Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 13 THÁNG MỘT, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 13 THÁNG MỘT, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 13 THÁNG MỘT, 2021

Thư viện Điện Tông tòa
Thứ Tư, 13 tháng Một, 2021

_______________________________________

Bài Giáo lý về cầu nguyện - 21. Kinh nguyện Ca ngợi


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về cầu nguyện, và hôm nay chúng ta sẽ dành không gian cho chiều kích ca ngợi.

Chúng ta sẽ lấy điểm xuất phát của mình là một đoạn quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Sau những phép lạ đầu tiên và sự tham gia của các môn đệ vào việc rao giảng Nước Thiên Chúa, sứ vụ của Đấng Mêxia trải qua một cuộc khủng hoảng. Gioan Tẩy Giả nghi ngờ và gửi cho Ngài thông điệp này - Gioan đang ở trong tù: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3), do ông cảm thấy đau khổ vì không biết mình có nhầm lẫn khi loan báo hay không. Luôn luôn có những khoảnh khắc tăm tối, những thời khắc đêm đen của tinh thần, và Gioan đang trải qua thời khắc ấy. Có sự chống đối trong các làng ven hồ, nơi Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ phi thường (x. Mt 11,20-24). Giờ đây, chính trong thời khắc chán nản này, Mátthêu kể lại một sự kiện thực sự đáng ngạc nhiên: Chúa Giêsu không cất lên lời than thở với Chúa Cha, nhưng Ngài cất lên một sự ca tụng vui sướng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25) Vì vậy, giữa cơn khủng hoảng, giữa bóng tối linh hồn của biết bao người, chẳng hạn như Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha, Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha. Tại sao?

Trước hết, Ngài ngợi khen Người vì Người là ai: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất”. Chúa Giêsu vui mừng trong lòng vì Ngài biết và Ngài cảm xúc rằng Cha của Ngài là Chúa của Vũ trụ, và ngược lại, Đức Chúa của tất cả những gì hiện hữu là Cha, “Cha của tôi”. Lời ngợi khen bật lên từ cảm nghiệm rằng Ngài là “Con của Đấng Tối Cao”. Chúa Giêsu cảm nhận mình là Con Đấng Tối Cao.

Và rồi Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha vì Người ưu ái những người bé mọn. Đó là điều chính Ngài cảm nghiệm, rao giảng trong các làng mạc: những người “học thức” và “thông thái” vẫn nghi ngờ và khép kín, là những con người tính toán; trong khi “những người bé mọn” mở lòng và đón nhận thông điệp của Ngài. Đây chính là ý muốn của Chúa Cha, và Chúa Giêsu vui mừng về điều này. Chúng ta cũng phải vui mừng và ngợi khen Chúa vì những người khiêm nhường và đơn sơ đón nhận Tin Mừng. Khi cha nhìn thấy những người đơn sơ này, những người khiêm tốn đi hành hương, đi cầu nguyện, ca hát, ngợi khen, những người có lẽ thiếu thốn nhiều thứ nhưng sự khiêm nhường đã khiến họ ca ngợi Thiên Chúa ... Trong tương lai của thế giới và trong niềm hy vọng của Giáo hội là có những “người bé mọn”: những người không coi mình là hơn người khác, những người ý thức được các giới hạn của bản thân và tội lỗi của họ, những người không muốn lên mặt với người khác, những người, trong Thiên Chúa là Cha, nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Vì vậy, trong thời khắc thất bại rõ ràng đó, nơi mọi thứ đều tăm tối, Chúa Giêsu cầu nguyện, ngợi khen Chúa Cha. Và lời cầu nguyện của Ngài cũng dẫn đưa chúng ta, những người đọc Tin Mừng, đánh giá những thất bại của cá nhân mình theo một cách khác, để đánh giá cách khác nhau những tình huống mà chúng ta không thấy rõ ràng sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, khi dường như sự dữ đang thắng thế, và không có cách nào để ngăn chặn nó. Trong những thời khắc đó, Chúa Giêsu, Đấng đã đề nghị cầu nguyện đặt câu hỏi, vào chính thời điểm mà lẽ ra Ngài có lý do để xin Chúa Cha giải thích, thì thay vào đó Ngài lại ca khen Người. Tưởng chừng như đó là sự mâu thuẫn, nhưng chính ở đó, nó là sự thật.

