Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Bạn có biết? Một người Mỹ đã đem chiếc xe hơi đầu tiên đến Vatican

Bạn có biết? Một người Mỹ đã đem chiếc xe hơi đầu tiên đến Vatican

Bạn có biết? Một người Mỹ đã đem chiếc xe hơi đầu tiên đến Vatican

© Musei Vaticani | Antoine Mekary for Aleteia

I.Media for Aleteia

24/08/21


Chiếc xe đến Vatican vào năm 1909, nhưng giống như nhiều chiếc xe giáo hoàng đầu tiên, nó vẫn nằm yên trong hai mươi năm.

Vatican luôn có những sự bất ngờ thú vị mở ra. Ở giữa nhà nước nhỏ nhất trên thế giới, dưới những bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận của những khu vườn lộng lẫy, ẩn chứa… một nhà để xe.

Sau khi tản bộ hàng giờ trong các phòng trưng bày lộng lẫy của Bảo tàng Vatican, du khách có thể tiếp tục chuyến thăm của mình xuôi xuống đường dốc thoai thoải và đến nhà để xe Carriage Pavilion. Được khánh thành vào tháng Tư năm 1973 bởi Đức Phaolô VI, nó chứa đựng một bộ sưu tập tuyệt diệu các loại phương tiện được sử dụng bởi các đức giáo hoàng. Có các ghế kiệu sedan, xe ngựa bốn bánh, nhưng cũng có các ô-tô chạy động cơ.


Đức Tổng Giám mục Farley tặng xe cho Đức Giáo hoàng Piô X

Một người Mỹ lần đầu tiên mang xe cơ giới vào Vatican. Vào năm 1909, Đức Giám mục John Farley, Tổng Giám mục New York, đã tặng một chiếc Itala 20/30 cho Đức Giáo hoàng Piô X. Với chiếc xe do công ty mới thành lập của Ý sản xuất — công ty này đã phá sản năm 1934 — bây giờ Đức Giáo hoàng có thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn tốc độ của một chiếc xe ngựa.

Nhưng Đức Piô X đã từ chối trải nghiệm này. Ở tuổi 74, vị Giáo hoàng thích đi qua các Khu Vườn Vatican trong một chiếc xe ngựa yên tĩnh và thoải mái hơn.


Những chiếc xe ngựa lịch lãm được trưng bày

Trong số những chiếc xe ngựa được trưng bày có loại được gọi là “du lịch” do những người thợ lành nghề của Rôma đóng trong thế kỷ trước. Rất thanh lịch, nó được sử dụng cho đến triều đại Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV (1914-1922) với huy hiệu của đấng kế vị thứ 258 của Thánh Phêrô vẫn còn trên cả hai bên cửa. Nhưng chính Đức Piô IX (1846-1878) đã sử dụng nó nhiều nhất, đặc biệt là trong chuyến viếng thăm đến vùng Legation Romagna, nằm ở phía bắc Nhà nước của Giáo hoàng. Theo Bảo tàng Vatican, chuyến đi này được gọi là “chuyến thăm cuối cùng của một vị Giáo hoàng-Vua”.


Các tù nhân ở Vatican

Các biến cố của thế giới làm rung chuyển hoàn toàn dòng chảy lịch sử Giáo hoàng, và một cách gián tiếp đối với các phong trào Giáo hoàng. Mặc dù Đức Piô X dường như không quan tâm đến chiếc Itala 20/30 của mình, nhưng có thể đó là do tình hình của giáo hoàng vào thời điểm đó. Kể từ năm 1870 và việc quân đội Ý đánh chiếm Rôma, các đức giáo hoàng tự nhận mình là tù nhân ở Vatican. Không công nhận nhà nước mới của Ý, các ngài từ chối đi ra ngoài, thậm chí không chịu đi vài cây số để đến nhà thờ chính tòa của các ngài là Đền thờ Thánh Gioan Lateran.


