Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Cảnh sát Ý: đã xác định được người gửi phong bì có những viên đạn tới Đức Giáo hoàng Phanxicô

Cảnh sát Ý: đã xác định được người gửi phong bì có những viên đạn tới Đức Giáo hoàng Phanxicô

Cảnh sát chưa tiết lộ tên của người này, nhưng ngày 9 tháng Tám cho biết đây là một công dân Pháp “đã được an ninh Vatican biết.”

Cảnh sát Ý: đã xác định được người gửi phong bì có những viên đạn tới Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy chào trong giờ Kinh Truyền tin tại Vatican, 8 tháng Tám, 2021. (photo: Vatican Media. / Vatican Media)

Alejandro Bermudez/CNA

10 tháng Tám, 2021



ROME — Hôm thứ Hai Cảnh sát Ý thông báo đã xác định được người gửi bức thư tới Đức Giáo hoàng Phanxicô có chứa ba viên đạn.

Cảnh sát chưa tiết lộ tên của người này, nhưng ngày 9 tháng Tám cho biết đây là một công dân Pháp “đã được an ninh Vatican biết, và cảnh binh Carabinieri của Milan hiện sẽ phối hợp để đánh giá ý nghĩa của hành động và sự nguy hiểm có thể xảy ra của hành động đó”.

Theo hãng tin ANSA của Ý, “thông tin mà các nhà điều tra hiện tại quan tâm nhất là biết được người này hiện đang ở đâu, vì điều đó sẽ nâng mức độ báo động lên một cấp độ khác nếu biết anh ta đang ở Pháp hay ở trong Quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma.”

Cảnh sát Ý ban đầu tiết lộ rằng phong bì chứa ba viên đạn 9mm, loại đạn được sử dụng trong khẩu Flobert, và một thông điệp đề cập đến các hoạt động tài chính ở Vatican. Thông báo mới cũng tiết lộ rằng phong bì có chứa một bản sao của khoản tiền gửi 10 Euro, nhưng hiện vẫn chưa biết nó đã được tạo ra với mục đích gì và trong hoàn cảnh nào.

Bức thư không có địa chỉ hồi âm nhưng có dán một con tem của Pháp, được gửi đến “Giáo hoàng, Thành phố Vatican, Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma”.

Giám đốc của một chi nhánh bưu điện Ý ở thị trấn Peschiera Borromeo, cách Milan khoảng bảy dặm về phía đông nam, đã báo cho các nhà chức trách khi tìm thấy một bức thư khả nghi trong quá trình phân loại vào đêm 8 tháng Tám.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/8/2021]


Các vị thánh của Nhật Bản

Các vị thánh của Nhật Bản

Các vị thánh của Nhật Bản

Public Domain (x2) | Ann Maria Clara/CC BY-SA 3.0

Meg Hunter-Kilmer

07/08/21


Trước khi các vận động viên Olympic rời Tokyo, chúng ta hãy tìm hiểu về một số vị anh hùng của nước chủ nhà.

Khi Thế vận hội Tokyo kết thúc vào cuối tuần này, ánh mắt của thế giới vẫn hướng về Đất nước Mặt trời mọc, một quốc gia không được biết đến với đức tin Công giáo mặc dù có hàng trăm vị thánh và chân phước. Cho dù dân số Nhật Bản ngày nay chỉ có khoảng 0,35% là người Công giáo, nhưng các đại sảnh trên thiên đường luôn đầy những vị anh hùng Nhật Bản, những vị có thể truyền cảm hứng cho người Kitô giáo trên khắp thế giới. Trước khi rời bỏ đất nước của những vị thánh và những người tử vì đạo này, chúng ta hãy tìm hiểu một số vị trong đó.

Cùng chịu tử đạo với Thánh Phaolô Miki (1564-1597) là 19 người đàn ông và thiếu niên Nhật Bản khác. Trong số họ có hai anh em trai và cháu trai của họ. Thánh Phaolô Ibaraki là một người sản xuất rượu sake, một cựu samurai, người có thể bác bỏ mọi lập luận của người Phật giáo chống lại đức tin. Anh trai của ngài là Thánh Leo Karasumaru đã từng là một hòa thượng Phật giáo cho đến khi được nghe công bố Phúc âm ở tuổi 30; sau đó ngài rời bỏ nơi tu luyện, chịu phép rửa và kết hôn. Ngài và vợ của ngài phục vụ trong một bệnh viện dành cho người phong, chăm sóc cho các bệnh nhân bất chấp rủi ro. Cháu trai 12 tuổi của Thánh Leo và Phaolô là Thánh Louis Ibaraki (theo linh mục người Tây Ban Nha là Thánh Francisco Blanco) “đầy lòng can đảm và tinh thần phấn chấn đến mức khiến mọi người kinh ngạc”. Là người trẻ nhất trong số những người tử vì đạo, Louis là người khiến những người chứng kiến phải vô cùng thương tiếc. Khi một samurai khuyên cậu nên từ bỏ đức tin để cứu lấy mạng sống của mình, Louis trả lời: “Tốt hơn là ông cũng hãy trở thành một Kitô hữu và cùng tôi lên đường đến thiên đàng.” Khi các vị tử đạo đến nơi chịu khổ nạn của họ, Louis vui vẻ hỏi cây thập giá của cậu ở đâu. Khi tìm thấy một cây đã được cắt để phù hợp với thân mình nhỏ nhắn của cậu, cậu chạy đến và ôm lấy nó. Khi Louis và Thánh Antôn 13 tuổi của Nagasaki bị treo trên thập giá, hai cậu cùng đồng thanh hát: “Hỡi các con, hãy ngợi khen Chúa!”

