Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Đức Phanxico: Hành trình huynh đệ là một dấu chỉ cho thế giới

Đức Phanxico: Hành trình huynh đệ là một dấu chỉ cho thế giới

Trong lời chào thăm ngài đọc tại Thánh đường Tông truyền Etchmiadzin, chặng dừng chân thứ nhất của chuyến viếng thăm đến Armenia, Đức Thánh Cha giải thích rằng sự đối thoại giữa những Ki-tô giáo cho thấy “xã hội chung nhất” “một con đường vững chắc để hòa hợp những xung khắc làm tan tác đời sống con người”

pope in armenia
Đức Thánh Cha đến Armenia

24/06/2016
ANDREA TORNIELLI
IN ETCHMIADZIN
Đức Thánh Cha Phanxico nói về những mối quan hệ Ki-tô giáo trong suốt chuyến thăm của ngài đến Thánh đường Tông truyền Etchmiadzin, “Vatican của người Armenia”, tòa thánh của Giáo chủ Karekin II của tất cả người Armenia. Ngài giải thích: “Khi những hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi quyền năng của tình yêu của Chúa Ki-tô thì sự hiểu biết và yêu thương nhau sẽ lớn mạnh, một hành trình tiến đến huynh đệ tốt đẹp là điều có thể, và tất cả những người thiện chí, và một xã hội chung nhất được thể hiện là một con đường vững chắc để hòa hợp những xung khắc làm tan tác đời sống con người và tạo ra những chia cắt khó có thể chữa lành.” Như vậy, hành trình thống nhất không chỉ về những mối quan hệ giữa các giáo hội Ki-tô. Nó còn vượt xa hơn thế nhiều và là một dấu chỉ cho thế giới và cho nền hòa bình trên thế giới.
Khi đến Cửa vòm của tòa Tiridate, Đức Thánh Cha bị vấp giầy. Loạt chuông đồng ngân vang khi ngài đi vào thánh đường với Giáo chủ, trong khi ca đoàn hát bài thánh ca “Hrashapar”, tôn vinh Thánh Gregory the Illuminator. Khi tiến lên đến bàn thờ của “nơi Con Chí Ái” Đức Phanxico và Đức Karekin II hôn thánh giá và sách Thánh trước khi tiến lên bàn thờ chính nơi hai ngài ôm hôn vì hòa bình. Hai vị lãnh đạo tôn giáo sau đó thay nhau đọc Thánh vịnh 122: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi, ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa. Và giờ đây, Jerusalem hỡi.”
Giáo chủ sau đó ngỏ lời và đọc diễn văn trước Đức Thánh Cha: “Chuyến thăm của Đức Thánh Cha là một bằng chứng canh tân cho những mối quan hệ anh em và sự hợp tác của các Giáo hội chúng ta và làm tăng sức mạnh lẫn nhau giữa Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội Công giáo. Chuyến thăm của ngài cũng làm chúng ta ngập tràn sự lạc quan rằng những chứng tá đức tin, được làm mạnh mẽ thêm bằng tình yêu Ki-tô, sẽ được cảm nhận mạnh mẽ trong đời sống chúng ta.”
Đến phần ngài Phanxico nói rằng thật là “cảm động” cho ngài đã được bước qua 3 ngưỡng cửa của thánh đường và ngài cảm ơn Đức Karekin II đã tiếp đón ngài tại nơi ở của ngài tại Etchmiadzin trong suốt 2 đêm ở lại đất nước: một “dấu chỉ tình yêu” và đó là “những bằng chứng hùng hồn, rõ ràng hơn bất kỳ từ ngữ nào có thể diễn tả, về ý nghĩa của tình anh em và đức ái huynh đệ.” Đức Thánh Cha sau đó nhắc lại rằng đối với Armenia “niềm tin vào Đức Ki-tô không phải như một tấm áo choàng để mặc vào hay cởi ra tùy theo những tình huống hoặc sự thuận tiện, nhưng là một phần quan trọng của giá trị riêng của mình.” Armenia là quốc gia đầu tiên vào năm 301 “chấp nhận Ki-tô giáo là tôn giáo của đất nước, trong khi thời điểm đó tình trạng bách hại đang diễn ra ác liệt trong khắp đế quốc Roma.”
