Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Giê-su là cây nho (Toàn văn)

‘Người mời gọi chúng ta kết hiệp với Người để trổ sinh nhiều trái’

29 tháng Tư, 2018 14:46
THÀNH PHỐ VATICAN, 29 THÁNG TƯ, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật thứ Năm Phục sinh này Lời Chúa tiếp tục chỉ cho chúng ta con đường và những điều kiện để trở thành một cộng đoàn của Chúa Phục sinh. Nổi bật lên trong Chúa nhật trước là mối quan hệ giữa người tín hữu và Chúa Giê-su, vị Mục tử Nhân lành. Hôm nay Tin mừng kể cho chúng ta thời điểm Chúa Giê-su trình bày chính bản thân Người như là cây nho thật và Người mời gọi chúng ta kết hiệp với Người để trổ sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15:1-8). Nho là một loại cây có rất nhiều cành, và các cành chỉ trổ sinh hoa trái khi kết hiệp với thân cây. Mối quan hệ này là bí mật của đời sống người Ki-tô hữu, và tác giả phúc âm Gioan diễn tả điều đó bằng động từ “ở lại,” mà trong trích đoạn hôm nay được lặp lại bảy lần. Chúa nói “Hãy ở lại trong Thầy”; hãy ở lại trong Chúa.

Chính việc ở lại trong Chúa tạo nên lòng can đảm bước ra khỏi con người của chúng ta — những tiện nghi, những vùng giới hạn và được bảo vệ của chúng ta –, để bước vào đại dương mênh mông của những thiếu thốn của tha nhân và cho đi thật dồi dào những chứng tá Ki-tô hữu của chúng ta trong thế giới. Lòng can đảm bước ra khỏi con người chúng ta và đi vào những thiếu thốn của tha nhân được sinh ra bởi niềm tin vào Chúa Phục sinh và sự tin chắc rằng Thần Khí của Người luôn đồng hành trong lịch sử của chúng ta. Quả thật, một trong những hoa trái tốt lành trổ sinh từ sự kết hiệp với Đức Ki-tô là cam kết đức ái với tha nhân, yêu thương anh em đến mức quên bản thân, đến mức gánh lấy những hậu quả sau cùng, như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta. Động lực đức ái của người tín hữu không phải là kết quả của những sách lược; nó không được sinh ra từ những sự khích động bên ngoài của xã hội hay của những hệ tư tưởng, nhưng nó được sinh ra từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su và ở lại trong Chúa Giê-su. Với chúng ta Người là mạch sống trong đó chúng ta hút lấy nhựa sống, tức là “sự sống” đem đến cho xã hội một cách sống khác và cho đi bản thân, điều làm cho người rốt hết trở thành người trên hết.

Khi một người thân thiết với Chúa, như cây nho và cành nho thân thiết và kết hiệp với nhau, người ấy có thể trổ sinh nhiều hoa trái của sự sống mới, của lòng thương xót, của công bình và bình an, bắt nguồn từ sự Phục sinh của Chúa. Đó chính là điều các Thánh đã làm, các ngài sống đời sống người Ki-tô hữu trọn vẹn và làm chứng tá đức ái vì các ngài là những cành nho thật của cây nho của Chúa. Tuy nhiên, để trở thành thánh nhân “không cần thiết phải làm giám mục, linh mục, hay nam nữ tu sĩ. [. . .] Tất cả chúng ta, tất cả đều được kêu gọi nên thánh bằng đời sống yêu thương, và mỗi người hãy thể hiện chứng tá của mình trong những công việc hàng ngày, đó là nơi chúng ta tìm thấy bản thân” (Tông huấn Gaudete et Exsultate (Vui mừng và hân hoan, 14). Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh; chúng ta phải trở nên thánh với sự giàu có mà chúng ta đón nhận từ Chúa Phục sinh. Mọi hoạt động – làm việc, nghỉ ngơi, đời sống gia đình và xã hội, thi hành trách nhiệm chính trị, văn hóa và kinh tế — mọi hoạt động, bất kể nhỏ bé hay to lớn, nếu sống trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su và với thái độ yêu thương và phục vụ, là một cơ hội để sống Bí tích Rửa tội và nên thánh trọn vẹn.

