Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu Âu?

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu Âu?

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu  u?

revolucian | Shutterstock

Philip Kosloski 

29/04/22


Ngày 1 tháng Mười năm 1999, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn Thánh Catarina thành Siena trở thành thánh bổn mạng của Châu Âu, ghi nhận nhiều đóng góp của thánh nữ.

Thánh Catarina thành Siena có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu trong thế kỷ 14, và với nhiều đóng góp của thánh nữ, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn ngài là thánh bổn mạng của Châu Âu.

Ngài đã thực hiện việc đó ngày 1 tháng Mười năm 1999, hướng tới thiên niên kỷ mới. Đặc biệt, Thánh Gioan Phaolô II muốn đưa ra cho Châu Âu những mẫu gương thánh thiện khi các quốc gia bỏ lại sau lưng một thế kỷ rất đẫm máu. Ngài nhận thấy việc học từ quá khứ của Châu Âu để hình thành nên tương lai của Châu Âu là điều phù hợp nhất.

Niềm hy vọng xây dựng một thế giới công bằng hơn, một thế giới xứng đáng hơn với con người, được khơi gợi bởi niềm mong chờ trước thềm Thiên niên kỷ thứ Ba, phải luôn đi đôi với nhận thức rằng những nỗ lực của con người sẽ trở nên vô ích nếu không có ân sủng của Chúa đồng hành: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127:1). Đây phải là một sự cân nhắc cho những người trong các năm hiện tại đang tìm cách trao cho Châu Âu một khuôn mẫu mới có thể giúp Châu lục học từ lịch sử phong phú của mình.

Đặc biệt, ngài đã chọn Thánh Catarina thành Siena trở thành một trong những vị thánh bổn mạng mới của Châu Âu. Ngài giải thích sự lựa chọn của mình, nhấn mạnh đến nhiều đóng góp của thánh nữ và niềm tin mạnh mẽ của thánh nhân.

Thánh nữ có khả năng nhanh chóng kết hợp hài hòa sự im lặng của căn phòng này, điều làm cho thánh nhân hoàn toàn vâng phục trước những linh ứng của Thiên Chúa, với hoạt động tông đồ kiệt xuất. Nhiều người, kể cả các thành viên của hàng giáo sĩ, tập trung bên thánh nhân và trở thành môn đệ của ngài, nhận ra nơi ngài món quà là tình mẫu tử thiêng liêng. Những bức thư của thánh nhân đã được lan truyền trên khắp nước Ý và Châu Âu nói chung. Thật vậy, bằng phong thái thuyết phục và nhiệt huyết trong lời nói, người nữ trẻ thành Siena đã đi sâu vào các vấn đề của xã hội và giáo hội trong thời đại của ngài.

Thánh Catarina thành Siena đã làm việc để giải quyết những mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia và thậm chí trong Giáo hội.

Thánh Catarina không mệt mỏi trong cam kết giải quyết nhiều mâu thuẫn gây nhức nhối trong xã hội thời của ngài. Những cố gắng mang lại hòa bình của thánh nữ đã tiến đến với những người cai trị Châu Âu như vua Charles V của Pháp, vua Charles của Durazzo, công chúa Elizabeth của Hungary, Louis Đại đế của Hungary và Ba Lan, và nữ hoàng Giovanna của Naples. Những nỗ lực của thánh nhân nhằm hòa giải Florence với giáo hoàng cũng rất đáng chú ý. Đặt “Chúa Kitô chịu đóng đinh và Mẹ Maria dịu hiền” trước các bên liên quan, ngài nói rõ rằng trong một xã hội được truyền cảm hứng bởi các giá trị Kitô giáo, không bao giờ có đất cho những mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức vũ lực thắng thế lý trí.

Thánh Catarina thành Siena có một đời sống nổi bật và những cố gắng của thánh nhân đã giúp định hình Châu Âu, để lại một di sản tinh thần mạnh mẽ mà tất cả mọi người đều có thể học tập.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2022]


Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Thứ Sáu, 29 tháng Tư, 2022

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng đặc trách việc Bảo vệ Trẻ vị thành niên, vào cuối Phiên họp Khoáng đại, sau đây là những lời của ngài với các thành viên:

________________________________


Anh chị em thân mến, chúc ngày tốt lành! Xin chào mừng!

Tôi rất vui được chào đón anh chị em nhân buổi bế mạc phiên họp khoáng đại của anh chị em. Xin cảm ơn Đức Hồng y O’Malley về những lời giới thiệu của ngài, và tôi cảm ơn tất cả anh chị em đã cam kết thực hiện công việc bảo vệ trẻ em, trong đời sống chuyên môn và trong việc phục vụ các tín hữu. Ngày nay, nhờ vào nỗ lực của anh chị em, trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương được an toàn hơn trong Giáo hội. Tôi cũng xin cảm ơn Đức Hồng y O’Malley vì sự kiên trì mà ngài đã theo đuổi sự nghiệp này bất chấp mọi trở ngại. Xin cảm ơn hồng y!

Sự phục vụ được trao phó cho anh chị em là một công việc phải được thực hiện cách cẩn trọng. Ủy ban cần có sự chú ý thường xuyên để Giáo hội không chỉ là một nơi an toàn cho trẻ vị thành niên và là nơi chữa lành, mà còn có thể chứng tỏ hoàn toàn đáng tin cậy trong việc thúc đẩy quyền của trẻ em trên toàn thế giới. Thật đáng buồn, các tình huống đe dọa phẩm giá của trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại, và đây phải là mối quan tâm của tất cả các tín hữu và tất cả những người có thiện chí.

Có những lúc, thực trạng của sự lạm dụng và những ảnh hưởng lâu dài và gây hại của nó đối với cuộc sống của “những người bé mọn” dường như lấn lướt các nỗ lực của những người cố gắng đáp lại bằng tình tình yêu thương và sự thấu hiểu. Con đường chữa lành là một con đường dài và khó khăn; nó đòi hỏi niềm hy vọng vững vàng, niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng đã bước lên thập tự giá và thậm chí vượt xa hơn thập tự giá. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mang, và sẽ luôn luôn mang những dấu thương của khổ hình thập giá trên thân thể vinh hiển của Người. Những vết thương đó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa cứu chúng ta không phải bằng cách đi ngang qua những đau khổ của chúng ta mà bằng cách đi vào trong những đau khổ đó, biến đổi chúng bằng sức mạnh tình yêu của Ngài. Quyền năng chữa lành của Chúa Thánh Thần không làm thất vọng; lời hứa của Thiên Chúa về sự sống mới không làm thất vọng. Chúng ta cần phải có niềm tin nơi Chúa Giêsu Phục sinh và đặt cuộc sống của chúng ta vào trong những vết thương trên thân thể phục sinh của Người.

Lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được. Việc lạm dụng tình dục trẻ em là đặc biệt nghiêm trọng, là một hành vi xúc phạm đến một sự sống vừa bắt đầu đơm hoa. Thay vì được nâng niu, người bị lạm dụng bị tổn thương sâu sắc, đôi khi là vĩnh viễn. Gần đây, tôi nhận được một lá thư từ một người cha có đứa con trai bị lạm dụng, và hậu quả là thậm chí không thể rời khỏi phòng của ông trong suốt nhiều năm, tác động của việc lạm dụng đối với ông và cả gia đình là quá lớn. Những người bị lạm dụng đôi khi cảm thấy như bị mắc kẹt giữa sự sống và cái chết. Đây là những thực tế đau đớn mà chúng ta không thể nào cất đi được.

Lời chứng của những nạn nhân thể hiện một vết thương hở trên thân thể Chúa Kitô, đó là Giáo hội. Tôi thúc giục anh chị em hãy làm việc thật cần mẫn và can đảm để làm cho những vết thương này được biết đến, tìm kiếm những người phải chịu đựng chúng, và nhận ra nơi những người đó là chứng nhân của Đấng Thế đang chịu đau khổ của chúng ta. Vì Giáo hội biết về Chúa Phục sinh đến mức độ đi theo Người như là một Người Tôi Tớ đau khổ. Đây là con đường mà tất cả chúng ta phải đi: các giám mục, các bề trên dòng, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, giáo lý viên và giáo dân. Mỗi thành viên của Giáo hội, tùy theo tình trạng thích hợp của mình, được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn các trường hợp lạm dụng và hoạt động cho công bằng và chữa lành.

