Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Chính phủ Pháp cho biết Nhà thờ Đức Bà sẽ được khôi phục lại chính xác như trước khi xảy ra vụ cháy

Chính phủ Pháp cho biết Nhà thờ Đức Bà sẽ được khôi phục lại chính xác như trước khi xảy ra vụ cháy

Chính phủ Pháp cho biết Nhà thờ Đức Bà sẽ được khôi phục lại chính xác như trước khi xảy ra vụ cháy
Pascal Deloche | Godong

10 tháng Bảy, 2020

Trước đây Tổng thống Emmanuel Macron đã mời các kiến trúc sư đưa ra những đề xuất “mang nét đương đại” cho nhà thờ chính tòa.

Hôm thứ Năm Chính phủ Pháp công bố rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ được khôi phục lại tình trạng chính xác như trước khi xảy ra trận hỏa hoạn năm 2019 phá hủy mái nhà và đỉnh tháp, theo một tường thuật trên tờ Washington Post.

“Tổng thống nước Cộng hòa đã bị thuyết phục về sự cần thiết phải khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà Paris cố gắng theo đúng tình trạng toàn diện, cố kết và nổi tiếng, trước đây của nó, đồng thời tuân thủ tối đa tính phát triển bền vững trong việc lựa chọn vật liệu và quản lý địa điểm,” thông báo từ Điện Élysée cho biết.

Quyết định đưa ra đã đặt dấu chấm hết cho một cuộc tranh luận sôi nổi về việc nhà thờ chính tòa cần được khôi phục lại trạng thái ban đầu hay cách ân để phản ánh những cảm tính hiện đại. Sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời các kiến trúc sư gửi những đề xuất mà theo ông, có thể thêm “nét đương đại” trong sự đổi mới.

Theo tường thuật của Washington Post, những kế hoạch khôi phục mang tính đương đại đã bị từ bỏ vì mong muốn không trì hoãn thêm việc phục hồi lại nhà thờ chính tòa, điều mà chính phủ đã hứa sẽ hoàn thành đúng thời hạn cho Thế vận hội 2024. Công việc đã bị hoãn lại do thời gian phong tỏa vì coronavirus kéo dài hai tháng ở Pháp.

Thông báo có một sự nhượng bộ để ủng hộ việc hiện đại hóa nhà thờ chính tòa, hứa hẹn “tái phát triển khu vực xung quanh nhà thờ, thật hài hòa với thành phố Paris.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/7/2020]


Covid-19, một cơ hội hòa bình bị đánh mất

Covid-19, một cơ hội hòa bình bị đánh mất

22 tháng Sáu, 2020

Covid-19, một cơ hội hòa bình bị đánh mất


Hơn hai tháng trước, LHQ đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu với hy vọng rằng mọi người sẽ tập trung vào cuộc chiến chống lại Covid-19. Sáu ngày sau, Đức Thánh Cha cũng lặp lại lời kêu gọi này. Bây giờ ACN liên lạc với các nhà lãnh đạo Giáo hội tại các địa điểm thuộc những vùng xung đột khác nhau để tìm hiểu kết quả như thế nào. Kết luận của họ: bất chấp đại dịch COVID-19, chiến tranh và khủng bố vẫn tiếp tục. Tổ chức bác ái đã thực hiện một cuộc khảo sát ngắn, kéo dài từ Cameroon, Syria, Philippines, Ukraine, Nigeria, Iraq, Mexico và Cộng hòa Trung Phi.

“Sự thịnh nộ mà virus giáng xuống cho thấy rõ ràng rằng thật điên rồ để tiếp tục gây chiến,” lời tuyên bố của ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ ngày 23 tháng Ba năm 2020. “Đây là thời gian phải gạt bỏ những cuộc xung đột vũ trang đằng sau để tập trung những nỗ lực của chúng ta vào cuộc chiến thật sự cho sự sống của chúng ta,” ông tiếp tục, với hy vọng rằng khi đứng trước một căn bệnh tấn công mọi dân tộc không phân biệt, thì những người gây chiến sẽ tỉnh ngộ và lưu tâm. Theo sau lời kêu gọi Chúa nhật ngày 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha kêu gọi “xây dựng những hành lang cứu trợ nhân đạo, mở ra chính sách ngoại giao và quan tâm đến nhu cầu của những người đang đối mặt với hoàn cảnh vô cùng mong manh.”