Nguyện xin Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh và là mẫu gương hiệp nhất trọn vẹn với Con của mẹ, là nguồn trợ giúp cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ dạy chúng ta biết ở lại trong Chúa Giê-su, như là những cành trên thân cây nho, và không bao giờ xa rời tình yêu của Người. Thật vậy, chúng ta không thể làm được điều gì nếu không có Người, vì đời sống của chúng ta là Đức Ki-tô sống, thể hiện trong Giáo hội và trong thế giới.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng

Anh chị em thân mến,

Hôm qua chị Hanna Chrzanowska, một giáo dân tận hiến đời sống để chăm sóc bệnh nhân, qua họ chị nhìn thấy dung nhan đau khổ của Chúa Giê-su, đã được phong Chân phước ở Krakow. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá của người tông đồ của bệnh nhân này và chúng ta hãy cố gắng để bắt chước mẫu gương của chị.

Tôi luôn hiệp thông cầu nguyện cho sự thành công tốt đẹp của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều vừa qua và cam kết can đảm của cả hai nhà lãnh đạo hai bên, đi theo con đường đối thoại chân thành cho một Bán đảo Triều tiên không có vũ khí nguyên tử. Tôi khẩn cầu Thiên Chúa rằng niềm hy vọng về một tương lai hòa bình và tình bạn huynh đệ hơn sẽ đạt được và sự hợp tác có thể tiếp tục trổ sinh hoa trái tốt lành cho dân tộc Triều tiên thân yêu và cho toàn thế giới.

Tuần trước cộng đoàn Ki-tô hữu Nigeria đã bị chấn động với vụ sát hại một nhóm tín hữu, trong đó có các linh mục. Tôi xin phó thác những người anh em này cho lòng thương xót của Chúa, xin Người trợ giúp cho các cộng đoàn bị thử thách tái khám phá sự hòa hợp và hòa bình.

Cha xin chào thân ái anh chị em hành hương hiện diện hôm nay, thật sự là quá nhiều không thể kể hết tên từng nhóm! Nhưng ít nhất, cha phải chào anh chị em đến từ Braga, Bồ Đào nha, từ Ấn độ và Pakistan; các tín hữu của Pavia, Crema và Vignale; rất nhiều thiếu niên đã hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Thêm sức; và các thiếu niên của Cuneo, Remedello, Arcore, Valle Olona, và Modica.

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các Hiệp hội Assisi, cùng đồng hành có Đức Giám mục; chào các nhà làm phim hoạt hình trẻ của Dòng các Cha Thánh Giu-se Murialdo, và các tham dự viên Đại hội Dự tòng Quốc gia, được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Ý.

Anh chị em thân mến, hai ngày nữa, 1 tháng Năm, vào buổi chiều, cha sẽ khai mạc Tháng Đức Mẹ với chuyến hành hương đến Đền thờ Đức Bà. Chúng ta sẽ đọc kinh Mân côi, cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở Syria và toàn thế giới. Cha mời gọi anh chị em cùng hiệp thông và đọc Kinh Mân côi cầu nguyện cho hòa bình suốt tháng Năm.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2018]


Người quản gia của Đức Gioan Phaolo II kể lại một phép lạ được thực hiện qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla

Người quản gia của Đức Gioan Phaolo II kể lại một phép lạ được thực hiện qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla

23 tháng Tư, 2018
SAINT JOHN PAUL II
Daniel Janin | AFP

Trong một lần phỏng vấn, Angelo Gugel thuật lại một lần ông chứng kiến việc trừ quỷ mà Đức Giáo hoàng người Ba lan thực hiện trong Quảng trường Thánh Phê-rô

“Đức Gioan Phaolo II thực hiện một phép lạ cho tôi và cho gia đình tôi, Angelo Gugel nói, ông là người quản gia đã phục vụ ba đời giáo hoàng ở Vatican: Luciani, Wojtila, và Ratzinger. 

Trong một lần phỏng vấn với Stefano Lorenzetto cho tờ báo tiếng Ý Il Corriere della Sera, ông Gugel kể lại lần ông đã ôm Đức Gioan Phaolo II trong vòng tay của ông trong vụ ám sát của Ali Agca tại Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 13 tháng Năm, 1981, ngoài ra ông còn là người duy nhất xuất hiện trong quyển Niên Giám Giáo hoàng trong danh sách “Gia đình Giáo hoàng.”