Lời ngợi khen hữu ích cho ai? Cho chúng ta hay cho Chúa? Một văn bản của phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa theo cách này, văn bản nói như sau: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con” (Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền tụng IV). Bằng cách ngợi khen, chúng ta được cứu thoát.

Kinh nguyện ngợi khen phục vụ chúng ta. Sách Giáo lý định nghĩa nó theo cách này - kinh nguyện ngợi khen cho “chúng ta thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Người trong đức tin trước khi được thấy Người trong vinh quang” (số 2639). Nghịch lý là nó phải được thực hành không chỉ trong những lúc cuộc sống chan hòa hạnh phúc, mà trên hết là trong những thời điểm khó khăn, trong những lúc tối tăm khi đường đi trở thành một cuộc leo dốc. Đó cũng là lúc để ca ngợi. Giống như Chúa Giêsu [Đấng] trong giờ phút đen tối đã ngợi khen Chúa Cha. Bởi vì chúng ta biết rằng, qua con đường đi lên, con đường khó khăn đó, con đường mệt mỏi đó, những chặng đường nhiều gian khó, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mới, một chân trời rộng lớn hơn. Ngợi khen cũng giống như hít thở dưỡng khí trong lành: nó thanh lọc tâm hồn, nó giúp anh chị em nhìn xa hơn để không bị giam hãm trong những thời khắc khó khăn, trong bóng tối của khó khăn.

Có một lời dạy tuyệt vời trong kinh nguyện mà trong suốt tám thế kỷ chưa bao giờ mất nhịp đập của nó, lời nguyện mà Thánh Phanxicô đã sáng tác vào cuối đời ngài: “Bài ca Mặt trời” hoặc “Trường ca các tạo vật”. Poverello (Thánh Phanxicô) không sáng tác nó trong giây phút hân hoan, trong thời điểm hạnh phúc, mà trái lại, trong lúc khó khăn. Lúc đó, Thánh Phanxicô gần như mù lòa, và ngải cảm nhận trong tâm hồn mình nặng trĩu một sự cô đơn mà ngài chưa từng trải qua: thế giới vẫn chẳng có gì thay đổi kể từ khi ngài bắt đầu rao giảng, vẫn có những người để cho mình bị tan nát bởi những cuộc cãi vã, và thêm vào đó ngài nhận thức rằng cái chết đang đến gần hơn bao giờ hết. Đó có thể là thời khắc bị tan vỡ ảo tưởng, bị tan vỡ ảo tưởng tột cùng và nhận thức về sự thất bại của chính mình. Nhưng Thánh Phanxicô đã cầu nguyện ngay trong lúc buồn bã đó, trong thời điểm đen tối đó: “Lạy Thiên Chúa của con, mọi lời ngợi khen thuộc về Người”. Ngài cầu nguyện bằng cách ca khen. Thánh Phanxicô ngợi khen Thiên Chúa về mọi sự, mọi ân tứ của tạo hóa, và ngay cả cái chết, điều mà ngài can đảm gọi là “chị”. Những tấm gương này của các thánh, của các Kitô hữu, và của Chúa Giêsu, về việc ngợi khen Thiên Chúa trong những lúc khó khăn, đã mở ra cho chúng ta những cánh cổng của một con đường tuyệt vời dẫn đến với Thiên Chúa, và chúng luôn thanh tẩy chúng ta. Sự ngợi khen luôn luôn thanh tẩy.

Các Thánh cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn có thể ngợi khen, trong lúc tốt đẹp cũng như lúc tồi tệ, vì Thiên Chúa là người Bạn trung tín. Đây là nền tảng của sự ngợi khen: Thiên Chúa là người bạn trung tín, và tình yêu thương của Người không bao giờ cạn. Người luôn ở bên chúng ta, Người luôn chờ đợi chúng ta. Người ta nói rằng, “Người là lính canh gần bên bạn và giữ cho bạn luôn vững tin tiến bước”. Trong những thời gian khó khăn và tăm tối, chúng ta hãy can đảm để nói: “Ôi Lạy Chúa, xin chúc tụng Người”. Ca tụng Chúa. Điều này sẽ rất tốt cho chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

