Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

‘Trẻ thơ chào đời nhờ Đức Trinh nữ Maria ở Bêlem là sinh ra cho mọi người: Ngài là người Con mà Thiên Chúa đã ban tặng cho toàn thể gia đình nhân loại’

25 tháng Mười Hai, 2020 14:07

ZENIT STAFF


Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống (“Cho Thành phố [Roma] và toàn Thế giới”) vào ngày Lễ Giáng sinh. Năm nay, do đại dịch coronavirus, ngài đọc thông điệp trong Khán phòng Benediction của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở tầng trên ngay phía sau bao lơn trung tâm nơi ngài thường đọc các thông điệp, với một số giới hạn rất ít tín hữu.

Dưới đây là toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha.


Anh chị em thân mến,

Chúc anh chị em Giáng sinh vui!

Cha muốn mang đến cho mọi người thông điệp mà Giáo hội công bố trong ngày lễ bằng những lời của tiên tri Isaia: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:6)

Một trẻ thơ đã chào đời. Sự chào đời luôn là một nguồn hy vọng; đó chính là sự sống trổ hoa, một lời hứa của tương lai. Hơn nữa, Trẻ thơ này, là Chúa Giêsu chào đời “cho chúng ta”: một “chúng ta” không có bất kỳ ranh giới nào, không có những đặc quyền hay loại trừ. Trẻ thơ chào đời nhờ Đức Trinh nữ Maria ở Bêlem là sinh ra cho mọi người: Ngài là “người Con” mà Thiên Chúa đã ban tặng cho toàn thể gia đình nhân loại.

Nhờ Trẻ thơ này, tất cả chúng ta đều có thể thưa chuyện với Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”. Chúa Giêsu là người Con Duy nhất; không ai khác ngoài Ngài biết được Chúa Cha. Nhưng Ngài đến thế gian này với một lý do: để cho chúng ta thấy dung nhan của Chúa Cha. Nhờ Trẻ thơ này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và chị em, vì thật sự chúng ta là như vậy. Chúng ta đến từ mọi châu lục, từ mọi ngôn ngữ và văn hóa, với những bản sắc riêng và sự khác biệt của chúng ta, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Trong thời khắc lịch sử này, bị đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái học và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội và bị làm xấu thêm bởi đại dịch coronavirus, hơn bao giờ hết chúng ta phải chân nhận nhau là anh chị em. Thiên Chúa đã làm cho sự hiệp nhất huynh đệ này là khả thi, bằng cách ban cho chúng ta Con của Người là Chúa Giêsu. Tình huynh đệ mà Ngài tặng ban cho chúng ta không phải là những từ ngữ hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, hoặc những tình cảm mơ hồ. Nó là một tình huynh đệ đặt nền tảng trong tình yêu thật sự, làm cho tôi có thể gặp gỡ những người khác biệt với tôi, động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của họ, đến gần họ, và chăm sóc họ cho dù họ không thuộc về gia đình tôi, không thuộc về nhóm sắc tộc của tôi, hoặc tôn giáo của tôi. Vì với tất cả những khác biệt của họ, họ vẫn là anh chị em của tôi. Những mối tương quan giữa các dân tộc và các quốc gia cũng như vậy: tất cả là anh chị em!

Trong Lễ Giáng sinh chúng ta cử hành ánh sáng của Đức Kitô là Đấng đã đến thế gian này; Ngài đến cho mọi người, không chỉ đến cho một số người. Hôm nay, trong thời khắc đen tối và bấp bênh do đại dịch, nhiều ánh sáng và hy vọng đã xuất hiện, chẳng hạn như việc tìm ra vaccine. Nhưng để cho ánh sáng này tỏa rạng và mang hy vọng đến cho tất cả, chúng phải đến được với tất cả mọi người. Chúng ta không thể cho phép những hình thức chủ nghĩa dân tộc bao vây ngăn cản chúng ta sống như gia đình nhân loại thật sự. Chúng ta cũng không cho phép virus của chủ nghĩa cá nhân cấp tiến lấy mất đi phần tốt hơn của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thờ ơ trước sự đau khổ của những anh chị em khác. Tôi không thể đặt bản thân tôi lên trước những người khác, để cho luật thị trường và sáng chế chiếm ưu thế hơn luật yêu thương và sức khỏe con người. Tôi kêu gọi tất cả mọi người – các vị lãnh đạo chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế – hãy thúc đẩy sự hợp tác nhưng không cạnh tranh, và tìm kiếm giải pháp cho tất cả: vaccine cho tất cả mọi người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất thuộc mọi vùng miền trên hành tinh. Trước hết là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!