Những chiếc xe giáo hoàng đầu tiên nằm yên

Trong bối cảnh này, và trong một không gian chỉ vỏn vẹn vài héc-ta của Vatican, việc sử dụng một chiếc xe giáo hoàng dường như không được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, vào năm 1896, trên bộ phim đầu tiên trong lịch sử chiếu cảnh một vị giáo hoàng, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy Đức Leo XIII trong một chiếc xe ngựa đi qua các Khu Vườn Vatican.

Nhà sản xuất Bianchi của Ý đã tặng Đức Bênêđictô XV một chiếc xe hơi vào năm 1922, và một chiếc khác vào 4 năm sau đó, nhưng Giáo hoàng không sử dụng chúng.

Vì vậy những chiếc xe giáo hoàng đầu tiên thật ra vẫn nằm yên. Tình trạng này kéo dài cho đến ngày 22 tháng Mười Hai năm 1929, một ngày lịch sử khi Đức Piô XI bước lên chiếc Graham Paige màu đen loại 837 để đi đến Đền thờ Lateran.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2021]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 9, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 9, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 1 tháng Chín, 2021

___________________________


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI. Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Những người Galát ngu xuẩn” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 3:1-3).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật và Mùa Tạo vật, được tổ chức hôm nay.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát - 7. Những người Galát ngu xuẩn

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta sẽ tiếp tục giải thích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đây không phải là điều gì mới, sự giải thích này, nó là của tôi: điều chúng ta đang nghiên cứu là những gì Thánh Phaolô nói trong một cuộc xung khắc rất nghiêm trọng với người Galát. Và đó cũng là Lời Chúa, vì nó ở trong Kinh thánh. Chúng không phải là điều mà người nào đó tạo ra: không. Nó là một điều đã xảy ra trong thời gian đó và nó có thể lặp lại. Đây chỉ đơn giản là một bài giáo lý về Lời Chúa được diễn đạt trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát; không có gì khác hơn. Phải luôn ghi nhớ điều này. Và trong bài giáo lý trước, chúng ta nhìn thấy Thánh Tông đồ Phaolô đã chỉ cho những người Kitô hữu đầu tiên của Galát thấy mối nguy hiểm như thế nào khi rời bỏ con đường mà họ đã bắt đầu đi khi đón nhận Tin Mừng. Thật vậy, mối nguy hiểm đó là đi vào chủ nghĩa hình thức, một trong những cám dỗ dẫn đến sự giả hình, điều chúng ta đã nói trong một lần trước đây. Đi vào chủ nghĩa hình thức, và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã nhận được: phẩm giá của những người được cứu chuộc bởi Đức Kitô. Trích đoạn chúng ta vừa nghe là khởi đầu phần thứ hai của Thư. Trước đó, Thánh Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của ngài: về cách thức ơn Chúa đã biến đổi đời sống của ngài, dấn thân hoàn toàn vào việc phục vụ rao giảng Tin mừng. Đến lúc này, ngài trực tiếp thách đố người Galát: ngài đặt ra trước mặt họ những lựa chọn mà họ đã chọn và tình trạng hiện tại của họ, là điều có thể làm mất đi kinh nghiệm ân sủng mà họ đã sống.

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 9, 2021

Và những từ ngữ mà Thánh Tông đồ sử dụng để nói với người Galát chắc chắn không phải là nhã nhặn: như chúng ta đã được nghe. Trong các Thư khác, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các cụm từ như “anh chị em” hoặc “các bạn thân mến”; ở đây thì không, bởi vì ngài đang giận dữ. Ngài nói “những người Galát” một cách chung chung và không dưới hai lần gọi họ là “ngu xuẩn”, đây không phải là một cách nói lịch sự. Ngu xuẩn, vô tri, có thể mang nhiều ý nghĩa… Ngài nói vậy không phải vì họ không thông minh, nhưng vì họ có nguy cơ đánh mất đức tin vào Đức Kitô mà họ đã đón nhận với lòng nhiệt thành, mà hầu như lại không nhận ra điều đó. Họ khờ dại vì họ không ý thức được rằng mối nguy hiểm là đánh mất kho tàng quý giá, đánh mất vẻ đẹp, đánh mất sự mới mẻ của Đức Kitô. Sự ngạc nhiên và nỗi buồn của Thánh Tông đồ là rất rõ ràng. Không phải là không có sự cay đắng, ngài nhắc cho những người Kitô hữu đó nhớ lại lời công bố ban đầu của ngài, là điều mà ngài cho họ cơ hội đạt được một tự do mới, cho đến nay vẫn chưa có hy vọng.

