Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Cuộc hành hương theo dấu chân của Thánh Josephine Bakhita

Cuộc hành hương theo dấu chân của Thánh Josephine Bakhita

Cuộc hành hương theo dấu chân của Thánh Josephine Bakhita

Public Domain | Belllissimo/CC BY-SA 4.0 via Wikipedia

Bret Thoman, OFS

04/02/22


Sinh ở Châu Phi, bị bắt làm nô lệ và được đưa đến Ý, Thánh Josephine đã trở lại đạo Công giáo, trở thành một nữ tu và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh.

Thánh Josephine Bakhita sinh năm 1869 ở Olgossa, vương quốc Hồi giáo Darfur.

Trong quyển tự truyện của mình, thánh nữ kể chi tiết việc chị bị bắt và bị bán làm nô lệ, giành lại tự do, được rửa tội và trở thành một nữ tu sĩ:

Gia đình tôi sống ở trung Phi, trong khu ngoại ô Darfur, gọi là Olgrossa, gần Núi Agilerei. Tôi sống rất hạnh phúc […] Khi tôi khoảng chín tuổi, một buổi sáng tôi đi dạo trên cánh đồng của chúng tôi. Bất chợt hai người nước ngoài xấu xí, có vũ trang [xuất hiện] từ một hàng rào. Một người rút một con dao lớn đeo trên thắt lưng của ông ta, chỉ nó về phía tôi, và nói với giọng hống hách, “Nếu mày khóc, mày sẽ chết, đi theo bọn tao!”

Những kẻ bắt cóc cô bé đã đặt cho cô cái tên Bakhita, có nghĩa là “may mắn” trong tiếng Ả Rập. Bất chấp những sự kinh hoàng mà phải chịu đựng, cô bé không bao giờ đánh mất cái nhìn tích cực đối với cuộc sống.

Cô được chuyển từ người chủ này sang người chủ khác và phải chịu cảnh khốn khổ và đánh đập. Thử thách tàn ác nhất là khi cô bị xăm mình trong một nghi lễ của bộ lạc: cô phải chịu đựng 114 vết dao cắt trên cơ thể:

Với tôi, dường như tôi đang chết dần chết mòn. Tắm mình trong vũng máu, tôi được đưa đến giường, nơi tôi chẳng còn là chính mình trong vài giờ đồng hồ. Trong thời gian hơn một tháng [tôi] nằm trên chiếc chiếu mà không có một miếng vải để lau khô chất dịch liên tục chảy ra từ những vết thương hở do muối [đặt vào để tránh sẹo].


Từ Châu Phi đến Venice

Năm 1883, cô bị bán lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng. Một nhân viên lãnh sự người Ý tên là Callisto Legnami đã mua cô. Lần đầu tiên trong đời, cô được đối xử tử tế. Sau hai năm, ông Legnami trở lại Ý và đưa Bakhita ra khỏi quê hương Darfur của cô ở nước Sudan ngày nay.

Ở đó, ông đưa cô cho một vài người bạn, gia đình Michieli. Trong ba năm, cô làm bảo mẫu cho con gái của họ là Mimmina.

Khi gia đình Michielis khởi hành một chuyến đi dài ngày tới Châu Phi, họ đã gửi Bakhita và con gái của họ đến Venice. Ở đó, Bakhita được đón vào Trường Tân tòng do các Nữ tu Canossian ở Venice điều hành. Đó là năm 1888.

Khi gia đình Michielis trở lại Ý, họ muốn đưa Josephine trở lại với họ. Nhưng chị từ chối. Các Nữ tu Canossian và đức thượng phụ của Venice đã thay mặt Sơ Josephine can thiệp và vụ việc được đưa ra tòa. Thẩm phán phán quyết rằng vì chế độ nô lệ là bất hợp pháp ở Ý, Bakhita đã thực sự được tự do kể từ năm 1885.


