Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 31 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 31 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 31 tháng Mười, 2021

__________________________

 

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong phụng vụ hôm nay, Tin Mừng trình bày một kinh sư đến gần Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12:28). Chúa Giêsu đáp lại bằng cách trích dẫn Kinh thánh và khẳng định rằng điều răn đầu tiên là yêu mến Thiên Chúa; từ điều răn này dẫn đến điều răn thứ hai tiếp theo, như một kết quả tự nhiên: yêu người thân cận như chính mình (xem câu 29-31). Khi nghe câu trả lời này, người kinh sư không những chân nhận rằng Chúa đúng, nhưng khi làm như vậy, để chân nhận rằng Ngài đúng, ông ta lặp lại chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng... Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (cc. 32-33).

Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi rằng khi đồng ý với Ngài, tại sao người kinh sư kia lại cảm thấy cần phải lặp lại cùng những lời của Chúa Giêsu? Sự lặp lại này có thể sẽ làm ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng đây là Tin mừng của Máccô, người có văn phong rất súc tích. Vậy, việc lặp lại này mang ý nghĩa gì? Sự lặp lại này là một giáo huấn cho tất cả chúng ta, những người đang lắng nghe. Vì Lời của Chúa không thể được tiếp nhận như bất kỳ loại tin tức nào khác. Lời Chúa phải được lặp lại, là của riêng một người, được bảo vệ. Truyền thống đan viện của các đan sĩ, sử dụng một thuật ngữ táo bạo nhưng rất cụ thể. Thuật ngữ đó như vầy: Lời Chúa Trời phải được “nghiền ngẫm lại”. “Nghiền ngẫm lại” Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Lời bổ dưỡng đến mức Lời phải được nghiền ngẫm lại trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói hôm nay, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực của chúng ta (xem câu 30). Lời Chúa phải vang lên, vang vọng và vang vọng lại trong chúng ta. Khi có tiếng vang vọng này trong lòng lặp đi lặp lại, điều đó có nghĩa là Chúa ngự trong tâm hồn. Và Ngài nói với chúng ta, cũng như Ngài đã nói với người kinh sư xuất sắc đó trong Phúc Âm: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu” (câu 34).

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Kinh Thánh giỏi chuyên môn cho bằng Ngài đang tìm kiếm những tâm hồn vâng phục, biết đón nhận Lời của Ngài, cho phép tâm hồn mình thay đổi. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải trở nên quen thuộc với Tin Mừng, luôn luôn có Tin mừng trong tay – thậm chí là một quyển Tin Mừng loại bỏ túi để trong túi áo chúng ta, trong ví của chúng ta để đọc đi đọc lại, để say mê với nó. Khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài trở nên mật thiết với chúng ta và chúng ta sinh hoa kết trái trong Ngài.

Hãy lấy ví dụ về Tin Mừng hôm nay: đọc Phúc Âm và hiểu rằng chúng ta cần phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là chưa đủ. Điều cần thiết là điều răn này, “điều răn trọng đại”, phải vang lên trong chúng ta, để nó được thấm nhuần, để nó trở thành tiếng nói của lương tâm chúng ta. Bằng cách này, nó không còn là một bức thư chết, nằm trong ngăn kéo của trái tim, bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho hạt giống Lời đó nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Chúa hoạt động, Lời luôn vận động, Lời sống động và hữu hiệu (xem Dt 4:12). Vì vậy, mỗi người chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và theo nguyên bản, không phải là sự lặp lại mà là “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của một Lời yêu thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đây là những gì chúng ta nhìn thấy trong đời sống của các Thánh. Không vị nào giống vị nào, các ngài đều khác nhau, nhưng với cùng một Lời của Thiên Chúa.

Do đó, hôm nay chúng ta hãy lấy tấm gương của người kinh sư này. Chúng ta hãy lặp lại những lời của Chúa Giêsu, làm cho chúng vang lên trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu thương người thân cận như chính mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: điều răn này có thực sự định hướng cuộc đời của tôi không? Điều răn này có âm vang trong cuộc sống hàng ngày của tôi không? Sẽ thật tốt vào buổi tối hôm nay, trước khi đi ngủ, hãy kiểm tra lương tâm về Lời này, để xem ngày hôm nay chúng ta có yêu mến Chúa không và chúng ta có làm điều tốt lành nhỏ bé nào cho những người chúng ta tình cờ gặp không. Ước mong rằng mọi cuộc gặp gỡ đều mang lại một chút tốt đẹp, một chút yêu thương đến từ Lời này. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà Ngôi Lời đã trở thành người phàm, dạy chúng ta biết đón nhận Lời sống động của Tin Mừng trong tâm hồn mình.