Đức Phanxico sau đó nói về những mối quan hệ tốt đẹp và sự đối thoại mở rộng giữa hai Giáo hội, tiếp nối Đức Giáo chủ Vasken I và Karekin, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II và Benedict XVI. Một trong những thời khắc quan trọng nhất của nỗ lực đại kết là “cuộc tưởng niệm những Chứng tá Đức tin trong thế kỷ XX trong suốt Đại Năm thánh 2000;” sự chuyển giao cho Đức Karekin II thánh tích của Người Cha của Ki-tô hữu Armenia là thánh Gregory the Illuminator cho Thánh đường Yerevan, và Tuyên ngôn chung được ký bởi Đức Gioan Phaolo II và Đức Giáo chủ hiện nay. Ngôn ngữ ngài sử dụng nhẹ nhàng phảng phất sự hoài hương và dường như không cho thấy sẽ có một tuyên ngôn chung nào vào lúc này, trừ khi có những điều ngạc nhiên vào phút cuối.
Đức Phanxico tiếp tục vạch ra con đường thống nhất qua đó liên kết các Ki-tô giáo trong sự phục vụ, ngài nói rằng thế giới “được đánh dấu bằng những chia rẽ và xung đột, cũng như bằng những hình thức u ám của sự đói nghèo vật chất và tinh thần, trong đó có sự bóc lột con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Thế giới đang mong chờ ở những Ki-tô giáo một tình yêu thương lẫn nhau và sự hợp tác huynh đệ để có thể hé lộ ra trong lương tâm mỗi con người quyền năng và sự thật của sự Phục sinh của Chúa Ki-tô. Sự cam kết kiên trì và nhẫn nại để tiến đến hiệp nhất trọn vẹn, sự phát triển những sáng kiến chung và hợp tác giữa tất cả các môn đệ của Chúa qua sự phục vụ những lợi ích chung: tất cả những điều này giống như một ánh sáng chiếu tỏa trong đêm đen và là một mệnh lệnh để trải nghiệm những sự khác biệt của chúng ta bằng một thái độ bác ái và hiểu biết lẫn nhau.”
Đức Phanxico giải thích rằng, tinh thần của sự hiệp nhất, con đường đối thoại và hợp tác “tạo nên một giá trị mẫu mực vượt ra ngoài cả những phạm vi hữu hình của cộng đoàn; nó đưa ra cho mọi người một yêu cầu bắt buộc để ngăn chặn những chia rẽ qua đối thoại và trân trọng tất cả những điều làm chúng ta nên hiệp nhất.” “Nó cũng ngăn cản sự bóc lột và lôi kéo đức tin, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tái khám phá cội rễ căn tính của đức tin, và để đối thoại, bảo vệ và rao giảng chân  lý với lòng tôn trong chân giá trị của mỗi con người và qua những cách thức thể hiện tình yêu và sự cứu độ mà chúng ta muốn loan truyền. Bằng cách này, chúng ta giới thiệu với thế giới – cũng đang rất cần điều này – một chứng tá thuyết phục rằng Đức Ki-tô vẫn đang hiện hữu và đang hoạt động, có thể mở ra những con đường mới để tái hòa hợp giữa các dân tộc, các nền văn minh và tôn giáo. Chúng ta giới thiệu ra một chứng tá xác thực rằng Thiên Chúa là tình yêu và thương xót.”