Hành trình trở thành một nữ tu

Ở Venice dưới sự chăm sóc của các Nữ tu Canossian, Josephine cảm thấy bị cuốn hút bởi Giáo hội Công giáo. Vào ngày 9 tháng Một năm 1890, chị đã lãnh nhận ba bí tích từ đức thượng phụ Venice: bí tích rửa tội, thêm sức và bí tích Thánh Thể. Chị được đặt tên rửa tội là Josephine Margherita Fortunata. (Fortunata là từ tiếng Ý có nghĩa là Bakhita.)

Josephine vào Học viện Thánh Magdalene Canossa năm 1893 và tuyên khấn ba năm sau đó. Năm 1902, chị được chuyển đến tu viện ở thị trấn Schio. Ở đó, chị hỗ trợ cộng đoàn với công việc nấu ăn, may vá, thêu thùa và phục vụ du khách.

Trong 45 năm tiếp theo, chị được mọi người biết đến như một người phụ nữ cầu nguyện và lòng thương xót, và chị chinh phục được tâm hồn của mọi người. Thiếu nhi gọi chị là nữ tu “sô-cô-la”, và tinh nghịch giả cách ăn chị. Trong cuộc sống họ đã gọi chị là một vị thánh.

Sơ Bakhita qua đời ngày 8 tháng Hai năm 1947 do căn bệnh viêm phổi. Cả thị trấn Schio để tang.

Sơ được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 1 tháng Mười năm 2000, giữa những bản ca vũ của Châu Phi. Ngày lễ của nữ thánh là 8 tháng Hai.


Hành hương đến thăm Schio

Schio là một thị trấn thú vị. Nằm ở phía bắc của thành phố Vicenza (nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ) và phía đông của Hồ Garda nổi tiếng, thị trấn nằm ở phía nam của Dãy núi “Little Dolomite”. Schio nổi tiếng trong ngành dệt may vào thế kỷ 19, dẫn đến việc xây dựng các tòa nhà theo phong cách tân cổ điển.

Cuộc hành hương theo dấu chân của Thánh Josephine Bakhita 

Nhà thờ chính tòa Schio (San Pietro Church)

Hài cốt của Thánh Josephine Bakhita được giữ gìn trong Nhà thờ Thánh Gia nằm cạnh tu viện Canossian ở Schio. Nằm cách thành phố Verona 80 km (50 dặm) về phía đông bắc, có thể đến Schio bằng tàu hỏa từ Verona hoặc Venice.

Hai tấm ảnh tươi cười của Thánh Bakhita chào đón những người hành hương khi đến trước nhà thờ, trước khi họ bước vào. Một ảnh ở bên trái khu vườn được cắt tỉa cẩn thận, và ảnh kia xuất hiện phía trên cửa chính.

Cuộc hành hương theo dấu chân của Thánh Josephine Bakhita

Nhà thờ Sacra Famiglia ở Schio

Nhà thờ là tòa nhà hình tròn lớn, đầy ánh sáng, thoáng mát. Với hình dạng tròn, các đôi cột bằng đá cẩm thạch, trần bằng gỗ và lỗ thông nằm ở trung tâm mái vòm, nhà thờ cho cảm giác như đền Pantheon ở Roma, dù ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Có các bàn thờ phụ ở hai bên nhà thờ. Bàn thờ bên trái được cung hiến cho Đức Mẹ. Có một bức tượng Đức Maria ôm Chúa Giêsu bị đóng đinh trong lòng Mẹ, gợi nhớ đến bức tượng Pietà của Michelangelo ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma. Phía bên phải là bàn thờ cung hiến cho một nữ tu Chân phước Canossian.

Nhưng sự chú ý của mọi người ngay lập tức đổ dồn vào bàn thờ chính ở phía trước. Ở đó, bên dưới bàn thờ chính, là hình nổi chứa hài cốt của Thánh Josephine Bakhita.

Thánh nữ mặc áo dòng đen của Dòng Canossian. Hai bàn tay chắp lại của thánh nữ đang nắm chặt một tràng chuỗi mân côi. Khuôn mặt và bàn tay của thánh nữ là hình nộm; bên trong hình nộm là một chiếc bình chứa xương cốt của của thánh nữ.

Bên dưới hình nộm là các chữ in hoa cho biết tên rửa tội của thánh nữ: MADRE GIUSEPPINA BAKHITA. Phía dưới tên là năm sinh và năm mất của thánh nữ: 1869-1947.