Vì vậy, xin Trẻ thơ của Bêlem giúp chúng ta trở nên quảng đại, hỗ trợ và giúp đỡ, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương, người bệnh, những người thất nghiệp hoặc đang gặp khó khăn do các hậu quả kinh tế của đại dịch, và những người phụ nữ gánh chịu cảnh bạo lực gia đình trong những tháng phong tỏa.

Đứng trước một thách thức vượt mọi ranh giới, chúng ta không thể dựng lên những bức tường. Tất cả chúng ta đều ở trên cùng con thuyền. Tất cả những người khác đều là người anh em hoặc chị em của tôi. Nơi mỗi con người, tôi nhìn thấy ánh lên dung nhan của Chúa, và trong những người đau khổ, tôi nhìn thấy Chúa đang nài xin tôi giúp đỡ. Tôi nhìn thấy Ngài nơi người bệnh tật, người nghèo, người thất nghiệp, người bị gạt ra bên lề, người di cư và tị nạn: tất cả là anh chị em!

Ngày hôm nay, khi Ngôi Lời trở thành một trẻ thơ, chúng ta hãy hướng mắt nhìn đến nhiều trẻ em trên thế giới, rất rất nhiều, đặc biệt ở Syria, Iraq và Yemen, những trẻ vẫn đang phải trả cái giá rất cao của chiến tranh. Ước mong khuôn mặt của các trẻ chạm đến lương tâm của tất cả những người thiện chí, để nguyên nhân của những cuộc xung đột có thể được giải quyết và những nỗ lực can đảm được thực hiện để xây dựng một tương lai hòa bình.

Cầu mong đây sẽ là một thời điểm thuận lợi để xoa dịu những căng thẳng trên khắp Trung Đông và miền Đông Địa Trung Hải.

Cầu xin Trẻ thơ Giêsu chữa lành những vết thương của dân tộc Syria thân thương, là dân tộc đã bị chiến tranh và những hậu quả của chúng tàn phá trong suốt một thập kỷ qua, hiện đang trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Nguyện xin Ngài mang đến sự an ủi cho dân tộc Iraq và tất cả những người tham gia và công cuộc hòa giải, và đặc biệt là người Yazidi đã chịu thử thách nặng nề trong những năm tháng chiến tranh. Nguyện ước Ngài ban hòa bình cho đất nước Libya và giúp cho chặng đường đàm phán mới tiến đến việc chấm dứt mọi hình thức thù hận trong nước.

Nguyện xin Hài nhi của Bêlem ban ơn huynh đệ cho vùng đất chứng kiến sự chào đời của Ngài. Cầu mong để người Israel và Palestine lấy lại được sự tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm nền hòa bình công bằng và dài lâu thông qua đối thoại trực tiếp để chấm dứt bạo lực và vượt qua được những oán hận đặc hữu, và từ đó làm chứng cho thế giới về nét đẹp của tình huynh đệ.

Nguyện xin vì sao sáng soi đêm Giáng sinh hướng dẫn và động viên người dân Li Băng, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ không mất hy vọng giữa những khó khăn hiện đang phải đối mặt. Nguyện xin vị Hoàng tử Hòa bình giúp những người lãnh đạo đất nước gạt bỏ các lợi ích đảng phái và cam kết một cách nghiêm túc, chân thành và minh bạch để giúp người Li Băng theo đuổi tiến trình cải tổ và kiên trì với ơn gọi tiến đến tự do và chung sống hòa bình.

Nguyện xin Con của Đấng Tối Cao duy trì cam kết của cộng đồng quốc tế và những quốc gia liên quan để tiếp tục việc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, cũng như trong các vùng đông Ukraine, và thúc đẩy đối thoại như là con đường duy nhất cho hòa bình và hòa giải.

Xin Con Thiên Chúa xoa dịu sự đau khổ của các dân tộc Burkina Faso, Mali và Niger, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo nặng nề do chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang, cùng với đại dịch và những thảm họa tự nhiên khác. Xin Người chấm dứt bạo lực ở Ethiopia, nơi nhiều người dân đã buộc phải chạy trốn vì chiến tranh; an ủi người dân trong vùng Cabo Delgado thuộc miền bắc Mozambique, những nạn nhân do bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế; và khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan, Nigeria và Cameroon theo đuổi con đường huynh đệ và đối thoại họ đã thực hiện.

Nguyện xin Ngôi Lời Hằng Hữu của Chúa Cha là nguồn hy vọng cho Châu Mỹ, bị ảnh hưởng nặng bởi coronavirus đã tăng thêm nhiều đau khổ của châu lục, thường trở nên trầm trọng hơn bởi những hậu quả của tham nhũng và buôn bán ma túy. Xin Người xoa dịu những căng thẳng xã hội gần đây ở Chile và chấm dứt những đau khổ của người dân Venezuela.

