Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Con gái của ông được chữa lành bởi lời cầu nguyện của tân Chân phước, Pauline Jaricot (Phỏng vấn)

Con gái của ông được chữa lành bởi lời chuyển cầu của tân Chân phước Pauline Jaricot (Phỏng vấn)

Con gái của ông được chữa lành bởi lời cầu nguyện của tân Chân phước, Pauline Jaricot (Phỏng vấn)

JEFF PACHOUD / AFP

Bérengère de Portzamparc 

17/05/22


“Chúng tôi là những con người bình thường trong một thế giới gần như bình thường, và đúng như vậy, chúng tôi đã nhận được một phép lạ”

Với việc phong chân phước cho chị Pauline Jaricot diễn ra vào ngày 22 tháng Năm tại Lyon, thiếu nữ nhận được phép lạ giúp cho việc phong chân phước được phê chuẩn đã đến thành phố cùng với cha mẹ để làm chứng. Theo yêu cầu của cha mẹ, cô nữ sinh 13 tuổi Mayline không nói chuyện với báo chí. Tuy nhiên, Aleteia đã có cơ hội trao đổi rất lâu với cha của cô là ông Emmanuel Tran, người kể cho chúng tôi câu chuyện đáng kinh ngạc này và sức mạnh của lời cầu nguyện.

Năm 2012, khi mới 3 tuổi, Mayline bị nghẹn món xúc xích khai vị và rơi vào tình trạng hôn mê. Được đưa đến phòng hồi sức tích cực ở Lyon, cha mẹ của bé được đề nghị ngắt thiết bị hỗ trợ sống, vì cô bé bị tổn thương não không thể phục hồi. Cùng lúc đó, một người mẹ từ trường học của Mayline và chị gái Lou-Anh của bé gợi ý rằng họ nên bắt đầu thực hiện tuần cửu nhật cầu nguyện với chị Pauline Jaricot. Vài tuần sau, các bác sĩ vô cùng kinh ngạc: bé Mayline bắt đầu hồi phục và ngày nay sống bình thường ở Annecy cùng với cha mẹ và chị gái 16 tuổi.

Vào ngày 26 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn công nhận sự chữa lành của Mayline là thật, nhờ sự chuyển cầu của chị Pauline Jaricot, từ đó mở đường cho việc phong chân phước cho chị sẽ diễn ra tại Lyon vào Chúa nhật ngày 22 tháng Năm. “Chúng tôi là những con người bình thường trong một thế giới gần như bình thường, và đúng như vậy, chúng tôi đã nhận được một phép lạ,” cha của Mayline là ông Emmanuel Trần nói với Aleteia khi cùng gia đình đến thăm Lyon vào đầu tháng Năm. Ông kể câu chuyện của con gái mình trong một quyển sách, Sauvée par un magic (“Được cứu bởi một phép lạ”), mà ông viết cho con gái của ông. “Tôi muốn nói với Mayline rằng Chúa luôn ở trên con đường của con bé.”

Aleteia: Mười năm sau những gì có thể đã là một bi kịch nhưng lại trở thành một phép lạ, nhờ sự hồi phục bất ngờ của bé Mayline, anh đã quyết định cầm bút lên để kể câu chuyện của bé. Tại sao anh quyết định làm việc này?

Ông Emmanuel Tran: Trước hết, tôi viết nó cho Mayline, để con bé biết câu chuyện của nó. Tôi muốn nói với Mayline rằng Chúa luôn ở trên con đường của nó. Quyển sách này cũng là một cách để tôi đọc lại những biến cố đầy kịch tính và sau đó trở thành phép lạ, và ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng tôi.

Tôi cũng nhận ra rằng nhiều người đã cầu nguyện cho Mayline mà không hề biết rằng lời cầu nguyện của họ đã thật sự được đáp lời! Và đây cũng là điều tôi muốn nói và làm chứng: vâng, lời cầu nguyện đã được nhận lời, và phép lạ vẫn tồn tại hôm nay. Trong số rất nhiều dấu chỉ mà chúng tôi nhận được trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi đặc biệt đề cập đến một dấu chỉ trong quyển sách: Sau những tháng ngày đầy kịch tính, khi Mayline nhập học ở Nice, con bé được chỉ định có một cố vấn hướng dẫn, cô Sheena. Một ngày nọ, cô Sheena yêu cầu tôi kể cho cô nghe chuyện gì đã xảy ra với Mayline. Tôi đã kể và cô Sheena nói với tôi, “Vui thật, nó làm tôi nhớ đến câu chuyện của một cô bé ở Lyon mà chúng tôi đã làm tuần cửu nhật cầu nguyện với chị Pauline Jaricot cùng với các Sơ Đa Minh ở Cannes,” và sau đó là niềm xúc động lớn và chúng tôi hiểu được sự trùng hợp đáng kinh ngạc: cô Sheena nghĩ rằng cô bé đã chết, nhưng thực tế đó lại là Mayline mà cô là cố vấn hướng dẫn!

Khi lễ phong chân phước đến gần, làm sao anh có thể sống bình thản trong thời gian này với truyền thông phủ sóng dày đặc và mang tính biểu tượng cao về mặt thiêng liêng?