Bên cạnh nhà thờ là một nhà nguyện, nơi thánh nữ được chôn cất ban đầu. Có một quan tài màu trắng với một cây thánh giá trên nắp.

Có một cuộc triển lãm định kỳ dành riêng cho Thánh Bakhita, nơi du khách có thể xem các thánh tích và các đồ tạo tác khác gắn liền với cuộc đời của thánh nhân, cũng như phòng của thánh nữ trong tu viện.

Các nữ tu điều hành trường học luôn sẵn sàng chào đón người hành hương, bất kể là các cá nhân hay nhóm.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2022]


Đức Thánh Cha với Aleteia và các phương tiện truyền thông khác: Sự thật thanh tẩy (toàn văn)

Đức Thánh Cha với Aleteia và các phương tiện truyền thông khác: Sự thật thanh tẩy (toàn văn)

Đức Thánh Cha với Aleteia và các phương tiện truyền thông khác: Sự thật thanh tẩy (toàn văn)


Kathleen N. Hattrup

28/01/22


“Chúng ta không khó để nhận thấy rằng trong thời gian này, ngoài đại dịch, một ‘bệnh dịch thông tin’ đang lan rộng: việc bóp méo thực tế dựa trên nỗi sợ hãi, đã dẫn đến sự bùng nổ các bình luận về tin giả nếu không nói là bịa đặt trong xã hội toàn cầu của chúng ta.”

Ngày 28 tháng Một, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của hiệp hội truyền thông Công giáo quốc tế về “Catholic fact-checking”, do Aleteia chủ sự.

Xem thêm thông tin về các thành viên cộng tác, bao gồm cả đối tác của Aleteia, Our Sunday Visitor, ở đây.

Đức Thánh Cha cảm ơn nhóm trước hết vì đã nỗ lực chia sẻ và kết hợp kiến thức. Ngài nói rằng việc này bản thân nó là một thông điệp quan trọng, đặc biệt giữa đại dịch.

Liên kết, chia sẻ kỹ năng, kiến thức và đóng góp để cung cấp thông tin phù hợp đã là một hình thức làm chứng đầu tiên. Vào thời điểm khi chúng ta đang cảm nhận những tác động của đại dịch và sự chia rẽ trong xã hội – và sự chia rẽ về quan điểm – thì việc anh chị em kết nối với tư cách là những người làm truyền thông Kitô giáo chính là gửi đi một thông điệp. Đó là một điểm khởi đầu, một thông điệp.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng tất cả mọi người, phân biệt giữa việc gạt bỏ sai lỗi và không tôn trọng những người phạm sai lỗi.

Phải bác bỏ tin giả, nhưng cá nhân những con người phải luôn được tôn trọng, vì họ thường tin vào nó mà không có nhận thức đầy đủ hoặc trách nhiệm. …

Cách tiếp cận của [một người làm truyền thông Kitô giáo] không phải là cách tiếp cận mâu thuẫn, nó không được thể hiện bằng thái độ lấn át, và nó không làm đơn giản thực tế, để không rơi vào một hình thức “chủ nghĩa duy tín” khi nói đến khoa học. Bản thân khoa học là một tiến trình tiến bộ không ngừng hướng tới giải pháp cho các vấn đề. Thực tại luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ và chúng ta phải tôn trọng những hoài nghi, những lo lắng và các câu hỏi mà mọi người đặt ra, tìm cách đồng hành với họ mà không bao giờ gạt bỏ họ. Một cuộc đối thoại với những người có những hoài nghi.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đưa ra suy tư về sự thật trong thời đại mà các thuật toán hoạt động vì lợi nhuận:

Cùng nhau vì sự thật cũng có nghĩa là tìm kiếm một liều thuốc giải độc cho các thuật toán được đặt ra để đạt mức lợi nhuận thương mại tối đa; nó có nghĩa là làm việc để thúc đẩy một xã hội thông tin, công bằng, lành mạnh và bền vững. Nếu không có sự điều chỉnh về mặt đạo đức, những công cụ đó sẽ tạo ra chủ nghĩa cực đoan và đưa các cá nhân đến những hình thức quá khích nguy hiểm – và đây chính là xung đột.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chứng viêm ở đầu gối vẫn đang làm phiền ngài, nhưng ngài có thể ngồi và chào riêng khoảng hơn 100 người có mặt. Ông Vincent Montagne, chủ tịch của nhóm Media-Participations, trình bày với Đức Thánh Cha về tinh thần của hiệp hội.