Bây giờ tôi muốn nói những lời liên quan đến tương lai của anh chị em. Với Tông hiến Praedicate Evangelium, như Đức Hồng y đã đề cập đến, tôi chính thức thành lập Ủy ban như một phần của Giáo triều Rôma, nằm trong trong Bộ Giáo lý Đức tin (xem số 78). Có lẽ có người nghĩ rằng việc này có thể gây rủi ro cho sự tự do suy nghĩ và hành động của anh chị em, hoặc thậm chí làm mất đi tầm quan trọng của vấn đề mà anh chị em đang giải quyết. Đó không phải là ý định của tôi, cũng không phải là mong muốn của tôi. Và tôi mời gọi anh chị em hãy thận trọng để điều này không xảy ra.

Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên được thành lập trong Bộ chuyên trách giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục đối với các thành viên giáo sĩ. Tuy nhiên, tôi đặt vai trò lãnh đạo và nhân sự của anh chị em riêng biệt, và anh chị em sẽ tiếp tục liên hệ trực tiếp với tôi thông qua vị Chủ tịch Đặc Ủy viên của anh chị em. Ủy ban được đặt ở đó, bởi vì không thể có một “ủy ban vệ tinh”, chạy vòng quanh nhưng không nằm trong sơ đồ tổ chức. Ủy ban ở đó, nhưng với Chủ tịch riêng, được bổ nhiệm bởi Giáo hoàng. Tôi muốn anh chị em đề xuất các phương pháp tốt hơn để giúp cho Giáo hội có thể bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương cũng như hỗ trợ việc chữa lành cho các nạn nhân, với nhận thức rằng công lý và việc phòng ngừa là sự bổ sung cho nhau. Thật vậy, sự phục vụ của anh chị em mang đến một tầm nhìn chủ động và tương lai cho các quy trình và cách thực hiện tốt nhất có thể được áp dụng trong toàn thể Giáo hội.

Ở nhiều nơi, những hạt giống quan trọng về vấn đề này đã được gieo trồng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tông hiến đánh dấu một sự khởi đầu mới. Nó đặt anh chị em vào sơ đồ tổ chức của Giáo triều trong Bộ, nhưng độc lập, với một vị Chủ tịch do Giáo hoàng bổ nhiệm. Độc lập. Anh chị em có trách nhiệm mở rộng phạm vi của sứ mệnh này để việc bảo vệ và chăm sóc những người bị lạm dụng có thể trở thành quy chuẩn trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội. Sự cộng tác chặt chẽ của anh chị em với Bộ Giáo lý Đức tin và với các Bộ khác phải làm phong phú thêm cho công việc của anh chị em, đồng thời công việc của anh chị em có thể làm phong phú thêm cho công việc của Giáo triều và các Giáo hội địa phương. Tôi giao cho Ủy ban và Bộ Giáo lý Đức tin, cho các Bộ khác xác định những cách hiệu quả nhất để điều này xảy ra. Cùng nhau làm việc, các bộ này thực hiện bổn phận của Giáo hội cách cụ thể là bảo vệ tất cả những người mà Giáo hội chịu trách nhiệm. Bổn phận đó đặt nền tảng trên nhận thức về nhân vị với phẩm giá nội tại của nó, với sự quan tâm đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương nhất. Những nỗ lực được thực hiện ở cấp độ của Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương sẽ thực hiện chương trình bảo vệ, chữa lành và công bằng, phù hợp với khả năng của từng nơi.

Hạt giống đã được gieo đang bắt đầu sinh hoa kết trái tốt. Các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên bởi các thành viên giáo sĩ đã giảm trong những năm vừa qua ở các khu vực trên thế giới có sẵn dữ liệu và các nguồn đáng tin cậy. Tôi muốn anh chị em hàng năm chuẩn bị cho tôi một báo cáo về những sáng kiến của Giáo hội trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Điều này có thể khó khăn khi bắt đầu, nhưng tôi yêu cầu anh chị em bắt đầu ở nơi cần thiết, để cung cấp một báo cáo đáng tin cậy về những gì hiện đang được thực hiện và những gì cần thay đổi, để các cơ quan có thẩm quyền có thể hành động. Báo cáo này sẽ là một yếu tố minh bạch và trách nhiệm giải trình, và tôi hy vọng sẽ cung cấp một đánh giá rõ ràng về tiến bộ của chúng ta trong nỗ lực này. Nếu không có sự tiến bộ đó, người tín hữu sẽ tiếp tục mất lòng tin vào các vị chủ chăn của họ, và việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Ngoài ra còn có một số nhu cầu tức thời hơn mà Ủy ban có thể giúp đáp ứng, đặc biệt là về phúc lợi và việc chăm sóc mục vụ cho những người đã từng bị lạm dụng. Tôi đã quan tâm theo dõi những cách mà Ủy ban, từ khi thành lập, đã tạo ra các cơ hội để lắng nghe và gặp gỡ các nạn nhân. Anh chị em đã giúp đỡ rất nhiều trong sứ mệnh mục vụ của tôi đối với tất cả những người đến với tôi sau những kinh nghiệm đau đớn của họ. Vì lý do này, tôi kêu gọi anh chị em hỗ trợ các Hội đồng Giám mục – điều này là rất quan trọng: hỗ trợ và quan sát trong cuộc đối thoại với các Hội đồng Giám mục – trong việc thành lập các trung tâm phù hợp, nơi những cá nhân đã từng bị lạm dụng và các thành viên gia đình của họ có thể tìm được sự chấp nhận, và sự lắng nghe chăm chú, đồng thời được đồng hành trong tiến trình chữa lành và công lý, như được chỉ ra trong Tự sắc Vos Estis Lux Mundi (x. Art. 2). Nỗ lực này cũng sẽ là cách thể hiện bản chất thượng hội đồng của Giáo hội, của sự hiệp thông và nguyên tắc phụ trợ. Đừng quên cuộc gặp gỡ cách đây gần ba năm với các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Họ phải thiết lập các ủy ban và những phương tiện cần thiết để thực hiện các quy trình chăm sóc những người bị lạm dụng, bằng tất cả các phương pháp mà anh chị em có và để trừng phạt những kẻ lạm dụng. Và anh chị em phải giám sát điều này. Tôi động viên anh chị em.

Anh chị em thân mến, tôi xin gửi đến anh chị em lời cảm ơn chân thành nhất về công việc mà anh chị em đã làm. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, bởi vì công việc này không dễ dàng. Cảm ơn anh chị em! Xin Chúa tiếp tục tuôn đổ trên anh chị em dồi dào ân phúc của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em! Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2022]


Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng phương tiện truyền thông và màn hình trong gia đình

Fabio Principe | Shutterstock

Philip Kosloski 

27/04/22


Thánh Gioan Phaolô II đã cho các gia đình một hướng dẫn để điều chỉnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình, nhằm bảo đảm rằng nó sẽ giúp gia đình phát triển trong đời sống thiêng liêng.

Tiếp cận các phương tiện truyền thông và truyền thông xã hội tại nhà là một điều phúc lành đối với nhiều người, mở ra những con đường đầy ân sủng gắn kết các gia đình theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, chính sự tiếp cận này cũng đưa nhiều phần tử độc hại vào trong gia đình, phá hủy gia đình và nuôi dưỡng những nghiện ngập khiến con người xa rời Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II đã viết về khía cạnh này của phương tiện truyền thông trong Thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 38 của ngài năm 2004. Ngài thậm chí còn cho các gia đình một hướng dẫn để giúp họ định hướng trong thế giới phức tạp của truyền thông.

Trước khi đề cập đến các gia đình, ngài giải thích cách thức “chính những phương tiện truyền thông này cũng có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho các gia đình bằng cách trình bày cái nhìn không đầy đủ hoặc thậm chí méo mó về cuộc sống, về gia đình, về tôn giáo và về đạo đức. Sức mạnh này nhằm để củng cố hoặc đè bẹp các giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa và gia đình.”

