Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17 tháng 11, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17 tháng 11, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 17 tháng Mười Một, 2021

*****

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse và môi trường ngài sống” (Bài đọc Kinh Thánh: Mk 5:1, 2-3, 4).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho Ngày Quốc gia Cầu nguyện cho các Nạn nhân và Người Sống sót của nạn Lạm dụng, diễn ra vào ngày mai, và cho những công nhân ở Borgo Valbelluna.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


__________________________________

Bài Giáo lý về Thánh Giuse - 1. Thánh Giuse và môi trường ngài sống

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào ngày 8 tháng Mười hai năm 1870, Chân phước Piô IX đã công bố Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội Hoàn vũ. Một trăm năm mươi năm sau kể từ biến cố đó, chúng ta đang sống một năm đặc biệt dành riêng cho Thánh Giuse, và trong Tông thư Patris corde, cha đã tập hợp lại một số suy gẫm về ngài. Chưa từng có trước đây, ngày nay, trong thời điểm bị đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm nhiều thành phần, ngài có thể hỗ trợ, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Vì thế, cha quyết định dành một chủ đề giáo lý về ngài, điều mà cha hy vọng có thể hỗ trợ chúng ta nhiều hơn nữa để chúng ta được soi dẫn bởi tấm gương và chứng tá của ngài. Chúng ta sẽ nói về Thánh Giuse trong một vài tuần.

Có trên mười người trong Kinh thánh mang tên Giuse. Người quan trọng nhất trong số đó là con trai tổ phụ Gia-cóp và bà Rachel, người đã trải qua nhiều thăng trầm, từ nô lệ trở thành người quan trọng thứ hai ở Ai Cập sau vua Pharaoh (x. St 37-50). Tên Giuse trong tiếng Do Thái có nghĩa là “xin Đức Chúa gia tăng, xin Đức Chúa ban cho sự tăng trưởng”. Đó là một ước muốn, một phúc lành đặt nền tảng trên niềm tin vào sự quan phòng và đặc biệt là về khả năng sinh sản và nuôi dạy con cái. Thật vậy, chính cái tên này đã tiết lộ cho chúng ta một khía cạnh quan trọng trong tính cách của Thánh Giuse người Nadarét. Ngài là một người đầy lòng tin vào sự quan phòng: ngài tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài vững tin vào sự quan phòng của Chúa. Mọi hành động của ngài, như được thuật lại trong Tin Mừng, đều thể hiện sự chắc chắn rằng Thiên Chúa “ban cho sự tăng trưởng”, rằng Thiên Chúa Trời “làm gia tăng”, rằng Chúa “cộng thêm vào”: nghĩa là Thiên Chúa trao ban để tiếp tục chương trình cứu độ của Người. Và về điều này, Giuse người làng Nadarét rất giống với Giuse của Ai Cập.

Tham chiếu địa lý đầu tiên về Thánh Giuse, thành Bêlem và làng Nadarét, cũng đóng một vai trò quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về ngài.

Trong Cựu Ước, thành Bêlem được gọi là Beth Lechem, tức là “Ngôi nhà bánh mì”, hay còn gọi là Ephrathah, theo tên của bộ lạc định cư tại đó. Tuy nhiên, trong tiếng Ả Rập, tên này có nghĩa là “Ngôi nhà của thịt”, có lẽ vì số lượng lớn các đàn cừu và dê trong vùng. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên khi Chúa Giêsu sinh ra, các mục đồng là những người đầu tiên chứng kiến biến cố này (x. Lc 2:8-20). Dưới ánh sáng của câu chuyện về Chúa Giêsu, những ngụ ý chỉ về bánh và thịt này hàm ý nói đến mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6:51). Ngài sẽ giới thiệu về mình: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6:54).