[...]

Sau đây là toàn văn diễn từ:

Đức Thánh Cha với Aleteia và các phương tiện truyền thông khác: Sự thật thanh tẩy (toàn văn)

Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Vincent Montagne.

Các bạn thân mến, xin chào mừng!

Hôm nay tôi gặp gỡ các bạn để cùng nhau suy tư về chủ đề truyền thông và đặc biệt là về cách thức mà những người làm truyền thông Kitô giáo cần đối phó với một số vấn đề nan giải liên quan đến đại dịch Covid-19. Tôi cảm ơn ông Montagne về lời giới thiệu của ông và tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn.

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 1972, Thánh Phaolô VI lưu ý rằng, “ngày nay con người có thể dễ dàng thừa nhận rằng nhiều thái độ, nhận định và cách tiếp cận của họ đối với các vấn đề khác nhau, cũng như sự trung thành và phản đối của họ, đều bị ảnh hưởng nặng nề và thậm chí được định hình ở mức độ rất lớn qua việc họ tiếp xúc với các ý tưởng và đề xuất đến từ những phương tiện thông tin đại chúng.” Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhận xét rằng, “sự phục vụ tuyệt vời của các nhà làm truyền thông đòi hỏi nhiều điều hơn là việc quan sát và tường thuật lại những gì diễn ra trước mắt. Người phóng viên liên hệ sự việc với bối cảnh mà nó xảy ra, điều tra nguyên nhân của nó, xem xét các hoàn cảnh xung quanh và cố gắng đánh giá những tác động có thể có của những gì đã xảy ra.” Ngài nói, điều này đòi hỏi một phương pháp khắt khe: “Các nhà làm truyền thông phải quan sát các sự kiện một cách cẩn thận, kiểm tra tính chính xác của chúng, đánh giá các nguồn thông tin của họ, và cuối cùng, truyền tải những phát hiện của họ. Gánh nặng trách nhiệm càng lớn hơn khi người phóng viên không chỉ đơn thuần kể ra những sự kiện của một vụ việc, như thường khi, mà còn giải thích những tác động của nó bằng cách đưa ra các bình luận và yếu tố cần thiết để đánh giá cách công bằng.”

Một năm trước, tôi đã đọc một nghiên cứu thú vị về cách thức nội dung của một câu chuyện bị thay đổi do sự tập trung của người viết vào những gì họ đang truyền tải. Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Simone Paganini của Đại học Aachen. Thật thú vị khi ông nghiên cứu vấn đề này về sự thay đổi nội dung khi truyền tải một điều gì đó.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói về ngành truyền thông và tường thuật bản tin nói chung, nhưng lời của ngài thật sự hợp thời nếu chúng ta nghĩ về các loại thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng ngày nay. Bản thân anh chị em đã đặt mục tiêu là vạch trần tin giả và một phần thông tin hoặc những thông tin sai lệch về vaccine Covid-19, và bắt đầu làm việc đó bằng cách kết nối các phương tiện truyền thông Công giáo với sự tham gia của các chuyên gia khác nhau. Sáng kiến của anh chị em xây dựng một Hiệp hội nhằm tìm kiếm để cùng nhau vì sự thật. Cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em vì điều này.

Trước hết, cùng nhau. Làm việc cùng nhau là quan trọng, nhất là trong lĩnh vực thông tin. Liên kết, chia sẻ kỹ năng, kiến thức và đóng góp để cung cấp thông tin phù hợp đã là một hình thức làm chứng đầu tiên. Vào thời điểm khi chúng ta đang cảm nhận những tác động của đại dịch và sự chia rẽ trong xã hội – và sự chia rẽ về quan điểm – thì việc anh chị em kết nối với tư cách là những người làm truyền thông Kitô giáo chính là gửi đi một thông điệp. Đó là một điểm khởi đầu, một thông điệp.