Đặc biệt, “gia đình và đời sống gia đình rất thường được miêu tả không thích đáng trên các phương tiện truyền thông. Sự không chung thủy, hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, và việc thiếu cái nhìn đạo đức và thiêng liêng về giao ước hôn nhân được miêu tả cách phiến diện, đồng thời thường xuyên thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với việc ly hôn, tránh thai, phá thai và đồng tính luyến ái.”

Điểm then chốt cho các gia đình là không cho phép việc tiếp cập vô hạn đối với các phương tiện truyền thông, và phải bảo đảm rằng kênh truyền thông và truyền hình xây dựng gia đình.


1. ĐIỀU TIẾT VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

“Cha mẹ cũng cần quy định việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch và lên lịch việc sử dụng phương tiện truyền thông, hạn chế nghiêm ngặt thời gian trẻ em dành cho phương tiện truyền thông.”

Thánh Gioan Phaolô II không ủng hộ việc sử dụng phương tiện truyền thông “không hạn chế” hoặc “không bị giám sát”. Cha mẹ cần biết mức độ thường xuyên của con cái họ sử dụng các phương tiện truyền thông và đưa ra các giới hạn thời gian.


2. PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG PHẢI LÀ TRẢI NGHIỆM GIA ĐÌNH

Thánh Gioan Phaolô II giải thích cách các bậc cha mẹ cần phải biến “giải trí trở thành một trải nghiệm gia đình, đặt một kênh truyền thông nào đó hoàn toàn ra ngoài các giới hạn và theo định kỳ loại bỏ tất cả chúng để dành thời gian cho các hoạt động khác của gia đình.”

Thông thường trong văn hóa hiện tại của chúng ta, các phương tiện truyền thông được sử dụng mang tính cá nhân, và có thể dẫn đến tình trạng cô lập nhiều hơn đối với nhau.

Điểm then chốt đó là biến việc sử dụng phương tiện truyền thông hoặc sử dụng màn hình trở thành trải nghiệm gia đình nhiều hơn thay vì một hoạt động khiến trẻ em xa cha mẹ.


3. CHA MẸ CẦN ĐƯA RA MẪU GƯƠNG TỐT

Thánh Gioan Phaolô II lưu ý, “Trên hết, cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cái bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông cách thận trọng và có chọn lọc”.

Nếu cha mẹ không chọn lọc hoặc hạn chế trong việc sử dụng phương tiện hoặc màn hình của họ, làm sao họ có thể yêu cầu con cái họ tuân theo một số quy tắc?

Điều này đòi hỏi sự phân định cẩn thận và tự suy xét về việc sử dụng phương tiện truyền thông của chính bạn và liệu có cần phải có những thay đổi lớn để nêu gương tốt hay không.


4. HÃY CHỌN KÊNH TRUYỀN THÔNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

Thánh Gioan Phaolô II kết thúc tông thư của ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lựa chọn các kênh truyền thông xây dựng gia đình. Nếu kênh truyền thông đó không làm điều này, thì cần phải đánh giá lại nó.

Các phương tiện truyền thông xã hội có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy các giá trị gia đình và con người lành mạnh, từ đó góp phần đổi mới xã hội. Trước sức mạnh to lớn của chúng trong việc định hình ý tưởng và tác động đến hành vi, các nhà làm truyền thông chuyên nghiệp phải nhận biết rằng trách nhiệm đạo đức của họ không những mang đến cho gia đình những sự động viên, trợ giúp và hỗ trợ để đạt được mục tiêu đó, mà còn vận dụng sự khôn ngoan, sự đánh giá tốt lành và tính công bằng trong cách trình bày của họ về các vấn đề liên quan đến tình dục, hôn nhân và cuộc sống gia đình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2022]


3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup 

24/04/22


Chúng ta hãy suy ngẫm về 3 lần Chúa Giêsu nói 'Bình an cho anh em.' Trong đó, chúng ta sẽ khám phá ra 3 khía cạnh của lòng Chúa thương xót đối với chúng ta.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa, chủ tế Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Thương xót tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha Phanxicô giảng lễ.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu phản ứng với “mọi yếu đuối và lỗi lầm của con người” bằng lời chào mà chúng ta nghe thấy ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!”

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Sau đây là toàn văn bài giảng:

*****

Hôm nay Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Với những người đã bỏ rơi Ngài, Ngài thể hiện lòng thương xót và cho nhìn thấy những vết thương của Ngài. Những lời Ngài nói với họ được đánh dấu chấm bằng câu chào mà chúng ta nghe thấy ba lần trong Tin Mừng: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19.21.26). Bình anh cho anh em! Đây là những lời của Chúa Giêsu Phục Sinh khi Ngài gặp bất kỳ sự yếu đuối và lỗi lầm của con người. Chúng ta hãy suy ngẫm về ba lần Chúa Giêsu nói những lời đó. Trong đó, chúng ta sẽ khám phá ra ba khía cạnh của lòng Chúa thương xót đối với chúng ta. Những lời nói đó trước hết mang đến niềm vui, sau đó ban ơn tha thứ và cuối cùng là trao ban sự an ủi trong mọi khó khăn.

Trước hết, lòng thương xót của Chúa trao ban niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ. Vào buổi tối Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em” thì họ vui mừng (câu 20). Các ông nhốt mình sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự thu mình, bị đè nặng bởi cảm giác bất xứng. Họ là những người môn đệ đã bỏ rơi Thầy; tại thời điểm Ngài bị bắt, họ đã bỏ chạy. Phêrô thậm chí còn chối Thầy ba lần, và một người trong số đó – một trong số họ! – đã phản bội Thầy. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn họ đã có những lựa chọn rất can đảm. Họ theo Thầy với lòng nhiệt thành, cam kết và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nỗi sợ hãi thắng thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ Chúa Giêsu một mình vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ sẽ có kết thúc huy hoàng; các ông tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã xuống đến tận cùng.

Trong bầu không khí như vậy, lần đầu tiên họ nghe thấy lời “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Bởi vì nhìn thấy dung mạo và nghe thấy lời chào của Chúa đã làm cho sự chú ý của họ không còn hướng vào bản thân mà hướng về Chúa Giêsu. Như Tin Mừng cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ không còn chú ý vào bản thân và những bất xứng của mình, nhưng bị thu hút bởi ánh mắt của Chúa, ánh mắt không nghiêm khắc nhưng đầy xót thương. Chúa Kitô không khiển trách các môn đệ về những gì họ đã làm, nhưng thể hiện cho các ông thấy lòng từ bi của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy tâm hồn họ với sự bình an đã mất và khiến các ông trở thành những con người mới, được thanh tẩy bởi sự tha thứ mà họ hoàn toàn không xứng đáng.

Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta cũng biết những môn đệ đó cảm nhận điều gì vào ngày Phục sinh, vì những sa ngã, tội lỗi và bất xứng của chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Nhưng đó chính là lúc Chúa làm mọi điều. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua việc xưng tội, qua lời nói của một người nào đó đến với chúng ta, qua sự an ủi trong lòng của Thần Khí, hoặc qua một biến cố bất ngờ và đầy ngạc nhiên nào đó… Bằng bất kỳ cách nào, Chúa luôn cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được vòng tay thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và bình an”. Niềm vui Chúa ban được sinh ra từ sự tha thứ. Nó ban sự bình an. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên mà không hạ nhục chúng ta. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta đã nhận được chúng; mỗi người chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Thiên Chúa lên trước ký ức về những sai lỗi và bất xứng của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Vì sẽ chẳng có điều gì trở lại như cũ đối với bất kỳ ai đã trải nghiệm niềm vui của Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)


Bình an cho anh em! Chúa nói lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (câu 21). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của ơn hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Các môn đệ không những đón nhận được lòng thương xót; họ trở thành những người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công trạng hay sự học tập của họ, mà là một món quà ân sủng, tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ. Bây giờ cha nói với anh em, những nhà thừa sai của lòng thương xót: nếu anh em không cảm nhận được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà thừa sai của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã đón nhận cho phép chúng ta phân phát thật nhiều lòng thương xót và tha thứ. Hôm nay và mọi ngày, sự tha thứ phải được đón nhận theo cách tương tự như vậy trong Giáo hội, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của vị giải tội đầy xót thương không coi mình là người nắm giữ một quyền lực nào đó nhưng là một kênh chuyển tải lòng thương xót, rót đổ cho người khác ơn tha thứ mà bản thân người đó đã đón nhận được. Từ đó làm nảy sinh khả năng tha thứ mọi điều vì Chúa luôn tha thứ mọi sự. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Người luôn tha thứ. Anh em phải là kênh chuyển tải ơn tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính mình về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi họ đến tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến bước. Chúa tha thứ mọi sự và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.