Xin Đức Vua của Thiên Đàng che chở tất cả các nạn nhân của những thiên tai ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Philippines và Việt Nam, nơi nhiều trận bão đã gây ra lũ lụt, với những hậu quả thiệt hại quá lớn về nhân mạng cho các gia đình, tác hại cho môi trường và hậu quả đối với nền kinh tế địa phương.

Khi nói đến Châu Á, cha không thể quên dân tộc Rohingya: xin Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra trong cảnh nghèo giữa những người nghèo, mang đến cho họ niềm hy vọng giữa những đau khổ của họ.

Anh chị em thân mến,

“Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta” (Is 9:6). Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài nói với chúng ta rằng đau khổ và sự ác không phải là lời nói cuối cùng. Cam chịu trước bạo lực và bất công tức là từ bỏ niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.

Trong ngày Lễ này, cha đặc biệt nghĩ đến tất cả những anh chị em không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, nhưng làm việc để mang đến hy vọng, an ủi, và giúp đỡ những người đau khổ và cô đơn.

Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng chiên bò nhưng được bao bọc bởi tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Bằng cách sinh ra mặc lấy xác phàm, Con Thiên Chúa thánh hóa tình yêu gia đình. Suy nghĩ của cha lúc này hướng về các gia đình: về những người không thể đến được với nhau trong ngày hôm nay và những người buộc phải ở nhà. Ước mong Lễ Giáng sinh trở thành một cơ hội cho tất cả chúng ta tái khám phá rằng gia đình là một cái nôi của sự sống và niềm tin, một nơi chào đón và yêu thương, đối thoại, tha thứ, đoàn kết huynh đệ, và niềm vui chung, là nguồn bình an cho toàn nhân loại.

Chúc tất cả anh chị em Giáng sinh vui!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2020]


Liên Hợp Quốc tiếp nối bước đi đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc tuyên bố ngày quốc tế

Liên Hợp Quốc tiếp nối bước đi đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc tuyên bố ngày quốc tế

Liên Hợp Quốc tiếp nối bước đi đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc tuyên bố ngày quốc tế

Vincenzo PINTO | AFP

John Burger

25/12/20


Với sự nhất trí biểu quyết trong Đại hội đồng, ngày 4 tháng Hai trở thành Ngày Quốc tế Tình Huynh đệ Nhân loại.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu nhất trí chọn ngày 4 tháng Hai — ngày kỷ niệm việc ký kết “Văn kiện về tình Huynh đệ Nhân loại” của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb — là “Ngày Quốc tế Tình huynh đệ Nhân loại”.

Hôm thứ Ba Đại hội đồng đã bỏ phiếu và mời các Quốc gia thành viên và hệ thống Liên Hợp Quốc đưa ngày kỷ niệm này vào lịch của họ bắt đầu từ năm 2021.

Được sự ủng hộ của Ai Cập, Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Guinea Xích đạo, Ma-rốc, Burkina Faso và Venezuela, nghị quyết của Liên hợp quốc ghi nhận cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, vào ngày 4 tháng Hai năm 2019, ở Abu Dhabi.

Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên “tiếp tục hoạt động vì một văn hóa hòa bình để đóng góp cho nền hòa bình và phát triển bền vững.” Theo tài liệu, điều này bao gồm việc huy động “những nỗ lực của cộng đồng quốc tế ủng hộ cho hòa bình, khoan dung, bao gồm, hiểu biết và đoàn kết”.

Khi giới thiệu nghị quyết, đại diện của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết đây là một phản ứng đối với sự thù ghét tôn giáo ngày càng gia tăng giữa đại dịch COVID-19, trang web của Liên Hợp Quốc cho biết.

Nghị quyết nói rằng Đại Hội đồng tái khẳng định các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp quốc và Tuyên ngôn Chung về Nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Nghị quyết kết luận:

“Xét đến tất cả các sáng kiến quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương, nếu thích hợp, cũng như những nỗ lực của các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn và liên văn hóa, và về điểm này, cũng xét đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Ahmad al-Tayyib, Đại Imam của Đại học Al -Azhar, vào ngày 4 tháng Hai năm 2019 tại Abu Dhabi, dẫn đến việc ký kết văn kiện mang tên “Tình huynh đệ nhân loại vì nền hòa bình thế giới và sự chung sống”, [Đại Hội đồng] quyết định công bố ngày 4 tháng Hai là Ngày Quốc tế Tình huynh đệ Nhân loại, sẽ được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 2021.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2020]