Chúng ta không khó để nhận thấy rằng trong thời gian này, ngoài đại dịch, một “bệnh dịch thông tin” đang lan rộng: việc bóp méo thực tế dựa trên nỗi sợ hãi, đã dẫn đến sự bùng nổ các bình luận về tin giả nếu không nói là bịa đặt trong xã hội toàn cầu của chúng ta. Góp phần vào bầu không khí này là khối lượng lớn thông tin, bình luận và ý kiến được cho là “có tính khoa học”, thường là vì không có ý thức, cuối cùng sẽ gây ra sự nhầm lẫn cho người đọc hoặc người nghe.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết và hợp nhất các lực lượng với nghiên cứu khoa học về bệnh tật, điều này tiếp tục phát triển và cho phép chúng ta chống lại chúng hiệu quả hơn. “Kiến thức phải được chia sẻ, chuyên môn phải được chia sẻ, khoa học phải được tập hợp lại” (Diễn từ trước các Thành viên của Tổ chức Đại học Y sinh của trường Campus Biomedico”, Đại học Roma, 18 tháng Mười 2021). Điều này cũng áp dụng đối với vaccine: “Cần phải cấp bách trợ giúp các quốc gia có ít vaccine hơn, nhưng nó phải được thực hiện với các kế hoạch có tầm nhìn xa, không chỉ được thúc đẩy bởi sự vội vàng của các quốc gia giàu có để được an toàn hơn. Các liệu pháp điều trị phải được phân phối với phẩm giá, không phải là việc thương hại bố thí. Để thực sự làm tốt, chúng ta cần thúc đẩy khoa học và thực hiện trọn vẹn nó” (sđd.). Do đó, được thông tin thích đáng, được trợ giúp để hiểu rõ các tình huống dựa trên dữ liệu khoa học chứ không phải tin giả, là quyền của con người. Trên hết, phải đảm bảo thông tin chính xác đến những người ít được trang bị, những người yếu đuối nhất và những người dễ bị tổn thương nhất.

Từ thứ hai, sau “cùng nhau”, là “vì” – cùng nhau vì. “Vì” là một từ nhỏ bé nhưng nó nói lên nhiều điều. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, là người Kitô hữu, chúng ta phải chống lại những bất công và dối trá, nhưng luôn luôn con người. Ngay cả khi mục đích Hiệp hội của anh chị em là chống lại thông tin sai lệch, bác bỏ tin giả và sự thao túng của những bộ óc quá nhạy cảm, thì cũng không bao giờ bỏ qua sự khác biệt căn bản giữa thông tin và con người. Phải bác bỏ tin giả, nhưng cá nhân những con người phải luôn được tôn trọng, vì họ thường tin vào nó mà không có nhận thức đầy đủ hoặc trách nhiệm. Một nhà làm truyền thông Kitô giáo phải có phong cách truyền giáo, là người xây dựng những nhịp cầu, người quảng bá hòa bình, và trên hết là trong việc tìm kiếm sự thật. Cách tiếp cận của người đó không phải là cách tiếp cận mâu thuẫn, nó không được thể hiện bằng thái độ lấn át, và nó không làm đơn giản thực tế, để không rơi vào một hình thức “chủ nghĩa duy tín” khi nói đến khoa học. Bản thân khoa học là một tiến trình tiến bộ không ngừng hướng tới giải pháp cho các vấn đề. Thực tại luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ và chúng ta phải tôn trọng những hoài nghi, những lo lắng và các câu hỏi mà mọi người đặt ra, tìm cách đồng hành với họ mà không bao giờ gạt bỏ họ. Một cuộc đối thoại với những người có những hoài nghi.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải là những người đầu tiên tránh xa não trạng xung đột và đơn giản hóa, mà phải nỗ lực tiếp cận, đồng hành và đưa ra câu trả lời theo cách bình tĩnh và hợp lý cho các câu hỏi và những phản đối. Chúng ta phải làm việc để giúp cung cấp thông tin chính xác và trung thực về Covid-19 và vaccine, mà không đào những đường hào hoặc tạo ra các khu ổ chuột. Đại dịch mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt trước những gì là trọng yếu, điều gì là quan trọng thật sự, và sự cần thiết để chúng ta được cứu cùng nhau. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng cùng nhau , và không bao giờ chống lại. Cùng nhau . Và chúng ta cũng hãy nhớ rằng phải bảo đảm sự tiếp cận với vaccine và chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, kể cả người nghèo: chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta cùng nhau trở nên tốt hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh điều tôi vẫn luôn nói: chúng ta không vượt qua khủng hoảng một mình. Hoặc là chúng ta cùng nhau vượt qua hoặc không ai vượt qua cách tốt đẹp. Chúng ta không thoát qua giống như trước đâh: hoặc chúng ta sẽ thoát ra cách tốt hơn hoặc tệ hơn. Tuy nhiên, vấn đề – một cái bẫy tâm lý – là khi khủng hoảng trở thành một cuộc xung đột và xung đột chỉ được giải quyết bằng “chiến tranh”, sự xa cách hoặc chống đối. Nhưng điều này có nghĩa là quay trở lại và không tiếp tục đối thoại. Đừng bao giờ để khủng hoảng biến thành xung đột. Không, nó là một cuộc khủng hoảng và khi chúng ta gặp khủng hoảng, chúng ta hãy cùng nhau tìm cách vượt qua nó.