Bêlem được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh, từ xa xưa trong Sách Sáng thế ký. Bêlem cũng được liên kết với câu chuyện của bà Rút và bà Na-o-mi, được kể trong Sách Rút ngắn gọn nhưng tuyệt vời. Bà Rút sinh một người con trai tên là Ô-vết, người sinh ra Gie-sê, thân phụ của Vua Đa-vít. Và chính từ dòng dõi của Đa-vít dẫn đến hậu duệ là Thánh Giuse, là cha của Chúa Giêsu. Bấy giờ, tiên tri Mikha đã báo trước những điều trọng đại về Bêlem: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” (Mk 5:1). Thánh sử Mátthêu tiếp nối lời tiên tri này và kết nối nó với câu chuyện về Chúa Giêsu như sự ứng nghiệm rõ ràng của nó.

Quả thật, Con Thiên Chúa không chọn Giêrusalem làm nơi nhập thế mà là Bêlem và Nadarét, hai ngôi làng hẻo lánh, xa cách sự ồn ào của tin tức và các giới quyền lực thời bấy giờ. Tuy nhiên, Giêrusalem là thành phố được Chúa yêu thương (x. Is 62:1-12), là “thành thánh” (Đn 3:28), được Thiên Chúa chọn làm nơi cư ngụ (x. Dcr 3:2; Tv 132: 13) ). Thật vậy, đây là nơi cư ngụ của các thầy thông Luật, các kinh sư và người Pharisêu, các thượng tế và các kỳ lão trong dân (x. Lc 2:46; Mt 15:1; Mc 3:22; Ga 1:19; Mt 26:3).

Đây là lý do tại sao sự lựa chọn Bêlem và Nadarét cho chúng ta biết rằng vùng ngoại vi và cận biên được Thiên Chúa ưu ái hơn. Chúa Giêsu đã không sinh ra ở Giêrusalem, với tất cả triều đình… không, Ngài sinh ra ở một vùng ngoại vi và trải qua cả cuộc đời Ngài, cho đến năm ba mươi tuổi, ở vùng ngoại vi đó, làm thợ mộc như Thánh Giuse. Đối với Chúa Giêsu, những vùng ngoại vi và cận biên được ưu ái hơn. Không xem xét sự kiện này cách nghiêm túc thì cũng giống như không quan tâm cách nghiêm túc đến Tin Mừng và công việc của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục tỏ mình ra trong các vùng ngoại vi của địa lý và cuộc sống.

Chúa luôn hành động cách âm thầm trong các vùng ngoại vi, ngay cả trong linh hồn của chúng ta, trong các vùng ngoại vi của linh hồn, đó là những cảm giác, có thể là những cảm giác xấu hổ; nhưng Chúa ở đó để giúp chúng ta tiến về phía trước. Chúa tiếp tục tỏ mình ra trong các vùng ngoại vi, cả về địa lý và cuộc sống. Đặc biệt, Chúa Giêsu đi tìm kiếm những người tội lỗi; Ngài đi vào nhà của họ, nói chuyện với họ, kêu gọi họ hoán cải. Và Ngài cũng bị trách móc vì điều này: “Nhưng nhìn xem, Thầy này”, các luật sĩ nói, “Hãy nhìn Thầy này: ông ta ngồi ăn với những kẻ tội lỗi, ông ta bị ô uế”. Ngài cũng đi tìm kiếm những người không làm điều ác nhưng phải chịu đựng nó: người bệnh, người đói, người nghèo, người hèn mọn nhất. Chúa Giêsu luôn đi ra vùng ngoại vi của tâm hồn chúng ta, vùng ngoại vi của linh hồn chúng ta, đây là nơi phần nào bị che khuất mà chúng ta không thể hiện ra, có lẽ vì xấu hổ.