Thánh Tông đồ đặt những câu hỏi cho người Galát, với mục đích đánh động lương tâm của họ: đây là lý do tại sao nó rất mạnh mẽ. Đó là những câu hỏi tu từ, bởi vì người Galát ý thức rất rõ rằng việc họ đến được với đức tin nơi Đức Kitô là hoa trái của ân sủng được đón nhận nhờ lời rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ trở lại điểm xuất phát của ơn gọi Kitô hữu. Lời họ đã nghe được từ Thánh Phaolô tập trung vào tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện trọn vẹn qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể tìm được cách diễn đạt nào thuyết phục hơn về những điều mà có lẽ ngài đã lặp lại nhiều lần với họ trong lời rao giảng của ngài: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Thánh Phaolô không muốn biết gì khác ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh (xem 1 Cr 2:2). Người Galát phải nhìn vào biến cố này, không để mình bị phân tâm bởi những lời loan báo khác. Nói tóm lại – ý định của Thánh Phaolô là buộc các Kitô hữu nhận ra điều gì đang bị đe dọa, từ đó họ không để bản thân bị mê hoặc bởi tiếng nói của những người quyến rũ muốn dẫn đưa họ đến một tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân giữ các giới luật một cách tỷ mỷ. Bởi vì những người rao giảng mới đến Galát, đã thuyết phục họ rằng họ nên quay trở lại và trở về với những giới luật mà họ đã tuân giữ và hoàn thiện trước khi Đức Kitô đến, là Đấng ban ơn cứu độ một cách nhưng không.

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 9, 2021

Bên cạnh đó, người Galát hiểu rất rõ những gì Thánh Tông đồ muốn nói đến. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn của họ: cũng như trong các Giáo hội khác, bác ái và các đặc sủng khác nhau cũng đã thể hiện ở giữa họ. Khi bị thử thách, họ phải trả lời rằng những gì họ đã trải nghiệm là kết quả của sự mới mẻ của Thần Khí. Do đó, việc họ đến với đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, không phải của loài người. Chúa Thánh Thần đã là tác nhân của kinh nghiệm của họ; bây giờ lại đặt Người vào hàng thứ yếu để trao sự ưu tiên cho công việc của họ – đó là việc thi hành các giới luật của Lề Luật – là một sự liều lĩnh dại dột. Sự thánh thiện đến từ Chúa Thánh Thần và là ơn cứu chuộc nhưng không của Chúa Giêsu: điều này làm chúng ta nên công chính.

Bằng cách này, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư: chúng ta sống đức tin của mình như thế nào? Liệu tình yêu của Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, vẫn là trung tâm của đời sống hàng ngày như là nguồn mạch của ơn cứu rỗi của chúng ta, hay chúng ta bằng lòng với một số nghi thức tôn giáo để an ủi lương tâm của chúng ta? Chúng ta sống đức tin của mình như thế nào? Chúng ta có gắn kết với kho tàng quý báu, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Đức Kitô, hay chúng ta thích một điều gì đó thu hút chúng ta nhất thời nhưng sau đó để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong lòng? Sự phù du thường gõ cửa trong ngày của chúng ta, nhưng nó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta trở nên hời hợt và ngăn cản chúng ta không phân định được đâu là mục đích thực sự đáng sống vì nó. Nhưng thưa anh chị em, chúng ta hãy luôn vững tâm rằng ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ quay lưng thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng các ân điển của Người.