[Nguồn: vaticaninsider]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/06/2016]



Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các giới chức Armenia, các đoàn ngoại giao

Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các giới chức Armenia, các đoàn ngoại giao

‘Thật buồn, thảm kịch đó, cuộc diệt chủng đó, là khởi đầu của một loạt những thảm cảnh đáng trách của thế kỷ trước, tạo tiền đề cho những mục tiêu sắc tộc, hệ tư tưởng và tôn giáo tồi tệ đã làm u ám trí óc của những con người khốn khổ thậm chí tới mức lên kế hoạch tiêu diệt tất cả các dân tộc.’
24 tháng 6, 2016
pope francis' address
Đức Thánh Cha nói chuyện với các giới chức ở Armenia ... CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp bài diễn văn chiều nay của Đức Thánh Cha Phanxico trước các giới chức Armenia và các đoàn ngoại giao:
***
Kính thưa ngài Tổng thống,
Các giới chức cao quý,
Thưa các vị thành viên của các đoàn ngoại giao,
Anh chị em thân mến,
Thật là một niềm vui lớn cho tôi khi được đến đây, được đặt chân lên mảnh đất yêu thương của Armenia, để chào thăm một dân tộc với những truyền thống xa xưa và phong phú, một dân tộc đã có được những chứng tá đức tin can đảm và đã phải chịu rất nhiều đau khổ, nhưng vẫn tự mình thể hiện năng lực tái sinh không ngừng.
“Bầu trời xanh ngọc lam, những dòng nước trong vắt, ngập tràn ánh sáng, mặt trời mùa hè và cảnh mùa đông đáng tự hào … những tảng đá cổ xưa … những quyển sách chữ khắc cổ đại  đã trở thành một lời kinh cầu” (ELISE CIARENZ, Ode to Armenia). Đây là một vài trong số những hình ảnh sống động mà một trong những nhà thơ nổi tiếng của quý vị đã cho chúng ta sự minh họa lịch sử phong phú và vẻ đẹp tự nhiên của Armenia. Những hình ảnh đó đã khẳng định cho di sản giàu có và những trải nghiệm đầy vinh quang và kịch tính của một dân tộc và một tình yêu vững bền đối với đất nước.
Tôi xin chân thành cảm ơn ngài Tổng thống về những lời chào đón nồng hậu của ngài đại diện cho chính phủ và người dân Armenia, và về lời mời trang trọng của ngài đã cho phép tôi có thể đáp trả lại chuyến viếng thăm của ngài đến Vatican năm ngoái. Tại đó ngài đã tham dự một lễ kỷ niệm long trọng trong quảng trường Thánh Phê-rô, cùng với Đức Giáo chủ cao quý Karekin II, Giáo chủ Đại thượng phụ Tối cao của Toàn thể Armenia, và Đức Aram I, Giáo chủ của Great House of Cilicia, và Chân phước Nerses Bedros XIX, Đại thượng phụ của Cilicia thuộc giáo hội Armenia, vừa qua đời. Đây là lễ tưởng niệm 100 năm biến cố Metz Yeghérn, “Thảm kịch kinh hoàng,” đã rơi vào dân tộc của quý vị và gây ra cái chết cho quá nhiều người. Thật buồn, thảm kịch đó, cuộc diệt chủng đó, là khởi đầu của một loạt những thảm cảnh đáng trách của thế kỷ trước, tạo tiền đề cho những mục tiêu sắc tộc, hệ tư tưởng và tôn giáo tồi tệ đã làm u ám trí óc của những con người khốn khổ thậm chí tới mức lên kế hoạch tiêu diệt tất cả các dân tộc.
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng với người dân Armenia, được soi sáng dưới ánh sáng Tin mừng, ngay cả trong những thời khắc thảm khốc nhất của lịch sử, đã luôn tìm thấy trong thập giá và sự Phục sinh của Đức Ki-tô sức mạnh để vươn dậy và lại một lần nữa làm chủ hành trình với nhân cách cao quý. Điều này cho thấy chiều sâu đức tin Ki-tô giáo của họ và những kho báu hy vọng và ủi an vô biên của đức tin đó. Đã chứng kiến được những hậu quả khủng khiếp của lòng hận thù, của định kiến và những tham vọng vô hạn quyền thống trị dẫn lối con người trong thế kỷ vừa qua, tôi bày tỏ lòng khát khao hy vọng rằng nhân loại sẽ học được từ những kinh nghiệm đau thương đó sự cần thiết phải hành động có trách nhiệm và khôn ngoan để tránh nguy cơ lặp lại những kinh hoàng đó. Xin cho tất cả những người đang nỗ lực bảo đảm rằng bất cứ khi nào những xung đột xuất hiện giữa các dân tộc, thì sự đối thoại, sự tìm kiếm hòa bình đích thực và nhẫn nại, sự hợp tác giữa các chính phủ và những cam kết bền vững của các tổ chức quốc tế sẽ luôn thắng thế, với mục tiêu tạo ra được bầu khí tin tưởng hứa hẹn cho việc đạt được những thỏa ước dài lâu.
