Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

“Gô-gô-tha” nghĩa là gì

“Gô-gô-tha” nghĩa là gì?

“Gô-gô-tha” nghĩa là gì


19 tháng Tư, 2019


Từ ngữ kinh thánh có một lịch sử rất thú vị.

Trong hầu hết các trình thuật Tin mừng, Chúa Giê-su chịu đóng đinh tại một nơi được gọi là “Gô-gô-tha.” Nó là một từ nghe rất lạ, một từ không dễ dàng hiểu được.

Trong Tin mừng theo Thánh Gio-an, chúng ta đọc được, “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha” (Ga 19:17).

Tác giả Tin mừng giải thích rành mạch cho người đọc rằng Gôn-gô-tha là một từ trong tiếng Híp-ri có nghĩa là “nơi cái sọ,” nó cũng đồng nghĩa với từ “Calvary” của Tiếng Anh, và cùng chỉ về một nơi.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cái sọ của ai?

Theo Bách khoa Toàn thư Công giáo, “Calvary có thể đã từng là một nơi hành hình công khai, và vì vậy được gọi theo tên các sọ nằm rải rác tại đó. Các nạn nhân có thể bị bỏ phơi xác ngoài trời để làm mồi cho các loại chim và dã thú, như I-de-ven và người làm bánh của Pha-ra-ô (2 Các Vua 9:35; St 40:19, 22).”

Ngoài ra, còn có một nghĩa trang của người Do thái ở gần đó có một lịch sử rất lâu đời, nhưng không có gì liên quan đến những tử tội bị hành hình trên cùng ngọn đồi.

Cũng có thể vì hình dạng của ngọn đồi giống như hình một cái sọ, và đó là lý do tại sao người dân địa phương gọi nó là “nơi cái sọ.”

Một truyền thống thú vị từ rất lâu nói rằng “cái sọ” nằm trên Gôn-gô-tha là cái sọ của tổ phụ A-đam.

Có một truyền thống giữa những người Do thái cho rằng cái sọ của A-đam, sau khi được ông Nô-ê trao lại cho con trai mình là Sem, rồi sau đó trao lại cho Men-ki-xê-đê, cuối cùng được đặt tại một nơi và nơi đó được đặt tên như vậy, và do đó, được gọi là Gôn-gô-tha. Các Thầy Talmudists và các Giáo Phụ ý thức về truyền thống này, và vẫn giữ cái tên chỉ về những cái sọ và xương nằm dưới chân của thập giá. Các tác giả Tin mừng không chống lại điều đó, và các ngài nói về một chứ không phải là nhiều cái sọ. (Lu-ca, Mác-cô, Gio-an, loc. cit.)

Trong thực tế, có thể đó là sự tổng hợp của tất cả các giả thiết này cho biết lý do tại sao ngọn đồi được gọi là Gôn-gô-tha. Nó cung cấp rất nhiều ý tưởng để suy tư và giúp hỗ trợ cho chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

Mọi việc đều xảy ra có lý do của nó, đặc biệt là nơi chịu nạn của Chúa Giê-su.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2019]


Khác biệt giữa Núi Ô-liu và Vườn Ghết-sê-ma-ni là gì

Khác biệt giữa Núi Ô-liu và Vườn Ghết-sê-ma-ni là gì?

Khác biệt giữa Núi Ô-liu và Vườn Ghết-sê-ma-ni là gì


18 tháng Tư, 2019


Các tác giả Tin mừng có chỉ về cùng một nơi không?

Trong Tin mừng của Thánh Mác-cô, sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài “đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: ‘Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện’” (Mc 14:32). Đồng thời, trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu, “hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26:30).

Vậy là nơi nào? Các ngài lên Núi Ô-liu, hay Vườn Ghết-sê-ma-ni? Hay nó là cùng một nơi?

Núi Ô-liu là một phần của rặng núi tách biệt Giê-ru-sa-lem khỏi sa mạc Giu-đê-a. “Ngọn núi” đặc biệt này là đỉnh trung tâm, và trông giống như một ngọn đồi đá khổng lồ. Nó đã từng là một nơi có rất nhiều cây ô-liu.

Vườn Ghết-sê-ma-ni là một khu vườn nằm ở chân Núi Ô-liu. Theo nghĩa đen tên này có nghĩa là “ép dầu” và mang ý nghĩa chỉ về sự hiện hữu của những cây ô-liu trong vùng.

Để trả lời câu hỏi, sau Tiệc Ly, Chúa Giê-su và các môn đệ đi đến núi Ô-liu, và cụ thể hơn, là Vườn Ghết-sê-ma-ni nằm ở dưới chân núi.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2019]