“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.” Những lời này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ có thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn phân phát lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta, trong phép rửa tội đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người của ơn hòa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và vấp ngã của mình; bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp biết được ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ với những người xung quanh tấm bánh của lòng thương xót. Chúng ta hãy cho phép bản thân cảm nhận được lời kêu gọi này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có thúc đẩy tình bằng hữu, tôi có phải là người đan dệt hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung khắc, mang đến sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không phao tin đồn thổi không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trên thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!

Bình yên cho anh em! Tám ngày sau, Chúa nói những lời này lần thứ ba khi Ngài hiện ra với các môn đệ và củng cố đức tin đang bị hoài nghi của Tôma. Tôma muốn nhìn thấy và chạm vào. Chúa không thấy bị xúc phạm bởi sự nghi ngờ của Tôma, nhưng đã đến hỗ trợ ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy” (câu 27). Đây không phải là những lời thách thức mà là thương xót. Chúa Giêsu hiểu những khó khăn của Tôma. Ngài không đối xử khe khắt với Tôma, và Thánh Tông đồ vô cùng cảm động trước sự nhân hậu này. Từ một người không tin, Tôma trở thành một người tin, và tuyên xưng đức tin cách đơn sơ nhất và đẹp nhất: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (câu 28). Đây là những lời rất đẹp. Chúng ta có thể lấy những lời đó làm của riêng mình và lặp lại cả ngày, đặc biệt là khi chúng ta gặp phải những hoài nghi và khó khăn giống như Thánh Tôma.

Bởi vì câu chuyện của Thánh Tôma thực ra là câu chuyện của mọi người tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như niềm tin là không thật, những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm và vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta tái khám phá trái tim của Đức Kitô, tái khám phá lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến với chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng áp đảo. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Ngài cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm áp về lòng thương xót của Ngài. Chúa an ủi chúng ta giống như cách Người làm trong Tin Mừng hôm nay: Người mang đến cho chúng ta những vết thương của Người. Chúng ta không được quên sự thật này. Để phản ứng lại với tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để cho chúng ta thấy những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ giải tội của chúng ta, chúng ta phải cho mọi người thấy rằng trước những tội của họ, Chúa đưa đến cho họ những vết thương của Người. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.

3 khía cạnh về lòng thương xót của Thiên Chúa: Bài giảng của Đức Thánh Cha (toàn văn)


Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy các vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót của Chúa làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua nỗi đau khôn xiết tả và những hoàn cảnh đau khổ, và chúng ta đột nhiên khám phá ra rằng người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến các vết thương của người lân cận và đổ dầu thơm của lòng thương xót trên những vết thương đó, chúng ta sẽ tìm thấy một niềm hy vọng tái sinh trong chúng ta, an ủi khi chúng ta rã rời. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta đã giúp được ai đó đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang đến sự bình an cho người nào đó đang khổ đau về thể xác hoặc tinh thần; dù chỉ là dành ít thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang đến sự an ủi cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những việc này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ đôi mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi các thử thách của cuộc sống, Chúa nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về điều này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống và là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta tiến bước trong thừa tác vụ của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2022]


Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24 tháng 4, 2022

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật thứ Hai Phục sinh, Lễ Lòng Chúa Thương xót, 24 tháng Tư, 2022

*****

Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay, ngày cuối cùng của Tuần Bát nhật Phục sinh, Tin Mừng tường thuật việc Đấng Phục sinh hiện ra lần thứ nhất và lần thứ hai với các môn đệ. Chúa Giêsu đến vào dịp Lễ Vượt Qua khi các Tông đồ ở trong Nhà Tiệc Ly đóng kín cửa vì sợ hãi, nhưng vì Tôma, một người trong Nhóm Mười Hai, không có mặt. Tám ngày sau Chúa Giêsu trở lại (x. Ga 20:19-29). Chúng ta tập trung vào hai nhân vật chính, Tôma và Chúa Giêsu, trước tiên hãy nhìn vào người môn đệ, sau đó đến Thầy. Có một cuộc đối thoại thú vị giữa hai người.

Trước hết là Thánh Tông đồ Tôma. Ông đại diện cho tất cả chúng ta, những người không có mặt trong Nhà Tiệc Ly khi Chúa hiện ra, và không có các dấu chỉ hữu hình khác hoặc sự hiện ra của Chúa. Đôi khi chúng ta cũng phải chiến đấu như người môn đệ đó: làm sao chúng ta có thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Người đồng hành với chúng ta và là Chúa của cuộc đời chúng ta mà không nhìn thấy Người, không chạm được vào Người? Làm sao người ta có thể tin vào điều này? Tại sao Chúa không cho chúng ta một dấu hiệu rõ ràng hơn về sự hiện diện và tình yêu của Ngài? Một dấu hiệu nào đó mà tôi có thể thấy rõ hơn… Ở đây, chúng ta cũng giống như Tôma, với cùng sự hoài nghi, cùng một lý luận.

Nhưng chúng ta không cần phải xấu hổ về điều này. Thật ra, khi kể cho chúng ta câu chuyện về Tôma, Tin mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không tìm kiếm những người Kitô hữu hoàn hảo. Chúa không tìm kiếm những người Kitô hữu hoàn hảo. Cha nói với anh chị em điều này: cha sợ khi nhìn thấy một người Kitô hữu, một hội đoàn Kitô giáo nào đó tin rằng họ là hoàn hảo. Chúa không tìm kiếm những người Kitô hữu hoàn hảo; Chúa không tìm kiếm những người Kitô hữu không bao giờ hoài nghi và luôn phô trương một đức tin vững chắc. Khi một người Kitô hữu trở nên như vậy tức là có điều gì đó không đúng. Không, đối với Tôma, cuộc phiêu lưu của đức tin bao gồm ánh sáng và bóng tối. Nếu không, đó sẽ là loại đức tin như thế nào? Đức tin đó có những lúc thoải mái, sốt sắng và nhiệt thành, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, bối rối, hoài nghi và tăm tối.

Tin Mừng cho chúng ta thấy sự “khủng hoảng” của Thánh Tôma để nói với chúng ta rằng chúng ta đừng sợ những khủng hoảng của cuộc sống và đức tin. Khủng hoảng không phải là tội, chúng là một phần của cuộc hành trình, chúng ta không nên sợ hãi chúng. Nhiều khi những khủng hoảng đó làm cho chúng ta biết khiêm nhường vì chúng lột bỏ đi ý nghĩ cho rằng chúng ta tốt lành, rằng chúng ta tốt lành hơn người khác. Khủng hoảng giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang cần trợ giúp: chúng khơi dậy nhu cầu cần có Chúa và từ đó khiến chúng ta quay trở về với Chúa, chạm vào những vết thương của Người, cảm nghiệm tình yêu của Người lần nữa như thể đây là lần đầu tiên. Anh chị em thân mến, tốt hơn nên có một đức tin bất toàn nhưng khiêm nhường luôn quay về với Chúa Giêsu, hơn là một đức tin mạnh mẽ nhưng tự phụ khiến chúng ta kiêu căng và ngạo mạn. Khốn cho những người đó, khốn cho họ!