Trong suốt chiều dài lịch sử, ngay cả hôm nay, những điều đang xảy ra cũng giống như những gì đã xảy ra với người Galát. Thậm chí ngày nay, người ta đến và kêu gọi chúng ta rằng, “Không, sự thánh thiện nằm trong những giới luật này, trong những điều này, bạn phải làm điều này điều kia”, và đề xuất một tôn giáo cứng nhắc, sự cứng nhắc lấy mất đi sự tự do của chúng ta trong Thần Khí là Đấng ban ơn cứu cứu rỗi của Đức Kitô cho chúng ta. Hãy cẩn thận với sự cứng nhắc mà họ đề xuất với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mỗi điều cứng nhắc đều có điều gì đó xấu, đó không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị thuộc trào lưu chính thống này cản trở đời sống thiêng liêng của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta tiến bước trong ơn gọi phục sinh của Chúa Giêsu.

Đây là điều mà Thánh Tông đồ xác định lại với người Galát khi ngài nhắc nhở họ rằng Chúa Cha “đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em” (3: 5). Ngài sử dụng thì hiện tại, ngài không nói “Chúa Cha đã ban Thần Khí cho anh em”, chương 3, câu 5. Không: ngài nói – “ban cho”; ngài không nói, “đã hoạt động”, nhưng ngài nói “hoạt động”. Bởi vì, cho dù bao nhiêu những khó khăn mà chúng ta có thể gây ra cho hoạt động của Người, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta mà còn ở với chúng ta trong tình yêu thương xót của Người. Người giống như người cha ngày ngày lên sân thượng để dõi mắt xem người con của mình có trở về hay không: tình yêu thương của Chúa Cha không bao giờ mệt mỏi. Chúng ta hãy cầu xin ơn khôn ngoan luôn ý thức về thực tại này, và gạt bỏ những trào lưu chính thống, những người đề xuất cho chúng ta một sự khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự khổ hạnh là cần thiết, nhưng là sự khổ hạnh khôn ngoan, không phải giả tạo.

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 9, 2021

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Cha gửi lời chào thân ái anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Cha chào các tín hữu đến từ Cuneo và Fossano tập trung đến đây cùng với Đức Giám mục Đức ông Piero Delbosco nhân dịp Thượng hội đồng giáo phận: Cha hy vọng rằng sự kiện này sẽ thể hiện một hành trình thiêng liêng được canh tân, trong dấu hiệu của sự hiệp thông và tinh thần đồng trách nhiệm. Tôi xin chào anh em Dòng Thừa sai Phan Sinh Ngôi Lời Nhập Thể, tập trung trong dịp Tổng Tu nghị, và tôi động viên anh em hãy hân hoan tiếp tục trên con đường theo Chúa Kitô.

Cuối cùng, như thường lệ, ý nghĩ của cha hướng về ông bà cao tuổi, người bệnh, các bạn trẻ và những đôi uyên ương mới, xin ơn của Chúa tuôn đổ xuống trên mỗi người.

Cha ban Phép lành cho tất cả anh chị em.

__________________________

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, và bắt đầu Mùa Tạo vật, sẽ kết thúc vào ngày 4 tháng Mười, ngày lễ Thánh Phanxicô Assisi. Năm nay chủ đề là: “Một ngôi nhà cho tất cả? Làm mới lại Oikos của Chúa”. Cùng với Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew và Đức Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, chúng tôi đã soạn một Thông điệp sẽ được ban hành trong những ngày tới. Cùng với những anh chị em thuộc các tông phái Kitô giáo khác, chúng ta cùng nguyện và làm việc cho ngôi nhà chung của chúng ta trong thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng đối với hành tinh này.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/9/2021]