Chúng tôi là những người bình thường trong một thế giới gần như bình thường, nhưng sự thật là vậy, chúng tôi đã trải qua một phép lạ. Đây là thông điệp của chúng tôi hôm nay: làm chứng rằng phép lạ tồn tại. Tất nhiên, một số người nói với chúng tôi “Không, tôi không tin câu chuyện của anh”, và tôi không thể nói với họ bất cứ điều gì khác ngoài “nhưng điều đó đã xảy ra với chúng tôi; tôi không có hướng dẫn, nhưng đây là Mayline.” Và nó thật là đẹp, vì vượt ngoài những nghi ngờ, nghi vấn, phép lạ tồn tại vào năm 2022.

Về phần con tôi, Mayline trải nghiệm điều đó với tất cả sự đơn sơ, với niềm tin của một đứa trẻ. Con bé nói rằng nó đã rất may mắn khi nhận được phép lạ này. Rõ ràng con bé có một sự gần gũi rất lớn với chị Pauline Jaricot; con bé có bức ảnh của chân phước trong phòng và nhận được một mảnh vải của chị Pauline. Chúng tôi cũng đã đến xem ngôi nhà nơi chị Jaricot sống ở Lorette, và Mayline, cũng giống như nhiều cô bé khác, thực sự ngưỡng mộ chiếc vòng đeo cổ của Chân phước! Trong vài ngày qua, khi chúng tôi gặp những người tổ chức lễ phong chân phước và Đức Cha Olivier de Germay là Tổng Giám mục Lyon, quyết định được đưa ra rằng ngày 22 tháng Năm, Mayline sẽ mang một thánh tích của Chân phước là cây thánh giá mà chị Pauline đã nhận được từ Thánh Gioan Vianney trong buổi rước kiệu.

Anh nói về chuyện đó với những người xung quanh như thế nào? Ở trường, ở cơ quan…

Như một chuyện bình thường, trong hai ngày ở Lyon này, Mayline phải nghỉ học một ngày. Vợ tôi và tôi băn khoăn không biết viết lý do gì vào giấy xin tạm nghỉ học và tôi nói vợ tôi viết, “Vắng mặt vì chuẩn bị cho lễ phong chân phước chị Pauline Jaricot.” Chúng tôi sẽ xem liệu lý do đó có tạo ra bất kỳ câu hỏi nào không! Nhưng nói chung, chúng tôi không nói về nó cách đặc biệt với những người xung quanh. Nhiều người không biết về lịch sử của chúng tôi, và chúng tôi không lấy đó là vinh quang cho mình, chỉ có lòng tri ân vô cùng.

Đời sống tinh thần của anh tiến triển như thế nào khi anh là cha của một người đã nhận được phép lạ?

Nathalie vợ tôi vẫn luôn là một người tín hữu, về phần tôi, trước kia tôi chưa chịu phép rửa nhưng tôi luôn có niềm tin trong lòng và mong muốn giúp đỡ người lân cận của mình. Chúng tôi kết hôn trong nhà thờ, và sau đó tôi đi lại rất nhiều nơi, làm công việc kinh doanh nhà hàng, với lịch trình bận rộn. Tóm lại, tôi chưa tham dự các bước dự tòng.

Điều đó không ngăn cản tôi cầu nguyện rất nhiều khi Mayline gặp tai nạn, đặc biệt trong tuần cửu nhật cầu nguyện với chị Pauline Jaricot, và tôi đã xin Chúa, Mẹ Maria và chị Pauline cứu con gái tôi. Một đêm nọ, tôi có “một giấc mơ”, một lời nói mà Đức cha Marceau (giám mục Nice) đã giải thích cho tôi về sau. Giấc mơ này đọng lại trong tôi suốt đời, và tôi đã xin vào lớp dự tòng.

Vào ngày tôi chịu phép rửa năm 2016 — tôi nhớ rất rõ — vị linh mục nói với chúng tôi, “Bây giờ anh chị đã trở thành các tông đồ, anh chị phải làm chứng.” Những lời đó ngày nay vang vọng và có ý nghĩa với tôi, đặc biệt là khi chúng tôi kể lại câu chuyện của mình và sự chuyển cầu của chị Pauline Jaricot là kênh mà Thiên Chúa thực hiện phép lạ của Người. Đời sống cầu nguyện của tôi bây giờ rất nhiệt thành và không bao giờ mang tính máy móc, và đúng là tôi không còn xin điều gì nữa, nhưng tôi luôn cảm tạ. Điều này không giúp tránh được những khó khăn trong cuộc sống cũng như những hoài nghi, nhưng tôi biết rằng Thiên Chúa thì vĩ đại và Người luôn làm việc cho chúng ta mỗi ngày.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2022]


Đức Thánh Cha đặt vấn đề tại sao chỉ có một vài cuộc xung đột được thế giới chú ý

Đức Thánh Cha đặt vấn đề tại sao chỉ có một vài cuộc xung đột được thế giới chú ý

Đức Thánh Cha đặt vấn đề tại sao chỉ có một vài cuộc xung đột được thế giới chú ý

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia 

19/05/22


“Chúng ta là một gia đình nhân loại và mức độ phẫn nộ phải được thể hiện, sự hỗ trợ nhân đạo được đưa ra, và tình huynh đệ dành cho những người đang đau khổ không được dựa trên địa lý hoặc tư lợi."

