Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha được tặng một chiếc Vespa (để làm bác ái)

Đức Thánh Cha được tặng một chiếc Vespa (để làm bác ái)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha được tặng một chiếc Vespa (cho bác ái)

600 tay lái Vespa tham dự giờ Kinh Truyền Tin ngày 2 tháng Chín, 2018

03 tháng Chín, 2018 11:52

Trước giờ Kinh Truyền Tin ngày 2 tháng Chín, 2018, Đức Thánh Cha nhận được một chiếc Vespa – một chiếc Vespa rất đặc biệt.

Đức Thánh Cha được tặng một chiếc Vespa (để làm bác ái)

Đức Thánh Cha được tặng một chiếc Vespa (để làm bác ái)

Đức Thánh Cha gặp gỡ phái đoàn đại diện những người tham dự “Đại hội Roma Caput Vespa Quốc tế lần thứ Hai”, được tổ chức tại Roma từ 31 tháng Tám đến 2 tháng Chín, 2018. Và họ dâng tặng ngài một chiếc Vespa 50R đời 1971, với biển số đặc biệt: BF362918 (Bergoglio – Francis – năm sinh – ngày tháng hiện tại).

Chiếc Vespa được dâng tặng bởi câu lạc bộ Vespa Club in Time, nhà tổ chức và là nhà tài trợ – dưới sự bảo trợ của câu lạc bộ Vespa Club của Ý – và sẽ được trao tặng cho công việc bác ái thông qua các Hội Tông đồ Bác ái.

Sáu trăm tay lái Vespa tham dự giờ Kinh Truyền Tin, sau khi đưa tất cả các xe Vespa của họ vào bên trong Vatican.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2018]


Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Ireland: “Mỗi ngày mới trong đời sống của gia đình, và mỗi thế hệ mới, mang đến lời hứa của một Lễ Ngũ Tuần mới’

Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Ireland: “Mỗi ngày mới trong đời sống của gia đình, và mỗi thế hệ mới, mang đến lời hứa của một Lễ Ngũ Tuần mới’
Thánh Lễ trong Công viên Phoenix, Dublin © Vatican Media

Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Ireland: “Mỗi ngày mới trong đời sống của gia đình, và mỗi thế hệ mới, mang đến lời hứa về một Lễ Ngũ Tuần mới’

Trong Thánh Lễ Bế Mạc của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới tại Dublin, thông báo cho biết Roma sẽ là chủ nhà của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới tiếp theo

26 tháng Tám, 2018 19:19

Tin chính thức: Roma sẽ là chủ nhà của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2021.

Thông báo này được đọc tại Công viên Phoenix ở Dublin trong phần cuối của Thánh Lễ của Đức Thánh Cha Bế Mạc Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Ireland của ngài 25-26 tháng Tám, 2018.

Đức Thánh Cha bắt đầu Thánh Lễ bằng một lời xin lỗi đối với những vụ lạm dụng và bao che đã trở thành một tai họa cho Giáo hội.

Trong bài giảng, ngài nói về vẻ đẹp của gia đình và sự cần thiết phải giữ đức tin vững mạnh.

Ngài nói, “Mỗi ngày mới trong đời sống của gia đình, và mỗi thế hệ mới, mang đến lời hứa về một Lễ Ngũ Tuần mới, một Lễ Ngũ tuần tại gia, một sự tuôn đổ Thần Khí tươi mới, Đấng Phù trợ, Đấng Chúa Giê-su gửi đến như là Đấng Bầu Chữa, Đấng Ủi An và quả thật là Đấng Động Viên chúng ta.”

Ngài nhấn mạnh “Thế giới chúng ta rất cần sự động viên này mà nó là quà tặng và lời hứa của Thiên Chúa!”

Như là một hoa trái của lễ hội về đời sống gia đình hôm nay, Đức Thánh Cha thúc giục những người hiện diện khi trở về gia đình hãy trở thành một nguồn mạch của sự động viên cho người khác, để chia sẻ với họ “lời của sự sống đời đời” của Chúa Giê-su.

“Vì gia đình của anh chị em vừa là một nơi được đặc ân, và là một phương thức quan trọng, để loan truyền những lời của sự sống đó như là “Tin mừng” cho mọi người, đặc biệt những người khao khát muốn bỏ lại sau lưng sa mạc và “nhà nô lệ” (x. Gs 24:17) để tiến về miền đất hứa của hy vọng và tự do.”