_____________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong Lễ Chúa chịu phép rửa mà chúng ta vừa cử hành, nhắc nhở chúng ta về bí tích rửa tội của mình và tạo động lực cho chúng ta noi theo Chúa Kitô một cách trung thành hơn mỗi ngày. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2021]


Những vị thánh giúp chúng ta biết yêu quý thân xác mình

Những vị thánh giúp chúng ta biết yêu quý thân xác mình

Những vị thánh giúp chúng ta biết yêu quý thân xác mình

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

01/01/21

Sự thánh thiện không nằm ngoài tầm với chỉ vì lý do bạn không phù hợp với cửa sổ kính màu.

Khi một năm mới mở ra, những tiếng nói xung quanh chúng ta thì thầm về tất cả những điều không thuận buồm xuôi gió với chúng ta, tất cả những quyết định mà chúng ta phải thực hiện, và (đặc biệt) tất cả những kế hoạch ăn kiêng và tập luyện mà chúng ta phải tự ràng buộc mình. Nhưng khi sự ám ảnh của văn hóa về thể hình một lần nữa đòi hỏi chúng ta phải gầy đi, thì hãy nhớ rằng thân hình gầy không phải là thánh thiện hơn.

Một trong những giáo huấn nền tảng của Kitô giáo là thân thể chúng ta là tốt lành — chính Thiên Chúa đã quyết định mặc lấy thân xác, và không chỉ là trong ít năm khi Ngài đi khắp mặt đất. Ngài đã về Trời với thân thể phục sinh, và ở đó, với thân thể con người, Ngài ngồi bên hữu Chúa Cha muôn đời.

Như chúng ta biết, cơ thể có vóc dáng và hình thể khác nhau; chúng được ban ơn với những khả năng và chiến đấu với những hạn chế. Và tất cả chúng đều tốt lành.

Mặc dù hình ảnh các vị thánh thường cho thấy tất cả các ngài đều mảnh khảnh, nhưng chúng ta biết rằng nhiều vị không như vậy. Trong những năm gần đây có nhiều vị thánh nặng cân hơn, có nghĩa là còn nhiều vị thánh trong quá khứ xa xôi với vóc dáng đã không còn trong lịch sử.

Các thánh cùng thông công không phải là một triệu người mảnh khảnh đẹp đẽ với Thánh Tôma Aquinô nổi bật nhất. Các thánh cùng thông công đó là người mảnh mai hay to béo đều như nhau!

Dù vóc dáng cơ thể như thế nào, hoặc bị khuyết tật hay bị bệnh mãn tính, thân thể chúng ta vẫn là tốt lành. Ghét thân xác không phù hợp với nước Chúa hoặc giúp cho tâm hồn chúng ta đồng điệu với Chúa Kitô, như những vị thánh có thân hình to lớn này nhắc nhở chúng ta. Thể hình không phải là bằng chứng của tội lỗi hoặc thiếu đức hạnh hoặc thiếu kiềm chế. Sự thánh thiện không nằm ngoài tầm với chỉ vì lý do bạn không phù hợp với cửa sổ kính màu.

Thánh Olaf II (995-1030) cũng còn được gọi là Thánh Olaf Mập. Olaf là con trai của vua Na Uy, một cướp biển Viking, và là một người trở lại Kitô giáo. Khi trở thành vua, ngài đưa những nhà truyền giáo đến Na Uy, nhưng bị một dân tộc không quan tâm đến việc trở lại buộc phải lưu vong. Vua Olaf trở lại với một đội quân và chết trong trận chiến. Ngài được coi là một người tử vì đạo vì ngài đã bị giết trong khi cố gắng truyền giáo cho người dân của mình.

Chân phước Isnard de Chiampo (chết năm 1244) là một trong những tu sĩ Đa Minh đầu tiên, một người với đời sống khổ tu nghiêm ngặt đã chẳng làm được gì để giảm kích thước thân hình của mình. Là một nhà thuyết giáo tài năng, ngài thường phải chịu sự chế giễu trong lúc giảng khi mọi người giễu cợt ngài vì thân hình to béo của ngài (chứng tỏ rằng chứng sợ béo không phải là tác phẩm hiện đại). Nhưng nhân đức của Cha Isnard được nhiều người biết đến và ngài vẫn thành công với cương vị là một tu viện trưởng và nhà thuyết giáo dòng Đa Minh chống lại dị giáo.