Về điểm này, xã hội thời đó cũng không khác xã hội chúng ta là mấy. Ngày nay cũng vậy, có vùng trung tâm và ngoại vi. Và Giáo Hội biết rằng Giáo hội được kêu gọi để loan báo tin mừng từ vùng ngoại vi. Thánh Giuse, một người thợ mộc đến từ làng Nadarét và tin tưởng vào chương trình của Chúa dành cho vị hôn thê trẻ của mình và cho chính bản thân ngài, nhắc nhở Giáo hội hãy chú ý đến những gì thế giới cố tình lờ đi. Hôm nay thánh Giuse dạy chúng ta điều này: “Đừng quá chú trọng vào những gì thế gian ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, nhìn trong những bóng tối, nhìn vào những vùng ngoại vi, nhìn vào những gì thế gian không muốn nhìn”. Ngài nhắc nhở mỗi chúng ta hãy xem trọng những gì người khác loại bỏ. Theo ý nghĩa này, ngài thật sự là một bậc thầy về điều trọng yếu: ngài nhắc nhở chúng ta rằng những gì thật sự quan trọng không thu hút sự chú ý của chúng ta, nó đòi hỏi sự phân định kiên trì để khám phá và hiểu rõ giá trị. Khám phá những gì là quan trọng. Chúng ta xin ngài cầu bầu để toàn thể Giáo hội có thể phục hồi sự thấu suốt này, khả năng phân biệt này, khả năng tìm ra được điều gì là trọng yếu. Chúng ta hãy bắt đầu lại từ Bêlem, chúng ta hãy bắt đầu lại từ Nadarét.

Hôm nay, cha muốn gửi một thông điệp đến tất cả mọi người sống trong các vùng ngoại vi địa lý bị lãng quên nhất trên thế giới, hoặc những người đang sống trong những hoàn cảnh bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Ước mong anh chị em tìm thấy nơi Thánh Giuse là chứng nhân và là người bảo vệ để tìm đến. Chúng ta hãy hướng về ngài bằng lời cầu nguyện này, một lời cầu nguyện “tự phát”, nhưng là lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim:

Lạy Thánh Giuse,

Ngài là người luôn tín thác vào Chúa,

và đưa ra những lựa chọn

được soi sáng bởi sự quan phòng của Chúa,

xin dạy chúng con không quá cậy dựa vào những chương trình của chúng con

nhưng là chương trình yêu thương.

Ngài là người đến từ vùng ngoại vi

xin giúp chúng con thay đổi cách nhìn của chúng con

và quan tâm hơn đến những gì thế gian loại bỏ và gạt ra ngoài.

Xin an ủi những người cô đơn

và hỗ trợ những người âm thầm làm việc

để bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Amen.

_________________________________


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Ngày mai tại Ý, chúng ta sẽ kỷ niệm lần đầu tiên Ngày Quốc gia Cầu nguyện cho các Nạn nhân và Người sống sót sau nạn Lạm dụng, do Hội đồng Giám mục thúc đẩy. Tôi hy vọng rằng sáng kiến này có thể là một cơ hội để suy ngẫm, nhận thức và cầu nguyện để hỗ trợ sự phục hồi về mặt tinh thần và con người của các nạn nhân. Nhiệm vụ hàng đầu của tất cả những ai có trách nhiệm giáo dục trong gia đình, trong giáo xứ, trong trường học, ở những nơi giải trí và thể thao, là phải bảo vệ và tôn trọng những thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi được giao phó cho sự chăm sóc của họ, bởi vì chính những nơi này thường xảy ra sự lạm dụng nhiều nhất.

* * *

Suy nghĩ của tôi hướng về các công nhân của vùng Borgo Valbelluna và khu vực, họ lo lắng về việc làm trong tương lai của mình. Trước những vấn đề cấp bách của họ, tôi cùng với các giám mục và linh mục quản xứ trong khu vực bày tỏ sự gần gũi của mình. Tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành rằng trong hoàn cảnh này, cũng như trong những hoàn cảnh tương tự khác, khi có quá nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thì luận lý của lợi nhuận không được chiếm ưu thế, mà là sự chia sẻ công bằng và tình liên đới. Con người và nhân phẩm phải luôn được đặt ở trung tâm của mọi vấn đề việc làm; khi bạn không kiếm được miếng ăn, bạn đánh mất phẩm giá của mình! Chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều cho những người này.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2021]


Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

ALC | CC BY-SA 4.0

V. M. Traverso

17/11/21


Chỉ cách Roma một giờ đi xe, Orvieto là một minh chứng sống động cho lịch sử Công giáo sinh động của thị trấn.