Cuối Thánh Lễ, Đức Hồng y Kevin Farrell, thông báo rằng thủ đô của Ý sẽ là chủ nhà của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2021, nhân dịp kỷ niệm 5 năm phát hành Tông huấn Amoris Laetitia về gia đình của Đức Thánh Cha.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài huấn từ của ngài:


***


“Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời!” (Ga 6:68)

Bế mạc Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới, chúng ta tụ họp như một gia đình quanh bàn tiệc của Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì nhiều ơn lành mà chúng ta đã đón nhận trong gia đình. Và chúng ta cam kết sống trọn vẹn ơn gọi, bằng lời đầy tâm tình của Thánh Têrêsa, “yêu thương trong lòng của Giáo hội.”

Trong giây phút quý báu của tình hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Chúa, chúng ta hãy lắng đọng lại và suy xét về nguồn mạch của mọi điều tốt lành mà chúng ta đã được đón nhận. Chúa Giê-su tỏ lộ nguồn cội của những phúc lành này trong Tin mừng hôm nay, khi Người nói với các môn đệ. Nhiều người trong các ông thấy khó chịu, bối rối và thậm chí tức giận, thấy không thể chấp nhận được “những lời khó nghe” của Người, nó quá trái ngược với sự thông thái của trần gian. Để đáp lại, Chúa nói thẳng với họ: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63).

Những lời này, cùng với lời hứa ban ơn sủng của Chúa Thánh Thần, trở nên dư đầy cho sự sống của chúng ta khi đón nhận chúng bằng niềm tin. Những lời đó chỉ rõ nguồn mạch cuối cùng của mọi sự tốt lành mà chúng ta đã trải nghiệm và cử hành tại đây trong những ngày vừa qua: Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng liên tục thổi luồng gió sự sống mới vào thế giới của chúng ta, vào trong tâm hồn của chúng ta, và trong gia đình, vào trong nhà và giáo xứ của chúng ta. Mỗi ngày mới trong đời sống của gia đình, và mỗi thế hệ mới, mang đến lời hứa về một Lễ Ngũ Tuần mới, một Lễ Ngũ tuần tại gia, một sự tuôn đổ Thần Khí tươi mới, Đấng Phù trợ, Đấng Chúa Giê-su gửi đến như là Đấng Bầu Chữa, Đấng Ủi An và quả thật là Đấng Động Viên chúng ta.

Thế giới chúng ta rất cần sự động viên này mà nó là quà tặng và lời hứa của Thiên Chúa! Như là một hoa trái của lễ hội về đời sống gia đình hôm nay, ước mong rằng anh chị em khi trở về gia đình sẽ trở thành một nguồn mạch của sự động viên cho người khác, để chia sẻ với họ “lời của sự sống đời đời” của Chúa Giê-su. Vì gia đình của anh chị em vừa là một nơi được đặc ân, và là một phương thức quan trọng, để loan truyền những lời của sự sống đó như là “Tin mừng” cho mọi người, đặc biệt những người khao khát muốn bỏ lại sau lưng sa mạc và “nhà nô lệ” (x. Gs 24:17) để tiến về miền đất hứa của hy vọng và tự do.

Trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Phaolo nói với chúng ta rằng hôn nhân là sự chia sẻ mầu nhiệm của lòng trung tín mãi mãi của Đức Ki-tô với hiền thê của Người, là Giáo hội (x. Eph 5:32). Nhưng lời dạy này, lời dạy đầy cao quý, lại trở thành như một “lời khó nghe” đối với một số người. Vì sống trong tình yêu, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta (x. Eph 5:2), buộc phải noi theo gương hy sinh của Người, chết đi con người cũ để được tái sinh trong một tình yêu cao cả hơn và bền lâu hơn. Một tình yêu có thể giải thoát trần gian chúng ta khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi, ích kỷ, tham lam và thờ ơ trước những thiếu thốn của những người kém may mắn. Đó là tình yêu mà chúng ta được soi dẫn nơi Đức Ki-tô Giê-su. Tình yêu nhập thể trong trần gian qua một gia đình, và qua chứng tá của các gia đình Ki-tô hữu ở mọi giai đoạn nó có sức mạnh phá tan mọi chướng ngại để hòa giải trần gian với Thiên Chúa và làm cho chúng ta quay trở lại đúng với mục đích ban đầu chúng ta được tạo dựng: một gia đình nhân loại cùng chung sống trong công bình, thánh thiện và hòa bình.

