, chúng con xin dâng Năm Mới này lên Mẹ. Mẹ là Đấng biết cách ghi nhớ mọi việc trong lòng, xin chăm sóc chúng con, chúc phúc cho thời gian của chúng con, và dạy chúng con biết tìm thời gian cho Chúa và cho tha nhân. Trong hân hoan và niềm tin, chúng con xin tung hô Mẹ: Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa! Amen.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 02/01/2021]


Những vị thánh chiến đấu với chứng nghiện ngập

Những vị thánh chiến đấu với chứng nghiện ngập

Những vị thánh chiến đấu với chứng nghiện ngập

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

26/12/20

Cho dù những cuộc chiến đấu và tội lỗi hay chứng nghiện ngập của chúng ta như thế nào, thì chúng ta cũng không bị xác định bởi những vấp ngã của mình nhưng bởi tình yêu của Thiên Chúa.

Những ngày nghỉ là rất khó khăn với người đang sống trong tình trạng nghiện ngập ngay cả những lúc thoải mái nhất, và năm 2020 chẳng có chút nào thoải mái. Có thể vô cùng thất vọng khi thấy mình cứ tiếp tục rơi vào hành vi mà bạn đã ăn năn không biết bao nhiêu lần, hoặc tiếp tục chiến đấu chống lại cám dỗ ngay cả sau những năm gột sạch nó. Với những ai vẫn bị vướng vào chứng nghiện và những người cảm thấy mình bị cám dỗ mặc dù họ không ngừng kháng cự, thì đây là một số vị thánh có những kinh nghiệm tương tự về chứng nghiện. Những vị thánh này nhắc nhở chúng ta rằng cho dù những cuộc chiến đấu và tội và chứng nghiện ngập của mình như thế nào, thì chúng ta không bị xác định bởi những vấp ngã của mình nhưng bởi tình yêu của Thiên Chúa.

Thánh Mary của Ai cập (344-421) thường bị gọi là gái điếm, nhưng cô không nhận tiền cho những lần phục vụ của mình. Không, Mary là một phụ nữ bị chứng cuồng dâm, một người phụ nữ bị say mê bởi ham muốn khoái cảm nhục dục đến mức đôi khi cô còn ép buộc đàn ông dù họ không muốn. Thật khó để tưởng tượng được sự cứu chuộc đối với một người cuồng dâm và cưỡng dâm, nhưng Thiên Chúa không xét Mary theo tội của cô. Sau khi hành hương đến Đất Thánh (với thử thách quyến rũ tất cả những người hành hương trên đường đi), Mary bất ngờ bị kết án về sự xấu xa của tội lỗi của cô. Cô ăn năn và chạy trốn đến sa mạc, nơi cô tiếp tục chiến đấu chống lại tội lỗi, sự xấu hổ và cám dỗ. Trong 17 năm, cô đã sống chiều theo xác thịt và trong 17 năm, cô đã chiến đấu để không bị cuốn hút bởi những đam mê của mình một lần nữa. Cuối cùng, cô được tự do và sống phần đời còn lại mà không bị cám dỗ, một ẩn sĩ sa mạc đã trở thành một trong những vị thánh vĩ đại nhất của Giáo hội Đông phương.

Thánh Camillus de Lellis (1550-1614) là một người Ý, con trai của một người cha bản tính cáu giận và vô tâm. To lớn và khỏe mạnh, Camillus trở thành lính đánh thuê khi vẫn còn là một thiếu niên và đi khắp Châu Âu để chiến đấu cho người nào có thể trả nhiều tiền nhất. Cậu là một thanh niên bạo lực, nóng nảy và nghiện cờ bạc, cuối cùng làm cậu không còn một xu dính túi và bất lực với vết thương mãn tính ở chân khiến cậu không thể tìm được việc làm. Khi rơi xuống bước tận cùng đó, Camillus tìm thấy Chúa Giêsu và hối cải — cho đến khi những thói xấu của cuộc sống khi trước lên tiếng gọi. Hết lần này đến lần khác cậu quay lại với tội của mình; hết lần này đến lần khác, cái chân bị thương của cậu khiến cậu phải đến bệnh viện, tại đó cậu sám hối. Cuối cùng, Camillus đã được ơn để từ bỏ tội lỗi một lần và mãi mãi. Với Thánh Philip Neri là linh hướng của mình, cậu đã giũ bỏ được chứng nghiện cờ bạc, thích gây gổ và say sưa. Cuối cùng, cậu thành lập Dòng Camillian, một cộng đoàn gồm các nhân viên chăm sóc sức khỏe đã làm thay đổi bộ mặt của ngành y tế.