Giáo hội Công giáo mong muốn được hợp tác tích cực với tất cả những ai đang hướng đến một tương lai văn minh và tôn trọng quyền con người, để những giá trị tinh thần sẽ chiến thắng trong thế giới của chúng ta và những ai làm vấy bẩn ý nghĩa và vẻ đẹp đó sẽ bị vạch trần theo đúng nghĩa. Trong ý nghĩa này, điều quan trọng tuyệt đối cho tất cả những người đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa phải biết liên kết lại thành những sức mạnh để cô lập những ai sử dụng tôn giáo nhằm thúc đẩy chiến tranh, đàn áp và bách hại bằng bạo lực, bóc lột và bóp méo danh thánh Thiên Chúa.
Đặc biệt, ngày nay người Ki-tô hữu thậm chí hơn bao giờ hết đang trong thời gian tử đạo sơ khởi, ở một số nơi đang phải trải qua những sự kỳ thị và bách hại chỉ đơn giản vì họ tuyên xưng đức tin của họ. Đồng thời, có quá nhiều những xung đột ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới vẫn chưa được giải quyết, gây ra những đau thương, tàn phá và những tình trạng di cư bắt buộc của các dân tộc. Điều quan trọng cho tất cả những người chịu trách nhiệm về tương lai của các dân tộc phải đương đầu một cách can đảm và không được trì hoãn những sáng kiến nhằm kết thúc những đau khổ này, đặt mục tiêu chính của họ là tìm kiếm nền hòa bình, bảo vệ và đón nhận những nạn nhân của sự xâm lược và bách hại, thúc đẩy công lý và phát triển bền vững. Dân tộc Armenia đã trải qua những hoàn cảnh như vầy; họ đã trải qua những chịu đựng và đau khổ; họ đã trải qua sự bách hại; họ giữ lại không những ký ức của chỉ nỗi đau của quá khứ, nhưng là tinh thần làm cho họ luôn luôn vươn dậy. Tôi xin động viên anh chị em không từ bỏ sự đóng góp quý báu của mình cho cộng đồng quốc tế.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ 25 nền độc lập của Armenia. Đây là một thời khắc chan hòa niềm vui, nhưng cũng là một cơ hội để giữ vững những mục tiêu đã đạt được, và để thúc đẩy những mục tiêu mới cho tương lai. Việc mừng lễ kỷ niệm hạnh phúc này sẽ trở nên đầy đủ ý nghĩa hơn nếu nó là một lễ mừng cho tất cả mọi người dân Armenia, cho cả những người trong nước và người ly tán, một thời khắc đặc biệt để nhóm họp và hợp sức vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển dân sự và xã hội của quốc gia, một điều rất hợp lý và bao hàm tất cả. Việc này sẽ bao hàm sự quan tâm đều đặn để bảo đảm sự tôn trọng những mệnh lệnh đạo đức về công lý bình đẳng cho tất cả mọi người và sự tương trợ đối với những người kém may mắn hơn (GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO II, Diễn văn tạm biệt từ Armenia, 27 tháng 9 2001: Insegnamenti XXIX/2 [2001], 489). Lịch sử đất nước của quý vị chạy song song với giá trị Ki-tô giáo được bảo tồn qua nhiều thế kỷ. Giá trị đó, chẳng những không làm cản trở sự vững bền tốt đẹp của nhà nước, mà còn đòi hỏi phải nuôi dưỡng nó, thúc đẩy sự đóng góp trọn vẹn của tất cả mọi người vào đời sống xã hội, sự tự do tôn giáo và tôn trong những nhóm thiểu số. Một tinh thần hiệp nhất giữa mọi người dân Armenia và một cam kết phát triển để tìm ra những phương cách hữu ích giúp vượt qua căng thẳng với những quốc gia láng giềng, sẽ mở rộng sự nhận thức của những mục tiêu quan trọng này, và mở đầu cho đất nước Armenia một kỷ nguyên tái sinh thực sự.
Giáo hội Công giáo hiện diện trong đất nước này với những nguồn nhân lực rất hạn chế, tuy nhiên rất sẵn sàng đưa ra những đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt qua công tác với người nghèo và người cô thế trong những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, và cũng còn trong lĩnh vực đặc biệt cứu trợ bác ái. Điều này được nhìn thấy qua công việc được thực hiện trong suốt 25 năm qua của Bệnh viện Mẹ Chúa Cứu Thế ở Ashotsk, viện giáo dục ở Yerevan, những sáng kiến của Caritas Armenia và những công trình được quản lý bởi nhiều đoàn thể tôn giáo khác nhau.
Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành và bảo vệ Armenia, một mảnh đất rạng ngời đức tin, lòng can đảm của những vị tử đạo và niềm hy vọng là bằng chứng mạnh mẽ vượt lên trên bất kỳ nỗi đau nào.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]

[Nguồn:zenit.org]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/06/2016]