Và, trước sự vắng mặt của Tôma và hành trình của ông, thường cũng là của chính chúng ta, Chúa Giêsu làm gì? Tin mừng kể lại hai lần rằng ngài “đến” (câu 19, 26). Lần thứ nhất, tiếp đến là lần thứ hai sau đó tám ngày. Chúa Giêsu không bỏ cuộc, không mệt mỏi với chúng ta, Người không sợ những khủng hoảng, những yếu đuối của chúng ta. Người luôn luôn trở lại: khi cánh cửa đóng lại, Ngài trở lại; khi chúng ta hoài nghi, Người trở lại; Khi chúng ta cần gặp gỡ Người, giống như Tôma, và chạm vào Người thật gần, Người sẽ trở lại. Chúa Giêsu luôn trở lại, Ngài luôn gõ cửa, và Ngài không trở lại với những dấu chỉ đầy quyền năng khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé và bất xứng, thậm chí xấu hổ, nhưng với những vết thương của Người; Người trở lại cho chúng ta nhìn thấy các vết thương là những dấu chỉ tình yêu của Người đã đón nhận sự yếu đuối của chúng ta.

Thưa anh chị em, nhất là khi chúng ta trải qua những thời khắc mệt mỏi và khủng hoảng, Chúa Giêsu Phục Sinh mong muốn trở lại ở cùng chúng ta. Người chờ đợi chúng ta tìm kiếm Người, gọi đến Người, hoặc thậm chí như Tôma, phản đối, mang đến trước Người những nhu cầu và sự không tin tưởng của chúng ta. Người luôn trở lại. Tại sao? Vì Người đầy lòng kiên nhẫn và thương xót. Người đến để mở căn phòng tiệc ly của những sợ hãi và không tin tưởng của chúng ta, bởi vì Người luôn muốn trao cho chúng ta một cơ hội khác. Chúa Giêsu là Chúa của “những cơ hội khác”: Ngài luôn trao cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ về lần gần đây nhất – chúng ta cố gắng nhớ lại một chút – rằng trong thời điểm khó khăn hoặc một giai đoạn khủng hoảng, chúng ta đã tự thu mình lại, đặt ra những chướng ngại trong các vấn đề của mình và đóng cửa để Chúa Giêsu ở ngoài nhà. Và chúng ta hãy tự hứa với bản thân, lần sau, trong những lúc mệt mỏi, sẽ tìm kiếm Chúa Giêsu, trở về với Ngài, với sự tha thứ của Ngài – Ngài luôn luôn tha thứ, luôn luôn! – để trở về với những vết thương đã chữa lành chúng ta. Bằng cách này, chúng ta cũng sẽ trở nên nhân từ, tiếp cận với những vết thương của tha nhân mà không cứng nhắc và không thành kiến.

Nguyện xin Đức Mẹ, Mẹ của Lòng thương xót – cha yêu thích ý nghĩ về Mẹ là Mẹ của Lòng Thương xót vào thứ Hai sau Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót – đồng hành với chúng ta trên hành trình đức tin và yêu thương.

_________________________________________

Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, nhiều Giáo hội Đông phương, Công giáo và Chính thống giáo, và một số cộng đồng theo nghi lễ Latinh, cử hành lễ Phục sinh theo lịch Julian. Chúng ta đã cử hành vào Chúa nhật tuần trước theo lịch Gregory. Tôi xin gửi đến họ những lời nguyện chúc chân thành nhất: Chúa Kitô đã sống lại, Người đã sống lại thật! Nguyện xin Người đổ đầy tâm hồn với những hy vọng những ước mong tốt đẹp. Xin Người ban cho nền hòa bình đã bị xúc phạm bởi sự man rợ của chiến tranh. Hôm nay đánh dấu hai tháng kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu: thay vì dừng lại, cuộc chiến lại trở nên tồi tệ hơn. Thật đáng buồn là trong những ngày này, những ngày thánh thiêng và trọng đại nhất đối với tất cả mọi người Kitô hữu, người ta nghe thấy tiếng gầm rú chết chóc của vũ khí hơn là tiếng chuông báo tin Phục sinh; và thật đáng buồn khi vũ khí ngày càng thay thế lời nói.

Tôi tiếp tục lời kêu gọi đình chiến trong lễ Phục sinh, một dấu hiệu tối thiểu và hữu hình của khát vọng hòa bình. Cuộc tấn công phải được dừng lại, để trả lời cho sự đau khổ của những người dân đang kiệt quệ; nó phải dừng lại, để tuân theo lời của Chúa Phục Sinh, Đấng đã lặp lại với các môn đệ vào Ngày Phục Sinh: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36; Ga 20:19.21). Tôi kêu gọi mọi người gia tăng lời cầu nguyện cho hòa bình và lòng can đảm để nói, để cho thấy rằng hòa bình là có thể. Thưa các nhà lãnh đạo chính trị, xin làm ơn, hãy lắng nghe tiếng nói của người dân, những người muốn hòa bình, chứ không phải sự leo thang xung đột.

Về vấn đề này, tôi xin gửi lời chào và cảm ơn những người tham gia cuộc tuần hành đặc biệt Perugia-Assisi vì hòa bình và tình huynh đệ diễn ra hôm nay, cũng như những người đã tham gia các sự kiện tương tự ở các thành phố khác trên khắp nước Ý.

Hôm nay, các giám mục Cameroon đang cùng các tín hữu thực hiện cuộc hành hương toàn quốc đến đền thờ Đức Mẹ Marianberg, để tái thánh hiến đất nước cho Mẹ Thiên Chúa và đặt đất nước dưới sự bảo vệ của Mẹ. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho nền hoàn bình trở lại với đất nước của họ, nơi đã bị tàn phá bởi bạo lực ở nhiều vùng khác nhau trong hơn năm năm qua. Chúng ta cũng hãy cùng với các anh chị em Cameroon dâng lên lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa có thể sớm ban cho đất nước thân yêu này một nền hòa bình thực sự và lâu dài.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người Roma và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha gửi lời chào anh chị em người Ba Lan, với ý nghĩ hướng về đồng bào của họ đang kỷ niệm “Ngày của việc Thiện” do Caritas tổ chức, và về các nạn nhân của những vụ tai nạn trong hầm mỏ. Cha chào các tín hữu của Milan, Faenza, Verolanuova, Nembro và các tình nguyện viên của Dòng Malta từ Vicenza. Cha gửi lời chào đặc biệt đến cho cuộc hành hương của các thiếu niên ứng viên Thêm sức từ giáo phận Piacenza-Bobbio, cùng với đức giám mục, cũng như các ứng viên Thêm sức từ Mondovì, Almenno San Salvatore, Albegno, Cazzago San Martino và Alta Padovana, và nhóm đến từ Sant'Angelo Lodigiano và các lễ sinh từ Spirano. Cha xin chào hội sùng kính Lòng Chúa Thương xót tập trung ở đây hôm nay trong nhà thờ thánh địa Santo Spirito ở Sassia; và những người tham gia hành trình từ Sacra di San Michele đến Monte Sant’Angelo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2022]


Đức Giám mục từ miền Đông Ukraine: Mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của chúng tôi

Đức Giám mục từ miền Đông Ukraine: Mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của chúng tôi

Đức Giám mục từ miền Đông Ukraine: Mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của chúng tôi

Photo by Алесь Усцінаў on <a href="https://www.pexels.com/photo/11844463/" rel="nofollow">Pexels.com</a>

Aleteia 

24/04/22 - updated on 04/24/22


Đức Cha Jan Sobillo, Giám mục phụ tá giáo phận Kharkiv và Zaporozhye, nói, “Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.”

“Tại Zaporozhye có khoảng 10.000 lính Nga và rất nhiều thiết bị quân sự. Chúng tôi đã chứng kiến những trận giao tranh ác liệt ở đây và bây giờ chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới; chúng tôi cần lời cầu nguyện của các bạn!” Đức Cha Jan Sobillo tha thiết kêu gọi. Ngài đã trung thành ở lại với đoàn chiên của ngài kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Donbass vào năm 2014.