Ông Gugel, năm nay gần 83 tuổi, đã trực tiếp phục vụ giáo hoàng trong căn hộ Giáo hoàng suốt 28 năm, kể lại rằng sau vụ ám sát trong Quảng trường Thánh Phê-rô một cục đá trắng được gắn trên lối đi gần dãy cột Bernini để ghi nhớ biến cố. Ông thêm một chi tiết ít được biết đến: có một viên đá tương tự, với huy hiệu giáo hoàng, trong cửa của phòng chăm sóc sức khỏe của Vatican, đó là nơi trong ngày định mệnh ông Gugel nhìn thấy đức giáo hoàng nằm trên mặt đất trước khi được xe cứu thương chuyển đến bệnh viện Gemelli Polyclinic. Xuất huyết nội quá trầm trọng nên đức giáo hoàng cần gần 1 ga-lông (US = 3,785 l; UK = 4,546 l) máu. Vị quản gia không rời bệnh viện cho đến khi đức giáo hoàng được chuyển ra ngoài phòng mổ.

Người cựu quản gia kể lại việc Vị Đại diện của Đức Ki-tô, người tin rằng Mẹ Đồng trinh Fatima đã cứu ngài thoát khỏi vụ tấn công, thực hiện một phép lạ cho Maria Luisa Dall’Arche, là vợ của ông Gugel từ năm 1964. Đứa con đầu lòng của hai vợ chồng chết khi sinh, vì vậy “chúng tôi hứa đặt tên lót Maria cho tất cả những đứa con mà Mẹ Đồng trinh ban cho chúng tôi.” Hai người có thêm ba đứa con khỏe mạnh: Raffaella, Flaviana, và Guido. Ông Gugel giải thích, “Đứa thứ tư được đặt tên là Carla Luciana Maria để tôn vinh Đức Karol và Đức Giáo hoàng Luciani [Gioan Phaolo I]. Nó sinh năm 1980 qua sự chuyển cầu của Đức Wojtyla.” 

Phép lạ

“Có những vấn đề nghiêm trọng trong tử cung. Các bác sĩ sản khoa tại nhà thương Gemelli Polyclinic nói rằng không thể tiếp tục giữ được thai. Một ngày kia, Đức Gioan Phaolo II nói với tôi, ‘Hôm nay, tôi sẽ dâng Lễ cầu cho vợ của ông.’” Trong nỗ lực cứu thai nhi, các bác sĩ quyết định mổ, sự việc diễn ra ngày 9 tháng 4 năm 1980.

Sau cuộc giải phẫu, bác sĩ nói với người chồng đang vô cùng lo lắng, “Chắc có ai đó đã cầu nguyện rất nhiều.” Theo giấy khai sinh của em bé, bé chào đời lúc 7:15 sáng, đúng vào thời điểm bắt đầu hát kinh Thánh Thánh Thánh trong Lễ sáng của Đức Gioan Phaolo II.

Trong bữa ăn sáng hôm đó, chị Tobiana Sobotka, bề trên của các nữ tu phục vụ đức giáo hoàng tại Điện Tông tòa, nói với đức giáo hoàng về ca sinh của Carla Luciana Maria. Đức Wojtyla thốt lên “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa). Ngài muốn chính tay ngài rửa tội cho em bé; và ngài đã làm việc đó ngày 27 tháng Tư trong nhà nguyện riêng của ngài.

Trừ quỷ

Cũng trong cuộc phỏng vấn, phóng viên đề cập đến chuyện Arturo Mari, một nhiếp ảnh gia cho tờ báo chính thức của Vatican Vatican, L’Osservatore Romano, nói rằng ông đã chứng kiến ngài Wojtyla thực hiện một phép trừ quỷ sau một buổi Tiếp Kiến chung thứ Tư trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ông Gugel khẳng định rằng ông nhớ rõ về lần đó, trong đó cả ông và Mari đều chứng kiến.

“Tôi cũng có mặt ở đó. Một cô gái đang nói những lời phạm thượng và miệng sùi bọt. Giọng nói nghe như vang vọng từ hang núi. Một đức giám mục bỏ chạy vì sợ. Đức Thánh Cha cầu nguyện bằng tiếng La-tinh, rất bình tĩnh. Cuối cùng, ngài đặt tay lên đầu cô gái, và ngay lập tức nét mặt người phụ nữ bị quỷ ám thể hiện sự thanh thản bình an. Tôi nhìn thấy ngài thực hiện một nghi thức tương tự trong một phòng họp tại Đại sảnh Phaolo VI, cũng sau một buổi tiếp kiến.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2018]