Việc làm chứng tá cho Tin mừng này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, những thách đố mà người Ki-tô hữu phải đối mặt ngày nay, theo cách riêng của chúng, không ít khó khăn hơn những thách đố mà các nhà thừa sai tiên khởi của Ireland đã phải đối phó. Cha nghĩ đến Thánh Columbanus, ngài cùng với một nhóm ít những người bạn mang ánh sáng của Tin mừng đến những vùng đất Châu Âu trong một thời kỳ đen tối và tan rã về văn hóa. Sự thành công đặc biệt về việc rao giảng phúc âm của họ không dựa trên những phương pháp của sách lược hay những kế hoạch chiến thuật, nhưng đặt trên sự vâng nghe khiêm nhường trước những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chính từ những chứng tá trung thành với Đức Ki-tô và với nhau mỗi ngày mà họ đã chiếm được những tâm hồn mong mỏi tìm kiếm lời ơn sủng và giúp khai sinh nền văn hóa của Châu Âu. Chứng tá đó vẫn còn là một nguồn mạch bất tận cho công cuộc canh tân tinh thần và thừa sai cho dân thánh và trung thành của Chúa.

Dĩ nhiên, sẽ luôn luôn có những người chống lại Tin mừng, những người lẩm bẩm” rằng đó là “lời khó nghe.” Nhưng cũng giống như Thánh Columbanus và những người bạn của ngài, họ đã phải đương đầu với những dòng nước băng giá và những cơn phong ba của biển cả để bước theo Chúa Giê-su, ước mong rằng chúng ta không bao giờ bị dao động hoặc ngã lòng bởi những cái nhìn lạnh lùng của sự thờ ơ hay những cơn phong ba của lòng thù hận.

Nhưng chúng ta cũng phải khiêm nhường thừa nhận rằng, nếu chúng ta trung thực với bản thân, cả chúng ta nữa cũng thấy những lời dạy của Chúa Giê-su quá khó khăn. Thật quá khó khi luôn phải tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta; thật khó chịu khi luôn phải chào đón người nhập cư và người lạ mặt; thật đau khổ biết bao khi phải vui vẻ chấp nhận sự thất vọng, sự chối bỏ hay phản bội; thật phiền phức khi phải bảo vệ quyền cho những người dễ bị xúc phạm, những thai nhi chưa ra đời hoặc người già, những người dường như đụng chạm đến ý thích tự do của riêng chúng ta.

Nhưng chính trong những thời khắc đó Chúa mới hỏi chúng ta: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Với sức mạnh của Thần Khí “động viên” chúng ta và với Chúa luôn ở bên, chúng ta có thể trả lời: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:69). Cùng với dân tộc Israel, chúng ta có thể lặp lại: “Chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:18).

Qua các bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi người Ki-tô hữu được sai đi để trở thành một nhà thừa sai, “một môn đệ thừa sai” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 120). Toàn thể Giáo hội được kêu gọi phải “ra khơi” để mang lời của sự sống đời đời đến mọi vùng ngoại vi của thế giới chúng ta. Ước mong rằng ngày đại hội hôm nay của chúng ta khẳng định mỗi người chúng ta, là cha mẹ và ông bà, là trẻ em và thanh thiếu niên, là nam giới và phụ nữ, là nam nữ tu sĩ, các tu sĩ sống đời chiêm niệm và các thừa sai, các phó tế và linh mục, đều chia sẻ niềm vui của Tin mừng! Chia sẻ Tin mừng của gia đình là niềm vui cho thế giới!

Khi chúng ta chuẩn bị mỗi người trở về một hướng, chúng ta hãy đổi mới lòng trung thành với Thiên Chúa và với ơn gọi mà Người đã trao cho mỗi người chúng ta. Lấy theo lời cầu nguyện của Thánh Patrick, từng người chúng ta hãy lặp lại với sự vui mừng: “Đức Ki-tô ở trong tôi, Đức Ki-tô ở phía sau tôi, Đức Ki-tô ở phía trước tôi, Đức Ki-tô ở bên cạnh tôi, Đức Ki-tô ở phía dưới tôi, Đức Ki-tô ở trên tôi.” Với sự vui mừng và sức mạnh được Chúa Thánh Thần trao tặng, chúng ta hãy vững tâm dâng lên Người lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2018]