Lễ Phục sinh diễn ra tương đối yên bình ở Zaporozhye, mặc dù có những khó khăn. Thủ hiến khu vực yêu cầu người dân không tụ tập thành các nhóm lớn để tổ chức những lễ nghi tôn giáo do mối đe dọa từ súng đạn của Nga. Do đó, các linh mục đã tăng thêm số lượng Thánh lễ, và được các tín hữu trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng theo dõi trực tuyến.

“Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi”

Đức Cha phụ tá giáo phận Kharkiv và Zaporozhye cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican: “Miền Đông Ukraine đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Chúng tôi biết rằng mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của chúng tôi. Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi”.

Đức Cha Sobillo cho biết, “Người Nga đã rút khỏi khu vực Kyiv và tập trung vào vùng Donbass. Tại Zaporozhye có khoảng 10.000 quân Nga và rất nhiều thiết bị quân sự – xe tăng, đại bác và xe bọc thép. Chúng tôi đã chứng kiến những trận giao tranh ác liệt ở đây, nhưng chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Vì vậy, các tín hữu của chúng tôi, mặc dù vẫn đến nhà thờ, nhưng họ ý thức rằng bất cứ lúc nào cuộc giao tranh cũng có thể trở nên quá khốc liệt đến mức chúng tôi không thể tập trung trong nhà thờ được. Đó là lý do tại sao họ tranh thủ thời gian để tham dự Thánh lễ ngay cả trong những ngày thường, vì họ hiểu rằng rằng điều này có thể không còn là cơ hội trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng vẫn có thể sơ tán người dân khỏi Mariupol, nơi có tình hình thảm khốc nhất, và sơ tán người khỏi các ngôi làng bị chiếm đóng. Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới, đặc biệt là Ba Lan.

Zaporozhye tiếp tục nhận được viện trợ, để chúng tôi có gì đó để chia sẻ với mọi người. Do đó, chúng tôi có mọi thứ cần cho cuộc sống hàng ngày nhưng chúng tôi ý thức ngày mai điều này có thể thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, chúng tôi cảm tạ Chúa mỗi ngày, nhưng thời gian thì khó khăn, chưa thấy một chút tín hiệu của việc kết thúc chiến tranh.

Lực lượng chiếm đóng ngày càng mạnh, nhưng tinh thần của người dân Ukraine thực sự là bất khả chiến bại. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến, điều này sẽ không chỉ mang đến lợi ích cho đất nước chúng tôi, là quốc gia cuối cùng sẽ thoát khỏi tay kẻ áp bức, nhưng cho cả châu Âu và toàn thế giới”.

Lễ Phục sinh trong bóng đen của chiến tranh

Đức Giám mục nói rằng vì lý do an toàn nên không thể ăn bữa sáng chung trong lễ Phục sinh, tuy nhiên tất cả mọi người đều nhận được các giỏ quà từ các tổ chức cứu trợ nhân đạo. Chẳng hạn, người Ý đã gửi đến bánh Phục sinh.

Đức Cha nói: “Chúa nhật tới sẽ là một ngày lễ đại kết; Người Công giáo sẽ cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót và Chính thống giáo sẽ tưởng niệm Sự Phục sinh của Chúa.” Ngài hứa rằng bất cứ khi nào có thể, các gói hàng viện trợ nhân đạo sẽ lại được phân phát cho người dân Ukraine.

“Chúng tôi muốn tất cả mọi người cảm nhận rằng Lòng Thương Xót của Chúa quan tâm đến sự thanh sạch và sức mạnh tinh thần của chúng tôi, nhưng Chúa Giêsu Nhân từ còn quan tâm đến những lương thực chúng tôi ăn.”

Đức Giám mục cho biết số người có cần được giúp đỡ đang tăng lên theo từng ngày. Họ nhận được những bữa ăn nóng từ nhà bếp của các tu sĩ Albertine. Một làn sóng sơ tán thứ hai đang diễn ra; trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em muốn tìm nơi trú ẩn ở những khu vực yên bình hơn của Ukraine trước cuộc tấn công sắp xảy ra của quân đội Nga.

“Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới; Chúng tôi khẩn thiết cần lời cầu nguyện của các bạn,” Đức Cha Sobillo kêu gọi. Ngài đã sống ở miền Đông Ukraine trong suốt 8 năm chiến tranh bắt đầu từ năm 2014.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2022]


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói Vatican đã hủy cuộc họp với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kiril

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói Vatican đã hủy cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp đức Thượng phụ Kirill tại sân bay Havana vào ngày 12 tháng Hai năm 2016, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một Giáo hoàng và một Thượng phụ của Moscow.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói Vatican đã hủy cuộc họp với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kiril

Đức Giáo hoàng Phanxicô thực hiện cuộc gọi video với Đức Thượng phụ Kirill, 16 tháng Ba, 2022. (photo: Courtesy photo / Vatican Media)

Hannah Brockhaus/CNA

Vatican 22 tháng Tư, 2022



VATICAN CITY — Trong phỏng vấn của một tờ báo Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill sẽ không diễn ra theo kế hoạch.

Hội nghị thượng đỉnh, lẽ ra là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Giáo hoàng và Thượng phụ, dự kiến sẽ diễn ra tại Giêrusalem vào tháng Sáu, trong chuyến tông du ngày 12 tháng Sáu đến Li Băng của Giáo hoàng.

“Tôi rất tiếc vì Vatican đã phải hủy cuộc gặp gỡ thứ hai với Đức Thượng phụ Kirill,” Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết trong cuộc phỏng vấn đăng trên La Nacion.

Đức Giáo hoàng cho biết mối quan hệ của ngài với Đức Kirill là “rất tốt”, nhưng “về ngoại giao chúng tôi hiểu rằng một cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi vào thời điểm này có thể gây ra rất nhiều nhầm lẫn”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp Đức Thượng phụ Kirill tại sân bay của Havana vào ngày 12 tháng Hai năm 2016, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một Giáo hoàng và một Thượng phụ của Moscow.

Giáo hội Chính thống Nga là Giáo hội Chính thống giáo Đông phương độc lập với khoảng 150 triệu thành viên, chiếm hơn một nửa số người Kitô hữu Chính thống giáo trên thế giới.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tìm cách tăng cường mối quan hệ Công giáo-Chính thống giáo kể từ khi ngài được bầu chọn vào năm 2013.

Trong cuộc phỏng vấn trên La Nacion, Đức Giáo hoàng cũng trả lời câu hỏi về việc tại sao ngài không nêu đích danh ông Putin hoặc nước Nga trong các bình luận của ngài về cuộc chiến ở Ukraine.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bị chỉ trích vì không chỉ đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin trong các bài phát biểu của ngài kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Ngài nói: “Một Giáo hoàng không bao giờ chỉ đích danh một người đứng đầu chính phủ, với nguyên thủ quốc gia càng không thể.”

Về những nỗ lực của Vatican trong việc can thiệp vào cuộc chiến, ngài nói, “Vatican không bao giờ nghỉ ngơi. Tôi không thể cho anh biết chi tiết vì chúng sẽ không còn là nỗ lực ngoại giao. Nhưng những cố gắng sẽ không bao giờ dừng lại”.

Đức Phanxicô cũng bày tỏ những nghi ngờ về tính hữu ích của chuyến thăm đến Kyiv của Giáo hoàng, sau khi ngài bày tỏ sự sẵn lòng đến thăm thủ đô Ukraine trong chuyến tông du tới Malta hồi đầu tháng.

Ngài nói với tờ báo: “Tôi không thể làm bất cứ điều gì khiến các mục đích cao hơn gặp rủi ro, đó là kết thúc chiến tranh, đình chiến hay ít nhất là một hành lang nhân đạo. Giáo hoàng đến Kyiv sẽ có ích gì nếu chiến tranh tiếp tục vào ngày hôm sau?”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/4/2022]


Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già

Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già

Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup 

21/04/22


Nếu tôi làm mất danh dự của người già là tôi làm mất danh dự chính mình, Đức Giáo hoàng cảnh báo.

Sau hai năm dài do những hạn chế đại dịch, buổi tiếp kiến chung ngày 20 tháng Tư đã trở lại trong Quảng trường Thánh Phêrô đầy màu sắc và hương thơm do hàng trăm ngàn bông hoa Phục sinh do Hà Lan dâng cúng.

