Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống: Logo mới và Website mới

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống: Logo mới và Website mới

Giáo hội ôm lấy giáo dân và gia đình khắp thế giới
12 tháng Bảy, 2017
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống: Logo mới và Website mới
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống: Logo mới & Website mới, Screenshot / © Laityfamilylife.Va
Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, bắt đầu hoạt động ngày 1 tháng Chín năm 2016, có logo mới và website mới: www.laityfamilylife.va.
Logo thể hiện “cái ôm” của Giáo hội đối với “tất cả các giáo dân và gia đình trên khắp thế giới.” Trong ảnh, các giáo dân đứng thành hàng cột Bernini, bao quanh lấy một nhóm các gia đình như một cái ôm.
Biểu tượng gồm “phụ nữ, đàn ông, trẻ em, giới trẻ, người già, và các gia đình,” mọi tín hữu xây dựng thành Giáo hội đồng thời cùng chung dưới sự bảo trợ mẫu tử của Giáo hội,” Thánh bộ giải thích.
Từ các hàng cột và các gia đình trong đó, sự sống được sinh ra. Một bông hoa, trổ ra từ các hàng cột của Quảng trường Thánh Phê-rô, thể hiện cho ý nghĩa này trong logo.
Ngoài ý nghĩa miêu tả những hoạt động của Thánh bộ, Website nhắm cung cấp cho tất cả một “cơ hội được lắng nghe.” Vì thế, nhiều khoảng trống được tạo ra trong các mạng xã hội. Website hiện tại đang có các ngôn ngữ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây ban nha và Bồ đào nha.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/07/2017]


Giáo lý viên: Chúng ta phải có khả năng “thay đổi” để mang thông điệp đến gần hơn

Giáo lý viên: Chúng ta phải có khả năng “thay đổi” để mang thông điệp đến gần hơn