Được xây dựng trên đỉnh một vách đá núi lửa ở vùng nông thôn Umbria, Orvieto là một trong những thị trấn trên đỉnh đồi quyến rũ nhất miền trung nước Ý. Tên thị trấn bắt nguồn từ tiếng Latinh urbs vetus (“thành phố cổ”), đề cập đến các khu định cư ban đầu của con người được thiết lập ở đây từ thời đồ đá cũ.

Lịch sử Kitô giáo của thành phố chính thức bắt đầu vào thế kỷ 11 với việc xây dựng Nhà thờ San Giovenale (1004), được xây trên nền một nhà thờ Kitô giáo thời sơ khai, ngôi nhà thờ cổ này được xây dựng trên địa điểm của một ngôi đền trước kia của người Etruscan. Thật vậy, hầu hết các tòa nhà ở Orvieto đều được xây dựng trên các địa điểm của người Etruscan đã có từ trước. Thành phố thực sự được xây dựng trên một hệ thống các đường hầm trong hang động phức tạp thuộc văn minh Etruscan có niên đại 2.500 năm. Một số nhà sử học tin rằng những người Kitô giáo thời sơ khai đã sử dụng một số công trình ngầm này để cử hành Thánh lễ nhằm tránh con mắt công chúng khi Kitô giáo bị cấm.

Trong thế kỷ 12, thị trấn đã ký một thỏa thuận với giáo hoàng và trở thành một phần của Nhà nước Vatican, và Đức Giáo hoàng Urban IV (1195-1264) tạm thời chuyển nơi ở của ngài đến Orvieto.

Chính trong thời gian này, một trong những biến cố quan trọng nhất đối với lịch sử Công giáo của thành phố đã xảy ra. Năm 1262, một linh mục người Đức, Peter of Prague, đã đến thăm thành phố Bolsena gần đó. Khi bắt đầu cử hành Thánh lễ trước mộ Thánh Christina, linh mục đối mặt với một sự hoài nghi. Cha không chắc rằng Mình Thánh thực sự là thân thể của Đức Kitô. Chỉ một lát sau khi truyền phép, Cha Peter of Prague nhận thấy những giọt máu chảy ra từ đó. Không biết phải phản ứng thế nào, Cha rời Bolsena để đến gặp Đức Giáo hoàng Urban IV ở Orvieto và xin lời khuyên. Đức Giáo hoàng đã ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra tìm hiểu sự thật, và sau đó tuyên bố biến cố Mình Thánh chảy máu là một phép lạ. Ngài ra lệnh đưa Bánh Thánh và khăn thánh nhuốm máu đến Orvieto và đặt trong Nhà thờ Chính tòa.

Hàng năm, người dân địa phương kỷ niệm biến cố trong ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hàng năm, được tổ chức vào Chúa nhật thứ hai sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. “Khăn Thánh của Bolsena” được rước kiệu qua thị trấn trong một đám rước đầy màu sắc, nơi các gia đình địa phương trưng bày những huy hiệu cũ hàng thế kỷ của họ và thậm chí cả vũ khí thuộc về những người Orvieto nổi tiếng.

Độc giả xem các ảnh dưới để tìm hiểu về những gì sẽ thấy trong chuyến hành hương ở Orvieto:

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Một ngày ở Orvieto

Bạn có thể dễ dàng đến Orvieto từ Roma bằng ô tô hoặc tàu hỏa (khoảng một giờ). Bạn có thể đến trung tâm thành phố lịch sử từ ga xe lửa Orvieto bằng cáp treo trên một tuyến đường tuyệt đẹp nhìn ra vùng nông thôn Umbria phủ đầy cây bách.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Nhà thờ Chính tòa Orvieto

Được xây dựng từ năm 1290 đến năm 1591 để tôn vinh sự Thăng thiên của Mẹ Maria Đồng trinh, Nhà thờ Chính tòa Orvieto là một nơi tuyệt vời để bắt đầu chuyến hành hương của bạn. Với một cửa sổ hình hoa hồng lớn, ba cửa lớn bằng đồng và đồ khảm nhiều màu sắc, mặt tiền nhà thờ là một bản tóm tắt các yếu tố nổi bật nhất của kiến trúc Ý giữa thế kỷ 13 và 16. Bên trong cũng là một kho tàng các tác phẩm nghệ thuật, với bức tượng điêu khắc Pietà (1579)) và một loạt các bức bích họa tuyệt đẹp của họa sĩ Fra Angelico và Luca Signorelli, bao gồm cả một mái vòm với các bích họa.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Bên trong Nhà thờ Chính tòa