“Nhiều cuộc xung đột trên thế giới “nhận được rất ít hoặc không được chú ý”, Đức Giáo hoàng Phanxicô lên tiếng tố cáo khi ngài tiếp các đại sứ của Pakistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Burundi và Qatar đến trình Ủy nhiệm thư lên ngài vào ngày 19 tháng 5 năm 2022, tại Vatican.

Khoảng ba tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha đã lưu ý với các nhà ngoại giao chính thức tại Tòa thánh – nhưng không thường trú tại Roma – rằng hầu hết người dân Châu Âu trước đó đều tin rằng chiến tranh ở châu Âu “là một ký ức xa xôi. Chúng ta nghĩ rằng một ngày nào đó những đứa trẻ sẽ hỏi mẹ chúng: ‘Chiến tranh là gì?’ Nhưng điều đó đã không xảy ra.”

Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng thảm kịch cũng bộc lộ những điều tốt đẹp nhất trong nhân loại, như chúng ta đã thấy trong đại dịch. Ngài nói, những hình ảnh “hung tàn” về sự đau khổ và chết chóc đôi khi truyền cảm hứng cho tình liên đới, đồng thời ca ngợi những quốc gia đang tiếp nhận người tị nạn “mà không lo lắng về những cái giá phải trả”.

Đồng thời, Đức Giáo hoàng tiếp tục:

Chúng ta không được quên rằng có nhiều cuộc xung đột khác đang diễn ra trên thế giới nhận được rất ít hoặc không được chú ý, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta là một gia đình nhân loại và mức độ phẫn nộ phải được thể hiện, sự hỗ trợ nhân đạo được đưa ra, và tình huynh đệ dành cho những người đang đau khổ không được dựa trên địa lý hoặc tư lợi. Vì “nếu mỗi con người đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm, nếu tất cả mọi người đều là anh chị em của tôi, và nếu thế giới thuộc về tất cả mọi người, thì việc người hàng xóm của tôi sinh ra ở đất nước của tôi hay ở nơi khác là không quan trọng” (Tông huấn Fratelli Tutti, 125).

Vấn đề này không chỉ áp dụng trong các tình huống chiến tranh và xung đột bạo lực mà còn áp dụng cho các tình huống bất công khác đang hoành hành gia đình nhân loại: biến đổi khí hậu, nghèo đói, thiếu nước sạch và thiếu việc làm có phẩm giá và thiếu nền giáo dục phù hợp, đó mới chỉ là một vài trong số nhiều vấn đề.

Kêu gọi “một phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế” đối với mọi bất công, Đức Thánh Cha nhấn mạnh vào vai trò đặc quyền của các đại sứ, khuyến khích họ “đừng bao giờ mất hy vọng” trong nỗ lực xây dựng một thế giới nơi “những bất đồng được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”.

Bốn tân đại sứ

Ông Aamir Shouket, đại sứ Pakistan tại Tòa thánh, sinh năm 1969. Là cha của hai người con, ông công tác trong Bộ Ngoại giao của đất nước từ năm 1994 và đã làm việc tại đại sứ quán ở Hy Lạp, Bangladesh và Hà Lan. Ông đảm nhiệm một số vị trí cấp cao và cũng đã từng làm việc tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. Đại sứ quán nơi cư trú của đại diện Pakistan tại Vatican ở Bern, Thụy Sĩ.

Tân đại sứ của UAE, ông Omar Saif Saeed Ghobash, 50 tuổi. Là cha của 4 người con, ông từng học ngành toán học ở Vương quốc Anh trước khi công tác trong Bộ Ngoại giao UAE. Ông từng là Đại sứ tại Nga trong 9 năm (2008 - 2017), Đại sứ không thường trú tại Ukraine trong 3 năm (2010 - 2013) và Đại sứ tại Pháp trong 2 năm (2017 - 2018). Cho đến năm 2021, ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Đại sứ quán nơi cư trú của đại diện Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Tòa thánh ở Madrid.

Bà Appolonie Nibona, Đại sứ của Burundi tại Tòa thánh, 53 tuổi, là mẹ của ba người con. Sau khi học ngành kinh tế và quản lý, bà đã làm việc 10 năm tại Bưu điện của Burundi, sau đó tại Viện Institut Supérieur de Gestion des Entreranty (ISGE). Bà từng là đại sứ tại Đức từ năm 2021 và sẽ tiếp tục cư trú ở đó.

Ông Mohammed bin Yousef bin Jassim Jabor Al-Thani, Đại sứ Qatar, 52 tuổi. Ông có bằng cấp về quy hoạch đô thị và đã làm việc trong ngành ngoại giao của đất nước từ năm 1994: tại Đại sứ quán Qatar ở Ý và ở Li Băng. Ông cũng đã hoạt động về vấn đề nhân quyền. Nơi ở của đại sứ Qatar tại Vatican ở Paris.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/5/2022]