Thư của Đức Thánh Cha nhân dịp Hội nghị Chuyên đề về Giáo lý viên Quốc tế — Toàn văn
12 tháng Bảy, 2017
Giáo lý viên: Chúng ta phải có khả năng “thay đổi” để mang thông điệp đến gần hơn
WYD 2016 / © CCEW - Mazur/Catholicnews.Org.Uk, CC BY-NC-SA 2.0
“Chúng ta phải có khả năng “thay đổi,” để thích ứng và đem thông điệp đến gần hơn, cho dù lúc nào giáo lý cũng là một,” Đức Thánh Cha Phanxico viết gửi các tham dự viên trong Hội nghị Chuyên đề Quốc tế Lần Thứ nhất về Giáo lý, được khai mạc ngày 11 tháng Bảy, 2017 tại Buenos Aires, Argentina. Đức Giáo hoàng khuyến khích các giáo lý viên biết sáng tạo, để tìm ra “những cách thức mới và phương pháp mới để rao giảng Đức Ki-tô.”
Đức Thánh Cha cũng thúc giục họ hãy là “những sứ giả vui mừng, những người canh giữ cho các điều tốt lành và cho cái đẹp được tỏa sáng trong tình yêu trung tín của một người tông đồ rao giảng.”
Buổi họp sẽ kết thúc ngày 14 tháng Bảy, được tổ chức bởi Học viện Giáo lý Cấp cao Argentine (ISCA), một bộ phận trực thuộc của Hội đồng Giám mục, tại Phân khoa Thần học của Đại học Công giáo Giáo hoàng của Argentine.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) sứ điệp được Đức Thánh Cha gửi.
* * *
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Gửi Đức ông Ramon Alfredo Dus,
Tổng Giám mục Resistencia,
Chủ tịch Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục và Chăm sóc Mục vụ.
Hiền huynh thân mến:
Xin gửi hiền huynh lời chào nồng thắm nhất và lời chào đến toàn thể các bạn tham dự những phiên họp tập huấn, được tổ chức bởi Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục và Chăm sóc Mục vụ.
Khi một trong những môn đệ của Thánh Phanxico Assisi xin thánh nhân dạy cho anh cách rao giảng, thánh nhân trả lời: “Này anh, [khi chúng ta đến thăm người ốm, giúp đỡ trẻ em, và cho người nghèo được ăn] là chúng ta đang rao giảng.” Hàm ý trong bài học tuyệt đẹp này là ơn gọi và trách vụ của người giáo lý viên.
Trước hết, dạy giáo lý không phải là một “nghề” hay là một công việc tách biệt ra khỏi con người, nhưng “là” chính người giáo lý viên và là trọng tâm chính suốt cuộc đời của một người sống với sứ mạng. Quả thật, “là” một giáo lý viên là một ơn gọi phục vụ trong Giáo hội; những gì đã được đón nhận như một ân ban từ Thiên Chúa, đến lượt mình nó phải được truyền tải đi; do đó điều cần thiết cho người giáo lý viên là biết quay trở lại với lời công bố đầu tiên hay “kerygma,” đó là một hồng ân đã làm thay đổi cuộc sống của họ. Nó là sự công bố nguyên thủy và phải âm vang trong suốt cuộc đời của người Ki-tô hữu, và thậm chí còn phải mạnh mẽ hơn nữa đối với người được kêu gọi để loan báo và giảng dạy đức tin. “Không có gì vững chắc hơn, sâu xa hơn, an toàn hơn, ít lời nhiều ý hơn và đầy khôn ngoan hơn lời công bố ban đầu đó” (Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), 165). Lời công bố đó phải đồng hành với niềm tin đã hiện hữu trong lòng đạo hạnh của tín hữu. Điều quan trọng là biết nhận trách nhiệm vun đắp cho tất cả những tâm hồn đạo đức và tình yêu trong lòng sùng mộ chung, không chỉ chuyển tải nội dung của đức tin, nhưng là tạo ra một trường đào tạo thực sự, trong đó món quà đức tin, điều mà họ đã được đón nhận, được gieo trồng, để những hành động và lời nói phản ánh ơn sủng được làm người môn đệ của Chúa Giê-su.
Người giáo lý viên khởi đầu bước đi từ và cùng đi với Đức Ki-tô; anh ấy không phải là người khởi đầu bước đi từ những ý riêng và niềm vui riêng, nhưng là người biết để cho bản thân được Người đoái nhìn đến, từ cái nhìn đó làm cho con tim bừng cháy. Chúa Giê-su càng ở trung tâm của đời sống chúng ta, thì Người lại càng làm chúng ta thoát khỏi con người của mình; Người làm chúng ta không còn đặt trọng tâm vào bản thân nhưng làm chúng ta gần gũi với người khác hơn. Động lực yêu thương đó giống như chuyển động của con tim: “tâm thu và tâm trương;” biết tập trung vào sự gặp gỡ với Chúa và ngay lập tức mở lòng, thoát khỏi ra khỏi bản thân chỉ vì yêu, để làm chứng nhân của Giê-su và để nói về Giê-su, để rao giảng Giê-su. Chính Người đã cho chúng ta một mẫu gương: Ngài đi vào chỗ vắng để cầu nguyện với Chúa Cha và ngay lập tức trở ra để gặp gỡ những người đói và khát Thiên Chúa, để chữa lành và cứu thoát họ. Vì thế tầm quan trọng của giáo lý “hiệp nhiệm” (mystagogic), là liên tục gặp gỡ với Lời Chúa và các Bí tích, chứ không phải một việc làm nhân dịp khi mừng các Bí tích Khai tâm của Ki-tô giáo. Đời sống người Ki-tô hữu là một tiến trình phát triển và sự hòa trộn của mọi chiều kích của con người trong một hành trình hiệp nhất lắng nghe và đáp lời (x. Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng, 166).
Ngoài ra, người giáo lý viên phải sáng tạo; anh ta phải biết tìm ra những cách thức mới và phương pháp mới để rao giảng Đức Ki-tô. Đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su tuyệt mỹ, vì Ngài “là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14:6), Đấng đổ tràn niềm vui và sự hân hoan trên cuộc sống chúng ta. Trong cố gắng làm cho mọi người biết Chúa Giê-su là sự tuyệt mỹ dẫn đưa chúng ta tìm ra những dấu chỉ mới và những cách thức mới để làm lan truyền đức tin. Những phương cách có thể khác nhau; điều quan trọng là giữ phong cách của Giê-su sống động, là Đấng hòa mình vào với những người ở trước mặt Người để mang họ lại gần với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta phải có khả năng “thay đổi,” để hòa nhập, để làm cho thông điệp đến được với mọi người, dù thông điệp đó đều giống nhau trong mọi lúc, vì Thiên Chúa không thay đổi nhưng canh tân mọi sự trong Ngài. Trong nỗ lực sáng tạo để làm mọi người biết Chúa Giê-su, chúng ta không được cảm thấy e sợ vì Ngài đi trước chúng ta trong công việc đó. Người đã đứng vào vị trí của con người hôm nay, và chờ đợi chúng ta ở đó.
Các bạn giáo lý viên thân mến, cha cảm ơn các con vì những gì các con làm, nhưng đặc biệt vì các con cùng đồng hành với Dân Chúa. Cha khuyến khích chúng con hãy là những sứ giả vui mừng, những người canh giữ cho những điều tốt lành và cho cái đẹp được tỏa sáng trong tình yêu trung tín của một người tông đồ rao giảng.
Nguyện xin Chúa Giê-su ban ơn lành cho chúng con và Mẹ Maria Đồng trinh, “Nhà Giáo dục Đức tin” đích thực, chăm sóc chúng con.
Và, xin đừng quên cầu nguyện cho cha.
Vatican, 5 tháng Bảy, 2017
FRANCIS

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/07/2017]