Một cơ hội để tiến đến hòa bình?

“Ở đây xung đột lại đang tiếp tục,” trả lời một cách nuối tiếc của Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea của Bamenda, ở CAMEROON. Vì thật sự một số người lãnh đạo thuộc phe ly khai trong vùng nói tiếng Anh đã hiểu điều gì đang là mối đe dọa chính và đồng ý ký lệnh ngừng bắn, nhưng “chúng không thật sự có tác động nhiều đối với những người đang chiến đấu tại vùng chiến sự.”

Câu chuyện tương tự xảy ra ở bắc Syria, trong vùng Hassaké, nơi “máy bay chiến đấu vẫn phủ kín bầu trời và những vụ tấn công vẫn không giảm bớt,” theo Đức ông Nidal Thomas, cha sở của Giáo hội Công giáo Canđê trong vùng Toàn quyền Jazeera- Hasaké. Ngài giải thích “Chúng tôi chẳng có được hai hoặc ba ngày bình yên liên tục kể từ khi bùng phát Coronavirus. Đại dịch đưa đất nước vào tình trạng vô cùng mong manh, sau chín năm chiến tranh. Syria đã mất 60% số bác sĩ, và không còn quá một phần tư những cơ sở bệnh viện còn hoạt động. Đồng thời nó cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế như quốc gia Li Băng lân cận, bị ảnh hưởng nhiều vì thiếu đồng đôla và gánh chịu sự trừng phạt của quốc tế như sức nặng đè trên nền kinh tế.

Tương tự như vậy ở PHILIPPINES, nơi sự ngừng bắn giữa chính phủ và phong trào du kích Cộng sản, New People’s Army (NPA), vẫn không dừng. Theo Cha Sebastian D’Ambra, một linh mục thừa sai đang hoạt động trong vùng, “có những vụ đụng độ và tấn công liên tục diễn ra bởi [tổ chức khủng bố Hồi giáo] Abu Sayyaf trên đảo Jolo và trong vùng Cotabato” thuộc miền nam đất nước. Tuy nhiên, ngài công nhận là “hiện tại có sự kiềm chế hơn, vì cả hai nhóm đều sợ virus và có sự hiện diện rõ rệt hơn về phía quân đội.”

Covid-19, một cơ hội hòa bình bị đánh mấtHoly Mass in Ukraine.

Thảm kịch trong thảm kịch

Cho dù không được lên các bản tin trên báo chí nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục trong vùng Donbass của UKRAINE, như chúng ta được nhắc nhở bởi Đức Giám mục Pavio Honcharuk của Kharkiv, giáo phận của ngài nằm một phần trong vùng xung đột. Và sự xuất hiện của coronavirus chỉ đơn thuần tiết lộ mức độ “hệ thống đầu sỏ chính trị đã phá hỏng mạng lưới y tế của Ukraine như thế nào, đặc biệt là ở nông thôn. Đại dịch đã vạch trần tình trạng tham nhũng lan rộng giữa những người lãnh đạo của chúng tôi, đó là hậu quả của lịch sử đất nước. Trong suốt 70 của chủ nghĩa Cộng sản, những giá trị gia đình và truyền thống bị suy sụp và bị ngầm phá hoại bởi chính quyền,” ngài nói. Ngài tin rằng sự mất đi tinh thần đoàn kết đang gây nguy hiểm cho đời sống của những người nghèo nhất trong đất nước.