Tuy nhiên trong khi Đức Giáo hoàng rõ ràng tỏ rất vui mừng khi được trở lại với các tín hữu, thì thông điệp của ngài khi tiếp tục loạt bài về người cao tuổi là một sự ảm đạm: “Chúng ta thường nghĩ rằng những người già là đồ bỏ đi, hoặc chúng ta bỏ họ vào thùng rác; … ‘Đồ bỏ’ là từ ngữ đúng hoàn cảnh, phải không? Khinh miệt người già và loại bỏ họ khỏi cuộc sống, gạt họ sang một bên, hạ thấp họ.”

Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già

Đức Giáo Hoàng đã lưu ý đến lý do Điều Răn tôn kính cha và mẹ của chúng ta là điều đầu tiên trong “phiến đá thứ hai” của các Điều răn, tức là những điều răn liên quan đến cách chúng ta đối xử với người lân cận.

Đức Giáo Hoàng giải thích: “Tôn kính là một “tình yêu đặc biệt” bao hàm “sự dịu dàng đồng thời tôn trọng”.

Lòng tôn trọng bị thiếu khi sự tự tin thái quá biến thành sự thô bạo và ngược đãi, thay vì được thể hiện bằng sự tế nhị và trìu mến, sự dịu dàng và tôn trọng. Điều này xảy ra khi sự yếu ớt bị khiển trách, thậm chí bị trừng phạt, như thể đó là một sai lỗi, và khi sự bối rối và lẫn lộn trở thành cơ hội cho việc chế nhạo và công kích. Nó có thể xảy ra ngay cả trong gia đình, trong viện dưỡng lão, cũng như trong văn phòng hoặc những không gian mở của thành phố. Khuyến khích người trẻ, dù là gián tiếp, một thái độ trịch thượng – và thậm chí khinh thường – đối với người già, vì những sự yếu ớt và mong manh của họ sẽ tạo ra những điều khủng khiếp.

Đức Thánh Cha đề cập đến một trường hợp đáng buồn được đưa tin trên báo chí về những người trẻ tuổi đã đốt chăn mền của một người vô gia cư.

Họ [những người trẻ tuổi] xem người vô gia cư như một thứ bỏ đi, và chúng ta thường nghĩ rằng người già là người thừa, hoặc chúng ta bỏ họ vào thùng rác; Những người trẻ đã đốt chăn của người lang thang này là phần nổi của tảng băng chìm, tức là sự khinh miệt đối với một cuộc sống dường như đã bị gạt sang một bên, xa rời những hấp dẫn và sôi động của tuổi trẻ.

Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già

Đức Thánh Cha nhận xét:

“Sự khinh miệt này, tức là sự khinh miệt người già, thật ra là làm mất danh dự chính chúng ta. Nếu tôi làm mất danh dự của người già là tôi làm mất danh dự chính mình, Đức Giáo hoàng cảnh báo.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã xin các bậc cha mẹ:

Và về điểm này, cho phép tôi đưa ra một vài lời khuyên gửi đến các bậc cha mẹ: xin làm ơn hãy đưa những đứa con, những trẻ nhỏ đến gần người già hơn, luôn đưa chúng đến gần hơn. Và khi người già đau ốm, hơi đãng trí, hãy luôn đến gần họ: hãy cho các trẻ biết rằng đây là ruột thịt của chúng ta, rằng đây là những gì đã làm cho chúng ta có thể ở đây.

Xin đừng đẩy người già ra xa. Và nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi họ vào viện dưỡng lão, xin hãy đến thăm họ và đưa các con cùng đến gặp họ: họ là niềm vinh dự của nền văn minh chúng ta, những người xưa đã mở ra những cánh cửa. Và rất nhiều khi, con cái quên điều này.

Sau đó, ngài kết luận bằng một câu chuyện riêng trong thời gian ở Argentina, cảnh báo rằng việc bỏ bê người cao tuổi là một tội trọng:

Cha kể với anh chị em một câu chuyện riêng: trước đây cha thường đến thăm các viện dưỡng lão ở Buenos Aires. Cha thường xuyên đi. Cha đi rất thường xuyên, cha đến thăm từng người một… Và cha nhớ có lần hỏi một bà cụ: ‘Bà có mấy đứa con?’ – ‘Tôi có bốn đứa, tất cả đều đã lập gia đình, có cháu…,’ và bà cụ bắt đầu nói với tôi về gia đình. ‘Và chúng có đến [thăm] cụ không?’ – “Có, [bà cụ nói,] ‘chúng luôn luôn đến!’ Khi tôi rời khỏi phòng, cô y tá đã nghe thấy câu chuyện, nói với tôi: ‘Thưa cha, bà cụ nói dối để khỏa lấp cho những đứa con của bà. Sáu tháng rồi chẳng ai đến đây!’

Việc này là loại bỏ người già, cho rằng người già là đồ bỏ đi. Xin làm ơn: đó là một tội trọng. Đây là điều răn trọng thứ nhất và là điều răn duy nhất có kèm theo phần thưởng: ‘Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, thì ngươi sẽ được hưởng thọ trên mặt đất này’.

Điều răn tôn kính người cao tuổi này mang lại cho chúng ta một ân phúc được diễn đạt theo cách này: ‘Ngươi sẽ được hưởng thọ trên mặt đất này.’ Xin hãy trọng kính những người cao tuổi. Và [thậm chí] nếu họ bị đãng trí, hãy trân trọng người già. Bởi vì họ là sự hiện diện của lịch sử, sự hiện diện của gia đình tôi, và nhờ họ mà tôi có mặt ở đây, tất cả chúng ta có thể nói: nhờ có ông, có bà mà tôi còn sống. Xin đừng để họ một mình. Và điều này, việc chăm sóc người già, không phải là vấn đề trang điểm và phẫu thuật thẩm mỹ, không. Đúng hơn, đó là một vấn đề về danh dự, nó phải thay đổi cách chúng ta giáo dục giới trẻ về sự sống và các giai đoạn của nó. Tình yêu đối với con người là điểm chung đối với chúng ta, bao gồm cả việc trân trọng cuộc sống đã trải qua, không phải là vấn đề đối với người già. Đúng hơn đó là một tham vọng sẽ mang lại vẻ đẹp rạng rỡ cho người trẻ kế thừa những phẩm chất tốt nhất của nó. Ước mong sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa ban cho chúng ta để mở ra chân trời của cuộc cách mạng văn hóa đích thực này với năng lượng cần thiết.

Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn niềm vui, nhưng thông điệp buồn: bài giảng Tiếp kiến chung về “trọng tội” khi bỏ mặc người già




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/4/2022]


Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

*****

Sáng nay, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn từ “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu”.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha chuẩn bị cho sự kiện này và gửi văn bản đến những người có mặt, và bài diễn từ ứng khẩu của ngài:

________________

Diễn từ soạn trước của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Tôi vui mừng gửi lời chào đến các bạn là những thành viên của Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu”, trong chuyến hành hương tới Roma. Ước mong niềm vui của những ngày trong mùa Phục sinh đổ đầy tâm hồn các bạn, và mong rằng cuộc họp mặt của các bạn trong Kinh Thành Muôn Thuở này củng cố lòng trung thành với Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người, đồng thời làm phong phú thêm nỗ lực của các bạn nhằm nêu bật những nét đặc biệt của tầm nhìn Công giáo về giáo dục.

Trong thời đại tràn ngập thông tin, thường được truyền tải mà không có sự khôn ngoan hoặc ý thức phản biện, nhiệm vụ đào tạo các thế hệ giáo viên và học sinh Công giáo hiện tại và tương lai vẫn luôn quan trọng hơn bao giờ hết. Là những nhà giáo dục, các bạn được kêu gọi phải nuôi dưỡng niềm khát khao chân, thiện, mỹ trong tâm hồn của mỗi cá nhân, để tất cả mọi người có thể học cách yêu thương sự sống và mở lòng với cuộc sống viên mãn. Điều này liên quan đến việc phân định những cách thức sáng tạo trong việc kết hợp nghiên cứu với các phương pháp thực hành tốt nhất để các nhà giáo có thể phục vụ trọn vẹn nhân vị trong tiến trình phát triển con người toàn diện. Nói tóm lại, điều này có nghĩa là rèn luyện trí óc, bàn tay và con tim cùng với nhau: duy trì và tăng cường mối liên kết giữa học, hành và cảm nhận theo ý nghĩa cao quý nhất. Bằng cách này, các bạn sẽ cung cấp không chỉ một chương trình giảng dạy tuyệt vời, mà còn có một tầm nhìn chặt chẽ về sự sống được truyền cảm hứng từ những lời giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.