Cả bên trong và bên ngoài nhà thờ đều được xây dựng bằng đá đen (bazan) và đá trắng (travertine) xen kẽ tạo cho nó một vẻ thanh lịch và yên bình. Nhà nguyện Khăn Thánh, ở góc phía bắc, là nơi lưu giữ khăn thánh dính máu nổi tiếng của phép lạ Bolsena. Người hành hương từ mọi miền trên thế giới thực hiện chuyến đi đến Orvieto để được xem Khăn Thánh nổi tiếng.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Giếng Thánh Patrick

Được xây dựng vào thế kỷ 15 theo lệnh của Đức Giáo hoàng Clement VII, người đã ẩn náu ở Orvieto trong cuộc Cướp phá Roma vào năm 1527, giếng sâu 200 bộ (gần 61 m) này là một kỳ công của kiến trúc dưới lòng đất. Được xây dựng để lấy nguồn nước ngọt trong trường hợp bị bao vây, nó có hai cầu thang theo hình xoắn ốc với 248 bậc dẫn đến đáy giếng đầy nước.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Nhà thờ San Francesco

Được xây dựng vào năm 1227 trên đỉnh cao nhất của vách đá mà thị trấn Orvieto tọa lạc, nhà thờ theo phong cách Rômăng này từng là bối cảnh cho các biến cố lịch sử quan trọng như lễ phong thánh Vua nước Pháp bởi Đức Giáo hoàng Boniface VIII. Đây cũng là nhà thờ thứ hai trong lịch sử Công giáo được xây dựng để tôn vinh Thánh Phanxicô, sau Vương cung thánh đường Assisi.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Torre del Moro

Còn được gọi là Tháp Giáo hoàng, tòa tháp cao 47 mét này được xây dựng để có thể nhìn ra khu vực xung quanh Orvieto và phát hiện những dấu hiệu sớm về những cuộc tấn công tiềm ẩn của địch quân. Ngày nay, nó cho một quang cảnh tuyệt đẹp nhìn ra vùng nông thôn xung quanh Orvieto, bao gồm cả khu phức hợp tu viện La Badia, một đan viện Biển Đức có từ năm 1100 nay đã biến thành khách sạn.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Nhà thờ Thánh Andrea

Được xây dựng trên đỉnh khu định cư của người Etruscan trước đây và một nhà nguyện Kitô giáo thời sơ khai, Nhà thờ Sant’Andrea nằm ở trung tâm Orvieto đẹp như tranh vẽ bên cạnh một tòa tháp 12 mặt. Du khách có thể thăm quan các bức tranh khảm của nhà thờ Kitô giáo trước đây cũng như các di tích khảo cổ học Etruscan với một hướng dẫn viên. Các Đức Giáo hoàng Martin IV, Nicholas IV và Boniface VIII đều được chọn tại đây, khiến Sant’Andrea trở thành một vị trí then chốt trong lịch sử Công giáo của Orvieto.

Hành hương đến Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi của phép lạ Thánh Thể

Hành hương đến Bolsena

Độc giả quan tâm đến các chuyến hành hương sẽ hài lòng khi biết rằng có thể đến Bolsena, nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể, qua Orvieto bằng lối đi bộ bao gồm một phần của tuyến đường Via Francigena nối Pháp với Đất Thánh. Từ Orvieto đi qua Via Pozzo della Cava và sau đó là Dritta del Marchigiano đến Tamburino. Bạn sẽ tìm thấy nhiều bảng chỉ dẫn đường đến Bolsena dọc theo con đường ngắm cảnh dài 9,2 dặm (gần 15km) có quang cảnh tuyệt đẹp nhìn ra hồ Bolsena.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2021]