Ở Châu Phi, ở NIGERIA, sự nghèo khổ cũng là một trong những yếu tố lo lắng đối với Giáo hội. Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama của Abuja, thủ đô Nigeria giải thích rằng, “Mối nguy hiểm chính liên quan đến Covid-19 đối với đất nước là nguy cơ đói kém đối với những người nghèo nhất trong dân tộc. Nó đang làm mất ổn định một nền kinh tế vốn đã mong manh.” Đức Cha cũng nhấn mạnh rằng thậm chí khi đại dịch đến thì “đất nước vẫn đành phó mặc cho những vụ tấn công khủng bố rải rác của Boko Haram, đặc biệt trong vùng đông bắc của đất nước.”

Ở IRAQ, nơi mà tổ chức được gọi là Nhà nước Hồi giáo / Daesh đã chính thức bị quét sạch năm 2017, vẫn có những kẻ khủng bố hoạt động trong các vùng Kirkuk và khu toàn quyền Saladin thuộc miền đông bắc. Và khi Covid-19 đến các dịch vụ xã hội đang trong khủng hoảng. “Họ chưa bao giờ phục hồi sau cuộc đánh bại chính quyền Saddam Hussein năm 2003”, Đức Thượng phụ Công giáo Canđê Louis Raphaël I Sako của Baghdad cho biết. Ngài nói thêm, “Có quá nhiều vấn đề, không đủ tiền, không đủ bệnh viện, bác sĩ hoặc thiết bị y tế … Và việc phong tỏa cách ly là vô cùng xa lạ đối với văn hóa địa phương, đặc biệt đối với nam giới.” Tuy nhiên, với 5.000 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận, “người dân buộc phải ở nhà. Đó là cách duy nhất để giữ an toàn.”


Một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở

Đức Tổng Giám mục Carlos Garfias Merlos, phó chủ tịch hội đồng giám mục MEXICO, nói một cách buồn bã, “Bạo lực trong xã hội chúng tôi chưa giảm bớt.” Dường như những người buôn bán ma túy chưa nghe thấy thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico. Nhưng hơn bao giờ hết, trong những hoàn cảnh như vậy Giáo hội vẫn tiếp tục “mở rộng những cánh cửa cho các nạn nhân của sự xâm lược,” ngài nói thêm. Trong giai đoạn cách ly này, Giáo hội phải trở thành một Giáo hội “tiến đến những vùng ngoại vi,” ngài dùng cách diễn đạt của Đức Thánh Cha Phanxico.

Tương tự như vậy, trong nước CỘNG HÒA TRUNG PHI các nhóm vũ trang đang gây bất ổn cho đất nước rõ ràng không nhận được thông điệp ngừng bắn, đức Giám mục phó Bertrand Guy Richard Appora-Ngalanibé của Bambari nói. Ngài đau lòng, “Thật đáng buồn, trong một số vùng của Cộng hòa Trung Phi, các nhóm vũ trang thực hiện những trận đánh có quy mô nhắm mục đích mở rộng uy thế và tiếp tục cướp bóc những tài nguyên thiên nhiên của đất nước.” Tuy nhiên, đức cha tin rằng những sáng kiến liên tôn đang cho thấy cuộc khủng hoảng này có thể là một cơ hội để tái thiết lại những mối ràng buộc đã bị phá vỡ với người dân. “Cùng với sự hỗ trợ của anh em Tin lành và Hồi giáo, họp trong Diễn đàn Liên tôn các Tôn giáo ở Bambari, chúng tôi đang cố gắng thực hiện những chiến dịch xây dựng ý thức về đại dịch, vì nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được sự lan rộng hoặc sự nguy hiểm của nó.”

Đứng trước những cuộc xung đột liên tục diễn ra này, ACN hy vọng nhắc nhở mọi người rằng chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, bất chấp có đại dịch. Việc bác ái chỉ có thể trông chờ vào những người có trách nhiệm thực thi việc ngừng bắn và cầu xin rằng cộng đồng quốc tế cũng sẽ can dự vào vấn đề đó chứ không đơn thuần là những bài nói hoa mỹ.



[Nguồn: acninternational]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2020]