Thánh Giacôbê Kyusei Gorobioye Tomonaga (1582-1633) là một linh mục dòng Đa Minh Nhật Bản, người đã bị một số dòng tu từ chối vì chủng tộc của ngài. Xuất thân từ một gia đình quý tộc Nhật, Kyusei đã giảng thuyết một cách đầy uy quyền trên khắp nước Nhật, mặc dù đã bị từ chối gia nhập một số dòng tu. Ngài đã đưa nhiều linh hồn trở về với Chúa Giêsu cho đến khi bị lưu đày sang Philippines vì đức tin. Ở đó, cuối cùng ngài được nhận vào dòng Đa Minh và được thụ phong linh mục trước khi trở về Nhật. Mặc dù Kitô giáo là bất hợp pháp, nhưng dòng dõi của Cha Giacôbê giúp ngài dễ dàng thoát khỏi những sự chú ý; nhưng trong vòng một năm, người bạn đồng hành của ngài (Thánh Michael Kurobioye) bị bắt và bị tra tấn cho đến khi tiết lộ tung tích của Cha Giacôbê. Cả hai cùng tử vì đạo.

Thánh Magdalena thành Nagasaki (1610-1634) là một phụ nữ Nhật Bản có thân phụ mẫu chịu tử đạo khi chị mới lên 10 tuổi. Chị trở thành một thành viên dòng Ba Augustinô, sống ẩn mình trong khi làm công việc của một người thông ngôn và giáo lý viên. Khi tất cả các nhà truyền giáo dòng Augustinô đều chết vì đạo, Magdalena chuẩn bị để trở thành một nữ tu Dòng Đa Minh. Nhưng trước khi chị tuyên khấn, cha Dòng Đa Minh bị bắt. Magdalena ra trình diện các nhà cầm quyền đã bắt giữ Cha Jordan, tuyên bố rằng chị đáng bị đối xử như những nhà truyền giáo. Lính canh từ chối không bắt chị, vì vậy chị đến gặp các quan tòa của thành phố và xin nhận tội của mình. Lần này chị bị cầm tù, bị tra tấn và chịu tử vì đạo.

Thánh Ladarô Kyoto (mất năm 1637) là một giáo dân Nhật Bản mà bệnh phong cùi đã đưa ngài đến với Chúa Giêsu — và sau đó, sau khi bội giáo, đã đến với sự sống đời đời. Khi bị phát hiện là một người Kitô hữu, Ladarô bị trục xuất đến Manila cùng với những người phong cùi Kitô giáo khác (như một hành động chiến tranh sinh học cũng như một hình phạt cho tội của họ). Tại đây, ngài tình nguyện phục vụ với vai trò một người hướng dẫn và thông ngôn và lên kế hoạch trở về Nhật Bản cùng với các cha Dòng Đa Minh (với Thánh Lorenzo Ruiz). Cho dù Ladarô đã cố gắng hết mức để che giấu các ngài khi đến nơi, nhưng cả nhóm bị bắt và bị cầm tù hơn một năm. Trong tù, Ladarô đã chối bỏ đức tin, nhưng đón nhận được lòng thương xót và sự thấu hiểu từ những Kitô hữu khác. Sau đó, ngài rút lại lời bội giáo của ngài và chịu tử đạo.

Tôi tớ Chúa Takashi Nagai (1908-1951) là một bác sĩ người Nhật đã lập gia đình và trở lại từ Thần đạo và thuyết hư vô vô thần. Nagai từng là một bác sĩ quân y trong Quân đội Nhật Bản trước khi kết hôn. Sự tương phản giữa nỗi khốn khổ mà ngài nhìn thấy trên chiến trường với niềm vui và ân sủng ngài thấy được nơi người phụ nữ Công giáo, người về sau trở thành vợ của ngài đã dẫn đưa ngài đến với Giáo hội và đến với ơn gọi làm chồng và làm cha. Nagai làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu X quang, cuối cùng mắc bệnh bạch cầu do tiếp xúc với phóng xạ. Căn bệnh ung thư của ngài trở nên trầm trọng hơn do quả bom nguyên tử thiêu vợ của ngài thành tro khi nó được thả xuống Nagasaki. Các bài thơ ngài viết trong những năm sau đó về sự đau khổ và tha thứ đã thay đổi cách người Nhật ứng phó với sự kết thúc thảm khốc của Đệ Nhị Thế chiến.

Đấng Đáng kính Satoko Kitahara (1929-1958) được nuôi dạy trong một gia đình Thần đạo quý tộc ở Nhật Bản. Sau Đệ nhị Thế chiến, Satoko (giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa) đã vô cùng thất vọng và gần như tuyệt vọng. Sự đói khát tinh thần cuối cùng đã đưa chị đến với đạo Công giáo. Chị khao khát được trở thành một Nữ tu nhưng sức khỏe kém đã ngăn cản điều đó; thay vì vậy, chị bắt đầu dạy kèm cho những trẻ em trong khu nhà ổ chuột, nhặt rác với những đứa trẻ trong khu ổ chuột, và cuối cùng chuyển đến ở khu ổ chuột. Chị yêu thương người dân và giúp họ nhìn thấy phẩm giá và giá trị của họ, dẫn đưa nhiều linh hồn đến với Đức Kitô trước khi chết vì bệnh lao ở tuổi 28 với một nụ cười trên môi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2021]