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) là người nổi tiếng nhất trong số các vị thánh to béo. Bị gọi là ‘con bò câm’ vì thói quen im lặng của mình, Tôma đã chạy khỏi ơn gọi của dòng Biển Đức danh giá do gia đình sắp xếp để trở thành một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại của Dòng Đa Minh. Những bài miêu tả đương thời gọi ngài là “người to và nặng” và “rất béo”, mặc dù câu chuyện kể rằng ngài đã khoét một lỗ ở bàn để cho vừa cái bụng của ngài có thể hoàn toàn là hư cấu. Thật là một niềm hạnh phúc cho toàn thể Giáo hội khi Thánh Tôma chẳng màng đến ý kiến của bất kỳ ai, và dành thời gian của mình để cầu nguyện và học tập thay vì dành cả đời để theo đuổi sự gầy gò.

Chân phước Francisca de Paula de Jesus (1810-1895) sinh trong cảnh nô lệ ở Brazil nhưng được giải phóng năm 10 tuổi. Thánh nữ trở thành một người làm bác ái, với nguồn tài chính có được bằng cách đi xin, và là một trong những tiếng nói khôn ngoan được tôn trọng nhất trong vùng, cho dù thánh nữ chưa bao giờ học đọc.

Chân phước Mary of the Passion de Chappotin (1839-1904) là nhà sáng lập người Pháp Dòng Nữ tu Truyền giáo Mẹ Maria. Chân phước đã phải chịu nhiều sự nghi ngờ và chống đối trong đời sống tu trì, cả trong dòng mới lập của chân phước và ở bên ngoài, nhưng kiên trì trong vai trò lãnh đạo một dòng nữ tận hiến cho công cuộc truyền giáo.

Thánh Rafael Guizar y Valencia (1878-1938) là một linh mục bí mật ở Mexico trong thời Cách mạng Mexico và sau đó là giám mục vô cùng gan dạ đến mức khi ngài nghe ông thủ hiến đã ra giá cho cái đầu của ngài, ngài liền đi khắp thành phố để nói với thủ hiến hãy cho người ra và giết ngài. Rất ấn tượng (và có lẽ bị đe dọa), thủ hiến đã để ngài bình yên với cương vị giám mục.

Thánh Laura Montoya (1874-1949) trải qua tuổi thơ cảm thấy bị bỏ rơi và không được yêu thương ở Colombia. Thánh nữ thành lập một dòng tu để phục vụ những người Bản địa bị khinh miệt sống trong vùng hoang dã của Colombia, bất chấp nhiều sự phản đối từ những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong Giáo hội cũng như những người nghĩ rằng phụ nữ chẳng có vai trò gì để hoạt động trong môi trường truyền giáo.

Thánh Gioan XXIII (1881-1963) lớn lên trong cảnh nghèo và hoạt động với vai trò là Sứ thần Tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi được bầu lên giáo hoàng. Ngay sau khi được bầu, ngài thoáng nghe được một người phụ nữ nói, “Chúa tôi, ngài béo quá!” Đức Giáo hoàng Gioan Tốt lành bình tĩnh trả lời, “Thưa bà, công nghị thánh không phải là một cuộc thi hoa hậu!” Đức Giáo hoàng Gioan nổi tiếng về sự hài hước và lòng nhân hậu của ngài. Mặc dù ngài được mong chờ là một giáo hoàng chuyển tiếp, nhưng ngài đã làm thế giới ngạc nhiên khi khai mạc Công đồng Vatican II.

Tôi tớ Chúa Catherine Doherty (1896-1985) là một quý tộc người Nga trốn chạy Cách mạng sang Canada, ly dị người chồng cục cằn, được vô hiệu cuộc hôn nhân, nuôi đứa con trai như một người mẹ đơn thân, tái hôn, và thành lập phong trào những người sống nghèo tự nguyện và phục vụ người nghèo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/1/2021]