Thánh Augustine Yi Kwang-hon (1787-1839) thuộc một gia đình ngoại giáo quý tộc ở Hàn Quốc. Thời trẻ, cậu rơi vào một cuộc sống sa đọa, đặc biệt là do mê uống rượu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc hôn nhân của cậu với Thánh Barbara Kwon Hui đã không giúp gì cho cậu. Nhưng khi Augustine được nghe Tin Mừng rao giảng và quyết định xin rửa tội, thì cậu được chữa lành chứng nghiện của mình. Trong khi hầu hết những người nghiện tiếp tục phải chiến đấu một thời gian dài sau quyết định ban đầu trở lại trong sạch của họ, thì Augustine đã được ban ơn kỳ diệu và không bao giờ thèm rượu nữa. Anh trở thành một giáo lý viên và cùng với vợ, anh mở cửa nhà của mình cho Giáo hội bị bắt bớ. Hai người đã chịu tử vì đạo cùng với con gái của họ là Thánh Agatha Yi và anh trai của Augustine là Thánh John Baptist Yi Kwang-ryol.

Thánh Mark Ji TianXiang (1834-1900) là một người nghiện thuốc phiện. Vì linh mục của cậu không hiểu được bản chất của chứng nghiện, linh mục nói với TianXiang rằng cậu không thể được tha tội cho đến khi cậu đánh bại cơn nghiện của mình — điều đó có nghĩa là cậu cũng không được Rước Lễ. Trong suốt 30 năm, người bác sĩ Trung Quốc này vẫn tiếp tục thực hành đức tin trong khi bị từ chối các Bí tích. Cậu không bao giờ được rửa sạch tội, nhưng cậu đã chết như một người tử vì đạo cùng với gia đình của mình và đã được phong thánh không chỉ vì phúc tử đạo của cậu mà vì hàng chục năm chiến đấu để theo Chúa Giêsu trong khi vác thập giá là chứng nghiện ngập.

Bậc Đáng Kính Matt Talbot (1856-1925) lớn lên trong một gia đình nghiện rượu ở Dublin. Trở thành kẻ say sưa vào năm 13 tuổi, Matt trải qua 15 năm tiếp theo tập trung vào rượu hơn bất cứ thứ gì khác. Một ơn phúc đổ xuống năm 28 tuổi đã thôi thúc Matt cam kết bỏ rượu và cậu không bao giờ đụng đến rượu nữa, nhưng cậu không ngừng phải chiến đấu chống lại sự cám dỗ đã điều khiển cuộc đời cậu bấy lâu nay. Cho đến ngày qua đời, cậu không mang theo tiền vì nó là sự cám dỗ để đi vào quán rượu và uống vài ly. Là một người đàn ông độc thân, cậu sống như một người lao động khiêm nhường, chú tâm vào việc cầu nguyện và sự khổ hạnh hơn bất cứ điều gì khác. Cậu nói, “Đừng bao giờ quá khắt khe với một người không thể bỏ rượu. Việc bỏ uống rượu cũng khó như làm cho người chết sống lại. Nhưng cả hai việc đều là có thể và thậm chí rất dễ dàng đối với Chúa. Việc duy nhất là chúng ta đặt mình lệ thuộc vào Người”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2020]