Theo nghĩa này, công việc giáo dục của Giáo hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người … mà đặc biệt hướng đến việc bảo đảm rằng những người đã được rửa tội ngày càng biết trân quý hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (Tuyên ngôn của Công đồng Vatican 2 Gravissimum Educationis, 2). Đức tin của chúng ta là một ân sủng lớn lao mà mỗi chúng ta phải nuôi dưỡng hàng ngày đồng thời trợ giúp người khác biết nuôi dưỡng nó. Dưới ánh sáng đức tin, các nhà giáo dục và học sinh đều coi nhau như là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta để trở thành anh chị em trong một gia đình nhân loại. Trên cơ sở này, giáo dục Công giáo đòi chúng ta phải cam kết, cùng với những điều khác, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách giảng dạy về sự chung sống với nhau, tình liên đới huynh đệ và hòa bình. Tôi hy vọng rằng những thảo luận của các bạn trong những ngày này sẽ hỗ trợ các bạn trong việc phát triển những phương tiện hiệu quả để thúc đẩy các giá trị này ở tất cả các cấp trong những cơ sở học tập của các bạn, và trong trí óc và tâm hồn của các học sinh.

Đồng thời, giáo dục Công giáo cũng là công cuộc Phúc âm hóa: làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng và sức mạnh của Tin mừng để canh tân các cộng đoàn của chúng ta, đồng thời tạo niềm hy vọng và sức mạnh để đối phó cách khôn ngoan với những thách đố của thời đại hiện nay. Tôi tin rằng chuyến thăm quan học tập này sẽ truyền cảm hứng cho từng người trong các bạn cống hiến bản thân với lòng nhiệt thành quảng đại cho ơn gọi trở thành các nhà giáo dục của mình, cho các nỗ lực củng cố nền tảng của một xã hội nhân văn và đoàn kết hơn, và từ đó thúc đẩy vương quốc sự thật, thánh thiện, công bằng và hòa bình của Đức Kitô.

Tôi xin cảm ơn và khuyến khích các bạn tiếp tục công việc quan trọng của mình, và tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Tôi ban Phép lành là niềm vui và sự bình an của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế Phục sinh và dâng tất cả các bạn cho sự chuyển cầu đầy yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!

___________________________

Diễn từ ứng khẩu của Đức Thánh Cha

Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đến thăm. Tôi đã từng sống ở Ireland, Dublin, ở Milltown Park, để học tiếng Anh. Tôi có học tiếng Anh nhưng tôi quên rồi, xin lỗi các bạn! Tôi sẽ nói bằng tiếng Ý. Cảm ơn bạn đã đến thăm.

Tôi rất vui, đặc biệt là sau khi nghe ông phát biểu [nói với người quản lý thiếu niên trong nhóm]. Tôi hiểu gần như mọi điều, nhưng ông chạy với tốc độ hàng trăm dặm một giờ và có chỗ tôi không hiểu! Tôi thích tầm nhìn này về giáo dục – tôi sẽ lấy nó làm lời của mình – trong sự căng thẳng giữa rủi ro và an toàn. Việc các bạn làm là rất tốt. Chúng ta phải bỏ lại đằng sau hình ảnh của nền giáo dục đó, theo đó giáo dục có nghĩa là nhét đầy các ý tưởng vào đầu. Theo cách này là chúng ta đang dạy cho người máy, những bộ não siêu đẳng, nhưng không phải là con người. Giáo dục là mạo hiểm trong sự căng thẳng giữa trí óc, trái tim và đôi bàn tay: hòa hợp đến mức suy nghĩ về những gì chúng ta cảm nhận và làm; cảm nhận những gì chúng ta nghĩ và làm; và làm những gì chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Đó là sự hòa hợp.

Nhưng chúng ta cần sợi chỉ của Ariadne để thoát ra khỏi mê hồn trận… Tôi cũng nghĩ đến mê cung của cuộc sống. Có nhiều điều mà các thiếu niên nam nữ đang lớn không hiểu: đâu là sợi chỉ của Ariadne để giúp các bạn nhỏ không bị lạc trong mê cung? Hãy cùng đồng hành. Chúng ta không thể giáo dục nếu không đi bên cạnh người mà chúng ta đang dạy bảo. Thật tốt khi chúng ta tìm được những nhà giáo dục đồng hành cùng các trẻ. Và các bạn [trong đề phụ của quyển sách các bạn đã tặng tôi] nói một câu rất hay: “Khi hùng biện gặp thực tế”. Giáo dục không phải là vấn đề nói thuần những điều hoa mỹ; giáo dục là đưa những điều chúng ta nói hợp với thực tế. Các trẻ có quyền mắc lỗi, nhưng nhà giáo dục đồng hành cùng các em trong suốt chặng đường để dẫn dắt các em vượt qua những sai lỗi này, để chúng không trở nên nguy hiểm. Nhà giáo dục đích thực không sợ sai lầm, không: họ đồng hành với các trẻ, nắm tay các trẻ, lắng nghe, tham gia vào cuộc đối thoại. Người đó không sợ hãi, và chờ đợi. Đây là giáo dục con người. Như các bạn có thể thấy, có một vực sâu giữa di sản của nền giáo dục “nhồi nhét” và chính bản thân công cuộc giáo dục, đó là dẫn dắt bước tới và nuôi dưỡng, giúp phát triển. Cảm ơn các bạn vì phương pháp giáo dục tiếp cận con người này. Và cứ tiếp tục tiến bước!

Điều cuối cùng mà ông đề cập đến [một lần nữa nói với người quản lý thiếu niên trong nhóm]: sự đối thoại giữa người trẻ và người già là rất quan trọng. Điều này vô cùng quan trọng. Thậm chí là phớt lờ cha mẹ: không phải vì nổi loạn, mà là để tìm ra nguồn cội. Gốc rễ. Bởi vì để phát triển, cây cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với rễ của nó. Nó không nằm cố định ở rễ, không, nhưng nó liên kết với rễ. Có một nhà thơ ở quê tôi nói một câu thật hay: “Mọi thứ sinh sôi trên cây đều bắt nguồn từ những gì nó có dưới lòng đất”. Nếu không có gốc rễ, người ta không tiến tới được. Với cội rễ, chúng ta mới trở thành con người: không phải là những bức tượng trong bảo tàng, giống như những người theo chủ nghĩa truyền thống cứng nhắc, lạnh lùng, khô khan nghĩ rằng nuôi dưỡng sự sống có nghĩa là sống gắn chặt với gốc rễ. Cần có mối quan hệ này với gốc rễ, nhưng cũng cần phải tiến tới. Và đây là truyền thống thực sự: tiếp thu từ quá khứ để tiến lên. Truyền thống không phải là tĩnh; nó năng động, hướng tới tương lai. Có một nhà thần học người Pháp từ thế kỷ thứ năm, một tu sĩ, đã đặt vấn đề về chủ đề này, làm sao để giáo lý có thể phát triển mà không làm hỏng nguồn hứng cảm của truyền thống riêng của nó, làm thế nào để nó phát triển mà không ẩn trong quá khứ. Và ông nói bằng tiếng Latinh: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”: nó tiến triển bằng cách củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời gian, thăng hoa theo tuổi tác. Consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate, đây là truyền thống: cần phải giáo dục theo truyền thống, nhưng để phát triển.

Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều vì công việc của các bạn. Cảm ơn, cảm ơn các bạn. Và giờ đây tôi ban phép lành cho các bạn, từ Green Ireland! [Phép lành]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/4/2022]