__________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Trong nhiều vùng khác nhau của Việt Nam, những trận mưa lớn, kéo dài trong các tuần vừa qua đã gây ra lũ lụt lớn, với hàng ngàn người phải sơ tán. Tôi cầu nguyện và hướng lòng đến nhiều gia đình đang đau khổ, cùng với lời động viên của tôi gửi đến tất cả những người lãnh đạo của đất nước và Giáo hội địa phương, những người đang nỗ lực ứng phó với tình huống khẩn cấp. Và tôi gần gũi với những người dân Sicily bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.

Tôi cũng đang nghĩ đến người dân Haiti, những người đang sống trong các điều kiện khắc nghiệt. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia hãy giúp đỡ đất nước, đừng để phó mặc nó. Và tất cả anh chị em khi về nhà, hãy tìm xem bản tin về Haiti và cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều. Tôi đang xem chương trình A Sua Immagine, lời chứng của nhà truyền giáo Camillian từ Haiti, Cha Massimo Miraglio, những điều ngài nói… về tất cả những đau khổ, tất cả những nỗi đau đớn ở vùng đất đó, và không biết bao nhiêu sự bỏ rơi. Chúng ta đừng bỏ rơi họ!

Hôm qua tại Tortosa, Tây Ban Nha, các Cha Francesco Sojo López, Millán Garde Serrano, Manuel Galcerá Videllet và Aquilino Pastor Cambero, là những linh mục của Huynh đoàn Linh mục Công nhân Giáo phận Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phong chân phước. Tất cả các ngài đều bị giết vì sự thù ghét đức tin. Những vị mục tử quảng đại và nhiệt thành trong cuộc đàn áp tôn giáo trong những năm 1930, họ vẫn trung thành với sứ vụ của mình ngay cả khi phải chịu rủi ro về tính mạng. Ước mong chứng tá của họ là mẫu gương đặc biệt cho các linh mục. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho những vị Chân phước mới này!

Hôm nay, tại Glasgow, Scotland, hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, bắt đầu. Chúng ta hãy cầu nguyện để tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo có thể được nghe thấy; để cuộc họp này có thể đưa ra những phản hồi hiệu quả, mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh đó, triển lãm ảnh Laudato si’ được khai mạc hôm nay trong Quảng trường Thánh Phêrô, tác phẩm của một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi gốc Bangladesh.

Cha chào tất cả các tín hữu đến từ Roma và anh chị em hành hương từ những quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em đến từ Costa Rica. Cha gửi lời chào các nhóm đến từ Reggio Emilia và Cosenza; các thiếu nhi đến từ hội Tuyên xưng Đức tin của Bareggio, Canegrate và San Giorgio su Legnano; cũng như Hiệp hội Quốc tế Serra Ý, những người mà tôi cảm ơn vì họ đã cống hiến trong việc thúc đẩy ơn gọi linh mục.

Cha hy vọng tất cả anh chị em có một Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/11/2021]


Các thánh và món thịt mát (deli meat) ở Bologna

Các thánh và món thịt mát (deli meat) ở Bologna

Các thánh và món thịt mát (deli meat) ở Bologna

Joaquin Ossorio Castillo | Shutterstock

Bret Thoman, OFS

13/10/21


Bologna là quê hương của các nhà thờ quan trọng cùng với hai vị thánh nổi tiếng: Thánh Đa Minh, người sáng lập dòng Đa Minh, và Thánh Catherine Bologna, một nữ tu thần bí Dòng Thánh Clara Hèn mọn.

Thành phố Bologna là một trong những thành phố quan trọng nhất của Ý về văn hóa và lịch sử. Nó có nguồn gốc từ thời cổ đại, khi nó là một phần của nền văn minh Etruscan và La Mã. Vào thời Trung cổ, nó đã trở thành một đô thị tự trị suốt một thế kỷ, thành phố có dân số lớn thứ năm ở Châu Âu.


Trung tâm văn hóa ẩm thực

Đại học Bologna, được thành lập vào năm 1088, là trường đại học lâu đời nhất hoạt động liên tục trên thế giới. Cùng với các trường đại học ở Paris và Oxford, Bologna là một trong những trung tâm học tập chính của quốc tế.

Ngày nay Bologna nổi tiếng với truyền thống ẩm thực của nó. Ở Ý, nó đã được đặt tên cho một loại nước sốt làm từ thịt có tên là ragù alla bolognese. Mặt khác, công ty sản xuất thịt nguội của Mỹ, Oscar Mayer, đã Mỹ hóa tên của thành phố để mang đến cho thế giới nói tiếng Anh món baloney, hay món thịt nguội được gọi là mortadella ở quê hương của nó.