Cuối cùng, một suy tư ngắn gọn về từ “sự thật”. Mong rằng chúng ta không bao giờ mệt mỏi với việc xác minh dữ liệu, trình bày chúng theo cách phù hợp, theo đuổi việc tìm kiếm sự thật của chính chúng ta. Sự tìm kiếm đó không chịu đầu hàng trước quan điểm thương mại, lợi ích của giới quyền thế, trước những lợi ích kinh tế to lớn. Không. Cùng nhau vì sự thật cũng có nghĩa là tìm kiếm một liều thuốc giải độc cho các thuật toán được đặt ra để đạt mức lợi nhuận thương mại tối đa; nó có nghĩa là làm việc để thúc đẩy một xã hội thông tin, công bằng, lành mạnh và bền vững. Nếu không có sự điều chỉnh về mặt đạo đức, những công cụ đó sẽ tạo ra chủ nghĩa cực đoan và đưa các cá nhân đến những hình thức quá khích nguy hiểm – và đây chính là xung đột.

Thuốc giải độc cho mọi hình thức bóp méo sự thật là cho phép chúng ta được thanh tẩy bởi sự thật. Thật vậy, sự thật thanh tẩy. Đối với người Kitô hữu, sự thật không bao giờ đơn thuần là một khái niệm liên quan đến sự đánh giá mọi việc; không, đó chỉ là một phần của sự thật. Sự thật liên quan đến sự sống nói chung. “Trong Kinh thánh, nó mang ý nghĩa hỗ trợ, vững chắc và tin tưởng… Sự thật là điều mà con người dựa vào để không bị gục ngã. Theo ý nghĩa tương quan này, Đấng duy nhất xác thực và khả tín – Đấng mà chúng ta tin cậy – là Thiên Chúa hằng sống. Do đó, Chúa Giêsu nói: ‘Thầy là sự thật’ (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm trong chính chúng ta sự trung tín và khả tín của Đấng yêu thương chúng ta” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 2018). Vì vậy, làm việc để phục vụ cho sự thật có nghĩa là tìm kiếm những điều cổ vũ sự hiệp thông và thúc đẩy điều tốt lành của tất cả mọi người, chứ không phải những điều gây cô lập, chia rẽ và chống đối. Không phải những điều dẫn đến xung đột.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy luôn nhớ đến các nạn nhân của đại dịch và gia đình của họ trong lời cầu nguyện. Và chúng ta hãy ghi nhớ những người đã chết khi phục vụ người bệnh. Họ là những người hùng thầm lặng của thời đại này. Tôi xin gửi đến anh chị em và những người cộng tác của anh chị em những lời chúc tốt đẹp cho công việc và tôi chúc lành cho anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2022]