Cuộc hành hương đến Bologna

Và những người hành hương có rất nhiều lý do để đến thăm thành phố. Bologna là quê hương của các nhà thờ quan trọng cùng với hai vị thánh nổi tiếng: Thánh Đa Minh, người sáng lập dòng Đa Minh, và Thánh Catherine Bologna, một nữ tu thần bí Dòng Thánh Clara Hèn mọn.

Hài cốt của Thánh Đa Minh được bảo quản trong Vương cung thánh đường San Domenico. Là vị sáng lập một trong hai dòng hành khất chính của Giáo hội Công giáo (cùng với Dòng Phanxicô), điều thú vị rằng ngài là một người gốc Guzmán, Tây Ban Nha, lại được chôn cất tại Ý.

Sau khi Dòng của ngài được Đức Giáo hoàng Honorius III phê chuẩn vào năm 1216, Thánh Đa Minh tìm cách gửi các tu sĩ đến những trung tâm học tập và văn hóa quan trọng của Châu Âu. Vì Bologna là trụ sở của trường đại học, Thánh Đa Minh đến đây vào tháng Một năm 1218. Ban đầu, ngài và những người bạn đồng hành ở trong một nhà thờ đan viện nhỏ bên ngoài các tường thành.

Năm sau, vì cần một không gian rộng hơn, các tu sĩ Dòng Đa Minh định cư trong tu viện San Nicolò delle Vigne. Tại đây, giữa năm 1220–1221, Thánh Đa Minh đã chủ trì hai tổng tu nghị đầu tiên trong lịch sử của Dòng Đa Minh. Vào ngày 6 tháng Tám năm 1221, ngài qua đời và được mai táng sau bàn thờ của nhà thờ San Nicolò.

Trong những năm sau đó, nhà thờ trở nên nổi bật đối với Dòng Đa Minh và là một trong những nhà thờ quan trọng nhất ở Bologna. Các họa sĩ vĩ đại thời đó như Nicola Pisano, Arnolfo di Cambio, Niccolò dell’Arca, và Michelangelo trẻ tuổi đã được gọi đến để trang trí lăng mộ, được gọi là Arca (Ark) của San Domenico.

Thánh Catherine (8 tháng Chín năm 1413 – 9 tháng Ba năm 1463) xuất thân từ một gia đình quý tộc khá giả, nhưng đã gia nhập tu viện từ nhỏ. Ngài là người sáng lập và là nữ viện trưởng đầu tiên của tu viện Thánh Clara Nghèo khó ở Bologna. Tại đó, ngài viết về đời sống thần bí và những thị kiến của mình. Ngài được Đức Giáo hoàng Clement XI phong thánh vào ngày 22 tháng Năm năm 1712.

Thân xác của thánh nữ không bị hư nát. Điều độc đáo là ngài được mặc bộ áo dòng của mình và ngồi thẳng phía sau tấm kính.

Các nhà thờ đáng chú ý khác ở Bologna là:

  • San Petronio: Vương cung thánh đường đồ sộ kiểu Gothic của Bologna là nhà thờ lớn thứ năm trên thế giới. Công trình bắt đầu vào năm 1390, nhưng nó không bao giờ được hoàn thành và cho đến ngày nay mặt tiền chính của nhà thờ vẫn chưa hoàn thiện. Vua Charles V được trao vương miện Hoàng đế La Mã tại nhà thờ này vào năm 1530.
  • Đan viện Santo Stefano: Không chỉ là một nhà thờ, đan viện Santo Stefano là một khu phức hợp tôn giáo độc đáo từ thời trung cổ. Ban đầu nó bao gồm bảy nhà thờ, và được đặt biệt danh là Sette Chiese (bảy nhà thờ), mặc dù ngày nay chỉ còn lại bốn nhà thờ.
  • Vương cung Thánh đường Servites of Mary: Nhà thờ này được thành lập năm 1346 cho Cộng đồng Servite ở Bologna và được thiết kế bởi Andrea da Faenza, một tu huynh trưởng và cũng là kiến trúc sư đã hỗ trợ kiến trúc sư Antonio di Vincenzo xây dựng Vương cung thánh đường San Petronio tráng lệ.
  • Vương cung Thánh đường San Giacomo Maggiore: Được xây dựng từ thế kỷ 13–14, nhà thờ này tự hào có các tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng như Bàn thờ Bentivoglio của họa sĩ Lorenzo Costa.
Các điểm tham quan thế tục khác ở Bologna bao gồm Bảo tàng Lịch sử Bologna; Pinateca Nazionale hoặc phòng trưng bày nghệ thuật chính của thành phố; và Due Torri hay “Tòa tháp đôi”, cả hai đều nghiêng và là biểu tượng nổi bật của Bologna.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2021]